Lão tú tài thấy vậy không đành lòng: "Thập Cửu sao có thể đối xử với điệt phụ như thế, con muốn gì, ta là thúc thúc sẽ mua cho."

 

Ta gãi đầu, không dám nói ra.

 

Tiêu tiền của Dư Thập Cửu là chuyện thường, nhưng tiêu tiền của lão tú tài ta lại thấy ngại ngùng.

 

Ta nói: "Diễn thúc, hay là thúc giới thiệu cho con chút việc làm, con tự kiếm tiền cũng được."

 

Dư Thập Cửu cười lớn: "Ngươi mà đi làm, chắc chắn sẽ ăn hết của chủ nhà!"

 

Ta bực mình, lại đạp hắn hai cái. Nhưng người hắn cứng như đá, dường như chẳng hề hấn gì. Lão tú tài hỏi: "Cùng thê tử ta dệt vải chăng?"

 

Ta lắc đầu, làm sao ta biết dệt. Lão tú tài lại hỏi: "Vậy đi giặt thuê cho nhà giàu?"

 

Dư Thập Cửu nhéo một ngón tay ta lên: "Người xem bàn tay nàng mảnh mai thế này, biết giặt giũ gì chứ? Lần trước còn giặt rách cả y phục của mình."

 

Trước đó ta ngại không dám nhờ Dư Thập Cửu giặt nội y, ai ngờ tự mình giặt lại rách toạc ra. Từ đó về sau, ta chẳng giặt nữa, cứ để Dư Thập Cửu làm. Ta giặt quả thật hơi hao quần áo.

 

Lão tú tài nghĩ một hồi, bỗng reo lên: "Ta biết rồi! Điệt phụ biết chữ lại biết viết, hay là đến tiệm sách chép sách đi!"

 

26

 

Lão tú tài dẫn chúng ta đến tiệm sách. Ta viết chữ nhỏ rất đẹp, được ông chủ tiệm sách ưng lắm. Ông đưa ta mấy cuốn sách trống, bảo ta về nhà chép lại. Ta thấy bên cạnh có mấy tờ giấy nháp bỏ đi, bèn lấy vài tờ.

 

Mấy đồng tiền cuối cùng của Dư Thập Cửu coi như cũng xài rồi. Ta dùng hết để mua bút mực giấy nghiên. Ta vỗ n.g.ự.c bảo hắn: "Thập Cửu, từ nay về sau ta sẽ lo cho ngươi! Đợi ta chép sách xong sẽ mua bánh hạt dẻ cho ngươi ăn!"

 

Trên đường cõng ta về, bước đi của hắn như có thêm sức lực.

 

27

 

Từ khi có việc chép sách, ngày tháng của ta cũng đầy đủ hơn. Dư Thập Cửu làm ruộng, ta chép sách. Dư Thập Cửu nấu cơm, ta chép sách. Dư Thập Cửu giặt giũ, ta chép sách. Dư Thập Cửu đun nước tắm cho ta, ta... À, ta dùng giấy nháp viết thư cho phụ mẫu và huynh trưởng. Thực ra không hẳn là thư, chỉ là kể lể vài chuyện vụn vặt trong nhà, đặc biệt là những món ta được ăn.

 

Ta lấy dây buộc mấy tờ giấy nháp lại, còn đặt tên cho cuốn sách là "Hương Dã Bảo Giám".

 

Đợi có tin của họ, ta sẽ gửi cả cuốn sách này cho họ. Phụ thân ta từng nói, dù gặp chuyện gì cũng phải ăn uống ngủ nghỉ cho tốt. Nhìn thấy những điều này, họ sẽ biết ta sống ổn.

 

28

 

Vài ngày sau, lão tú tài lại vào trấn đưa sách. Ta đưa ông cuốn sách đã chép xong, nhờ ông mang đến tiệm. Nào ngờ tối đến, ta tìm mãi không thấy cuốn "Hương Dã Bảo Giám" của mình đâu. Quá lo lắng, ta lục tung cả căn nhà vốn đã chẳng có gì của Dư Thập Cửu.

 

Hắn bất lực nói: "Tổ tông, ngươi nửa đêm làm gì mà lục lọi nhà ta thế? Đồ của ngươi làm sao chui xuống đáy rương của ta được?"

 

Dưới đáy rương của hắn có một thanh đao lớn. Sáng loáng. Ta sợ quá lùi lại mấy bước. Rồi ta òa khóc: "Thư nhà của ta không thấy đâu nữa!"

 

Đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa ngoài sân, là giọng nói đầy phấn khích của lão tú tài. "Thập Cửu, điệt phụ! Cuốn "Hương Dã Bảo Giám" này là của các con sao? Sao lại đặt một cái tên diễm tình như vậy cho một cuốn sách dạy nấu ăn?"

 

"Cuốn sách này đang rất được ưa chuộng ở tiệm sách! "Từ nay về sau, con cứ chép cuốn này đưa cho ông chủ tiệm là được! Ông chủ còn nói sẽ tăng thêm tiền công!"

 

29

 

Tên này diễm tình chỗ nào chứ? Ta không phục, bèn hỏi. Lão tú tài cười lớn nói: "Trong tiệm sách ngoài sách học hành thi cử thì truyện diễm tình bán chạy nhất, cái tên ngươi đặt quả thực giống mấy truyện đó lắm. Còn có..." Còn có gì nữa?

 

Ông lật trang sách, tìm một đoạn đọc lên: "Phụ thân, mẫu thân, huynh trưởng, hôm nay con ăn đậu phụ trộn hành. Đậu phụ do bà góa đầu làng làm, người ta bảo đậu phụ trắng nõn giống như mặt bà ấy. Con lại không thấy vậy, đậu phụ rõ ràng giống cặp m.ô.n.g trắng mà con soi thấy ở bờ ruộng đêm hôm nọ hơn."

 

Ta gãi đầu, ngó nghiêng không nói gì. Dư Thập Cửu liếc ta: "Ngươi gọi đây là thư nhà?"