Thời điểm tận mắt nhìn toàn quân bị Tứ hoàng tử bắt về Yên Trường Quốc, Hàn Ngạo Thiên tự mình ngụy tạo chứng cứ bị hạ sát trọng thương, nên đã có thể yên tâm quay trở lại báo tin cho hoàng đế. Hắn rất cẩn thận, đã giả vờ thì cũng làm cho đến nơi đến chốn, lê lết tấm thân thương tích của mình đến nhà một thường dân, giơ ra tấm kim bài thân phận Trấn Nam Vương gia, nhờ họ đưa về kinh thành.

Rất nhanh, thường dân đó đã tìm được một cỗ xe ngựa cũng khá tốt, khởi hành đưa vị quý nhân này khẩn cấp lên đường truyền hung tin về an nguy của đất nước về cho thánh thượng. Chí nam nhân sôi sục, căm hận bọn người Yên Trường Quốc bao nhiêu thì lại càng tăng tốc độ ngựa bấy nhiêu. Vậy cho nên khoảng cách từ khu vực biên giới của Đại Nam và Yên Trường Quốc đến kinh thành tầm bốn ngày đường đã rút ngắn chỉ còn lại khoảng ba ngày. Vừa vào tới cổng thành, chỉ huy đội lính gác biết tin đội quân ra trận bị thất bại, Trấn Nam vương gia thì đang bị trọng thương, liền cấp tốc phái người hộ tống vương gia vào hoàng cung diện thánh, còn bản thân trực tiếp trình báo lên cấp trên để hoàng đế sớm có đối sách giải quyết tình hình này.

Ngay từ lúc quân đội Đại Nam khởi hành lên đường, Thừa Vĩ lúc nào cũng trong trạng thái tập trung cao độ, không ngừng nghe ngóng tin tức từ thám tử do hắn sai phái theo chân đoàn quân ra trận. Hắn dù không nắm chắc phần thắng hoàn toàn nhưng nếu làm đúng theo kế hoạch thì thực lực hai phía tương đối cân bằng, có gì phải sợ bọn người càn rỡ kia. Thế mà bỗng dưng xảy ra bất ngờ ngoài dự tính. Ban đầu, đội quân do vương gia làm chủ tướng đi đúng lịch trình đã vẽ ra từ trước, rồi không biết vì sao khi đến đoạn đường có nhánh rẽ thì lại chia ra làm hai hướng. Thám tử quyết định đi theo nửa đội quân của Trịnh Tử Kiên để tìm hiểu xem rốt cuộc nguyên nhân thay đổi kia là do đâu, thì chứng kiến một màn ghê rợn, phó tướng chết đứng trong dáng vẻ ai oán, toàn bộ quân lính kẻ chết vì bị ngựa giầy xéo, người vong mạng vì đá tảng làm vỡ đầu, nơi đó trở thành bãi tha ma ngổn ngang điêu tàn. Thám tử vội vàng về tâu lại cùng hoàng đế.

Thừa Vĩ nhận được tin xấu về phó tướng không bao lâu thì lại nghe có người đưa Trấn Nam Vương gia về kinh với một thân thương tích khá nặng, đội quân thất bại nặng nề. Hắn lúc này cả tâm trí rối bời, làm sao kiểm soát được cơn giận nổi lên hừng hực như ngọn lửa, đưa tay hất văng tất cả mọi thứ trên bàn xuống đất, khiến cho đám nô tài ai nấy đều rét run, cố co rụt lại, giảm hẳn cảm giác tồn tại trước mặt đế vương. Ngay lúc này, thị vệ chạy đến bẩm báo Trấn Nam vương gia yết kiến, Thừa Vĩ lập tức bảo người đưa vương gia vào, mang một chiếc ghế to dành cho vị hoàng thúc này.

Trước mặt đế vương, Ngạo Thiên ôm ngực, dáng vẻ xanh xao suy yếu với gương mặt ảo não, từ trong chất giọng đã lộ ra sự áy náy và tự trách:

- Hoàng thượng! Thần bất tài vô năng, đã phụ sự phó thác của người. Đội quân theo thần đến biên giới toàn bộ đã bị bắt, không thể phối hợp cùng phó tướng Trịnh Tử Kiên tạo ra thế gọng kìm để tiêu diệt quân địch. Kính xin hoàng thượng nhanh chóng phái đội quân khác kịp thời lên đường, tránh cho Phó tướng đợi lâu lại phát sinh thêm bất trắc.

- Thế gọng kìm gì? Còn nữa, hoàng thúc có điều không biết, Trịnh Tử Kiên đã chết rồi.

- Chết! Vì sao mà chết vậy hoàng thượng?

- Là bị phục kích. Nhất định là hành động của bọn Yên Trường Quốc kia. Nhưng trẫm có một chuyện thật không hiểu nổi, kế hoạch ban đầu của quân ta là thẳng một đường tiến về biên giới, sau đó xem xét tình hình cụ thể mới bày binh bố trận. Vậy vì sao giữa đường, hoàng thúc với phó tướng lại tách riêng ra.

- Hoàng thượng, là do Phó tướng Trịnh nói với thần là hắn bỗng dưng nhớ ra có đường tắt đến biên giới. Chỉ cần phân ra hai hướng, thần làm mồi nhử bọn Yên Trường Quốc tập trung về hướng này, Phó tướng sẽ vòng ra phía sau đánh úp bọn chúng. Vòng vây khép chặt như thế nhất định có thể giành thắng lợi, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh này. Thần đã hết lời ngăn cản, không muốn hắn làm trái thánh ý. Nhưng hắn một mình khăng khăng đây là thế trận hoàn mỹ, nếu bỏ lỡ cơ hội thì vô cùng đáng tiếc, chiến tranh sẽ kéo dài và muôn dân phải chịu cảnh lầm than. Hắn còn lấy cái chết của mình ra để thuyết phục thần nghe theo. Thần cảm thấy hắn là nhân tài trăm năm hiếm gặp, mới tin hắn lần này. Không ngờ…

- Trịnh Tử Kiên tự ý làm chủ? Thật hồ đồ mà! Uổng công trẫm hết lòng trọng dụng, tưởng có thể đào tạo rường cột cho nước nhà. Ai ngờ chỉ một quyết định ngu muội của hắn, tất cả những binh sĩ đi theo phải bỏ mạng oan uổng khi còn chưa ra tới chiến trường. Ban đầu trẫm biết tin, còn cảm khái cho người tài chết trẻ. Giờ hóa ra đều là tại hắn. Khốn kiếp mà.

- Hoàng thượng, là Trịnh phó tướng trẻ người hiếu thắng, nhưng chung quy cũng là vì muốn tận trung báo quốc. Xin hoàng thượng ban cho hắn ta một tước hiệu để đề cao tấm gương trung thành của hắn. Trong chuyện này, chịu trách nhiệm lớn nhất vẫn là thần, vì thần đã không cương quyết phản đối ý định sai lầm kia của phó tướng. Xin hoàng thượng cứ trách phạt thần.

- Hoàng thúc thì có lỗi gì chứ! Trẫm không trách thúc. Nhưng còn cái tên phó tướng kia trẫm nhất định không tha. Thường Phúc, lập tức cho người đến nơi đoàn quân bị phục kích, mang thi thể Trịnh Tử Kiên về đây dùng hình phạt roi một trăm cái, làm gương đối với những kẻ xem thường quân kỷ.

- Vâng, thưa hoàng thượng – thái giám tổng quản nhận lệnh xong lập tức bảo thị vệ đi làm ngay, trong bụng thầm thương hại vị tướng trẻ vì khoảnh khắc nông nổi mà thân vong đã đành, đến chết rồi cũng còn không yên.

Bên này Hàn Ngạo Thiên vẫn không ngừng xin hoàng đế rút lại ý chỉ phạt roi thi thể của Phó tướng:

- Thần khẩn xin hoàng thượng bỏ qua cho Phó tướng được không?

- Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Trẫm muốn cho mọi người đều biết, đừng tưởng chết rồi thì trẫm sẽ không truy cứu nữa. Về sau, ai tự ý hành động ngoài mệnh lệnh, chớ trách trẫm hạ thủ không lưu tình. Lại nói về hoàng thúc, vết thương thúc thế nào rồi!

- Bẩm hoàng thượng, thật may khi thần bị thương đã gặp được một người tốt bụng gọi đại phu kịp thời cứu chữa và đưa về. Lúc vào hoàng cung, thần cũng đã gọi thái y xem xét lại vết thương, tạm thời không sao nữa rồi. Nhưng chuyện cấp bách bây giờ là làm sao đối phó với bọn Yên Trường Quốc đây?

- Thất bại nặng nề lần này, lực lượng của chúng ta tổn thất hết hai vạn đại quân. Chắc hẳn bọn Yên Trường Quốc đang thắng thế, nhất định sẽ thẳng tiến, công kích mạnh mẽ hơn nữa. Tình thế dầu sôi lửa bỏng thế này, trẫm lập tức điều động năm vạn đại quân tìm cách ứng phó tạm thời. Chúng ta cố gắng tìm kế sách thật tốt xem có thể lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh hay không.

- Vậy xin người cho thần dưỡng thương hai ngày rồi lập tức quay về quân doanh, tiếp tục nhiệm vụ được giao.

- Hoàng thúc bị thương nặng như vậy rồi, không cần gắng sức như vậy đâu. Đại Nam người tài không thiếu, chỉ là những kẻ kia tâm còn chưa hướng hẳn về phía trẫm mà thôi. Đợi trẫm suy nghĩ thêm chút nữa về nhân tuyển cho đội quân lần này đã. Hoàng thúc cũng nên trở về nghỉ ngơi đi thôi.

- Tạ ơn hoàng thượng! Thần xin phép cáo từ.

- Được.

Trấn Nam vương gia đi rồi, Thừa Vĩ ngồi trên ngự án gương mặt đăm chiêu không ngừng suy tính. Đúng như hắn đã nói với hoàng thúc, nhân tài trong triều cũng không ít. Chỉ có điều, người có năng lực nhạy bén, làm việc cẩn trọng, thì lại có mối quan hệ khá tốt với thừa tướng Mạc Trường Thâm nên cũng chưa thật tâm quy thuận, cống hiến công sức vì đại nghiệp của hắn. Hắn hồ nghi tên thừa tướng chết tiệt đó đã rỉ tai với đám quan viên kia rằng: hắn là đế vương vô tình, chỉ là mượn sức tạm thời, về sau sẽ muốn trừ bỏ tất cả, giống như với lão hiện giờ, và tự bồi dưỡng một thế lực khác để thay thế. Vậy nên trong mọi vấn đế về chính sự, khi hắn yêu cầu bá quan văn võ nêu ra phương án xử lý, có cảm giác cả đám bọn họ đóng góp ý kiến được tám phần thì tuyệt đối sẽ không nghĩ thêm cách để được mười phần trọn vẹn. Bây giờ giao việc hệ trọng cho những kẻ đó, hắn quả thực không yên tâm. Còn thế lực của hắn, tướng tài vẫn còn non kém kinh nghiệm, thật không biết phải làm sao mới ổn thỏa?

Ngay lúc này, một thân ảnh thon gầy mỹ lệ xuất hiện ở ngự thư phòng kéo Thừa Vĩ ra khỏi dòng suy nghĩ. Trà Ngân là vừa nghe phong thanh về việc quân đội Đại Nam toàn bộ bị tiêu diệt, tin chắc hoàng đế đang rất đau đầu tính toán giải pháp. Thế nên cô gái nhỏ cũng muốn đến thử xem có thể giúp ích phần nào cho hắn hay không. Cô không phải là rất tự tin vào năng lực của bản thân, không nghĩ thế mạnh xuyên không có thể phát huy công năng vào thời điểm này. Nhưng là, mọi người vẫn có câu “người ngoài cuộc thường sáng tỏ hơn kẻ trong cuộc”, biết đâu nghe hắn phân tích tình huống, cô lại nêu ra một vài điểm có thể giúp đế vương đột phá ý tưởng thì sao.

Cô xuất hiện, nụ cười mát lành như gió xuân, làm dịu cảm giác nóng nảy, khó chịu đang dâng đầy trong lòng ngôi cửu ngũ. Thừa Vĩ chờ cho Trà Ngân ngồi xuống ghế mới bắt đầu dẫn vào vấn đề, hắn tin chắc nàng cũng đã biết sơ lược tình hình quân ta, chưa kịp đối đầu trực chiến đã thất bại thảm hại. Hiện thời hắn tỉ mỉ kể lại nguyên nhân sâu xa bên trong, cũng nêu ra một vài quan điểm về việc ứng chiến khi bọn người Yên Trường Quốc kéo quân đến. Cô gái nhỏ chỉ ngồi nghe thật chăm chú, không vội vàng nhận định điều gì. Khi Thừa Vĩ nói xong, cô cũng chỉ ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi. Trong tất cả những phân tích của đế vương, Trà Ngân đặc biệt chú ý về năng lực thủy chiến của Yên Trường Quốc. Thường thì ai có thế mạnh gì, nhất định sẽ chọn khía cạnh đó làm vũ khí công kích. Mà nếu bọn họ thực sự chọn thế tiến công này, quân Đại Nam không có nhiều kinh nghiệm, lại mới vừa đại bại, sẽ không thể nào chống đỡ nổi, nguy cơ quốc gia suy vong là rất cao, phải làm sao mới được đây?

Thừa Vĩ thấy Trà Ngân từ đầu đến cuối vẫn cứ đăm chiêu ánh mắt dán vào vị trí sông Hoàng Giang trong tấm bản đồ trải ra trên bàn, hắn biết chắc chắn nàng cũng như hắn, đều có dự cảm không lành là giặc ngoại xâm sẽ tiến đánh theo đường thủy. Thế mạnh của bọn họ là sáng chế ra được những chiếc tàu chiến lớn, một khi giao tranh, thuyền nhỏ của Đại Nam làm sao có thể sánh kịp. Mà lần đối địch này, chỉ có thể thắng lợi mới kìm hãm được sự ngông cuồng của đối phương. Nếu không, nước mất nhà tan, Đại Nam thực sự bị xóa sổ. Hắn càng nghĩ, tâm trạng càng nặng nề, u ám.

Nghiền ngẫm mãi một lúc, Trà Ngân bỗng nảy sinh ý tưởng mới quay sang hỏi Thừa Vĩ:

- Hoàng thượng có thể nào tìm về cho ta một lực lượng giỏi tài bơi lặn và một ngư dân có hiểu biết sâu về thủy triều của sông Hoàng Giang không?

- Tất nhiên có thể, rốt cuộc là nàng có ý tưởng gì?

- Còn chưa biết nữa, đợi người đến ta sẽ hỏi thêm một chút, không biết chừng cách này có thể thử.