- Các ngươi bắt được một tên Cầm Kiếm thư sinh, Giáo chủ cũng bắt được một tên Cầm Kiếm thư sinh!
Thiếu niên kinh dị vội gấp hỏi :
- Mẹ cháu cũng bắt được một tên Cầm Kiếm thư sinh ư? Thưa thúc tổ, vậy là sao?
Lão nhân cười lớn :
- Giáo chủ minh trí đoán trước tên tiểu tử Trác Không Quần tất có gian kế, do đó khi các ngươi bắt cóc Cầm Kiếm thư sinh, Giáo chủ cũng kịp đến Trác phủ ở Dương Châu, thừa cơ Trác phủ vắng người, đột nhập vào bắt Cầm Kiếm thư sinh...
Thiếu niên buột miệng :
- Thảo nào mẹ cháu biết tên nọ chỉ là người giả.
Lão nhân mập mạp gật đầu :
- Đương nhiên họ Trác làm sao qua mặt được Giáo chủ ta?
Tây Môn Sương hơi biến sắc mặt :
- Lão tổ, thế tên Cầm Kiếm thư sinh mà Giáo chủ bắt cũng là...
Lão nhân cắt lời :
- Cũng chỉ vì lòng thương người của Giáo chủ, người sợ làm Cầm Kiếm thư sinh bị thương tổn huyết mạch nên khi dẫn y về giữa đường liền giải khai huyệt đạo cho y để y có thể hoạt động, nào ngờ lúc ấy Giáo chủ mới phát hiện y chỉ là một tên đã được hóa trang, thực sự y chỉ là một lão đầu chứ đâu phải là Cầm Kiếm thư sinh...
Thiếu niên trợn mắt :
- Trác Không Quần thật là giảo hoạt!
Tây Môn Sương hồi hộp :
- Lão tổ có biết lão đầu ấy là ai?
Lão nhân lắc đầu :
- Ta không nhìn thấy lão, Giáo chủ cũng không nói tới... nhưng theo ta biết Giáo chủ đã tra hỏi rõ lai lịch của lão rồi!
Nàng vội hỏi tới :
- Lão tổ, lai lịch của lão đầu ấy ra sao?
- Lão ta là thủ hạ của Trác Không Quần!
Tây Môn Sương giật mình :
- Lão tổ, điều ấy do tự lão đầu nhận ư?
- Tự lão ấy nhận!
Tây Môn Sương nhăn mày thác dị :
- Lão tổ, nói như thế thì Cầm Kiếm thư sinh thật vẫn còn trong tay Trác Không Quần sao?
Lão nhân gật đầu :
- Chính vậy, nếu không Giáo chủ đâu đến nỗi nổi giận sai hai ta dẫn tám Hoàng y hộ pháp đến đây trợ giúp các ngươi tìm Trác Không Quần đòi lại Cầm Kiếm thư sinh!
Tây Môn Sương hết sức lo nghĩ, nếu như lão đầu giả mạo kia không phải là thủ hạ của Trác Không Quần nàng có thể đã hoài nghi vị Môn Nhân Kiệt kia là Cầm Kiếm thư sinh rồi, nhưng càng nghĩ nàng càng thấy sai. Văn Nhân Mỹ là người đang bị điên. Trác Không Quần đã mời biết bao danh y mà chưa chữa trị xong còn Môn Nhân Kiệt là người cực bình thường, hai người đâu thể là một được? Bây giờ nàng biết lão đầu giả mạo ấy là thủ hạ của Trác Không Quần, theo suy luận, tất nhiên Cầm Kiếm thư sinh thật ắt vẫn còn nằm trong sự kiềm tỏa của Trác Không Quần.
Thế nhưng tại sao Trác Không Quần cứ một mực đoan quyết Cầm Kiếm thư sinh đã chết vì hỏa hoạn ở Trác phủ? Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là họ Trác muốn che giấu mọi người, còn người nào phóng hỏa...
Nghĩ tới đó, Tây Môn Sương vội hỏi :
- Lão tổ, Giáo chủ có nói gì về việc thất hỏa ở Trác phủ không ạ?
- Giáo chủ đã nhìn thấy người phóng hỏa nhưng không biết đó là ai.
- Lão tổ, như vậy là sao?
- Khi Giáo chủ đến Trác phủ đúng vào lúc nhìn thấy hai tên áo đen bịt mặt, hai tên ấy nhìn thấy Giáo chủ lập tức kinh hoảng đào tẩu, kết quả Giáo chủ chỉ bắt được một tên, còn một tên thứ hai chạy thoát. Giáo chủ xông vào biển lửa cứu thoát Cầm Kiếm thư sinh xong liền bắt tên bịt mặt nọ quăng vào lửa thế mạng cho Cầm Kiếm thư sinh với ý định để mọi người tin Cầm Kiếm thư sinh đã chết không còn ai truy cứu việc ấy nữa. Nào ngờ tên Cầm Kiếm thư sinh ấy cũng chỉ là người giả.
Tây Môn Sương gật đầu :
- Nguyên là như thế, tiếc thay Giáo chủ chưa kịp tra hỏi lai lịch của tên hung đồ phóng hỏa...
- Sao! Nha đầu?
- Nếu như Giáo chủ tra vấn rõ, chúng ta sẽ biết ai là người sai khiến việc phóng hỏa ấy.
- Nha đầu, tuy là như thế nhưng việc ấy lại chẳng quan hệ gì đến việc riêng của chúng ta, chúng ta chỉ cần tìm Trác Không Quần đòi lại Cầm Kiếm thư sinh, còn ai phóng hỏa mặc kệ!
- Lão tổ còn chưa biết, Trác Không Quần khăng khăng một mực cho rằng thủ phạm phóng hỏa chính là bổn giáo chúng ta!
Lão nhân thất sắc :
- Nha đầu, chẳng lẽ hắn biết chuyện Giáo chủ ta đã đến Trác phủ, cứu...
Tây Môn Sương lắc đầu :
- Không, lão tổ, hắn cho rằng bọn thuộc hạ là người phóng hỏa...
Lão nhân gầy ốm bên cạnh quát to :
- Tên họ Trác gian xảo, mai đây lão gặp hắn chắc chắn phải xẻ hắn thành trăm mảnh.
Lão nhân mập mạp tránh sang chuyện khác :
- Nha đầu, vừa rồi các ngươi đi đâu, hại cho hai lão ta đợi hết nửa ngày?
- Thưa lão tổ, vừa rồi Trác Không Quần đã tìm đến đây...
Lão nhân động sắc :
- Sương nha đầu, ngươi nói gì?
Tây Môn Sương bèn bắt đầu từ chuyện bọn Triều Thiên bảo đến chuyện xảy ra giữa nàng và Trác Không Quần kể lại cho hai lão nhân nghe, đương nhiên nàng cũng lược bỏ nhiều chi tiết không cần thiết. Nghe xong chuyện, lão nhân mập mạp trợn tròn hai mắt :
- Tiếc thay ta đến chậm một bước, nếu không ta đã gặp hắn rồi. Trác Không Quần quả là một tên lợi hại đấy...
Tây Môn Sương đáp :
- Lão tổ, nói cho công bằng, hắn cũng không đáng trách lắm, tuy Cầm Kiếm thư sinh không sao, nhưng vị Văn Nhân phu nhân đã táng thân trong biển lửa nên hắn đau khổ lắm.
- Phải lắm, Sương nha đầu, tiếc rằng bọn phóng hỏa là ai mà ác độc đến thế chúng ta vẫn chưa biết được.
- Theo thuộc hạ đến chín phần mười bọn phóng hỏa đồng thời cũng là thủ phạm đã hại Cầm Kiếm thư sinh năm xưa.
Lão nhân gật đầu :
- Nha đầu nói cũng có lý nhưng... nhưng...
- Lão tổ, hai tên bịt mắt phóng hỏa kia thân thủ võ công chắc chắn rất cao.
Lão nhân lắc đầu :
- Điều ấy không nghe Giáo chủ nói tới. Có chuyện gì nha đầu?
- Theo thuộc hạ, chắc chắn Văn Nhân phu nhân đã bị khống chế trước nên không có cách đào thoát, người có khả năng khống chế Văn Nhân phu nhân tất nhiên công lực phải là rất cao cường.
- Phải, phải lắm, hai tên ấy công lực tất là không thấp... Sau khi trầm ngâm một lúc, lão nhân nhìn thẳng vào mắt Tây Môn Sương hỏi :
- Sương nha đầu, tên hậu bối họ Môn sự thực lai lịch ra sao? Có thân thủ cao cường lắm ư?
Tây Môn Sương định nói gì đó, nhưng rồi lại lắc đầu :
- Thuộc hạ không biết, chỉ có cảm giác y là người khó lường nổi...
- Ngươi nhận y là một nhân vật anh hùng chứ?
Tây Môn Sương đỏ ửng mặt :
- Đó là do thiếu chủ nhận định, nếu không thiếu chủ đâu chịu vui thích kết giao với y, lão tổ biết đó, xưa nay thiếu chủ đâu bao giờ nhìn lầm người?
Lão nhân mỉm cười :
- Ta biết ngươi, cũng khó mà nhìn lầm người, nha đầu, nhận định của ai mà chẳng giống nhau, việc gì...
Tây Môn Sương càng đỏ gay mặt, nàng cúi gầm đầu xuống...
* * * * *
“Tích niên Động Đình Thủy
Kim thượng Nhạc Dương lâu
Ngô Sở nam đông thệ
Càn khôn nhật dạ phù...”.
(Năm xưa đến Động Đình hồ
Nhạc Dương lầu vẫn còn trơ đến rày
Nước về đông chảy nhanh thay
Đất trời vẫn cứ đêm ngày qua mau...)
Đó là bài thơ “Lên lầu Nhạc Dương” của Đỗ Phủ. Đó cũng là một bài mà nhiều thư sinh văn sĩ thích ngâm nga khi lên trên lầu Nhạc Dương này ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Bấy giờ trên Nhạc Dương lâu cũng có tiếng ngâm bài thơ ấy... Nhạc Dương lâu nằm ở phía tây hồ Động Đình... đứng trên lầu này có thể phóng tầm nhìn bao quát tám trăm dặm sóng nước mù tỏa của hồ Động Đình, cảnh sắc đẹp không nơi đâu có thể sánh bằng.
Lúc bấy giờ, mặt trời vừa gác núi chiếu muôn ngàn tia sáng hoàng hôn xuống mặt hồ, xa xa lấm tấm những cánh buồm đang quay về bờ tạo thành một cảnh tượng vô biên mỹ lệ cho Nhạc Dương lâu. Trong lầu Nhạc Dương, đứng tựa vào lan can sơn màu đỏ chóe là một khách áo đen sắc mặt trắng nhợt không có chút máu. Hình như y là người mới trải qua cơn bệnh trầm kha nên sắc mặt mới suy nhược đến thế, vậy mà sắc mặt nhợt nhạt ấy cũng không che lấp được khí độ tao nhã của y, y nhàn nhã dõi mắt về phía tám trăm dặm hồ Động Đình, miệng ngâm bài thơ của Đỗ Phủ.
Đột nhiên ở cầu thang có tiếng chân, đồng thời mùi hương phấn thơm nồng đưa lên khiến y muốn động thân quay lại, vừa lúc một thiếu nữ áo đỏ vội vàng chạy lên lầu. Thiếu nữ rất đẹp, chỉ không hiểu vì sao nàng lại có vẻ hết sức hấp tấp hoảng loạn. Nàng chợt nhìn thấy khách áo đen ở đó, đương nhiên nàng không ngờ giữa lúc hoàng hôn này mà trên Nhạc Dương lâu lại còn người nhàn du, một chút gì kinh ngạc thoáng qua mặt nàng, nhưng lập tức nàng kịp định thần chạy qua một bên.
Xem bộ dạng của nàng chẳng phải nàng đến đây để thưởng lãm cảnh đẹp tám trăm dặm hồ Động Đình, vì nếu không nàng sao lại hấp tấp vội vàng đầy kinh hoảng đến thế? Xem tình hình thì dường như nàng đang trốn chạy cái gì đó. Quả nhiên chỉ thoáng chốc dưới chân thang lầu đã có tiếng chân từ từ tiến đến gần. Mặt hoa thiếu nữ thần sắc lại càng hoảng loạn hơn.
Dưới lầu có tiếng người “Ối chà” hai tiếng :
- Con nha đầu ấy vừa chạy về hướng này, sao đến đây lại biến đâu mất?
Một âm thanh trầm đục thứ hai cười đáp :
- Chẳng lẽ nó lại nhảy xuống Động Đình hồ tự vẫn?
Tiếng đầu tiên :
- Quái thật, lẽ nào nó biết độn thổ...
Thanh âm trầm đục :
- Độn thổ thế quái nào được? Nếu là ta, ta trốn thẳng lên Nhạc Dương lâu liền.
Thiếu nữ áo đỏ nghe câu ấy cả kinh, đưa bàn tay như ngọc lên che đôi môi anh đào, đôi mắt diễm lệ dáo dác nhìn chung quanh như muốn tìm cách trốn xuống lầu, nhưng ngoài một cầu thang duy nhất chỉ còn là khói sóng mù tỏa trên mặt Động Đình hồ không biết đâu là bến bờ.
Vừa lúc âm thanh đầu tiên lại cất lên :
- Đúng đấy, chúng ta lên lầu thử xem.
Thiếu nữ áo đỏ càng hoảng loạn nhưng không còn chỗ nào cho nàng trốn nữa rồi!
Vị khách áo đen như vẫn thả hồn vào thế giới nào khác, không buồn quay đầu lại. Thang lầu rung lên từng chập, hai hán tử trung niên đã vọt thân lên Nhạc Dương lâu. Một hán tử thân hình tầm thước mặt vuông vức, còn một tên còn lại hơi gầy nét mặt gian ác.
Đương nhiên, khi hai hán tử ấy lên lầu liền nhìn thấy thiếu nữ áo đỏ ngay. Tên hán tử cao gầy cười ác độc :
- Nhìn đó, ta nói đâu có sai?
Hán tử tầm thước cười ha ha nhìn thiếu nữ gằn giọng :
- Cô nương, vì sao cô nương vừa thấy hai ta lại bỏ chạy?
Không còn đường chạy nữa, thiếu nữ trấn định, giương mày đáp :
- Hai người thật sự muốn cái gì?...
Hán tử cao gầy cười thâm hiểm :
- Chẳng làm gì cả, chỉ mời cô nương đến nơi kia thôi!
Thiếu nữ lạnh sắc mặt :
- Hai người là cùng một bọn, nên nhớ, ta không muốn bị phiền nhiễu và cũng chẳng sợ...
Hán tử tầm thước cười hăng hắc :
- Cô nương, hay lắm, hai chúng ta cũng chẳng muốn bị phiền nhiễu, chỉ mong cô nương ngoan ngoãn theo chúng ta đi - sẽ chẳng ai bị phiền nhiễu cả...
Thiếu nữ cương quyết :
- Tại sao ta phải theo hai ngươi?
- Chẳng tại sao cả, chỉ vì cô nương xinh đẹp...
Thiếu nữ biến sắc :
- Hai tên vô lại... nói cho các ngươi biết, ta là Phi Vân bảo Lý...
Khách áo đen chấn động về tên ấy nhưng y vẫn không quay đầu lại. Hán tử cao gầy vẫn cười ha hả :
- Phi Vân bảo Lý Vân Hồng cô nương, đúng không? Lý cô nương, tên tuổi của Phi Vân bảo không dọa nạt nổi chúng ta đâu. Nói thật với cô nương, nếu cô nương không phải là Lý Vân Hồng, chúng ta đuổi theo cô nương làm gì?
Thần sắc thiếu nữ tái đi :
- Các ngươi thật sự muốn gì? Tại sao lại đuổi theo ta?
- Cô nương, muốn biết tại sao cứ đến nơi rồi sẽ rõ, bây giờ ta chưa tiện hồi đáp, chớ nói nhiều nữa, thời gian không còn nhiều, hãy theo chúng ta đi!
Hắn nói xong liền định động thân tiến tới, tên hán tử tầm thước đưa tay ngăn đồng bọn lại, lấy mắt ra hiệu về phía người khách áo đen. Tên hán tử cao gầy đồng bọn hắn cười to :
- Ta đã trông thấy rồi, vị bằng hữu kia chắc là người mê cảnh đẹp, người không thấy hắn không hề quay đầu lại ư?
Tên hán tử tầm thước mỉm cười thu tay lại, tên cao gầy nhìn chằm chằm thiếu nữ áo đỏ, hắn định bước thân tới, đột nhiên, khách áo đen cất tiếng :
- Vô cớ quấy nhiễu người khác, hai tên nam tử lăng nhục một nữ nhân yếu đuối làm sao coi được?
Cùng với câu nói ấy, y từ từ xoay người lại, hai ánh mắt lạnh như băng nhìn thẳng vào hai hán tử. Hai tên ấy không dám cử động, chỉ trong thoáng chốc hắn tử cao gầy liền cười :
- Bằng hữu, xin lỗi, theo lẽ chúng ta phải báo cho bằng hữu biết trước.
Ánh mắt khách áo đen bất động không chớp, không nói câu nào. Hán tử cao gầy lại cười giả lả :
- Bằng hữu, đây là việc trong cõi giang hồ, nếu như bằng hữu cũng là người giang hồ, bằng hữu ắt biết không nên can dự vào chuyện người khác.
Khách áo đen im lặng một lúc, một lúc, thình lình mới cất giọng :
- Tại hạ không thích thấy chuyện bất bình, hai các hạ hãy cút xéo xuống nơi đây!
Y dừng lại một lúc nữa rồi từ từ nói tiếp :
- Vả chăng, vị cô nương này tại hạ có quen biết, tại hạ muốn mời cô nương ở lại đây!
Hán tử tầm thước như sắp nổi nóng :
- Bằng hữu, nên biết chúng ta là hai vị Đà chủ ở Tàng Long trại.
Khách áo đen cười nhạt :
- Nếu quý trại nhất định mời nàng, xin nhị vị hãy về mời Trại chủ tới đây thương lượng.
Lý Vân Hồng biến sắc mặt, nàng chuyển thân định bỏ chạy xuống thang lầu, nhưng vừa mới động thân không biết bằng cách nào, khách áo đen đã chớp nhoáng chận trước mặt nàng, y mỉm cười :
- Lý cô nương không cần phải chạy.
Sắc mặt Lý Vân Hồng trắng bạch, nàng quát :
- Các hạ có ý định gì?
- Lý cô nương, tại hạ chỉ có thể nói là tại hạ không hề có ác ý.
- Các hạ còn cần làm gì mới gọi là có ác ý?
Khách áo đen vẫn cười :
- Nếu cô nương chưa tin, tại hạ xin nhắc đến tên một người, Môn Nhân Kiệt, tại hạ chính là bằng hữu của Môn đại hiệp.
Lý Vân Hồng hơi giật mình, lập tức tỏ vẻ vui mừng :
- Thật thế sao?
- Tại hạ nào dám dối gạt cô nương? Nếu không vì sao tại hạ lại biết nhắc đến tên y với cô nương?
Lý Vân Hồng đang định nói bỗng thấy khách áo đen lắc đầu :
- Lý cô nương, bây giờ không phải là lúc nói chuyện, hãy đợi tại hạ đuổi hai vị Đà chủ Tàng Long trại này đã rồi nói sau cũng không muộn.
Dứt lời, y chuyển thân bước lại gần hai hán tử cười hỏi :
- Nhị vị, được không?
Hán tử tầm thước trừng hai mắt nhìn y còn hán tử cao gầy gằn giọng :
- Bằng hữu, ta xin nói rõ, chúng ta làm việc này theo lệnh, bằng hữu không nên...
Khách áo đen lắc đầu cắt lời :
- Tại hạ không muốn gây khó dễ nhị vị, sự thực tại hạ với cô nương này vốn có chút duyên.
Lý Vân Hồng đỏ ửng mặt, nhưng vì đang lúc căng thẳng, nàng không thể nổi giận. Hán tử cao gầy lại nói có phần đe dọa :
- Bằng hữu, việc không liên quan đến bằng hữu, việc gì dại dột xen vào...
Khách áo đen cắt lời :
- Tại sao lại bảo không liên quan đến ta? Ta chẳng nói rồi sao? Ta có duyên với vị Lý cô nương này!
Hán tử cao gầy cười gằn :
- Bằng hữu, nơi này là Động Đình, chúng ta mong được kết giao với bằng hữu...
Khách áo đen cả cười :
- Ta hiểu ý của các hạ, ta có thể nói thẳng, nếu ta sợ Tàng Long trại, ta đã không làm việc này, các hạ đã minh bạch chưa?
Hán tử cao gầy cười khan :
- Minh bạch, bằng hữu nói thẳng như thế chẳng hay lắm ư?
- Ta đã nói rõ, bất kể hai vị đồng ý hay không đồng ý, ta nhất định giữ Lý cô nương lại đây, hai vị muốn làm gì thì làm!
Tên hán tử cao gầy đột nhiên đổi hẳn thái độ :
- Nói như vậy, ta vui lòng giao Lý cô nương cho bằng hữu.
- Biết thời vụ mới là hào kiệt, ta đa tạ nhị vị...
- Bằng hữu này, cao danh quý tánh của bằng hữu là gì để ta tiện quay về hồi bẩm với Trại chủ?
Khách áo đen lạnh lùng :
- Điều ấy chưa cần, cứ đợi quý Trại chủ đến đây tại hạ sẽ nói... À này, tại sao nhị vị đòi bắt Lý cô nương đây vậy?
Hán tử cao gầy trả đũa :
- Cứ đợi Trại chủ đến rồi bằng hữu hãy hỏi người...
- Xin chuyển lời cho quý Trại chủ, tại hạ và Lý cô nương đây sẽ đợi tới canh một ở Nhạc Dương lâu này, nếu giờ ấy chưa đến, tại hạ không thể chờ lâu hơn, xin mời nhị vị quay về mau!
Mục quang hán tử cao gầy đảo lộn, hắn cười lạnh :
- Bằng hữu, trượng phu một lời nặng như núi, xin đừng thất tín với chúng ta.
- Yên tâm, tại hạ đâu phải là kẻ thất tín? Xin nhớ, tại hạ chỉ có thể đợi hết canh một mà thôi.
Hán tử cao gầy chuyển nhìn đồng bọn :
- Tống đệ, đi về thôi, không nên tốn sức, hai ta không phải là địch thủ của người ta, chỉ nên nhẫn nại một chút.
Dứt lời, hắn kéo hán tử tầm thước vội vàng chạy xuống chân cầu thang. Lý Vân Hồng vội bước lại gần khách áo đen vái dài thi lễ :
- Lý Vân Hồng xin tạ ân cứu viện.
Khách áo đen bình thản trả lễ :
- Lý cô nương, cô nương tin rằng tại hạ không hề có ác ý rồi chứ?
Lý Vân Hồng gật đầu :
- Các hạ phải chăng đã nói các hạ là bằng hữu của Môn đại hiệp?
- Giả như tại hạ nói dối cô nương thì sao?
Nhìn nét mặt biến sắc của thiếu nữ, y tiếp liền :
- Nói vậy thôi chứ cô nương hãy yên tâm, tại hạ đúng là bằng hữu của Môn Nhân Kiệt.
- Tiện nữ chưa kịp thỉnh giáo...
- Chuyện ấy không quan trọng vì tên tại hạ có nói ra cô nương cũng không biết là ai, cô nương, hãy cho tại hạ biết vì sao không ở Phi Vân bảo mà lại vào cõi giang hồ này?
Thiếu nữ đỏ mặt :
- Tiểu nữ ở trong bảo buồn quá nên ra ngoài chơi.
Khách áo đen lắc đầu :
- Cô nương, chắc không đơn giản như vậy, lệnh tôn vừa mới khỏi bệnh, lẽ nào cô nương bỏ đi một mình?
Lý Vân Hồng ngạc nhiên :
- Các hạ làm sao biết gia gia mới khỏi bệnh?
- Cô nương quên tại hạ là bằng hữu của Môn Nhân Kiệt ư?
Lý Vân Hồng nghe câu ấy hơn ngần ngừ một chút, cuối cùng nàng đỏ bừng mặt :
- Xin thú thiệt, tiểu nữ rời Phi Vân bảo là có ý tìm Môn đại hiệp.
- Cô nương tìm y có việc gì?
Thiếu nữ nghiêm mặt :
- Theo lệnh cha báo ân nghĩa của Môn đại hiệp.
- Nói vậy là lệnh tôn có biết chuyện cô nương ra đi?
- Vâng, chỉ không ngờ khi tiểu nữ mới tới vùng Tam Tương liền gặp tên hán tử vừa rồi, chúng đuổi theo tiện nữ, tiện nữ đã động thủ với chúng nhưng vì thế cô sức yếu, do đó...
- Quái lạ thật, Tàng Long trại tại sao dám giữa ban ngày bắt ép cô nương, công khai đối nghịch với Phi Vân bảo, tại hạ nghĩ rằng nội tình tuyệt không đơn giản như thế...
- Các hạ cho rằng...
Khách áo đen lắc đầu :
- Chưa dám quyết đoán, hãy đợi Trại chủ Đường Lăng Ba đến đây, tại hạ sẽ hỏi cho ra lẽ.
- Các hạ cho rằng tên Trại chủ kia sẽ đến thật?
- Hắn không đến cũng chẳng sao, tại hạ sẽ dẫn cô nương vào Tàng Long trại.
- Vào Tàng Long trại ư?
- Đúng, tại hạ cần biết vì sao Đường Lăng Ba cần bắt cô nương.
- Các hạ cho rằng cần phải biết?
- Lẽ nào cô nương không muốn đi?
- Các hạ, tình hình Phi Vân bảo đã khác xưa, tiểu nữ không muốn vì mình làm hại tới gia gia có thêm cường địch là Tàng Long trại...
- E rằng muốn mà không được, theo tại hạ trong nội tình sự việc này còn có gì mờ ám.
- Vì vậy mà các hạ...
- Tại hạ đã nói, sự việc thật ra sao phải đợi Đường Lăng Ba đến mới biết.
Đột nhiên, thiếu nữ hỏi :
- Các hạ, xin cho biết, hiện nay Môn đại hiệp ở nơi đâu?
- Tại sao cô nương lại đột ngột hỏi về y?
- Ta bỏ Phi Vân bảo ra đi vốn là để tìm Môn đại hiệp.
Khách áo đen chau mày lắc đầu :
- Tại hạ chỉ có thể nói là lần này cô nương đã không gặp may.
- Nói vậy là sao?
- Y không còn ở Trung Nguyên nữa!
- Tiểu nữ sẵn sàng đi khắp chân trời góc bể, dù đại hiệp không còn ở Trung Nguyên, người ở đâu?
- Y có việc riêng đã ra quan ngoại rồi!
Thiếu nữ có vẻ thất vọng :
- Thật là không may, bao giờ người mới quay về?
Khách áo đen lại lắc đầu :
- Điều ấy khó nói trước, có thể một hai năm, có thể năm ba năm và cũng có thể không bao giờ y trở về nữa.
Thiếu nữ lại càng thất vọng :
- Y ra quan ngoại làm gì?
- Tại hạ chỉ biết y có việc cần yếu chứ không biết y làm gì.
- Tại sao đại hiệp lại đi lâu đến thế, thậm chí có thể không trở về?
Khách áo đen lắc đầu :
- Không biết, đó là việc riêng của y, tại hạ chỉ là bằng hữu đâu có thể hỏi quá kỹ?
Không khí rơi vào im lặng, một lúc lâu thiếu nữ mới cất tiếng :
- Hãy gác chuyện ấy lại, các hạ, đến tính danh của các hạ, tiểu nữ cũng chưa được biết.
Khách áo đen mỉm cười :
- Chẳng có gì đáng giấu, tại hạ họ Bạch tên Ngọc Lâu, tự hiệu là Cô Độc Khách.
Vừa dứt câu ấy, thình lình mặt họ sáng chớp lên. Lý Vân Hồng im tiếng nhìn ra ngoài, mấy chiếc thuyền nhỏ chạy như bay xé sóng từ hướng núi Quân Sơn nhắm hướng Nhạc Dương lâu, đầu thuyền nào cũng thắp đèn sáng rực rỡ soi tỏ cả một vùng hồ, thiếu nữ biến sắc :
- Bạch đại hiệp, Tàng Long trại tọa lạc ở nơi nào?
Cô Độc Khách Bạch Ngọc Lâu lạnh lẽo đáp :
- Quân Sơn, chính là nơi xuất phát mấy cái thuyền kia đấy.
Tuy y đáp vậy nhưng căn bản không quay đầu lại nhìn ra hồ. Thiếu nữ họ Lý càng biến sắc :
- Thế thì đúng bọn Tàng Long trại đến rồi...
Bạch Ngọc Lâu gật đầu :
- Đúng vậy, cô nương, là bọn Đường Lăng Ba đấy.
Lý Vân Hồng quay lại thấy Bạch Ngọc Lâu vẫn không hề quan tâm tới mấy khoái thuyền, bất giác nàng ngạc nhiên :
- Bạch đại hiệp có nhìn thấy chăng?
Bạch Ngọc Lâu lắc đầu :
- Không hề!
Lý Vân Hồng kinh ngạc :
- Thế sao Bạch đại hiệp biết?
- Cô nương, tại hạ đã nói Đường Lăng Ba tất phải đến.
- Nhưng sao đại hiệp biết chúng đi thuyền?
- Chúng ở thủy trại không đi thuyền thì đi gì? Nếu đi đường bộ phải đi vòng tới đây sao bằng đi tắt qua hồ, vả chăng trong thủy trại của chúng đã dùng quen loại thuyền nhẹ ấy.
Xem ra y biết quá nhiều. Bạch Ngọc Lâu như có ý giải đáp thắc mắc cho nàng, y cười tiếp :
- Cô nương, Nhạc Dương Lầu là nơi thắng tích cổ xưa, tại hạ không muốn và không dám động thủ ở đây, bên hồ có một nơi rộng rãi bình địa, chúng ta hãy tới đó chờ chúng, xin mời!
Vừa nói y vừa nghiêng thân có ý mời nàng xuống lầu. Lý Vân Hồng cũng không dám nói gì xoay đầu bước xuống theo chân y. Đến dưới chân Nhạc Dương lâu hai người đứng giữa một bãi trống tịch tĩnh, gió đêm lạnh thổi qua, một người thân thể cường tráng áo bay phần phật, một người thân thể mềm mại uyển chuyển thả tóc bay bay loạn như một đôi tình nhân. Mấy chiếc thuyền nhẹ lướt như bay trên nước đến bên bờ. Từ giữa năm cái thuyền ấy vừa cập bờ, một bóng nhân ảnh bay vọt lên hơn mười trượng, đặt chân rơi xuống bờ đất. Bạch Ngọc Lâu mỉm cười nói nhỏ :
- Lý cô nương, hãy nhìn xem hắn cố biểu lộ thân pháp cho chúng ta biết đấy!
Lời vừa dứt lại có thêm mười một bóng nhân ảnh vọt lên bờ, trước ba sau tám nối đuôi nhau. Tất cả mười một bóng người ấy đều ăn mặc nhất loạt áo đen giống nhau và chỉ cần nhìn sơ qua đã biết ngay đều là các hảo thủ, tuy vậy trên năm chiếc thuyền đậu xa bờ mười trượng vẫn còn để lại trên thuyền một đại hán không biết vì sao không lên bờ.
Bạch Ngọc Lâu cất tiếng :
- Xin cho biết vị nào là Đường Lăng Ba đại trại chủ?
Một hán tử trung niên áo trắng đứng giữa lạnh lùng nhìn thăm dò Bạch Ngọc Lâu một cái rồi ngạo mạn đáp :
- Đường mỗ ở đây, cao danh quý tánh các hạ là gì?
Bạch Ngọc Lâu mỉm cười :
- Thì ra các hạ là Đường trại chủ thực là nghe tên không bằng gặp mặt, ngưỡng mộ Đường trại chủ là lãnh tụ một phương, xưng hùng tám trăm dặm Động Đình hồ, tung hoành một cõi Tam Tương uy chấn võ lâm, đêm nay được vinh hạnh bái kiến thực là khôn xiết cảm kích. Tại hạ tiểu danh Bạch Ngọc Lâu, tự hiệu Cô Đơn Khách.
Đường Lăng Ba cả cười :
- Thì ra là Bạch đại hiệp...
- Không dám, tại hạ chỉ là loại vô danh đâu dám đảm đương hai tiếng “đại hiệp”...
Y hơi chậm lời quét mắt nhìn hai bên tám tên đại hán đứng sau lưng Đường Lăng Ba rồi tiếp :
- Đường đại trại chủ, mười vị kia là...
- Đây là hai vị nghĩa đệ của Tàng Long trại, và tám vị Đường chủ.
Bạch Ngọc Lâu a một tiếng :
- Bạch Ngọc Lâu thất lễ, còn một vị ở thuyền kia...
- Đó là một vị bằng hữu của Đường mỗ...
- Thì ra là bằng hữu của Đường trại chủ, vì sao không lên bờ nói chuyện luôn?
- Tệ hữu không phải là người của Tàng Long trại, Đường mỗ không muốn để y tham dự vào việc của Tàng Long trại, chẳng lẽ bản thân Đường mỗ, ba huynh đệ đây và tám vị Đường chủ không đủ nói chuyện với Bạch đại hiệp sao?
- Đâu dám nói là không đủ? Bạch Ngọc Lâu đa tạ Trại chủ.
Đường Lăng Ba cười nhẹ :
- Bạch đại hiệp khách sáo như thế là đủ rồi, Bạch bằng hữu là cao nhân môn phái nào?
- Không dám nhận hai tiếng cao nhân, tại hạ vốn chỉ là người mới vào cõi giang hồ...
- Bạch bằng hữu cần gì khiêm nhượng quá đáng?
- Đường trại chủ xin chớ trách oan, tại hạ nói đó là nói thật.
- Xin cho Đường mỗ nói thẳng, trong võ lâm không có ai dám chen vào chuyện của Tàng Long trại!
Bạch Ngọc Lâu gật đầu cười :
- Điều ấy tại hạ có biết, nhưng Bạch Ngọc Lâu vốn có tính xấu là không sợ chuyện gì cũng chẳng sợ chết cứ lấy đại nghĩa làm đầu, xả thân vì chính...
Y cười lớn :
- Nếu ai cũng sợ hãi sức mạnh, thì trên đời còn gì là đại nghĩa công lý nữa?
Đường Lăng Ba biến sắc mặt :
- Gan dạ đảm thức của Bạch bằng hữu khiến người cảm phục, nhưng Đường mỗ và các vị Đường chủ đây không thể nào chìu ý bằng hữu...
Hắn chỉ tay vào Lý Vân Hồng gằn nói :
- Vị cô nương kia là gì?
- Ái nữ của Phi Vân bảo Lý bảo chủ, theo tại hạ được biết, Đông Tây lưỡng bảo và Nam Bắc Nhị Trại tuy rất ít khi vãng lai nhưng đều ngầm tự tôn trọng lẫn nhau. Nói thẳng ra là bạn chứ không phải là địch, không ai có thù hận với ai...
Đường Lăng Ba mỉm cười cắt lời :
- Bạch bằng hữu có biết vì sao Đường mỗ có ý bắt Lý cô nương chăng?
- Đường trại chủ cao minh, đúng vậy.
- Bạch bằng hữu cứ nói thẳng việc gì phải vòng vo mỉa mai?
- Cách nào nói cũng chỉ có một mục đích.
- Đường mỗ nói cho bằng hữu biết, đây là chuyện riêng của Tàng Long trại!
Bạch Ngọc Lâu gật đầu :
- Đương nhiên, e rằng nội tình không đơn giản!
Đường Lăng Ba biến sắc mặt nhưng tức thì cười nhạt :
- Thôi cũng chẳng sao, khi xưa Đường mỗ và Lý Thương Như có chút hiềm oán!
Bạch Ngọc Lâu nghiêng đầu hỏi Lý Vân Hồng :
- Lý cô nương biết việc ấy không?
Lý Vân Hồng lắc đầu :
- Ta không hề nghe gia phụ nói đến.
Bạch Ngọc Lâu gật đầu :
- Có lẽ khi xưa lệnh tôn có điểm đắc tội với vị Đường trại chủ đây nên Đường trại chủ muốn báo thù...
Y chuyển nhìn Đường Lăng Ba :
- Nếu Lý lão bảo chủ có điều đắc tội với Đường trại chủ, sao Đường trại chủ không xuất lãnh cao thủ đến Phi Vân bảo hỏi tội mà lại...
- Bạch bằng hữu có biết câu “nợ cha con trả” không?
- Có biết, nhưng e rằng Đường trại chủ đã hiểu lầm câu ấy, hiện nay Lý lão bảo chủ vẫn còn tại thế, Lý cô nương lại là nữ nhi yếu đuối, nỡ nào Đường trại chủ đổ tội cho nàng làm hao tổn đến thanh uy của Tàng Long trại.
- Bạch bằng hữu cho rằng Đường mỗ không dám tìm đến Phi Vân bảo ư?
- Không dám nói thế, với uy danh Tàng Long trại và thực lực của Đường trại chủ có chỗ nào Trại chủ không dám đến? Vả chăng, nếu Đường trại chủ sợ Phi Vân bảo thì đâu dám động tới Lý cô nương?
- Bạch bằng hữu biết vậy là tốt.
- Nhưng tại hạ vẫn chưa biết giữa Đường trại chủ và Lý lão bảo chủ có gì hiềm khích?
- Đó là việc riêng của Đường mỗ và Lý Thương Như!
- Đường đại trại chủ, tại hạ đây vốn là bằng hữu của Lý lão bảo chủ!
- Nói thế đêm nay chẳng những Bạch bằng hữu muốn can dự vào chuyện của Tàng Long trại mà còn có ý chấm dứt hiềm khích giữa Đường mỗ và Lý Thương Như nữa sao?
Bạch Ngọc Lâu cười nhạt :
- Sự thực là thế, tại hạ không hề phủ nhận.
Đường Lăng Ba giương đứng hai lông mày :
- Bạch bằng hữu, Đường mỗ đến vốn không có ý coi bằng hữu là kẻ địch.