Theo thói quen sau giờ làm việc buổi chiều, ông Kim lại đi dạo trên những con đường rợp bóng cây cổ thụ trong khuôn viên tỉnh ủy. Đầu ông thỉnh thoảng gật gù như vừa nghĩ ra một điều gì đó làm ông khoái chí. Từ phía sau, ông Sắc rảo bước đuổi theo ông Kim. Nghe tiếng bước chân, ông Kim quay đầu lại.
- Lâu lắm hôm nay tôi mới thấy anh đi dạo vào buổi chiều - Ông Kim hỏi thay cho câu chào.
- Tôi có thói quen đi dạo trước khi đi ngủ chứ ít khi đi vào buổi chiều.
- Mấy hôm nay trời oi quá. Không khéo chuẩn bị mưa bão gì đây.
- Từ tháng này trở đi mưa bão thường xảy ra ở miền Trung hơn là ngoài này. Mấy hôm nay anh có đi xuống cơ sở không. Chắc lúa sắp gặt rồi đấy nhỉ?
- Hôm qua tôi đi xuống Yên Lộc. Bà con đã ra đồng gặt lác đác rồi.
Ông Sắc hỏi:
- Nghe chị Thường bảo lúa năm nay tốt lắm phải không?
Ông Kim nói như reo:
- Đây là vụ mùa tốt nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Ngắm các ruộng lúa cứ ngỡ như ai đổ thóc ra ruộng để phơi. Chỉ thấy hạt là hạt, chẳng thấy cây lá ở đâu cả. Tôi đang lo trời mưa quá. Sáng mai tôi đi xuống Tam Bình giục các Hợp tác cho gặt nhanh mới được. Non nhà còn hơn già đồng.
- Những việc ấy đã có Ban quản trị các Hợp tác xã lo chứ việc gì anh phải lo cho mệt.
- Biết là vậy nhưng lòng vẫn thắc thỏm không yên. Nông dân làm được hạt thóc năm sương bảy nắng. Để mất ngoài đồng thì chẳng có gì đau xót bằng.
Hai người đi qua chiếc ghế đá đặt dưới gốc xà cừ. Ông Kim bảo ông Sắc:
- Ngồi nghỉ một lát đã anh. Tôi đi mấy vòng thấy đã mỏi chân rồi.
Hai người ngồi xuống ghế đá.
Ông Sắc đột ngột bảo:
- Sắp tới chúng tôi phải chuyển lên Phú Thịnh rồi. Phải xa anh buồn quá.
Ông Kim ngạc nhiên:
- Sao không ở Phước Vĩnh mà chuyển lên Phú Thịnh?
- Trên ấy cũng đang xuất hiện một số Hợp tác xã đi theo con đường của các anh. Không riêng gì Phú Thịnh mà nghe đâu ở Hải Phòng, Hải Hưng cũng đang học tập các các anh bung ra khiến Ban bí thư hết sức lo lắng.
- Chẳng phải học tập chúng tôi đâu anh ạ. Đó là quy luật tất yếu khi cái cũ không còn thích hợp nữa thì cái mới phải nảy sinh để thay thế. Chưa chắc họ đi theo con đường của chúng tôi mà họ có con đường riêng của họ.
- Có lẽ thế. Ban bí thư điều chúng tôi lên Phú Thịnh chắc muốn chúng tôi phối hợp với tỉnh ủy Phú Thịnh đừng để cho phong trào lây lan.
Ông Kim hỏi lẫn trách móc:
- Sao Ban bí thư không dành thời gian suy nghĩ vì sao có hiện tượng nông dân bung ra làm ăn theo suy nghĩ của họ mà chỉ nghĩ làm sao để ngăn chặn việc làm trên?
- Tôi nghĩ Ban bí thư cũng suy nghĩ về hiện tượng trên. Và cũng có thể không ít người ủng hộ việc làm tự phát của nông dân. Nhưng có lẽ vì một lí do nào đó mà việc làm ấy không được công nhận.
- Tôi nghĩ chẳng qua là những người mang tư tưởng bảo thủ và giáo điều kiểu như ông Đỗ, ông Bao thắng thế nên việc làm của nông dân mới không được thừa nhận.
Ông Sắc tỏ ý đồng tình:
- Tôi cũng nghĩ thế.
Ông Kim lặng yên một lúc rồi nói giọng buồn buồn:
- Điều khiến tôi rất buồn và ngạc nhiên là vì sao anh Trung Chính lại là người phản đối kịch liệt việc này. Tôi sống gần anh ấy không phải là ít. Anh ấy coi tôi như một cậu em trai, dìu dắt tôi từng bước. Tôi hiểu anh Trung Chính rất coi trọng vấn đề nông dân và nông thôn. Trước Cách mạng Tháng Tám, anh ấy viết rất nhiều bài báo nói về nông dân. Phải nói đó là những bài báo rất hay. Không những định hướng trong lí luận mà còn những dẫn chứng rất thực tế. Anh ấy lúc nào cũng nói nông dân là quân chủ lực của cách mạng. Nhưng không hiểu sao bây giờ anh ấy không quan tâm đến chuyện đội quân chủ lực của cách mạng ấy đang sống ra sao. Họ nghĩ gì và muốn gì. Anh có biết vì sao không?
- Tôi cũng như anh. Tôi rất kính nể anh ấy. Đó là một con người có trí tuệ uyên bác, có cái nhìn sự vật rất sắc sảo. Nhưng vì sao anh ấy kiên quyết phản đối cách làm ăn của các anh thì tôi chịu. Tôi có chuyện này muốn hỏi anh.
Ông Kim tỏ vẻ quan tâm hỏi:
- Chuyện gì hả anh?
- Tôi biết trong thời kỳ Đảng ta còn hoạt động bí mật, gia đình chị Thường và anh không sợ hiểm nguy đã nuôi anh Trung Chính và một số anh nữa ở trong nhà. Tôi còn biết anh Trung Chính cũng rất quý anh, sao anh không đến thăm anh Trung Chính và tâm sự với anh ấy về những việc làm của mình? Biết đâu anh Trung Chính sẽ nghe ra và ủng hộ anh?
- Anh Trung Chính xưa nay sống hết sức nguyên tắc. Riêng chung lúc nào cũng phân minh. Hơn nữa tôi không muốn anh ấy nghĩ rằng tôi lợi dụng tình thân để mưu cầu việc riêng của mình.
- Đây là việc của nông dân, việc của tập thể chứ có phải việc riêng của anh đâu?
- Đúng là việc của nông dân, việc của tập thể. Nhưng anh ấy đang phê phán việc làm của tôi, tôi có gặp cũng chẳng ích gì. Còn nói về tình thân thì mỗi thời mỗi khác anh ạ. Trước đây có khi ở chung cùng một mái lán giữa rừng, đêm nằm quắp nhau nói hết chuyện này sang chuyện khác, ăn cơm í ới gọi nhau cùng ngồi chung một mâm nên cái tình đồng chí ngày ấy sâu đậm, chân tình lắm. Còn giờ đây các anh ấy ở nhà cao cửa rộng, ra vào phải qua vọng gác, đi đâu thì tiền hô hậu ủng, từ đó tình đồng chí thành ra tình cấp trên và cấp dưới. Trên bao giờ cũng đúng nên trên nói dưới phải nghe. Chống lại trên có nghĩa là chống đối lại đường lối của Đảng, chống lại tổ chức. Anh bảo tôi nói thế có đúng không?
- Cũng tùy theo người thôi. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo ngày nay vẫn giữ được tác phong quần chúng.
Hai người ngồi im lặng để đuổi theo ý nghĩ riêng của mình. Lát sau ông Kim hỏi:
- Các anh khi nào thì chuyển lên Phú Thịnh?
- Có lẽ trong tuần này thôi.
Ông Kim thở dài:
- Tôi xa anh Ẩn, giờ lại xa anh nữa. Buồn quá!
Ông Sắc nói giọng buồn:
- Tôi cũng rất tiếc vì phải xa anh.
Ông Kim bỗng nói giọng sôi nổi:
- Này, hay là anh sắp xếp sáng mai đi với tôi xuống Tam Bình đi. Tôi sẽ dẫn anh về thăm Hợp tác xã Gia Đạo xem mùa màng ra sao. Hợp tác xã này nằm trong số Hợp tác thực hiện khoán trắng cho nông dân đấy. Anh thấy thế nào?
Ông Sắc thấy vui hẳn lên:
- Đi chơi với anh một chuyến để chia tay cũng hay đấy nhỉ. Mấy giờ thì đi?
- Ăn cơm sáng xong lên xe luôn. Tôi sẽ đem theo khẩu súng hơi. Xuống đó thả cho tay Đô đi bắn chim, trưa quay về huyện ủy Tam Bình ăn cơm.
Ông Sắc hỏi:
- Hiện tại trong tỉnh của anh có mấy Hợp tác xã thực hiện khoán trắng?
- Huyện nào cũng có bốn, năm Hợp tác xã khoán trắng. Riêng Tam Bình có đến sáu Hợp tác xã. Vụ chiêm đến đây số lượng có thể lên nhiều hơn. Vụ mùa này một số Hợp tác xã cán bộ lãnh đạo ngại quản lí nên vẫn giữ cách khoán phổ biến là khoán nhóm, khoán hộ. Cách khoán này cũng đưa lại những kết quả rất tốt, không kém khoán trắng là bao. Ngày mai tôi sẽ dẫn anh đi xem hai Hợp tác xã có hai cách khoán khác nhau để anh so sánh. Có dịp về Hà Nội, anh gặp anh Trung Chính kể lại cho anh ấy nghe để xem thái độ của anh ấy như thế nào.
- Anh Ẩn còn chưa lay chuyển được anh Trung Chính, tôi nói làm sao anh ấy nghe được.