Đơn Chí Hồng mở bằng câu hỏi lóng của Bào Ca hội.
Trùng Dương chưa kịp trả lời, thì Châu Bá Thông đã chưởi tưới hột sen:
- Đồ chó chết! Lão gia do đường sạn đạo Xuyên Bắc đến đây không có quá giang xuồng ghe gì hết? Cút ngay đi cho rồi.
Câu nói của Châu Bá Thông, đã phạm vào đại kỵ của Bào Ca hội, làm cho Đơn Chí Hồng giận dử:
- Ngươi là đồ hèn mạt, đi lừa bịp kẻ hát thuê nghèo khổ, nếu không cho các ngươi điều lợi hại, các ngươi sẽ không biết Hắc Ban Báo là nhân vật như thế nào.
Chưa kịp dứt lời, Châu Bá Thông đã thóc tới xáng cho Đơn Chí Hồng hai bốp tai, làm Con Beo đốm đen tá hỏa tam tinh, mắt văng đom đóm:
- Cùng trong lúc Đơn Chí Hồng bị đánh, Trùng Dương vùng hét lên tung mình nhãy tới.
Nhưng không phải tiếp sức tấn công, trái lại ông kéo tay Châu Bá Thông trở về và cũng xáng cho chàng ta hai tát.
Không phải đùa chơi, mà quả hai tát tai của Trùng Dương làm cho Châu Bá Thông cảm thấy đầy trời chớp nhoáng, xính vính té ngồi xuống đất.
Việc xảy ra ngoài ý liệu của Châu Bá Thông, luôn cả Đơn Chí Hồng cũng không biết trời đất ra sao, đồng bọn của Hắc Ban Báo nhìn nhau ngớ ngẩn.
Trùng Dương ngó Châu Bá Thông mắng lớn:
- Nghiệt súc! Sáng nay đã phạm giới luật bản môn, bây giờ tại còn dám đánh người, quả thật tội chưa hết lại chồng thêm tội nữa. Hãy cút về phòng ngay. Không được chường mặt ra nữa, nghe chưa?
Châu Bá Thông không dám co cường, cúi mặt lủi thủi về phòng.
Sau khi nạt lui Châu Bá Thông, Trùng Dương mới quay qua Đơn Chí Hồng, cúi đầu thi lễ:
- Vô lượng thọ Phật! Sư đệ của bần đạo tuy đã lớn, nhưng tính tình hãy còn quá trẻ con, vừa rồi đã đắc tội với lão huynh, xin lão huynh hãy thứ cho.
Đơn Chí Hồng lúc ấy thật là khóc cười lở dở, bởi vì từ trước đến nay y vốn là thủ lãnh Bào Ca hội tại Thành đô, bao nhiêu năm nay không một kẻ nào dám to gan làm điều thất lễ, không ngờ bữa nay mới ló đầu gánh việc cho hai cha con Tra Tam, đã bị hai bạt tai đổ lửa.
Hắc Ban Báo sửa soạn gây chuyện với Trùng Dương, nhưng vừa mới ngẫng đầu, chợt bắt gặp luồng nhãn tuyến như điện chớp của vị Toàn Chân Giáo Chủ xuyên qua, bất giác họ Đơn trong bụng nghe phát run lên.
Nguyên vì Trùng Dương là một con người tư thái uy nghi, nhãn quang của ông lạnh lẽo như ánh điện xanh rờn, một dáng cách không giận dử mà trang nghiêm khiến cho người đối diện dễ sinh sợ sệt.
Đơn Chí Hồng chợt hiểu rằng gã sư đệ của ông ta thủ pháp như thế, tính tình lại kỳ khôi ương ngạnh, mà rồi bị mấy tát tai im thin thít, không dám hó hé một lời, thì đủ biết bản lãnh của ông ta đến bực nào rồi.
Gã Hắc Ban Báo đâu còn có dũng khí nào dám cùng với Trùng Dương động thủ?
Song, cứ như vậy mà chịu thua luôn thì bẽ mặt quá, nên Đơn Chí Hồng cố tỏ ra giận dử:
- Sư đệ của ông hành vi vô lại, lừa gạt đến người ca hát nghèo nàn, chúng ta là người tai mắt, quyết không để cho kẻ lạ mặt đến đây khinh lờn được, ông hãy kêu hắn ra đây cúi đầu xin lỗi chúng ta thì mới có thể dung thứ tội lỗi của hắn được.
Đơn Chí Hồng nói như thế cho rằng mình đã nhân nhượng quá rồi. Hai cái tát tai, đã không đánh lại, đối với một người đường đường lãnh tụ Bào Ca xử sự như vậy thật là một việc tày trời.
Nào ngờ Trùng Dương nghe nói, ngữa mặt cười hả hả.
Chúng nhân quá đổi ngạc nhiên.
Đơn Chí Hồng thấy phong thái của Trùng Dương hàm ẩn tinh thần ngạo nghễ, làm cho gã bừng bừng nổi giận chực muốn buông lời xỉ mạ.
Nhưng vị Giáo Chủ Toàn Chân Giáo chợt nín cười:
- Các người thật quá coi rẻ những kẻ ở tỉnh lạ của chúng tôi! Ba chục đồng một cuốc xe, hai trăm bạc nghe một khúc hát, thật quả là khi chúng tôi như một chú nai tơ rồi.
Đơn Chí Hồng đỏ mặt, hắn biết cha con lão họ Tra đã lừa gạt khách lạ tỉnh xa, làm vậy là không phải. Nhưng đã đến mức này đã lâm vào thế "lỡ trèo lưng cọp", đã đâm lao thì dầu muốn hay không cũng phải theo lao.
Hắc Ban Báo bèn cười rống lên một tiếng:
- Thế mà sư đệ của ông không bằng lòng nhận tội à?
Trùng Dương với vẻ mặt lạnh lùng:
- Có cái gì mà phải nhận tội hay không nhận tội? Hãy tự xét mình rồi thiên hạ mới xét sau. Nếu quả như bọn họ không lừa phỉnh người khác tỉnh, thì có đâu mang lấy chuyện phiền hà. Vả lại cha con của lão họ Tra, nào đã bị ai lường gạt?
Đơn Chí Hồng hơi giận xông lên cực điểm, vung tay đập mạnh vào vách tường đánh binh lên một tiếng chát chúa, bức tường dày đã bị vỡ một lỗ to.
Thi triển công phu đập thủng bức tường, họ Đơn đã tự cho rằng không ai sánh kịp, hắn đâu ngờ đối với Trùng Dương, cái thứ công lực vụn vặt ấy nào có nghĩa lý gì.
Vị chưởng giáo Toàn Chân lại cười ré lên ha hả, đưa mũi chân dí dí trên nền đá.
Khủng khiếp làm sao, nền đá lâu đời cứng rắn như gang sắt, bỗng mềm nhũn như nền đất ướt, bị bàn chân của Trùng Dương ấn sâu hơn năm tấc, nơi dấu chân ấy, đá bị nghiện ra như bụi.
Đơn Chí Hồng kinh hãi quá mức, vội vã vòng tay:
- Đạo trưởng võ công thần diệu, tiểu đệ khâm phục vô cùng! Song trước giờ Ngọ hôm nay, xin đạo trưởng hãy khoan lìa khỏi nơi này vì tiểu đệ còn muốn cùng đạo trưởng dẫn kiến thêm mấy vị bằng hữu nữa.
Dứt lời không đợi Trùng Dương hồi đáp, người thủ lãnh Bào Ca vòng tay lại vái chào, đồng thời xoay mình ra hiệu cho bọn tay chân bộ hạ:
- Đi thôi!
Cả bọn rập lên một tiếng ùn ùn kéo nhau đi hết.
Sau khi dùng thinh uy lui bọn Bào Ca hội, Trùng Dương trở vào phòng, thấy Châu Bá Thông vẫn còn ngay ngắn quỳ y như cũ.
Loading...
Ông không thèm ngó tới, điềm nhiên lên ngồi luyện công phu.
Hai tiếng đồng hồ sau, vừa đúng lúc mặt trời đứng bóng.
Châu Bá Thông chịu không thấu nữa, kêu:
- Sư huynh! Nếu anh còn giận, thì hãy đem tiểu đệ mà chặt quách cặp giò đi, để lấy đó làm tội sống.
Trùng Dương lúc bấy giờ mới từ từ mở mắt:
- Sư đệ trong thời gian qua, anh lao tâm mệt trí khuyên em giới tửu đã bao nhiêu lần rồi?
Châu Bá Thông đáp:
- Bao nhiêu thì tiểu đệ nhớ không rõ có lẽ độ hơn trăm lần. Sư huynh hơn trăm bận khuyên răn mà tiểu đệ vẫn còn phá giới, tiểu đệ phải tự mình vả lấy miệng mình hơn trăm cái mới được.
Trùng Dương nghe lời lẽ của Bá Thông trẻ con như vậy, tuy không cười ra tiếng, nhưng cơn giận cũng đã tiêu tan, ông bèn dịu giọng:
- Tốt lắm! Tốt lắm! Thôi đứng dậy đi! Từ nay về sau không được tái phạm nữa nghe?
Châu Bá Thông vừa mới đứng dậy, chợt nghe có tiếng gõ cửa phòng.
Chàng bước lại mở cửa thấy tên làm công của khách sạn đứng ở bên ngoài, bộ tướng không yên hơ hải:
- Đạo trưởng! Có người đưa thiệp mời ngài.
Châu Bá Thông ngạc nhiên:
- Lạ không! Sư huynh đệ chúng ta đâu có quen lớn gì với ai ở đây đâu, sao lại có thiệp mời đi uống rượu? Chẳng lẽ...
Trùng Dương nạt Châu Bá Thông:
- Đừng có tưởng xàm!
Và ông day sang bảo tên hầu phòng:
- Được rồi! Ngươi bảo họ mang thiệp mời đến đây!
Tên hầu phòng dạ dạ lui ra.
Giây lát từ ngoài cửa đi vào hai tên hán tử ăn vận theo kẻ phục dịch, tên đi đầu bưng một cái hộp mạ vàng chói lọi, bên trong để tấm thiệp mời, tên đi sau khệ nệ mang một cái mâm to sơn đỏ, trên mâm đặt sẵn một con gà quay vàng hực, bên cạnh để một con dao nhỏ sắt thép long lanh.
Châu Bá Thông vừa dòm vừa suýt soa tỏ vẻ lạ lùng.
Trùng Dương bước tới liếc qua, trước hết chào hai tên hán tử:
- Thật quá phiền nhị vị!
Và ông tiếp lấy chiếc hộp mạ vàng mở ra liền thấy một tấm thiệp màu hồng, trên đó bốn chữ Long, Hổ, Vân, Long, được kẻ nét vàng rực rỡ.
Ngoài ra không thấy ký tên.
Trùng Dương bật cười hà hà, cầm lấy thanh dao nhỏ, phạt ngang cổ con gà quay, chiếc đầu gà rớt xuống mâm kêu "cộc!" một tiếng khô khan.
Hai tên hán tử có hơi biến sắc nhưng vẫn tươi cười:
- Vương chân nhân! Đà Chủ chúng tôi đúng trưa nay có mở tiệc rượu mừng. Lời chỉ có thế thôi, quyết không có điều chi thôi thúc.
Vị Giáo Chủ Toàn Chân cũng đáp lời gọn lỏn:
- Hay lắm!
Hai tên hán tử liếc nhau một cái, rồi bưng mâm bưng hộp buôn bả ra về.
Châu Bá Thông ngơ ngác hỏi Trùng Dương:
- Sư huynh! Vừa rồi anh chặt đầu con gà quay của họ, như vậy là có ý gì?
- Đó là nghi lễ mời khách của Bào Ca hội!
Châu Bá Thông càng ngạc nhiên hơn nữa:
- Sư huynh, Bào Ca là cái gì? Là một nhân vật danh vọng ở Thành đô này à!
Trùng Dương cười ngất.
Đoạn ông đem lai lịch Bào Ca hội kể lại cho Châu Bá Thông nghe và kết luận:
- Gã đánh xe và hai cha con người hát dạo mà sư đệ đã gặp qua hôm nay, đều là người trong Bào Ca hội, cho nên thủ lãnh Bào Ca hội nói sư đệ khi dễ bọn họ, hắn mới ra mặt.
Châu Bá Thông nói hớt:
- Rồi vì thấy không thể đánh nổi tiểu đệ, nên hắn mới thỉnh bọn chủ não trong hội tìm cách gây sự với sư huynh đó chứ gì?
Trùng Dương gật đầu:
- Đúng vậy!
Và ông bèn đem tất cả quy củ của Bào Ca hội nói hết cho Châu Bá Thông nghe.
Một khi mời một người ngoài hội, mà người ấy là một nhân vật có hạng trong chốn võ lâm thì thủ lãnh Bào Ca hội cho hai tên bộ hạ trang trọng mang hộp Hiệp Nghĩa thiếp và một con gà quay, đưa đến tận nơi gọi là giao lễ.
Lễ tiết này có thể gọi là thiện ý, mà cũng có thể gọi là ác ý.
Nguyên vì bên cạnh con gà có để sẵn một thanh đao, biểu thị ý nghĩa giao tiếp về võ học.
Một mặt tỏ ý bằng lòng cùng đối phương kết làm bằng hữu, một mặt khác sẽ trái lại, là cừu nhân.
Nếu như đối phương muốn nên bằng hữu thì cầm đao cắt một đùi gà, bằng như kẻ được mời tỏ ra con người gan mật, tài nghệ cao cường không từ chối việc ra mắt bằng võ lực thì không cần nói dài dòng cứ việc chặt ngang đầu gà là đối phương đã rõ.
Trùng Dương là chưởng môn Toàn Chân Giáo đương nhiên không thể nào ưng chịu cúi đầu trước Bào Ca hội, cho nên hành động chặt đầu gà kia tiếp lễ, và để giữ vững danh phận của mình.
Châu Bá Thông nghe rõ đầu đuôi bèn hỏi Trùng Dương:
- Sư huynh, nếu như ngày mai anh đến ước hội thì tiểu đệ sẽ làm chi?
- À! Sư đệ ở khách điếm.
Châu Bá Thông chẳng nói chẳng rằng chi cả, đứng lên thu xếp hành trang.
Trùng Dương lấy làm lạ:
- Sư đệ! Định dọn hành lý đi đâu vậy?
Châu Bá Thông trả lời châm bầm:
- Sư huynh đã coi tiểu đệ như một tên đầy tớ, cái này cũng không cho, cái kia cũng không cho, vậy thì tiểu đệ còn theo sư huynh làm gì nữa! Tốt hơn hết trở về Tung Sơn cái cho rồi.
Trùng Dương biết hắn ta lại nổi tính trẻ con, đành phải dịu giọng:
- Thôi, được rồi! Ngày mai sẽ cho sư đệ đi theo, song sư đệ phải tuân theo lời anh dặn.
Châu Bá Thông mừng rỡ:
- Điều chi, sư huynh cứ dặn đi?
- Ngày mai đi với anh, cấm sư đệ không được cùng với người gây gổ đánh đập lộn xộn nhé! Bất cứ việc gì, khi nào anh bảo sẽ làm, nhớ không?
Châu Bá Thông cười hì hì:
- Dễ ợt! Tiểu đệ sẽ làm đúng theo lời dặn của sư huynh.
Rạng ngày sau, tảng sáng, Châu Bá Thông đã thức dậy chuẩn bị.
Mãi cho đến mặt trời đứng bóng, cũng không thấy người của Bào Ca hội phái đến.
Châu Bá Thông ngồi đứng không yên, cứ ra vô dòm chừng.
Bỗng nghe Trùng Dương gọi.
- Sư đệ, đã đến giờ rồi, chúng ta đi thôi!
Châu Bá Thông ngơ ngác:
- Họ chưa cho người đến rước mình biết lối nào mà đi?
Trùng Dương bật cười:
- Họ không đến rước thì mình cứ tự tìm đường mà đến chớ sao!
Ra khỏi khách điếm, Trùng Dương chợt thấy trên vách tường bên kia hè phố, ai đã vẽ sẵn một con gà trống. Con gà này vẽ bằng than, mà nét thì nguệch ngoạc như trẻ con học vẽ.
Trùng Dương thấy con gà vẽ quay đầu về phía trái bèn dẫn Bá Thông đi theo phía đó, không chút do dự.
Châu Bá Thông bây giờ chợt hiểu ra ràng bọn Bào Ca hội đã ghi ám hiệu bằng con gà trống, cho nên sư huynh mình đi theo hướng đó.
Đi được một đổi, đụng góc quẹo lại thấy tường có vẻ một con gà trống nữa. Con này, đầu day qua mé phải.
Trùng Dương bèn dẫn Bá Thông đi theo ngã đó.
Cứ như vậy đi độ bốn năm ngã rẽ thì tuyệt nhiên không thấy ám hiệu nữa.
Trùng Dương nhìn quanh chợt thấy dưới chân tường trước mặt, có một cây chổi cùn, đầu dựng xiên qua phía Đông Nam, bèn lập tức dẫn
Châu Bá Thông noi theo đường đó.
Châu Bá Thông lại một bận ngơ ngác nữa.
Quả nhiên, không ngoài ý liệu, vừa mới đi thêm được ba bốn chục bước, bỗng có hai tên hán tử áo ngắn ở trước mặt đi lại, vòng tay:
- Gia chủ ở tại đây, xin mời đạo trưởng.
Và lập tức quay mình hướng dẫn hai anh em Trùng Dương đi vào một con đường nhỏ.
Con đường vừa hẹp vừa dài, cuối ngõ sừng sững một tòa nhà cổ, cửa nẻo tứ bề đóng im thin thít.
Hai tên hán tử dẫn đường bước lên thềm đá gõ nhẹ ba tiếng, hai cánh cửa lớn khua lên và mở quát ra.
Một tên hán tử sắc mặt trầm trầm, hung hãn bước ra vái chào:
- Đạo trưởng đã tới! Gia chủ xin thỉnh nhập!
Trùng Dương nhận ra nơi đây nằm về góc thành Tây gọi là Lựu Hoa Đôn, nhưng con đường hẹp này thì không biết tên là đường gì.
Ông và Châu Bá Thông ngang nhiên bước vào.
Qua khỏi đại môn, là đến một gian nhà mát nhỏ, bốn bên cổ thụ um tùm, tàng cây bóng che tịch mịch.
Sau khuôn nhà mát, là một tòa đại sãnh năm gian.
Bên trong, bọn hán tử gồm đủ hạng cao, lùn mập, ốm, phân thành thế Tam Sơn Ngũ Nhạc, ngồi đầy dẫy cả gian đại sãnh.
Vừa thấy Trùng Dương bước vào, cả bọn ùn ùn đứng dậy rập lên:
- Vương đạo trưởng gía lâm!
Trùng Dương liếc mắt nhìn qua một lượt thấy mé Đông đại sãnh sắp bày hương án, trên đó có năm chiếc lư đồng, chói lọi giăng hàng chữ nhất chỉnh tề.
Mỗi chiếc lư hương cắm một lá cờ tam giác, đó là tên năm xứ: Bồ, Đà, Mân, Lạc và Gia Lăng.
Trùng Dương sực nhớ đã có nghe Bào Ca hội ở Tứ Xuyên từ trước đến nay phân làm năm phái Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương.
Trung ương phái là Bồ Giang, Đông phái là Gia Lăng, Giang Nam phái là Lạc Giang, Bắc phái là Mân Giang, các phái tương giao nhưng không thành hệ thống.
Trùng Dương nhìn qua bên phải của hương án, ở đây năm chiếc ghế dựa sơn màu đỏ, ngồi trên đó năm người lãnh tụ của năm phái Bào Ca hội.
Năm người thủ lãnh của năm phái Bào Ca hình dáng thật là quái dị, mỗi người một vẽ khác nhau.
Lãnh tụ phái Mân Giang là người gầy ốm ăn mặc xốc xếch, đầu tóc chôm bôm, tuổi khoảng năm mươi, mũi quắm như mỏ diều hâu, đôi mắt như cú vọ, da dẻ đen cháy láng bóng.
Hai cánh tay gân guốc nổi lên như giây leo, năm ngón xương xẩu như năm móng thú. Sau lưng mang xề xệ một chiếc hồ lô bằng sắt.
Người này tên là Hề Di, biệt hiệu Thiết Hồ Lô, võ khí chuyên dùng là chiếc hồ lô sắt, danh trấn lưỡng xuyên, giang hồ dậy tiếng. Đã hạ không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán võ lâm, đang ngồi trên chiếc ghế thứ nhất trong Bào Ca hội.
Thứ hai, phái Đà Giang, không biết tại sao thủ lãnh Đơn Chí Hồng lại vắng mặt, thay vào đó Phó thủ lãnh Ân Văn Thiên, biệt hiệu Táng Môn Thần. Mặt vàng như nghệ, tròng mắt trắng dã, nhìn vào như chiếc thây ma, thân hình ốm cao lêu khêu như cây tre miễu. Tinh luyện ba mươi sáu đường hắc sát, tiếng tăm lừng lẫy võ lâm. Người này trong tay cầm cặp Thiết hồ đào, đưa lại khua nghe lăng căng.
Thủ lãnh Gia Lăng Giang, một lão gìa đầu sói vừa mập vừa lùn, râu tóc hoa râm, da mặt hồng hào, tên là Tra Hùng biệt hiệu là Thiết Thích Vị, mặc áo ngắn màu xám, đang ngồi bập bập phì phà với chiếc ống điếu dài thậm thượt như là một lão nông dân.
Tuy dáng sắc quê mùa phục phịch, mà võ công thâm hậu vô cùng, chuyên dùng chiếc ống điếu bằng ngón Hàn Yên điểm huyệt pháp, chấn động võ lâm.
Võ Phan An Du Hiệu, chưởng môn phái Lạc Giang, khoảng trên dưới ba mươi tuổi. Là một người đàn ông tuấn tú, mặt trắng môi hồng, đầu chít khăn tiêu diêu, vận áo bào xanh tay cầm chiếc quạt, dung quang rực rỡ như thư sinh.
Giống như chiếc ống điếu của Tra Hùng, nang quạt của Du Hiệu đúc bằng gang sắt, một loại binh khí lạ lùng.
Trong năm phái Bào Ca, Lạc Giang nhân số đông đảo nhất, mà đất đai rộng lớn hơn tất cả các nơi, đồng thời lợi điểm về hàng hải, đã khiến nơi đây thành chỗ tập trung.
Địa thế và dân số đó đủ thấy kẻ thống lãnh phái Lạc Giang phải là một cao thủ hàng đầu của Bào Ca hội.
Lãnh tụ Bồ Giang phái là một gã trung niên bụng phệ tên Tần Lăng, vốn thương gia xuất thân. Giang hồ quen gọi biệt hiệu Thiết Toán Bàn, vì y dùng chiếc bàn toán sắt làm binh khí.
Tóm lại, ngũ lộ thủ lãnh Bào Ca, hoàn toàn tập trung trong tòa nhà cổ, có thể nói đây là lần tụ hội cực kỳ quan trọng của Bào Ca hội từ trước đến nay.
Trùng Dương từ từ bước tới vòng tay, sang sảng:
- Chư vị thơ gọi bần đạo, không biết có điều chi dạy bảo?
Những kẻ cầm đầu Bào Ca hội, phô trương thanh thế, nghĩ rằng trước tiên sẽ làm cho đối phương nếu không khiếp đảm, thì ít ra cũng phải kiêng dè.
Không ngờ khi đụng mặt, Trùng Dương vẫn ngang nhiên khinh khi như không, trừ Võ Phan An Du Hiệu, còn hết thảy đều bực tức.
Thiết Hồ Lô Hề Di, thủ lãnh Mân Giang, ngó Trùng Dương, cười lạt:
- Vương đạo trưởng danh hiệu là chi? Quí địa tu trì tọa lạc tại đâu?
- Bần đạo tiện danh là Trùng Dương, lều cỏ dựng ở Yên Hà động, được quý vị hạ cố gọi đến đây hội kiến, thật hôm nay là một cơ vinh hạnh trong đời.
Năm vị thủ lĩnh Bào Ca không hẹn mà cùng đứng lên tái mặt.
Châu Bá Thông thấy dáng điệu của họ bắt tức cười, thầm nghĩ:
- Sư huynh ta từ khi Hoa Sơn luận kiếm, chiếm quán quân trong chốn võ lâm, cả Nam Đế, Bắc Cái, Đông Tà, Tây Độc còn phải bị loại, sá gì cái bọn láu cá của chúng bây? Đừng có chộn rộn mà khổ!
Táng Môn Thần Ân Văn Thiên hỏi lớn:
- Đạo trưởng có phải là Giáo Chủ Toàn Chân Giáo đã chiếm ngôi Thiên hạ đệ nhất võ công tại Hoa Sơn luận kiếm đó chăng?
Trùng Dương chậm rãi đáp nói:
- Chuyện ấy quả có như vậy. Song danh hiệu Thiên hạ đệ nhất võ công thật bần đạo thẹn mà không dám nhận, chẳng qua các bằng hữu thương tình mà gọi thế thôi.
Thấy Trùng Dương thái độ ung dung, quả không hổ danh tôn sư của phái võ thuật đang lừng danh trong thiên hạ.
Các lãnh tụ Bào Ca lượng sức mình, không thể cùng đối phương qua được hiệp đầu, nếu mạo hiểm giao tranh chắc chỉ sẽ rước lấy thảm bại.
Nhưng trong tình thế lỡ làng, họ khẽ liếc nhau, chưa biết phải đối phó ra sao?
Thần Toán Tử Tần Lảng vụt cười lanh lảnh:
- Đạo trưởng thật quả danh bất hư truyền, cái bang hội nhỏ nhít của chúng tôi trong chốn giang hồ chắc chắn là không thể nào có trong đôi nhãn quan biễu hiện bản lãnh phi phàm của vị đại tôn sư. Hà hà...
Biết đối phương ám chỉ mình chặt đầu gà, cự tuyệt sự kết giao, Trùng Dương bắt cười thầm và thản nhiên trả miếng:
- Chư vị nói thế e quá đáng đi chăng? Thật ra đối với quý hội, anh em bần đạo đã dành nhiều ý tốt.
Day qua Bá Thông, vị chưởng giáo Toàn Chân nói tiếp:
- Tệ sư đệ của bần đạo đây từ xa mới đến dã được người của quý hội mời tiếp ba mươi đồng một cuốc xe, hai trăm đồng nghe vài tiểu khúc.
Chúng tôi là kẻ xuất gia xem phú quý như phù vân với số tiền nho nhỏ ấy kể chẳng có chi. Song chắc người của quý hội không khỏi xem chúng tôi như một chú cừu non. Âu cũng là cách dạy khách của người quân tử.
Trong khi vừa nói đến đó, Châu Bá Thông vụt tiếp theo:
- Quả là thúi hoắc!
Lời lẽ nhẹ nhàng châm chọc của Trùng Dương, đã làm cho các lãnh tụ Bào Ca đỏ mặt lên vì nhục nhã, tiếp theo bốn tiếng của Châu Bá Thông, làm cho mặt họ từ đỏ bỗng xống màu tái ngắt, giận run.
Thiết Hồ Lô trầm giọng:
- Vị tôn huynh họ Châu này là sư đệ của Chưởng giáo chân nhân, võ công chắc cũng tương đương mức đó. Chúng tôi là bọn thô lậu quê mùa, nhưng cũng xin với châu huynh lãnh giáo.
Châu Bá Thông thấy bọn họ hầm hầm muốn ăn thua với mình, thật là một việc chàng ta đang muốn mà chưa được.
Song vì nhớ tới điều kiện đã giao chịu với sư huynh nên do dự ngó chừng ông anh nghiêm khắc.
Trùng Dương nạt Châu Bá Thông mà giống như là nạt luôn cả bọn Bào Ca:
- Sư đệ! Cấm không được với người đấu khẫu và càng không được với người động thủ, nghe chưa!
Và day qua các lãnh tụ Bào Ca:
- Chư vị thách thức làm chi! Tệ sư đệ vốn người có lỗi, hôm qua đây lại đắc tội với người anh em của quý hội, dám đâu cùng chư vị tranh tài.
Thiết Toán Bàn cười lạt:
- Thế thì, có lẽ Vương đạo trưởng muốn chỉ giáo chúng tôi chăng?
Trùng Dương mỉm cười:
- Đâu dám! Bần đạo cùng với chư vị ngày xưa vốn không cừu oán? Ngày nay lại chẳng thù hận thì nói chi đến chuyện can qua? Tới mức đối văn, thì kể cũng quá rồi, đâu dám cùng nhau tỷ võ?
Năm vị thủ lãnh Bào Ca cùng nói:
- Như thế nào thì gọi là đấu văn, đạo trưởng cứ tự tiện nêu lên?
Trùng Dương cười ha hả:
- Tống Đại khai quốc hoàng đế Triệu Khuôn Dẫn, sau khi thống nhất sơn hà, có bày ra một trò vui gọi là Chén rượu tuyển binh, trong cuộc hội kiến của chúng ta, ngại chi lại chẳng mở ra trò ấy?
Năm vị lãnh tụ Bào Ca lạ lùng hỏi lại:
- Thế nào gọi là Chén rượu tuyển binh?
Trùng Dương nhìn quanh khắp sãnh:
- Trong lúc bất ngờ, rượu chưa có, thôi hãy thế trà vậy?
Vừa nói, ông vừa bước lên cầm lấy bình rót đầy ba chén.
Quần hùng của hội Bào Ca còn đang ngơ ngác.
Trùng Dương đã bưng hai chén trà để lên hai bên chót vai, và một chén đặt ngang lần búi tóc trên đỉnh đầu, sau đó, chân phải đứng yên, chân trái đưa ra quây suốt một vòng, sàn gạch trong sãnh đường lún sâu thành một vòng tròn, bề trực kính có hơn một trượng!
Bọn cao thủ Bào Ca, thấy công lực xuất phát từ mũi chân của chưởng giáo Toàn Chân, bấy giờ nhìn nhau kinh hãi.
Sau khi vẽ xong vòng, Trùng Dương đứng ngay chính giữa mỉm cười:
- Bây giờ bần đạo đứng trong vòng này, hầu tiếp cùng quý vị một ít môn quyền thuật. Chư vị cứ từng người hay là cũng một lượt dạy cho cũng tốt. Lẽ tất nhiên bần đạo sẽ với hai bàn tay không bồi tiếp.
Nếu như cử khai chiêu thế, một chung trà đổ xuống kể như đã bị thua và nếu như đã bị thua, và nếu như bị lăn ra khỏi vòng, cũng coi là bại cuộc.
So tài với nhau bằng cách này quyết không hiểm nguy đến tính mạng, đối với chư vị càng không mảy may thương thế nào cả, không biết quí vị có bằng lòng cách đấu này không?
Nghe qua cách thức giao đấu của Trùng Dương, quần hùng Bào Ca hội vừa kinh ngạc vừa tức.