Hạng Thành để lại cho Biên Hoang Tập, ngoài những bức tường đổ nát, những hào và sông hộ thành bị san bằng, thì chỉ có một gác chuông lớn, cao đến mười lăm trượng nằm ở trung tâm thị tập, trong gác còn bỏ lại chiếc chuông
đồng, giống như một dấu tích thần thánh.
Có hai con đường lớn giao nhau và chạy xuyên qua dưới gác chuông, tỏa ra bốn nhánh chính từ gác chuông đến bốn cửa Đông Nam Tây Bắc, tên gọi lần lượt là Đông Môn Đại Nhai, Nam Môn Đại Nhai, Tây Môn Đại Nhai và Bắc Môn Đại Nhai, những nhánh con khác, từ bốn nhánh lớn song song tỏa ra. Chu vi thành quây dài mười hai dặm, cũng là một quy mô thành thị khá lớn thời bấy giờ.
Nhà phố, lầu gác, cửa hiệu trong Tập mới được lục tục xây dựng chừng mười năm trở lại đây, phần lớn là những kiến trúc bằng gỗ và đá thiết kế đề cao sự tiện dụng, trông đơn sơ mộc mạc, nhưng đầy ắp sự đặc sắc về phong cách của các dân tộc cư trú trong Biên Hoang Tập, phản ánh những tập quán sinh hoạt và tín ngưỡng khác nhau.
Ở Biên Hoang Tập, tất cả lấy lợi ích làm mục tiêu, không có bằng hữu vĩnh viễn, cũng không có địch nhân vĩnh viễn. Sự cừu hận giữa các dân tộc liên tục hằn sâu, nhưng hiện thực lại buộc họ phải chịu đựng, phải thỏa hiệp với nhau, đạt tới một sự cân bằng vi diệu trong hoàn cảnh tuyệt nhiên không ổn định và tùy thời đều có thể sinh biến này.
Mảnh đất Biên Hoang Tập, chính là sự phản chiếu thu nhỏ tình hình thực tế của trung thổ, với lực lượng mạnh nhất là Đê Bang, kế đó theo thứ tự là Tiên Ti Bang, Hung Nô Bang, Hán Bang, Khương Bang và Yết Bang. Sáu thế lực lớn này, phân chia lợi ích của Biên Hoang Tập.
Vị thế của Hán Bang có phần đặc biệt, vì là bang hội duy nhất kiểm soát được hàng hóa từ phương Nam lại, những tộc khác cần đến sự hợp tác của Hán Bang mới có thể kinh doanh kiếm lợi. Tuy nhiên vị thế ấy, cùng với sự thảo phạt xuống Nam của Đê Tần, đã hoàn toàn thay đổi.
Cho dù Đê Bang thế lực mạnh nhất, nhưng bình thời cũng không dám mạo nhiên công kích bất kỳ một bang phái nào, nếu không lưỡng bại câu thương, tất khó tránh khỏi kiếp vận bị trục xuất khỏi Biên Hoang Tập.
Đừng nghĩ rằng nơi đây chỉ toàn là cường đồ hung hãn. Bốn con đường chính lúc nào cũng phồn thịnh nhiệt náo, nam nữ các tộc chen vai thích cánh, cửa tiệm cửa hiệu các loại san sát hai bên, thanh lâu đổ trường hạng gì cũng có, phạn điếm tửu quán trà thất khách trạm đầy đủ, nhưng nổi danh nhất không ai qua được Biên Hoang Đệ Nhất Lâu nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Hán Bang ở Đông Môn Đại Nhai. Lão bản Bàng Nghĩa kinh doanh sành sỏi, tài nghệ bếp núc siêu quần, đồ ăn thức uống vừa đa dạng, vừa hợp khẩu vị và tập quán ẩm thực của các dân tộc, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, lại nằm ở tuyệt thế giai tửu Tuyết Giản Hương do y tự tay cất lấy, thiên hạ chỉ có chính hãng của y, không đặt phân hiệu.
Đệ Nhất Lâu là một kiến trúc toàn bằng gỗ hiếm hoi ở Biên Hoang Tập, lầu cao hai tầng, mỗi tầng xếp được khoảng ba mươi cái bàn tròn lớn mà vẫn thông thoáng rộng rãi. Ở tầng trên, mạn gần đường có một ngăn riêng quây giậu gỗ, trong ngăn đặt một cái bàn.
Lúc này ở tầng hai Đệ Nhất Lâu hoàn toàn vắng vẻ, chỉ có một mình Yến Phi trong ngăn đó, đang tựa vào bàn, một vò một chén, tự rót tự uống, ánh mắt ưu tư dõi xuống Đông Môn Đại Nhai bên dưới.
Dưới ấy toàn là người Hán đang chen chúc rời khỏi Biên Hoang Tập, từ các đường nhánh cũng liên tục có người ùn ùn đổ ra, nhập vào đám đông tìm đường đào thoát.
Đông Môn Đại Nhai mới hôm qua vẫn phồn vinh thịnh vượng, giờ đã nhốn nháo tiếng người hét, ngựa hí, lừa kêu và tiếng bánh xe nghiến rào rạo mặt đường. Mọi cửa hiệu đều khóa kỹ, chẳng ai muốn trở thành nô lệ dưới ách Phù Kiên, đành thu nhặt tài vật tế nhuyễn, vội vã rời đi, giẫm đạp trên những ngả đường đào vong mờ mịt không đoán định.
So với cái "động" bên dưới, thì cái "tĩnh" của Yến Phi tỏ ra khác lạ một cách dị biệt. Thanh bảo kiếm Điệp Luyến Hoa uy nhiếp Biên Hoang, đang nằm trong vỏ, trên bàn, bên tay phải chàng, càng khiến người ta cảm thấy mức dị thường của tình hình. Sự đối sánh giữa "động" và "tĩnh", càng gây căng thẳng trước những bão táp sắp tràn về.
Tia sáng đầu tiên của ngày xuất hiện nơi chân trời Đông Môn, trên cao mây đen dày đặc, tựa như nung nấu một cơn cuồng phong bạo vũ, khiến trái tim người ta càng thêm trĩu nặng.
Tin Phù Kiên kéo quân sang vừa bay đến Biên Hoang Tập, ba cửa Nam, Bắc, Tây lập tức bị các tộc khác bịt kín, chỉ còn Đông Môn do Hán Bang kiểm soát là giành để người Hán sơ tán chạy nạn.
Yến Phi nâng chén lên uống cạn.
Đã tròn một năm rồi!
Một năm trước Yến Phi đặt chân lên Biên Hoang Tập, từ một kiếm thủ lặng lẽ vô danh, đến lúc phá xuất danh đường, trở thành một nhân vật không ai dám động tới; từ chỗ chán ghét nơi này, đến chỗ sinh lòng yêu thương nó sâu sắc, tư vị và những khúc mắc bên trong, người ngoài không tài nào biết được. Thoạt đầu, chàng tuyệt không quen nổi cái thị tập trắng trợn xé bỏ mọi thứ ngụy trang, người người bất chấp thủ đoạn vì mình mà tranh ích đoạt lợi này. Nhưng dần dần, chàng nhận ra cho dù trong hoàn cảnh ác liệt ti tiện như vậy, nhân tính vẫn còn le lói. Hiện tại thế cân bằng giữa các lực lượng ở Biên Hoang Tập đã bị sự xuất hiện của Phù Kiên triệt để phá hoại, trong lòng chàng bất giác cảm thấy mịt mờ.
Tất cả của tất cả, quá khứ, hiện tại và tương lai, đã mất hết mọi ý nghĩa, chỉ vì tình cảnh rối loạn khiến người ta lo lắng bất an này!
Chàng mơ hồ nhận thấy những ngày tháng trân quý nhất cuộc đời mình đã tan thành mây khói theo sự hung tàn của cuộc chiến tranh mù trời nam bắc. Bất luận cuối cùng hươu chết về tay ai, thiên hạ cũng không thể là cái thiên hạ của ngày xưa nữa. Tuy thiên hạ trước đây chẳng phải là có nhiều thứ đáng để lưu luyến, nhưng cơn ác mộng đang tới càng khiến người ta khó mà chịu đựng nổi.
Tiếng bước chân gấp gáp đi lên thang gác, làm đứt đoạn dòng suy nghĩ dập dồn của Yến Phi. Không cần ngoảnh đầu lại, chàng cũng biết đó là lão bản Bàng Nghĩa của Đệ Nhất Lâu, qua độ nặng nhẹ của bước chân, chàng đồng thời nhận ra nỗi hoảng hốt và sợ hãi trong lòng đối phương, đó là sự thường tình của con người.
Yến Phi lãnh đạm nói: "Nhớ giành thêm hai vò rượu ngon nữa cho ta, coi như để tạm biệt!".
Bàng Nghĩa lên lầu hai, xót xa nhìn quanh, ve vuốt một cách nặng lòng cái bàn gần chỗ y nhất, rèm mắt còn kịp thu lấy bóng dáng Yến Phi. Mỗi lần nhìn Yến Phi, y luôn cảm thấy bờ vai rộng ấy có thể chịu được bất kỳ gánh nặng nào, miễn là chàng muốn. Nếu không có Yến Phi tiếp quản nhiệm vụ bảo vệ Đệ Nhất Lâu, Bàng Nghĩa thật không biết phải làm ăn thế nào, tuy quan hệ giữa họ chỉ là làm thuê trả tiền, nhưng y vẫn hết sức cảm kích.
Yến Phi dường như không nhận thấy Bàng Nghĩa đến gần, kéo ghế xuống ngồi bên cạnh, mắt chàng cứ chằm chằm nhìn xuống đoàn nạn dân đang theo nhau rời khỏi Biên Hoang Tập.
Bàng Nghĩa là một đại hán vạm vỡ thô hào, mặt đầy râu quăn, y đưa mắt ngó Yến Phi rồi cau mày thắc mắc hỏi: "Sau khi người của Hán Bang đi hết, Quy Noãn Tử bên
Đê Bang sẽ nói chuyện đạo đức nhân nghĩa với ngươi sao? Hôm kia ngươi mới đánh trọng thương hai người của bọn chúng, đừng làm chuyện ngốc nghếch nữa! Mau cùng chúng ta đi đi!".
Cặp mắt của Yến Phi lúc đó, như chung đúc linh khí của trời đất, trong trẻo, rõ ràng mà sâu thẳm, bỗng thoáng qua một nét dị thường của hồi ức xa xôi.
Vùng đất hoang phế trải dài mấy trăm dặm quanh Biên Hoang Tập đấu tranh thù sát vĩnh viễn không ngưng này, đang chứng kiến một kiếp nạn của thời đại. So với nó, cặp mắt Yến Phi quả thực là một dị bẩm tuyệt nhiên khác lạ, khiến Bàng Nghĩa tạm thời quên đi hiện tại lãnh khốc vô tình.
Không ai rõ xuất thân lai lịch của Yến Phi, chàng tựa hồ đầy rẫy nhược điểm, nhưng người ngoài nhìn vào thường nghĩ chàng hoàn mỹ vô khuyết, bởi thân hình cao lớn đẹp đẽ, đường nét như được tạc từ đá Đại Lý trong suốt óng ánh, và càng bởi khí chất chàng bẩm sinh tự nhiên tiêu sái thoát tục. Có điều nếu đánh giá theo tiêu chuẩn của Bàng Nghĩa, Yến Phi không chỉ lười biếng, thái độ sống tiêu cực, mà còn là một tửu quỷ hoàn toàn, ý chí tiêu tán, không thèm hay biết mình đang lãng phí tuổi thanh xuân. Trong máu Yến Phi có lẽ pha trộn huyết thống người Hồ, nên ở chàng vừa có cái vẻ văn tú của người Hán, vừa mang một chút thô dã hào hùng của dân du mục Bắc phương. Nói tóm lại Yến Phi là một nhân vật xuất chúng, hồi mới gặp chàng Bàng Nghĩa đã không dám coi thường, tự nhủ chàng lăn lộn ở Biên Hoang Tập, làm một tay bảo tiêu thật là phí phạm tài năng.
Giọng nói thấp trầm, ấm áp mềm mại nhưng rõ ràng của Yến Phi như tiếng trống vụt gõ vào tai Bàng Nghĩa: "Ta còn nhớ huynh từng nói, đừng để nảy sinh tình cảm gì với người và vật ở Biên Hoang Tập... Kiếm đủ tiền rồi là đi xa thật xa, sau đó quên tất cả những việc đã xảy ra ở đây. Chúng ta vốn thỏa thuận từ đầu, huynh cho ta tiền tài, Yến Phi ta thay huynh giải nạn, một bán một mua, hai bên không thiếu nợ gì nhau. Đi đi! Hãy từ từ sống những ngày an lạc, mỗi tối ngủ khỏi phải lo lắng hôm sau Đệ Nhất Lâu có thể bị người ta phá hoại!".
Bàng Nghĩa cười khổ, thò tay giằng lấy chén Tuyết Giản Hương vừa được rót đầy, uống như đổ rượu vào trong cổ họng, tuyệt vọng nói: "Những ngày an lạc ư? Ôi! Đâu còn nơi nào sống được những ngày an lạc? Người Hán chúng ta không có hy vọng gì nữa rồi. Bàng Nghĩa ta đã mất bao gian khổ từ phương Bắc tháo chạy đến đây, thầm nghĩ ra sức kiếm được đủ tiền, rồi xuống phương Nam thành gia lập thất, an cư lạc nghiệp. Hiện tại tất cả đã hết rồi, Biên Hoang Tập cũng hết rồi, đất đai phương Nam cũng sẽ biến thành hung địa nhân gian sinh linh điêu tàn như phương Bắc, chúng ta đành sống lay lắt cho
qua ngày đoạn tháng thôi. Ngươi xem ta là huynh đệ hay không không quan trọng, ta chỉ không chịu nổi thấy ngươi bị người ta loạn đao phanh thây, đi đi! Mọi người cùng đi!".
Yến Phi giơ tay nắm lấy miệng vò, nhưng không nhìn rượu, mà lần đầu tiên đưa mắt sang phía Bàng Nghĩa, mỉm cười nói: "Tin tức tối hôm qua vừa đưa tới, Đê Bang, Hung Nô Bang và Khương Bang đã lập tức tổng động viên, đầu tiên là liên thủ phong tỏa các cảng lớn nhỏ phía đông bắc thị tập, còn tịch thu tất cả thuyền bè đang neo ở bến, đánh bị thương giết chết hơn một trăm người, bức Hán Bang và Hán nhân chỉ có thể chạy trốn theo đường bộ, huynh nghĩ chúng có mục đích gì?".
Bàng Nghĩa biến sắc: "Quân khốn kiếp! Lẽ nào thấy người ta rơi xuống giếng lại còn ném thêm đá, giết người cướp của?". Y chuyển ánh nhìn xuống dòng người chạy trốn hỗn loạn như sắp phải đối mặt với ngày tận thế, bất giác sinh lòng sợ hãi cho tương lai của bản thân và của bọn họ.
Yến Phi vẫn giữ thần sắc thong dong du nhàn: "Nhớ mang theo con dao thái rau của huynh, ra khỏi tập rồi chạy thật xa nơi đông người, chọn chỗ hoang vắng hẻo lánh mà đi, có thể giữ được tính mệnh đấy".
Bàng Nghĩa khí lạnh dội ngược, chằm chằm nhìn dòng người bơ vơ đang chen chật Đông Môn Đại Nhai, kinh hãi hỏi: "Bọn họ biết làm sao bây giờ?".
Yến Phi nâng vò lên nhìn, cười khổ: "Ta năm nay hai mươi mốt tuổi, lúc còn nhỏ xíu không kể, từ khi lớn lên mắt đã nhìn thấy nhiều chuyện bế tắc, tai đã nghe thấy nhiều chuyện thảm liệt, tất cả chỉ quyết định ở chỗ nắm đấm của ai cứng rắn. Cũng may bây giờ rốt cục ta đã nghĩ thông một chuyện, đó là ta đã đến bước đường cùng muốn tránh cũng không tránh được nữa, lại không thể chỉ cung cúc lo cho bản thân mình. Ta tuy không ưa Tổ lão đại bên Hán Bang, nhưng phải thừa nhận y là một kẻ tinh minh lão luyện giang hồ, y sẽ có cách giúp cho những người được y bảo hộ giảm thương vong tổn thất xuống mức thấp nhất. Thêm nữa ba bang ấy, trước tiên sẽ đi qua Đông Môn do Yến Phi ta trấn giữ. Đừng khuyên can ta nữa, huynh lập tức rời khỏi đây đi, bên mình ta còn thanh kiếm, thì không phải lo lắng gì cả, Yến Phi vẫn có một tia sinh cơ".
Bàng Nghĩa trong lòng trào lên một cơn kích động, mãi đến lúc này, y mới minh bạch tay kiếm khách xưa nay tựa hồ vẫn vô tình ấy lại dung dưỡng trong lòng những tình cảm cao thượng như vậy, nhất thời y không nói nên lời, chỉ biết há hốc miệng.
Yến Phi giơ cánh tay phải thuôn dài, sắc da trong như cẩm thạch nắm chặt lấy Bàng Nghĩa, lần đầu tiên trong đời hé một nụ cười sáng bừng như ánh dương, nói: "Ai cũng có quyền lựa chọn vận mệnh cho mình, biết mình đang làm gì không phải là kẻ ngu xuẩn. Huynh đi ngay lập tức, sau khi rời khỏi Tập hãy quên hết mọi việc ở đây,
đừng nói thêm một lời nào cả. Ha! Huynh cho ta tiền bạc, ta sẽ thay huynh giải trừ tai họa, thỏa hiệp vẫn có hiệu lực".
Bàng Nghĩa đứng lên buông tay, cúi chào thật thấp: "Ngươi cũng biết rõ là rượu cất ở đâu rồi đấy, lúc cần thiết nó có thể trở thành nơi tránh nạn an toàn cho ngươi". Ánh nhìn lướt qua Điệp Luyến Hoa, hai mắt chợt đỏ lên, bắn ra những tia phẫn oán không nén nổi, rồi cắm cúi lao như bay xuống gác.
Yến Phi hớp khẽ một ngụm Tuyết Giản Hương, nhìn theo Bàng Nghĩa vai khoác đãy, hòa vào dòng người rời khỏi thị tập, rồi biến mất ngoài cửa đông. Cả dãy Đông Môn Đại Nhai trở nên im lìm như quỷ vực, không còn một dấu vết người.
Tiếng móng ngựa đột ngột vang lên, từ đầu kia con đường truyền lại.
Yến Phi uống cạn ngụm rượu còn đọng trong chén, ngước mắt nhìn thinh không đang nặng trĩu mây đen, tựa như đã trông thấy tương lai mạt vận của mình. Sống thì có gì vui vẻ? Mà chết thì có gì đáng sợ?
Đô thành Kiến Khang quay mặt về nam. Kiến Khang Cung nằm ở phía bắc thành, cửa nam vào cung là Đại Tư Mã Môn, từ Đại Tư Mã Môn đến Tuyên Dương Môn ở cửa thành chính nam là đoạn ngự đạo dài hai dặm, lại ra khỏi Tuyên Dương Môn đến Chu Tước Kiều ở Tần Hoài là một đoạn ngự đạo dài năm dặm khác, ngự đạo dài tổng cộng bảy dặm ấy, là trục chính xuyên hết Kiến Khang Thành.
Bên ngoài Đại Tư Mã Môn là một đường ngang rộng rãi chạy về hai hướng đông tây, hướng đông dẫn đến cửa thành phía đông là Liên Xuân Môn, hướng tây dẫn đến cửa thành phía tây là Tây Minh Môn, chia đô thành ra làm hai bộ phận bắc và nam. Bắc là khu cung thành, nam dành cho thượng thư ngự sử của triều đình. Các viện phủ công quyền khác, cùng các khu thương mãi, cư dân, cho chí phủ trạch biệt quán của tể tướng đại thần, đều đặt ngoài thành, chủ yếu phân bố ở hai bên ngự đạo dài năm dặm từ Tuyên Dương Môn đến Tần Hoài. Sau khi Tây Tấn diệt vong, phương bắc hoang tàn bởi khói lửa chiến tranh, Hán tộc rời về nam, dân số có đến hàng trăm vạn người. Nhà Tấn dần dần đặt ra các Kiều quận ở khu vực Kiến Khang, lưỡng ngạn Tần Hoài mỗi ngày một phồn hoa, trong thành ngoài thành tấp nập người phương Bắc tìm đến, khiến Kiến Khang trở nên một thành thị dung hợp phong cách của cả hai miền nam bắc, hết sức nhiệt náo thịnh vượng.
Chu Tước Kiều còn được gọi là Chu Tước Hàng hay Chu Tước Phù Hàng, là cây cầu chính dẫn từ ngự đạo vượt qua Tần Hoài. Phù Hàng có nghĩa là cầu liền với thuyền, bình thời có tác dụng như một cầu nổi, khi gặp sự biến, tháo thuyền ngắt cầu, lập tức chặt đứt giao thông hai bờ. Phù Kiều như vậy, Tần Hoài có đến hai mươi bốn chiếc, nhưng không có cái nào nổi danh bằng Chu Tước Kiều.
Nếu Chu Tước Kiều là cây cầu nổi danh nhất của khu vực Kiến Khang, thì hẻm Ô Y, cách đó không xa lắm, bên bờ Tần Hoài, phía đông ngự đạo ngoài cửa Tuyên Dương, khẳng định là con đường danh tiếng nhất, vì thế gia vọng tộc hiển hách của Đông Tấn, là hai nhà Vương, Tạ, đều định cư ở trong ngõ này. truyện được lấy tại Trà Truyện
Hẻm Ô Y lầu son san sát, kèo khắc cột chạm, là cấm nhai trọng địa mà bá tánh tầm thường không được phép bước vào. Ô Y Hào Môn đã trở thành một danh xưng có tính đại diện cho những danh gia hiển hách thời bấy giờ.
Lúc này một đội nhân mã, ào ào như gió lốc vượt qua Chu Tước Kiều, lên đến ngự đạo liền rẽ sang phải, ngựa không dừng vó phi thẳng vào hẻm Ô Y. Bọn vệ binh canh gác không những không dám ngăn cản, mà còn đứng nghiêm kính cẩn, nét mặt lộ vẻ sùng bái ngưỡng mộ.
Tạ Huyền mặc bộ võ phục trắng toát, áo choàng đơn sắc xanh, lưng khoác thanh Cửu Vận Định Âm Kiếm danh chấn Giang Tả, cưỡi một con bạch mã lông mượt như tuyết, gương mặt anh tuấn lạnh băng, không để lộ một chút cảm xúc nội tâm nào. Dù là chót vót trên lưng ngựa, thân hình thẳng cao của y vẫn để lộ khí phách phi phàm, tràn đầy sức mạnh và tự tin, giống như một thanh bảo đao chưa tuốt vỏ. Năm nay y vừa tròn bốn mươi tuổi, nhưng bề ngoài tựa hồ chưa quá ba mươi, thần thái bay bổng.
Phi ngựa bên cạnh là Lưu Lao Chi, viên mãnh tướng số một của Tạ Huyền, giữ chức Tham quân Bắc Phủ binh, tuổi khoảng hai lăm hai sáu. Đằng sau có mười mấy tên tùy tướng, ai nấy vóc dáng mạnh mẽ, đều là những chiến binh tinh nhuệ đã kinh qua chiến trận lâu ngày.
Tạ Huyền nhận mệnh làm thứ sử Cổn Châu, xuất trấn Quảng Lăng, với sự giúp đỡ của thúc phụ Tạ An, y ra sức chiêu binh ở bờ nam Tần Hoài và bờ bắc Trường Giang. Dân cư Giang Bắc tính tình mạnh mẽ, võ nghệ cao cường, dưới sự huấn luyện sắc sảo của Tạ Huyền, thời gian trôi đi đã trở thành một quân lữ tinh nhuệ, hiệu Bắc Phủ binh. Phù Kiên nhiều lần cho quân xuống nam, Bắc Phủ binh ra mặt ngăn cự, đánh trận nào thắng trận ấy, thanh danh vang dội, vẻ tôn kính của đám vệ binh vừa rồi hoàn toàn không phải là giả bộ.
Chỉ có điều lần này Phù Kiên thân suất đại quân, nhân số chiếm ưu thế áp đảo, lại có danh tướng như Mộ Dung Thùy phò trợ, cho dù Tạ Huyền võ công trác việt, dụng binh như thần, cũng không có nửa phần chắc chắn là đẩy lui được địch nhân.
Theo sau Tạ Huyền, đám khinh kỵ phi qua cổng lớn mở toang tiến vào đại quảng trường trước chính điện của Tạ phủ, mười mấy tên gia nhân chạy lại kềm ngựa phục dịch cho từng người.
Tạ Huyền nhấn vào bàn đạp để bước xuống, Tạ Thạch bước lên đón kinh ngạc hỏi: "Huyền điệt về nhanh quá, tối hôm qua ta mới gửi phi cáp truyền thư cho cháu mà!".
Tạ Huyền ngạc nhiên: "Cái gì mà phi cáp truyền thư? Ba ngày trước tiểu điệt nhận được tin Phù Kiên Thiên Vương của Đại Tần tiến quân từ Trường An đến Lạc Dương, toán tiên phong đã đặt chân lên Biên Hoang, hướng tiến trực chỉ Kiến Khang, quân lực đạt tới mấy trăm vạn... Do vậy phải lập tức quay về để gặp An thúc".
Lưu Lao Chi đứng bên Tạ Huyền vội vã thi lễ với Tạ Thạch, Tạ Thạch ân cần nói: "Lưu Tham quân và các huynh đệ đường xa mệt rồi, hãy nghỉ ngơi nhấp ngụm trà nóng trước đi!".
Liền có tên gia nhân chạy tới dẫn bọn Lưu Lao Chi vào chính điện. Tạ Thạch dắt tay Tạ Huyền, đi vòng qua trước cửa, chậm rãi tiến về hướng thư hiên của Tạ An ở nhà trong, hạ giọng nói: "Chúng ta vội gần chết, nhị huynh lại cứ thong dong thư thả như thường, tối qua mới đến Tần Hoài Lâu ở bên sông để thưởng lãm ca vũ của Kỷ Thiên Thiên, sớm nay chưa tỏ mặt người đã đi du sơn ngoạn thủy ở Tiểu Đông Sơn. Cũng may cháu về rồi, ít nhất có thể hỏi huynh ấy cho rõ ràng minh bạch".
Tạ Huyền trầm giọng: "Phía triều đình có phản ứng thế nào?".
Tạ Thạch lộ vẻ bực bội đáp: "Tư Mã Đạo Tử khăng khăng chủ trương cố thủ Kiến Khang, dựa vào sự hiểm trở của Trường Giang, Tần Hoài, lại gợi ý hoàng thượng xa giá qua Tuyên Thành, rõ ràng là muốn thừa cơ bao quát quân quyền, vừa may nhị ca và Vương Tả tướng cực lực phản đối, nhị thúc cháu lại dùng dân ý nhân tâm kích động hoàng thượng... Những chuyện này đều do Vương Tả tướng kể cho ta, còn nhị thúc cháu ngoài câu "Tìm Tạ Huyền về đây" thì chẳng nói bất cứ một điều gì khác".
Tạ Huyền nghe nhắc tên Tư Mã Đạo Tử, hai mắt lóe lên những tia dữ dội, rồi lại hỏi tiếp: "Nhị thúc kích động hoàng thượng như thế nào?".
Tạ Thạch đáp: "Nhị thúc cháu nói rất khéo léo, huynh ấy tâu với hoàng thượng rằng: "Từ xưa tới nay chỉ có nước hữu đạo đánh vua vô đạo, lần này Tần chúa cậy mạnh tràn đến, vô cớ tấn công Đại Tấn chúng ta, vừa quay lưng lại đạo nghĩa, vừa đánh mất
lòng tin của dân chúng, binh gia viết "Lưỡng quốc giao binh, vô đạo tất bại", hoàng thượng chỉ cần hiệu lệnh quân dân cả nước, dĩ hữu đạo kháng vô đạo, tất giữ được nước an được dân". Hoàng thượng đương nhiên biết giữa nhị thúc cháu và Tư Mã Đạo Tử ai mới là người được lòng dân, huống hồ Hoàn Xung thượng tướng quân xưa nay không ưa Tư Mã Đạo Tử, Bắc Phủ binh lại nằm gọn trong tay cháu, hoàng thượng cho dù có không muốn, cũng đành phải gia phong nhị ca làm Chinh Thảo Đại đô đốc, để huynh ấy toàn quyền xử lý việc kháng địch".
Họ đi xuyên qua con đường tắt rải đá, hai bên trồng đầy thúy trúc, tiến vào trung viên nơi đặt thư trai của Tạ An. Đây là một khu rừng nhỏ chủ yếu là trúc và đá, trong vườn có tứ quý giả sơn, lần lượt dùng Duẫn Thạch, Hồ Thạch, Hoàng Thạch, Tuyên Thạch xếp lên thành bốn ngọn núi Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi ngọn thể hiện một loại thời tiết. Thư hiên ở giữa ngọn núi mùa hạ và mùa thu, lưng quay hướng bắc mặt quay về nam, to lớn hùng vĩ, bố cục ba gian bảy cột, hoành phi khắc tam đại tự "Vong Quan Hiên", cột chính nơi thềm mái treo một đôi liễn: "Cư quan vô quan quan chi sự / Xử sự vô sự sự chi tâm".
Cho dù hai người đang u ẩn trĩu nặng, nhưng vừa đặt mình vào khung cảnh cô ngạo thanh cao, rộng lớn tú lệ rung động lòng người như vậy, nhất thời cũng quên bẵng tâm sự, quên bẵng những điều trần tục ưu tư.
Đột nhiên một võ sĩ trẻ trung nộ khí bừng bừng, xồng xộc đi ra khỏi Vong Quan Hiên, trông thấy hai người phẫn uất kêu lên: "Thiên hạ là thiên hạ của Tạ gia các ngươi! Vương Quốc Bảo ta quả thực phải xem các ngươi ứng phó với Phù Kiên ra sao!". Đoạn đi thẳng không ngoái lại.
Hai người nghe nói lẳng lặng nhìn nhau, rồi Tạ Thạch lắc đầu thở dài. Vương Quốc Bảo là nhi tử của Vương Thản Chi, nữ tế của Tạ An, kiếm pháp cao minh, đáng tiếc là một kẻ vô hạnh, nhìn thái độ có thể đoán biết Tạ An đã cự tuyệt dùng y vào chiến dịch kháng Tần, khiến y tức khí, nói ra những lời khó nghe như vậy.
Lúc đó thanh âm nhu hòa của Tạ An từ phía Vong Quan Hiên đưa tới: "Có phải Tiểu Huyền đến đấy chăng? Đúng lúc lắm! Ta đang định tìm người lại đánh cờ!". Tạ Huyền và Tạ Thạch bốn mắt ngó nhau, đều không hiểu nổi suy tính của Tạ An, giữa lúc nước sôi lửa bỏng thế này, vẫn còn tâm trí để đánh cờ?