Mãi đến gần trưa hôm sau, khi Sát Hợp Kim đã đưa Dương Tú Ngọc đi, nhà bếp chờ mãi không thấy người quản gia và mấy con nữ tì của Tú Ngọc đến lấy thức ăn sáng mới sinh nghi, chạy đến biệt thất của nàng để tìm hiểu. Đã quá giờ thìn rồi mà mấy con nữ tì còn ngủ mê mệt như chết vì tác dụng của thuốc mê bỏ trong chè sen. Dương Tú Ngọc và Hạ Dung đã biến mất. Tất cả đồ đạc tư trang vẫn còn nguyên vẹn không hề suy suyển một mảy may nào. Bọn gia nhân hoảng hốt vội vàng trình báo cho Lục Vương phi và Thang Lan Hoa biết.

Lúc Vương phi ngồi thừ ra trên giường một lúc lâu. Bà không ngờ cớ sự lại xảy ra như vậy. Sau một lúc suy nghĩ, tính toán Lục Vương phi sai người đến Dương gia trang tra xét xem Dương Tú Ngọc có bỏ về với cha mẹ hay không. Mặt khác bà sai hai tên bộ hạ thân tín giỏi võ nghệ lập tức đuổi theo tướng quân Sát Hợp Kim. Theo suy tính của bà Dương Tú Ngọc không thể một mình trốn ra khỏi kinh thành được mà chắc chắn phải có sự trợ giúp của một người khác mà người đó theo bà không ai khác ngoài tướng quân Sát Hợp Kim anh em kết nghĩa của con trai bà. Có thể đây cũng là ý định của Mộc Khải Đài và Sát Hợp Kim đã lấy cớ trở về kinh thành đưa thư của Mộc Khải Đài cho Vương phủ để nhân cơ hội này thực hiện.

Lục Vương phi dặn dò bọn gia nhân đến Dương gia trang chớ làm ầm ĩ, kinh động mà chỉ nên dò xét cật vấn Dương trang chủ và phu nhân mà thôi. Bà cũng truyền lệnh cho bọn gia nhân, người hầu, lính canh trong Vương phủ tuyệt đối không để chuyện này lộ ra ngoài. Kẻ nào trái lệnh sẽ bị giết ngay.

Về phần Thang Lan Hoa, nàng ta rất lo sợ bồn chồn. Nàng lo lắng âm mưu của mình đã bại lộ. Nếu đến tai Lục Vương phi và nhất là Lục Vương gia và Mộc Khải Đài nàng còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người. Nàng càng lo lắng mất ăn, mất ngủ thêm khi suốt cả ngày hôm đó Lục Vương phi chỉ sai con thị nữ tâm phúc đến báo tin cho nàng biết về chuyện Dương Tú Ngọc mất tích. Bà chẳng thèm cho gọi nàng đến trò chuyện như mọi khi, mỗi lúc Vương phủ có chuyện hệ trọng xảy ra. Thật ra thì Lục Vương phi không hề nghi ngờ Thang Lan Hoa có liên quan đến việc Dương Tú Ngọc bỏ trốn. Bà chỉ cho rằng Tú Ngọc bỏ trốn là do ý định của Mộc Khải Đài con bà. Chắc chắn Tú Ngọc đã viết thư báo tin cho Mộc Khải Đài về cuộc sống tù túng, cô đơn của nàng. Mộc Khải Đài sợ Dương Tú Ngọc nghĩ quẩn có ý định quyên sinh nên vội vàng đưa nàng đi tạm lánh ở một nơi nào đó đợi Mộc Khải Đài về.

Sau khi bọn gia nhân đến Dương gia trang xét Dương trang chủ và phu nhân về bẩm báo Lục Vương phi càng chắc chắn rằng Sát Hợp Kim đã đưa Dương Tú Ngọc đi trốn, suy luận của bà đã đúng đến chín phần mười. Bà nóng lòng chờ tin của hai tên gia tướng mà bà đã cho đuổi theo Sát Hợp Kim buổi sáng.

Cũng nhờ Lục Vương phủ không nghi ngờ Dương Tú Ngọc trốn về nhà nên Ni sư Tịnh Liên về đến Dương gia trang mà không bị ai nghi ngờ phát giác. Bà lập tức vào hậu viên gặp Dương phu nhân như thường lệ, mỗi khi bà về thăm gia trang.

Thấy Ni sư Tịnh Liên đột ngột về thăm gia trang, Dương phu nhân đoán ngay là có việc hệ trọng và bà linh cảm ngay việc này có liên quan đến Dương Tú Ngọc. Dương phu nhân vội vã cho mời ni sư Tịnh Liên vào phòng riêng của bà trò chuyện. Không phải rào trước đón sau, Ni sư Tịnh Liên đi ngay vào câu chuyện chính. Bà biết hiện nay tính mạng Dương Tú Ngọc như chỉ mành treo chuông. Ni sư kể vắn tắt cho Dương phu nhân nghe chuyện Dương Tú Ngọc trốn khỏi Lục Vương phủ và hiện đang nương náu tạm ở hậu liêu của Phụng Tiên tự. Nàng đã sinh được một bé trai và hiện nay tình trạng rất nguy kịch. Phải tìm mọi cách để cứu Dương Tú Ngọc nhưng tuyệt đối phải giữ kín chuyện này. Lục Vương phủ đang cho người tìm kiếm khắp nơi để bắt đứa con nàng, đứa cháu đích tôn của Lục Vương phủ.

Dương phu nhân ứa nước mắt khi nghe Ni sư Tịnh Liên kể chuyện về Dương Tú Ngọc. Lòng bà rối bời không biết phải giải quyết thế nào cho vẹn toàn mọi việc. Tuy nhiên trước mắt phải cứ lấy mạng sống cho nàng trước rồi sau đó sẽ liệu cách đem nàng đi lánh nạn ở nơi khác.

Dương phu nhân bàn bạc với chồng một lúc lâu. Dương trang chủ vốn tính thâm trầm và là người biết suy tính nên ông gọi thầy lang của gia trang đi ngay cùng Ni sư Tịnh Liên đến Phụng Tiên tự để cho thuốc men chạy chữa cho Tú Ngọc. Còn vợ chồng lấy cớ là đến thăm họ hàng cũng rời gia trang sau đó một giờ. Dương trang chủ còn cẩn thận đi theo hướng khác. Sau khi đi một đoạn thấy không có người theo dõi để ý ông mới quay lại hướng Phụng Tiên tự.

Dương Tú Ngọc nằm thiêm thiếp trên giường, hai mắt nhắm nghiền, khuôn mặt tái xanh vì mất quá nhiều máu. Người thầy thuốc ngồi ở chiếc ghế sát bên giường đang bắt mạch cho nàng. Nét mặt ông đầy vẻ đăm chiêu lo lắng Ni sư Tịnh Liên đứng ở một góc phòng lâm râm niệm Phật. Ở một góc khác con nữ tì Hạ Dung bế đứa bé con Tú Ngọc mặt đầm đìa nước mắt.

Dương trang chủ và phu nhân bước vào hậu liêu, phu nhân đâm bổ đến bên Tú Ngọc ôm lấy nàng thổn thức:

- Tú Ngọc con! Cớ sao lại đến nông nỗi này!

Tú Ngọc cố nhướng đôi mắt yếu ớt nhìn mẹ, hai hàng nước mắt ứa ra chảy dài trên má. Nàng muốn nói vài lời với mẹ nhưng không để hơi sức chỉ thì thào được hai tiếng "mẫu thân". Dương trang chủ thấy lòng đau xót như dao cắt, ông kéo thầy lang ra một góc khẽ hỏi:

- Tình trạng tiểu thư ra sao?

Người lang y của Dương gia trang giọng ngập ngừng:

- Bẩm trang chủ…tiểu thư rất yếu, tiểu nhân đã xem mạch. Chỉ còn cách cho uống nhân sâm để cầm cự mà thôi!

Dương trang chủ khẽ thờ dài:

- Không còn cách nào khác nữa ư?

- Bẩm, tiểu thư bị mất máu quá nhiều, gần đến ngày sanh phải vất vả, chạy trốn trèo núi băng rừng nên mất nhiều sức lực!

- Thầy hãy cố làm hết sức mình, được đến đâu hay đến đấy. Tất cả chỉ trông chờ vào trời Phật mà thôi.

Trong khi đó Dương phu nhân vẫn ôm lấy Dương Tú Ngọc khóc lóc, kể lể:

- Ngọc con! Đừng bỏ mẹ mà đi, nếu con có mệnh hệ nào mẹ còn mặt mũi nào mà nhìn tiên đế dưới suối vàng! Ôi, oan nghiệt thay! Oan nghiệt thay!

Dương trang chủ đến bên vợ dịu dàng an ủi:

- Phu nhân chớ nên bi lụy, đau thương, hãy để cho Tú Ngọc tĩnh dưỡng đôi chút. Thầy thuốc cũng chuẩn bị cho con gái mình uống thuốc kìa! Rồi Tú Ngọc sẽ khỏe, sẽ tỉnh lại. Lúc ấy phu nhân tha hồ mà tâm tình, trò chuyện cùng con.

Sau khi ngậm nhân sâm một lát Tú Ngọc đã hồi tỉnh, nàng đưa mắt nhìn mẹ cha, nét mặt, ánh mắt buồn vời vợi. Nàng biết sẽ không sống được bao lâu nữa nên gắng sức nói những lời cuối cùng với cha mẹ.

- Phụ thân, mẫu thân! Hài nhi không nghe lời dạy bảo, quá lụy vì tình làm khổ song thân, xin xót thương mà tha tội cho con!

Dương phu nhân âu yếm nắm chặt tay con gái:

- Tú Ngọc, cha mẹ không buồn giận gì con cả, hãy cố tĩnh dưỡng!

Dương Tú Ngọc gượng gạo mỉm cười:

- Cha mẹ tha tội là hài nhi cảm thấy thanh thản và mãn nguyện lắm rồi. Hài nhi biết chẳng còn sống được bao lâu nữa nên mang con côi cút ra phó thác cho cha mẹ. Mong cha mẹ thương cháu mà nuôi nấng dạy bảo Mộc Khải Sơn nên người.

Dương phu nhân òa khóc lên trong khi Dương trang chủ nắm chặt hai bàn tay lại để đè nén những thương cảm trong lòng. Dương Tú Ngọc vẫn tiếp tục trối trăng.

- Cha mẹ ơi, hãy hứa với con là đừng để người của Lục Vương phủ bắt đi Mộc Khải Sơn. Cha mẹ hãy hứa bảo vệ chăm sóc cho con trai của con, con mới an lòng nhắm mắt.

- Cha mẹ hứa sẽ chăm sóc Khải Sơn chu đáo, con hãy an lòng!

Dương Tú Ngọc mỉm cười gượng gạo quay sang gọi Hạ Dung:

- Dung muội! Hãy bồng Khải Sơn đến cho ông bà ngoại!

Dương phu nhân ôm chặt lấy cháu ngoại trong lòng, bà quay sang Dương viên ngoại hỏi nhỏ, ông ta khẽ gật đầu. Dương phu nhân nói với nàng:

- Tú Ngọc, con hãy bình tâm mà nghe cha mẹ kể lại chuyện của con. Câu chuyện mà cha mẹ đã giữ kín gần 20 năm qua!

Như linh cảm được những điều hệ trọng mà thân mẫu sắp sửa nói ra, Tú Ngọc chăm chú lắng nghe và nàng cảm thấy tỉnh táo một cách khác thường. Dương phu nhân vừa kể vừa thổn thức.

- Ngọc con, mẹ là mẹ của con, nhưng cha con thật ra chỉ là cha nuôi đã cứu sống và nuôi nấng mẹ con ta. Thật ra con là Công chúa của triều Minh, là con gái út của đức Sùng Trinh Hoàng đế.

Dương Tú Ngọc hết đưa mắt nhìn cha rồi lại nhìn mẹ. Dương trang chủ khẽ gật đầu như xác nhận lời kể của Dương phu nhân là sự thật. Dương phu nhân vẫn tiếp tục kể lể:

- Năm 17 tuổi mẹ được tiến cung và được phong quí nhân ngay sau lần tiên đế lâm hạnh với mẹ. Giặc Mãn chiếm kinh thành lúc mẹ có mang con 3 tháng. Tiên đế quyết không hàng giặc Mãn nên tự tử ngay điện Cần Chánh. Lúc đó mẹ cũng định theo hầu tiên đế dưới suối vàng nhưng nghĩ còn có con trong bụng. Mẹ phải sống để bảo vệ giọt máu cuối cùng của tiên đế. Vì vậy mẹ trà trộn theo đoàn người dân Bắc Kinh chạy nạn ra khỏi thành. Trong lúc mệt và đói gần chết mẹ con ta đã được cha nuôi của con cứu sống. Vừa kể Dương phu nhân vừa sụt sùi khóc, Dương Tú Ngọc ứa nước mắt nhìn mẹ. Nàng không ngờ rằng chuyện tình của nàng và Mộc Khải Đài lại đầy oan nghiệt và bi thương. Nàng đã lấy con của dòng họ thù địch với tổ quốc, quê hương, đã xâm chiếm đất đai và cướp mất ngai vàng của cha mình. Nàng chết đi làm sao có thể nhìn mặt phụ vương dưới suối vàng.

Một lúc sau Dương Tú Ngọc thiếp đi rồi vĩnh viễn từ giã cõi đời. Trước khi chết nàng gọi tên Mộc Khải Đài và nói lời từ biệt một cách thảm thiết. Dương trang chủ và phu nhân cậy nhờ người an táng Dương Tú Ngọc ở một quả đồi thông sau Phụng Tiên tự, cho dựng bia mộ ghi rõ thân thế lai lịch và cái chết của nàng.

Đứa con của Dương Tú Ngọc và Mộc Khải Đài, Dương trang chủ cho đổi họ Dương tức Dương Khải Sơn. Để tránh sự truy tìm của Lục Vương phủ, Dương trang chủ nhờ người cháu họ của mình nhận là con nuôi. Ông tác hợp cho người cháu họ này cùng với Hạ Dung nên duyên chồng vợ rồi cấp cho cả hai một số vốn. Vợ chồng Hạ Dung bồng con xuôi về Nam đến Quảng Châu làm ăn sinh sống luôn ở đó.

Nói về Mộc Khải Đài sau khi được Sát Hợp Kim báo tin dữ, chàng bèn viết cho cha vợ là Nguyên soái Thang Vĩ Truật một bức thư kể rõ chuyện gia đình rồi xin phép rời mặt trận trở lại Bắc Kinh.

Về đến kinh thành, việc đầu tiên là Mộc Khải Đài ghé ngay Dương gia trang để dò hỏi tin tức vợ con. Dương trang chủ và phu nhân vô cùng ngạc nhiên khi thấy Mộc Khải Đài xuất hiện ở cổng gia trang, râu tóc lởm chởm, bụi đường xa phủ cả lên áo quần. Chàng xuống ngựa chạy thẳng vào đại sảnh nắm chặt lấy tay Dương trang chủ hỏi dồn dập một hơi:

- Nhạc gia, Tú Ngọc thế nào? Có mạnh khỏe không? Tú Ngọc sinh con trai hay gái? Nghe Sát tướng quân kể lại sự việc không may xảy ra cho Tú Ngọc, con lập tức rời chiến trường về đây để giải quyết sự việc này ngay? Tú Ngọc hiện giờ ở đâu?

Dương trang chủ đau đớn nhìn Mộc Khải Đài khẽ lắc đầu trong khi Dương phu nhân khóc òa lên thảm thiết. Mộc Khải Đài linh cảm có chuyện chẳng lành xảy ra cho vợ con, chàng nắm chặt tay áo của Dương trang chủ lắc mạnh:

- Nhạc gia, phải chăng Tú Ngọc đã….!

Mộc Khải Đài nói đến đó bỗng nghẹn giọng không sao hỏi được nữa. Dương trang chủ kéo chàng vào đại sảnh mời ngồi vào ghế gọi gia nhân pha trà rồi từ tốn nói:

- Tiểu Vương gia hãy bình thản cố nén đau thương rồi ta sẽ kể hết sự việc cho ngài nghe!

Mỗi câu mỗi chữ trong lời kể của Dương trang chủ về Dương Tú Ngọc như từng mũi kiếm đường đao đâm vào tim gan Mộc Khải Đài. Tình yêu và lòng thương cảm với Dương Tú Ngọc sôi sục, trào dâng trong huyết quản chàng. Mộc Khải Đài cố cắn răng để khỏi bật ra những cảm xúc bi lụy. Mãi một lúc sau chàng mới nói:

- Nhạc gia, con muốn đến thắp cho Tú Ngọc nén nhang và làm lễ tế nàng. Nhạc gia hãy chỉ cho con biết phần mộ nàng hiện ở đâu?

Dương trang chủ khẽ gật đầu, ông gọi gia nhân vào dẫn đường.

° ° °

Cả Lục Vương phủ bàng hoàng sửng sốt khi thấy Tiểu Vương gia trở về. Mộc Khải Đài chẳng nói chẳng rằng đi thẳng về phòng của mình. Lục Vương phi và Thang Lan Hoa luýnh quýnh hẳn lên không biết phải xử sự ăn nói ra sao với Mộc Khải Đài. Ngày thường Lục Vương phi có tiếng là người điềm đạm, trầm tĩnh trong mọi việc, thế mà giờ đây bà hết đi ra lại đi vào cố tìm cách, tìm lời để giải thích cùng con trai về sự ra đi của Dương Tú Ngọc.

Cuối cùng bà cũng tìm ra cách giải quyết. Bà cho gọi mấy con thị nữ theo hầu rồi đi đến phòng của Mộc Khải Đài. Con thị nữ đến trước cửa phòng của Mộc Khải Đài nói lớn:

- Tiểu Vương gia, Vương phi đến.

Con thị nữ gọi hai ba lần vẫn không thấy có tiếng trả lời và người ra mở cửa. Lục Vương phi hoảng hốt cho gọi lão quản gia hầu cận Mộc Khải Đài đến. Lão ta sợ sệt quỳ phục xuống trước mặt bà:

- Bẩm Vương phi, nô tài xin đợi lệnh.

Lục Vương phi hỏi nhanh:

- Tiểu Vương gia đâu?

- Bẩm Vương phi, ở trong phòng ạ!

Lục Vương phi nhíu mày:

- Ở trong phòng sao ta cho thị nữ gọi lớn mấy lần không thấy trả lời. Hay Tiểu Vương gia đang nghỉ?

- Bẩm Vương phi, nô tài ngạc nhiên khi thấy tiểu Vương gia đột ngột từ chiến trường trở về Vương phủ. Nô tài có đến vấn an và sai người hầu hạ săn sóc cho Tiểu Vương gia…

Lục Vương phi nóng ruột hỏi dồn:

- Người nói nhanh đi…

- Bẩm Vương phi, Tiểu Vương gia truyền lệnh cho nô tài người mệt cần nghỉ ngơi, không để cho ai đến quấy rầy người!

Lục Vương phi nhíu mày suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi bước đến cửa phòng nói lớn:

- Hài nhi, mẫu thân đến thăm con đây!

Lục Vương phi gọi ba bốn lần vẫn không thấy có tiếng trả lời, bà hốt hoảng hạ lệnh cho tên quản gia:

- Không xong rồi, ngươi mau gọi người đến phá cửa phòng Tiểu Vương gia ngay!

Tên quản gia sợ hãi luýnh quýnh đi gọi bọn gia nhân đến.

Bọn gia nhân của Lục Vương phủ hì hục mãi mới phá được cửa phòng của Mộc Khải Đài. Cả gian phòng vắng lặng. Lục Vương phi hốt hoảng giục bọn gia nhân chạy ra hoa viên tìm kiếm còn bà vội vã bước vào phòng ngủ của con trai. Gian phòng vẫn y nguyên đồ đạc như ngày Mộc Khải Đài ra đi, màn trướng, giường, nệm vẫn còn xếp ngay ngắn chứng tỏ Mộc Khải Đài không hề nằm nghỉ. Lục Vương phi vội chạy sang thư phòng. Trên án thư có một lá thư dài, chữ viết còn tươi màu mực chứng tỏ lá thư vừa mới được viết xong. Lục Vương phi cầm lá thư lên, hai bàn tay bà run run chừng như bà đang bị hồi hộp, lo lắng dữ dội. Những dòng chữ như nhảy múa trước mắt bà.

"Kính thưa song thân,

Con bất hiếu là Mộc Khải Đài kính dâng thư này lên song thân mà lòng sợ hãi và ăn năn khôn xiết. Kính mong lượng trời bao dung xá tội cho con. Cha mẹ ơi, con đã không nghe lời cha mẹ dạy bảo, để lòng vướng vào tình ái bi lụy khiến mẹ cha buồn lòng không ít. Các bậc tiền hiền, tổ tiên cũng chẳng vui lòng khi có người truyền tôn làm nhụt chí khí, uy dũng, anh hùng của dòng họ.

Sự thể xảy ra ở nhà ta, cha mẹ cũng đã rõ. Nay Dương Tú Ngọc đã chết, đứa con đã lưu lạc không biết về đâu! Cha mẹ thương con sẽ cảm thông được tình cảm của con dành cho đứa con bất hạnh mồ côi mẹ. Dù phải đi đến góc biển chân trời, dù có phải bôn ba khổ cực suốt cả đời người con thề sẽ phải tìm cho được giọt máu của dòng họ Mộc chúng ta. Xin tạ lỗi cùng cha mẹ. Xin tạ tội cùng hoàng thượng, xin tạ tội cùng tổ tiên. Mộc Khải Đài đã không xông pha trên mình ngựa để làm rạng rỡ cho nhà Đại Thanh được thật vô cùng xấu hổ và chẳng đáng sống làm trai. Một ngày kia khi tìm được đứa con thất lạc con sẽ về chịu tội cùng cha mẹ, hoàng thượng và tổ tiên. Tâm tư thật nhiều nhưng con không thể bày tỏ tận tường. Mong mẹ cha thứ tội: Con bất hiếu và có tội. Mộc Khải Đài".

Lục Vương phi buông rơi lá thư ngất xỉu trên tay hai con thị nữ. Bọn chúng hốt hoảng kêu cứu bà dìu bà về phòng. Được tin cấp báo Lục Vương gia lập tức từ triều đình trở về Vương phủ. Lúc này Lục Vương phi đã hồi tỉnh. Sau một lúc bàn bạc Lục Vương gia cử các bộ tướng tâm phúc hỏa tốc đưa công văn đến các tỉnh, phủ huyện, lệnh cho các nơi phải ra sức tìm cho được bối lặc Mộc Khải Đài. (Các cháu trai của nhà vua, con của các Vương gia đời nhà Thanh gọi là bối lặc).

Sau khi hỏi thăm Dương trang chủ và phu nhân, Mộc Khải Đài chỉ biết Dương Tú Ngọc sau khi chết ủy thác cho Hạ Dung nuôi dưỡng giúp con trai mình là Mộc Khải Sơn. Dương trang chủ và phu nhân đã cố tình giấu tung tích của Hạ Dung. Cả hai ông bà đều không muốn đứa cháu ngoại của tiên đế Sùng Trinh phải lớn lên trong vương phủ nhà Mãn Thanh, bộ tộc đã cướp mất cơ nghiệp, đất đai của nhà Đại Minh. Dương trang chủ kể lại cho Mộc Khải Đài biết rằng khi ông bà được tin báo từ chùa Phụng Tiên tự thì Dương Tú Ngọc đã chết. Hạ Dung đã bồng đứa bé đi đâu không ai rõ. Chỉ biêt một điều là Dương Tú Ngọc ủy thác cho Hạ Dung nuôi dưỡng Mộc Khải Sơn.

Mộc Khải Đài đến viếng mộ Dương Tú Ngọc trước khi lên đường tìm con. Chàng thì thầm nói chuyện với ngôi mộ một lúc lâu, hứa với người chết dưới mồ là sẽ tìm bằng được đứa con bị thất lạc rồi lên đường. Mộc Khải Đài bắt đầu dong ruổi qua khắp các tỉnh thành, châu huyện. Từ Bắc Kinh chàng đến Sơn Đông, Hồ Bắc, An Huy, Tế Nam, không một phủ huyện nào ở miền Hoa Bắc mà không lưu lại bước chân chàng. Xuân qua rồi hè tới, hết thu lại sang đông thấm thoắt đã ba năm trường mà hình bóng Hạ Dung vẫn biền biệt bóng chim tăm cá.

Cả Hoa Hạ mênh mông biết tìm ở đâu? Tuy nhiên Mộc Khải Đài vẫn không nản lòng, chàng đã biết cha mẹ chàng đã gởi công văn đi các nơi để tìm bắt chàng về Bắc Kinh. Vì vậy trên đường đi chàng đã trải qua biết bao là khổ cực gian truân. Có khi chàng phải giả làm khách thương hồ, lúc thì cải trang thành người lao động cùng khổ để qua mắt quan quân, lính gác ở các cổng thành, phủ huyện. Có lần ở Hồ Bắ chàng đã bị lộ tung tích. Phải vất vả lắm Mộc Khải Đài mới vượt qua được vòng vây của quan quân. Sau đó chàng lại phải băng rừng vượt suối lẻn theo đường tắt để đến được Hồ Nam sau khi đã đánh lừa được quan quân truy tìm về hướng Anh Huy. Cả tháng trời Mộc Khải Đài đã phải chịu đói rét cực khổ trong những cánh rừng ngập tuyết mênh mông để tránh sự truy nã của quan quân. Tuy nhiên chàng đã vượt qua được hết tất cả gian nan vất vả nhờ vào tình yêu thương phụ tử thiêng liêng và mối tình oan trái với Dương Tú Ngọc, người vợ bất hạnh quá cố. Tất cả tình cảm thiêng liêng đó đã thôi thúc Mộc Khải Đài băng qua ngàn dặm đường xa để đi tìm con.

Một ngày nọ Mộc Khải Đài đến một thị trấn nhỏ thuộc huyện Lạc Thành tỉnh Hồ Nam. Mộc Khải Đài ở trọ trong một khách điếm bình dân để tránh sự theo dõi để ý của mọi người. Buổi sáng mùa đông trời đã lạnh và có tuyết rơi, Mộc Khải Đài co ro ngồi trong một quán trà để ý quan sát những người qua lại trên con phố. Bất chợt chàng thấy bên kia phố có một người thiếu phụ trẻ ăn mặc theo kiểu thường dân. Đang đi chị ta bỗng đánh rơi mấy quả lê trong giỏ xuống đất nên ngồi xuống nhặt lên. Khi chị ta quay lại Mộc Khải Đài mừng bắn người lên. Mộc Khải Đài vội dụi mắt nhìn cho rõ, chàng không dám tin vào nhãn quan của mình vì chị ta ở cách xa chàng đến mấy chục bước. Người thiếu phụ giống hệt con nữ tì Hạ Dung, người hầu của Dương Tú Ngọc trước đây. Tuy nhiên chị ta có vẻ đứng tuổi hơn. Phải ngoài 22, 23 tuổi. Ba năm qua rồi Hạ Dung cũng đã trạc tuổi chị. Mộc Khải Đài mừng rỡ vội vã trả tiền xong bước theo người đàn bà nọ. Chàng không muốn ra mặt sợ làm kinh động những người xung quanh và sợ lộ tung tích nên bí mật đi theo người đàn bà nọ. Người đàn bà nọ không hề biết có người đang theo dõi cứ thẳng đường về nhà. Đến một gian nhà nhỏ ở ngoại ô thị trấn chị ta mở cổng bước vào. Mộc Khải Đài nép mình sau bức tường nghe ngóng. Tiếng người đàn bà vọng ra ngòai một cách tự nhiên:

- Ôi con trai cưng của mẹ, mẹ đã đi chợ về đây! Có bánh tiêu cho con đây này! Ở nhà con ngoan không, có phá phách không cho cha làm việc không?

Tiếng đứa bé trai chừng 3, 4 tuổi, bập bẹ vang lên khiến tim Mộc Khải Đài đập thình thịch. Rồi giọng người đàn ông vang lên:

- Không đâu! A Sơn ở nhà ngoan lắm, chỉ ngồi xem cha làm việc mà thôi, không có phá phách gì cả!

Mộc Khải Đài run bắn người lên khi nghe hai tiếng A Sơn, Mộc Khải Sơn, chàng đã dặn dò Dương Tú Ngọc đặt tên cho con trai là Sơn. Không còn nghi ngờ gì nữa! Người thiếu phụ đích thực là Hạ Dung con nữ tì của Dương Tú Ngọc ngày nào, Mộc Khải Đài thầm tạ ơn trời Phật, chàng vội vàng xô cánh cổng bước vào nhà.

Người thiếu phụ trẻ giật mình khi có người lạ mặt bước vào nhà, chị ta ôm chặt đứa bé trên tay hỏi nhanh:

- Ông là ai? Tìm vợ chồng tôi có việc gì?

Mộc Khải Đài nhìn người thiếu phụ chăm chăm không đáp, người chồng chạy vội đến bên vợ tay lăm lăm chiếc búa và chiếc đục của thợ mộc trên tay, bằng thái độ vừa nghi ngờ vừa cảnh giác anh ta gằn giọng:

- Tại sao ông tự ý đột nhập vào nhà tôi. Ông muốn gì?

Mộc Khải Đài vội vàng xua tay nói nhanh để tránh sự hiểu lầm:

- Xin lỗi, xin lỗi, tôi chỉ muốn hỏi thăm, muốn tìm người thân!

- Tìm ai? Tên gì?

Mộc Khải Đài ngập ngừng:

- Xin lỗi, chị có phải là Hạ Dung ở Dương gia trang, ngoại thành Bắc Kinh?

Người thiếu phụ ngơ ngác nhìn Mộc Khải Đài, nhìn chồng rồi lắc đầu:

- Có lẽ ông nhìn lầm người rồi! Tôi chẳng biết Hạ Dung là ai cả. Tôi chưa bao giờ đặt chân đến Bắc Kinh? Tôi tên Nhu họ Lương còn chồng tôi họ Mạc.

Đứa bé trên tay ngơ ngác nhìn cha mẹ rồi nhìn Mộc Khải Đài, chàng thấy nó giống cha như đúc. Mộc Khải Đài thất vọng, chàng chắp tay tạ từ hai vợ chồng họ Mạc:

- Tôi xin lỗi vì đã nhầm anh chị với một người quen cũ! Xin cảm ơn và mong anh chị lượng thứ cho!

Mộc Khải Đài thất thểu bước khỏi nhà họ Mạc trở về quán trọ, chàng buồn rầu thu dọn hành lý rồi lại tiếp tục lên đường xuôi về Nam tìm con.

Ba năm sau một buổi chiều cuối thu, trên con đường nhỏ dẫn vào Phụng Tiên tự, một con ngựa đang phi nước kiệu. Trên lưng ngựa một kỵ sĩ trạc ba mươi tuổi đang ra roi thúc cho ngựa chạy nhanh hơn. Trong dáng vẻ kỵ sĩ có vẻ mệt mỏi và buồn bã. Bụi đường xa còn vương trên y phục, tóc râu của kỵ sĩ chứng tỏ ông ta và con ngựa đã trải qua một chặng đường rất xa trước khi đến đây. Gần đến cổng tam quan chùa, người kỵ sĩ cho ngựa rẽ vào lối mòn nhỏ phía bên trái vòng ra phía mấy quả đồi thông sau chùa. Đến chân đồi, người kỵ sĩ xuống ngựa cầm dây cương dắt con ngựa đi len lỏi qua các lối mòn đã bị cỏ mọc che mất dấu, len lỏi một lúc lâu người và ngựa đến khoảng trống ở lưng chừng đồi nơi có hai gốc thông già mọc cạnh nhau từ rất lâu. Người kỵ sĩ nhìn quanh có vẻ ngạc nhiên trước sự thay đổi của cảnh vật xung quanh. Ông ta chạy vội đến gần một ngôi mộ được xây cẩn thận bằng đá chăm chú đọc hàng chữ trên tấm bia rồi lẩm bẩm những gì không rõ. Người kỵ sĩ trở lại chỗ buộc ngựa lấy từ hành trang ra vàng hương, nhang đèn và một ít bánh trái rồi mang đến đặt trước bia mộ.

Người kỵ sĩ lâm râm khấn vái một lúc lâu rồi thắp nhang cắm quanh ngôi mộ cho đến khi hết cả một bó nhang lớn. Ông ta gục xuống cạnh bên ngôi mộ kể những gì không rõ lâu thật lâu…. Bỗng nhiên người kỵ sĩ đứng phắt dậy, ông ta rút trong người ra một con dao ngắn rất sắc bén, loại dao trủy thủ mà các hoàng thân quốc thích, tướng lãnh đại thần Mãn Châu hay dùng để hộ thân, ông ta hét lên một tiếng rất dài rất bi thương, tiếng hét vang dội và ngân vọng trong cánh rừng thông tĩnh mịch vào một buổi chiều tà cuối thu nghe rất não lòng. Người kỵ sĩ nói lớn như muốn cho tất cả cây cỏ núi rừng muông thú cùng nghe:

"Dương Tú Ngọc, chúng ta sẽ mãi mãi sống bên nhau như lời ước nguyện năm nào, giờ thì anh đã về đây để sống bên em vĩnh viễn. 06 năm qua anh đã đi khắp cùng trời, cuối đất để mong nhìn mặt đứa con thân yêu của chúng mình nhưng ông trời đã không chiều lòng người. Dương Tú Ngọc ơi, anh đã có tội với em, có tội nhiều lắm, xin em hãy tha thứ cho anh, anh về với em đây".

Người kỵ sĩ trở ngược con dao trủy thủ lấy hết sức bình sinh đâm ngược trở lại vào tim mình, ông ta khuỵu xuống, buông con dao đang cắm sâu vào người, hai tay ôm lấy bia mộ rồi từ từ gục xuống cạnh ngôi mộ đá. Đúng lúc đó dưới chân đồi và có những tiếng gọi vội vã, thất thanh náo động cả buổi chiều tà tĩnh mịch. "Mộc Khải Đài đừng làm thế!", "Tiểu Vương gia, Tiểu Vương gia ở đâu?", "Mộc đại ca, đệ là Sát Hợp Kim đây". Nhưng tất cả đã quá muộn.

° ° °

Người kỵ sĩ đã tự vẫn bên cạnh ngôi mộ đá ở rừng thông sau Phụng Tiên tự chính là Mộc Khải Đài cháu ruột của Hoàng đế Thuận Trị nhà Mãn Thanh. Sau 06 năm trời ròng rã tìm kiếm đứa con trai bị lưu lạc không được chàng tuyệt vọng và suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần, ý chí! Mộc Khải Đài đã trở lại kinh thành. Chàng viết hai lá thư tuyệt mệnh gởi cho cha mẹ và cha mẹ vợ. Thư gửi cho cha mẹ ruột tức Lục Vương, Mộc Khải Đài đã xin cha mẹ thứ tội và giúp chàng được trọn lời ước nguyện, được chôn cất cạnh mộ của Dương Tú Ngọc chàng mới an lòng nhắm mắt dưới suối vàng.

Lá thư thứ hai chàng gởi Dương trang chủ và phu nhân. Chàng không hề trách móc ông bà đã giấu cho chàng biết tung tích đứa con trai của chàng và Dương Tú Ngọc mà Hạ Dung đã đem đi nơi khác nuôi nấng. Chàng chỉ gửi lại cho Dương trang chủ một kỷ vật và nhờ ông sau này nếu có gặp lại thì đeo tận tay con trai chàng chiếc nhẫn mà các con trai của tộc trưởng họ Mộc vẫn đeo trên ngón tay giữa và truyền từ đời này sang đời khác. Nên nhớ họ Mộc là một bộ tộc Mãn Châu hùng mạnh và dũng cảm nhất trong Bát kỳ binh Mãn Châu.

Thể theo ước nguyện của con trai, Lục Vương đã cho xây cất lại hai ngôi mộ công phu và to lớn như ngày nay chúng ta đã thấy ở ngoại thành Bắc Kinh và có tên "Mộ ông Hoàng Mãn bà chúa Minh" hay thi vị hơn còn có tên "Uyên ương mộ" do một thi sĩ thời vua Đồng Trị đi qua đây nghe truyện đã cảm xúc đề một bài thơ khắc trên đá.

Dương trang chủ và phu nhân rất khổ đau và ray rứt sau cái chết của Mộc Khải Đài. Từ lúc biết tin Mộc Khải Đài đã bỏ hết địa vị quyền uy, để vạn dặm tìm con, Dương trang chủ và phu nhân mới hối hận vì cả hai đã dấu không cho chàng biết nơi ở của Hạ Dung. Cả hai ông bà rầu rĩ đứng ngồi không yên suốt mấy năm dài. Cứ vài ba ngày lại cho người đến Lục Vương phủ thăm dò tin tức của Mộc Khải Đài xem chàng đã về chưa. Đến khi nhận được lá thư tuyệt mệnh của Mộc Khải Đài, Dương trang chủ mới hốt hoảng cho người chạy đến Lục Vươngphủ báo tin rồi tức tốc cùng Dương phu nhân chạy đến mộ của Dương Tú Ngọc nhưng đã không còn kịp nữa. Âu cũng là số phận nghiệt ngã mà trời cao đã dành cho đôi trai tài gái sắc bạc mệnh.

Sau này, nhân dịp tướng quân Sát Hợp Kim đi thanh sát công việc của triều đình ở Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây), Dương trang chủ đã gửi gắm kỷ vật của Mộc Khải Đài nhờ Sát tướng quân tìm đến chỗ ở của Hạ Dung đeo tận tay cho Mộc Khải Sơn.

° ° °

Dương tiến sĩ ngừng kể đã lâu mà Quan Linh Phụng và Dương phu nhân vẫn còn đắm chìm vào những tình tiết lâm ly, cảm động của câu chuyện tình giữa ông Hoàng Mãn Thanh và nàng Công chúa Đại Minh. Riêng Quan Linh Phụng vẫn còn miên man suy nghĩ vì nàng đang có những suy nghĩ phân tích khá. Nàng đang cố xâu lại những sự kiện đã xảy ra trong những ngày qua thành một chuỗi và nàng đã gần như hiểu gần hết về mục đích chuyến du lịch của Dương tiến sĩ và phu nhân về thăm cố hương lần này. Tuy nhiên, nàng chưa dám khẳng định cùng Dương tiến sĩ. Quan Linh Phụng đang phân vân thì Dương tiến sĩ đã nâng cốc rượu mời nàng:

- Quan tiểu thư, hãy cạn chén! Câu chuyện của tôi kể thế nào tiểu thư đã từng nghe qua chưa?

Quan Linh Phụng giật mình, câu nói của Dương tiến sĩ đã đưa nàng về với thực tại, nàng vội cầm lấy ly rượu lịch sự chạm vào ly của ông bà Dương…Chợt Quan Linh Phụng sáng mắt lên khi thấy bàn tay của ông Dương đang cầm ly rượu chạm vao ly của nàng và bà Dương. Ở ngón giữa của bàn tay phải một chiếc nhẫn thật đẹp có nạm một viên ngọc bích màu xanh lóng lánh. Bất giác nàng tủm tỉm cười một mình. Ông Dương nhìn nàng vui vẻ:

- Cô Quan có suy nghĩ về câu chuyện tôi vừa kể không?

Quan Linh Phụng cắn môi, hai má nàng đỏ hồng lên, một phần có lẽ vì men rượu và phần còn lại nàng quá phấn khích khi đã tìm ra được những điều thú vị, bí mật. Nàng gật đầu nhìn ông bà Dương rồi chậm rãi nói:

- Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu nữa, nhưng tôi xin mạo muội đưa ra nhận xét đầu tiên…Chuyến về thăm quê hương của ông bà lần này, lần đầu tiên, không hẳn là một chuyến du lịch thuần túy.

Ông Dương gật đầu:

- Bước khởi đầu tốt lắm, hãy tiếp tục đi cô gái!

- Ông bà, đúng hơn là ông có liên hệ mật thiết với câu chuyện vừa kể và tôi có cảm tưởng là ông đang đi tìm nguồn cội!

- Thật thông minh, thú vị quá. Quan tiểu thư, cô tiếp tục nữa đi chứ!

Bà Dương cũng đã hiểu được lờ mờ một phần câu chuyện, bà cũng háo hức muốn nghe hết, nhìn chồng rồi nhìn Quan Linh Phụng.

- Tôi chỉ có thể có những suy nghĩ đến đó thôi, có lẽ phần còn lại tiến sĩ sẽ kể để phu nhân và tôi hiểu được tường tận hơn.

Dương tiến sĩ nhìn mông lung vào khoảng không gian rộng của đại sảnh, mắt ông như mơ màng trong một cõi nào đó.

- Cô Quan thật tinh tế và thông minh, rất thông minh…Tướng quân Sát Hợp Kim đã tìm được Mộc Khải Sơn và trao chiếc nhẫn cho Vương tử lạc loài của nhà Đại Thanh. Đến khi Mộc Khải Sơn qua đời, con và cháu nội ông cũng vẫn còn ở Quảng Châu. Tuy nhiên, lúc này họ đã đổi họ Dương và sống rất sung túc, giàu sang nhờ sự trợ giúp ban đầu của Dương trang chủ và tướng quân Sát Hợp Kim. Thế chiến thứ hai bùng nổ, cuộc chiến tranh Trung, Nhật tràn tới Quảng Châu, người cháu nội của Mộc Khải Sơn bán hết tài sản của cải chạy sang Hồng Kông, họ lại chạy sang Mỹ và định cư ở San-Francissco. Người cháu kêu Dương Khải Sơn bằng cụ cố làm ăn cũng khá phát đạt ở Mỹ, ông ta có nhiều cửa hàng, quán ăn. Tuy nhiên, người con trai trưởng của ông lại thích khoa học và không nối nghiệp cha kinh doanh, ông ta đõ tiến sĩ ở Đại học kỹ thuật MIT rồi đi dạy.

- Và người đó chính là ngài? Quan Linh Phụng đỡ lời ông Dương, ông ta khẽ gật đầu rồi tiếp:

- Mấy tháng trước về thăm cha mẹ ở San-Francissco tôi có tình cờ đọc được trong gia phả một lá thư của cụ tổ 5 đời chúng tôi là Vương tử Mộc Khải Đài gởi cho Dương trang chủ, tôi thấy tò mò và thú vị bèn truy tìm tất cả sách cổ của gia đình lưu lại và tìm được bản chép tay một quyển sách xưa nhất do một người đàn bà trong gia đình chúng tôi viết kể lại, bà là chứng nhân của mối tình vương giả nhưng đầy nghiệt ngã đau thương. Cô Quan có đoán được người viết là ai không?

Quan Linh Phụng đáp không suy nghĩ:

- Chuyện do Hạ Dung viết lại phải không?

- Thật thông minh, cô gái thân mến ạ! Quả là chúng tôi đã không chọn lầm ngươi hướng dẫn.

Bà Dương âu yếm ngồi lại gần Quan Linh Phụng nắm chặt tay nàng!

- Mấy hôm nữa phải về Mỹ chắc tôi nhớ cháu nhiều lắm Quan Linh Phụng à! Bác ước gì có được một nàng dâu như cháu để tâm sự, hủ hỉ.

Ông Dương cười vui vẻ:

- Được đấy! Ý kiến rất tuyệt, con trai lớn bác vẫn chưa lập gia đình, 28 tuổi, đã có MS (cao học) đang làm luận án lấy Ph.D (tiến sĩ) một Vương tử mang dòng máu vua chúa Mãn Châu chính gốc đấy nhé!

Quan Linh Phụng thè lưỡi pha trò:

- Hai bác chưa biết gì về thân thế của cháu sao?

Bà Dương hấp tấp lên tiếng hỏi; không nghĩ là Quan Linh Phụng nói đùa.

- Sao, có gì trở ngại hả cháu!

Quan Linh Phụng nhìn thẳng vào mắt bà Dương tinh nghịch:

- Nhà cháu là dòng dõi chính thống của Chu Nguyên Chương, vị vua đã gây dựng nên triều đại nhà Minh. Khi nhà Mãn chiếm Trung Nguyên phải đổi ra họ Quan để bảo toàn tộc họ. Cháu cũng là Công chú triều Minh chính thống đấy!

- Vậy thì đã sao nào?

Quan Linh Phụng định nói đùa tiếp theo "Cháu không muốn có thêm 2 ngôi mộ cổ nữa…." nhưng thấy Dương tiến sĩ nhìn nàng như hiểu ý và không muốn nàng đùa nữa nên Quan Linh Phụng vội lấy tay che miệng rồi nói:

- Cháu sợ anh ấy thích làm phò mã triều Minh ở lại Bắc Kinh luôn không về Mỹ nữa thì bác sẽ nhớ con trai lắm đấy!

Dương tiến sĩ phì cười vì sự ứng phó rất nhanh nhạy và lưu loát của cô gái, ông bật cười to vui vẻ và sảng khoái. Cả bà Dương và Quan Linh Phụng cũng cười theo những tràng cười thật giòn, thật vui.

HẾT