Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 4 - Chương 141

Bốn vụ liền năng suất lúa ở Gia Đạo giảm không đáng kể. Điều đó khiến ông Kim hết sức quan tâm. Ông bảo Hành chuẩn bị xe cộ sáng mai đi sớm xuống Gia Đạo tìm cho ra nhẽ. Qua cơ quan huyện Tam Bình xe ghé vào đón Chi rồi vội vã đi ngay không kịp để Chi mời nước. Xe ra khỏi cổng cơ quan huyện, Chi hỏi đùa Đô:

- Nghe tin chú Đô lên chức phó văn phòng tỉnh ủy mà chưa thấy khao chúng tôi nhỉ?

Đô ngồi ghế trước ngoái lại bảo:

- Bị anh Kim bắt lên đấy chị ạ. Nghe hai tiếng phó văn phòng tỉnh ủy có vẻ oai lắm chứ công việc cứ chán ngắt. Thà cứ để cho em làm cái chân loong toong hầu cận cùng chia vui sẻ buồn hàng ngày với anh Kim, cuộc sống xem ra có ý nghĩa hơn.

Ông Kim nói với Chi:

- Thấy cậu ấy làm thư ký riêng cho tớ lâu ngày quá sợ nó bị thiệt thòi nên mới bảo lão Dần sắp xếp cho hắn cái chức phó văn phòng mà hắn giãy lên như bắt hắn đi đày không bằng. Hắn cứ nằng nặc xin ở lại làm thư kí riêng cho tớ. Cuối cùng tớ phải nhân nhượng thêm cho hắn cái chức mà không biết có nơi nào có không. Đó là phó văn phòng tỉnh ủy kiêm thư ký riêng của bí thư.

Hành tham gia vào câu chuyện:

- Ông Đô nói hai tiếng loong toong khiến em nhớ lại cách đây bốn, năm năm gì đó bọn trẻ con ở Hạ Đình thấy ông Đô mang khẩu súng hai nòng cùng với em đi theo sau lưng bí thư chúng nó liền kháo nhau. Cái ông này làm gì to lắm chúng mày ạ. Có cả loong toong và anh bồi đi theo. Nghe buồn cười không chịu được.

- Cậu Hành nhắc đến Hạ Đình tớ nhớ đến ông Mai lươn. Không biết ông ta còn khỏe và còn đi đánh ống lươn nữa không. Cái món chuối om lươn của ông ấy thật tuyệt vời. Nghĩ mình đôi lúc cũng tệ. Vùi đầu vào công việc nên có lúc quên cả việc đi thăm những ân nhân của mình trong những ngày nếm mật nằm gai cùng với cơ sở ở vùng địch hậu. Hôm nào phải bố trí thời gian đi thăm ông Mai lươn và bà Lành vợ ông Mạch, bí thư huyện ủy Văn Lâm ngày xưa mới được.

Đô hỏi ông Kim:

- Anh Kim có nhớ hôm xuống Hạ Đình có mấy anh thợ bừa thách anh, anh liền tháo dép, cởi bỏ quần áo dài rồi nhảy xuống ruộng bừa một mạch trước con mặt ngạc nhiên của mấy lão thợ bừa không?

- Nhớ chứ. Tớ còn nhớ cả chuyện thấy mấy cô gái chen chúc nhau chổng mông để cấy cậu liền hát trêu: Hỡi cô cấy ở ruộng sâu. Mặt thời cúi xuống chổng phao câu lên trời. Một cô liền đáp lại: Anh đi thì cứ việc đi. Em không chổng thế lấy gì anh ăn.

Chi cười hỏi:

- Con gái đâu mà đáo để thế?

- Con gái kẻ Đúm. Cô có nghe câu: Đẹp nhất con gái kẻ Chanh, đanh đá kẻ Đúm, ba vành kẻ Dơi chưa?

- Em chưa nghe bao giờ.

Đô khen:

- Em công nhận anh Kim có một trí nhớ thật tuyệt vời. Chuyện xảy ra cách đây đã bốn, năm năm rồi mà anh còn nhớ cả câu hát trêu nhau chỉ thoáng qua một lần.

- Chuyện vui, chuyện buồn đều gắn với một giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời tớ nên tớ chẳng mấy khi quên. Cô bí thư huyện ủy Tam Bình này.

- Có chuyện gì mà anh gọi em trang trọng thế?

- Tớ đang nghĩ trong việc mấy vụ lúa liền năng suất của thằng Gia Đạo không giảm đáng kể chắc chắn thế nào cũng có bàn tay của cô nhúng vào đó phải không?

- Em chẳng có công gì trong việc này cả. Tất cả là sáng kiến của cô Bích cả đấy anh ạ. Bích nó cho khoán chui mới được như vậy đấy.

Ông Kim ngạc nhiên:

- Khoán chui?

- Vâng. Vụ Đông Xuân sau khi có thông tri của Ban bí thư, Ban quản trị cũ lên phương án bỏ khoán hộ và cho chuyển qua khoán nhóm, khoán tổ. Nhưng không lặp lại lối khoán nhóm, khoán tổ trước đây mà bằng cách chia diện tích và khoán sản lượng cho tổ, cho nhóm. Tổ, nhóm hoàn toàn tự quản lí lấy công việc. Hình thức na ná giống như khoán hộ. Tuy vậy khoán kiểu này vẫn diễn ra tình trạng so bì tị nạnh trong thái độ lao động hàng ngày cũng như chia bôi sau thu hoạch. Sản xuất vụ chiêm năm ấy năng suất tụt mất hai tạ một héc-ta so với các vụ chiêm của thời kỳ khoán hộ. Vụ mùa tiếp theo, năng suất cũng tụt gần hai tạ. Thấy tình hình khoán kiểu ấy không ổn, Bích đề nghị với Ban quản trị cho trở lại khoán hộ như cũ nhưng lại nấp dưới cái vỏ bọc khoán nhóm, khoán tổ…

Ông Kim hỏi:

- Sao tớ không nghe ai báo cáo việc này với tớ?

- Ban quản trị sợ nên giấu nhẹm cả em, làm sao em biết mà báo cáo. Thực ra khi bàn cách sửa chữa khoán hộ theo Thông tri của Ban bí thư có mặt em dự, Bích đã nêu ra cách làm này rồi nhưng cả em và Ban quản trị không đồng ý vì Thông tri của Ban bí thư yêu cầu khi sửa không được che giấu khuyết điểm, sai lầm, có sai không chịu sửa, sai nhiều sửa ít hoặc sửa qua loa cho xong chuyện. Vì thế em đồng ý với phương án chia diện tích và khoán sản lượng cho tổ, cho nhóm hoàn toàn tự chủ trong công việc sản xuất.

- Chúng nó khoán chui từ khi nào?

- Ngay sau hai vụ mùa liên tiếp giảm năng suất. Đến vụ chiêm thứ ba em mới phát hiện được.

- Rồi bao che luôn?

Chi cười không trả lời.

- Kể ra chúng nó cũng kín thật. Mấy lần tớ về Gia Đạo mà không thế nào phát hiện ra. Thấy năng suất mấy vụ liền không giảm như các nơi khác, tớ có hỏi thì chúng nó bảo là do quản lí ngày công của lao động chặt chẽ, thế là tớ tin. Chúng lừa cả bí thư tỉnh ủy, huyện ủy thì to gan thật. Thế vì sao đằng ấy nắm được? Do chúng nó báo cáo à?

- Đâu có. Thấy mấy vụ liền năng suất của Gia Đạo không bị giảm sút, em nghi ngờ chắc có chuyện gì khuất tất trong đó vì thấy Hợp tác xã An Bình làm ăn có kinh nghiệm như vậy, lại có một Ban quản trị rất có năng lực mà vẫn không duy trì được năng suất nên em bắt đầu để tâm tìm hiểu mới vỡ lẽ chuyện khoán chui. Em cũng phục không hiểu cái Ban quản trị này chỉ đạo bằng cách nào mà dân không ai hé răng kể chuyện mình khoán chui mới lạ chứ. Theo anh nên xử lí thế nào về chuyện này?

- Cứ để yên cho chúng nó làm, coi như mình không biết chuyện gì – Ông Kim thở dài rồi nói tiếp – Cái đất nước này kể cũng lạ. Hết mua chui, bán chui bây giờ lại đến cả khoán chui.

- Cũng do cơ chế mà ra cả. Công khai, thật thà bị cấm buộc người ta phải đối phó chứ ai muốn chui lủi dối trá làm gì.

Thấy xe ông Kim chạy vào sân Hợp tác, Bích từ trong nhà làm việc chạy chào niềm nở:

- Cháu chào bác, chào cô, chào hai anh.

Ông Kim đùa:

- Sao không chào luôn cái xe ô-tô?

Bích cười hồn nhiên:

- Cháu chào bác ô-tô ạ.

Mọi người theo Bích vào nhà. Thấy vắng vẻ, ông Kim hỏi:

- Ban quản trị đi đâu hết mà chỉ còn một mình cháu ở nhà?

- Ra đồng hết cả rồi bác ạ.

- Đang làm gì ngoài ấy?

- Thưa bác, đang làm mạ và cày vỡ ạ. Bác có làm việc với Ban quản trị không để cháu cho người đi gọi về?

- Ban quản trị bận thì thôi. Bác làm việc với cháu là được rồi. Con cháu được mấy tháng rồi nhỉ?

- Thưa bác được bảy tháng rồi ạ.

- Cháu có đủ sữa cho con bú không?

- Đủ ạ.

- Nghe cô Chi bảo chồng cháu đã chuyển quân đi chỗ khác rồi à?

Bích đáp giọng buồn buồn:

- Vâng. Sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến hai mươi trở ra được một tháng thì đơn vị của anh ấy đã chuyển vào khu Bốn. Cháu lo lắm bác ạ.

Ông Kim an ủi:

- Cháu yên tâm, mọi việc sẽ tốt đẹp thôi. Cháu gửi con cho nhà trẻ hay là nhờ bà ngoại trông?

- Gửi nhà trẻ bác ạ. Thôi chết, cháu quên pha nước mời bác, cô và hai anh.

Ông Kim trêu:

- Bác nhịn khát quen rồi. Để chiều về nhà bác uống cũng được.

Bích cười:

- Bác phê bình cháu khéo thế.

- Có những chuyện còn đáng phê bình hơn là quên mời nước bác.

Bích không hiểu ý ngầm trong câu nói của ông Kim nên thật thà bảo:

- Bác cứ phê bình, nếu thấy đúng thì cháu xin sửa chữa.

- Chẳng sửa được đâu.

Bích hơi chột dạ:

- Bác nói thế nghĩa là thế nào ạ?

- Nghĩa là cháu biết mình làm sai nhưng không muốn sửa chữa.

Bích nghi ngờ nên đưa mắt nhìn Chi:

- Có phải cô kể hết cho bí thư tỉnh ủy nghe rồi có phải không?

Chi vờ như không biết chuyện gì:

- Có chuyện gì mà kể.

- Cháu biết bác bí thư nói thế là có nghĩa gì rồi.

Ông Kim cười sảng khoái:

- Đúng là có tật giật mình. Bây giờ cháu tính thế nào với việc cháu làm?

Bích nghe tiếng cười của ông Kim biết chẳng có chuyện gì nên nói cứng:

- Cháu xin chịu kỷ luật vì không chấp hành chỉ thị của cấp trên.

- Cháu xác định hình thức kỷ luật thế nào đây?

Bích cười rồi nói:

- Tùy bác thôi. Hình thức nào cháu cũng chịu hết nhưng bác đừng bắt bà con làm ăn kiểu khác. Tội bà con lắm bác ạ.

Ông Kim ngồi lặng đi trước câu nói của Bích.

Sau khi Ban quản trị cũ hết nhiệm kỳ, ngoài ông Cẩm bà Bắc xin rút lui, Dậu và Tế cũng từ chối ứng cử trở lại. Cuối cùng Ban quản trị cũ chỉ còn lại Bích, còn lại là toàn người mới. Đặc điểm của Ban quản trị lần này trong số năm người được bầu thì có bốn là nữ. Chỉ có mình Quán, cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã là nam. Bích được bầu làm Chủ nhiệm. Bích vừa mới sinh con, Phong lại chuyển vào khu Bốn, Hợp tác xã đang ở giai đoạn tranh tối tranh sáng nên Bích phải gồng mình lên mới giữ cho Hợp tác xã không rơi vào tình trạng sa sút như các nơi khác. Việc Bích quyết định cho khoán chui không phải tất cả các đảng viên trong chi bộ đồng tình ủng hộ. Việc đảng viên không chấp hành chỉ thị của cấp trên xưa nay chưa từng xảy ra bao giờ. Nhưng Bích cùng với Dậu và Tế đến nhà gặp từng đảng viên để thuyết phục. Cuối cùng các đảng viên trong chi bộ đều đồng tình với việc đề xuất khoán chui của Bích và sẵn sàng chịu trách nhiệm với cấp trên.

Thấy ông Kim ngồi im lặng, Bích hỏi lần nữa:

- Bác không phê bình cháu làm trái với Thông tri của Ban bí thư chứ?

- Ai nỡ kỷ luật một người như cháu. Nhưng biểu dương cũng không thể, vì ai lại đi biểu dương một đảng viên không chấp hành chỉ thị của cấp trên.

- Cháu chẳng cần biểu dương cháu. Chỉ mong bác đừng bắt bà con không được khoán hộ là coi như đã biểu dương cháu rồi.

Ông Kim cười rồi nói với Bích:

- Cháu cứ coi như bác không biết chuyện gì. Thế đã được chưa?

Bích mừng vui lộ trên nét mặt:

- Cháu vạn lần cám ơn bác.

- Bác cũng vạn lần cám ơn cháu. Coi như hòa nhé.

Chi lên tiếng:

- Không ai cám ơn tôi à?

Bích cười đáp lại Chi:

- Bác bí thư mà ra lệnh không cho cháu khoán hộ thì cháu còn oán cô suốt đời chứ đừng hòng cháu cám ơn.

Ông Kim hỏi:

- Tế và Dậu có giúp đỡ các cháu nhiều không?

Bích đáp:

- Nhiều lắm bác ạ. Không có chú Dậu và anh Tế chỉ bảo thêm, chúng cháu không thể điều khiển Hợp tác xã thông đồng bén giọt như hôm nay được.

- Vụ này thế nào. Có định đưa năng suất lên cao hơn được không hay vẫn duy trì mức cũ?

- Cháu muốn lắm nhưng chắc chả được đâu bác ạ. Đất đai vẫn thế, con người vẫn thế và phân tro cũng chỉ có thế, làm sao mà đưa được năng suất lên cao hơn những vụ trước đấy được.

- Nếu chịu khó cải tiến kỹ thuật canh tác thì cũng có thể đưa năng suất lên cao được.

- Anh Quán phó chủ nhiệm kiêm cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã cũng chịu khó nghiên cứu lắm bác ạ. Vụ trước đây anh ấy đã cho cấy thử trên ruộng thí nghiệm bằng cách chia dẻ mạ ít cây và cấy dày hơn, đồng thời tăng thêm một lượt bón thúc. Nhưng kết quả không ăn thua. Vụ này chúng cháu yêu cầu các hộ tăng thêm mỗi sào hai tạ phân chuồng nữa nhưng bà con bảo làm như vậy sợ lúa tốt quá bị lốc khi gặp gió to có khi mất ăn.

Ông Kim góp ý:

- Bà con nói đúng đấy. Lúa quá tốt sẽ có nhiều lá và cây không chắc, rất dễ bị đổ. Bác hỏi cháu câu này. Cho khoán chui như vậy, bà con có sợ không?

Bích:

- Có bác ạ. Nhưng không phải sợ mình làm sai mà chỉ sợ cấp trên biết rồi cấm thôi.

- Có phải vì thế nên cháu yêu cầu bà con không được để lộ việc khoán chui ra ngoài không?

Bích cười:

- Vâng. Cháu dọa nếu nghe ai bàn tán về chuyện khoán chui Ban quản trị sẽ thu lại ruộng và tổ chức cho khoán nhóm, khoán tổ. Thế là bà con im như thóc. Vì vậy mà bí thư huyện ủy ở bên cạnh cũng không hiểu vì sao năng suất của Gia Đạo không hề sụt giảm.

Nói xong Bích cười vui vẻ.

Ông Kim cũng cười:

- Bác không nghĩ cháu lại táo tợn như vậy.

Bích thổ lộ:

- Làm liều nhưng cũng lo bác ạ. Liệu cấp trên có biết không bác?

- Cháu không thấy cấp trên đang ngồi trước mặt cháu đây à?

- Ý cháu là trên Trung ương.

- Bác nói đùa cho vui thôi, còn Trung ương có biết không bác cũng chả biết nữa. Vẫn tiếp tục khoán lợn cho hộ đấy chứ?

Bích nghe ông Kim hỏi khoe luôn:

- Có lợi như vậy làm sao mà bỏ được hả bác? Bây giờ có nhà nhận khoán những năm đầu lợn kia bác ạ.

Ông Kim khuyên:

- Nếu mở rộng khoán lợn, đất canh tác sẽ bị thu hẹp cho nên cháu phải tính toán cho cẩn thận.

Bích nói để ông Kim rõ:

- Chúng cháu cũng đã tính toán lại phương thức khoán lợn rồi bác ạ. Mỗi đầu lợn bây giờ chỉ nhận được sáu thước đất chứ không phải mười thước như trước đây, ba mươi đồng tiền mua giống giữ nguyên. Trước đây mỗi đầu lợn được hưởng bốn mươi công, bây giờ chỉ còn ba mươi công thôi. Ngược lại các hộ chỉ nộp bốn mươi cân lợn hơi, còn phân không phải nộp vì để cho bà con đầu tư vào ruộng khoán của gia đình mình. Tính ra mất sáu thước đất canh tác, ba mươi đồng tiền giống và phải chi trả cho xã viên ba mươi công lao động nhưng lại thu được bốn mươi cân lợn hơi, tính ra vẫn có lợi hơn làm ruộng nhiều bác ạ. Chú Dậu bảo cháu nên khoán thêm cho bà con nuôi gia cầm để đổi thóc, nhưng cháu chưa tính toán được cụ thể cách khoán như thế nào. Nếu tính toán thấy có lợi cho cả tập thể lẫn hộ xã viên, cháu sẽ cho khoán thêm gia cầm gồm gà, vịt và ngan. Bác thấy khoán thêm gia cầm có được không?

Ông Kim trả lời Bích:

- Làm việc gì vừa có lợi cho nông dân và có lợi cho cả Hợp tác xã đều tốt cả. Trong khâu tính toán khoán gia cầm, cháu cần làm việc cụ thể với các phòng ban ở huyện về kế hoạch thu mua. Phải có cam kết rõ ràng giữa nông dân và cơ quan thu mua. Như vậy mới kích thích được bà con chăn nuôi.

Bích vui vẻ đáp:

- Cháu xin nghe lời bác. Cháu sẽ nhờ chú Dậu và anh Tế cùng tính toán hộ chúng cháu. Sau đó cháu nhờ cô Chi giúp cháu làm việc với Phòng lương thực, thực phẩm của huyện bàn chuyện ký hợp đồng.

Chi đùa:

- Có chi phần trăm cho người làm môi giới không?

Bích đùa trở lại:

- Mỗi đợt cân gà vịt, Hợp tác xã sẽ biếu cô một con, được chưa?

- Một năm cân hai bận thì tôi ngồi đấy chết thèm.

Ông Kim hút xong điếu thuốc rồi bảo Bích:

- Bây giờ cháu dẫn mọi người ra đồng thăm bà con sản xuất nhé.

- Vâng – Bích đứng lên và cẩn thận dặn ông Kim - Bác phải hứa với cháu là chỉ hỏi thăm việc sản xuất chứ đừng nói gì chuyện khoán hộ đấy nhé. Nếu bà con biết bác đã biết Hợp tác xã đang khoán chui, bà con sẽ hoang mang đấy.

Ông Kim cười:

- Bác có biết gì đâu mà nói.