Một số người cố gắng tránh né những điều có thể gây bất hòa bằng cách tán đồng cho qua chuyện. Nhưng đối với những người thân, người bạn thương yêu, cách xử sự ấy đôi khi chỉ khiến chúng ta bực mình. Chúng ta cảm thấy như mình không được tôn trọng. Đôi khi chúng ta có thể nổi giận nếu nỗi khó chịu này cứ mãi âm ỉ. Hãy nói lên điểm bất đồng của mình, nhưng hãy làm điều đó một cách mềm mỏng, tinh tế và mang tính xây dựng, đừng tỏ thái độ giận dữ hay gây hấn.
Mary là một thợ làm đầu. Chị của cô là một giám đốc ngân hàng. Bình thường điều này chẳng mấy quan trọng đối với Mary. Nhưng mẹ của Mary lại giới thiệu các con gái mình với bạn bè như thế này: “Mary là thợ làm đầu. Nhưng chị nó thì làm giám đốc ngân hàng đấy”. Mỗi lần nghe mẹ nói như thế, lòng Mary lại như lửa đốt. Tại sao mẹ cô lại đề cập đến chuyện nghề nghiệp của các con gái bằng một giọng điệu như thể bà rất thất vọng về công việc của Mary?
Và điều phải đến đã đến, khi Mary về thăm mẹ, bà phàn nàn rằng dường như cô không vui khi về thăm bà. Bà không nghĩ rằng những lời bình phẩm của mình đã đẩy Mary vào trạng thái đó. Mary giải thích cho mẹ hiểu rằng những lời của mẹ đã khiến cô cảm thấy buồn như thế nào, và mẹ cô phân trần rằng thật sự bà chẳng hề có ý gì cả. Bà tự hào về cả hai cô con gái, và bà không có ý nói cho người ta thấy sự khác biệt về nghề nghiệp giữa hai con. Sau lần đó Mary vui hẳn lên.
Trong các mối quan hệ xã hội, những người có thể thổ lộ sự lo lắng của mình hay bày tỏ những mong muốn của mình sẽ cảm thấy hài lòng hơn những người không thể làm điều đó.