Hắc Thủy Tiên tung bờm phi như tên, suốt từ bình minh tới giữa ngọ không hề dừng vó.
Trên mình ngựa, Khấu Anh Kiệt đã nhìn thấy lâu đài thành quách thấp thoáng phía xa xa.
Đường xá mỗi lúc một thêm đông đúc, ngựa xe, khách bộ hành hối hả ngược xuôi!
Suốt một năm ăn đất nằm sương bám theo con Hắc Thủy Tiên đi khắp núi non hoang mạc, nay gặp chốn dân cư sầm uất, Khấu Anh Kiệt thấy trong người thoáng đãng hẳn lên.
Tứ lang thành là một thị trấn nằm trên cửa khẩu huyết mạch thông thương giữa quan nội và quan ngoại nên rất sầm uất.
Thị trấn tuy không lớn lắm nhưng hàng hóa dồi dào, bán mua tấp nập, dọc các phố lúc nào cũng gặp đủ loại người các giới, đủ các sắc tộc...
Cư dân ở đây ngoài người Mông và người Hồi, chủ yếu là người Hán từ hai tỉnh Sơn Tây và Hà Bắc di cư đến.
Trong thời gian làm ăn với Mã Thiên Tích, Khấu Anh Kiệt từng nhiều lần tới đây nên không phải người xa lạ.
Ở phía bắc thị trấn có một khách điếm gọi là Cửu Lý Hương, chủ nhân là một người tộc Hồi, họ Mã, phía trước kinh doanh hàng ăn, phía sau có hai dãy nhà dành cho khách thuê trọ.
Vì diện tích mặt tiền không được rộng nên trong phòng căn chỉ kê một dãy bàn và hai hàng ghế mộc.
Gian phòng không thể nói là sạch sẽ tường vách nham nhở, loang lổ đủ màu, ốp lên mấy lớp giấy ghi thực đơn.
Đương nhiên một nơi như thế mà khách muốn hỏi các thứ đặc sản thì không có khả năng, rượu chỉ thuộc loại tầm tầm, đồ ăn vào loại bình dân, thức nhắm chỉ mấy món đơn giản mà hàng quán nào cũng có như thịt cừu, dê, bò, lợn...
Khấu Anh Kiệt gọi một bình rượu một cân thịt dê và một tô mỳ vằn thắn bắt đầu ngồi ăn.
Hắc Thủy Tiên được giao cho một tên tiểu nhị quen dắt vào tàu, còn cho một ít bạc vụn bảo hắn chăm sóc cẩn thận nên không gì đáng lo nữa.
Mấy hôm nay mất ngủ nhất là sáng qua tới giờ đi đường không nghỉ nên Khấu Anh Kiệt đã thấm mệt, ăn xong về phòng nghỉ ngơi.
Phòng trọ tuy không sang trọng gì nhưng có lò sưởi ấm áp.
Ngủ một giấc đến tối, chàng dắt Hắc Thủy Tiên rời Cửu Lý Hương tìm đến một người thợ rèn đóng móng ngựa và sắm yên cương.
Người ta nói người đẹp nhờ lụa, ngựa đẹp nhờ yên, mang đầy đủ bộ lẹ vào, Hắc Thủy Tiên trông càng lộng lẫy.
Không biết do ai truyền tin, rất nhiều người hiếu kỳ đến vây quanh Hắc Thủy Tiên xì xầm tán thưởng.
Có người tới gặp chàng trả giá mua, dăm bảy trăm lạng cũng có, một vài ngàn lạng cũng có, người trả cao nhất đến năm ngàn lạng bạc!
Ban đầu chàng cố giải thích rằng mình không có ý bán ngựa, nhưng sau người trả quá nhiều nên Khấu Anh Kiệt phải nói dối rằng đó không phải là Hắc Thủy Tiên.
Quả nhiên sau đó số người hiếu kỳ giảm đi không ít.
Trở về Cửu Lý Hương nghỉ ngơi thêm một ngày, chiều hôm sau chàng dong ngựa đến bến sông Thượng đô hà.
Con sông này bắt ngồi từ Hồ Nguyên, thượng lưu có tên Nhiệt hà, tới đây mở rộng ra.
Bến Thượng đô hà rất lớn, hai bên bờ dựng nhiều ngôi lều để hàng hóa, có cả quán nước phục vụ khách, cả hai bờ ồn ào náo nhiệt suốt ngày.
Khấu Anh Kiệt chỉ có ý đến xem cho biết vì tối mai mới là lúc Quách lão nhân hẹn gặp.
Chàng chợt để ý đến một lâu thuyền đi giữa sông.
Con thuyền rất lớn, có ba tầng, hai cột và bốn cánh buồm, sơn màu vàng rợp mắt trông rất sang trọng.
Có lẽ vì trọng lượng quá lớn không thể vào cạn nên con thuyền neo đậu một mình ở giữa dòng sông.
Trong khu vực bến sông, thuyền bè đi san sát nhưng chiếc lâu thuyền nổi bật thu hút sự chú ý của mọi người, như con công đứng giữa đàn gà.
Không riêng gì Khấu Anh Kiệt bị con thuyền hấp dẫn mà nhiều người hiếu kỳ tụ tập thành một đám đông nhìn ra lâu thuyền, thầm thì chỉ trỏ.
Không hiểu vì sao, chàng chợt nghĩ đến chiếc xe kiệu sơn vàng sang trọng trên sa mạc tối hôm trước và nhân vật bí ẩn trong kiệu.
Ánh nắng chiều rực rỡ chiếu lên con thuyền phản quang xuống nước thành muôn vàn sắc màu rực rỡ, trông ngoạn mục vô cùng!
Chúng nhân bàn tán phân vân.
Người nói rằng đó là thuyền ngự của một bậc vương hầu, kẻ bảo đó là thuyền của thân vương Mông Cổ nhập triều Trung Nguyên ghé qua.
Lại có người cho rằng đó là thuyền của một nhà đại thương lái tiền muôn bạc tỷ, còn có người quả quyết rằng đó là thuyền của Kim đại vương chủ mỏ vàng.
Chung quy lại dù đó là thuyền của chủ nhân nếu không là bậc vương hầu quyền quý thì cũng là đại phú gia!
Thuyền có ba tầng nên rất nhiều cả gấm rèm buông, ngọc châu óng ánh, mỹ miều vạn phần.
Thuyền dài tới bảy trượng, rộng ba trượng, không kém gì tàu biển, thỉnh thoảng mới gặp trên những con sông lớn.
Trên khoang đằng mũi thuyền có một chiếc lư đồng ba chân vàng chóe, khói nghi ngút bay lên.
Chợt chiếc lâu thuyền từ từ tiến vào bờ.
Lát sau từ trong khoang thuyền bước ra tám tên thanh y hán tử, khiêng hai tấm ván dài.
Tiếp đó còn một lão nhân thấp bé gầy gò bận áo lụa màu lam và một hoàng y hán tử, một tên gia nhân dát một con ngựa hồng.
Lão nhân này bộ dạng xấu xí, mặt dơi tai chuột, hai tay dài quá khổ nguều ngoài như tay vượn, lại khẳng khiu chỉ còn da bọc xương.
Trên cổ tay như cẳng gà đó của lão nhân đeo một chiếc vòng bằng ngọc bích, trông lại càng quái đản.
Khấu Anh Kiệt chưa bao giờ thấy nam nhân đeo vòng nên chàng để ý nhìn kỹ.
Sự xuất hiện của lão nhân là mất vẻ mỹ quan của chiếc lâu thuyền khiến chúng nhân tỏ ra khó chịu!
Tốp người đứng gần Khấu Anh Kiệt xì xào:
– Không biết lão quái vật kia từ đâu chui vào thuyền thế! Thật chẳng ra làm sao cả!
– Đúng là cú vào tổ công!
Thuyền cập bến, bọn thanh y hán tử bắc ván từ mạn thuyền vào bờ.
Hoàng y hán tử cùng lão nhân gầy bé xuống thuyền, sau đó tên gia nhân dắt ngựa bước lên ván.
Lên tới bờ, lam y lão nhân lập tức nhảy lên ngựa phi đi.
Hoàng y hán tử lướt mắt nhìn chúng nhân, sau đó trở về thuyền.
Bọn thanh y hán tử rút ván, lâu thuyền quay trở lại giữa sông.
Đám đông giải tán dần.
Khấu Anh Kiệt cũng quay về khách điếm.
Sau khi sai bảo điếm tiểu nhị chăm sóc ngựa xong, Khấu Anh Kiệt định lên phòng dùng bữa, chợt thấy bốn con ngựa hồng buông ngoài cửa điếm.
Khấu Anh Kiệt không để ý lắm, bước lên phòng ăn.
Thực khách không đông lắm, nhưng Khấu Anh Kiệt lại chú ý đến bốn vị khách ngồi cùng bàn, mặc áo da, trên trán chít một băng vải đỏ.
Chàng chợt nhớ tới kỵ đội hôm trước gặp ở sa mạc trước khi quá vãng cũng cưỡi ngựa hồng, mặc áo da, chít băng vải giống như bốn người này, chỉ là hôm đó chúng khác thêm một chiếc áo giáp chống tên.
Khấu Anh Kiệt chột dạ nghĩ thầm:
– Chẳng lẽ chúng là người của Thiết gia?
Điếm gia tỏ ra rất ân cần đối với bọn người này!
Bấy giờ đã vào giữa canh đầu, thường lúc đó nếu không đặt trước thì thức ăn còn rất ít, nhưng trên bàn của bốn tên hán tử đầy thức ăn ngon còn bốc khói và mấy bình rượu loại rượu hảo hạng.
Tửu gia xem mặt đặt hàng, câu đó quả không sai.
Ngoài bốn vị khách nhân này, trong phòng còn có mấy thực khách nữa đang dùng cơm ngồi tận trong góc.
Bốn tên này chiếm ngay bàn chính giữa ăn uống nhồm nhoàm, nói chuyện oang oang làm như trong phòng không còn ai khác nữa.
Khấu Anh Kiệt gọi mấy thứ đã đặt trước rồi ngồi ăn uống một mình.
Tuy chàng không muốn nghe chuyện người khác nhưng vì chúng nói quá to nên dội vào tai, không nghe không được!
Trong số đó thì tên hán tử mũi to và lựng như quả cà chua là to họng nhất.
Hắn cho vào miệng một tảng thịt lớn, hớp một hơi hết nửa bát rượu, đưa tay áo quệt miệng rồi khà lên một tiếng nói:
– Lần này được tổng tọa ban thưởng chúng ta hãy uống một bữa cho ra trò mới được!
Nghe hai tiếng Tổng tọa, Khấu Anh Kiệt nghĩ thầm:
– Mình đoán không sai, chính là bọn hôm trước, tiền kỵ vệ đội của Thiết gia!
Tên ngồi đối diện hỏi là một hán tử mặt dài như ngựa tiếp lời:
– Ai ngờ lão đầu đó lại chuyển sang nghề khai thác vàng, được mệnh danh là Kim đại vương? Lão chết đi những mỏ vàng của vùng Tây hạ lọt hết vào tay chúng ta chứ còn vào tay ai nữa?
Khấu Anh Kiệt nghĩ thầm:
– Chẳng lẽ chúng đang nói về Quách lão nhân?
Tên thứ ba tiếp lời:
Nghe nói hai mỏ vàng của lão mỗi năm sinh lời đến mấy chục vạn lạng, số tiền đó quả là không ít!
Tên thứ tư, một hán tử béo lùn góp giọng:
– Lão đầu Kim đại vương đó chẳng phải tầm thường! Nếu Tổng tọa không thân chinh xuất mã thì không ai xứng là đối thủ của lão ta đâu!
Tên mũi cà chua tỏ ý tán thành:
– Không sai!
Tên lùn mập bỗng hạ giọng:
– Nghe nói Tổng tọa ngày xưa đã từng bị lão đầu này ép bức ra khỏi khu tây bắc, hơn nữa trước đó đã bị nếm khổ đau của lão ta thế nên lần này Tổng tọa đến đây quyết tâm lấy lại thể diện!
Tên mũi cà chua cười nói:
– Đâu chỉ lấy lại thể diện? Chủ yếu là lấy tính mạng và cơ nghiệp!
Tên béo lùn lại không lạc quan như đồng bọn, thầm thì ra vẻ bí mật:
– Ăn được lão ta không phải dễ đâu! Các người biết đấy, từ Thất Lý Kiều về đây tổng tọa không hề bước ra khỏi xe kiệu!
Khấu Anh Kiệt nghĩ thầm:
– Chẳng lẽ người mà Quách lão nhân tìm để giải quyết ân oán chính là tên đầu sỏ họ Thiết nào? Như vậy là họ đã giao thủ xong và phần bất lợi thuộc về Quách lão nhân hay sao? Không sai! Tất cả những điều bọn này kể hoàn toàn trùng hợp với mấy câu thơ của Quách lão nhân, tìm người cũ giải oán cừu, Thất Lý Kiều...
Nghĩ tới đó, chàng bỗng lo cuống lên càng chăm chú lắng nghe!
Tên mũi cà chua hỏi:
– Thế nào? Người định nói rất Tổng tọa bị thương hay sao? Chẳng lẽ lão nhân gia Kim đại vương cho nếm khổ đau lần nữa?
Tên lùn mập nói:
– Ta không dám khẳng định như thế. Ta chỉ thấy thần sắc Tổng tọa không được bình thường. Sự thật là sau khi từ chỗ ước về, lão nhân gia liền vào trong xe và cho đến nay chưa bước ra khỏi đó lần nào!
Tên mặt ngựa nói:
– Không sai! Còn một điều nữa không biết các người có biết không, đại tiểu thư đưa ống nhổ và xe kiệu cho lão nhân gia, khi đem ra, lão đánh xe nói rằng lão thấy trong ống nhổ toàn những máu!
Tên mũi cà chua à một tiếng nói:
– Cái đó thì ta không nghe Hầu lão nhân nói nhưng điều có thực là đại tiểu thư đã khóc.
Một tên cất giọng văng tục:
– Mẹ nó! Thật là chuyện khó tin! Với bản lĩnh như Tổng tọa mà còn bị thương thì không biết Kim đại vương là loại người như thế nào?
Tên lùn mập hỏi:
– Người quên rằng Tổng tọa trước đây từng nói gì sao?
Tên mũi cà chua hỏi:
– Nói gì?
– Ta nghe lỏm được lão nhân gia nói rằng trong đời mình chỉ sợ ba người, một trong số đó là lão nhân cưỡi lạc đà!
Nghe mấy tiếng lão nhân cưỡi lạc đà, trong lòng Khấu Anh Kiệt càng thêm rúng động, bụng bảo dạ:
– Như vậy là đúng rồi! Lão nhân đào vàng, cưỡi lạc đà, Thất Lý Kiều, đó chính là Quách lão nhân chứ chẳng nghi! Như vậy là cừu nhân của ông ta chính là tên họ Thiết kia!
Chàng không ăn nữa ngưng thần lắng nghe.
Bên bàn kia, ba tên nghe câu nói đó của hán tử mặt ngựa đều lộ vẻ kinh dị.
Tên mũi cà chua nói:
– Người nói thế làm ta nhớ lại, đúng là Tổng tọa có nói câu đó, nhưng cách đây lâu lắm rồi!
Tới đó hắn cười hắc hắc mấy tiếng, tợp thêm một ngụm rượu lớn, gắp thịt bỏ vào miệng nhai vừa nhai vừa nhồm nhoàm vừa nói:
– Bất luận thế nào nhưng lần này thì lão tiểu tử đó nếu còn sống chẳng biết thân biết phận!
Khấu Anh Kiệt nghe nói biến sắc.
– Nghe khẩu khí của chúng thì Quách lão nhân đã gặp điều bất lợi.
Chàng ngồi nhấp nhổm bất yên, chỉ muốn hỏi rõ mọi chuyện nhưng không dám.
Tên mặt ngựa hỏi:
– Rốt cuộc thì lão tiểu tử đó có chết không?
Tên lùn mập nói:
– Chưa thể khẳng định được vấn đề này!
– Vì sao thế?
– Vì chỉ có một mình Tổng tọa đến điểm hẹn, ngay cả thiếu gia và tiểu thư cũng không được phép đi theo. Nhưng thiếu gia bí mật bám theo, về nói rằng lão tiểu tử đó đã bị giết chết. Chẳng lẽ các người còn nghi ngờ?
Ba tên kia vội nói – Đương nhiên là không!
Tên mũi cà chua nói thêm:
– Ta biết rất rõ tính thiếu gia, tuy kiêu ngạo và hơi ác một chiêu nhưng không bao giờ nói láo, một là một hai là hai. Thiếu gia khẳng định lão tiểu tử kia bị giết tất không sống nổi đâu!
Khấu Anh Kiệt nghe tới đó, chợt cảm thấy một cơn lạnh chạy dọc sống lưng.
Không hiểu sao chỉ mới gặp một lần rất ngắn ngủi, thậm chí song phương còn động thủ với nhau mà chàng quan tâm đến sự an nguy của đối phương như thế?
Tên mặt ngựa hỏi:
– Vậy thi hài hoặc đầu của lão ta đâu?
Tên mũi cà chua đáp:
– Thiếu gia đã đưa người đi tìm nhưng không thấy tử thi. Nghe đâu Ưng cửu gia trên lâu thuyền cũng phái trợ thủ giúp đỡ!
Tên lùn nói thêm:
– Nghe lão Hầu nói Ưng cửu gia đến chăm sóc cho Tổng tọa!
– Lão Hầu là người đánh xe cho Tổng tọa, đương nhiên phải biết nhiều chuyện bí mật!
Tên mặt ngựa hỏi:
– Lão Hầu nghe ai nói?
Tên hán tử ốm nhom từ đầu thỉnh thoảng mới tham gia vào câu chuyện, bấy giờ mới lên tiếng:
– Bất kể thế nào, bây giờ oán cừu của Tổng tọa đã báo, hơn nữa còn thu được cả cơ nghiệp của đối phương. Lão nhân gia có bị thương một chút đâu có quan hệ gì? Còn huynh đệ chúng ta được thưởng công mười lạng vàng, tiền đã lận lưng, bữa nay vui chơi cho đã đời một bữa!
Ba tên khác lập tức tán thưởng:
– Đúng thế!
– Ăn uống xong chúng ta sẽ đến thanh lâu tìm nữ nhân hưởng lạc một phen!
Câu chuyện trở nên sôi nổi hào hứng nhưng càng lúc càng tục tĩu.
Bốn tên hắc đạo vừa ăn uống nhồm nhoàm vừa cười hô hố, nói năng chẳng tiếc lời khiến cho những thực khách còn lại nghe phải đỏ mặt!
Khấu Anh Kiệt chẳng còn lòng dạ đâu mà nghe những chuyện nhảm nhí đó nữa, vội trở về phòng.
Chàng để nguyên cả quần áo nằm vật xuống giường, lòng đầy thương cảm.
Như vậy là Quách lão nhân đã gặp nạn!
Có lẽ đây là lần đầu tiên, Khấu Anh Kiệt thầm khấn cầu thần linh che chở cho một người đừng gặp phải hậu quả bi thảm nhất.
Chàng không tự hỏi vì sao đối với một người chỉ mới gặp lần đầu, không thể nói là có tình cảm gì sâu nặng lại khiến chàng đau thương trước tin người đó gặp phải điều bất hạnh.
Hồi lâu chàng mới bình tâm lại, đúc kết luận sau:
– Thứ nhất, Quách lão nhân còn có trác hiệu là Kim đại vương, có hai cơ sở khai thác mỏ vàng, nay đã rơi vào tay tên tổng tọa họ Thiết.
– Thứ hai, trước đây Quách lão nhân có mối oán cừu với tên đầu sỏ hắc đạo này. Hắn vốn là bại tướng dưới tay Quách lão nhân đến nỗi bỏ cả cơ nghiệp bản quán mà đi, lần này tới đây để đòi lại món nợ cũ.
– Thứ ba, hai địch thủ đã ước nhau quyết đấu ở khu vực Thất Lý Kiều. Mặc dù tên họ Thiết có nhiều thủ hạ nhưng vẫn tuân thủ luật lệ giang hồ không lấy nhiều thắng ít. Cuộc quyết đấu diễn ra không có người chứng kiến, có vẻ như đó là một cuộc đấu công bình.
– Thứ thư, kết quả của trận đấu là Quách lão nhân bị thua một cách thảm thiết, nhiều khả năng là đã chết. Ngoài ra tên họ Thiết cũng bị thương, theo bọn thuộc hạ thì thương thế của chủ nhân không nặng lắm, nhưng theo sự suy đoán của Khấu Anh Kiệt thì thương tích rất nghiêm trọng, nhưng có lẽ chưa nguy hiểm đến tính mạng.
– Kết luận cuối cùng là tuy Quách lão nhân đã chết nhưng không tìm thấy tử thi, đối phương đang cho người truy tìm.
Đối với Khấu Anh Kiệt thì đây là điều rất quan trọng, và từ đó mà chàng nuôi hy vọng rằng có thể Quách lão nhân chưa chết.
Chàng đi đến quyết định:
– Mình phải đến Thất Lý Kiều kiểm tra. Nếu Quách lão nhân đã chết thì tìm ra thi thể làm một nghĩa cử cuối cùng là an táng cho ông ta.
– May ra ông ta chưa chết mà chỉ bị trọng thương thì cứu thoát khỏi nơi hiểm địa, đó là nghĩa vụ không thể thoái thác.
Quyết định xong, chàng lập tức hành động ngay.
Khấu Anh Kiệt vội vàng sửa soạn hành lý, vừa ra khỏi phòng thì gặp tên tiểu nhị mang trà tới.
Hắn trông thấy gói hành lý trong tay Khấu Anh Kiệt liền hỏi:
– Khuya thế này khách quan còn đi đâu?
Khấu Anh Kiệt đáp:
– Hãy dắt ngựa tới đây, ta có việc ra ngoài một lúc.
Tên tiểu nhị không dám hỏi nhiều, liền dạ chạy đi!
Khấu Anh Kiệt gọi giật lại:
– Khoan đã!
Tên tiểu nhị quay lại hỏi:
– Khách quan còn sai bảo việc gì?
Khấu Anh Kiệt hỏi:
– Người biết đường đi tới Thất Lý Kiều không?
Tên tiểu nhị nhìn chàng đầy vẻ ngạc nhiên:
– Bây giờ mà khách quan định đến Thất Lý kiều sao?
Khấu Anh Kiệt gật đầu.
Tên tiểu nhị nói:
– Từ tiểu điếm cứ đi theo hướng nam, hết con đường rải đá thì tới một ngã ba, cứ rẽ phải đi một mạch là tới.
Khấu Anh Kiệt gật đầu hỏi tiếp:
– Đường đất chừng bao xa?
– Không gần đâu! Cho dù ngựa chạy nhanh thì cả đi lẫn về cũng phải mất sáu bảy canh giờ!
– Thôi được! Người đi lấy ngựa nhanh lên!
Tên tiểu nhị dạ một tiếng chạy đi!
Khấu Anh Kiệt đi thẳng ra ngoài cửa điếm.
Vừa tới cửa thì chợt nghe tiếng vó ngựa dồn dập, rồi một đoàn kỵ mã ào ào phóng qua làm khách bộ hành hốt hoảng chạy dạt sang hai bên đường.
Phía sau đoàn kỵ mã còn có chiếc xe kiệu sơn son thiếp vàng rất sang trọng, rèm gấm tua vàng.
Bốn bánh xe nghiến ken két trên đường đá cùng với tám vó ngựa rầm rập khí thế thật kinh nhân!
Khấu Anh Kiệt trong lòng bỗng rúng động nhận ra đó chính là chiếc xe kiệu của tên đầu sỏ hắc đạo họ Thiết mà mình đã gặp tối hôm trước ngoài sa mạc trước khi vào quan nội.
Rèm kiệu vẫn buông kín như trước, không biết tên họ Thiết có trong xe kiệu không?
Đoàn mã xa vào trấn vẫn không hề giảm tốc độ, chạy băng qua Cửu Lý Hương rồi hướng ra bờ sông!
Khấu Anh Kiệt ngơ ngẩn nhìn theo, không biết nên quyết định thế nào!
Đoàn mã xa qua được một lúc thì xuất hiện hai kỵ mã đều cưỡi ngựa trắng, chạy nước kiệu ngang qua cửa điếm.
Từ xa Khấu Anh Kiệt nhận ngay ra được hai người này.
Người đi trước chính là Thiết Mạnh Hùng, còn người đi sau vóc dáng yêu kiều nhỏ nhắn, trên mặt mang một tấm mạng trắng nhưng chàng vẫn nhận ra đó chính là Thiết Tiểu Vi!
Sau lần gặp hôm đó, Khấu Anh Kiệt thấy có tình cảm với thiếu nữ kiều diễm này!
Không hiểu do linh tính hay vì một lý do nào, khi con bạch mã đi ngang qua Cửu Lý Hương, Thiết Tiểu Vi chợt vén tấm mạng che mặt ra và trông thấy Khấu Anh Kiệt đứng ngay giữa cổng khách điếm.
Bốn mắt lại gặp nhau!
Có lẽ Thiết Tiểu Vi đã nhận ra chàng nhưng vì con ngựa đang đà chạy nhanh thoáng chốc đã lướt qua mấy trượng.
Thiết Tiểu Vi bất ngờ giật mạnh dây cương khiến cho vật dựng đứng hai chân trước lên hý vang, xoay đi một vòng.
Khấu Anh Kiệt còn nhận ra nàng quay lại nhìn mình, nụ cười diễm lệ nở trên môi, sau đó mới giục ngựa đuổi theo Thiết Mạnh Hùng.
Chàng ngơ ngẩn đứng nhìn theo...
Một lúc sau chàng mới trấn tĩnh lại.
– Bây giờ thì có thể khẳng định chủ nhân chiếc lâu thuyền trên bến Thượng đô hà nếu không phải là thuộc hạ của Thiết tổng tọa thì cũng có quan hệ rất mật thiết với tên đầu lĩnh hắc đạo này.
Khấu Anh Kiệt thầm suy tính:
– Tuy nói rằng địa điểm quyết đấu là ở Thất Lý Kiều nhưng không biết cụ thể nơi nào, bây giờ muốn tìm thi thể Quách lão nhân không phải là chuyện dễ.
Chi bằng đến bến Thượng đô hà mà chắc chắn đoàn nhân mã của Thiết tổng tọa sẽ tới đó, dò hỏi xem tin tức cụ thể rồi đến Thất Lý Kiều sau thì có kết quả hơn.
Vừa lúc đó tên tiểu nhị dắt Hắc Thủy Tiên đến, Khấu Anh Kiệt xua tay nói:
– Phiền người dắt ngựa trở lại tàu đi, ta không cần nữa!
Tên tiểu nhị ngẩn mặt nhìn chàng nói:
– Khách quan...
Hắn chẳng hiểu ra đầu cua tai ếch gì, giống như đang bơi trong vân vụ!
Thoạt tiên vị khách quan này hối hả thu dọn hành lý, sai hắn dắt ngựa để tới Thất Lý Kiều, chừng như có cấp sự gì đó. Nay bỗng nhiên giở chứng lại bảo không cần nữa!
Chẳng lẽ đầu óc vị khách nhân tuấn tú này có vấn đề gì?
Tuy vậy tiểu nhị thường có thói quen không căn vặn khách, vì thế hắn lẳng lặng dắt ngựa vào tàu.
Khấu Anh Kiệt vẫn đứng trước cửa điếm.
Chàng chợt nhớ tới câu hán tử mũi cà chua nói lúc tối:
nghe đâu Ưng cửu gia trên lâu thuyền cũng phái trợ thủ giúp đỡ chắc rằng Ưng cửu gia là lão nhân nhỏ bé xấu xa tay dài như vượn mà chàng đã trông thấy trên lâu thuyền.
Thân phận người này còn chưa biết thế nào, nhưng chỉ cần nhìn chiếc thuyền thì có thể đoán được thế lực không phải nhỏ.
Mặt khác, theo lời của bốn tên hán tử lúc tối uống rượu ở đây thì Ưng cửu gia có quan hệ mật thiết với Thiết tổng tọa, tới chăm sóc cho tên này, như vậy rất có thể lão ta biết số phận của Quách lão nhân.
Hồi chiều Ưng cửu gia đến chỗ Thiết tổng tọa, tại sao bây giờ bọ này đi hết mà lão ta còn chưa trở lại?
Khấu Anh Kiệt cứ đứng lặng bên cửa điếm suy nghĩ rất lung, sau đó quay về phòng trọ của mình.
Nhưng chàng không có ý định ngủ và cũng không sao ngủ được, chong đèn lên nghĩ gần nghĩ xa.
Nhớ lại những gì xảy ra trên sa mạc chàng tự nhủ:
– Cuộc đời cũng khéo tình cờ! Tự dưng gặp phải một người, tựa hồ như số phận xui khiến vậy! Tuy sự quen biết không thể coi là sâu sắc nhưng dù sao đã có lời hẹn kết giao, nay biết ông ấy gặp nạn mà mình phó mặc bỏ đi thì có còn xứng đáng là bậc đại trượng phu hay không?
Có lẽ Thiết Tiểu Vi nói không sai, đang sống bình yên, ai muốn chuốc lấy phiền phức làm gì?
Chọc tay vào chuyện này nhất định mình sẽ gặp nhiều phiền phức, nhưng nghĩa không thể từ.
Lại còn cô ta nữa, không dưng xen vào giữa cuộc đời mình!
Nói gì thì nói nhưng Khấu Anh Kiệt hiểu rằng một khi còn chưa biết số phận Quách lão nhân thế nào thì chàng vẫn thắc thỏm không yên.
Xa xa truyền lại tiếng mõ cầm canh, đã ba canh ba khắc.
Khấu Anh Kiệt vặn đèn nhỏ lại, bước ra khỏi phòng, cẩn thận khóa cửa rồi mới lên đường.
Gió đêm thổi vào mặt lạnh buốt khiến chàng rùng mình ớn lạnh nhưng cũng nhờ thế mà đầu óc tỉnh táo ra.
Chàng hít sâu vào một hơi để tụ chân khí, vận khinh công vượt tường ra khỏi khách điếm.
Cổng thanh đóng kín, nhưng tường không cao lắm, với khinh công của Khấu Anh Kiệt cũng dễ dàng nhảy được ra ngoài.
Vùng này không xa lạ, hơn nữa chiều qua chàng đã quan sát nên chỉ vài khắc sau đã ra tới bến sông.
Đêm yên tĩnh. Mặt sông phẳng lặng như chiếu trải, dưới ánh trăng mờ nhạt trông xa tít tắp.
Khấu Anh Kiệt dễ dàng phát hiện ra chiếc lâu thuyền vẫn neo đậu chỗ hôm qua.
Đêm rất yên tĩnh, giờ này mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ, nhìn khắp xung quanh không thấy đốm lửa nào, ngoài chiếc lâu thuyền có mấy khung cửa sổ còn sáng, từ xa nhìn giống như một tòa lầu dựng sừng sững giữa mặt sông.
Chiếc thuyền đỗ cách bờ bên này chừng mười lăm trượng, ngoài thả neo, người ta còn buộc những sợ dây thừng rất dài vào những gốc cây hai bên bờ.
Khấu Anh Kiệt tuy biết khinh công Đạp bình độ thủy, nhưng không tự tin có thể an toàn tiếp cận tới thuyền nên chàng chọn phương án chắc ăn hơn leo theo sợi thừng.
Chừng một khắc sau thì chàng leo được lên thuyền.
Vừa đáp xuống, Khấu Anh Kiệt chợt cảm thấy một luồng kình khí ập tới sau lưng!
Biết có người tập kích, chàng vội vàng tránh sang một bên rồi quay lại!
Dưới ánh trăng suông, chàng thấy một tên hán tử bận hoàng y cầm một thanh loan đao cong như chiếc liềm câu, loại đao mà người Hồi thường sử dụng chém tới.
Lúc này mà nói chuyện rút binh khí ra đối phó thì không kịp.
Khấu Anh Kiệt lách người tránh đao, đồng thời nhằm cổ tay cầm đao của tên hán tử đánh tới một chưởng.
Hoàng y hán tử không ngờ đối phương phản ứng linh hoạt như vậy, nhất thời đứng sững người ra.
Khấu Anh Kiệt không bỏ lỡ cơ hội, thân ảnh bật lên, nhằm Thái dương huyệt tên hán tử phóng một cước.
Chừng như tên này thân thủ chẳng cao cường gì lắm, không tránh nổi trúng cước bắn sang mạn thuyền bên kia.
Với thân thể to lớn của tên hán tử, nếu đập vào mạn thuyền tất phát ra âm thanh không nhỏ.
Khi hắn chưa kịp rơi xuống, Khấu Anh Kiệt đã lướt tới, một tay chộp lấy thắt lưng nhấc bổng lên, tay kia đoạt lấy thanh đao xách đến một xó tối trên thuyền đặt xuống.
Chàng biết rằng trên thuyền không chỉ một mình tên hán tử này canh gác, nên hành động rất nhẹ nhàng thận trọng.
May chiếc lâu thuyền rất lớn, sóng lại vỗ oàm oạp nên cuộc động thủ vừa rồi không gây nên chốn động nào đáng kể.
Trên thuyền, tầng một và tầng ba không có ánh đèn phát ra, chỉ riêng tầng hai đèn còn sáng.
Thường trên những con thuyền như thế này, tầng một dành cho thủy thủ và gia nhân, tầng ba để cho khách, còn tầng hai là nơi ở của chủ nhân, trong đó có phòng khách rất rộng ở trung tâm, giống như đại sảnh được trần thiết rất hoa lệ để chủ nhân đón tiếp khách quý.
Trong phòng này sang hơn cả, tỏa sắc màu vàng óng ánh, nhìn vào đầy trướng rủ rèm buông.
Khấu Anh Kiệt điểm vào hôn huyệt tên hán tử rồi leo lên tầng hai, nhẹ nhàng áp sát vào khách phòng.
Các phòng trên thuyền được ghép ván, bên ngoài lại phủ rèm nên việc tiếp cận tương đối thuận lợi, trừ có người đi ngang qua, từ xa nhìn tới rất khó phát hiện.
Tới gần cửa, chợt nghe trong phòng có tiếng người nói chuyện.
Nghe thanh âm thì có cả giọng nam lẫn nữ.
Khấu Anh Kiệt nấp sau một bức màn, tìm một khe hở dán mắt nhìn vào.
Khách phòng được trần thiết cực kỳ hoa lệ, bàn phủ gấm, ghế bọc nhung, tường treo đầy tranh, bệ cửa sổ có niệm chậu hoa, dưới ánh đèn lồng rực rỡ phát ra màu sắc lưu li muôn hồng ngàn tía.
Nhưng đó không phải tiêu điểm chú ý của Khấu Anh Kiệt.