Chu Cẩm Sơn chạy như bay xuống núi, lòng gã mừng khôn tả. Gã cứ chiếu theo hướng Đông chạy thẳng, tuy nhiên từ trên cao thì dễ song chạy ở phía dưới khó khăn hơn nhiều vì cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt, nhiều lúc phải rẽ lối khác mà đi...
Suốt dọc đường, quả đúng như lời đồn đại, gã tuyệt nhiên không thấy bóng người hoặc bất cứ loài cầm thú nào cả. Duy nhất trong rừng chỉ có một loại trái duy nhất: Quả màu vàng rực rỡ - mà gã đã ăn vào bụng.
Chu Cẩm Sơn chẳng hiểu vì sao mà gã khỏe mạnh như thường. Gã đã biết được Ngọc Lộ Lục Hợp Ngũ Linh Tán và Bảo Nguyên đan là hai loại thần dược trên đời này không đâu có, nhờ đã hấp thụ đủ những tinh hoa của trời đất, âm dương ngũ hành cộng với những kỳ hoa dị thảo, toàn là những linh dược quí hiếm nên nó có khả năng kháng bất cứ loại độc tố nào vào cơ thể bao nhiệu lại càng giúp cho nội lực tăng bấy nhiêu. Nhờ thế mà gã thoát chết.
Gã chạy suốt ngày hôm đó, sáng hôm sau đoán chừng đã đến nơi, Chu Cẩm Sơn bắt đầu cẩn thận quan sát từng tí một.
Mã Đầu sơn là một ngọn núi lớn rất có nhiều hang động nếu tìm hết chắc mấy tháng cũng chưa chắc đã xong - Chu Cẩm Sơn suy đoán.
- “Nếu bí mật của võ công được để ở đây thì chắc chắn phải được để đâu đó trên cao vì nét vẽ của Thái Cực đồ hình đầu ngựa có phần rõ nét hơn cả. Chi bằng ta thử lên đó trước, nếu không có gì thì tính kế sau!”
Nghĩ là thực hiện ngay, Chu Cẩm Sơn tìm lối lên núi song không dẽ dàng như gã tưởng. Lối lên nhiều chỗ bị cắt ngang bởi những vách đá cao dựng đứng. Người có võ công cao cũng khó lòng vượt qua được.
Đành phải xuống thôi, nếu vậy thì không phải, phải tìm cách khác.
Gã chợt phát hiện nơi sườn phía Nam dưới chân núi có một con đường mòn. Liền chạy tới con đường đó mà đi. Đường mỗi lúc một khó qua bởi vì nhiều cây cối chắn ngang.
Chu Cẩm Sơn nghĩ bụng :
- “Nếu đã có con đường, hẳn phải có dụng ý không thể nào không được”.
Nghĩ thế, gã quyết tâm không nản chí mà đi theo lối khác. Đi một hồi lâu, quang cảnh đột nhiên đổi khác, cây cối không còn chắn ngang lối đi nữa.
Rồi gã nhìn thấy từ xa một bãi đất rộng cây cối um tùm bao quanh một tòa nhà cổ miếu.
- Chắc đây rồi!
Chu Cẩm Sơn cả mừng. Gã chạy đến nơi thì quả thực thấy một tòa cổ tự ẩn sau những lùm cây. Từng mái rêu xanh đã phủ đầy, chứng tỏ niên đại của nó đã lâu lắm.
Chu Cẩm Sơn đứng trước cánh cửa chi khép hờ. Bên trên treo một tấm biển, đề ba chữ rất lớn, mà thời gian đã làm mất đi màu sắc nguyên thủy - Bạch Mã tự
Cánh cửa đã lâu ngày nên rất nặng, phát lên một tiếng nghe chói tai. Gã nhìn quanh, bên trong không có bất cứ một thứ gì khác.
Sàn nhà và trên tường, bụi phủ đầy, chứng tỏ không có ai từng qua đây.
Gã đến gần bức tượng ngắm nghía. Chẳng hiểu người xưa tạc bức tượng này là có ý nghĩa gì vì chẳng phải tượng Phật mà cũng chẳng phải một vị thần thánh nào cả.
Đó là một người trông có vẻ như một nửa là nhà sư, một nửa là đạo nhân ngồi theo tư thế xếp chân bằng tròn. Tay trái đặt lên bụng, tay phải đưa ngang ngực như đang cầm ấn bắt quyết. Gã xem xét kỹ song không thấy bất cứ dòng chữ nào có thể nói lên lai lịch pho tượng.
Phía bên phải có một cái kệ bằng đá bên trên trống trơn không có cái gì cả.
Chu Cẩm Sơn loay hoay mất gần nữa ngày cũng chẳng phát hiện được điều gì. Lúc đó trời đã sầm tối, khí lạnh nổi lên khiến gã run lên cầm cập. Gã nghĩ bụng :
- “Ta phải kiếm chỗ nào nằm tạm qua đêm nay không có thì chết rét mất”.
Gã chui vào đằng sau bức tượng rồi nằm ngủ.
Khoảng nửa đêm, Chu Cẩm Sơn thấy có tiếng động bên ngoài thì bừng tỉnh dậy. Gã ngạc nhiên nghĩ :
- “Tử Lâm Sơn không có ai sinh sống ngoài mình ra, không ngờ cũng có kẻ lạ xâm nhập”.
Gã nhỏm dậy áp sát tai vào bức tượng lắng nghe. Quả nhiên có tiếng “két” một cái, chứng tỏ ai đó đã mở cửa. Rồi có tiếng bước chân của hai người tiến vào.
Chu Cẩm Sơn nghe tiếng một gã nói :
- Chà! Giáo chủ thật là thần cơ diệu toán, đoán quả không sai. Nếu không nghĩ ra cách đó thì chẳng bao giờ chúng ta tới được đây.
- Tài thật! - Gã kia phụ họa - Mấy chục năm nay ai cũng đoán rằng bí mật nằm trong Tử Lâm Sơn này đã lấy mạng biết bao nhiêu người...
- Thoạt tiên nghe Giáo chủ cử bọn mình vào đây thăm thử tình hình, ta nghĩ: thôi thế là bỏ mạng rồi... song nói ra...
- Giáo chủ nói gì? - Gã kia hỏi.
- Người truyền lệnh chia làm năm nhóm cùng đi mang theo nhiều lương thực nước uống. Đi được khoảng một phần của quảng đường thì một nhóm bỏ lại lương thực và nước uống rồi về. Cứ như thế đến nhóm bọn mình là nhóm cuối cùng. Nên khỏi lo thiếu lương thực và nước uống nữa!
- Hay quá! Hay quá! - Gã kia thích thú reo lên.
Chu Cẩm Sơn nghe thanh âm quen quen. Gã cố nghĩ ra rồi chợt nhận ra đó là thanh âm của Vương Xứ Nhất.
- Không hiểu gã nói Giáo chủ là Giáo chủ nào nhỉ! Nghe có vẻ như gã không nói tới Vương Nhất Minh? Vậy thì là ai?
Im lặng một lát gã kia nói :
- Đại huynh, lạnh quá, ta đi kiếm gì sưởi đi.
Một lát sau, ánh lửa đã bình yên, Chu Cẩm Sơn không sao nhìn rõ mặt chúng được vì gã ở đằng sau pho tượng.
Vương Xứ Nhất nói :
- Tiểu đệ! Chúng ta xem xét kỹ lưỡng tòa cổ miếu này đi, mai về sớm!
Hai gã đi vòng vòng một hồi rồi đứng trước pho tượng.
- Không hiểu cái lão này là loại người gì nhỉ? - Vương Xứ Nhất nói - Đạo sĩ chẳng ra đạo sĩ mà hòa thượng cũng chẳng ra hòa thượng...
Gã ngưng lại rồi nói tiếp :
- Tiểu đệ, ta nghe hình như ở đây có người..
Chu Cẩm Sơn giật mình :
Thính lực của họ Vương quả là ghê gớm... Gã cố phong bế hô hấp lại thở thất khẽ.
Gã kia nói :
- Đại huynh chỉ hay tưởng tượng, tưởng võ công của đai huynh cao thâm thật nhưng...
- Nhưng làm sao? - Vương Xứ Nhất vặn lại.
- Mấy chục năm nay đâu có ai có thể vào được chốn này... chỉ có Giáo chủ của ta... Đại huynh không thấy à, dọc đường vô số xương người.
Vương Xứ Nhất hừ một tiếng trong miệng. Gã lẩm bẩm :
- Lý thì đúng như vậy nhưng...
Gã im bặt không nói gì nữa. Chu Cẩm Sơn nằm im không dám cục cựa, gã thấy bên ngoài yên lặng không có động tĩnh gì thì ngạc nhiên, không hiểu bọn chúng đang làm gì hay đã ngủ rồi. Bỗng gã nghe tên kia nói :
- Đại huynh, lạnh quá, chúng ta kiếm chỗ nào ngủ đi.
- Hãy tìm kiếm thêm một vòng nữa đi. - Vương Xứ Nhất ra lệnh.
- Đại huynh lắm trò. Giáo chủ chỉ sai chúng ta đến đây để xem có ngôi miếu nào không đó thôi. Chứ đâu có bảo huynh phải dò tìm cơ quan mật thất.
Vương Xứ Nhất lại hừ một tiếng trong miệng. Chu Cẩm Sơn thấy tiếng chân hai gã trước mặt mình.
- Này! - Vương Xứ Nhất nói. - Tượng này rỗng, ngươi có thích thì chui vào mà ngủ. Ta ở ngoài này được rồi!
Tim của Chu Cẩm Sơn thắt lại, gã vào thì nguy hiểm vô cùng. Bỗng nghe tên kia đáp :
- Thôi, tiểu đệ không vào đâu, đền thờ là nơi cúng bái không nên...
Vương Xứ Nhất nói :
- Thối đốt lửa lên mà sưởi, nơi đây không có cường địch đâu mà lo...
Sáng sớm hôm sau, Chu Cẩm Sơn đưa mắt nhòm qua khe hở thì đã không thấy hai gã kia đâu cả. Gã cẩn thận đợi thêm một lát nữa mới lò mò bước ra. Gã yên tâm rồi bắt đầu quan sát thật tỉ mỉ nơi bệ thờ song vẫn không thấy một điểm nào khả nghi cả. Gã nghĩ bụng :
- “Nếu Vương Xứ Nhất đã đến thì hẳn là bọn Thanh Long bang đã đánh hơi được dấu vết. Vậy rất có thể chúng sẽ trở lại một ngày gần đây... Điều cần kíp là nếu tìm ra được bí phổ là phải đến báo cho sư phụ biết mà đề phòng Vương Xứ Nhất”.
Chu Cẩm Sơn đã hoạch định trong đầu kế hoạch. Gã lại rà soát một lần nữa nhưng vẫn không có kết quả.
- Nhất định tiền nhân đời trước khi xây dựng tòa cổ miếu này phải có tâm cơ gì chứ. Hay là ta thử nghiên cứu kỹ pho tượng xem!
Gã đứng trước pho tượng rồi quan sát thật kỹ. Gã lẩm bẩm :
- Lạ thật, nếu pho tượng này đúc để thờ thì tại sao không có chỗ để cắm nhang?
Chu Cẩm Sơn bỗng để ý đến cặp mắt của pho tượng. Nếu ở tư thế thiền định thì mắt phải nhắm lại, hoặc nhìn thẳng đằng này cặp mắt của pho tượng lại nhìn xuống dưới. Gã bỗng nảy ra một ý, trèo lên phía sau pho tượng rồi nhìn theo ánh mắt của pho tượng xem chiếu về đâu. Gã thấy pho tượng ngồi theo tư thế sắp chân bằng tròn, tia mắt nhìn đúng vào bàn chân phải.
Gã tụt xuống và nhận thấy bàn chân phải của bức tượng được cấu tạo hơi kỳ lạ, ngón chân cái vểnh lên một cách bất thường. Gã reo lên :
- Có thể bí mật mật nằm ở đây rồi. Cả pho tượng thật là một nguyên tác hoàn hảo, chứng tỏ người làm ra nó phải là một nghệ nhân bậc thầy, thế thì tai sao ngón cái lại nằm không đúng?
Gã cầm ngón cái lắc qua lắc lại song vẫn thấy cứng ngắc. Gã lại cầm đầu ngón chân cái rồi ấn mạnh vào trong. Quả nhiên ngón chân lập tức thụt ngay vào như có lò xo vậy đồng thời có tiếng ầm ĩ chuyển động của cơ quan bên dưới. Cả pho tượng nặng nề chuyển dịch sang một bên, để lộ một lối đi xuống bên dưới.
Chu Cẩm Sơn cả mừng, gã thận trọng nhòm vào thì thấy có rất nhiều bậc thang đi xuống phía dưới. Gã lần theo từng bậc một đến tận đáy hầm.
Bên trong rộng rãi hơn gã tưởng nhiều. Xung quanh tường được ốp bằng đá khiến không khí trong hầm lạnh buốt. Gã đi khoản hai chục bước thì thấy xuất hiện sáu bảy lối rẽ khác. Điều đặc biệt là cũng có một vài bộ xương người, giữa ngực có cắm một mũi tên, hiển nhiên trước gã đã có vài kẻ lọt vào đây song bỏ mạng vì tên độc. Gã thấy chỉ có một lối duy nhất không có xương người song ở ngoài có ghi bảng chữ: “Vào là chết”
Gã nghĩ thầm :
- “Mọi người đều chết vì tránh cửa này, ta đã liều thân đến đây dù có chết cũng cam chịu”.
Nghĩ thế gã quỳ xuống dập đầu binh binh mấy cái rồi khấn :
- Nếu quả thật Chu Cẩm Sơn này có duyên với tiền bối giúp cho trả được thù nhà thì xin tiền bối bảo toàn mạng sống.
Phập, phập, phập. Mấy chục mũi tên từ trong buồng bắn ra ngay vào chỗ gã đứng, khiến Chu Cẩm Sơn vừa mừng vừa sợ. Gã nghĩ :
- “Nếu mình không vái lạy thì hẳn cũng giống như số phận mấy người kia rồi”.
Chu Cẩm Sơn mạnh dạn bước vào, đường đi tối như mực lại chật chội phải nghiêng người mới vào được. Gã lạnh người khi khi nghĩ rằng nếu ở đây đặt cơ quan phóng tên ra thì làm thoát khỏi chết. Thảo nào mà một số kẻ đã vào đến đây không dám mạo hiểm là phải...
Đi được chừng mấy thước nữa thì đường hầm bỗng phình ra để lộ một căn phòng cũng lớn như căn phòng ở trên kia. Ngoài pho tượng ở giữa, xung quanh còn rất nhiều pho tượng nhỏ, mặt mũi y hệt nhau. Gã đã có kinh nghiệm nên đến quan sát bức tượng chính trước rồi phát hiện ra tuy tư thế ngồi giống nhau nhưng bàn tay phải lại làm khác một chút, ngón trỏ tay phải giơ thẳng lên trời.
Không lẽ cơ quan phát động lại nằm trên trần nhà! Điều này có vẻ vô lý vì bên trên trống trơn chẳng có gì ngoài một lỗ thủng được đục ra để lấy ánh sáng bên ngoài lọt vào. Chu Cẩm Sơn biết rằng đã bước vào đây là cực kỳ nguy hiểm, bởi vì mỗi pho tượng có thể là một cỗ máy phát động những vũ khí bí mật. Vì thế gã không dám đụng vào bất cứ thứ gì!
Cảm thấy hơi mỏi mệt, Chu Cẩm Sơn dựa lưng vào tường ngồi suy nghĩ rồi chợp mắt lúc nào không biết. Lúc gã bừng tỉnh dậy thì ánh nắng bên ngoài dọi qua lỗ thủng trên trần nhà đã chiếu chếch vào góc nhà. Chu Cẩm Sơn như tỉnh như mê, Luồng ánh sáng chiếu qua đúng ngay ngón trỏ của bức tượng chính rọi ngay vào một bức tượng nhỏ nằm bên ngoài.
- Đúng rồi!
Gã reo lên. Ngón tay chỉ thẳng lên trời phải chăng ngụ ý muốn mách bảo gã chổ bí mật là đây! Gã cẩn thận suy luận: chỉ có khi mặt trời ở đúng vị trí này mới tạo ra luồng ánh sáng là một đường thẳng duy nhất qua đầu ngón tay tới pho tượng.
Chu Cẩm Sơn thận trọng tiến tới pho tượng xoay nhẹ thử một cái. Quả nhiên, lại có tiếng lách cách nổi lên rồi pho tượng chính khẽ dịch sang bên phải một chút để lộ bên dưới một cái hốc nhỏ bên trong là một cái hộp bằng sắt.
Gã nhấc cái hộp sắt lên thấy nặng vô cùng dường như nó được đúng bằng một loại thép đặc biệt. Điều lạ lùng là không hề có khe hở có thể cạy ra được, như là một khối vậy. Trên nắp hộp, điều làm gã kinh ngạc hơn cả là có vẽ sẵn sáu mươi bốn ô cờ, có cả quân để sẵn. Gã cầm một quân cờ lên thì thấy dính chặt lên. Hóa ra hộp sắt này có nam châm.
- Không hiểu người xưa vẽ bàn cờ mà lại phải dấu kỹ như vậy là có ý gì nhỉ? - Chu Cẩm Sơn thầm nghĩ không lẽ bí kíp võ công lại là những thế cờ này.
Thế cờ này thì Chu Cẩm Sơn biết quá rõ. Bởi vì nó chính là thế cờ cuối cùng được ghi trong cuốn “Mai Hoa phổ”. Chắc là chúng có liên hệ gì với nhau
Nghĩ thế, Chu Cẩm Sơn đẩy quân cờ theo cách giải đã học được. Khi đi hết nước cờ, chiếc hộp sắt bỗng kêu đánh “cách” một tiếng rồi tách làm đôi. Chu Cẩm Sơn mừng rỡ khi nhìn thấy bên trong có hai cuốn sách.
Gã cầm cuốn sách lên coi thì thấy có một lá thư, liền mở ra xem. Lá thư viết :
“Đây là hai pho bí kíp, tối thượng, uy lưc không phải tầm thường. Chỉ những kẻ có “duyên” có đức mới tập luyện được. Nếu sanh lòng tham sát mà sử dụng võ công này tất chịu hậu quả không sao lường được...”
Cuốn sách đầu thấy nói về khẩu quyết luyện công, phần sau là chín chiêu của Bát Nhã thần chưởng.
Cuốn thứ hai thấy dạy về quyền pháp, phần đầu không hiểu nói về gì vì bị mất một nửa. Cho nên chỉ thấy ghi từ chiêu thứ trở đi. Trang cuối có ghi :
- Cuốn sách này ta đã cố tình chia làm hai phần. Phần đầu ta viết ra song nghĩ lại không nên tập vì rất dễ gây thay đổi tâm tánh, hơn nữa chỉ khi nào luyện được đến chiêu thứ bảy của Bát Nhã thần chưởng mới có thể luyện tập được...
Phổ Hiền.
Ở dưới lại có mấy dòng chữ hình như là viết thêm :
“Phải là người có căn cốt đặc biệt mới hy vọng thành công. Nếu luyện tập theo cách thông thường thì phải mười năm mới luyện thành một chiêu. Vì thế, nếu kẻ nào có duyên cầm được cuốn bí kíp này trong tay, nếu không đủ khả năng chớ có miễn cưỡng mà uổng mạng...”
- Thì ra, phần đầu là nguyên tác của Phổ Hiền đại sư - Chu Cẩm Sơn nghĩ bụng
- Vậy một nửa cuốn nữa nằm ở đâu nhỉ? - Rồi gã lại buồn bã nghĩ - Phải mười năm mới được một chiêu thì biết đến bao giờ mới tập cho hết... biết chừng nào mới trả được thù nhà?
Tuy vậy, Chu Cẩm Sơn vẫn không nản, gã nhủ thầm :
- “Nơi đây vắng vẻ, không có cường địch chi bằng mình nán lại luyện tập có lẽ lại là hay”.
Gã xoay bước tượng lại như cũ rồi rảo bước rời khỏi tòa cổ miếu.
- “Bọn Thanh Long bang đã tìm ra chỗ này hẳn Giáo chủ của chúng sẽ tới nay mai, mình nên đi thật xa chỗ này là hơn”.
Nghĩ thế, gã rẽ tay phải đi hơn mười dặm thì đến một hang động ăn sâu vào quả núi, thật là lý tưởng cho việc luyện tập võ công liền dừng chân. Gã hái thật nhiều trái cây màu vàng chất vào trong động để lúc đói khỏi phải bước chân ra ngoài. Rồi gã lại cẩn thận khuân một ít đá che bớt cửa hang phòng người của Thanh Long bang nếu có tới phát hiện ra. Xong xuôi đâu đó, Chu Cẩm Sơn mới bước vào thạch động, gã thấy bên trong có một phiến đá tương đối bằng phẳng rất thích hợp cho việc ngồi luyện công liền ngồi lên rồi bắt đầu mở bí kíp ra. Thoạt đầu, gã chẳng hiểu gì hết vì thấy cuốn sách có nhiều chữ khó hiểu rồi lại thấy có những câu thơ bốn chữ :
Túc chỉ trụ địa
Lường thủ bình khai
Tâm bình khí tịnh
Mục trừng khẩu ngai
Dần dần gã đọc riết rồi cũng lĩnh hội được một hai phần. Gã thử theo cách điều khí trong cuốn sách để luyện.
Đến ngày thứ hai, gã thấy một luồng khí nóng từ huyệt Cực Tuyền ở dưới nách chạy lan dần qua cách huyệt Thanh Linh, Thiếu Hải, Linh Đạo qua huyệt Thông Lý ở cườm tay tới góc móng tay là nơi huyệt Thiếu Xung. Gã mừng rỡ vô cùng, lại để xuống huyệt Quang Nguyên dưới rốn song không được. Gã làm đi làm lại nhiều lần nhưng kết quả vẫn như cũ thì lấy làm lạ, tự nhủ thầm :
- “Quái lạ, mình tập mãi mà vẫn chưa hiểu được cách đưa chân khí vào nơi trống rỗng”.
Chu Cẩm Sơn nóng ruột vô cùng, nhưng gã càng nóng nảy bao nihiêu thì lại càng thấy kinh khí bế tắc bấy nhiêu.
- Không nên miễn cưỡng - Gã thầm nhắc lại lời ghi đầu trên cuốn sách.
Gã đứng dậy bước ra ngoài cho đầu óc minh mẫn rồi mới vào tập tiếp.
Lần này gã không vận khí nữa mà chủ yếu tập bốn pháp môn trước đã là Điều Tức, Điều Tâm, Quán và Tĩnh Công. Một lát sau, gã thấy tinh thần sảng khoái, chân khí thông suốt lúc ấy gã mới hiểu rõ được ý nghĩ của bốn chữ “Tam bửu hiệp nhất”
Sau khi đã loại bỏ được tạp niệm, Chu Cẩm Sơn bắt đầu tập trung luyện công, càng luyện càng thấy hứng thú. Một khi đã luyện thành Bát Nhã thần chưởng thì uy lực vô cùng to lớn bởi vì nó bao hàm tất cả các mạch lạc của con người, khí lực lưu thông thì liên hệ với tinh thần ngũ tạng...
Gã lẩm bẩm đọc tiếp :
- “Chân khí mà đầy đủ thì đầy mà không vơi, liên miên mà không đứt đoạn, khí ở trong sinh ra huyết ở ngoài thân. Luyện được thì tâm động là nội lực tự phát huy như nước triều dâng.”
Chu Cẩm Sơn từ nhỏ không được học võ công nên đầu óc sáng láng không bị bận tâm như những người khác nên gã tiếp thu rất nhanh. Một điều may mắn nữa là gã đã uống được hai loại linh dược độc nhất vô nhị nên công lực đã tăng lên bằng một người tu luyện cả trăm năm.
Cứ thế, suốt ba tháng trời, gã say mê luyện tập. Nhiều lúc hai ba ngày không ăn cũng chẳng thấy đói. Một bữa cảm thấy chân khí trong người sung mãn tràn trề, không nơi phát tiết, gã bước ra ngoài cửa phóng chưởng đánh vào tảng đá trước mặt... Kình phong xuất ra không một tiếng động. Đó là chiêu thứ nhất trong Bát Nhã thần chưởng có tên gọi là “Lưỡng Chưởng Phiên Dương”. Kình phong lướt qua tảng đá êm như ru song không để lại một vết tích gì. Gã kinh ngạc nhủ thầm :
- “Quái lạ! Mình đã tập rất đúng khẩu quyết mà sao không thấy tảng đá sứt mẻ gì cả.... là tại làm sao. Không lẽ mình tập sai?”
Gã đến gần tảng đá rồi khẽ chạm vào thì thật không ngờ. Tảng đá bỗng vỡ vụn như bị nghiền thành bột vậy.
- Thành công rồi! Ta đã thành công rồi.
Chu Cẩm Sơn vui mừng nhảy cẩng lên. Gã liên tiếp phóng luôn mấy chưởng nữa vào mấy thân cây lớn thì kết quả cũng vậy, phải một lúc sau cây mới đổ sụp xuống, bên trong đã mục nát hết tất cả.
Chu Cẩm Sơn đã luyện được ba chiêu trong Bát Nhã thần chưởng, gã thấy người ngây ngất khó chịu nên không dám tập thêm nữa. Gã chuyển sang tập cuốn bí kíp thứ hai, chuyên viết về quyền kiếm và điểm huyệt: “Bát Nhã” là biến hóa Bát Nhã quyền là một công phu dạy cho người học biết được sự tinh vi, biến hóa của quyền thuật... khi giao đấu phải biết khinh trọng, hư thực, sinh khắc nhị pháp...
Đoạn sau diễn giải lại càng phức tạp hơn. Duỗi tay là dương, co lại là âm, xòe tay ra dùng “Thốn”, pháp làm đầu, vận cương khí tiến đánh như hổ vồ con mồi. Nắm tay lại lấy thế pháp làm gốc, dùng nhu kình để hãm địch thủ, cốt yếu phải cấp bách mau lẹ.... Phải lấy chính diện tấn công chỗ yếu của địch thủ.
Không nên dùng “chính” đối với “chính” vì như thế khác nào dùng “cương” đối với “cương” chẳng khác nào thí mạng. Do đó phải biết lúc “khinh” lúc “trọng” là vậy.
- Hay quá!
Chu Cẩm Sơn thích thú reo lên. Gã đọc tiếp :
- “Biết người biết ta, biết hư biết thực, lúc cần tiến thì hãy tiến, lúc phải thoái thì hãy thoái, tiến thoái nhịp nhàng, dùng cái “trọng” của mình mà đánh vào cái “khinh” của địch, nếu lấy cái yếu của mình đánh vào cái mạnh của địch thì cũng như lấy trứng chọi vào đá vậy.
Biết được như thế, là biết người, biết ta tất giành được thắng lợi.
... Khi địch ra chiêu, phải tìm đường đón đỡ nhưng vẫn ra đòn “phản” như vậy gọi là trong “thủ” mà có “công”, khi tiến đánh cũng phải phòng - phản chiếu của địch như thế gọi là trong “công” có “thủ”. Phải biết cách cho “Đại Lực” của địch rơi vào chỗ “không” cũng ví như ném một hòn đá xuống nước mất tăm, như thế thì nội lực ta ít mà cũng đủ để thắng địch nhiều. Phép đó gọi là “Tứ Lạng Chống Thiên Cân”... Biết được như vậy mới đáng gọi là cao thủ...”
Chu Cẩm Sơn đọc một hơi hết bí kíp, trong lòng khoan khoái, thông hiểu hết cả. Gã lại giở tiếp phần nói về phép điểm huyệt :
... Chân khí phải đủ mạnh thì chưa cần chạm tới huyệt đạo, địch đã thụ thương rồi, muốn thế phải biết cách tụ khí vào nơi ba huyệt đạo chính gọi là Tam Điền Qui Nguyên đó là Bách Hội huyệt còn gọi là Đan Điền khí, Đàn Trung huyệt còn gọi là Đan Điền Thần và huyệt Quang Nguyên nằm dưới rốn gọi là Đan Điền Tinh.
... Theo Kinh Dịch “Thiên địa vạn vật đồng nhất” thể theo đó mà biết rằng con người cũng là một tiểu vũ trụ, được mô phỏng mà hình thành. Phải biết sự tuần hoàn máu huyết trong mười hai kinh lạc đều có sự bắt nguồn tuần tự theo hệ thống mà lưu hành. Tỉ như nếu điểm vào một huyệt thuộc Tiểu Trường Kinh mà không nắm được qui luật vận hành của nó thì cũng không mấy tác dụng. Bằng như điểm vào giờ Mùi tất địch nhân trong vòng ngày sẽ thổ máu ra miệng mà chết, cũng như vậy giờ Sửu là giờ máu huyết vận hành ở Can Kinh, nhưng tập trung ở huyệt Cửu Vi. Nếu điểm trúng huyệt này, tức khắc bốn tháng sau mình mẩy sưng lên mà chết”.
Phía dưới cuốn bí kíp có ghi rõ sự vận hành và giờ giấc lưu chuyển của mười hai đường kinh mạch kèm theo đó hinh vẽ rất tỉ mỉ từng huyệt đạo và thủ pháp điểm huyệt. Chu Cẩm Sơn lấy que vẽ lại trên mặt đất đồ hình cho kỳ thuộc lòng huyệt chính mới thôi.
Gã toan tập nữa song sực nghĩ ra thời gian đã sáu tháng trôi qua rồi, trong lòng bỗng thấy sốt ruột khôn tả. Gã thấy mình tiến bộ một cách không ngờ khi so sánh quãng thời gian mà một người bình thường tập một chiêu phải mất mười năm. Gã đã luyện được tới chiêu thứ bảy trong Bát Nhã thần chưởng, thành thục bảy mươi hai phép điểm huyệt và sáu trăm bốn mươi cách biến hóa của Bát Nhã quyền.
Chu Cẩm Sơn quyết định rời khỏi hang động. Gã quay lại Bạch Mã tự để vái lạy Linh Trí thượng nhân và Phổ Hiền đại sư trước khi rời bỏ nơi đây.
Điều đầu tiên đập vào mắt gã là có khá nhiều xác chết nằm vương vãi trong tòa cổ tự. Chu Cẩm Sơn nghĩ bụng :
- “Bọn Thanh Long bang đã tới đây rồi nhưng đã bị những vũ khí bí mật giết chết”.
Gã thấy pho tượng lớn đã xoay ra chưa đóng lại chứng tỏ bọn chúng cũng đã tìm ra lối vào bí đạo. Bên dưới cũng có nhiều xác chết nữa, mình găm đầy tên, bức tượng nhỏ cũng bi xoay đi để lộ hộc trống trơn. Chu Cẩm Sơn tức giận thốt lên :
- Thì ra Giáo chủ Thanh Long bang là kẻ tàn ác vô cùng. Gã đã dùng bọn thủ hạ làm vật hy sinh hòng tìm ra cách hóa giải để cướp đoạt bí kíp. Rất may là ta đã tìm ra trước nếu không....
Gã cẩn thận cho cho các bức tượng xoay lại vị trí cũ rồi quì xuống khấn rằng :
- “Đệ tử là Chu Cẩm Sơn có cơ duyên học được võ công của tiền bối xin cúi lạy ba lạy tạ ơn ân sư. Đệ tử xin suốt đời ra tay trừ gian diệt ác, giúp đỡ người lành để khỏi phụ lòng mong mỏi của tiền bối.”
Gã khấn xong đập đầu xuống đất “binh binh” ba cái rồi bước ra khỏi Bạch Mã tự nhắm hướng Đông tiến thẳng...