Nhớ đến buổi đầu gặp phu quân, ta còn là một tiểu cô nương.

Ngày ấy sinh nhật ông nội, hoa tuyết ngập trời, các đại học sĩ ở Phu Văn các mang theo con cái đến chúc thọ ông nội, ta gặp bọn họ ngoài cửa phủ.

Gốc mai trong vườn quấn bện lấy nhau, lặng lẽ vươn ra ngoài tường, trổ bông thành từng đốm.

Ta búi tóc, mặc áo bông vừa dày vừa nặng, trốn tỳ nữ theo hầu để lén lút mò ra vườn, lúc ấy ta đang đứng ngoài tường ngửa đầu ngắm hoa mai, vẫn chưa để ý gì đến người ngoài.

Con của một đại học sĩ có gương mặt tròn tròn, thân hình mập mạp, vừa thấy ta liền có vẻ vô cùng hăng hái, lấy ngay tuyết dưới đất ném hoa mai.

Hoa mai hoa tuyết lẫn lộn rơi xuống, đập vào mắt ta, ta mất thăng bằng, trượt chân té ngã.

Gặp phải nguy hiểm, ta không giữ được sự dè dặt của tiểu thư, khóc òa lên.

Một người kéo tay ta, đỡ ta đứng lên, hỏi han: “Có phải cô nương đến chúc thọ không? Cha mẹ của cô nương ở đâu?”

Cha mẹ ở đâu?

Ta dụi mắt, giãy tay chàng, vội vàng chạy trốn.

Trước tấm bình phong, mọi người đến chào hỏi ông nội, ta tò mò nhìn lén.

Chiêu võ hiệu úy Lý Chiêm, nô bộc gọi tên chàng, chàng cung kính bước lên hành lễ.

Lý Chiêm, người giúp ta.

Chàng phong thái hiên ngang, lòng ta khẽ động.

Mẫu thân nói: “Vì sao con lại cố chấp như vậy? Lý Chiêm chẳng qua chỉ là một hiệu úy mà thôi! Con lại còn nhờ ông nội giúp mình.”

Ta đáp: “Phụ thân theo đạo trung dung, mà ông nội từng có lời, “Lý Chiêm thẳng thắn khiêm tốn, hào phóng không hiểm độc, có tài nhưng công danh muộn.” cho nên, lời nói và hành động của Lý Chiêm là lý giải tốt nhất cho đạo trung dung, chàng và phụ thân có cùng nguyên tắc xử thế, tuy khác đường nhưng đều thần diệu như nhau.”

Mẫu thân nói: “Thôi, con đã thích đến mức này, mẫu thân cũng không còn cách nào. Mẫu thân sẽ bảo phụ thân chấp thuận sính lễ của Lý gia.”

“Đa tạ mẫu thân.” Ta vui vẻ đáp.