Pháp trụ trông tựa một khối bạch ngọc chẳng khác, trắng ngần lại thuần khiết. Có thể phảng phất trông thấy lôi quang sắc tía nhàn nhạt đang lượn lờ bên trong pháp trụ. Nếu quan sát kỹ hơn, sẽ thấy phù văn mắc kín trên thân pháp trụ từ trên xuống dưới; chẳng có chỗ nào bị đứt quãng, cũng chẳng có nơi nào bị lạc nhịp, không thể hài hòa cùng những nơi khác. Nếu chỉ thoạt trông, sẽ thấy những lá phù văn ấy tựa như từng con chữ phảng phất, chữ cùng chữ tương đồng; nhưng khi trông kỹ, lại phát hiện chúng chẳng có điểm chi tương đồng cả.
Đưa tay sờ lên bề mặt pháp trụ, lại cảm thấy bề mặt ấy trơn nhẵn. Những lá phù văn kia dường như đã được khắc sâu bên trong pháp trụ, quấn chặt lấy pháp ý thiên lôi trong lòng pháp trụ.
Ánh sáng tỏa ra từ pháp ý thiên lôi kia tựa lửa, hừng hực sống động bên trên pháp trụ. Trước kia, khi tòa Thiên Diễn Đạo Cung vẫn còn tồn tại, pháp trụ này cũng chính là cây cột trụ ở ngay vị trí trung tâm của đạo cung, chống đỡ lấy thanh đà chính của Thiên Diễn Đạo Cung ngay bên trên. Pháp ý men theo thanh đà chính ấy lan đi khắp các ngóc ngách của đạo cung. Những tòa điện bên hông đạo cung lại có pháp trụ riêng biệt.
Pháp ý bên trong pháp trụ phải dựa vào linh lực để trấn áp là chính. Linh lực ngưng kết thành những lá phù văn. Phù văn lại giăng mắc, trói buộc lấy pháp ý thiên lôi bên trong pháp trụ.
Linh lực của Thiên Diễn Đạo Phái hiện đã sắp tản mác đi hết. Những lá phù văn ngưng kết nên từ linh lực kia cũng chẳng còn có thể trói buộc được pháp ý nữa. Thế nên, Thanh Dương Tử phải mượn linh lực bên trong oán ma pháp châu để trấn áp pháp ý này, đồng nghĩa với việc dùng oán ma pháp châu để thế chỗ cho tòa Thiên Diễn Đạo Cung đã đổ nát, hoang tàn.
Tuy nhiên, chỉ mỗi oán ma pháp châu thôi vẫn chưa đủ.
Linh lực trong trời đất vốn tản mác vô định, tu sĩ có thể chỉ bằng vào một câu pháp chú hoặc một đại đạo yếu quyết đã có thể đánh tan. Linh lực bên trong oán ma pháp châu lại là dạng linh lực thuộc về linh bảo, nên không dễ dàng tản mác như linh lực trong trời đất. Linh lực của pháp châu giờ đây cũng có thể xem như là linh lực của chính Thanh Dương Tử; song, linh lực ấy lại không tương đồng với linh lực đã kết thành phù văn bên trong pháp trụ, nên không thể dung hòa vào bên trong.
Tuy nhiên, trên người Thanh Dương Tử bấy giờ hãy còn một thứ có thể khiến linh lực bên trong pháp ma oán châu dung hòa được với phù văn trói buộc pháp ý thiên lôi trong pháp trụ. Đó là ấn phù chưởng môn của Thiên Diễn Đạo Phái.
Trong cõi trời đất có linh lực, trên thân mỗi người cũng có linh lực đặc thù, mà mỗi một môn phái cũng sở hữu linh lực riêng biệt của chính môn phái ấy. Tương tự, trong lòng mỗi một món linh bảo cũng ẩn chứa một linh lực độc nhất vô nhị.
Oán ma pháp châu bấy giờ đang lơ lửng bên trên pháp trụ, chầm chậm hạ xuống vùng pháp ý thiên lôi tựa lửa bên dưới.
Chính trong khoảnh khắc oán ma pháp châu chạm đến pháp ý thiên lôi, chỉ thấy ánh chớp lóe lên, xán lạn. Lại thêm một sát na nữa, có ánh hoàng quang bốc lên, hóa thành một vùng mây ráng rực rỡ che phủ cả bầu trời. Những tu sĩ đang đứng quan sát từ xa đều không khỏi ngỡ ngàng, bèn dùng linh giác để thâm nhập vào trong, hòng theo dõi diễn biến bên dưới vùng mây ráng. Song, khi linh giác vừa thâm nhập thì tâm khảm họ đã bị một luồng khí tức ai oán men theo linh giác mà xộc vào. Dường như còn có thiên ma đang muốn hiển hóa thành hình nơi đấy.
Ai nấy đều thầm kinh hãi trong lòng, bèn dựa ngay vào diệu pháp hộ tâm để đánh tan luồng khí ai oán đó. Đã có vài người chẳng dám nhìn trộm nữa, nhưng lại vẫn có kẻ tự duy trì pháp thuật để tiếp tục nhìn xuyên qua đám mây ráng mà quan sát hành động của Thanh Dương Tử cùng những người khác.
Có kẻ hiểu được Thanh Dương Tử bấy giờ đang làm gì. Trong số ấy, lại có không ít người lấy làm kinh hỉ trong lòng. Bởi lẽ, việc mà Thanh Dương Tử đang làm lúc này là một chuyện lâu dài; mà trong quá trình đằng đẵng ấy, phần lớn tinh thần cùng ý chí của y đều phải tập trung thảy cho việc này.
Dưới tầng mây ráng, pháp ý thiên lôi tỏa ra từ trên thân pháp trụ đang bị oán ma pháp châu đè xuống. Pháp châu cứ thế trấn áp bên trên pháp trụ.
Tiếp theo đó, tầng mây ráng hạ xuống, bao bọc lấy một khoảng không gian rộng lớn rồi chầm chậm ngưng kết thành một tòa đạo cung.
Tòa đạo cung đó không lớn, song lại khiến người ta cảm thấy như bên trong ấy ẩn chứa một vùng càn khôn, tựa như một tiểu thiên thế giới vừa chuyển hóa mà thành. Không một ai trong số những tu sĩ có mặt tại đó bấy giờ có thể nhìn xuyên lớp tường vách do mây ráng ngưng kết mà thành ấy.
Người nào người nấy đều tự nhủ thầm trong lòng:
“Thiên Diễn Đạo Phái không hổ danh đã từng là đại môn phái thuộc tầng trời thứ năm, trong hoàn cảnh như thế này lại vẫn có thể hiển lộ bản lĩnh như vậy, quả là không tầm thường.”
oooOoOoOooo
Màn đêm buông xuống dần. Giữa khoảng không gian u tối, linh quang từng đốm lập lòe. Bên trong mỗi một đốm linh quang là một người đang đả tọa. Nếu từ xa trông lại, mỗi tu sĩ đều chỉ như một con đom đóm nhỏ bé giữa cõi trời đất mênh mang này.
Đằng chân trời xa xăm, một tia huyết quang đột ngột vạch qua rồi lao xuống, nhằm thẳng vào cửa tòa đạo cung. Máu tươi bắn tứ bề, rưới lên trên cánh cửa đạo cung, nhuộm lên cánh cửa của tòa đạo cung vàng rực ấy một mảng màu đỏ tươi.
Máu trên cánh cửa và máu vươn trên đất đều dần khô đi, rồi chẳng còn lại gì nữa. Những kẻ đang quan sát từ đằng xa đều chẳng hay đã có người thâm nhập vào bên trong tòa đạo cung hiển hóa từ mây ráng ấy.
oooOoOoOooo
Bên trong đạo cung.
Thanh Dương Tử đang ngồi trên một cái bồ đoàn màu vàng lơ lửng giữa hư không. Có một người đang đứng trước mặt y, kẻ đó cất giọng, nói:
“Tòa đạo cung này trông tựa hư huyễn, song lại có công năng che giấu thần thức. Nếu dùng thần niệm thâm nhập vào trong, chỉ có thể nghe thấy thiên ma gào thét, đồng thời trông thấy thiên ma loạn vũ; bước vào bên trong, lại cảm thấy nơi đây yên tĩnh mà an nhiên. Phép lấy huyễn hóa làm chân này, ngươi dùng thật khéo.”
Người đang đứng trước Thanh Dương Tử mặc trên người một thân huyết y đỏ sẫm. Theo lời của chính kẻ đó, thì tấm huyết y ấy được dệt từ tơ của một giống băng tằm, lại nhuộm qua máu của chín nghìn con pháp thú, nên gọi là Cửu Thiên Huyết Phách Y; bắt đầu được chế luyện từ năm Thanh Dương Tử bị trục xuất khỏi sư môn. Sở dĩ áo ấy có tên gọi như thế, chẳng phải vì áo được dệt từ tơ của băng tằm và nhuộm máu của chín nghìn pháp thú; mà là bởi người đó có tên gọi Cửu Thiên.
“So với Cửu Thiên Huyết Phách Y của huynh, thì tòa đạo cung hư ảo không thật này của ta có đáng là gì?” Thanh Dương Tử nói.
“Phải rồi đó. Có điều nói đi cũng phải nói lại, lá gan của huynh qua hai mươi năm vẫn lớn như vậy, giết mất một trưởng lão của tộc Cửu Lê ta, lại còn dám ở đây chẳng chạy?!”
“Ta ở đây chính là để đợi huynh.” Thanh Dương Tử đáp.
“Sao cơ, huynh tưởng huynh đã vào được Thiên Nhân Đạo thì ta chẳng làm gì được huynh sao? Tộc Cửu Lê ta tuy không tu đạo pháp, nhưng kể cả với những tu sĩ đã vào được Thiên Nhân Đạo, bọn ta cũng có thủ đoạn khiến y vong mạng như thường.” Cửu Lê lạnh lùng nói.
“Tộc Cửu Lê của huynh tuy lớn, thiên hạ này ai cũng biết; song trưởng lão một nhánh của tộc Cửu Lê muốn diệt Thiên Diễn Đạo Phái của ta chính là nhân, ta giết lão chính là quả, có nhân lão gieo mới có quả mà ta giáng cho lão.”
“Nhân quả, cơ duyên chẳng phải là thứ mà tộc Cửu Lê bọn ta luận bàn đến. Tộc Cửu Lê chỉ luận ân và thù.” Cửu Lê nói, “Năm đó tổ sư lập phái của Thiên Diễn Đạo Phái là Thiên Diễn Đạo Quân từng có ẩn với tộc Cửu Lê ta, nên sự việc lần này tộc Cửu Lê sẽ không truy cứu. Các người vẫn là nên nghĩ cách ứng phó với lũ người kia đi.”
“Lũ người” mà Cửu Thiên nói đến đương nhiên là những kẻ bấy giờ đang bao vây bên ngoài Thiên Diễn Đạo Phái.
Thiên Diễn Đạo Phái lúc này tựa như con thú to lớn đã bị thương từ chốn sơn lâm, những kẻ ăn thịt nhỏ bé kia bị mùi máu tanh thu hút mà kéo đến, vây lấy.
“Nếu đã như vậy, ta lại cầu huynh giúp cho một chuyện.” Thanh Dương Tử.
“Ồ, tộc Cửu Lê ta chẳng ngại kết thù, mà kẻ khác nợ ân tình, thì tộc ta lại càng thích.” Cửu Thiên đáp bằng giọng vô cùng nghiêm túc. Nhưng Thanh Dương hiểu rõ gã, nên biết trong lòng gã lúc này chắc chắn đang đắc ý vô cùng.
Đến giờ, y vẫn còn nhớ như in một lời mà Cửu Thiên đã từng nói:
“Tộc Cửu Lê bọn ta trước nay chưa từng ngại kết thù.”
Lúc nói lời ấy, Cửu Lê trông tàn nhẫn lại ngạo nghễ. Chỉ trong một cái trở tay sau đó, gã đã giết chết những mấy tu sĩ đắc tội với gã; thậm chí còn đuổi giết đến tận cửa, hoàn toàn không để cho kẻ khác còn có cơ hội báo thù.
Thân là một tu sĩ, thì bất luận là kết thù với kẻ khác, hay nợ người một mối ân tình, đều không phải là chuyện tốt lành chi. Cho dù là khi trước, chưa bước chân vào cảnh giới Thiên Nhân Đạo, Thanh Dương Tử cũng chẳng sợ phải kết thù với kẻ khác, huống hồ là hiện tại? Nhưng với ân tình, thì y lại vẫn luôn hết sức thận trọng.
“Ta muốn gửi gắm một đệ tử vào dưới trướng huynh tu hành.” Thanh Dương Tử nói.
“Gửi đến chỗ ta tu hành chẳng bằng tặng luôn cho ta, ta nhất định sẽ dạy dỗ nó chu đáo.” Cửu Thiên cười ha hả, đáp.
“Nếu quả thật bị huynh giành được, thì đấy cũng là cơ duyên giữa huynh và nó.”
Thanh Dương Tử khiến cho người khác cảm thấy như y chính là một hòn ngọc đã qua mài giũa, ánh sáng rực rỡ, tươi nhuận vô song, trên dưới trong ngoài đều chẳng có lấy một chút tì vết, quả là một viên ngọc như ý tròn trịa chẳng khiếm khuyết (*).
Còn Cửu Lê lại tỏa ra ánh hào quang sắc bén. So với hai mươi năm trước, gã lại càng thêm phần xông xáo, lấn át kẻ khác. Tính lấn át ấy của gã không chỉ thể hiện trong lời nói, mà xuất phát từ trong thần ý. Thần ý tựa ba đào, một khi chuyển động sẽ khiến người khác phải giật mình kinh hãi. Ở trước mặt gã, nhưng kẻ có tu vi kém hơn sẽ chẳng dám cất dù chỉ một lời nói.
Chú thích của người dịch:(*) "Ngọc như ý tròn trịa chẳng khiếm khuyết":
Nguyên văn Hán Việt là "hỗn viên như ý", nếu dịch sát nghĩa có lẽ là "tròn trịa như ý", cách dịch này có thể gây khó hiểu cho độc giả. Lại thêm, căn cứ vào thói quen chơi chữ và lối tư duy của tác giả, người dịch đoán bốn chữ này có ẩn ý bên trong.
Theo tư tưởng của Phật giáo Đại thừa, "ngọc như ý" (hay "ngọc ma ni" nếu phiên âm từ tiếng Phạn) là hình ảnh ẩn dụ cho chân tâm hay bản tánh chân thực của con người và vạn vật. Chân tánh ấy còn được gọi bằng nhiều từ khác như "Như Lai tạng", "Tánh Không" v.v. (Thất Đồng đã chú thích qua trong một vài chương trước)
Chân tánh viên mãn, tròn đầy, rộng khắp, không phân biệt, "không sinh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch" (Bát Nhã Tâm Kinh), tựa như hòn ngọc tươi nhuận chẳng tì vết hay khiếm khuyết. Ngọc đã qua mài giũa mới được tươi nhuận, cũng tựa như tâm người tu Đạo phải trải qua quá trình giũa mài đằng đẵng cùng tuế nguyệt xuân thu mới có thể hiển lộ, tỏa ánh hào quang. Quá trình tu hành cũng chính là quá trình mài ngọc, có "mài" bớt lớp mây mù vô mình mới có thể thấy được viên ngọc thực sự ở bên trong.
Ở đây tác giả ví von hình ảnh của Thanh Dương Tử với ngọc như ý để khắc họa rõ nét hơn việc y đã tiến vào Thiên Nhân Đạo, đã "thấy" được ánh hào quang của Đạo Chân.
Thất Đồng đã không ít lần cảm khái về sự nghiêm túc, kính nghiệp và kính Đạo của tác giả Thân Vẫn Chỉ Tiêm; bởi những kiến giải cùng những hình ảnh ẩn dụ cho Đạo mà ông lồng ghép trong truyện của mình không hề đơn thuần hay qua loa, chỉ mang tính chất tưởng tượng đại khái như nhiều tác giả tiên hiệp khác. Cách kiến giải đúng và sâu sắc, thâm trầm ấy chứng tỏ ông thật sự là một "tu sĩ" trong đời thực, có lòng cầu Đạo, có cảm ngộ nhất định.Bạn đọc vì vậy đừng chỉ cho đọc truyện tiên hiệp chỉ là đọc cho vui. Tuy hàm lượng triết lý mà truyện tiên hiệp truyền tải không nhiều, nhưng có lẽ phần nào cũng có thể thôi thúc ý chí cầu Đạo trong lòng chúng ta. Thất Đồng trộm nghĩ, nếu có thể sống một đời không bị nỗi ám ảnh về danh lợi ràng buộc, thân giữa hồng trần mà tâm vẫn tiêu diệu tự tại, thì Tịnh Độ đâu ở đâu xa?