Tướng Dạ

Quyển 1 - Chương 42: Ngự sử Trương Di Kỳ hối hận

Vì sự nghiệp cao cả điều tra ngự sử Trương Di Kỳ lúc nào tới thanh lâu, vào thanh lâu xong đến chỗ cô nương nào, thời điểm nào thì ra về, suốt mấy ngày liền Ninh Khuyết đều lê la trong Hồng Tụ Chiêu, nhưng để che mắt người khác, tránh lưu lại manh mối, đại bộ phận thời gian hắn chỉ chơi bời đùa cợt.

Hắn và Thủy Châu Nhi ngày càng thân thiết, ngay cả những cô nương khác và đám sai vặt cũng quen với sự có mặt của hắn, họ đều biết tên thư sinh nghèo kiết xác này được Giản đại gia đối xử đặc biệt nên không ai dám có ý kiến gì.

Tuy bị Tiểu Thảo giả truyền thánh chỉ mà Ninh Khuyết không cách nào biến thành đàn ông, chỉ được cầm tay ôm ấp giả bộ với đám cô nương, đỡ hẳn khoản tiền chơi gái, nhưng dù sao, da mặt hắn có dày mấy đi nữa thì thỉnh thoảng cũng phải thưởng cho đám nữ tì, sai vặt mấy đồng, và thế là mấy ngày sau, trước sự giảm sút kịch liệt của ngân quỹ cửa hàng, Tang Tang đã sinh nghi.

Buổi tối trở về, đối mặt với sự chất vấn của cô thị nữ nhỏ, Ninh Khuyết tỏ ra hết sức hợp tác và thành khẩn, hắn kể lại tất cả những việc mình đã làm mấy ngày nay, đồng thời nói thêm:

- Không thể không đóng vai khách quen, nếu ngày sau trong thanh lâu xảy ra chuyện gì đó thì quan phủ mới không tập chung sự nghi ngờ lên người ta, ngược lại, nếu ta vừa tới lần đầu mà lão ngự sử kia bỗng lăn đùng ra chết thì nha môn không tới còng đầu ta mới là chuyện lạ.

Rồi hắn cười, nói tiếp:

- Khi mọi chuyện xong xuôi tất nhiên không cần tới đó nữa nên tất nhiên cũng không phải bỏ thêm tiền.

- Sao ta thấy giọng điệu của thiếu gia có vẻ tiếc rẻ lắm thì phải. - Tang Tang ngẩng khuôn mặt nhỏ nhắn lên nhìn hắn - Mà sau khi ngự sử đại nhân chết, nếu ngươi không tới thanh lâu nữa chẳng phải người ta càng nghi ngờ sao?

Ninh Khuyết giật mình nhận ra kế hoạch của mình đúng là có sơ hở, nhưng hắn không chán nản mà còn vui mừng, xoa xoa đầu nàng, nói:

- Nếu quả như vậy thì ngày sau đành tới đó thêm vài lần, ngươi xem chúng ta còn bao nhiêu tiền?

Tang Tang gật đầu quay người định đi làm công việc mà làm yêu thích nhất - đếm tiền, bỗng Ninh Khuyết nhớ ra một chuyện vội kéo nàng lại rồi móc trong người ra một hộp son phấn, do dự một lúc mới nói:

- Đây là đồ mà cô nương Thủy Châu Nhi trong thanh lâu gửi tặng, nàng... cũng không tệ lắm.

Thực ra để có hộp phấn này hắn phải chìa bộ mặt dễ thương nhất của mình ra xin xỏ Thủy Châu Nhi, xin về để vỗ yên Tang Tang, còn tại sao hắn phải kèm thêm câu đánh giá không tệ lắm là do sợ nàng khinh thường thân phận của các cô kĩ nữ nên khinh luôn đồ vật của họ.

Tang Tang lập tức chìa tay nhận lấy, khuôn mặt đen đúa tràn ngập niềm vui, đôi mắt lá liễu cười tít lại, nào đâu thấy cái gì có tên khinh ghét, nàng nói:

- Trước giờ vẫn nghe nói các cô nương trong thanh lâu đều có bí quyết làm đẹp độc đáo của riêng mình, thậm chí còn tốt hơn đồ của Trần Cẩm Ký nữa.

- Thích chứ? - Ninh Khuyết tủm tỉm nhìn nàng.

Hai tay Tang Tang ôm khư khư lấy chiếc hộp, nàng dẩu môi nhìn hắn không chịu đáp, nhưng nét mặt đã sớm bán đứng chủ nhân.

Đem cất chiếc hộp cùng chỗ hộp son phấn vừa mua ở Trầm Cẩm Ký mấy hôm trước xong, Tang Tang bưng chậu nước nóng tới cẩn thận rửa chân cho Ninh Khuyết, rũ sạch chăn chiếu rồi cởi áo ngoài chui lên giường, miệng lẩm bẩm mấy câu đại loại không được ôm chân thấy lạnh thật.

Đêm dần khuya, tiếng mõ cầm canh văng vẳng đâu đây, Tang Tang nằm một lúc vẫn chưa ngủ được, đôi mắt trong bóng đêm sáng ngời như hai viên ngọc đen, nàng ngơ ngẩn nhìn lên nóc nhà rồi bỗng mở miệng:

- Thiếu gia, vị ngự sử đại nhân kia chừng nào mới tới thanh lâu?

Ninh Khuyết cũng im lặng rất lâu mới đáp:

- Ngày mai.

Tang Tang không biết việc săn bắn trong thành Trường An còn nguy hiểm gấp vạn phần săn bắn trên thảo nguyên nên chẳng hề lo lắng đến an nguy của thiếu gia, ngược lại chỉ quan tâm đến mấy thứ vớ vẩn khác, nàng đưa tay túm chặt mép chăn, cúi đầu nhìn về phía bên kia giường, hỏi:

- Thiếu gia, nếu ngày mai vị ngự sử đại nhân kia chắc chắn phải chết, trước khi lão chết thiếu gia nên nói điều gì đó chứ?

- Phải. - Ninh Khuyết nhíu mày - Đối với loại chuyện báo thù rửa hận này, trước khi đối phương chết mà không cho hắn biết nguyên nhân vì sao phải chết thì không ổn lắm.

- Vậy hãy nói cho lão biết.

- Vì ngươi làm chuyện xấu nên ta phải thay mặt ông trời tiêu diệt ngươi? Nói như vậy có đơn giản và thiếu trang trọng quá không? Còn cách nói nào tương đối nghiêm trang hoành tráng hoặc kịch tính hơn không?

Tang Tang cau mày nghĩ ngợi, nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề, một lúc sau mới gật đầu một cái thật mạnh ra chiều tâm đắc:

- Thiếu gia, làm thơ đi.

- Thơ? Ta đâu có rành mấy thứ đó?

- Để ta viết một bài, thế nào?

- Được.

Tang Tang nghiêm túc đọc vài câu vừa nặn được, Ninh Khuyết cũng nghiêm túc lắng nghe và nghiêm túc nghiền ngẫm, một lát sau mới chân thành nói:

- Quả thật cô làm thơ giỏi hơn ta.

..................................

Là ngự sử thuộc Ngự Sử đài của đế quốc Đại Đường, hàm tòng lục phẩm, phụ trách giám sát trăm quan, đàn hặc kẻ có tội, tước vị tuy không cao nhưng quyền lực không nhỏ, lẽ ra ai được ngồi trên chiếc ghế đó cũng thấy hết sức thỏa mãn, nhưng Trương Di Kỳ lại chưa từng thỏa mãn, bởi lẽ mười ba năm trước lão đã leo tới ngự sử giám sát, đường làm quan rộng thênh thang, ai ngờ qua bao nhiêu năm gian khổ phấn đấu, đến bây giờ vẫn còn là một gã ngự sử vô dụng, có tiếng mà không có miếng.

Nhưng lão không dám oán giận, bởi chính lão biết rất rõ nguyên nhân vì đâu mà con đường làm quan của mình bỗng nhiên trắc trở như vậy - năm xưa sau khi kết luận vụ án Tuyên Uy tướng quân Lâm Quang Viễn, tốc độ thăng tiến của lão liền chậm hẳn, mà bảy năm trước vụ án giết sạch một thôn gần biên giới nước Yến được thẩm tra xong, lão được thăng từ chủ bộ Ngự Sử đài lên ngự sử theo hầu, đó là lần thăng quan cuối cùng.

Vì thân vương điện hạ và tướng quân Hạ Hầu mà lão đã nỗ lực hết mình, lẽ nào lại được trả công như vậy? Nếu bảo hai nhân vật lớn đó muốn giấu nhẹm sự việc xấu xa mờ ám năm xưa, vậy nhất định họ phải tìm mọi cách giết lão chứ không đời nào để lão sống lay lắt ở Ngự Sử đài, chẳng lẽ họ không sợ lão mang lòng oán hận rồi tung hê hết sự thật ra cho thiên hạ biết?

Để ngẫm ra nguyên nhân vì đâu con đường làm quan tắc nghẽn một cách bất thường, Trương Di Kỳ đã khổ sở suy nghĩ suốt hai năm, bốn năm trước lão đột nhiên bừng tỉnh, lúc đó mồ hôi ướt đẫm toàn thân.

Có thể đẩy một vị Ngự Sử đang lúc chói sáng nhất rơi xuống vực sâu, có thể nhẹ nhàng chặt đứt con đường lên trời thênh thang mà thân vương điện hạ và tướng quân Hạ Hầu dày công chuẩn bị cho lão đồng thời không để lại dấu vết can thiệp nào, khắp thiên hạ Đại Đường này chỉ có một người làm nổi - hoàng đế bệ hạ.

Trong mắt người đời, vị hoàng đế Đại Đường tuy không thể gọi là hôn ám nhưng so với các đời tổ tông quả thật có phần dè dặt nhu nhược.

Nguyên nhân của nhận định đó cũng khá hoang đường, bằng cớ rõ ràng nhất mà người trong thiên hạ nhất trí đưa ra chính là: từ khi bệ hạ đăng cơ, đế quốc không còn chỉ biết dùng các biện pháp thô bạo vô lễ đối phó với các quốc gia xung quanh mà bắt đầu dùng chữ lý để nói chuyện.

Tuy chữ lý lớn nhất vẫn nằm trong tay Đại Đường, nhưng nói thế nào thì nói, trong mắt đám dê béo và con tin, một kẻ cướp chịu giảng đạo lý vẫn là một kẻ cướp dễ thương.

Chỉ Trương Di Kỳ và tuyệt đại đa số quan viên trong triều biết vị hoàng đế bệ hạ của họ chưa bao giờ là người dè dặt nhu nhược.

Vấn đề của bệ hạ chỉ ở chỗ ngài yêu thích văn thơ thư pháp từ nhỏ, dưới tấm long bào ẩn chứa trái tim đầy chất thư sinh, do đó tính tình có phần lười biếng khoan dung.

Nhưng chung quy, bệ hạ vẫn mang họ Lý, vẫn mang trong mình dòng máu bạo ngược và kiêu ngạo của hoàng gia Đại Đường, nếu có kẻ dám chạm đến vẩy ngược của ngài, vậy hắn sẽ biết thế nào là cơn lôi đình của bậc đế vương.

Cả vụ Tuyên Uy tướng quân phản quốc và vụ thảm sát ở biên giới nước Yến đều được làm sạch sẽ, những điểm đáng nghi đều bị xóa bỏ, nhân chứng vật chứng không còn một mống, nhưng bệ hạ không hề tin tưởng kết quả điều tra của đám quần thần, ngài chỉ không có bằng chứng thôi, vì thế, tuy lúc ngồi trên ngai rồng bệ hạ cũng lười chẳng muốn lật lại những bản án đã phủ đầy bụi đó, nhưng đám quan viên khiến ngài nảy sinh lòng nghi ngờ thì cả đời này đừng mong thăng tiến.

Thân vương điện hạ là đứa em trai nhỏ mà bệ hạ hết sức thương yêu, Hạ Hầu là đại tướng mà bệ hạ ưa thích, bệ hạ có thể tạm tha thứ cho họ, nhưng một gã ngự sử như Trương Di Kỳ lão thì có tư cách gì?