Tự-Mai ngồi im, vì nó biết xưa nay mỗi khi đại hiệp Tự-An truyền lệnh gì cho các con, thường ông suy tính rất kỹ, nên dù cho Thông-Mai, Thanh-Mai cũng chỉ biết líu ríu thuân theo. Bây giờ ông ra lệnh cho nó ứng tuyển phò mã tuy là việc nhà, nhưng có liên hệ với vận mệnh đất nước. Nó cúi đầu nói nhỏ :
- Dù có ứng tuyển, khi lên đài em cũng giả thua.
Nó nghĩ thầm:
- Ở đây có nhị sư huynh, vai lớn hơn anh Thông-Mai. Nhị sư huynh dám vì tình yêu đột nhập cấm thành cứu Khấu Kim-An ra. Mình nên nhờ nhị sư huynh bênh vực, thì may ra tai qua nạn khỏi.
Nó đưa mắt nhìn Bảo-Dân, Kim-An. Bảo-Dân gì mà không hiểu ý nó, chàng lắc đầu:
- Việc gì liên quan đến môn phái thì ta là sư huynh, lớn hơn Thông-Mai, có thể quyết đoán. Còn việc này là việc nhà, sư huynh không có quyền.
Chợt Tự-Mai nhớ lại lời Lý thái phi, Thuận-Tường dặn nó bằng mọi cách phải ứng thí phò mã, thắng anh hùng thiên hạ, bằng không, vĩnh viễn mất Thuận-Tường. Nó cúi mặt ngồi im, làm như ngoan ngoãn nghe lời anh. Bảo-Dân, Thông-Mai đều ngạc nhiên về thái độ tuân phục dễ dàng của cậu em phá trời.
Bảo-Hòa móc trung túi ra hai bức thư. Nàng đưa một bức cho Lê Văn:
- Thư của sư bá gửi cho em. Em hãy đọc kỹ, thi hành lệnh của người.
Lê Văn kinh hãi, vội ngồi lui lại, sửa quần áo ngay thẳng, hai tay cung cung kính kính tiếp thư, rồi bóc ra đọc. Nó ngẩn người, vì bên trong chỉ có một tấm thiếp:
« Bố ủy cho chị Bảo-Hòa truyền đến con một mệnh lệnh. Lệnh này không thể thay đổi, vì có liên quan đến vận mệnh tộc Việt. Con phải tuyệt đối tuân theo.»
Lê Văn gấp thư bỏ vào túi, rồi nói với Bảo-Hòa:
- Bố em dạy phải nghe lời chị. Bây giờ chị trở thành bố em rồi. Chị nói gì em cũng phải nghe. Nhưng đừng ỷ làm lớn bắt nạt em. Sau này lỡ bị bệnh em bắt ăn ba bát ớt hiểm.
Nhìn ánh mắt Lê Văn, Bảo-Hòa nhớ lại ngày nàng với Thanh-Mai, Mỹ-Linh tới Vạn-thảo sơn trang trị bệnh. Hồng-Sơn bắt Mỹ-Linh phải thắng Lê Văn ông mới cho ra về. Lê Văn bèn giả thua. Sau nó bầy ra cuộc đấu, hễ Mỹ-Linh bại, thì nàng với Bảo-Hòa phải ăn một bát ớt. Quả nhiên Mỹ-Linh bại. Lê Văn đem ớt khô bắt mọi người ăn. Khi ăn vào, Bảo-Hòa thấy ớt ngọt chứ không cay. Sau này nàng mới biết thay vì đem ớt ra, nó đem kỷ tử cho chị em nàng ăn cùng với thuốc giải độc.
Bây giờ thấy nó làm ra vẻ ngoan ngoãn, nàng phì cười:
- Cũng chẳng có gì lạ cả. Sư bá nhờ chị hỏi vợ cho cậu mà thôi.
Lê Văn nghĩ thầm:
- Tự-Mai bị Trần sư bá sai anh Thông-Mai bắt ứng tuyển phò mã. Bây giờ tới bố nhờ chị Bảo-Hòa truyền lệnh cho mình. Nếu mình làm phò mã thì Nong-Nụt sẽ đau khổ lắm. Chị Bảo-Hòa vốn cứng mà dễ, mình cứ lèo nhèo, may ra thoát nạn.
Nghĩ vậy, Lê Văn mở to mắt ra nhìn Nong-Nụt:
- Hỏi vợ à? Em chưa đủ lớn mà? Còn nhóc con, cưới vợ người ta cười chết. Chị biết không, cưới vợ sớm khi chân-nguyên chưa đủ, sẽ đi đến chết non. Bố em cũng đã tìm ra rằng, tuổi con gái lấy chồng tốt nhất là hai mươi đến hai mươi lăm. Con trai thì hai mươi lăm trở lên. Bây giờ em mới mười bẩy, còn lâu mới được lấy vợ.
Nó làm bộ gật gù:
- Thôi em đồng ý lấy vợ, nhưng bẩy năm nữa.
- Tục ngữ Việt nói: Nữ thập tam, nam thập lục. Chị có bắt em cưới vợ tức thời đâu? Chị mới hỏi mà thôi. Hỏi khác với cưới nhiều chứ.
- Khổ quá chị ơi! Hai cặp giò của em là giò ngựa, thích chạy, mà hỏi vợ ngay, có khác gì ngựa què chân không? Con là nợ, vợ là oan gia, em vợ là tiên nga, bà già vợ là khỉ đột.
Lê Văn khác Tự-Mai. Tự-Mai khôn ngoan, mưu trí hơn, nhưng lại hay dấu kín tâm tư. Còn Lê Văn, nó bồng bột, ồn ào. Nghe Bảo-Hòa nói, nó hiểu liền:
- Chắc chắn việc này do Khai-Quốc vương bàn với sư bá Tự-An và bố mình đây. Các cụ muốn mình với Tự-Mai ứng tuyển làm phò mã Tống. Mình phải thoát ra mới được. Bằng không Nong-Nụt sẽ đau khổ không ít.
Nó nắm lấy tay Bảo-Hòa:
- Thực hả bà chị tiên nữ?
- Thực.
Nó chỉ Nong-Nụt:
- Thôi được, em đồng ý hỏi vợ. Vậy bà chị phải nhờ Thuận-Thiên hoàng đế đứng ra hỏi cô bé này cho em. Em với nàng đã đính ước trăm năm rồi. Nàng vừa xinh đẹp, vừa ôn nhu văn nhã, công chúa Huệ-Nhu sao sánh kịp.
Nó quay lại nói một tràng tiếng Thái với Nong-Nụt. Nong-Nụt cúi xuống, mặt đỏ bừng lên. Mọi người đều phục Lê Văn thông minh, vì trên đường từ Biện-kinh về đây, có hơn mười ngày mà Lê Văn đã học được khá nhiều tiếng Thái.
Nong-Nụt đến trước Bảo-Hòa, hai tay chắp lại để ngang trán cúi xuống vái ba vái, rồi nói mấy câu nhẹ như gió thoảng.
Lê Văn dịch :
- Em tên An-Nan Tam-gia La-sun Nong-nụt xin tham kiến tiên cô. Mong tiên cô hoá phép cho em được kết hôn với Lê Văn.
Bảo-Hòa hỏi:
- Em bao nhiêu tuổi rồi? Em đã có phép của phụ huynh chưa mà dám đi với Văn đệ.
Lê Văn dịch lại. Nong-Nụt lại nói một tràng nữa. Lê Văn dịch:
- Em mất liên lạc với huynh trưởng. Nhưng huynh trưởng biết Văn huynh cứu em chắc người không mắng đâu.
Bảo-Hòa hỏi:
- Nếu em làm vợ Văn đệ, em có chịu về Đại-Việt ở không?
Lê Văn dịch. Nong-Nụt nói, Lê Văn dịch:
- Phận gái chữ tòng, em nguyện theo Lê Văn cả đời.
Bảo-Hòa lắc đầu, thình lình nàng nắm lấy tai Lê Văn. Nó la làng:
- Ái đau.
- Dám qua mặt bà chị! Vừa rồi em nói với Nong-Nụt rằng: Chị là tiên giáng trần. Nong-Nụt cầu gì thì xin chị giúp cho. Nong-Nụt nói với chị rằng: Tấu lạy tiên cô, xin tiên cô giúp cho em mau gặp huynh trưởng. Em dám dịch láo. Câu sau em dịch rằng Tiên cô này võ công cao cường, lại tốt bụng. Nong-Nụt đáp Em thực may mắn, không ngờ đi sứ gặp tiên cô.
Lê Văn bị bại lộ mưu cơ, nó xấu hổ cười trừ.
Từ lúc đoàn tùy tùng Ngô Quảng-Thiên vào Chu-các, Bảo-Hòa thấy có một thiếu nữ hơi khác Hán, Việt, nhưng đẹp huyền bí, với đôi mắt to đen, mũi cao. Nàng chưa biết là ai, bây giờ nàng mới hỏi:
- Em gặp nàng ở đâu?
Lê-Văn chưa kịp trả lời, Bảo-Hòa đã nghĩ ra:
- À, nếu nàng là công chúa Xiêm thì thuộc giòng họ An-Nan Tam-gia La-sun. Còn tên nàng là Nong-Nụt phải không?
Bảo-Hoà cũng dùng tiếng Thái nói truyện với Nong-Nụt. Cả hai cùng dùng một thứ ngôn ngữ nhẹ như tiếng chim, trong như tiếng hạc bay qua. Tuy Lê Văn đã học tiếng Thái, nhưng chưa làm bao. Nó chỉ hiểu lờ mờ câu truyên giữa hai người.
Chợt Bảo-Hòa tỉnh ngộ:
- Mình thua trí thằng em này mất rồi. Hồng-Sơn sư bá nhờ mình truyền lệnh bắt nó ứng tuyển phò mã. Không ngờ nó nhanh miệng cậy mình hỏi công chúa Xiêm cho nó. Thực hỏng bét.
Nàng lắc đầu:
- Nhưng sư bá cậy chị giúp em làm phò mã Tống. Chị khó có thể chiều ý em đươc. Vấn đề trọng đại lắm, chứ không thường đâu. Ta cứ dấu đừng cho Nong-Nụt biết.
Tính Lê Văn ưa khôi hài, nó mở to mắt méo miệng trêu Bảo-Hòa:
- Tiên cô ơi! Điều này không ổn! Chỉ có một mình công chúa Huệ-Nhu, mà mình đã có anh Tự-Mai ứng tuyển rồi. Không lẽ em với anh Tự-Mai đánh nhau. Em nói thực, em đánh không lại Tự-Mai đâu.
Khấu Kim-An bật cười:
- Lê công tử khỏi lo. Lưu hậu tuyển đến mười bẩy tiểu thư con quan nhan sắc diễm lệ, ôn nhu văn nhã, văn hay chữ tốt cùng công chúa Huệ-Nhu thành mười tám. Lê công tử cùng Tự-Mai cứ ứng tuyển, một người thành phò mã, một người làm rể tể tướng cũng được chứ có sao đâu?
- Không, em để anh Tự-Mai làm phò mã Tống. Em làm phò mã Xiêm hay hơn, khỏi mất công đấu võ lôi thôi.
Nó quay lại nhìn Tôn Đản:
- Còn anh Đản, để ảnh làm phò mã Đại-lý.
Ngô Quảng-Thiên bật cười:
- Tiên đế Đại-lý băng hà rồi. Các công chúa đều đã thành gia thất. Còn công chúa lớn nhất của đương kim hoàng đế mới năm tuổi.
Lê Văn biết mối tình giữa Ngô Cẩm-Thi với Tôn Đản, nó càng trêu già:
- Năm nay anh Đản mới mười tám tuổi. Mười năm nữa hai mươi tám tuổi, công chúa Đại-lý mười sáu tuổi, đẹp đôi chán. Khai-Quốc vương hai mươi tám tuổi mới cưới sư tỷ Thanh-Mai đấy thôi. Lại nữa bố em năm mươi ba, mẹ Huệ-Phương mới hai mươi hai, vẫn đẹp đôi như thường.
Bảo-Hòa biết nếu mình đấu võ mồm với Lê Văn, muôn ngàn lần không phải đối thủ của nó. Nàng lờ đi không trả lời, tay vẫy Tôn Đản:
- Phụ thân em cũng ủy cho chị hỏi vợ cho em. Giống như trường hợp Tự-Mai, Lê Văn, em phải ứng tuyển phò mã Tống.
Bảo-Hòa đưa thư của Tôn Trung-Luận cho Tôn Đản, rồi nghiêm mặt:
- Thể lệ tuyển phò mã như sau: Mỗi châu sơ tuyển hai người. Tổng cộng hai trăm bẩy mươi chín người. Về kinh, sẽ tuyển lấy mười tám người. Mười tám người đó coi như trúng cách, được vào triều kiến thiên tử. Thiên-Thánh hoàng đế ra đề thi cuối cùng tại sân rồng. Ai đỗ đầu sẽ được gả công chúa Huệ-Nhu. Còn lại ai đỗ thứ nhì sẽ được chọn một trong mười bẩy tiểu thư trước. Sau đó tới người đậu thứ ba. Ai đậu hạng mười tám phải lấy cô còn lại.
Thuyền sang Nam-ngạn Trường-giang. Bảo-Hòa cung kính trao cho Ngô Quảng-Thiên một hộp thuốc:
- Thưa sư bá đây là thuốc giải Chu-sa ngũ độc chưởng. Sư bá cùng ba vị sư huynh dùng tạm. Đợi sau khi đi sứ về anh Thiệu-Thái sẽ trị tuyệt nọc độc cho sư bá. Còn sư tỷ Cẩm-Thi, cháu cần sư tỷ giúp đỡ cho ít việc. Mong sư bá để sư tỷ đi với chúng cháu.
Ngô Quảng-Thiên cầm bình thuốc, rồi cười:
- Cảm ơn quận chúa. Trên đời lão phu có hai mối hận. Một là không khôi phục được nghiệp lớn vua Trưng. Hai là bị hai tên sư đệ Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn phản, làm cho thân bại danh liệt. Bây giờ đã có thuốc giải trong tay. Hơn nữa trên đường từ kinh về đây, công tử Trần Tự-Mai truyền cho lão phu phương pháp đẩy chất độc trở lại người đối thủ khi bị chúng dùng Chu-sa ngũ độc chưởng tấn công. Lão phu phải kiếm hai tên sư đệ để trả hận.
Bảo-Hòa vội an ủi ông:
- Việc trả thù bất cứ lúc nào sư bá không làm được. Hiện đang có sứ đoàn Đại-Việt, Xiêm-la sang Tống. Mặt nổi chỉ có mấy người, trong khi mặt chìm mình huy động hàng nghìn người. Nếu sư bá tìm hai lão trả thù e gây trấn động võ lâm Trung-thổ, không lợi cho Đại-Việt.
Ngô Quảng-Thiên gật đầu:
- Lão phu quên mất. Được, đợi khi sứ đoàn về rồi, lão phu mới ra tay.
Bảo-Hòa cung kính nói với Triệu Liên-Phương:
- Thưa mợ, cháu đã giải cứu mợ khỏi cấm thành nhà Tống. Bây giờ mợ nên trở về Đại-Việt cùng với Ngô sư bá.
Triệu Liên-Phương lạnh lùng gật đầu.
Sau khi Ngô Quảng-Thiên cùng vợ và ba con trai lên ngựa hộ tống Triệu Liên-Phương đi rồi, Bảo-Dân cùng Bảo-Hòa bàn truyện triều đình nhà Tống. Thông-Mai nói:
- Theo chỉ dụ của Khai-Quốc vương, cần đạt tới bằng này vấn đề: Một là kết thân với triều Tống trong thế anh em, chứ không chịu để họ coi như một thứ phiên thần. Hai là kết thân với võ lâm, nhân sĩ Trung-nguyên. Ba là tỏ cho triều Tống biết rằng, nếu họ bỏ thái độ trịch thượng, họ sẽ có cả tộc Việt là bạn thân, khỏi lo lắng Nam-thùy, rảnh tay chỉnh đốn Bắc-thùy. Nếu họ tiếp tục gây hấn với ta, họ sẽ có kẻ thù ghê gớm. Bốn là những biên thần, đại thần Tống chủ trương xâm lăng Đại-Việt, Đại-lý, cần làm cho họ biết sức mạnh mà lui đi thì thôi. Bằng không ta tung tin hãm hại, cô lập. Hoặc cho người ám sát vợ con, bố mẹ. Kể cả việc đào mồ cuốc mả.
Sau khi bàn đi tính lại, Bảo-Hòa đi đến kết luận:
- Trong triều Tống hiện có hai phe. Phe Lưu hậu chủ trương thôn tính Đại-Việt. Phe Định-vương chủ trương thân Đại-Việt. Vậy cần giúp phe Định-vương. Lưu hậu đựa vào dư đảng bang Nhật-hồ cùng Hồng-thiết giáo Đại-Việt, dùng Chu-sa ngũ độc chưởng khống chế quần thần. Sau khi đối ba chưởng với Tự-Mai, Lưu hậu biết trên thế gian này có thứ võ công khắc chế với Chu-sa ngũ độc. Mà thứ võ công đó của nhóm thân Định-vương. Như vậy tham vọng mở lãnh thổ xuống Nam sẽ giảm đi.
Tự-Mai mở chiếc hộp Lý thái phi trao cho nó lấy ra một tập sách:
- Lý thái phi trao cho em chiếc hộp này. Trong hộp có chứa một yếu điểm của Lưu hậu, ta cần tìm cho ra một vài chứng cớ nữa rồi mới xuống tay được. Bà cũng ghi chú cho ta tất cả tổ chức mật nhất của Lưu hậu. Em đã đọc kỹ. Chị Bảo-Hòa, chị cần gì?
Bảo-Hòa đáp:
- Chân tay Lưu hậu có bốn nhóm. Nhóm Trường-giang thất quỷ, đã qui phục Nam-triều rồi. Nhóm bang Nhật-hồ, biến thành bang Hoàng-đế, theo Định-vương. Nhóm thứ ba do hai lão Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ đang thống lĩnh mười trưởng lão bang Nhật-hồ. Hai lão này trước ẩn thân làm thị vệ. Nay nhân Định-vương vắng nhà, Lưu hậu phong cho Tôn Đức-Khắc thống lĩnh cấm quân, thị vệ. Còn Lê Lục-Vũ lĩnh Nam-biên kinh lược sứ tức tổng chỉ huy quân đội đối đầu với ta. Hai lão cùng mười trưởng lão đang theo sứ đoàn. Ta cần tìm cho ra tông tích hai lão này. Nhóm thứ tư gồm hai lão Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam-Bản. Hai lão hiện thay vào chỗ của Tôn, Lê chỉ huy tế tác cho Lưu hậu.
Tự-Mai chỉ tập sách trong tay:
- Có đây rồi! Tôn Đức-Khắc tên thực là Đào Tường-Phúc. Lê Lục-Vũ là Chu Bội-Sơn.
Từ Bảo-Dân cho tới Bảo-Hòa đều bật lên tiếng suýt xoa:
- Rút cục ta đã tìm ra hai tên tả, hữu hộ pháp của Nhật-Hồ lão nhân.
Tôn Đản thuật xong những gì năm trẻ đã làm từ khi theo Triệu Huy đi Biện-kinh. Đoạn dưới đây xin thuật tiếp việc sứ đoàn đến Biện-kinh.
Sau khi tường thuật cho Khai-Quốc vương biết hết hành trạng của năm ông thiên lôi, Tôn Đản tiếp:
- Chị Bảo-Hòa đưa ra ý kiến làm cho hai lão Tôn, Lê thất bại. Như vậy Lưu hậu sẽ cách chức hai lão để lấp sự lỗi của mình. Hai lão bị thất sủng ắt quay ra phản bà. Còn hai lão Sử, Khiếu, ta tìm cách vu cho chúng làm đạo tặc.
Khai-Quốc vương gật đầu:
- Bảo-Hòa trí tuệ thực không đợi tuổi. Nó tổ chức bắt mười trưởng lão bang Nhật-hồ dễ dàng, lại phối trí cho Bảo-Dân, Lê Văn trêu cho hai lão Tôn, Lê hoá điên hoá khùng. Tuyệt.
Thanh-Mai hỏi:
- Thế sau khi bắt hết các trưởng lão bang Nhật-Hồ rồi, tại sao Tự-Mai lại về kinh một mình?
- Chị Bảo-Hòa sai Tự-Mai về kinh trước, tường trình mọi việc cho Định-vương cùng Lý thái phi. Cuối cùng chỉ có em với Lê Văn, Nong-Nụt vu vạ cho hai lão Sử, Khiếu.
Thiệu-Thái hỏi:
- Khi chúng ta qua Tương-dương, thấy bảng niêm yết truy tầm năm người là Bảo-Hoà, Thông-Mai, Tôn Đản, Lê Văn, Tự-Mai. Sau đó ít giờ bảng lại đổi ra truy tầm hai lão Sử-vạn Na-vượng với Khiếu Tam-Bản là nguyên do tại sao?
Lê Văn thở dài:
- Đây là điều mà chị Bảo-Hoà muốn điên đầu lên được. Rõ ràng bọn em đến Kinh-châu mục đích vu hãm hai lão Sử, Khiếu làm đạo tặc. Bọn em hành sự bí mật đến thần không biết, quỷ không hay. Không ngờ mới tới nơi đã thấy hình treo khắp nơi truy tầm.
Khai-Quốc vương cau mặt:
- Trong chúng ta ắt có gian tế của Tống. Việc niêm yết truy tầm không phải do kinh lược sứ, mà do Lưu hậu. Phải tìm cho ra con rắn ẩn thân trong chúng ta mới được.
Lê Văn tiếp:
- Đêm, Đản với em đột nhập dinh kinh lược sứ trộm bảo vật của sứ đoàn Xiêm. Bọn em cố ý làm lộ ra, sau đó trong khi đấu võ với quan quân, ròi vờ bị đánh gẫy kiếm. Trên kiếm ghi tên hai lão Sử-vạn và Khiếu. Bọn chúng em bỏ chạy, chỉ có một võ quan đuổi theo. Võ công y rất cao cường, nhưng dường như y đánh cầm chừng. Bằng không em mất mạng rồi. Không hiểu sao hôm sau có bảng niêm yết hình hai lão Sử, Khiếu là đạo tặc.
Trong khi Lê Văn, Tôn Đản nói truyện, thì Bảo-Dân, Thanh-Mai cứ nhìn nhau mỉm cười. Khai-Quốc vương hỏi vương phi:
- Có sự gì lạ không?
Thanh-Mai bẹo tai Lê Văn. Nó vờ kêu lên:
- Ối! Ỷ là sư tỷ ăn hiếp người ta.
- Không những bẹo tai, chị còn đánh què nữa.
- Đánh gẫy xương chăng? Em không sợ đâu. Em tự bó bột, ba bẩy hai mươi mốt ngày là khỏi. À, nhưng em tội gì?
- Tội gì? Trong khi đấu với viên võ quan đó, em có biết chức tước y không?
- Bọn binh lính gọi y bằng Tư-mã. Thì ra y là Tư mã Kinh-châu. Ái chà, chức quan y lớn thực.
- Võ công, chiêu số y ra sao?
Lê Văn nhắm mắt suy nghĩ, rồi nói:
- Y xử dụng võ công Thiếu-lâm, nhưng dường như nội lực giống nội lực Đông-a. Ừ, phải rồi, nội lực y cao thâm khôn lường, hơi khác nội lực sư tỷ Thanh-Mai một chút.
Bảo-Dân phát chiêu võ đánh Lê Văn, kình lực cực hùng hậu. Nó kinh hãi, vội nhảy vọt lên cao tránh khỏi. Bảo-Dân không nhân nhượng hướng chưởng lên trời. Lê Văn vội phát Thiên-vương chưởng đỡ. Binh một tiếng, người nó bật tung lên cao. Nó chuyển động thân mình, rồi đáp xuống lưng ngựa. Nhưng nó không cỡi, mà một chân đứng, một chân co. Tuyệt ở chỗ trong khi anh em chiết chiêu, ngựa vẫn sải bước gõ nhịp đều đặn.
Lê Văn la lên:
- Em hiểu rồi, đáng chết thực. Thì ra viên quan đó thuộc phái Đông-a. Nội lực y đánh ra là thứ nội lực cách đây mười năm, giống như anh Phụ-Quốc, Bảo-Dân. Còn nội lực em biết là nội lực gần đây, Trần sư bá đã sửa đổi.
Chợt nhớ ra điều gì, nó nhảy phắt lên cao, rồi ngồi xếp bằng tròn trên lưng ngựa:
- Em đáng chết thực! Thì ra viên võ quan đó là anh Trần Trung-Đạo. Đệ tử của Trần sư bá đều là tay quái kiệt. Anh Phụ-Quốc là thi sĩ lãng mạn, đô đốc thủy quân. Anh Bảo-Dân là nhạc sĩ đại tài. Anh Trung-Đạo làm lớn hơn, tới Tư-mã Kinh-châu.
Chợt nó cau mặt lại:
- Bọn em tuân lệnh tiên cô Bảo-Hòa, ở trong bóng tối hành sự, nhưng theo sứ đoàn như bóng với hình. Không biết bằng cách nào anh Trung-Đạo liên lạc với sư tỷ Thanh-Mai? Tại sao anh biết kế của bọn em muốn vu hãm cho hai lão Sử, Khiếu mà vẽ hình bọn nó, niêm yết khắp nơi. Ừ! Hình vẽ thực sống động như người bên ngoài vậy.
Thấy Bảo-Dân nhìn nó cười tủm tỉm. Nó la lớn:
- Em hiểu rồi! Thì ra chị Bảo-Hòa, anh Thông-Mai đã âm thầm liên lạc với anh Trung-Đạo. Việc niêm yết bảng cáo tri bắt hai lão Sử, Khiếu làm cho hai lão khó chối cãi. Không chừng Lưu hậu tin rằng hai lão ăn trộm bảo vật cũng nên.
Đến đấy đoàn người ngựa đã vào trong thành Biện-kinh. Bấy giờ đang thời thịnh trị của triều Bắc-Tống, nên kinh thành đông đúc tấp nập, đường xá rộng rãi sạch sẽ. Kinh-thành đang đón gần ba trăm người ứng tuyển phò mã, đã trúng kỳ sơ tuyển . Mỗi người còn đem theo sư phụ, anh em với tùy tùng nào bộc phụ, mã phu. Cho nên kinh thành rộn rịp hơn bao giờ hết. Bảo-Dân cho xe dừng lại trước khách điếm cực lớn tên Nam-phong.
Hai thiếu niên phụ trách tiếp đón, thấy quan khách quần áo sang trọng thì đoán rằng một đoàn của thiếu niên ứng tuyển phò mã lai kinh. Chúng cầm cương ngựa, mang hành lý xuống.
Chủ khách điếm đon đả chạy ra tiếp khách. Y nỏi:
- Khách điếm chúng tôi chia làm hai loại. Một, gồm những phòng từ hạng nhất đến hạng năm. Giá thuê phòng đơn hạng nhất mỗi ngày một trăm đồng. Phòng kép mỗi ngày hai trăm. Hạng nhì rẻ hơn mười đồng. Cho đến hạng bẩy chỉ có ba mươi đồng thôi. Ngoài ra chúng tôi có những khu, giống như cung điện, cho đoàn đông người thuê. Giá thay đổi tùy theo khu.
Bảo-Dân nói:
- Chúng tôi cần một khu thực yên tĩnh.
Biết khách sang, chủ nhân cúi rạp mình xuống:
- May quá! Nếu các vị tìm phòng thì các phòng đã hết rồi. Còn thuê hẳn một khu thì còn đến hai khu. Khu sang trọng nhất là khu nằm trên đảo ở giữa hồ. Khu này mang tên Bồng-lai. Song hơi đắt.
Bảo-Dân tỏ ra thành thạo:
- Tôi biết rồi, mỗi ngày một lượng vàng phải không?
- Vâng.
- Chúng tôi không mang theo bộc phụ, phu xe. Xin cung cấp cho chúng tôi một tỳ nữ, một tiểu bảo để sai vặt. Còn ăn uống, mỗi ngày chúng tôi sẽ đặt trước.
Chủ nhân thân điều động phu mang hành lý cho khách ra khu Bồng-lai. Quả xứng đáng với tên mang, khu Bồng-lai là một đảo nhỏ nằm giữa cái hồ. Từ ngoài đi vào phải qua cây cầy đá. Đảo rộng đến năm sào (1800 thuớc vuông ngày nay). Xung quanh bờ đảo trồng toàn dương liễu. Ở giữa kiến tạo một căn nhà ngói xanh, gạch đỏ. Cột, kèo, cửa bằng gỗ trạm trổ tinh vi.
Sau khi nghỉ ngơi, tắm rửa, thay y phục. Khai-Quốc vương bàn với Bảo-Dân:
- Nhị sư huynh. Trước đây nhị sư huynh vùng vẫy dọc ngang ở Biện-kinh, gây ra nhiều kỳ tích. Nay nhị sư huynh có thể xuất hiện công khai không mà không gặp khó khăn chăng?
Bảo-Dân cười:
- Vương đừng lo. Tuy tôi phá phách, nhưng kỳ công phá phách đó, cho đến nay không ai biết tôi làm. Còn ngoại giả, trên từ tể tướng, xuống đến tên ăn mày đều biết tôi, vì tôi thường tấu nhạc, cũng như dạy nhạc.
Vương xuất ra một đạo công văn:
- Vậy phiền sư huynh đến bộ Lễ làm dùm ngay hai hai việc: Việc thứ nhất là cáo tri sứ đoàn Đại-Việt sang kết hiếu. Thứ nhì ghi tên Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn ứng tuyển phò mã. Đây đạo công văn chứng nhận ba trẻ được đề cử ứng tuyển phò mã. Tự-Mai, Lê Văn đại diện Đại-Việt. Còn Tôn Đản đại diện Bắc-biên.
Bảo-Dân lên đường liền.
Trong khi Khai-Quốc vương cùng Thanh-Mai, Khấu Kim-An bàn định khi triều kiến Tống đế phải làm những gì, đối phó ra sao, thì Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Tôn Đản, Lê Văn, cùng Ngô Cẩm-Thi sang phòng bên cạnh, thuật cho nhau nghe những biến cố trong thời gian xa cách.
Lê Văn nói với Mỹ-Linh:
- Chị tính sao thì tính, chứ bọn em nhất định đấu võ lấy thua, để khỏi làm phò mã Tống triều. Tự-Mai đã có Thuận-Tường. Em có Nong-Nụt. Còn anh Đản, dù anh ấy bị xẻo từng miếng thịt anh ấy cũng chịu, chứ không thể xa chị Cẩm-Thi đâu. Em không rõ, tại sao anh cả lại bắt chúng em làm phò mã. Làm phò mã đâu có sướng gì?
Thiệu-Thái bàn:
- Lần đầu tiên anh thấy cậu hai hành sự kỳ bí, đến Mỹ-Linh cũng không hiểu ý. Cậu bảo Tự-Mai rằng nếu không được vào đình thí, coi như không bao giờ lấy được Thuận-Tường. Lý thái phi cũng khuyên Tự-Mai phải ứng thí. Theo bà thì Thuận-Tường là cung nữ, sẽ theo hầu công chúa Huệ-Nhu xem đình thí. Ít nhất Tự-Mai phải được vào, sau khi trúng cách, xin lấy nàng làm vợ. Việc Tự-Mai coi như ổn rồi. Còn việc Tôn Đản, Lê Văn mới khó giải quyết.
Mỹ-Linh an ủi hai em:
- Các em yên tâm. Việc này Định-vương với chú hai thức thâu đêm luận bàn, chắc chắn hàm chứa những bí mật ghê lắm, mà người không thể nói ra đấy thôi. Hai em cứ tuân chỉ làm hết sức mình. Sau này sẽ rõ. Cùng quá mỗi cậu có hai vợ càng hay.
Lê Văn nhăn mặt:
- Hủ lậu! Bố em không bao giờ chấp thuận cho em lấy hai vợ. Người chúa ghét đàn ông nhiều vợ.
Có tiếng chim kêu. Nội công Thiệu-Thái cao nhất, chàng nhổm dậy:
- Cặp chim ưng của Thuận-Tường. Để anh gọi nó xuống xem sao.
Chàng ló đầu qua cửa sổ hú lên hai tiếng. Cặp chim ưng đáp xuống cạnh chàng. Chàng mở ống tre dưới chân nó lấy ra tờ giấy. Mọi người đều ghé mắt đọc:
Bán dạ, quỳnh hoa uyển,
Tiêu thanh tâm hoài thì.
Mọi người ngơ ngác nhìn Mỹ-Linh chờ giải thích. Mỹ-Linh nói:
- Chà nét chữ hoa dạng quá. Không phải chữ Tự-Mai. Người viết tờ thư này chắc là đàn bà, vì nét chữ mềm mại, tờ hoa tiên thoang thoảng mùi thơm. Để tôi dịch cho mà nghe:
Nửa đêm, dưới bóng hoa quỳnh,
Cùng nhau tương hội, tiêu thanh vọng về.
Cẩm-Thi phì cười:
- Tôi đoán ra rồi. Tự-Mai với Thuận-Tường dùng chim ưng viết thư hẹn hò nhau đây. Cứ như ý trong thư, cô nàng hẹn Tự-Mai nửa đêm nay gặp nhau ở vườn hoa quỳnh. Khi đến vườn hoa, thì dùng tiếng tiêu báo cho nàng biết.
Lê Văn với Tự-Mai vốn thân thiết nhất. Nó bàn:
- Không biết giờ này Tự, Tông, Lãm ở đâu? Chim ưng bay lượn trên đầu chúng ta, chắc họ ở gần đây thôi. Chị Mỹ-Linh viết mấy chữ gọi anh ấy với với Tông, Lãm hội họp cùng bọn mình cho vui.
Cẩm-Thi lắc đầu:
- Cu cậu đang say men tình, gọi đến gặp Quốc-vương với anh Bảo-Dân, chắc cu cậu trốn mất. Để chị giả tuồng chữ Thuận-Tường gọi chàng, chắc chàng đến ngay.
Mọi người đều bật cười. Cẩm-Thi cầm bút viết:
Bồng-lai sĩ quân tử,
Tiêu thanh tâm hoài thì.
Nàng dịch cho mọi người nghe:
Đợi chàng tại đảo Bồng-lai,
Cùng nhau tương hội tiêu thanh vọng về.
Nàng bỏ thư vào ống tre dưới chân chim. Thiệu-Thái hú lên một tiếng. Cặp chim ưng bay bổng lên cao, rồi hướng về phía Tây.
Ngô Cẩm-Thi cười:
- Suốt đời Tự-Mai chuyên trêu ghẹo thiên hạ. Bây giờ chúng ta trêu lại, chắc cu cậu phải nhảy dựng lên. Em đề nghị thế này: Chúng ta đều núp trong một căn phòng. Lê Văn thổi tiêu. Khi anh chàng nhảy qua cửa sổ vào, thấy chúng mình, ắt bẽn lẽn lắm.
Ngô Cẩm-Thi phối trí mọi người xong, Lê Văn cầm ống tiêu đưa lên môi thổi. Nó nghĩ thầm: Thuận-Tường bị tuyển làm cung nữ, vậy mình tấu khúc tiêu Phụng cầu kỳ hoàng của Tư-mã Tương-Như đời Hán cho anh chàng tin thực.
Không phải đợi lâu, chỉ lát sau có bước chân người nhè nhẹ ngoài cửa sổ, rồi tiếng gõ cửa. Mỹ-Linh tằng hắng, cửa sổ mở ra. Một thái giám nhảy vào trong như chiếc lá rụng. Đúng là Tự-Mai.
Thiệu-Thái đã trùm miếng vải che đầu. Chàng nhảy ra chặn cửa sổ, lên tiếng:
- Người là ai, mà lớn mật dám đột nhập vào đây.
Tự-Mai thấy người trong phòng không phải là Thuận-Tường. Nó kinh hãi dùng một thế ưng trảo chụp Thiệu-Thái. Thiệu-Thái bật tay lên chĩa ngón trỏ đỡ. Nếu Tự-Mai đánh xuống thì chính tay nó bị điểm vào huyệt Nội-quan. Nó biến trảo thành cầm nã, bẻ ngón tay Thiệu-Thái. Thiệu-Thái úp tay xuống xỉa vào huyệt Đản-trung của Tự-Mai. Nó vội lùi lại, dùng cước quét vào huyệt Trung-đô chân trái Thiệu-Thái. Thiệu-Thái nhảy lùi lại tránh. Nhưng không kịp, bộp một tiếng. Tự-Mai á lên đau đớn, nó ôm chân nhảy lùi lại. Nhanh tay, nó giật khăn trùm đầu Thiệu-Thái ra. Nhưng vì khuôn mặt, thân thể Thiêu-Thái thay đổi nhiều quá nó nhận không ra. Thiệu-Thái thấy nó ngơ ngác nhìn mình, thì bật cười. Bấy giờ nó mới biết kẻ trêu mình đích thực là Thiệu-Thái. Nó kêu lên:
- Ối ông ỉn! Làm gì người ta đây? Bà ỉn đâu rồi?
Bàn cho thực phải, Thiệu-Thái thọ lĩnh một trăm năm Thiền-công của Bồ-tát Sùng-Phạm, sau được Bố-Đại hoà thượng dạy thêm, công lực chàng tiến tới chỗ cao thâm khôn lường. Nhưng về quyền cước, chàng chỉ có mấy pho của phái Tây-vu, sau thêm bộ Mục-ngưu thiền chưởng. Trong khi đó Tự-Mai là con một vị đại tôn sư bác học đương thời, không võ công thiên hạ nào mà nó không học qua. Vì vậy chỉ mấy chiêu, nó đã chiếm được tiên cơ.
Cả bọn đồng xuất hiện. Tự-Mai xấu hổ, nó đưa mắt nhìn mọi người:
- Phá nhau kiểu này nhất định là bà chị dâu Ngô Cẩm-Thi rồi, chứ trong bọn mình không ai dám trêu mỗ.
Cẩm-Thi hỏi:
- Tại sao cậu biết là chị.
- Dễ mà. Ông ỉn tính hiền lành, chẳng bao giờ nghĩ ra được lối chơi quái đản này. Anh Đản đang muốn cầu mỗ để mỗ gỡ rối cho cái vụ phải ứng tuyển phò mã, thân mình lo chưa xong, thì dám phá ai? Lê Văn với mỗ tuy hai, mà một, chẳng bao giờ nỡ trêu nhau. Còn bà chị Mỹ-Linh vốn thương yêu mỗ vô bờ bến, chắc không phải tác giả rồi. Cuối cùng còn Ngô công chúa mà thôi. Đúng không?
Mỹ-Linh đưa mẩu giấy Thuận-Tường viết cho Tự-Mai. Nó bẽn lẽn cầm lên đọc, rồi bỏ vào túi. Nó trố mắt nhìn Thiệu-Thái:
- Này ông ỉn. Bộ ông lột da hay sao, mà trước kia da bì bì, nay thì tươi sáng hồng hào không kém gì da Bố-đại hoà thượng, môi lại hồng như con gái vậy. Trước dáng điệu ụt ịt bộ tịch như như con lợn, bây giờ bụng thon, mặt như ngọc, tư thái phong lưu quá. Lạ thực.
Lê Văn giải thích cho Tự-Mai nghe. Tự-Mai bảo Thiệu-Thái:
- Tuy rằng bây giờ anh đẹp như cây ngọc trước gió, nhưng em vẫn gọi là ông ỉn để ghi lại kỷ niệm trước kia.
Có tiếng Thanh-Mai vọng vào:
- Tự-Mai đấy à? Tất cả ra đây.
Thanh-Mai thấy em đượm vẻ phong trần, nàng trêu nó:
- Gái phải trai như thài lài phải cứt chó. Trai phải gái như cò bợ phải nước mưa. Hồi đại hội Lộc-hà em nói với chị như thế phải không? Thuận-Tông, Thiện-Lãm đâu?
- Chúng nó với em cùng trọ trong khách điếm Nam-phong này. Để em gọi bọn nó tới.
Tự-Mai băng mình ra khỏi đảo, lát sau nó trở lại với Thuận-Tông, Thiện-
Lãm. Khai-Quốc vương bảo Thiệu-Thái:
- Cháu sai chim ưng canh phòng. Chúng ta họp nhau, có nhiều việc quan trọng.
Mọi người ngồi vào chỗ nghiêm chỉnh. Vương hỏi Tự-Mai:
- Em đã liên lạc được với Bảo-Hòa, Thông-Mai chưa?
- Hai ông bà ấy như chim. Họ muốn, tự nhiên họ tìm mình. Còn mình muốn tìm họ thực khó khăn vô cùng. Hôm qua hai ông bà báo rằng biết sứ đoàn sẽ tới đây vào sáng nay, và cư trú tại khách điếm Nam-phong này. Cho nên bọn em không dám đi đâu, ngồi chờ.
- Có tin tức gì lạ không?
- Em vào cung gặp Lý thái phi ba lần. Đêm nay bà sẽ cho người dẫn em đến tẩm cung của Thiên-Thánh hoàng đế, tìm cho ra điều bí mật ấy.
Mỹ-Linh giật mình:
- Vậy chim ưng mang thư ban nãy, do Lý thái phi gửi ra, chứ không phải của Thuận-Tường à?
- Không! Suốt từ khi đến đây em chỉ gặp nàng có một lần, sau đó toàn viết thư cho nhau mà thôi. Nàng khuyên em phải dùng hết khả năng vào điện thí, hai đứa mới mong thỏa tâm nguyện.
- Vậy hai câu thơ trên ý nghĩa ra sao?
- Bán dạ quỳnh hoa uyển là nửa đêm theo khu vực trồng hoa quỳnh trong vườn thượng uyển. Tiêu thanh là tiếng lóng chỉ con cọp. Cọp đây là đôi hổ anh Thiệu-Cực cho Thuận-Tường. Khi Thuận-Tường bị tiến cung, nàng dâng đôi hổ cho hoàng đế. Hoàng đế dùng nó để canh gác nơi làm việc đêm. Tâm hoài thì, nghĩa là phải cẩn thận.
Tỳ nữ vào báo:
- Thưa quý khách, có người muốn đến thăm, hiện chờ bên kia cầu.
Nói rồi trình tấm danh thiếp. Khai-Quốc vương mở ra, thấy trên thiếp vẽ hình con chim ưng xòe cánh, cạnh đó vẽ bông hoa Dạ-lý. Vương bật cười, bảo nữ tỳ:
- Mời quý khách vào.
Tự-Mai hỏi:
- Ai thế?
- Người mà em thích nhất và người mà em ớn nhất.
Tự-Mai xịu mặt xuống, vì nó biết đó là Bảo-Hòa, Thông-Mai. Quả nhiên Thông-Mai trong y phục Nho-sinh, còn Bảo-Hòa trong y phục thiếu phụ. Hai người vào phòng. Thông-Mai hỏi:
- Có ai khác không?
Thanh-Mai đáp:
- Không.
Bảo-Hòa nói với Khai-Quốc vương:
- Bọn cháu bị lộ hình tích. Hôm qua hai đại cao thủ nội cung theo hút bọn cháu. Bọn cháu phải dùng xe ngựa rời thành. Chúng đuổi theo, rồi diễn ra trận đấu. Võ công hai tên này ngang với bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Chúng dùng Chu-sa độc chưởng. Vì dấu tung tích võ công, nên mãi mới thắng được chúng. Anh Thông-Mai đẩy độc chất vào người chúng. Có lẽ mai này độc tố mới phát.
Tự-Mai đã được Lý thái phi cho biết khá nhiều về nhân vật nội cung. Nó tò mò:
- Chị có biết chúng tên gì không?
- Một gã tên Dương Hoài-Mẫn, một gã tên La Sùng-Đản.
Tự-Mai à lên:
- La Sùng-Đản trước giữ chức Nhập-nội đô tri. Mới đây được thăng lên Bắc-ban chỉ hậu nội phẩm, thống lĩnh cung nga, thái giám cùng chỉ huy thị vệ trong Cấm-thành. Còn Dương Hoài-Mẫn giữ chức Hoàng-thành sứ, chỉ huy thị vệ trong hoàng thành. Hai tên này là chân tay của Lưu hậu.
Khai-Quốc vương truyền mọi người vào họp. Mỹ-Linh hỏi Bảo-Hòa:
- Chị Bảo-Hòa! Chị có thuộc hết lý lịch các quan trong triều Tống không? Hôm trước Định vương đã tóm lược cho em nghe, nhưng đó là cái nhìn của bậc tể phụ thân vương. Em muốn biết hết những uẩn khúc phía sau cung đình, cùng tư thất các quan kia.
Thanh-Mai cũng tiếp:
- Có lẽ Bảo-Hòa nên nói rõ tổ chức triều Tống cho các em chúng hiểu. Hôm trước tại Bắc-biên Thiệu-Cực đã trình bầy rồi, nhưng trên đường sang đây tôi thấy sai nhiều quá, nhất là bí mật quanh Lưu hậu. Vì mai này điện kiến, có thể chúng ta phải đối đầu với các quan, ta cần biết rõ từng người một.
Bảo-Hòa trình bầy:
- Tổ chức triều Tống hơi giống triều Đường. Có điều mỗi đời vua một thay đổi. Triều Đường có tể tướng. Triều Tống không dùng danh từ tể tướng mà dùng nhiều danh xưng khác nhau. Trên hết là hoàng đế, uy quyền bao la. Tiếp đó là Tam-sư, Tam-công. Dưới Tam-sư, Tam-công là Thượng-thư tỉnh tức triều chính.
Lê Văn đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương:
- Như vậy tổ chức triều đình mình cũng hơi giống Tống đấy chứ! Tam sư gồm Thái-sư, Thái-phó, Thái-bảo. Tam công gồm Thái-úy, Tư-đồ, Tư-không. Những chức này thường phong cho thân vương, không dự vào chính sự. Thảng hoặc cũng có những tể thần ở chức vụ lâu năm cũng được đôn lên.
Bảo-Hòa gật đầu:
- Đúng thế. Thường từ Tư-đồ tiến Thái-bảo. Thái-phó lên Thái-úy. Đôi khi thêm chữ Kiểm-hiệu cho mỹ tự mà thôi. Bây giờ tới Thượng-thư tỉnh, đời Đường do tể tướng cầm đầu. Tống gọi là Đồng-bình chương sự, gồm hai ông. Hai ông này, mỗi ông đều lĩnh một chức đại học sĩ. Ông lĩnh Chiêu-văn quan đại học sĩ giám tu quốc sử trên ông Tập-hiền viện đại học sĩ. Hiện Tào Lợi-Dụng lĩnh Tập-hiền viện đại học sĩ, mà lại làm tả thừa tướng. Trong khi Vương Tăng lĩnh Chiêu-văn quan đại học sĩ mà lại làm hữu thừa tướng.
Tự-Mai nhìn Khai-Quốc vương:
- Nhiệm vụ của tể tướng ra sao?
- Rất rộng: Phụ tá thiên tử, thống trăm quan, bình thứ chính. Nghĩa là không sự gì trong nước mà không thống thuộc.
Tôn Đản hỏi:
- Như vậy có đến hai ông tể tướng. Có phó tể tướng không?
- Có chứ, có từ hai đến sáu ông, gọi là Tham-tri chính sự. Ngoài ra có rất nhiều ông Thị-trung. Những ông Thị-trung này cũng được bàn chính sự với vua. Dưới Thị-trung tới phó Thị-trung thường gọi là Thị-lang.
Khai-Quốc vương gật đầu:
- Điểm này hơi khác với bên mình một chút đây. Thế dưới mấy ông tể tướng, có những tổ chức gì?
- Gồm Khu-mật viện, Tuyên-huy viện, Đông cung quan, Lục bộ.
Thuận-Tông rất chú ý tới vấn đề tổ chức. Nó hỏi:
- Tuyên huy viện là gì vậy?
- Tuyên-huy có hai. Tuyên-huy Nam-viện và Tuyên-huy Bắc-viện. Hai viện đảm trách những vấn đề lặt vặt, nhưng rất quan trọng. Ngoại sự, thâu gồm tài vật, kiểm kê kho tàng. Nội sự trông coi mọi cung phụng cho nội cung, triều đình như việc triều hội, yến tiệc. Nghiã là thống lĩnh tất cả việc cai trị thái giám, cung nga cùng cung phụng triều đình, nội cung. Còn Đông-cung quan, coi như một triều đình thu nhỏ, tức các quan quanh Đông-cung thái tử. Những chức này không thua chức tước triều đình làm bao.
Tự-Mai gật đầu:
- Em có nghe Lý thái phi nói rồi: Gồm các ông Thái-tử thái sư, Thái-tử thái phó, Thái-tử thiếu sư, Thái-tử thiếu phó và Thái-tử thiếu bảo. Những ông này là thầy dạy thái tử. Sau khi thái tử lên ngôi vua, các ông thành tể thần hết. Lỡ thái tử phạm tội, thì các ông cũng bị rơi đầu luôn.
- Đúng vậy. Còn Lục-bộ gồm Lại-bộ, Hộ-bộ, Lễ-bộ, Binh-bộ, Hình-bộ,
Công-bộ. Giống hệt bên mình.
Tôn Đản hỏi:
- Bây giờ xin sư tỷ cho biết những ông nào giữ chức vụ chính yếu trên? Đầu tiên hai ông tể tướng đã.
- Cao nhất hiện thời là ông Tào Lợi-Dụng. Ông tự là Dụng-Chi, người đất Ninh-tấn thuộc châu Triệu. Thủa nhỏ đã nổi tiếng biện sĩ, có chí lớn, theo học với phái Liêu-Đông. Hai mươi tuổi triều đình mở cuộc tuyển võ. Trong hơn nghìn thí sinh, Lợi-Dụng cùng mười chín người khác được vào điện thí. Trong cuộc điện thí Lợi-Dụng cùng hai người nữa đứng đầu. Được cử vào chức Hữu-ban điện trực. Năm Cảnh-đức nguyên niên, Khất-đan đem quân đánh Hà-Bắc. Vua Chân-tông thân chinh. Tướng Khất-Đan là Đạt-Giác võ công cực cao, không tướng Tống nào địch nổi. Vua sai Lợi-Dụng song đấu với Đạt-Giác. Võ công hai người ngang nhau. Sau Lợi-Dụng dùng nội công Liêu-Đông làm tiêu tán công lực đối phương, giết Đạt-Giác. Giặc định rút lui, có ý nghị hòa. Sứ thần Tống là Vương Kế-Trung, muốn tìm người có thể cùng đi sứ Khất-đan. Khu-mật viện chọn Lợi-Dụng. Vua Chân-tông ban dụ : Khất-Đan đem quân xuống Nam kỳ này là muốn chiếm đất. Nó đã chiếm của ta mất một châu. Nay tuy bại, nhưng nó sẽ giữ luôn đất không trả. Xưa vua Hán đánh Thiền-vu, tuy bại, nhưng khi nghị hòa chỉ ban vàng lụa. Vậy khanh nên cố đòi đất, mà cho vàng lụa.
Lợi-Dụng tâu:
- Khất-Đan vốn thô lỗ, không trọng văn học, kính nể người có sức lực. Thần nguyện trổ thần võ thắng chúng. Nếu không đòi được đất, thần nguyện chết bên đất giặc chứ không dám trở về làm nhục mệnh quân vương. Sau qủa nhiên Lợi-Dụng đòi được đất. Vua phong cho làm Trung-châu thứ sử.
Mỹ-Linh hỏi:
- Trước đây nghe nói Lợi-Dụng đã xuống vùng Lĩnh-Nam mình một thời gian. Chuyện đó ra sao?