Phương Hổ xuất chiêu tấn công Tự-Mai. Nó nhảy lui liền ba bước. Phương Hổ bước ngang qua chỗ Tôn Đản. Tôn Đản thấy em bị tấn công, nó dơ tay tát Hổ một cái. Phương Hổ thấy cái tát thô kệch, tầm thường, nếu có trúng y, cũng như phủi bụi. Y không thèm đỡ, tiếp tục phát chưởng đánh Tự-Mai. Không ngờ bàn tay Tôn Đản tới vai Phương-Hổ biến thành chỉ, điểm vào huyệt Kiên-ngung y đến bộp một cái. Tay phải y bị tê liệt, kình lực biến mất. Y chưa kịp phản ứng, Tôn Đản chĩa ngón tay phóng vào mông y một chỉ, đúng huyệt Hoàn-khiêu. Chân y bị tê liệt. Y ngã lăn xuống đất.
Tôn Đản cười lớn:
- Hai trận. Các vị bị bại cả hai. Vậy các vị nghĩ sao đây?
Tuy chân tay không cử động được, nhưng Phương Hổ vẫn cãi:
- Như vậy không kể. Các vị đánh trộm chứ có phải bản lĩnh chân thực đâu?
Tôn Đản cười hề hề:
- Phương bang chủ. Phải thế nào bang chủ mới phục?
- Nếu như bên người, có ai dùng võ công trực đấu với bên ta mà thắng, chúng ta xin hoàn toàn quy phục.
Khai-Quốc vương ung dung gật đầu:
- Đản! Em giải khai huyêt đạo cho Phương bang chủ.
Tôn Đản chạy đến xoa vào huyệt Hoàn-khiêu, Kiên-ngung của Phương Hổ. Khi chân tay cử động được như thường, y vọt mình dậy định tấn công Tôn Đản. Song y nghĩ:
- Dù gì mình cũng đường đường thống lĩnh một đại bang. Cho có bị người ta đánh bại bằng cách nào, cũng phải tự xử, chứ có đâu lại cãi chầy cãi cối?
Y vẫy tay cho Phương Báo:
- Ta đã bại dưới tay Tôn công tử. Nhị đệ lĩnh giáo cao chiêu của vương gia đi.
Y nói với Khai-Quốc vương:
- Thể lệ võ lâm Trung-nguyên định rằng, trước khi muốn người quy phục, chính bản thân mình phải dùng võ công thắng người. Nếu Vương-gia muốn bọn tại hạ theo về. Xin Vương-gia dạy cho nhị đệ mấy chiêu.
Khai-Quốc vương ngửa tay phải tỏ ý mời chào:
- Xin mời nhị bang chủ.
Phương Báo nghĩ thầm:
- Từ trước đến giờ ta chưa từng nghe võ lâm nói đến võ công của tên Lý Long-Bồ này. Dường như y không biết võ thì phải. Y sắp đấu võ với ta, một chết hai sống, mà thản nhiên thế kia, có khác gì hai tay bưng tính mệnh giao cho ta không?
Y chắp tay hành lễ, rồi phát chưởng. Chưởng của y cực kỳ trầm trọng. Khai-Quốc vương nhận ra chưởng lực y có phần hơn Lê Ba, nhưng kém Hồng-sơn đại phu với Tự-An đôi chút.
Vương từ từ cung hai tay như ôm một vật gì tròn trước ngực, rồi một tay vòng lên cao. Một tay vòng xuống đưới. Chưởng của Phương Báo bị bao vây vào trong, kình lực mất hút. Y kinh hãi nhảy lên cao. Ở trên cao y đánh xuống một chưởng. Hai tay Khai-Quốc vương vẫn như ôm vòng tròn, nhẹ nhàng chuyển sang bên cạnh, rồi đẩy lên. Chưởng của Phương-Báo lại biến mất.
Tự-Mai reo lên:
- Đại ca! Vô trung sinh hữu tuyệt quá.
Khán giả cả hai bên đều thấy chưởng lực của Phương Báo cực kỳ tinh vi, công lực mạnh như núi lở băng tan. Trong khi đó, Khai-Quốc vương cứ ung dung nhàn nhã như múa vũ khúc nghê thường. Thế mà kình lực y biến mất. Khi nghe Tự-Mai la dùng cái trống bên trong, lực sinh ra họ mới hiểu lý thuyết. Nhưng làm thế nào đi tới vô trung sinh hữu, không ai biết phải vận công phát lực sao cho đạt tới nguyên lý đó?
Phương Báo đánh liền ba chưởng. Kình phong làm mọi người muốn ngộp thở. Khai-Quốc vương hỏi Tự-Mai:
- Tự-Mai! Xử dụng lý thuyết gì bây giờ?
- Tá lực đả lực!
Khai-Quốc vương lùi lại. Hai tay vẫn như ôm vòng thái cực. Vương đợi cho chưởng Phương Báo lướt qua, rồi đẩy theo. Thân thủ như người đẩy thuyền, nhẹ nhàng, ung dung.
Phương Báo bị kình lực mình với kình lực của vương hợp lại, làm người y quay như chong chóng. Phải cố gắng lắm, y mới đứng lại được.
Y điên tiết lên đánh liền bẩy tám chiêu. Khai-Quốc vương vòng tay, bước từ vị trí cung khôn sang cung Chấn. Rồi từ cung Chấn, bước sang cung Ly trong khi tay chuyển xuống dưới. Phương Báo mất hết kình lực, người như chơi vơi trên sóng.
Tự-Mai lên tiếng hoan hô:
- Hay thực! Đại ca, nguyên lý ba chiêu đầu, em hiểu rõ. Còn nguyên lý mấy chiêu sau ra sao?
Khai-Quốc vương tay vẫn như ôm trái cầu, ném vào Phương Báo. Vương giảng:
- Dụng ý bất dụng lực. Ý tập, lực tự sinh. Thái-cực bản vô cực. Bây giờ hiền đệ coi anh xử dụng lý thuyết Thần thông ư bối rồi chuyển sang lưu hành ư khí.
Miệng nói, Vương uốn cong lưng, bật lên cao, sau đó phát chiêu. Binh một tiếng, Phương Báo bật tung lên cao, rơi xuống cách đó hai trượng. Y có cảm tưởng như Vương nhắc y lên, rồi để xuống nhẹ nhàng. Y tự hỏi:
- Chiêu số gì mà kỳ lạ thế này? Dường như thứ võ công y xử dụng chỉ ảo diệu vô lực, hay y cố ý khoan dung không hại ta? Ta cần thử lại mấy chiêu nữa xem sao?
Nghĩ rồi, y phát liền ba chưởng. Chưởng phong có mùi tanh hôi khủng khiếp. Khai-Quốc vương cười thầm:
- Mi dùng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng với người khác khả dĩ còn có đôi chút kết quả, chứ dùng với ta e vô dụng.
Vương đợi cho chưởng phong bao trùm người, rồi mới lùi ba bước. Một tay chỉ lên trời, một tay tạt ngang, giống như ôm trái cầu, rồi người quay tròn. Một kình phong kinh khủng rít lên giống trâu gầm. Chưởng lực của Phương Báo như chạm phải vách núi. Người y bật tung trở lại, hai mắt toé lửa. Y phải lộn liền một lúc năm vòng mới đứng vững. Toàn thân như muôn nghìn mũi kim đâm phải.
Chỉ thấy thấp thoáng một cái, Khai-Quốc vương đã tiến tới, vỗ lên vai y, chỗ huyệt Kiên-ngung. Toàn thân khí lực bị mất. Y lảo đảo ngã ngồi xuống. Vương ôn tồn như mẹ nói với con:
- Phương huynh bị Chu-sa độc chưởng dội trở lại. Tuy tôi nhẹ tay, nhưng Phương huynh cũng cần ngồi yên. Tĩnh tâm một chút.
Phương Hổ bước tới bắt mạch cho em. Nhưng khi tay y vừa chạm vào tay Báo, người y bị bật tung lại phía sau. Y hít một hơi dài, mới dừng lại được. Y hỏi Khai-Quốc vương:
- Vương gia, võ công vương gia vừa dùng là võ công gì vậy? Dường như... Dường như trên giang hồ chưa từng ai nói tới bao giờ.
Vương không trả lời, đưa mắt cho Tự-Mai.
Tự-Mai cầm viên sỏi búng đến véo một tiếng. Viên sỏi trúng huyệt Hiệp-cốc bàn tay Phương Báo. Y đang ngồi như pho tượng, chân tay cử động được. Y vọt mình tiến lên phóng chưởng tấn công Khai-Quốc vương. Khai-Quốc vương thuận tay đẩy ra chiêu Đông-hải lưu phong trong Đông-a chưởng pháp. Pho chưởng này, Trần Kiệt dạy vương hôm ông tới Thăng-long dự lễ tấn phong Thanh-Mai làm vương phi Khai-Quốc vương.
Nguyên Trần Kiệt là chú, là sư phụ trực tiếp dạy Thanh-Mai. Ông thương yêu nàng vô hạn. Cho nên ông xin phép chưởng môn Tự-An dạy Khai-Quốc vương, coi như món quà cưới.
Chưởng phong rít lên chạm vào chưởng Phương Báo. Phương Báo cảm thấy trời long đất lở, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng. Y bật lui ba bước, miệng oẹ một tiếng, y khạc ra ba búng máu.
Biết công lực mình thua đối phương xa, nhưng y vẫn tiếp tục phát chưởng tấn công.
Đấu được trên năm mươi hiệp, Phương Báo điên tiết lên. Y nhảy vào, tay trái dùng hổ trảo, tay phải dùng ưng trảo vồ Khai-Quốc vương. Chân vương từ phương Càn bước sang phương Khảm, tay trái nắm tay phải của y giật mạnh. Người y lảo đảo như say rượu, quay liền mười vòng, rồi ngã ngồi xuống.
Khai-Quốc vương chờ cho y đứng dậy, mới hỏi:
- Phương nhị hùng. Thế nào?
Nhưng Phương Báo ngồi xuống đất, mắt nhắm nghiền, tỏ vẻ cực kỳ mệt mỏi.
Phương Hổ thở dài:
- Võ công Đại-Việt thực kỳ ảo. Những chiêu thức vương gia xử dụng dường như có thiền công, lại đặt đơ sở trên dịch lý. Thứ võ công này, tiểu nhân chưa từng thấy qua. Mong Vương-gia ban cho vài lời.
Câu hỏi của Phương Hổ cũng là câu hỏi của tất cả mọi người. Khai-Quốc vương đáp:
- Quyền pháp mà tôi dùng mang tên Thái-cực quyền, Bạch-đằng giang thập ngũ thức.
Chu Y kinh ngạc:
- Võ công Đại-Việt tiểu nhân đã nghe biết hầu hết. Đặt trên căn bản khắc chế võ công Trung-nguyên, gồm võ công Long-biên, Cửu-chân. Nay thành Mê-linh. Võ công ảo điệu, dũng mãnh thì của Tản-viên với Phục-ngưu thần chưởng. Võ công cương nhu hợp nhất, phải kể Sài-sơn, nổi tiếng với Thiên-vương chưởng. Võ công đặt cơ sở trên thiền, gồm Đông-a, Tiêu-sơn. Chiêu thức mà Vương-gia vừa xử dụng đều không phải của các phái trên.
- Đúng như Chu tam hùng nói. Pho võ công vừa rồi do chính tôi cùng Tự-Mai, Tôn Đản hợp nhau mới chế ra, còn rất đơn sơ. Mong Chu tam hùng chỉ cho những chỗ khuyết điểm.
Chu Y nghe vương nói, kinh hãi trong lòng. Y hỏi:
- Vừa rồi vương gia đấu với nhị huynh. Tiểu nhân đứng ngoài, nhìn không rõ. Mong vương gia diễn cho anh em tiểu nhân coi một lần cho biết.
Khai-Quốc vương khoan thai đứng dậy, hai tay như ôm vòng thái cực từ đưa ra. Mỗi thức, mỗi tư thức, mỗi biến chiêu... chân tay, thân mình, mắt đều hiệp đồng. Người không biết võ, hoặc người võ công non kém, cho rằng Vương múa một vũ điệu chứ không phải biểu diễn võ công.
Vương giảng:
- Thái cực quyền đặt trên nguyên lý dụng ý bất dụng lực. Cho nên mỗi chiêu không nhất thiết phải thế này, thế nọ, mà chỉ mang ý niệm.
Vương diễn hết bẩy mươi hai chiêu, rồi ngừng lại, ngồi xuống phiến đá gần đó. Vương khoan thai kể:
- Tôi xuất thân từ phái Tiêu-sơn. Nội công Tiêu-sơn đặt cơ sở trên thiền công nhà Phật.
Chu Y gật đầu:
- Bên Trung-nguyên, phái Thiếu-lâm cũng lấy thiền công làm nội công căn bản. Đâu có gì lạ?
- Khác nhau nhiều. Thiền công Thiếu-lâm đặt phát xuất từ kinh Kim-cương. Cho nên đệ tử Thiếu-lâm bị người ta tấn công. Họ chỉ hoá giải. Còn thiền công Tiêu-sơn rút từ yếu chỉ chính trong kinh Lăng-già, Tượng-đầu tinh xá. Khi đệ tử Tiêu-sơn bị người ta tấn công, thì phát chiêu trả đòn. Một phần hoá giải công lực đối thủ, một phần phản công.
Vương quay lại nhìn Tôn Đản, Tự-Mai rồi cười:
- Sau tôi cùng hai vị hiền đệ có cơ duyên học được thần công của công chúa Yên-lãng.
Phương Hổ kinh hãi hỏi:
- Tiểu nhân nghe công chúa Yên-lãng đã phối hợp thần công Tản-viên với Thiền-công vô ngã tướng thành thứ nội công mới, thần diệu vô song. Nhưng đã thất truyền. Nào ngờ vương gia lại học được.
- Đúng vậy. Loại thần công này rất đặc biệt. Ai đánh ta, ta đỡ, vừa phản công đối thủ, vừa hút lấy nội lực họ, làm nội lực mình. Chúng tôi lại luyện nội công Cửu-chân, khắc chế võ công Trung-nguyên. Trong khi đó tôi được Nùng-Sơn tử dạy cho về Dịch-lý. Tôi nghiên cứu, hợp tất cả bằng ấy thứ lại, cùng hai sư đệ Mai, Đản bàn luận, rồi chế ra pho Bạch-đằng giang thập ngũ thức.
Vũ Canh lắc đầu:
-- Vừa rồi Vương-gia đấu với nhị ca của tôi đã dùng tới trên trăm thức, thế mà Vương-gia bảo có mười lăm thức ư?
Khai-Quốc vương cười:
- Mười lăm thức, với mười lăm chiêu khác nhau xa. Mười lăm thức là gì? Nó gồm Nhân ngã tứ tướng, Ngũ-uẩn giai không, Lục-tặc đồng biến trong kinh Phật.
Phương Hổ lắc đầu:
- Xin Vương-gia giải rõ hơn.
Khai-Quốc vương hắng rặng một tiếng, rồi nói:
- Thôi được. Tôi xin vì các vị mà nói về mười lăm thức đó. Đầu tiên Nhân ngã tứ tướng rút trong kinh Kim-cương, Lăng-già, Bát-nhã ba-la mật đa tâm kinh, bao gồm bốn tướng của kẻ chấp tướng. Đó là: Ngã tướng tức tướng của ta. Nhân tướng tức tướng của người. Chúng sinh tướng tức tướng của chúng sinh. Thọ giả tướng tức con người đối cảnh sinh tình khác nhau. Đó là bốn thức căn bản của Thái-cực quyền.
Phi Lịch nhăn mặt:
- Như vậy mới có bốn. Còn mười một thức nữa?
- Tiếp theo tới Ngũ-uẩn.
- Ngũ uẩn à ? Tiểu nhân chưa từng nghe qua.
- Ngũ uẩn tức sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tức năm món tích tụ thành nhân thể, cùng tinh thần con người. Ngũ uẩn che mất chân lý, khiến chúng sinh luân hồi, gặp những điều khổ sở.
- Xin vương gia giải rõ năm uẩn hơn.
- Đầu tiên, sắc. Tức những vật hữu hình, hữu sắc. Thọ do con người đối cảnh, sinh ra tình cảm vui, buồn, sướng, khổ. Thứ ba tới tưởng. Khi con người đối cảnh, nhận ra mầu sắc, hình thể, phân biệt sự vật... thành tưởng. Thứ tư, con người đối cảnh, nảy sinh lòng ham muốn, ghét giận, sinh ra hành. Cuối cùng tới thức. Khi con người đối cảnh, suy tư, hiểu biết gọi là thức. Vậy Ngũ-uẩn tạo ra những con người khác nhau.
Xuyên Dung nghe vương giảng đến đâu, gật đầu đến đó. Nàng hỏi:
- Cuối cùng tới Lục-tặc. Tức sáu thứ giặc. Giặc đó chắc cũng do trong lòng mà sinh ra?
- Đúng thế. Nó còn có tên Lục-trần, Lục-nhập, tức sắc, thanh, hương, súc, vị, pháp. Sáu thứ giặc ở ngoài nhập vào trong chúng ta qua Lục-căn: Nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý. Khi xử dụng Thái-cực chưởng, cần bình tĩnh, chế chỉ tâm thần, sao bỏ ra được Nhân ngã tứ tướng, vượt qua Ngũ-uẩn, rồi sao cho trong người hư không, Lục-tặc không nhập vào người. Đến trình độ đó, đơn điền như cái hồ trống rỗng, bao nhiêu chân khí tụ vào, muốn phát ra lúc nào thì phát.
Thiện-Lãm hỏi:
- Khi đại ca làm được như vậy, thì nào thiền công Tiêu-sơn, nào nội công Đông-a, nào Vô-ngã tướng thiền công, nào nội công Cửu-chân, cũng hoà lẫn với nhau được. Khi tòng tâm xử dụng, lập tức chân khí tuôn ra?
- Đúng thế.
Thanh-Mai hỏi Phương Hổ:
- Phương bang chủ. Xin bang chủ dạy cho một lời!
Phương Báo nói với các em:
- Anh em ta nhân bất phục triều Tống, đứng ra lập bản bang, tiêu dao trên sông Trường-giang. Chúng ta đều sinh ở vùng hồ Động-đình. Hồ Động-đình, nơi phát tích ra Quốc-tổ, Quốc-mẫu tộc Việt. Vì vậy, dù chúng ta nói tiếng Hoa, mặc quần áo Hoa. Bề ngoài thành người Hoa, nhưng gốc vẫn Việt. Chúng ta là người Hoa gốc Việt. Nay gặp minh chúa, chúng ta phải trở về nguốn gốc thôi.
Y hô tất cả anh em cùng quỳ gối khấu đầu trước Khai-Quốc vương:
- Bọn thần từ nay xin được hầu cạnh Vương-gia.
Khai-Quốc vương vẫy tay ra hiệu miễn lễ, rồi nói:
- Bây giờ chúng tôi vẫn đi cùng các vị, tìm kho tàng. Tới Khúc-giang, tôi sẽ nhờ giáo chủ Lạc-long hoá giải độc tố Chu-sa chưởng cho các vị.
Trong Trường-giang thất quỷ, hết bốn người gồm anh em họ Phương cùng vợ chồng Phi Lịch, xuất thân trong bang Nhật-hồ. Vì vậy suốt bao năm qua, dù họ uống thuốc giải, mỗi năm lại bị lên cơn mấy ngày, đau đến chết đi, sống lại. Họ tuy vẫn sống bình thường, mà trong lòng luôn ẩn một niềm đau khổ cùng cực.
Cách đây mấy tháng, họ nghe giáo chủ Hồng-thiết Đại-Việt bị một thiếu niên đánh bại. Thiếu niên được tôn lên làm tân giáo chủ. Tân giáo chủ hoá giải Chu-sa độc chưởng cho tất cả giáo chúng, cải danh thành Lạc-long giáo.
Bốn người trong bang Trường-giang định sang Đại-Việt qui phục Lạc-long giáo, để được điều trị. Không ngờ bây giờ họ gặp Khai-Quốc vương, một đấng anh hùng, vai cậu của Lạc-long giáo chủ, hứa sẽ trị chọ họ. Họ mừng không bút nào tả siết.
Phương Báo mời mọi người xuống thuyền. Thuyền ngược giòng đi về phương Đông. Ban ngày thuyền đi. Ban đêm Khai-Quốc vương cùng Vương-phi lại lên bờ kiếm chỗ vắng luyện võ. Có hôm tới sáng Vương mới trở về. Sau bốn ngày đường, Lê Đài báo cho biết còn hai chục dặm nữa tới Khúc-giang. Khai-Quốc vương bảo các em:
- Năm vị hiền đệ. Các hiền đệ lớn rồi. Anh muốn thử bản lĩnh khôn ngoan của các đệ một lần. Bây giờ anh cho các đệ lên bộ đi Khúc-giang trước. Anh sẽ đi sau.
Nghe được tự do đi với nhau, xa anh cả, không bị kiềm chế, năm đứa trẻ reo mừng. Khai-Quốc vương tiếp:
- Trong năm em, ta giao cho Tôn Đản thống lĩnh, Tự-Mai làm quân sư. Tại Khúc-giang hiện có thiết kị Tống. Bình-Nam vương Triệu Thành, bang Nhật-hồ Trung-quốc, người của các nước Đại-lý, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân-lạp đều hiện diện. Ta cho các hiền đệ nghịch ngợm, phá phách tự do. Làm thế nào trong năm ngày, trấn Khúc-giang náo loạn, đảo lộn hết thì thôi.
Nghe Khai-Quốc vương truyền lệnh phá phách, năm ông mãnh reo hò mừng rỡ. Vương tiếp:
- Có ba điều cấm kị. Một là không được giết người. Hai là không thể để bị quan binh bắt giam. Ba là không được phạm vào tôn giáo, cũng như dân chúng. Trong khi hành sự, theo dõi cặp chim ưng để biết ta ở đâu.
Hà Thiện-Lãm xoè tay trước mặt Thanh-Mai:
- Bà chị cho bạc. Không tiền, bọn em đến đó lấy gì mà ăn?
Lê Văn bẹo tai Thiện-Lãm. Tay chỉ vào cái hộp kim trong túi:
- Ông anh đừng lo! Với hộp kim này, tha hồ cho quan lại, phú gia đem cơm gà, cá nướng cung phụng chúng mình. Tới đó em làm thầy lang trị bệnh cho dân chúng. Thiếu gì người tạ thầy!
Khai-Quốc vương hỏi Tự-Mai:
- Lỡ không ai tin thầy lang trẻ thì làm thế nào?
Tự-Mai cười, nó nói sẽ vào tai vương:
- Anh cả sai bọn em đi, tức chúng em tuân chỉ hoàng-đế làm truyện quốc sự. Mọi chi phí do công nho đài thọ. Hè... hè...
Thiện-Lãm ngơ ngác:
- Công nho à! Nhưng ở Quảng-Đông đâu có quan liêu Đại-Việt, mà họ chi tiền cho chúng ta!
Lê Văn vốn cực kỳ thông minh. Nó lắc đầu mấy cái, miệng kêu sẽ hừ... hừ... :
- Lãm phải nhớ điều này! Đối với chúng ta, Quảng-Đông thuộc lãnh địa tộc Việt. Công nho Quảng-Đông phải chi phí mọi tiện nghi cho chúng ta. Chúng ta tuân chỉ Phụ quốc thái úy, tổng đốc binh mã, cứ đến công khố lấy bạc mà xài. Hè... hè...
Hà Thiện-Lãm chợt hiểu. Nó nói thầm:
- Tức là vào công khố ăn trộm!
Phương Hổ sai dẫn năm con ngựa lên bờ, trao cho năm ông mãnh.
Tôn Đản hô:
- Tạm biệt!
Thanh-Mai dặn với theo:
- Nhớ cẩn thận!
Năm đứa vái Khai-Quốc vương, rồi ra roi cho ngựa phi về hướng Khúc-giang.
Phi Lịch thắc mắc:
- Vương gia! Năm tiểu công tử đang độ khí huyết sung thịnh, nghịch ngợm kinh khiếp. Nay Vương-gia truyền chỉ như vậy, thần e...
- Phi huynh an tâm. Năm tiểu đệ của tôi có căn bản võ đạo rất sâu, lại sớm lăn vào làm việc nước, nên chúng có ý thức cao. Phi huynh đừng sợ. Tôi cần sai chúng khuấy đảo Khúc-giang, để cho tất cả các phe tiềm ẩn bị lộ tông tích. Ta nhờ binh Tống loại họ khỏi vòng tranh chấp với ta.
Vương nhìn Phương Hổ cười:
- Tất cả bí mật kho tàng, hiện nằm trong tay chưởng môn phái Mê-linh cùng giáo chủ Lạc-long giáo. Hai người đó là cháu tôi. Họ đã đi trước, dò la. Mỗi khi có tin tức gì, họ dùng chim ưng báo cho tôi biết. Hiện đã biết rõ kho tàng dấu ở đâu rồi.
Vương mở tấm khăn thắt lưng, lấy ra mảnh lụa. Trên mảnh lụa vẽ bản đồ Khúc-giang, đủ hết sông ngòi, đình miếu. Vương chỉ vào sườn núi Tuyệt-phong:
- Đây kho tàng ở chỗ này. Cửa vào nằm ngang sườn núi. Từ dưới muốn lên hang, phải qua một nghìn bước. Hang thông sang bên kia sườn núi chỗ có con sông. Đó là nơi trước kia công chúa Yên-Lãng và Nghi-Hoà đem kho tàng từ biển vào.
... Chỗ mỏm này, ta có thể ghé thuyền vào chở về. Công cuộc khai quật kho tàng không phải giản dị đâu. Việc đục đá, vào hang, ta có người phụ trách rồi. Khó khăn nhất của chúng ta phải vượt qua là sao tránh giao tranh với biết bao lực lượng đang rình rập. Tuy khó, nhưng tôi đã có cách. Vậy phiền bang chủ, cùng các huynh đệ quý bang đậu thuyền tại địa điểm này. Khi chúng tôi đục núi thông sang, lập tức cùng lên vận chuyển về Đại-Việt.
Trường-giang thất quỷ thấy mình mới quy phục, mà Khai-Quốc vương đã dám lộ hết cơ mật kho tàng cho mình. Họ cảm thấy độ lượng vị Vương-gia này thực cao cả vô cùng.
Vương tiếp:
- Trong bẩy vị, phiền Trường-giang song hùng đem thuyền chờ chở kho tàng. Động-đình tam ưng huy động bang chúng trải dài từ Khúc-giang tới cửa Hổ-môn, âm thầm bảo vệ thuyền chở của Trường-giang song hùng. Tới Hổ-môn, sẽ có thuyền của bang Đường-lang hộ tống cho đến lãnh hải Đại-Việt. Trong địa phận lãnh hải Đại-Việt, bang Hồng-hà, Đông-hải đảm trách.
Phi-Lịch hỏi:
- Thưa vương gia, thủy quân Đại-Việt không dùng vào việc này ư?
Vương đưa mắt nhìn Vương-phi, rồi lắc đầu:
- Thủy quân Đại-Việt lo tuần phòng lãnh hải, trường hợp thủy quân Tống tràn sang, mới can thiệp mà thôi. Còn Phi huynh với phu nhân khẩn đi cùng tôi, để trị Chu-sa độc ngay, vì để lâu e phạm đến thai nhi.
Đến đó, thuyền phu vào báo:
- Khải tấu Vương-gia cùng bang chủ. Phía trước có bốn con thuyền đậu theo một hàng, phất cờ ra hiệu cho ta dừng lại. Xin Vương-gia, bang chủ định liệu.
Vương hỏi:
- Có phải trên trời của bốn con thuyền có hai con chim ưng bay không?
- Vâng. Quả như Vương-gia tuyên dạy.
- Bốn con thuyền đó của chúng ta. Ta cho thuyền đi như thường, nhưng mở cửa sổ khoang phải. Khi thuyền ta và họ song song, sẽ có người nhảy sang thuyền mình. Phiền các vị tiếp hội lên đây, cùng họp với nhau.
Trường-giang thất quỷ nghe Vương truyền lệnh. Họ kinh hãi, mặt nhìn mặt xấu hổ, tự nói với nhau:
- Lúc đầu rõ ràng vị vương gia này bị mình bắt theo. Không hiểu bằng cách nào, mà điều động mọi việc nhịp nhàng như vậy? Làm thế nào đưa bốn con thuyền lớn thế kia đến đây chờ đợi? Làm thế nào người trên bốn con thuyền biết Vương-gia ở trên thuyền ta? Nghe Vương-gia vừa truyền lệnh, rõ ràng, mọi việc xếp đặt đâu vào đấy rồi. Không chừng đây chỉ có một phần nhỏ kế hoạch. Trung gian còn nhiều chi tiết mà mình chưa được biết.
Bất giác cả bẩy nhìn nhau rùng mình, tự chửi thầm:
- Mình chỉ có bẩy người, đem theo hơn ba trăm bang chúng, mà đòi đánh cướp kho tàng, có khác gì tự tử không?
Lát sau, thuyền phu dẫn vào bốn người. Khai-Quốc vương đứng dậy chào, giới thiệu:
- Vị đạo trưởng này đạo danh Nùng-Sơn. Thầy của tôi.
Trường-giang thất quỷ đã nghe danh Nùng-Sơn tử. Phi Lịch bật lên tiếng reo:
- Phải chăng đạo sư là một trong Long-thành nhị hiệp?
Nùng-Sơn tử đáp lễ:
- Không dám. Phi huynh vẫn mạnh chứ? Tại hạ thường ngâm bài Trường-giang nguyệt lãng và bài Động-đình điểu minh của Phi huynh luôn. Ý từ thực cao ngạo, mà lời nhẹ như gió thu.
Phi Lịch nghe Nùng-Sơn tử ca tụng tài văn chương mình. Y sung sướng ra mặt:
- Đa tạ đạo trưởng quá khen.
Vương chỉ Trần Kiệt:
- Vị này, một trong Thiên-trường ngũ kiệt, sư thúc của tiện thê. Nhưng thực ra bản lĩnh tiện thê do người truyền thụ.
Chu Y kêu lên:
- Úi chà!
Thiên-trường ngũ kiệt danh vang thiên hạ, đến Tống đế còn kính phục. Vì vậy Trường-giang thất quỷ vội cúi đầu hành lễ:
- Trường-giang huynh đệ xin tham kiến Trần đại hiệp.
Bảo-Hoà, Thông-Mai đã bỏ lớp áo hoà thượng. Nàng trở lại y phục thiếu nữ Thăng-long. Còn Thông-Mai trang phục như một nho sinh Trung-quốc. Anh em họ Phương thấy gương mặt Bảo-Hòa, Thông-Mai hơi quen, mà họ nhận không ra hai người đã giả hoà thượng tung phấn độc hại họ. Khai-Quốc vương chỉ giới thiệu sơ sài:
- Vị này, anh của tiện thê. Còn đây, con gái của chị tôi.
Thình lình Xuyên-Dung ôm ngực nhăn nhó, tỏ vẻ đau đớn. Thông-Mai vung tay điểm liền bốn chỉ vào huyệt Nội-quan, Công-tôn của nàng. Cơn đau giảm liền. Phi-Lịch thấy Thông-Mai tuổi trẻ, mà công lực kinh nhân. Y chắp tay:
- Đa tạ thiếu hiệp cứu trợ.
Trời về chiều, nắng thu héo úa đổ lên sông, thành muôn nghìn con rắn vàng lung linh. Phương Hổ truyền bầy tiệc khoản đãi.
Mọi người vào bữa.
Khai-Quốc vương hỏi Nùng-Sơn tử:
- Đạo trưởng. Xin đạo trưởng cho biết tình hình?
- Bang Nhật-hồ Trung-quốc đem toàn lực đến đây. Tuy họ không biết nơi chôn bảo vật. Bang trưởng, Tả-Hữu chấp pháp, ngũ Sứ cùng mười tám Đạo trưởng. Vắng mặt mười Trưởng-lão. Hiện họ ở trong thị trấn Khúc-giang. Bình-Nam vương cùng với tùy tùng chia làm bốn ngả, âm thầm tới. Đồng thời Vương điều một vạn thiết kị với hai vạn binh Quảng-Đông, nhưng phao lên rằng mười vạn, chia ra đóng rải rác khắp vùng. Khu-mật viện Tống, điều đến khá nhiều cao thủ thuộc sáu đại môn phái như Thiếu-lâm, Côn-luôn, Không-động, Nga-mi, Võ-đang, Hoa-sơn. Họ ẩn thân trong lớp áo quan binh. Tây-hạ, Liêu, Cao-ly, đều gửi nhiều cao thủ tới.
- Như vậy Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la không gửi người tham dự. Cuộc tranh dành sẽ diễn ra giữa Khu-mật viện Tống với bang Nhật-hồ cùng Liêu, Cao-ly, Tây-hạ. Ta đứng ngoài tọa thủ bàng quan xem sao đã.
Vương hỏi Bảo-Hòa:
- Còn về phía ta ra sao?
- Đúng như cậu xếp đặt. Chỉ còn chờ ngày giờ hành động.
Vương xoa hai tay vào nhau:
- Tôi với Vương-phi đi cùng Phi huynh phu phụ tới Khúc-giang. Tôi không dấu diếm thân phận, cáo với quan sở tại rõ việc bị bang Trường-giang bắt giữa đường, mới được thả ra, yêu cầu họ tấu về triều, cử người đến hộ tống. Vậy Bảo-Hòa, Thông-Mai trong bóng tối yểm trợ cho năm ông mãnh nhà mình phá phách. Chúng có phá phách, các cao thủ ẩn trong lớp áo quan binh mới bị lộ diện. Quan binh Tống sẽ nhân dịp đó bắt hết các phái đoàn Liêu, Tây-hạ, Cao-Ly. Động-đình tam ưng, bảo vệ con đường Khúc-giang, Hổ-môn. Nùng đạo trưởng cùng ngũ sư thúc theo Trường-giang song hùng đậu ở vách núi, chờ khai thác kho tàng, rồi chở về.
Vương ngừng một lát tiếp:
- Hai con thuyền này trao cho Trường-giang song hùng để chở kho tàng. Bốn con thuyền kia, hai con trao cho Động-đình tam ưng. Hai con cho tôi với Phi phu phụ. Cơm chiều xong, chúng ta lên đường.
Cơm xong, trời tối mịt. Khai-Quốc vương cùng Thanh-Mai, vợ chồng Phi Lịch sang hai con thuyền đậu sẵn bên sông, hướng Khúc-giang mà đi.
Đêm vương cùng Vương-phi lại lên bờ luyện võ. Sau khi Vương lên bờ, thuyền phu rút cầu. Cả hai người dùng khinh công biến vào khu rừng. Vương-phi nói với chồng:
- Chúng ta họp mật trong rừng thế này, đến quỷ cũng không biết, thần cũng không hay.
- Vì vậy ngay từ hôm xuống thuyền, chúng mình giả bộ lên bờ luyện võ. Bọn Trường-giang thất qủy theo dõi bén gót suốt năm đêm liền. Đến đêm thứ sáu, chúng không theo nữa. Nay anh phân tán chúng đi với người của ta. Nếu chúng muốn tách ra cũng khó. Bọn ở trên thuyền ta, đều bị theo dõi. Phải đề phòng vậy mới được.
Trong rừng lập loè ánh đèn leo lét từ căn nhà chiếu ra. Có tiếng cú kêu. Thanh-Mai hú lên một tiếng đáp lại. Cánh cửa căn nhà mở ra. Bảo-Hoà đón hai người vào.
Khai-Quốc vương hỏi:
- Việc canh gác thế nào?
- Trên trời có cặp chim ưng. Dưới đất có hai cặp sói.
- Được rồi.
Trong phòng đủ mặt: Nùng-Sơn tử, Trần Kiệt, Bảo-Hoà, Thông-Mai, năm ông thiên lôi: Tôn Đản, Tự-Mai, Thuận-Tông, Thiện-Lãm, Lê Văn.
Khai-Quốc vương mở tấm bản đồ lụa ra cho mọi người xem:
- Mỹ-Linh thăm lăng Khúc-giang ngũ vương, cùng đền hai vị Công-chúa thời Lĩnh-Nam đã tìm ra nhiều chi tiết giống như trong vũ kinh nói. Kho tàng cất trong hang. Hang từ chân ngọn Tuyệt-phong lên một ngàn bước, nơi hai ngọn núi kết thành khe. Cửa hang ngay dưới thác nước.
Vương ngừng lại nhìn Trần Kiệt, Tự-Mai:
- Sư thúc cùng Tự-Mai thông minh nhất sẽ nhập thác nước. Trước thác nước ắt có cao thủ Tống canh gác. Tự-Mai phải nhanh nhẹn điểm huyệt cho chúng mê man. Dưới thác có ba cửa, đều bị đá lấp. Trong ba cửa có hai cửa giả, một cửa thực. Khi khuân năm viên đá ra, mà thấy cửa, chớ đi vào, e nguy hiểm. Khi thấy mười viên cửa mới lộ hãy đi vào. Hang thông sang bên kia núi. Sau khi hành sự, lấp cửa hang, theo bản đồ mở lối khác mà ra.
Vương hỏi Tôn Đản:
- Mấy hôm nay, các em phá phách đến đâu rồi?
- Ngày thứ nhất phá đền Mã Viện. Ngày thứ nhì phá đền Cao Biền. Ngày thứ ba phá đền Triệu Xương. Ngày thứ tư phá phách Tả, Hữu hộ pháp cùng ngũ Sứ bang Nhật-Hồ. Ngay ngày đầu bọn em đã làm lộ cho Khu-mật viện Tống biết mình là người Việt. Chúng theo dõi rất gắt. Sang ngày thứ tư, bọn em đánh lạc chúng hết. Bọn em trêu đám cao thủ Cao-ly, khiến chúng điên lên. Hai bên giao đấu. Khu-mật viện Tống bắt hết đám này. Rồi nhân tiện vồ bọn Liêu, Tây-hạ.
- Như vậy chúng biết rất rõ hành tung Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, cũng như năm em. Giỏi. Trong đầu Phạm Trọng-Yêm, y tưởng ta có vậy. Bây giờ Đản cùng ba em Tông, Lãm, Văn, làm sao đem được một số thùng, với đinh lớn, để đâu đó, gần thác nước. Sau khi ngũ sư thúc với Tự-Mai tìm ra cửa hang. Các chú mang vào. Lập tức lấy đá chất đầy, rồi đóng đinh thực chắc, sau đó mở cửa hang vách múi bên kia, chuyển những thùng đá xuống thuyền. Thuyền đó của bang Trường-giang. Trên thuyền có Trường-giang song hùng với Nùng-Đạo trưởng chờ. Tuy thùng đựng đá. Nhưng hai vị cũng làm như thực, canh coi thực kỹ. Lỡ ra gặp thủy quân khám xét, không chống cự, bỏ thuyền chạy. Họ có mở ra, thấy toàn đá, sẽ tra khảo anh em họ Phương. Chúng thừa sức nói láo hoặc chống cự.
Vương chỉ Bảo-Hoà, Thông-Mai:
- Bảo-Hòa, Thông-Mai cùng hai đội bốn mươi cao thủ ẩn trên bờ sông, nơi có hai chiến thuyền chở lương từ Hổ-môn tới. Trong khi ngũ sư thúc, Nùng-Đạo trưởng chở đá đi, hai người lén đột nhập chiến thuyền, điểm huyệt hết thủy thủ, rồi ra hiệu cho người của ta xuống. Tất cả lột quần áo thủy thủ Tống mặc vào, cho thuyền ghé vào cửa hang. Bấy giờ ta mới chuyển kho tàng đi, kéo buồm về Hổ-môn. Thuyền của ta là thuyền thủy quân Tống, dọc đường không ai dám kiểm soát. Phải sao cho thuyền tới nơi giữa đêm. Tới Hổ-môn, kéo buồm hướng Hải-Nam. Trên đường đi, có bang Đường-lang hộ tống xa xa cho tới lãnh hải Việt. Tới Lãnh hải Việt, bang Hồng-hà hộ tống về Thăng-long.
Vương nhìn Vương-phi cười:
- Chúng ta tới Khúc-giang công khai, để Khu-mật viện Tống coi thường ta không biết bảo mật. Chúng theo dõi ta vô ích.
Vương hỏi mọi người:
- Có ai thắc mắc gì không?
Tự-Mai đề nghị:
- Hiện bọn Tống tưởng chúng em do Khu-mật viện Việt sai tới. Sau khi thuyền chở kho tàng đi rồi, bọn em quay ra phá phách chính người của mình. Như vậy bọn Tống điên cái đầu lên. Không biết bọn em thuộc phe phái nào của Đại-Việt?
- Ý kiến hay. Nếu cần gây cuộc đấu với Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, cùng Lạc-long giáo.
Vương nhìn Thông-Mai, Bảo-Hòa:
- Sau khi hộ tống kho tàng về Đại-Việt, Thông-Mai, Bảo-Hòa trở qua liền. Cả hai bí mật điều động hệ thống tế tác Đông-a, Khu-mật-viện theo dõi mọi hành tung của Lưu hậu, Triệu Thành. Nghĩa là sứ đoàn đóng vai hiền lành, không xử dụng võ công. Trong bóng tối Thông-Mai, Bảo-Hòa lo bảo vệ, thi hành quốc sách Đại-Việt: Mềm với triều Tống, cứng với biên thần, nhất là thẳng tay tàn sát bọn quan lại làm hại ta.
Buổi họp chấm dứt.
Hôm sau, Vương ra lệnh cho thuyền đi thực chậm, để ngắm cảnh. Mỗi khi tới một trấn nhỏ, Vương lại cùng Vương-phi lên bờ mua sắm, ngoạn cảnh, lễ Phật cùng ăn uống. Vợ chồng Phi Lịch cho rằng vị Vương-gia này mới cưới vợ, nên mượn cớ Hoa du, hưởng trăng mật. Cho nên đáng lẽ thuyền chỉ đi đi năm ngày tới Khúc-giang, mà kéo dài tới gần tháng. Sự thực vương lỉnh kỉnh như vậy, để Khu-mật viện Tống thấy vương chưa tới, không đề phòng, trong khi mọi người có thời gian hành động.
Hôm ấy thuyền đến Khúc-giang.
Thị trấn Khúc-giang khá lớn. Trời về đêm, dọc bờ sông hàng nghìn con thuyền đậu san sát, đèn thắp sáng rực. Thuyền trưởng tìm chỗ cho thuyền đậu. Khai-Quốc vương bảo Thanh-Mai:
- Chúng ta lên bờ xem cho biết Khúc-giang về đêm.
Dạo một vòng, Thanh-Mai nhận biết trong trấn có không biết bao nhiêu khách lạ. Hai người tìm vào tửu lầu lớn nhất. Tửu bảo thấy một đôi thanh niên nam nữ trang phục sang trọng, tư thái khác phàm. Y cúi rạp người xuống mời lên lầu. Thanh-Mai chọn một bàn trông ra sông, rồi liếc mắt quan sát, nàng dùng Lăng-không truyền ngữ nói với vương:
- Có hai đứa, một nam, một nữ theo chúng mình từ lúc lên bờ. Chúng ngồi phía sau ta. Chắc người của Khu-mật viện Tống. Mình có nên giữ kín thân phận không?
- Không! Mình cứ nói tiếng Việt, như vậy tỏ ra mình đang tìm quan lại người Tống.
Tửu bảo đến trước bàn. Thanh-Mai hỏi bằng tiếng Việt:
- Em có biết nói tiếng Việt không?
Y lắc đầu, vẫy tay gọi một thiếu nữ lại. Thiếu nữ kính cẩn hỏi bằng tiếng Việt:
- Không biết quan gia xơi món gì?
Thanh-Mai nói:
- Chúng tôi từ Đại-Việt qua, muốn dùng mấy món thổ sản xứ Quảng. Cô bảo nên gọi những gì?
Thiếu nữ đáp:
- Gà Khúc-giang hấp nấm hương, hạt điều nổi tiếng nhất ở đây. Sau đến cá hầm Hổ-môn. Thịt lợn rừng ướp ngũ vị hương nướng. Đó là ba món Quảng ngon nhất.
- Cô cho chúng tôi mỗi thứ hai phần ăn.
- Quan khách có dùng rượu không?
- Chúng tôi theo đạo Phật, giới tửu.
Thiếu nữ vừa lui, thì nhạc công cùng ca nhi tới. Nhạc công tuổi trên ba mươi. Ca kỹ tuổi khoảng hai mươi, hai mươi mốt. Nàng có đôi vai tròn, lưng ong, mái tóc thả xuống ngang vai óng mượt. Nhạc công cúi đầu hành lễ. Ca kỹ hỏi:
- Tiểu nhân tên Thụy-Hương. Còn tiện phu tên Linh-Bảo.
- Hay quá. Chúng tôi muốn được thưởng lãm bài Tỳ bà hành của Bạch Lạc-Thiên, ca theo cổ điệu.
Thiếu nữ thấy Thanh-Mai muốn nghe khúc hát rất tao nhã thời Đường, tỏ ý kính phục:
- Tiểu nữ xin tấu hầu quan gia cùng phu nhân.
Khai-Quốc vương được quan Thái-phó dạy rất kỹ về văn học Hoa, Việt. Song Vương chỉ chú ý về kinh, sử, nhất là chư tử học, hầu áp dụng vào việc trị nước. Đối với thơ văn, Vương liếc qua, rồi bỏ. Vì vậy khi Vương-phi đề cập đến khúc hát này, Vương ngơ ngác. Thanh-Mai biết ý chồng, nàng giảng:
Bạch Cư-Dị là đại thi hào đời Đường. Ông hiệu Lạc-Thiên. Học giỏi, đậu tiến sĩ. Niên hiệu Nguyên-hòa thứ mười (815), bị giáng chức làm Tư-mã ở Cửu-giang. Mùa thu năm sau, nhân tiễn khách ở bến Bồn, giữa đêm nghe tiếng đàn thảm thiết bên sông vọng lên. Hỏi ra mới biết đó là tiếng đàn của đệ nhất danh kỹ đế đô, về già, lấy một lái buôn trà. Lái buôn để nàng trên con thuyền vắng, rồi xuôi ngược bốn phương. Bạch cảm thán cho danh sĩ với giai nhân, cùng kiếp hoa nghiêm nặng nợ» mời nàng qua thuyền mình đánh đàn, hát. Nàng vừa hát vừa kể lại cuộc đời đoạn trường của mình. Nhân đó Bạch làm bài ca này lưu niệm.
Nhạc công cầm ống tiêu để lên miệng thổi. Tiếng tiêu vừa cất lên, khiến cả tửu lầu đang ồn ào, bỗng trở lên im phăng phắc. Tiếng tiêu tuy nhỏ, mà vang đi rất xa. Khi cao lên vút từng mây, khi thấp tiếng thì thầm của đôi tình nhân.
Linh-Bảo tấu xong một đoạn, Thụy-Hương vừa dạo đàn, vứa hát. Tiếng nàng trong dài, cao vút nhưng nhẹ như gió thoảng, hoà hợp với tiếng tiêu như đứt ruột khách đa tình:
Tầm-dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp lô hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân hạ mã, khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền.
Túy bất thành hoan thảm tương biệt,
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt.
Hốt văn thủy thượng tỳ bà thanh,
Chủ nhân vong quy khách bất phiết (1)
Ghi chú
(1) Phan Huy-Vịnh dịch như sau:
Bến Tầm-dương cannh khuya đưa khách,
Quạnh hơi Thu lau làch đìu hiu,
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty.
Say luống những ngại khi chia rẽ,
Nước gương trong đượm vẻ gương soi,
Tỳ bà đâu vẳng bên sông,
Chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi.
Thanh-Mai giảng giải:
- Bến Tầm-dương, buổi tối, tiễn khách. Bến sông nghe lá lau cọ vào nhau sàn sạt. Chủ nhân xuống ngựa, khách xuống thuyền. Hai bên cùng cất chén, mà cạn không được. Tuy say, mà không vui, vì phải xa nhau giữa cảnh sông trăng thê lương. Hốt nhiên tiếng đàn từ đâu vọng lại. Khiến chủ nhân không muốn về, khách dùng dằng chẳng cất bước.
Thụy-Hương ca dứt một đoạn, nàng dạo đàn, rồi chuyển sang tiếng Việt, làm Khai-Quốc vương với Thanh-Mai bỡ ngỡ không ít. Cứ thế cho đến câu cuối cùng:
Tựu trung khấp hạ thùy tối đa,
Giang-châu Tư-mã thanh sam khấp.(2)
Ghi chú
(2) Phan Huy-Vịnh dịch như sau:
Lê ai chan chứa hơn người,
Giang-châu Tư-mã đượm mùi áo xanh
Thình lình có tiếng la hét ở dưới vọng lên. Thực khách cùng đổ xô ra nhìn xuống. Bên dưới, một ngư nhân hình dáng rất kỳ dị, chân dài thoòng, mình ngắn đang chạy trước. Phía sau một vị võ quan phùng mang, trợn mắt, tay cầm kiếm đuổi theo. Ngư nhân vừa chạy, vừa quay lại, miệng thè lưỡi ra nhát viên võ quan. Viên võ quan đuổi sát đến sau lưng ngư nhân vung kiếm lên chém.
Ngư nhân trầm người xuống tránh, rồi xé vạt áo viên võ quan đến xoạc một tiếng. Y chạy ngược trở lại, miệng cười ha hả, để tay lên mũi tỏ ý kiêu ngạo viên võ quan.
Viên võ quan lại hùng hổ đuổi theo. Ngư nhân chờ cho y tới gần, xả kiếm chém rồi trầm người tránh, tay vung ra xé áo nữa. Lần này viên võ quan để hở cả ngực, lông lá đen sì. Dân chúng vỗ tay cười ha hả.
Giữa lúc ngư nhân, võ quan rượt bắt, có ba người đi tới. Thoáng nhìn, Thanh-Mai đã nhận ra Đông-Sơn lão nhân, Dư Tĩnh với Địch Thanh. Dư Tĩnh nhìn thân pháp ngư nhân, nói với Địch Thanh:
- Sư đệ, người thử đoán xem ngư nhân thuộc môn phái nào?
Địch Thanh lắc đầu:
- Khó đoán quá. Cái trầm người lần trước giống thân pháp phái Sài-sơn. Y vung tay xé áo, thuộc ưng trảo phái Đông-a. Khi chạy y dùng khinh công phái Mê-linh. Chắc chắn y người Giao-chỉ chứ không phải người vùng này.
Viên võ quan đuổi không kịp ngư nhân, miệng thở hào hển. Ngư nhân ngừng lại để tay lên mũi cười trêu:
- Này đại nhân. Đại nhân thân làm tới Thiên tướng, mà không giữ lời hứa. Như vậy có xứng đáng không?
Ngư nhân chìa ra cái bọc:
- Thôi trả đại nhân đây.
Viên võ quan chạy lại, dơ tay tiếp cái túi. Khi tay y sắp chạm vào túi, thì ngư nhân lùi một bước. Không hiểu y dùng cách gì, đã đứng sau viên võ quan. Y vỗ tay vào cổ viên võ quan. Viên võ quan đứng im như trời trồng, không động đậy.
Ngư nhân cười xì, rồi chạy vào đám đông. Nhưng thấp thoáng, một người đã đứng trước mặt ngư nhân. Suýt nữa ngư nhân đâm sầm vào người kia. Ngư nhân dừng lại trợn mắt nhìn người đó. Y chính thị Dư Tĩnh.
Thanh-Mai hỏi sẽ chồng:
- Anh có biết ngư nhân là ai không?
- Lê-Văn!
- Đúng đó! Anh ra lệnh cho bọn năm ông thiên lôi tự do phá phách. Em e trấn Khúc-giang này đến nổ tung ra mất.
- Em đừng sợ. Đám sư đệ của mình đều được huấn luyện rất kỹ. Căn bản luân lý, võ đạo cực cao. Sau nhiều biến cố, anh muốn thả chúng ra, hầu biết khả năng chúng đến đâu.
Lê Văn ngửa mặt nhìn Dư Tĩnh:
- Ô hô! Ngài An-phủ sứ Quảmg-Tây! Ngài sang đây làm gì vậy?
Liếc thấy Đông-Sơn lão nhân với Địch Thanh, nó méo miệng trêu:
- Ồ! Lại cả Đông-Sơn đạo sư cùng với Địch trạng nguyên nữa.
Bình-Nam vương Triệu Thành muốn bí mật đem tùy tòng tới Khúc-giang, nên đã phải bầy ra kế cho Phạm Trọng-Yêm bắt đi, rồi đám Đông-Sơn lão nhân, Minh-Thiên chia làm hai, âm thầm đi sau, quỷ không biết, thần không hay. Bây giờ thấy quái nhân gọi đích danh ra giữa chỗ đông. Ba người giật mình đến thót một cái, tự hỏi:
- Quái nhân này lý lịch ra sao?
Dư Tĩnh tuyệt không ngờ ngư nhân nhận được mình. Y hỏi:
- Này ông bạn. Ông bạn đại danh gì vậy?
- Ta không có đại danh, mà chỉ có tiểu danh thôi. Ta họ Lạc. Bố ta tên Lạc-long-Quân, mẹ ta tên Âu-Cơ.
Lê Văn cười ha hả:
- Dư an phủ sứ! Người thân làm biên cương đại thần, tổng trấn Quảng-Tây lộ, nhiệm vụ không nhỏ, người sang đây làm gì vậy?
Dân chúng thấy ngư nhân gọi một khách quan là An phủ sứ, rồi khách quan ứng lời đáp lại. Họ giật mình tự hỏi:
- Vị đại quan này từ Quảng-Tây sang đây làm gì vậy kìa?
Triều Tống, quan lại đối với dân chúng cực kỳ oai vệ. Chức An-phủ sứ, thuộc hàng cực phẩm, quyền hành biên thùy một cõi, có quyền tiền trảm, hậu tấu đối với bất cứ quan dân nào phạm tội. Khi An-phủ sứ đi ra ngoài, tiền hô hậu ủng, hào lại, hương lý phải thắp hương đứng đón bên đường, hai tay chắp lại vái dài. Bây giờ họ thấy Dư Tĩnh an nhàn trong lớp y phục quý tộc. Họ tin ngay.
Dư Tĩnh chỉ cái túi trên vai Lê Văn:
- Ông bạn! Cái túi kia không phải sở hữu chủ của vị tướng quân. Nó là túi của đức hoàng-đế ban cho y, trong đựng bằng sắc, ấn tín. Ta muốn ông bạn trả viên võ quan cái túi này!
- Trả ư? Thì tôi trả. Đây, ngài cầm lấy đi.
Nó đưa cái túi cho Dư Tĩnh. Dư Tĩnh tiếp túi.
Thình lình tay Lê Văn phóng chỉ đến véo một tiếng, trúng huyệt Khúc-trì của Dư Tĩnh. Chân tay y cứng đơ. Lê Văn luồn tay, giật cái bọc của Dư, rồi bỏ chạy.
Địch Thanh kinh hoảng vọt mình theo Lê Văn, lập tức Lê Văn phóng lại phía sau một viên thuốc. Thuốc tan thành bột. Địch Thanh tưởng thuốc độc, y kinh hãy nhảy lui liền bốn bước. Lê Văn đã biến mất.
Một đội lính tuần tới. Chúng vội đỡ viên võ quan đem đi. Địch Thanh cũng vác sư huynh rời khỏi đám đông.
Khai-Quốc vương với Thanh-Mai trở về bàn. Nàng ca kỹ Thụy-Hương vẫn còn ngồi đó. Thanh-Mai xin lỗi:
- Chúng tôi sơ ý quá, để uổng phí thời gian nghe giọng vàng của cô nương.
Nàng móc túi tặng Thụy-Hương một nén bạc. Tại Quảng-Đông hồi đó, một nén bạc có mười lượng. Một lượng ăn trăm quan tiền. Một khúc hát, cao nhất khoảng trăm đồng. Như vậy Thanh-Mai trả cao gấp sáu trăm lần. Thụy-Hương cúi đầu cảm tạ.
Thanh-Mai hỏi:
- Cô nương có biết viên võ quan đó lý lịch ra sao không?
- Thưa phu nhân, ông tên Nguyễn Văn-Kiên, chỉ huy đội kị binh trấn này. Nguyên sáng nay có năm ngư nhân câu cá bên sông. Không biết họ từ đâu đến, và dùng thứ mồi gì không rõ, câu được mấy con cá chép cực to. Họ mang lên chợ bán. Văn-Kiên đang uống rượu trên tửu lầu, đòi tửu bảo mua con to nhất, rán cho ông ta ăn. Ngư nhân ra giá một trăm đồng. Văn-Kiên chỉ trả có mười đồng. Thế rồi hai bên gây gổ nhau. Văn-Kiên nổi cộc, dùng sức đoạt con cá. Ngư nhân cười xoà, cầm cần câu vung lên, lưỡi câu móc trúng cái túi trên lưng Văn-Kiên rồi bỏ chạy. Cuộc rượt bắt khắp trấn từ sáng đến giờ mới chấm dứt.
Linh-Bảo tiếp:
- Suốt mấy hôm nay, năm ngư nhân phá phách làm trấn này muốn nổ tung ra được. Có điều ngư nhân chỉ trêu ghẹo bọn cường hào, ác bá, bọn tham quan ô lại. Chứ đối với dân chúng lại cực kỳ lễ độ. Nên ai cũng ưa.
Thụy-Hương móc trong túi ra cái hộp nhỏ:
- Tiểu nhân bị đau cổ suốt tháng nay, không thầy lang nào trị được. Thế mà một ngư nhân bảo tiểu nhân thè lưỡi cho coi, chẩn mạch, rồi ban hộp thuốc này. Lạ thay chỉ uống một ngày bệnh đã hết.
- Thế họ có đòi tiền không?
- Không những không đòi tiền, mà còn cho tiểu nhân cái này nữa.
Nàng trình ra một đồng tiền vàng, trên khắc hình con chim âu với con rồng đó là biểu hiệu của trưởng lão Lạc-long giáo. Thanh-Mai giật mình nghĩ thầm:
- Chắc hai người này do Thiệu-Thái sai đi tìm mình đây.
Vương biết Mỹ-Linh, Thiệu-Thái đã đến đây từ trước, hàng ngày sai chim ưng thông tin cho vương biết mọi diễn biến xẩy ra. Bây giờ hai người sai Thụy-Hương cầm ống sáo trong bọc đưa ra cho Thanh-Mai, chắc có điều gì trọng yếu.
Hương nói:
- Phu nhân! Duyên may gặp tri âm, xin dâng phu nhân ống tiêu này làm lưu niệm.
Thanh-Mai vội tiếp ống tiêu:
- Đa tạ cô nương.
Linh-Bảo, Thụy-Hương chắp tay vái, xuống lầu.
Khai-Quốc vương cùng Vương-phi trả tiền, rồi xuống lầu, dạo chơi khắp trấn. Đi đến đâu vương cũng nghe đồn về hành trạng của năm ngư nhân, rồi năm thiếu niên Việt, rồi năm bà già, năm ông già. Dân chúng cho rằng những dị nhân đó không ở trong trấn. Có lẽ họ thuộc một bang, một phái nào từ Đại-Việt sang cũng nên.
Thanh-Mai nói nhỏ vào tai chồng:
- Anh coi! Bọn chúng giả trang hay quá, đến nỗi người ta tưởng có bốn bọn khác nhau.
Tới khu vực gần dinh quan tổng trấn, một đám đông người đang vây thành vòng tròn. Phải khó nhọc lắm, hai người mới chen được chân, nhìn vào. Liếc qua, bất giác Thanh-Mai suýt bật thành tiếng cười.
Bên trong, có bốn thầy lang, cùng cô gái trang phục theo lối Quảng. Cô gái chính là Hà- Thiện-Lãm. Tự-Mai đang diễn thuyết:
- Anh em chúng tôi, bốn người làm nghề bán thuốc rong từ Đại-Việt sang đây. Chúng tôi nguyện chữa trị cho dân chúng, không đòi tiền. Tuy nhiên các vị cho tiền do tự nguyện, xin bỏ vào chiếc rá này.
Dân chúng ào ào hỏi:
- Chữa được những bệnh gì?
- Một là chúng tôi không chữa cho người chết sống dậy được. Hai là không chữa được bệnh hủi. Ba là không chữa được bệnh lao. Bốn là không chữa cho người bị cổ chứng. Năm là không chữa được bệnh lại (ung thư ngày nay).
Giữa lúc đó, có tiếng kêu la, rồi người ta rẽ đám đông đi vào. Một trung niên nam tử bồng đứa trẻ nói: - Các thầy lang ơi. Xin cứu con tôi với.
Lê Văn hỏi:
- Bệnh tình cháu ra sao?
- Con ở nhà tôi cho cháu uống thuốc, đã cho cháu uống lầm thuốc nhuộm. Hiện cháu đau bụng khốn khổ từ nãy đến giờ.
Lê Văn chẩn mạch sơ qua rồi nói:
- Không hề gì.
Nó mở hộp lấy kim, vạch áo đứa trẻ, châm vào huyệt Kiên-tĩnh, rồi dồn chân khí vào. Phút chốc, đứa trẻ buồn mửa. Mửa thốc mửa tháo ra.
Đợi đứa trẻ mửa xong, Lê Văn vẫy tay, Tự-Mai trao cho nó bát nước:
- Uống nước đi cháu.
Đứa trẻ uống hết bát nước. Lê Văn lại xoay kim. Đứa trẻ tiếp tục mửa. Cứ như vậy bốn lần, Lê Văn cầm kim châm vào huyệt Nội-quan, Công-tôn, Túc-tam-lý, Thái-khê, Thái-xung đứa nhỏ. Tay nó vỗ lưng thằng bé:
- Cháu khỏi đau bụng rồi! Độc đã mửa ra hết.
Nó nói với người cha:
- Ông về lấy một cân đậu xanh, cả vỏ, dã nhỏ, chắt lấy nước sống cho cháu uống. Chiều cháu tiêu chảy, nhưng đừng sợ. Độc chất tôi đã dùng châm cứu trục ra hết, phần còn lại, đậu xanh sẽ hoá giải đi.
Ông bố đứa trẻ chắp tay lạy dài rồi bế con về.
Đám đông có nhiều người đến xin trị bệnh. Lê Văn chữa. Tự-Mai, Tôn Đản, Thuận-Tông phụ giúp. Cô Thiện-Lãm phát thuốc. Tiền trong rá đã đầy ắp.
Bỗng có tiếng hò hét, rồi đám đông rẽ ra. Một đội trưởng dẫn năm người lính đeo đoản đao đi vào. Người đội trưởng hất hàm hỏi:
- Trong năm người, ai cầm đầu?
Tôn Đản bước ra:
- Thưa, tôi.
- Các người là người Việt sang đây phải không?
- Vâng.
- Thẻ bài nhập cảnh đâu?
Tự-Mai hỏi ngược lại:
- Trong trấn này có đến mấy vạn người Việt, đâu cần thẻ bài nhập cảnh!
Đội trưởng lắc đầu:
- Không có thẻ bài nhập cảnh chắc làm gian tế. Mau về gặp quan trấn thủ.
Tự-Mai dốc cái rá tiền vào túi, nháy các bạn rồi hô lớn:
- Hò dô ta! Nào cùng đi!
Năm đứa vung tay, phát chưởng tấn công vào năm người lính. Năm người lính tuyệt không ngờ mấy thầy lang dám đánh quan binh, nên không đề phòng. Họ trầm người xuống tránh. Thì nhanh như chớp bọn Tôn Đản đã biến vào đám đông mất dạng.
Khai-Quốc vương với Thanh-Mai dạo chơi một vòng trấn, rồi về thuyền. Vừa tới thuyền, Phi Lịch báo:
- Khải tấu vương gia, có năm kỳ lão xin yết kiến vương gia, dâng thổ sản. Thần đã mời họ vào khoang chính, chờ Vương-gia nhưng họ từ chối xin về, sẽ tới hầu Vương-gia sau.
Khai-Quốc vương vào khoang. Trên bàn có con lợn sữa quay vàng ngậy. Mũi cắm một đóa hoa hồng. Một mâm khác, trong để năm con gà nướng, trang trí theo tư thức đứng. Bốn con mái, chầu vào con trống ở giữa. Một mâm nữa, có năm bát bằng bạc, mỗi bát đựng một con bồ câu hầm thuốc với ngũ đậu. Một mâm khác, đựng cặp cá chép rán vàng, mà miệng vẫn thở hào hển. Hai mâm đựng đủ thứ quả, điểm thêm hoa cao nghệu thực đẹp.
Thanh-Mai hỏi:
- Họ có xưng tên không?
- Không. Họ nói họ sẽ trở lại.
Khai-Quốc vương biết ngay đây là trò hý lộng quỷ thần của năm cậu em. Vương nói với Thanh-Mai:
- Anh cho phép chúng phá, không ngờ hết chỗ phá, chúng phá cả mình.
Thanh-Mai cười:
- Tự anh chỉ cấm chúng không được phá dân chúng. Anh đâu có phải dân chúng, mà bọn quái chừa ra?
Vương truyền Phi Lịch chia cho thuyền phu cùng nhau ăn uống. Còn Vương với Vương-phi lên sàn thuyền ngắm Khúc-giang trong đêm. Vương lấy ống sáo mà Hương-Bảo trao cho đem ra ngắm: Trong ruột có cuộn giấy. Vương moi ra xem. Giữa ống có hơn mười tờ giấy tấu trình của Mỹ-Linh từng chi tiết một về những gì đã xẩy ra. Quan trọng nhất, gồm chi tiết cuộc tìm kiếm vết tích kho tàng ở cửa Sa-khẩu, lăng Khúc-giang ngũ hùng.
Hơn nửa tháng liền, ngày nào cũng có người mang thức ăn trân quý tới, xưng là kỳ lão, dâng thức ngon vật lạ lên Khai-Quốc vương. Thanh-Mai sốt ruột nói:
- Chúng mình đã xuất hiện. Bọn Tôn Đản nhờ nhà hàng làm thức ăn, sai bô lão mang đến. Truyện này chỉ một ngày, cả trấn đều biết anh ở đây. Thế mà bọn quan quân chưa tới. Dường như bọn Triệu Thành âm mưu gì, mới cấm không cho quan quân hỏi đến chúng ta.
Một hôm, Vương với Vương-phi đi lễ lăng Khúc-giang ngũ hùng về, Phi Lịch báo:
- Khải tấu Vương-gia. Bô lão khiêng đến dâng Vương-gia hai cái rương lớn. Họ nói rằng trong có lễ vật cực trân quý. Xin đích thân Vương-gia mở ra.
Khai-Quốc vương cắt dây, mở rương thứ nhất ra. Bất giác mọi người la hoảng. Bên trong rương có một người nằm thẳng cẳng. Người này mắt mở, mà không động đậy được.
Phi Lịch túm áo người đó đem ra. Thanh-Mai kinh hãi, vì y chính là trưởng lão Lê Đức của Lạc-long giáo, có nhiệm vụ tới Khúc-giang liên lạc với giáo chúng đón Thiệu-Thái, Mỹ-Linh.
Vương sai mở rương thứ nhì, người nằm trong là Đào Nhất-Bách. Vương sờ tay vào mũi thấy hai người còn thở. Thanh-Mai bắt mạch hai người. Nàng bật cười:
- Hai người này bị mấy ông em quý của chúng mình điểm huyệt, bắt cóc đến đây hí lộng mình.
Nàng xoa tay giải huyệt. Hai người cử động được liền. Hai trưởng lão hành lễ với Vương. Vương hỏi:
- Hai vị làm sao mà bị giam vào thùng như thế này?
Lê Đức, Đào Nhất-Bách tường thuật tỷ mỷ mình bị ngư nhân điểm huyệt bắt sống trong trường hợp nào. Trước khi cho hai người vào thùng. Một ngư nhân nói nhỏ:
- Tôi xin lỗi hai trưởng lão, khi mời hai trưởng lão bằng lối này. Vì tai mắt Tống tại đây rất nhiều. Chúng tôi đưa hai vị đi giúp Khai-Quốc vương, mà không muốn cho giáo chủ ỉn hay.
Thanh-Mai hỏi Lê Đức:
- Trưởng lão có biết ngư nhân thân thế, lý lịch ra sao không?
- Không! Dường như họ không có ác ý thì phải.
- Đúng thế. Họ rất quen, rất thân với chúng ta. Mai này các vị sẽ gặp họ.
Khai-Quốc vương ghé tai hai người dặn nhỏ hơn một giờ. Hai người vâng dạ. Vương tiếp:
- Tuyệt đối không liên lạc với Thiệu-Thái, Mỹ-Linh. Hành tung họ đã bị lộ rồi.
Ghi chú
Mỹ-Linh ngồi nghe năm cậu em thuật lại những gì diễn ra trong khi nàng với Thiệu-Thái theo bọn Triệu Thành. Sau hồi này phái đoàn Khai-Quốc vương với Mỹ-Linh, Thiệu-Thái hợp làm một.