Thương Diện Hổ bèn lên tiếng:
- Đại ca, theo ý của đệ suy đoán thì tên đạo sĩ chúa ấy không cậy vào một môn võ học đơn độc mà nhất định là có tà thuật. Nếu chẳng thế thì gã làm sao lại dám nói chẳng cần dùng đao thương khí giới lại có thể lấy sanh mạng toàn anh em chúng ta? Vừa rồi y dùng chưởng đánh trên mặt hồ, nhận chìm thuyền đĩnh của bọn mình, chẳng hiểu có phải là pháp thuật hay chăng?
Thường Thông như bàng hoàng sực tỉnh, gật đầu đáp lia:
- Phải! Phải! Chúng ta nên tìm phương pháp phá tà thuật bàng môn là có thể đối phó tên đạo chúa ấy ngay.
Nếu luận về võ công, ta không tin là tất cả hai ngàn anh em của thủy trại chúng ta lại chẳng thắng nổi một mình y sao? Đâu có dễ dàng rơi nhào trong tay y được?
Nói xong liền phân phát thủ hạ, giết vài con chó đen, dùng túi da đựng lấy máu chó rồi chuẩn bị thêm một số vật nhơ uế của đàn bà. Sau đấy điểm tất cả nhân mã trong toàn trại, kéo rốc trên hai ngàn tặc nhân, chúng chia nhau ngồi trên hai trăm chiếc tiểu thuyền tiến về phía trấn Ô Kiều.
Bọn cướp khởi hành vào lúc rạng đông, thuyền cặp bờ hồ thì đã giữa trưa.
Bạch Các Hổ Thường Thông hạ lịnh cho đồng đảng hùng hổ kéo nhau lên bờ, sắp thành đội ngũ tề chỉnh, chẳng gặp một sự cản trở nào. Hiu hiu tự đắc, rần rộ kéo nhau vào thị trấn.
Một thời gian sau thì đoàn quân cướp đã đến bên ngoài thị trấn, bỗng bọn chúng chợt thấy trên khoảng đất trống ở ngoại ô thành Ô Kiều, cắm đầy những ngọn sào tre tua tủa chọc thẳng nền trời, lại có một nho sĩ áo xanh xếp bằng tròn ngồi bình tĩnh
phía trong rừng sào tre ấy.
Thương Diện, Xích Mao hai hổ vừa trông thấy dạng người ấy liền tru tréo la to:
- Chu choa? Tên đạo sĩ chúa kia quả to gan lớn mật, y dám ngang nhiên ngồi một mình nơi đây để đón chờ chúng ta.
Bạch Các Hổ Thường Thông quát lớn:
- Tên mắc dịch này chàng hiểu định giở thói quỉ gì nữa? Đằng ta đâu, mau xông tới, bầm nát nó như tương cho ta!
Bọn cướp hò hét xông lên, đao thương sáng ngời định tiến tới tấn công.
Thương Diện Hổ vội ngăn lại và nói:
- Khoan đã, gã dùng thứ sào tre ấy để ngăn trở chúng ta, sợ e là yêu thuật gì đấy?
Thường Thông liền tỉnh ngộ ngay bèn la lên:
- Phải đấy! Tên yêu đạo chắc định giở tà thuật, mau đem máu chó, đồ dơ ra đây!
Mấy tên lâu la tay xách túi da đựng máu chó vội tiến lên, mở ngay miệng túi, rải máu chó khắp khoảng đất trống để trừ tà thuật, lại có tên đáng buồn cười hơn nữa, dùng ngọn thương bêu đồ dơ của phụ nữ, reo hò luôn miệng, phân ra bốn phía tấn công vào rừng sào tre.
Rừng sào tre của Hoàng Dược Sư bày bố kia vốn là kỳ môn bát trận, ngũ hành sanh khắc, cùng với sự bố trí trận đồ trên Đào Hoa đảo chẳng khác nhau mấy.
Chàng nhìn thấy bọn cướp ngu dốt đem thuật số kỳ môn bát trận của mình liệt vào hàng yêu pháp, tưới máu chó, quăng đồ dơ tạo thành một cảnh tượng hỗn loạn, trông rất buồn cười.
Nhưng chàng vẫn ngồi yên nơi đấy, ung dung tự tại chờ cho bọn cướp tiến sâu vào trận, lập tức trận đồ diễn thành một màn hài kịch thú vị hiếm có.
Thì ra Thương Diện Hổ, Xích Mao Hổ thống lãnh trên hai trăm tên cướp, đầu tiên xung trong vào rừng sào tre.
Nào ngờ vừa mới chui vô, miệng đã kêu khổ liên miên. Vì những sào tre ấy, khi đứng bên ngoài nhìn vào, thấy thưa thớt trống trải, xuyên qua chẳng mấy khó khăn, nhưng khi đã bước chân vào trận, thì môn hộ điệp trùng muôn lối, khắp nơi trước mắt đều là sào tre khít rịt, mường tượng như lọt vào tấm lưới tre khổng lồ.
Bất luận bọn chúng, luồn sang Tây, len qua Đông, chui tới bò lui, rừng sào tre phảng phất như mênh mông chẳng dứt, càng lúc càng nhiều, mấy trăm tên cướp loanh quanh trong rừng tre, chạm mặt, đụng đầu mãi nhau mà vẫn trước sau không có thể thoát ra được, tựa như bầy cá dại vào lờ, lội tới lội lui, rốt cuộc vẫn lẩn quẩn trong vòng lờ, không phương lội nổi ra ngoài.
Bọn chúng biết chuyện chẳng lành, càng quýnh quít cả lên, đám giặc cướp ngu dốt ấy làm gì biết kỳ môn bát trận ra sao?
Cứ đinh ninh Hoàng Dược Sư thi thố pháp thuật, mà đại phàm môn học kỳ môn bát trận này hễ càng rối trí lại càng hoa mắt hơn thêm.
Người trong vòng trận, mê tâm hoa mắt đã đành chí như Bạch Các Hổ Thường Thông cùng một số người đứng bên ngoài trận, thấy đồng bọn của mình sau khi vào thì kỳ bí thay nơi miếng đất trống trước rừng sào tre, bỗng mù mù mịt mịt như bị mây mù bao phủ khắp khoảng rừng tre và trong đám mây mờ kia bóng người thấp thoáng lui tới lăng xăng.
Thường Thông và đám thủ hạ không khỏi kinh hãi la lên:
- Không xong yêu thuật! Yêu thuật!
Trong lúc mọi người kêu la om sòm cả lên thì Hoàng Dược Sư từ trong trận rừng trúc ung dung bước ra, kê ống ngọc tiêu vào miệng, thổi lên khúc "Thiên Ma Vũ Khúc".
Tiếng tiêu vừa thoát ra, tiếng huyên náo lập tức im bặt, người thì mắc kẹt trong vòng trận, lẫn người đứng nhìn bên ngoài, tên nào cũng im chân xuôi tay nghển cổ lắng nghe giọng tiêu trầm bổng.
Tiếng tiêu càng lúc càng du dương thúc giục người nghe càng như say mê thoát tục, bao nhiêu ý niệm ác hung hoàn toàn bị giọng tiêu hoán cải sạch trơn, trên mặt mọi người hiện ra nụ cười lương hậu.
Độ giây lâu sau mỗi tên cướp như không còn tự chủ được, tên nào cũng hoa chân múa tay nhãy loạn xị cả lên.
Ban đầu thì vỗ tay đánh nhịp, nhưng tiếng tiêu quái ác càng lúc càng dìu dặt lại càng mau, chân tay của bọn thủy khấu như bị giọng tiêu lôi cuốn, múa may quay cuồng, cười lên sằng sặc, mỗi lúc múa nhãy lại nhanh thêm, không còn ra nhịp điệu bộ pháp gì cả, rồi lăn quay nhau dưới đất, lật lên lộn xuống, gồng mình uốn lưng, làm đủ trò kỳ lạ như lối vũ man rợ của dân mọi ở tận rừng sâu, có kẻ không chịu nổi với giọng tiêu quá kích thích, chúng rú lên những tiếng rùng rợn, hoặc nắm cả tóc mình giựt bừng bực hay cười rống lên như bị cù lét, xé toạt cả áo quần trên bản thân, đứng bên ngoài nhìn vào, ta có thể mường tượng như đang lạc vào thế giới cuồng loạn của người điên.
Điệu Thiên Ma Vũ Khúc của Hoàng Dược Sư vừa tấu, lợi hại phi thường. Thật là nhạc khúc có ma lực câu hồn hiếp phách có thể khiến cho người mê tâm loạn trí, mất cả tánh thường. Lúc ở Hoa Sơn luận kiếm, Xà trận của Âu Dương Phong còn bị tiếng tiêu chàng tấu lên đến phải quay múa đi loạn cơ hồ tan bầy rắn, huống chi đám thủy khấu phàm tục kia?
Nên khi giọng tiêu của chàng mới trỗi lên nửa khúc của nhạc điệu Thiên Ma Vũ Khúc, là bọn cướp đã nổi cơn phong điên, nhãy cỡn, múa loạn cả lên suốt mấy giờ đồng hồ không nghỉ. Tên nào tên nấy mệt đến há hốc mồm ra mà thở, cho đến sức mòn lực kiệt, mới nằm ngay đơ trên mặt đất, chân tay không còn đủ sức để mà giở lên.
Hoàng Dược Sư nhìn thấy bao nhiêu đồng đảng của bọn Ngũ Hổ Thái Hồ, đều nằm la liệt trong, ngoài rừng tre chàng mới ngừng tiếng tiêu lại, cất tiếng cười ha hả, rồi từ trong Kỳ Môn Bát Trận lững thững bước ra, rảo bước trở về thị trấn, bảo bá tánh trong chợ rằng:
- Bao nhiêu tên cướp đều bị tôi cầm chân cả rồi, chúng nó đang nằm đợi trói tại nơi đám sào tre mà các vị đã thấy tôi cắm lúc nãy đấy. Các vị mau đem dây thừng ra trói bọn chúng đem về đây.
Bá tánh trong Ô Kiều từ sau khi Hoàng Dược Sư mượn năm trăm cây sào tre, bày thành trận pháp, tuy vẫn mua bán làm ăn như thường. Nhưng người nào cũng phập phồng áy náy chẳng yên. Bọn họ không làm sao tin được với năm trăm cây sào tre tầm thường lại có thể ngăn chống được đám giặc cướp hung hăng.
Nên khi đoàn thủy khấu la hét vang trời kéo đến bên ngoài thị trấn, dân cư trong thành sợ quýnh đến phân tiểu bắn vọt ra trong quần, nhưng chỉ thoáng một chút sau tiếng chém giết bỗng ngưng bặt, rồi bên ngoài thị trấn lại vẳng vang tiếng tiêu thâm trầm nảo nuột, dần dần cao vút, khích động như thiên binh vạn mã dập dồn bóng câu.
Mọi người đang phân vân kinh ngạc thì một chốc sau Hoàng Dược Sư ung dung trở về bảo là bọn cướp hoàn toàn xuôi tay chịu trói.
Ai nấy nửa tin, nửa nghi, liền phái vài người can đảm nhất trong đám, ra bên ngoài quan sát sự thật thế nào?
Một lát sau bọn họ trở về báo cáo cho mọi người biết, nơi đám rừng sào tre lúc nãy, quả đúng như lời vị khách họ Hoàng vừa nói, bọn cướp nằm ngổn ngang khắp nơi, khí giới la liệt cùng đất, chẳng tên nào buồn cầm đến.
Bá tánh nghe nói mừng như trút được gánh nặng ngàn cân, gánh dây vác thừng, hăm hở kéo nhau tới trận địa.
Hoàng Dược Sư trước tiên bước thẳng vào trận, nhổ ngay tất cả sào tre lên, triệt tám Kỳ Môn Bát Trận, sau đấy mới ra lịnh mọi người trói bọn cướp thành xâu dắt về chợ.
Buồn cười cho đám đồ đảng năm cọp Thái Hồ vì bị tiếng tiêu lôi cuốn, nhãy múa quá độ tên nào cũng bị tinh lực hư thoát ra ngoài, kiệt sức mềm nhũn như bún thiu, tha hồ cho mọi người trói buộc, không còn đủ sức mà vật mình ngồi dậy đừng nói chí là vùng vẫy.
Hoàng Dược Sư nhờ mọi người trong trấn, thiết lập một chỗ ngồi nơi khoảng sân trống nơi giữa chợ, dẫn đám người Ngũ Hổ Thái Hồ cùng tất cả đầu mục lớn nhỏ của bọn cướp tập trung nơi đấy. Còn chàng cùng Võ Trọng Thuấn và vài vị hương lão trong trấn bắt ghế ngồi vào giữa sân, đón sau mọi người dắt tên đầu lĩnh của dám thủy khấu đến.
Bạch Các Hồ Thường Thông cùng bốn anh em bị xô xấp trước mặt Hoàng Dược Sư, năm người đưa mắt lườm nhìn Hoàng Dược Sư chớ chẳng chịu quì xuống.
Hoàng Dược Sư "hừ!" nhạt một tiếng và nói:
- Quân cướp chó kia, ta hứa là không thèm dùng khí giới, chẳng động đến quyền cước tay chân mà có thể sanh cầm bọn bây như trở bàn tay. Lời hứa ấy chẳng chút sai ngoa, bọn bây đã sáng mắt chưa?
Thường Thông quắc nhìn Hoàng Dược Sư rồi ngoảnh đầu chỗ khác chẳng đáp.
Hoàng Dược Sư lại lên tiếng:
- Sao Bọn ngươi chưa chịu phục đấy à?
Yên Chi Hổ Tử Tứ Anh bỗng mắng to:
- Chẳng biết liêm sĩ! Mi bất quá chỉ cậy một chút pháp thuật tồi ấy mà sanh cầm được chúng ta, đâu phải mi dùng võ công chân chánh mà đánh ngã bọn ta đâu? Dù có đem chúng ta giết chết vị tất đã phục mi?
Hoàng Dược Sư cười to lên và nói:
- Bọn chúng bây ngu xuẩn đến đáng tội? Ngu quá là ngu!
Cười xong chàng liền sầm ngay nét mặt bảo:
- Với những đầu óc ngu độn như heo của chúng bây, dù rằng ta cố tốn công giải nghĩa cũng chỉ tốn nước miếng mà thôi! Chúng bây tưởng là ta dùng pháp thuật thật sao?
Bạch Các Hổ Thường Thông không chút suy nghĩ đáp ngay:
- Người có tâm hảo hớn cứ thả chúng ta ra, ngươi và ta cứ một đấu một, kẻ đao người thương hay ta quyền người cước, lấy chân bản lãnh để đấu chọi nhau quyết định hơn thua. Nếu quả như chúng ta không địch lại ngươi, lúc ấy dù chết anh em ta cũng chẳng dám oán!
Hoàng Dược Sư cười ha hả nói:
- Lấy một chọi một! Hừm! Loại nhãi méo như chúng bây đâu có xứng ta ra tay?
Ông quay sang bảo tráng đinh đang đứng hầu hai bên, ra lịnh:
- Cứ mở giây trói thả năm tên cẩu tặc ấy ra!
Mọi người không khỏi giật mình kinh hãi, cho đến Ngũ Hổ Thái Hồ cũng không kém ngạc nhiên, quên cả mừng rỡ.
Hoàng Dược Sư lại lên tiếng:
- Ta dùng kỳ môn thuật số bắt sống bọn mi. Nhưng bọn mi đần độn như heo hầm, có biết là Khỗng Minh trận đồ đâu, nên cứ đinh ninh là ta dùng pháp thuật! Ta khoan hồng đại độ đến cùng, thả năm anh em bọn mi ra tự do, giao trả cả binh khí đàng hoàng, chấp tất năm người cùng đấu tranh một mình ta. Như vậy chết cũng mát lòng phải không?
Võ Trọng Thuấn ngồi phía dưới Hoàng Dược Sư hoang mang lên tiếng hỏi:
- Hoàng tướng công, như... như...như cái bọn ma đầu này chẳng nên cởi trói cho chúng, vì thả chúng nó khác nào thả hổ về rừng, di họa vô cùng cho lương dân. Kẻ quân tử là trọng đức hành thiện nhưng khi trừ ác phải trừ cho sạch.
Y còn định tràng giang đại hải để lý thuyết thêm, thì Hoàng Dược Sư đã cười to gạt ngang:
- Những phường giá áo túi cơm này. Hoàng mỗ tuy bất tài cũng chẳng xem chúng thấm vào đâu! Dẫu cho năm đứa cùng một lượt tiến thì tôi chỉ cần độc một bàn tay, cũng đủ sức cho chúng lăn quay trở xuống đất, năm tên bị thịt ấy làm sao thoát khỏi kẽ bàn tay của họ Hoàng nầy được.
Bọn Thái Hồ năm cọp, nghe Hoàng Dược Sư nói thế, giận đến chân lông dựng đứng, tay chân như muốn run lên.
Nhân dân Ô Kiều trấn, nghe Hoàng Dược Sư xài xể bọn chớp tồi tệ như thế không nhịn được đồng cười to lên. Mọi người đều tin tưởng ở bản lĩnh Hoàng Dược Sư.
Bạch Các Hổ Thường Thông vừa được tự do liền nhãy dựng lên quát lớn:
- Họ Hoàng kia ngươi hứa là chỉ một cánh tay để đánh bại chúng ta năm người lời ấy nói thật hay là chơi?
Hoàng Dược Sư cười nhạt đáp:
- Đại trượng phu nói ra là phải làm, đâu có lý nói xong lại nuốt lời được chứ! Cứ việc ra tay đi!
Chàng quay sang bảo tráng đinh trong trấn:
- Hãy đem khí giới ra giao trả bọn chúng!
Đám tráng đinh dạ lên một tiếng quay nhau chạy đi, một chốc sau đã vác năm món khí giới của Thái Hồ Ngũ Hổ vứt xuống trước mặt năm con hổ.
Bạch Các Hổ Thường Thông sử dụng một đôi "Điểm cang lang nha hổ", hình dáng cổ quái như một cặp nồi chơm chởm răng sói bằng gang phía bên trên.
Huỳnh Diện Hổ Tang Nhân thì cây gậy đuôi beo ba ngấn tên là "Báo vi tam tiệt bổng".
Xích Mao Hổ dùng cây đao có vân vảy cá, sống dày cộm gọi là "Ngư lân đao".
Thương Diện Hổ lăm le cây Nga Mi Thích.
Riêng khí giới của mụ cọp cái Yên Chi Hổ Tử Tú Anh thì rất đặc biệt, tay trái cầm cây đồng chùy "Thất tinh vận hoa biện", tay phải múa may một mặt thuẩn bài bằng đồng, hình dáng như trái tim người, trên mặt thuẩn lại tua tủa chín cái móc nằm ngược, sáng láng nhọn lểu.
Hoàng Dược Sư đối với những món binh khí kỳ quái của đám Ngũ Hổ, chẳng buồn để mắt đến, lại còn cười khinh thị và bảo:
- Cứ việc cầm khí giới ra tay cho rồi! Đừng diên trì một thời gian nào nữa, ta chưa có hột cơm nào vào bụng cả!