Người phụ nữ mắng mệt, ngồi lẳng lặng nhìn Tấm bằng con mắt sắc lẻm. Tấm thật không biết phải cư xử thế nào trong hoàn cảnh lạ lẫm này, đành cúi đầu chờ Cám dậy. 

Cám còn ngủ nướng mãi đến lúc sáng bảnh, còn điệu đà ra vào, thay áo xống này nọ rồi mới lườm đến cô:

- Chị đi lấy nước với tôi.

Khi Tấm cùng Cám mang được thùng nước ra ngoài bến sông cũng là lúc mặt trời đã lên cao. Dọc đường, Tấm lầm lũi đi đằng sau Cám. Dân làng đi lại cũng thưa thớt, thi thoảng nghe Cám chào ai đó, Tấm khẽ liếc họ cười máy móc và gật đầu. 

Chuyện  ồn ào ban sáng, bà con cũng đều nghe cả. Họ chỉ nghĩ Tấm đang tủi phận, đau lòng nên không ai hỏi gì nhiều hơn.

Ra đến bến sông, Cám quay lại nhìn Tấm:

- Chị xuống múc nước đi - Nói rồi cũng mang quang gánh của mình xuống chỗ bờ thoải nhất. 

Góc này người dân đã đặt mấy tảng đá xanh để kê và lót thêm bên dưới nữa nên khi lùa gầu xuống múc nước không bị sục bùn lên, nước rất trong. Nhìn Cám làm việc gọn ghẽ, Tấm cũng học theo. 

Tấm làm được rất dễ vì đã từng sống ở quê hồi nhỏ. Nhìn hai gầu nước đầy, Tấm nghĩ có lẽ mình sống ở đây cũng ổn, ít ra không phải ở không gian kia, chắc đã thất thân, mất đi niềm kiêu hãnh, nếu may mắn có an toàn ra khỏi nơi ấy thì biết đối mặt với cuộc đời ra sao? 

Ở cái nơi thôn dã này, tuy cuộc sống vất vả, nhưng là tránh được nỗi đau, còn mẹ con họ có hại mình thật không thì phải xem xem mình có cho phép không đã. Chẳng lẽ là sinh viên đại học thời hiện đại lại không đấu lại  hai người phụ nữ quê hay sao! 

Tấm nhìn bóng mình dưới nước, qua những gợn sóng dẫn tụ lại hình ảnh một cô gái trẻ măng chắc chỉ mới 16, 17 tuổi, tóc mái rẽ hai bên, còn hơi lộn xộn do sáng nay chưa sửa sang lại, vòng quanh đầu là vòng tóc thít vải màu nâu đặc trưng thời xưa. Khẽ liếc bên cạnh, cô thấy Cám cũng đang tranh thủ ngắm nghía quấn lại tóc. Tấm nhìn rất chăm chú làm Cám phát hiện ra, cô nàng thắc mắc:

- Sao nhìn tôi dữ, quấn lại tóc chị đi kìa kẻo về mẹ mắng cho - Nói cái câu nghe rất quen thuộc ấy xong, Cám lại tỉ mẩn ngắm mình - Bố mất chưa lâu, chị buồn, mẹ cũng buồn đấy, làm dữ bà ấy lại đánh cho.

Lời Cám làm Tấm ngỡ ngàng. Cũng phải hai chị em họ vốn là chị em ruột, tuy khác mẹ nhưng là đã sống với nhau từ nhỏ, nói không có chút tình cảm với nhau thì thật phi lý.

Nhìn Cám chắc chỉ kém Tấm chừng 3 tuổi, cũng đã trổ ra nét thiếu nữ rồi. Bên dưới cái yếm nâu sờn, hiện lên hai quả chanh nho nhỏ. Tấm thì đã trưởng thành, vòng eo bé, ngực phồn thực, dường như không chịu níu giữ của áo sống đã muốn bật ra ngoài. Gương mặt Tấm và Cám nhìn chung không mấy giống nhau, Tấm mặt trái xoan, mắt to nâu nhạt còn Cám mắt dài nhỏ hơi xếch, con ngươi đen láy kết hợp với gò má cao đặc trưng của mẹ. Hai chị em như hai đóa hoa đầu cành, cái nở, cái còn e ấp - quả thực là mỗi người một vẻ, không chịu thua kém. 

Tấm ở thế giới hiện đại học ngành sư phạm, khả năng nhìn người không tệ. Cô cảm thấy hiện tại và trong nguyên bản truyện Tấm Cám có vài nét khác. Tỷ như Cám, qua ấn tượng ban đầu tiếp xúc, Tấm cũng không thể tin được cô em gái này là người nanh nọc, ác độc đến mức năm lần bảy lượt âm mưu giết chị. Cùng lắm chỉ là hơi sắc sảo, lại thêm tính lấn lướt của người làm út  được chiều chuộng mà thôi.

Chỉnh trang xong xuôi hai chị em gánh nước ra về.

Đến lúc này mới thật nan giải, vai Tấm đau nhói do không biết cách đặt quang gánh. Co lại không biết cách giữ thăng bằng, nước trong gánh cứ nhảy nhót ra ngoài chả mấy chốc đã vơi đi làm Tấm xót cả ruột. Cám đi đằng trước phì cười, qua một ruộng sen bảo Tấm dừng lại. Cô nàng nhanh tay ngắt mấy lá sen, đặt trên mặt gầu nước. Kì diệu thay, nước sóng sánh nhưng không rớt ra ngoài nữa. Tấm cười rộ bảo Cám:

- Cảm ơn em.

- Xì, ơn nghĩa gì - Cám dẩu môi đáp trả, miệng nhìn nghiêng cong như vành lá non.