Vân Việt Vãng Sự

Chương 7: Cha ta thường nói, trong mọi người tất sẽ có người chỉ đạo

Việt Tiềm ngồi trước lò sưởi, gõ lên phiến đá chế tác công cụ. Ánh lửa chiếu lên mặt hắn, thần sắc vô cùng chăm chú. Thường phụ ngồi bên kia lò sưởi, đầu cúi thấp, lưng còng xuống, nỗ lực vá lại manh áo rách tươm trên tay, lông mày nhíu lại thành một đoàn. 

Gác lại phiến đá trong tay, Việt Tiềm nói với Thường phụ: “Không cần may lại nữa, không mặc được.” 

Thường phụ không chịu buông ra, trong tay vẫn bận bịu như cũ. Đây là cái áo duy nhất của Việt Tiềm, cũng không thể lúc nào cũng để trần cánh tay như dã nhân được. 

“Ta đã từng thấy Khương phụ lên núi hái dây gai, bảo là đang muốn đan thành vải bố. Ngày mai ta cũng sẽ đi hái một ít về.” Việt Tiềm nghĩ biện pháp làm sao để có thêm y phục. 

Khương phụ mà Việt Tiềm nhắc tới, là thê tử của Khương Ngoạt[1].

[1] “Phụ” của Khương phụ là trong “phụ nhân”, nghĩa là chỉ người phụ nữ; còn “phụ” trong Thường phụ ý là chỉ “phụ thân”, Việt Tiềm coi Thường phụ như cha nuôi.

Nô lệ ở bên trong Hữu uyển, chỉ Khương Ngoạt có thê thất. 

Cuối cùng Thường phụ cũng thả y phục trong tay xuống, ngẩng đầu nói với Việt Tiềm: “Chưa nói tới đan dệt, tiểu tử ngươi biết làm sao để chế tơ hay sao?” 

Việt Tiềm gõ xong phiến đá, lại xem xét trước ánh lửa, kiểm tra xem mũi nhọn có sắc bén hay không. Hắn trả lời: “Ta không hiểu, nhưng Khương phụ hiểu, ta có thể thỉnh giáo nàng. Cha ta thường nói, trong mọi người tất sẽ có người chỉ đạo.”

Thường phụ im lặng một hồi lâu, sắc mặt phiền muộn, nhìn về phía hài tử đã làm bạn cùng mình hai năm. 

Việt Tiềm thân trên trần trụi, hạ thân cuối cùng cũng chịu tròng lên một cái quần, mặc dù cái quần này cũng vô cùng rách rưới, sợ là ít hôm nữa cũng chẳng thể mặc tiếp được. 

Advertisement

Thường phụ không khỏi than thở: “Quốc quân chúng ta thật sự vô cùng oai hùng kiên quyết, chỉ trách trời cao không quan tâm che chở, thần linh cũng không muốn bảo hộ…” 

Trong mắt Thường phụ, Quốc quân Vân Việt Quốc cũng không phải hôn quân, dù quốc gia dưới sự thống trị của hắn bị địch quốc công hãm, tự mình cũng thân diệt quốc diệt. 

Việt Tiềm dừng một chút, sau đó đứng lên, đẩy cửa phòng đi ra ngoài. 

Thường phụ gọi với theo: “A Tiềm, đi nơi nào?” 

Bên ngoài truyền tới âm thanh của Việt Tiềm, càng nói càng xa: “Ta đi gọt thân trúc làm chuôi đao!”

Trước đây Việt Tiềm dùng thạch đao, sau lần bị Ngu quan quất ngày ấy, thạch đao cũng đã bị binh sĩ đoạt đi. 

Thường phụ hô về phía cửa: “Trời sắp tối rồi, đừng đi quá xa!”

Bên trong Hữu uyển, đâu đâu cũng có thú hoang, buổi tối đi ra ngoài một mình rất nguy hiểm. 

Việt Tiềm đã đi xa, không trả lời lại. 

Ánh lửa trong lò sưởi bập bùng nhảy lên, lúc sáng lúc tối. Thường phụ đứng dậy che cửa trúc đi, lắc đầu nói: “Không quản nổi, tiểu tử thối tính tình còn lớn hơn cả Quốc quân!”

***

Cách nhà tranh không xa, Việt Tiềm tìm được một rừng trúc nhỏ. Hắn không nóng lòng tìm trúc chế biến sẵn, mà ngồi trên sườn núi sinh trưởng đầy trúc dại, phát ngốc hồi lâu, mãi cho tới khi mặt trời sắp xuống núi. 

Hoàng hôn như lửa, vẩy lên thân người.

Việt Tiềm ổn định tâm tình xong, chuẩn bị làm việc. Hắn cúi đầu tìm phiến đá trong người, lúc giơ tay lên mới ý thức được mình đang nắm chặt mũi nhọn trong tay. 

Bóp chặt như vậy, mũi nhọn bằng đá cắt rách đầu ngón tay, người lại mãi chẳng phát hiện ra. 

Việt Tiềm cầm mũi nhọn dính máu, thoăn thoắt cắt đứt một đoạn trúc đã chế biến sẵn. Hắn sử dụng công cụ nguyên thuỷ vô cùng thuần thục, mà những nô lệ ở đây cũng chỉ có thể sử dụng đồ đá mà thôi. 

Độ sắc bén của phiến đá kém xa tít tắp so với kim loại, nhưng chỉ cần sử dụng thoả đáng, nắm được phương pháp, thì dùng đá cũng vô cùng tiện lợi. 

Việt Tiềm áng chừng phiến đá, sau đó mang theo đoạn trúc đã chế biến trở về nhà. 

Còn chưa đi tới cửa nhà, từ xa đã trông thấy Thường phụ đang đứng dưới một gốc đại thụ, ráo rác nhìn ngó xung quanh. Chắc là Thường phụ thấy hắn ra ngoài quá lâu mà vẫn chưa trở lại, sợ hắn gặp phải thú hoang, bèn đi tìm hắn. 

Việt Tiềm trông thấy Thường phụ, Thường phụ cũng vừa hay nhìn đến hắn, trách cứ: “Đã bảo ngươi đừng đi xa, ngươi đi nơi nào!”

Việt Tiềm không tức giận, trả lời: “Đi phía sau nhà.” 

Mặt trăng treo cao trên bầu trời đêm, lúc này Việt Tiềm mới phát hiện hắn và Thường phụ đều đang đứng dưới gốc ngô đồng kia. Nhìn cây ngô đồng, hắn lại nhớ tới chim Phượng nho nhỏ. 

Đã mấy ngày không thấy tung tích của Phượng Hoàng, hệt như biến mất, không còn tăm hơi. 

Nếu lần tới nó lại xuất hiện, vậy bắt nó lại, nuôi dưỡng bên trong lồng chim. 

Việt Tiềm nhất thời tối tăm, nảy sinh ra ý nghĩ như thế. 

***

Lúa nước nảy mầm, rất nhanh đã mọc ra lá cây màu xanh, lít nha lít nhít trên đồng ruộng. 

Từng cây mạ ươm giống trong nước được rút ra cẩn thận, đặt vào giỏ trúc, nhấc lên bên bờ ruộng lúa. Thường phụ dắt tay chỉ dạy Việt Tiềm làm sao để cấy mạ vào trong ruộng nước, Việt Tiềm học tập vô cùng nghiêm túc. 

Tộc nhân Vân Việt lấy gạo làm chủ thực, mặc dù trước khi bị bắt Thường phụ là quý tộc không biết lao động, thế nhưng cũng quen với quy trình trồng trọt lúa nước, còn có thể hướng dẫn cho các Nô nhân khác học tập. 

Hai chân Việt Tiềm giẫm bên trong ruộng nước, khom người cấy mạ, học vô cùng ra dáng. Hắn mặc áo mới được dệt từ dây gai, cái áo này được chế tác thô ráp, nhìn xấu vô cùng. 

Chăm xong một ruộng lúa non, Thường phụ chậm rãi ngồi dậy đấm cái eo già, vừa đấm vừa nhìn Việt Tiềm đang lao động ở bên cạnh. 

Thường phụ nghĩ thầm: Nếu tiểu tử này thật sự đi làm nông dân cũng không tệ chút nào, vừa tự do, còn có mấy phần hy vọng. 

Việt Tiềm tự mình cấy mạ, hai chân hai tay đều là bùn đất, đến trên mặt cũng dính không ít bùn. Ánh mặt trời chiếu xuống cánh tay không có gì che chắn của hắn, đỏ ửng một mảng. 

Mồ hôi trên mặt hắn đọng thành từng đường, chảy xẹt qua cằm, nhỏ xuống nước bùn trong ruộng lúa. 

Ruộng nước không lớn, hai người không hề có kinh nghiệm trồng trọt lao động khổ cực một phen, trước khi trời tối đã cắm một hàng mạ chỉnh chỉnh tề tề bên trong ruộng nước, không làm lỡ mất việc nhà nông. 

Việt Tiềm ngồi bên ruộng, nhìn cây mạ thưa thớt, có chút thất thần. Hắn nhớ tới ruộng lúa ở Vân Việt Quốc, một mẫu lại một mẫu, nằm san sát nhau hai bên bờ Vân thuỷ. 

Khi Việt Tiềm còn bé, từng theo cha huynh cưỡi thuyền rồng du lịch, nhìn thấy ruộng lúa màu vàng ở ven đường. Gió nổi lên, cây lúa đung đưa tựa cuộn sóng, đồ độ vô cùng. 

Ánh vàng khắp nơi, đây là ký ức về cố hương đã xa rời dương thế. 

Quá khứ xa xôi chẳng thể với tới, tựa như bị lôi kéo mà trở về, dường như là đang mơ. 

Thường phụ rửa chân xoa tay trong rãnh nước nhỏ, trên người đều là bùn, rửa xong mới quay trở về, thấy Việt Tiềm vẫn đang ngồi trên bờ ruộng. Mặt trời đã hơ khô bùn trên tay chân Việt Tiềm, mỗi khi hắn cử động lại nứt thành từng miếng, hệt như bị nẻ. 

Thường phụ đi tới, ngồi sát bên cạnh Việt Tiềm. 

Việt Tiềm giương mắt, hỏi: “Bây giờ gieo xuống, đến bao giờ mới có thể nở hoa kết bông?” 

“Nếu có thể sống sót, ước chừng sau một tháng sẽ bắt đầu trổ bông.” Thường phụ còn tưởng linh hồn nhỏ bé của hắn phiêu đãng tới nơi nào, hoá ra là suy nghĩ đến việc nhà nông.

Thường phụ nói tiếp: “Chờ cho trổ bông bền chắc, đợi hai tháng sau là có thể thu gặt bông lúa rồi.” 

“Cũng phải hơn ba tháng.” Việt Tiềm tính toán, hơn ba tháng sau, bọn họ có thể bắt đầu được ăn gạo. 

Từ khi bị bắt, đã hai năm hắn chưa từng được ăn gạo, tưởng như đã quên mất mùi vị của nó. 

“Hoa màu này lớn lên rất nhanh, khi trước Vân Việt Quốc chúng ta có Thanh Việt cốc, nơi đó một năm bốn mùa mưa móc sung túc, khí hậu oi bức, một năm có thể có tận hai vụ lúa nước.” Thường phụ nheo mắt, lộ ra nụ cười hiếm thấy, chậm rãi nói: “Người dân Vân Việt a hiểu nhất là trồng lúa bắt cá, chưa từng phải sầu não vì đồ ăn thức uống.”

Ruộng lúa liên miên, sông ngòi chằng chịt, sản vật dồi dào, đồ ăn của người Vân Việt vô cùng phong phú, chưa bao giờ phải chịu đói. 

Việt Tiềm lấy nắp ống trúc xuống, ngửa đầu uống nước đựng trong ống trúc. Hắn lao động chân tay phát mệt, uống cả một bụng nước, cảm giác đói bụng ngày càng rõ rệt hơn. 

Hắn đưa ống trúc cho Thường phụ, đứng dậy đi tới bên con nước nhỏ tẩy sạch bùn đất dính trên người, nhác thấy thân ảnh chính mình phản chiếu trên mặt nước lấp lánh, tóc tai bù xù, dáng dấp nghèo rớt mồng rơi, đã tập mãi thành quen. 

Hai năm trước, Việt Tiềm vẫn ở Vân Thuỷ thành, tóc hắn tuy cũng rối tung, thế nhưng đã có người tỉ mỉ quản lý thay hắn. Hai sợi tóc dài bên tai được tết thành bím tóc, khép lại buộc về phía sau, túm chung với tóc dài dư lại phía sau, dùng dây cột thật chắc.

Khi đó một đứa bé của Vân Việt Quốc đều để tóc thề, đến khi bắt đầu lớn hơn sẽ túm lại buộc thành búi, búi tóc tựa chuy, bởi vậy được gọi là truỳ kế[2].

[2] Truỳ kế: một kiểu búi tóc. “Chuy” — 椎 trong tiếng Hán cũng có thể gọi là chuỳ, truỳ.

Trâm ngọc cài vào truỳ kế, nam nữ đều có. 

Những nam tử quý tộc bình thường còn đeo vòng xuyến trên tay, có vàng có bạc. Trước khi bị bắt Việt Tiềm cũng có một chiếc vòng xuyến hình mãng xà bằng bạc, thường xuyên đeo trên cánh tay trái của hắn. 

Việt Tiềm thân là nhi tử của Vân Việt Vương, hắn có trang sức thinh mỹ, y phục hào hoa, trên đầu có dù che phú quý, dưới chân chẳng dính chút bụi bặm nào. 

Dùng sức xoa đi bùn đen trong khe ngón chân, lại vốc nước lên cần cổ và khuôn mặt đã đỏ ửng vì phơi dưới ánh mắt trời, Việt Tiềm ngẩng đầu lên, trong tay nghe được thanh âm đàm tiếu của những binh sĩ đang trông coi cách đó không xa. 

Ở phụ cận nơi ở của Nô nhân có một toà quân doanh, trong quân doanh có mấy chục binh sĩ trông coi nơi này. 

Quái thuỷ chảy xuôi qua con rạch trước mắt, khu vực ở ngoài là núi cao rừng rậm, mãnh thú trải rộng. Bọn họ thân ở nơi hoang sơn dã lĩnh này, mà những thú hoang chim chóc đó, cũng bị vây vào bên trong Hữu uyển. 

Sáng sớm mấy ngày sau, Việt Tiềm bị binh sĩ đuổi tới hạ lưu Quái thuỷ để bắt cá. Khi chân dẫm qua bờ con nước nhỏ, Việt Tiềm lưu ý thấy, mạ xanh đã kiên cường mọc thẳng trong ruộng nước, hài hoà tươi tốt. 

Ngày hè vừa khô vừa nóng, mặt trời chói chang treo cao trên đỉnh đầu, thiêu đốt vạn thế gian. Nô nhân bắt cá đầu đầy mồ hôi đứng túm lưới trên thuyền, phơi dưới ánh mặt trời bỏng rát, dưới tiếng giục giã của binh sĩ, đổ cơ man nào là cá tươi vào trong sọt trúc. 

Nô lệ hai người một tổ vận chuyển sọt trúc nặng trịch, đặt lên thuyền lớn. Đại thuyền này thu hoạch thật nhiều cá tươi, đưa tới bến tàu ở thủ đô Dung Quốc. 

Mỗi ngày trời còn chưa sáng đã phải xuống sông bắt cá, lao động gian khổ, mãi đến tận sau giờ Ngọ[3] mới ngừng lại. 

[3]: giờ Tý từ 23h00 – 1h00; giờ Sửu 1h00 – 3h00; giờ Dần 3h00 – 5h00; giờ Mão 5h00 – 7h00; giờ Thìn 7h00 – 9h00; giờ Tỵ 9h00 – 11h00; giờ Ngọ 11h00 – 13h00; giờ Mùi 13h00 – 15h00; giờ Thân 15h00 – 17h00; giờ Dậu 17h00 – 19h00; giờ Tuất 19h00 – 21h00; giờ Hợi 21h00 – 23h00.

Sau giờ Ngọ, thời tiết vô cùng oi bức. Mặt trời nóng rẫy, binh sĩ đều chui vào lều trại trong quân doanh, bên ngoài một bóng người cũng không thấy. Nô nhân cư trú bên bờ sông dồn dập đi ra hoạt động, bọn họ hái quả dại, nhặt cành khô, đi tới những nơi cỏ cây tươi tốt, lén lút lao xuống sông nhặt nhạnh vài con tôm cá. 

Việt Tiềm một thân một mình đứng ở rừng trúc khuất sau nhà tranh. Hắn dùng thạch đao tước thanh trúc mỏng, bện thành một cái lồng trúc thật chắc. Trong đầu hắn suy nghĩ kết cấu của lồng chim, ngón tay không ngừng tước trúc, không để ý đâm rách cả ngón trỏ tay phải, máu chảy ròng ròng. 

Đau đớn, nhưng cũng chẳng đau tới vậy. Chút đau ấy so với đòn roi kia thực sự chẳng tính là gì. Việt Tiềm che vết thương, đợi máu loãng không chảy nữa rồi lại tiếp tục làm việc. 

Sợi trúc nhiễm phải máu của hắn, bện thành lồng chim loang lổ vết máu. 

Hoàng hôn buông xuống, một cái lồng trúc đã hoàn thành. Việt Tiềm trở về căn nhà tranh của mình, ngẩng đầu nhìn con chim đang líu lo trên cành ngô đồng kia. Vẫn chỉ là một con chim Tước tầm thường. 

Phượng Hoàng xinh đẹp đã lâu không tới, tựa hồ cũng sẽ không bao giờ xuất hiện.