Vừa về đến nhà, tôi lột giày, nhảy lên ghế xa lông, tháo bức tranh sao chép của Kathe Kollwita mà Orjan quý còn hơn con ngươi mắt mình xuống. Bức vẽ bằng than chì thể hiện hình ảnh một người đàn bà mệt mỏi đang khóc. Thay vào chỗ của nó, tôi treo tấm áp phích hình cặp đôi trong vỏ sò.
Sau đó tôi cởi toàn bộ quần áo, đeo hoa tai chuột Mickey và xỏ chân vào chiếc quần bó màu hoa cà. Tôi rót một ly rượu glogg mà chẳng buồn hâm nóng, tự nâng ly chúc mừng. Đó là thứ rượu duy nhất tôi có ở nhà.
Sau đó, trong bộ dạng như thế, tôi dành cả buổi tối tập thổi harmonica bài Nào ta cùng gặt yến mạch và để đầu óc mình hoàn toàn tự do. Cuối cùng, tôi đi ngâm mình thật lâu trong bồn nước ấm, vừa tắm vừa nghịch quả bóng màu đỏ, và dùng bánh xà phòng hình con bướm để mơn trớn da thịt mình.
Tôi đã từng có những sinh nhật ảm đạm hơn.
Ngay khi tôi nhủ thiếp đi thì chuông điện thoại reng. Thoạt đầu tôi nghĩ: làm thế nào anh ấy tìm ra số điện thoại của mình nhỉ? Nhưng hóa ra là Märta gọi từ Copenhague. Cô bạn chỉ muốn chúc mừng sinh nhật tôi, và xin lỗi vì không gọi điện sớm hơn. Hình như Märta và Robert bị cảnh sát bắt vì một lý do mờ ám nào đó, cô không thể giải thích kỹ hơn vì họ vẫn còn đang ở đồn. Tôi trả lời một cách lơ đãng, nên rốt cuộc Märta cũng nhận ra.
- Vậy là chuyện gì phải tới đã tới! – Märta có cái mũi thính còn hơn chó nghiệp vụ trong mọi hoàn cảnh, ngoại trừ những gì liên quan đến mình.
- Tớ đã gặp anh chàng mộ bên! – Tôi nói, rồi bật cười như một đứa trẻ.
Lần đầu tiên trong đời tôi đã làm Märta không nói lên lời. Sau đó có người nào đó gầm lên bằng tiếng Đan Mạch, và điện thoại bị cắt.
Ngày thứ Năm anh ấy không đến thư viện. Tôi làm rơi một ngăn đựng hồ sơ và xóa nhầm một tập tin quan trọng trong máy tính.
Thứ Sáu anh cũng không đến. Vào giờ nghỉ trưa tôi tháo đôi hoa tai chuột Mickey. Liliane chế nhạo chúng, chị ta bảo nó không hợp với tôi, lại còn xin lỗi tôi vì nói ra điều đó nữa chứ. Tôi cũng cười, và bảo đó là quà tặng của một trong những đứa nhỏ tham gia buổi đọc truyện cổ tích.
Sự thật cũng gần như thế còn gì.
Khoảng ba giờ chiều ngày thứ Sáu, Olof chuyển điện thoại cho tôi.
- Có người nào đó muốn nói chuyện với cô Wallin. – Anh ta nói. – Tôi nghĩ là của cô.
Dạ dày tôi quặn lên như thể vừa ăn phải thứ gì đó ôi thiu. Mấy ngón tay tôi khó khăn lắm mới giữ được cái ống nghe.
- DesiréeWallin xin nghe.
- Desirée? – Anh cất tiếng. Giọng anh ấm áp, với những nguyên âm rất mờ, nhưng chính là anh, không chút ngập ngừng. Tôi nhận ra anh ngay lập tức.
- Anh tên là Benny. Benny Soderstrom. Anh đã thử vận may với cái họ trên bia mộ. Wallin.
- Vâng.
- Ngày mai ta gặp nhau nhé? Hẹn em trước cửa nghĩa trang, khoảng một giờ chiều.
- Vâng. – Tôi vẫn trả lời cụt lủn. Tôi chưa thể nói tràn cung mây được.
Yên lặng một lúc.
- Bây giờ em đã biết chơi bài Nào ta cùng gặt yến mạch bằng harmonica đấy. – Tôi lên tiếng.
- Em cầm nó theo để dạy anh nhé.
- Mình có thể thổi harmonica trong nghĩa trang ạ?
- Em nghĩ cư dân ở trong đó có cách nào lên tiếng phản đối được không? Sau đó mình sẽ đi ăn. Anh chưa ăn gì từ hai hôm nay.
- Em cũng thế.
- Tốt rồi! – Nói xong anh cúp máy.
Olof nhìn tôi lom lom. Cuộc đối thoại có vẻ lạ lùng đối với anh ta. Sau đó anh ta cười buồn, và đưa tay vuốt má tôi. Hóa ra cuộc đời kém hạnh phúc của anh không phải không có tác dụng: anh biết cách nhận ra một cô bé bối rối ngay khi nhìn thấy.
Tôi làm rơi một hộp đĩa mềm xuống đất, rồi ngã phệt lúc cúi nhặt chúng. Và tôi bật cười như điên mà không tài nào kìm lại được.