Hôm nay là ngày cuối mẹ và ba tôi ở lại đây, nhà tôi và nhà nó lại cùng nhau ăn bữa tối. Bữa tối hôm đấy cực thịnh soạn, được chuẩn bị bởi hai đôi bàn tay của hai người làm mẹ. Nào là cá chiên giòn vàng rụm, mướp đắng xào với thịt bò, tôm chiên xù và canh củ cải trắng. Tôi thì không thích ăn mướp đắng lắm, ngồi gắp thịt bò bỏ vào chén thôi:
- Phính không ăn mướp đắng hả con? - Mẹ Bình thấy lạ liền hỏi tôi.
- Phính không ăn được mướp đắng chị Bình ạ - Mẹ tôi trả lời.
Ngại chết đi được. Thân là con trai nhưng không ăn được mướp đắng, nhìn nhỏ gắp ăn ngon lành thấy mà hổ thẹn. Hình như nhỏ còn đang thầm cười tôi. Tôi không hiểu sao lại có người ăn được thứ đắng vậy, thuốc đắng tôi còn không chịu uống cơ. Tôi chỉ thích những thứ ngọt ngào thôi, châm ngôn của tôi là “ăn đồ ngọt để đời thêm ngọt” chứ chẳng muốn ăn phải trái đắng đâu. Nhỏ có khinh tôi thì cũng mặc kệ.
Ba tôi có việc nên hai nhà ăn sớm, lúc ba tôi đi nhà người ta mới bắt đầu dọn cơm lên ăn. Nhỏ cũng về nhà với mẹ nó rồi, còn tôi thì phụ mẹ rửa chén. Như thường lệ, nhỏ cầm túi rác từ con hẻm đi ra, nhưng sao hôm nay trông mặt nhỏ buồn ghê. Nhỏ ném cái túi vào thùng, lấy hai tay vỗ vỗ hai bên má để xốc lại tinh thần. Mặt nhỏ nở một nụ cười có chút gượng gạo, lấy tay chỉnh lại hai bên tóc, đưa mắt nhìn về phía xa. Giống như sáng nay vậy, tôi biết chắc nhỏ đang đợi ai đó. Một chiếc xe ô tô đen chậm rãi dừng trước mặt nhỏ, một người đàn ông mặc vest bước ra, trông ông ta có vẻ trạc tuổi ba tôi. Vừa bước xuống, ông đã ôm chầm lấy nhỏ, nhỏ cũng ôm chặt ông ấy, tôi ngồi trong phòng nhìn ra không nghe rõ hai người đang nói gì. Tôi thấy người đàn ông ấy đưa cho nhỏ một hộp quà, xoa đầu nhỏ rồi lái xe đi. Mắt nhỏ không rời khỏi hộp quà, nhỏ cười, chắc nhỏ đang vui lắm.
Nhỏ đi được vài bước thì nụ cười của nhỏ tắt hẳn, thay vào đó là biểu cảm sợ hãi và lo lắng. Mẹ nhỏ từ trong hẻm đi ra, tay cầm theo cây đàn guitar, gương mặt nhăn nhó. Nhỏ luống cuống chạy đến bên mẹ nhưng mẹ nhỏ đã gạt nhỏ sang một bên. Cô đến chỗ thùng rác, ném cây guitar vào trong đấy. Nhỏ hoảng loạn, một tay ôm hộp quà, một tay níu áo mẹ, mắt nhỏ rưng rưng sắp khóc:
- Mẹ, mẹ làm gì vậy?
Cô Bình hất tay nhỏ ra, toang lấy hộp quà định ném luôn vào trong. Nhỏ cầm chặt lấy hộp quà, hai mẹ con giằng co nhau khiến cho hộp quà trở nên méo mó. Mẹ của nhỏ thành công giật lấy hộp quà và ném vào thùng một cách không thương tiếc.
- Mày thử lấy nó lên xem. Mày nhìn mẹ đây này, mẹ lo cho mày ăn mày học, mà mày cứ đâm đầu vào mấy cái nhạc cụ vớ vẩn. Khi nãy mày gặp ai, mày ôm ai? Có phải là người đàn ông tệ bạc đã bỏ rơi cái nhà này không, hả? Mẹ nói bao nhiêu lần, sao mày cứ lén đi gặp ông ta. Mày nhìn bảng điểm của mày chưa, nó thấp hơn điểm giữa kì nữa! - Mẹ nhỏ vừa quát vừa lấy cây roi đánh vào chân nhỏ.
- Con xin lỗi… Con… - Nhỏ ấp úng, nước mắt nhỏ chảy ra, giọng run run.
Thì ra người khi nãy là ba của nhỏ, có vẻ cuộc sống của ông ấy khá giả hơn. Nói là ba với mẹ nhỏ ly hôn nhưng nhỏ không nỡ xa ba của mình. Nhỏ gặp ba nhỏ thì có gì là sai, suy cho cùng nhỏ vẫn luôn mong muốn một gia đình lành lặn, hạnh phúc. Đó là mong ước của mọi đứa trẻ, chỉ là mong ước nhỏ nhoi thôi, vậy mà… Mẹ của nhỏ đã có ác cảm với ba nhỏ rồi, mà lại còn căm ghét sâu sắc nữa, chỉ mới nhìn thấy hai người họ ôm nhau thôi đã ra nông nỗi này. Tôi thật sự thấy mẹ của nhỏ đã có chút ích kỉ rồi.
Mẹ của nhỏ có hơi to tiếng, kinh động đến các nhà xung quanh. Mọi người đều dừng việc ăn cơm lại và nhìn ra xem có chuyện gì. Tôi không nhìn được nữa, liền chạy xuống gọi mẹ ra giúp nhỏ. Mẹ tôi cũng đã để ý lời to tiếng của cô Bình, cũng có ý định ra đấy khuyên ngăn:
- Mày xin lỗi cái gì, mày như này đều là do ông ta, đều là do cây đàn này. Từ nay về sau, mày không được phép chơi đàn hay hát hò nữa, văn nghệ gì đấy ở trường cũng nghỉ hết đi. Mày cứ thử để mẹ thấy mày lén đi hát hay đi gặp ông ta đi. Mẹ mày sẽ chuyển nhà đi chỗ khác luôn! Đã nghe rõ chưa, hả?
Nói rồi, mẹ Bình đưa cao tay lên, giáng cây roi xuống. Đôi chân tôi tự động chạy đến chỗ nhỏ, hai tay ôm gọn nhỏ vào lòng. Tôi nhắm tịt mắt, chỉ cảm nhận được lưng tôi có chút đau nhói do sợi roi đánh vào người. Thật không dám tin nhỏ chịu nổi trận roi này. Cũng không dám tin tôi chạy ra đỡ đòn cho nhỏ...
- Chị Bình có gì từ từ, vào nhà nói chuyện. Con cái bây giờ lớn rồi, đứng mắng nó thế này không hay cho lắm - Mẹ tôi can ngăn.
Tôi hiểu chứ, nếu tôi là nhỏ chắc tôi không chịu được. Bản thân lớn rồi còn bị mắng trước mặt bao nhiêu người. Có lẽ đây là lần đầu tiên mẹ nó mắng nhỏ ở ngoài đường thế này, vì nếu nó xảy ra thường xuyên thì tôi sẽ thấy chứ. Không biết là nhỏ có cảm giác giống tôi không? Hay là nhỏ đã quen rồi? Lúc nhỏ bị mắng cả quán cơm đều nghe thấy, bây giờ cũng vậy. Nhà nhà đang ăn cơm đều gác đũa xem nhỏ bị mẹ mắng.
- Chị cũng xấu hổ với em lắm, chính vì không muốn bị em thấy cảnh này nên mới không để em biết địa chỉ nhà chị. Chị nhịn nó hai năm rồi, cho nó thi thoảng ca hát được hai năm rồi, nhưng lần này chị không nhịn được nữa. Cái người đàn ông ấy cứ tìm cách lén gặp nó, sao chị chịu nổi. Nó thì cứ u mê, không lo học hành, năm nay là năm nó thi nữa. Nếu biết trước có ngày này, ngay từ đầu chị đã đập nát cây đàn đó đi.
- Bình tĩnh, chị đừng nóng giận, vào nhà ngồi nói chuyện với em, được không? - Mẹ tôi vỗ vai cô Bình, quay sang nói với tôi chở nhỏ đi đâu đó cho khuây khỏa.
Ý mẹ giống với ý định của tôi. Tôi kéo tay nhỏ đứng trước cổng, tôi vào dắt cái xe ra. Nhỏ cứ đứng mà sụt sùi nhìn mà thương. Nhỏ liên tục lấy tay gạt nước mắt đi nhưng nước mắt nhỏ lại không ngừng tuôn. Tôi cũng thấy khó xử quá, không biết làm sao cho nhỏ ngưng khóc nữa. Tôi lấy cái mũ bảo hiểm đội lên đầu nhỏ, gài quai cẩn thận, bảo nhỏ lên xe đi. Nhỏ suy nghĩ một lúc nhưng rồi cũng quyết định ngồi lên xe.
Tôi chở nhỏ đi qua cầu Tràng Tiền. Cầu vào buổi tối đẹp lắm, cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp với những ánh đèn lung linh liên tục chuyển màu, cầu lại vắt qua sông Hương nên buổi tối cũng rất mát mẻ. Trước đây khi chưa lắp đèn, cây cầu mang vẻ đẹp giản đơn hơn, tuy đơn điệu nhưng nhìn vẫn mang đậm chất Cố Đô. Cầu Tràng Tiền như một chiếc lược cài lên mái tóc của người con gái sông Hương, như lời thơ cụ Nguyễn Bính từng viết:
“Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”
Thế là đủ để hình dung về vẻ đẹp của cây cầu rồi.
Nhưng mà dù cảnh đêm nay có đẹp, náo nhiệt đến mấy, nhỏ cũng chẳng để tâm. Nhỏ không thèm nhìn xung quanh nữa là, có khi tôi chở nhỏ qua biên giới nhỏ cũng chẳng biết đâu. Nhỏ úp mặt vào vai tôi, nhỏ khóc. Tôi có thể cảm nhận được dòng nước mắt ấm áp của nhỏ đang tuôn trào, cơ thể nhỏ run lên từng đợt và cả tiếng sụt sùi khe khẽ của nhỏ nữa. Tôi biết vậy cũng không dám hỏi gì, sợ hỏi xong nhỏ lại khóc lớn hơn, nghẹn ngào mà không nói thành lời mất.
Tôi thầm thở dài. Tôi chở nhỏ đi qua ngôi trường của chúng tôi, trường vào giờ này thì im ắng rồi, nhưng đối diện trường lại có một nơi rất náo nhiệt. Đó là một khoảng trống lớn, có một cái bia rất to, lâu nay vẫn gọi là Bia Quốc Học nhưng thật ra là “Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong”. Đây cũng là nơi từng diễn ra lễ Festival 2018 và rất nhiều sự kiện khác. Không tính những lúc có sự kiện lớn thì đây vẫn là nơi tụ tập, vui chơi của nhiều người mà đa số là các bạn trẻ. Tôi kiếm chỗ để xe rồi dẫn nhỏ đi chơi. Trong đầu tôi tự nhiên lên sẵn một lịch trình, đầu tiên sẽ dẫn nhỏ qua công viên để chơi các trò chơi rồi cùng đi bộ trên cầu Gỗ Lim, ăn những đồ ăn vặt.
Nhỏ lấy tay lau nước mắt, lúc đầu nhỏ vẫn ngồi lì trên xe chứ không muốn đi:
- Có còn là con nít nữa đâu mà... vào đấy chơi… - Nhỏ thút thít.
- Ai bảo là chỉ có con nít mới được đi công viên nào?
- …
- Xuống xe đi, tôi bao cho bà chơi sạch trò chơi trong công viên luôn.
Nhỏ cởi mũ ra, gác xuống xe, cùng tôi đi bộ qua công viên. Gọi là công viên chứ thật ra là Cung Văn Hóa Thiếu Nhi, hồi nhỏ tôi có học vẽ ở đây vào thời gian hè. Tôi vẽ đẹp lắm đấy, tôi tin là vậy, vì bức tranh của tôi được cô giữ lại và treo trong lớp, bao nhiêu đứa trẻ nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ. Kỉ niệm thật đấy, khi xưa chỉ toàn trò con nít thôi, bây giờ có cả mấy trò mạo hiểm nữa. Tôi đi học về thường hay nhìn vào trong xem mà vẫn chưa có dịp trải nghiệm, tranh thủ dịp này chơi chung với nhỏ.
Trước hết là thử chơi cú rơi vô cực, cái tháp cao làm tôi có chút ngợp. Nhỏ điềm tĩnh leo lên ghế ngồi, gài dây an toàn. Tôi thì ngồi cạnh nhỏ, từng người cứ lên cho đến khi chỗ ngồi được lấp đầy. Các anh nhân viên kiểm tra dây an toàn một lần nữa rồi khởi động trò chơi. Ghế ngồi từ từ đưa lên cao, chạm đến đỉnh tháp. Từ đây nhìn xuống công viên đẹp vô cùng, ánh đèn led sặc sỡ như thu hút mọi người đến chơi, ngồi đây cũng nhìn ra được cây cầu cùng phố xá nhộn nhịp. Nhưng rồi tiếng động cơ bỗng thay đổi, đem lại cảm giác không lành. Ghế ngồi đột ngột rơi xuống, tôi sợ hãi nắm chặt tay cầm, hai mắt nhắm chặt không dám nhìn xuống, tôi có cảm giác như tôi sắp va chạm với mặt đất. Tôi mở mắt, tim tôi như ngừng đập khi hai bàn chân tôi chỉ cách mặt đất vài chục centimet. Mới rơi một cú đã hết cả hồn, nhìn sang thấy nhỏ đang bình chân như vại. Tiếng động cơ lại vang lên, nó đưa chúng tôi lên cao, lần này là nửa tháp rồi thả chúng tôi xuống. Những cú rơi không trọng lực cứ nối tiếp nhau, mọi người cũng bắt đầu hú hét vì phấn khích, nhỏ cũng giống như mọi người, đưa hai tay lên trời mà hét thật to mỗi khi thiết bị thả chúng tôi xuống. Chắc hẳn nhỏ đang xả hết nỗi niềm bấy lâu nay ra ngoài, cộng thêm khả năng ca hát trời phú, tiếng hét của nhỏ phải nói là to nhất trong lượt chơi này.
Cuối cùng cũng xong, tôi như muốn nôn hết bữa tối ra ngoài, quay sang nhìn thì thấy gương mặt nhỏ rất hứng khởi:
- Không sợ à?
- Vui mà - Nhỏ trả lời tỉnh queo.
- Tháp này chỉ cao bằng một nửa tháp ở ngoài Bắc thôi em - Một anh nhân viên trêu chọc tôi.
Nhục nhã.
Nhỏ vẫn còn muốn chơi trò mạo hiểm nữa, chỉ tay về phía con cá chép, cái mà đu lên đu xuống ấy, tôi gọi là trò cá lắc. Tôi chần chừ không muốn lên ngồi nhưng nhỏ cầm lấy tay tôi, kéo tôi đi. Trò đấy khá vắng, có mỗi tôi với nhỏ lên chơi. Nhỏ nảy ra cái ý tưởng tôi ngồi ở ghế gần đầu con cá, nhỏ thì ngồi tít phần đuôi. Con cá bắt đầu đu lên, cái đầu nó bị đưa lên cao trước rồi mới tới đuôi. Con cá càng ngày càng đu cao hơn, thêm xí nữa là 90 độ. Rồi cao độ của nó giảm dần, giảm dần, tôi biết chắc con cá này sắp ngừng lắc. Trò này không đáng sợ như trò khi nãy, tôi ngồi ngắm nhìn nhỏ, nhỏ cũng nhìn lại tôi, cười tít mắt. Tôi không còn nghe thấy tiếng ồn bên ngoài cũng như tiếng động cơ nữa rồi, trong mắt tôi bây giờ chỉ có nhỏ. Tôi bắt đầu cảm nhận được cảm giác như ông Toàn, khi những ồn ã của thành phố này không thể làm tôi ngưng nhìn người con gái trước mắt.
Nhỏ đưa tôi đi chơi hết trò này sang trò khác, chơi hết các trò mạo hiểm luôn. Nhỏ chợt đứng lặng hồi lâu, nhìn về phía đoàn tàu đang chạy. Tôi hỏi trêu nhỏ liệu có phải nhỏ muốn lên ngồi với mấy em không. Nhỏ trả lời tôi thế này:
- Hồi nhỏ, ba mẹ dẫn tôi đi công viên. Tôi chỉ chơi mỗi trò đó rồi cùng cả nhà ra quán kem ngồi. Ông biết vì sao tôi lại thích chơi trò đấy không?
- Vì sao?
- Nó cứ chạy vòng quanh… Đoàn tàu chạy được một vòng, tôi lại nhìn thấy ba mẹ đang đứng đấy nhìn tôi, tôi có cảm giác họ sẽ luôn ở bên cạnh tôi, dù tôi đi đâu họ vẫn luôn đợi tôi về, không bao giờ rời xa tôi...
Nhỏ lại buồn rầu rồi. Sâu trong tâm hồn, nhỏ vẫn chỉ là một đứa trẻ mang theo mình những nỗi niềm thầm kín, những ước mơ như ai. Có lẽ, vì trải qua cú sốc cuộc đời nên nhỏ mới thay đổi nhiều đến thế. Từ một đứa đầu gấu, hay làm loạn và trêu chọc tôi, bây giờ lại thành một thiếu nữ, ngoan hiền hơn, trầm tính hơn:
- Muốn lên chơi không? - Tôi nhìn đoàn tàu đang chạy chậm dần, hỏi nhỏ.
- Lớn rồi, chơi gì nữa - Nhỏ cười.
- Lúc đầu bà nói là không chơi nhưng bà cũng chơi đủ trò còn gì. Muốn thì lên ngồi đi, tôi đứng đợi bà.
Nhỏ có chút đắn đo nhưng cũng quyết định lên đó ngồi. Một khoang ngồi được hai đứa trẻ, ngỡ người như nhỏ ngồi là hết một khoang, ai ngờ vẫn đủ để một đứa trẻ nữa ngồi. Mấy đứa trẻ con nhìn nhỏ thấy khó hiểu vô cùng, có đứa hỏi mẹ nó:
- Mẹ ơi, chị kia lớn rồi còn chơi trò con nít.
Tôi quay sang lườm nó, nó sợ hãi mà nép vào váy mẹ. Tàu bắt đầu chạy, nó chạy vòng tròn. Đoàn tàu chạy qua quán kem, một cái cây cổ thụ lớn rồi về vạch xuất phát, cứ lặp đi lặp lại như vậy. Tôi đứng ở điểm dừng nhìn theo nhỏ. Đoàn tàu cùng nhỏ khuất sau cái cây to, nhưng khi nó ló dạng tôi lại nhìn thấy nhỏ đang nhìn lại tôi. Tôi cười. Nhỏ cũng cười. Tôi muốn để nhỏ biết rằng, tôi sẽ luôn đứng đợi ở đây đến khi trò chơi kết thúc, nhỏ hãy yên tâm.
Chơi cho đã rồi cùng đi bộ ở cầu Gỗ Lim, cùng ngắm những chiếc thuyền rồng đang trôi nhè nhẹ, nhìn thấy dòng người tấp nập trên cầu Tràng Tiền, thấy những đôi tình nhân trẻ nắm tay nhau tản bộ. Có lẽ nhỏ đã thấy khá hơn rồi, nhỏ đi dọc cây cầu cùng với tôi, trên tay còn cầm cây xúc xích tôi vừa mua. Cầu Gỗ Lim buổi tối cũng chuyển màu rực rỡ, gió nhè nhẹ làm tóc nhỏ bay bay:
- Bà muốn sau này làm gì?
- Tôi muốn đi học thanh nhạc và viết nhạc, sau này mở một tiệm cà phê, giống như tiệm của anh Khôi vậy. Đó sẽ là nơi tôi đứng hát những ca khúc tôi tự sáng tác, cũng sẽ là nơi dành cho những người giống tôi. Tôi muốn che chở họ - Nhỏ nói với đôi mắt lấp lánh, mỉm cười khi vẽ nên tương lai.
- Bà sẽ làm được thôi.
- Nhưng mẹ tôi muốn tôi vào Nam thi báo chí - Nhỏ cười khổ.
- Đấy là mẹ bà muốn, quan trọng là bà phải muốn. Bà cứ đăng kí thi thanh nhạc đi, đó là ước mơ của bà mà.
- Nếu tôi học thanh nhạc, tôi sẽ ra Bắc ở cùng ba. Mà ông biết quan hệ giữa ba và mẹ tôi rồi đấy… - Nhỏ thở dài.
Lại nữa rồi, lại vì cuộc chia ly không hỏi qua ý kiến của nhỏ khiến cho nhỏ khó khăn trong việc thực hiện ước mơ của mình:
- Tôi sẽ ở bên bà và nói đỡ cho bà, chịu không?
Nhỏ có hơi bất ngờ, quay sang nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi “có thật không đấy?”. Tôi gật đầu liên tục như cái máy luôn, tôi đảm bảo sẽ nói được làm được mà. Tôi thấy tôi thương nhỏ lắm rồi, tôi muốn bảo vệ nhỏ, bảo vệ cả tương lai phía trước của nhỏ nữa.
Nhỏ thấy tôi gật đầu cũng lấy làm tin, nhỏ mỉm cười:
- Bài tôi hát hôm ở quán cà phê là bài tôi tự viết đấy.
Tôi cười theo. Tôi thấy vui lắm, vì nhỏ đã mở lòng mà tiết lộ chuyện đó với tôi.
Tôi và nhỏ về bãi để lấy xe, càng về muộn bãi giữ xe càng đông, tôi không thấy con xe của tôi ở đâu giữa biển xe này nữa. Phải tìm một hồi mới thấy xe, lại loay hoay dắt xe ra, gửi tiền xe rồi đi về. Lần này thì nhỏ nhìn rõ khung cảnh thành phố rồi, nhìn qua gương xe có thể thấy nụ cười ở trên môi nhỏ.
Tôi lái xe vào sân nhà, mẹ Bình vẫn còn ở trong nói chuyện với mẹ tôi. Snow chạy ra, nhảy chồm lên người tôi, muốn tôi xoa đầu nó. Nó quấn quýt dưới chân nhỏ, cất tiếng sủa đồng thời thè cái lưỡi ra, chạy vào trong như thông báo hai đứa tôi về rồi. Mẹ Bình bước ra ngoài, nhìn nhỏ không nói không rằng, tâm tư khó nhìn thấu. Mẹ Bình đi vào trong con hẻm, nhỏ cũng hiểu ý nên cũng tạm biệt tôi rồi lẳng lặng đi theo.
Tôi nhìn cái thùng rác đã được đổ, buồn cho nhỏ. Định vào nhà thì có tiếng ai đó gọi tôi lại, là chủ của quán Cơm Hẻm. Anh đưa cho tôi cây đàn và hộp quà của nhỏ:
- Em ở ngoài này không thường nghe được tiếng mắng của cô Bình nhỉ, con bé tội lắm. Nãy anh thấy cô xách cây đàn ra là biết chẳng lành rồi. Anh lấy đồ của con bé ra mà không dám đưa nó, sợ cô Bình lại vứt nó đi. Nhà em thân nhà nó thì em giữ giúp anh nhé.
- Dạ, chắc Hà vui lắm, cám ơn anh nhiều.
- Có gì đâu. Mà anh thấy cu cậu chạy ra đỡ roi cho con bé rồi nhé, thích con bé hay gì? - Anh huých khuỷu tay vào người tôi.
Biết đâu là tôi thích nhỏ thật. Tôi cười trừ, cám ơn anh lần nữa rồi đi vào trong. Mai tôi sẽ kể chuyện này lại cho nhỏ biết.