Quý nhân như bọn họ vốn đã ở trên cao, cần phải thời thời khắc khắc bảo trì phong độ ung dung. Mặt nặng mày nhẹ với đám hạ tiện là đánh mất thân phận, có muốn trách phạt gì thì cũng phải từ từ. Cảnh giới cao nhất hẳn là mặt không đổi sắc sai người kéo ra ngoài đánh chết.
Đấy, so đo làm gì.
Đã nghèo còn mắc cái eo, áo váy của Trường Duyệt công chúa vốn đã mỏng manh, ướt át, dính sát vào da thịt, một cơn gió thổi ào qua, lạnh buốt, chẳng rõ là thân lạnh, lòng lạnh, hay cả hai.
Việc huyên náo nơi này vẫn chưa đến tai Hoàng đế, riêng Hoàng hậu ngồi trên ngôi cao nhìn thấy, không khỏi lộ ra điệu cười khinh khỉnh.
Vĩnh Lạc công chúa khẽ vuốt sống mũi, ý cười còn chưa tan hết. Tư Không Uyển Phù thu hết biểu hiện của Dụ Huấn Chiêu vào mắt, cho rằng nó đang chờ xem mình nổi cơn tam bành, mất hết mặt mũi. Lời quở trách còn chưa ra khỏi miệng đã nghẹn lại, Trường Duyệt công chúa hít một hơi sâu dằn xuống cơn tức, chỉ khẽ khàng nói:
- Lần sau phải cẩn thận hơn, đừng có tái phạm.
Cô cung nữ luôn miệng tạ ơn. Trường Duyệt công chúa nhìn Dụ Huấn Chiêu bằng nửa con mắt, được đế hậu cho phép, bèn dẫn theo cung nữ ra ngoài chỉnh trang. Ngọc bội treo bên hông lanh canh theo bóng hồng dần khuất dáng, cuốn trôi tâm tư ái mộ của không ít người.
Đợi mãi vẫn không hóng hớt được trò hay, Dụ Huấn Chiêu thất vọng thu hồi tầm mắt. Không khí buổi yến tiệc vẫn cứ ấm nồng mà nàng lạnh cả người. Hình như mỗi lần có kẻ rủa sả (1) sau lưng, nàng đều cảm thấy như vậy.
Hơ hơ, sợ quá đi mất!
Vừa ngẩng đầu lên đã đụng phải ánh nhìn đầy ẩn ý của Kinh hậu, Dụ Huấn Chiêu rùng mình run rẩy như cô gái bé nhỏ rụt rè sợ hãi. Nàng vụng về nâng chén kính mẫu hậu, không như thường ngày, Hoàng hậu chẳng đáp lại mà quay đi. Thái độ này khiến Vĩnh Lạc công chúa hiểu rằng Kinh hậu đã bắt đầu cảnh giác rồi.
Vì Hoàng đế từ chối lời đề nghị của Dao Hoa Đại Trưởng công chúa?
Hay vì Tư Không Uyển Phù bị chơi xỏ trước mặt đám hoàng thân quốc thích?
Hai hôm trước Dụ Ngôn Tranh ra vườn hoa nhỏ trong Phương Hoa viên đi dạo chẳng biết vì sao ngã sấp mặt, hôm nay Tư Không Uyển Phù bị hắt đầy rượu lên người, suýt chút nữa đã không giữ được hình tượng tiên nga cao quý nhìn đời bằng nửa con mắt rồi. So với nói là trùng hợp, Dụ Huấn Chiêu càng nghiêng theo hướng Kinh hậu ngửa tay gây mưa gió hơn.
Hô mưa gọi gió dưới mí mắt Hoàng đế còn được thì trên trời dưới đất còn điều gì khiến bà ta e sợ nữa?
Mặt ngoài Dụ Huấn Chiêu chỉ là một công chúa. Công chúa có thể đa tài đa nghệ, có thể làm gương cho trăm họ, thậm chí có thể cầm binh đánh trận như Tuyên Thái công chúa nước Cảnh nhưng không thể kế thừa đại thống.
Kinh hậu lại không biết chuyện kia... Vậy nên bà ta việc phải cảnh giác?
Vĩnh Lạc công chúa nheo mắt suy tư, im lặng thưởng rượu.
- Bệ hạ, con gái thần có chút tài mọn muốn hiến tặng bệ hạ. - Lễ vương bất chợt lên tiếng.
Tiếp sau đó, đám vũ nữ đang ca múa đều lùi xuống để chuẩn bị sân bãi, nhường chỗ cho Dương Ninh quận quân biểu diễn tài nghệ.
Dương Ninh quận quân cũng là một nhân vật nổi danh ở kinh thành này. Nổi danh nhờ tai tiếng.
Thái Tổ lên ngôi, nhận thấy áp lực kinh tế từ việc lạm phong tước vị của triều đại trước nên đặt lệ giới hạn phong tước cho con cháu hoàng thất. Trong đó, chỉ có con trai, con gái do vợ cả sinh hạ mới được hưởng phong thưởng của triều đình, còn những đứa con vợ thứ hay con rơi con rớt đều không có phần. Lẽ đương nhiên, nếu họ lập đại công vẫn sẽ được ban ân tùy vào ý muốn của Hoàng đế.
Mẹ ruột của Dương Ninh quận quân - Trắc phi của Lễ vương nghe nói là người ông ta yêu thương thật lòng, theo lệ thì không được phong thưởng. Vậy tước hiệu quận quân của nàng từ đâu mà ra?
Muốn nói cho rõ ràng thì phải ngược dòng về tới bảy năm trước, khi đó biên giới phương Bắc có biến, vua Yến lùa dân chúng sang lấn đất, Chương Hòa Đế sai Vệ Quốc tướng quân dẫn binh dẹp giặc, Lễ vương xin làm phó tướng, được Hoàng đế ưng thuận bèn gấp rút hành quân. Năm mươi vạn đại quân đánh hăng tới nỗi áp sát Trường đô (kinh đô nước Yến) lúc nào không hay, vua Yến sợ té đái suýt tí nữa đã bỏ kinh đô chạy trốn, được thần tử hiến kế vội xin hàng, cắt đất, dâng em gái. Chương Hòa Đế đồng ý nên mới có Trang phi hiện tại.
Thật ra chuyện lấn đất năm nào cũng có, hai bên năm nào cũng lục đục biên giới, chỉ khác ở quy mô lớn bé. Dạo ấy nước Yến có những động thái quá quắt, không chỉ lấn đất còn giết hại nhiều dân chúng biên cương, Chương Hòa Đế mới phát binh phạt Yến. Ai mà ngờ Hoàng đế nước Yến có trái tim mong manh dễ vỡ như vậy, mới dọa chút xíu đã dẹp đường tháo chạy rồi.
Quốc lực nước ta không mạnh bằng Tề, Cảnh, làm cỏ nước Yến thì coi như đẩy nước Vinh lên đầu sóng ngọn gió, Chương Hòa Đế biết rõ điều đó nên mới không diệt cỏ tận gốc. Giữ lại nước Yến làm cái khiên chắn, tránh cho hai nước kia mượn cớ “giúp đỡ” người bạn hiền lâu năm mà nhảy vào làm loạn.
Khi luận công ban thưởng, Lễ vương chỉ xin phong thưởng tước hiệu quận chúa cho con gái duy nhất của mình, tức Dương Ninh quận quân - Dụ Ngôn Châu bây giờ. Điều này đã gây khó cho Hoàng đế, bởi làm vậy là trái với lệ cũ mà Lễ vương đã có tước vương rồi đâu thể thăng tước cho ông ta nữa, lại mới thắng trận lớn, giờ không thể ban thưởng cho có lệ hòng bỏ gạt bỏ lời khẩn cầu của ông ta như đợt trước được. Sau cùng, Dụ Ngôn Châu được phong làm quận quân, không phải quận chúa như con gái các vương khác. Đây hẳn cũng là lời cảnh cáo của Hoàng đế gửi đến đám tông thất vì suy cho cùng lệ cũ do bề trên đặt ra âu cũng phải có tác dụng nào đấy đối với an nguy xã tắc, một khi mở ra tiền lệ chỉ e sau này nhà nhà đua nhau bắt chước, tạo gánh nặng cho quốc gia.
Về tai tiếng, đấy là vụ theo đuổi người tình nổi danh kinh thành. Dương Ninh quận quân vừa gặp đã thương chàng thư sinh Tống Hành, có tiếng hay chữ. Tống Hành vừa có tài vừa có mạo, thiếu nữ yêu mến chàng ta nhiều hơn cá diếc qua sông nhưng lớn gan cách mấy thì cũng chỉ dám nhìn trộm từ xa hay ném tú cầu, khăn tay. Dương Ninh quận quân đây cậy được cha nuông chiều, chặn đường bắt rể, suýt tí thì Tống Hành tàn đời trai, sau chuyện này đến tai ngôn quan trong triều, lên được điện Bàn Long, Hoàng đế mới gọi Lễ vương và Dương Ninh quận quân đến Kiến Xương cung mắng cho một trận.
Đấy chưa phải là kết thúc, không bắt được Tống Hành lại bị Hoàng đế cảnh cáo, Dương Ninh quận quân quay sang ngáng chân đám thiếu nữ yêu mến Tống Hành, cứ hễ có cô nào ném khăn, ném tú cầu vào chàng ta thì cô ta sẽ thuê lưu manh quấy rối, hại đời không ít thiếu nữ. Đợt đó, kinh thành dậy tiếng oán than, mãi đến khi Chương Hòa Đế nghe tiếng, ngài cắt bổng lộc của Lễ vương và Dương Ninh quận quân ba năm, thu hồi một phần thực ấp đã ban, bắt Dương Ninh quận quân cạo đầu đi tu, mãi đến đầu năm nay mới được cho về.
Phong hiệu không bị thu hồi nhưng cũng chả khác là bao, ngày sau có nhà nào dám cưới về đúng là rất dũng cảm.
Dương Ninh quận quân bận một bộ vũ y màu đỏ đào, da thịt trắng mướt lộ ra dưới tay áo ngắn, thả chân trần trên thảm đỏ. Nhạc mừng cất lên, nàng e ấp dợm bước, khẽ khàng phất quạt. Xoạch, chiếc quạt xếp mở ra che hờ mặt ngọc, giai nhân dỗi hờn liếc mắt. Mắt hạnh lúng liếng đưa tình, mà tình chẳng biết đưa đến nơi nao. Hương phấn tản nơi đuôi mắt vẽ thành một đóa hoa đào đương độ xuân sang, hòa với lớp trang điểm đậm trông cũng đẹp đẽ hơn người. Gót ngọc uyển chuyển, bước tới đâu hương theo tới đó, như lan như xạ, cực kì dễ chịu. Dương Ninh lắc chiếc eo thon, cất tiếng hát:
"Dường như thấy bóng người đi trong núi
Mình khoác bệ lệ, eo thắt tùng la
Mắt liếc đưa tình cười xinh như mộng
Chàng mến mộ nét duyên dáng ấy
Cưỡi báo đỏ, chồn hoa theo gót
Xe mộc lan treo cờ hoa quế
Khoác thạch lan eo quấn đỗ hạnh
Ngắt hoa thơm bày tỏ với người thương.” (2)
Chợt, tay ngọc khẽ phất, từ chiếc quạt trên tay nàng buông xuống một dải lụa đào. Cùng lúc đó, tiếng trống vang, lụa đào bay múa trong không trung, cao tận vài trượng.
Sắc váy diễm lệ, người mơn mởn đào tơ. Dải lụa mềm mại như được ướp hương, lên rồi xuống, mùi hương lạ lùng quyến rũ tựa son phấn mà không phải phấn son bay khắp không gian, nghe thấm ruột thấm gan mà chẳng nồng nặc. Vòng eo thon nhỏ như rắn không xương, mềm không tả xiết.
"Em nơi thâm sơn chẳng thấy mặt trời
Đường đi hiểm trở chỉ một mình
Lẻ loi đứng lặng nơi đầu núi
Mây lững thững trôi ở dưới chân
Trong núi sâu thẳm ngày tối như đêm
Gió đông thổi thần linh giáng mưa xuống
Ngóng đợi chàng đến quên cả về
Năm tháng vụt trôi, ai khiến em mãi trẻ tươi?"
Mọi người ngồi xem chăm chú, duy chỉ một người là nắm chặt bàn tay, nhấp nhổm không yên. Cung nữ đứng sau thấy thế thì rỉ tai:
- Công chúa, ngài gắng nhịn một lát là xong rồi.
Nàng kia cắn răng, lạnh giọng: - Bản cung biết rồi.
Trang phi lớn lên trong bầu không khí lễ giáo khắc nghiệt, coi con gái không tài mới là có đức của nước Yến. Trước tình cảnh khoe da lộ thịt, uốn éo múa may nơi đông người của Dương Ninh quận quân, bà coi đó là đồi phong bại tục, là đê tiện không khác gì kĩ nữ nơi trăng gió. Trang phi vừa nhìn đã thấy tức mình, ngứa mồm muốn đập bàn mắng chửi nhưng đôi gót sen ba tấc (3) dị dạng nhói đau và lời nhắc nhở của cung nữ đã khiến bà tìm về lí trí.
Đúng vậy, đây là nước Vinh, nhập gia phải tùy tục.
Trang phi dằn xuống tâm tình, mặc cho con sâu độc không ngừng đục khoét đáy lòng, tiếp tục hướng mắt về phía sân bãi.
Bên kia, Dụ Ngôn Châu đã hát tới đoạn bi thương, lời ca da thương nhớ da diết.
“Tìm hái linh chi giữa núi non
Đá chất chồng cỏ cây cản lối
Oán chàng lắm buồn quên trở lại
Chàng nhớ em chăng, có rảnh tới?”
Lời cuối hát ra bao hàm sầu bi, luyến loáy trong ngần. Tiếng trống nhịp đều, Dương Ninh quận quân lại phất quạt, lụa mềm được thu vào. Nàng nâng quạt che hờ nửa khuôn trăng, giấu đi nỗi u sầu thiếu nữ, câu hỏi bỏ ngỏ khẽ thốt giữa bờ môi. Một giọt trong vắt theo khóe mắt chảy xuống, thấm ướt đóa hoa đào do hương phấn tạo thành. Đa sầu đa cảm cứ như một thiếu nữ mới lớn thực thụ, với điều kiện trước kia nàng chưa từng làm ra những chuyện trời đất không thể dung thứ.
Hát không hay bằng Thải Tang, múa không đẹp bằng Trường Duyệt công chúa nhưng có sắc có hương, tổng thể mà nói thì cũng đáng xem.
Dương Ninh quận quân vái chào Chương Hòa Đế. Hoàng đế cũng nể mặt khen vài câu.
Thiên tử miệng ngọc lời vàng, được ngài khen ngợi có nghĩa là xuất chúng. Dụ Ngôn Châu lấy một tư thái hơn người xuất hiện trở lại chốn nhà cao cửa rộng, trở thành đề tài được bàn tán nhiều nhất lúc trà dư tửu hậu của đám quyền quý sau đêm hội Trùng Dương. Bọn họ còn hè nhau đặt cược xem cô nàng sẽ ngồi im được bao lâu, phải biết rằng Tống Hành nay đã đỗ Cống sĩ, đang là rể hiền rể quý trong mắt đám quan chức, hoàng thân quốc thích. Chỉ đợi hắn trổ hết tài năng ở kì thi Hội mùa xuân năm sau thì tiểu thư quyền quý hay con gái tông thất cũng mặc hắn chọn kìa.
Nhưng Dương Ninh quận quân chưa chiếm sự chú ý được bao lâu, một chuyện lớn động trời đã xảy ra.
-----------------
(1): Rủa nhiều và bằng những lời độc ác cay nghiệt (Nguồn: Tra từ Soha)
(2): Khúc "Sơn quỷ" phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Khuất Nguyên, bản dịch nhà Hồ Ly Rùa.
(3): Sản phẩm của tục bó chân bên hàng xóm. Nước Vinh (nơi nữ chính ở) không có tục này.
Vì phong tục mỗi vùng miền mỗi khác nên khi đọc truyện, các bạn sẽ thấy một vài điểm khác giữa các nước Cảnh, Tề, Vinh, Yến. Một ví dụ đơn giản là phi tần trong hậu cung các nước Tề, Vinh lấy Hoàng quý phi đứng đầu (chính nhất phẩm), còn nước Cảnh, Yến thì là Thần phi.