Ngày chờ đợi như kéo dài cả một đời, Kinh Thi có câu “Khi đi tha thướt cành dương, khi về mưa tuyết phũ phàng tuôn rơi”. Nay ta đến đây, mưa tuyết tầm tã, Thẩm Ngu Hoan lại chỉ đợi từ tán ô lửa xòe rộng đến ngọn gió thu phơ phất, tiếc rằng không chờ được ý trung nhân hằng đêm trong mộng, mà là tin người ấy đã bỏ nàng mà đi.

Đương nhiên, về việc sau đó Hầu Uyên Di đã được thuộc hạ trung thành cứu ra kiểu gì, và làm thế nào chạy thoát thân thì không ai biết, cũng chẳng người nào mảy may quan tâm. Chẳng qua sau khi Hầu công tử liên tiếp lập được chiến công, đối với lần đầu tiên vị công tử này trải qua chinh chiến, tất cả mọi người đều phải cảm thán một câu “người tốt ắt có trời giúp”, hoặc là “trời muốn giáng trách nhiệm lớn lao xuống cho người”, nhưng lại không biết được rằng trái tim của Hầu công tử đã mãi mãi chôn vùi trong kiếp bạn ấy.

Lúc đó Thẩm Ngu Hoan ngang bướng cố chấp, nàng làm sao cũng không tin Hầu Uyên Di cứ như vậy mà chết, không tin thiếu niên của nàng đã để lại một mình nàng lẻ loi trơ trọi nơi nhân thế. Nàng tiếp tục chờ, mỗi khi có người từ sa trường trở về là nàng lại sai người đi hỏi, hỏi xem có gặp Hầu công tử của nàng không, hỏi xem chàng thiếu niên đó vẫn còn sống trên đời này chứ. Nhưng có người bảo chưa từng gặp, cũng có người bảo đã chết, vậy mà chẳng một ai chịu nói cho nàng đáp án nàng mong muốn.

Tin người chết truyền về được hai mốt ngày thì Thẩm gia nhận được ý chỉ - con gái họ là Thẩm Ngu Hoan, bị xếp vào danh sách tuyển tú lần này.

Thiếu nữ tuy thấp bé kém cỏi nhưng cũng khao khát vì bản thân đấu tranh một lần, suốt đêm đó Thẩm Ngu Hoan thu dọn hành lý để đến nơi y đánh giặc. Nếu y không chết nàng sẽ đi tìm y, nếu y đã chết thì nàng sẽ thủ tiết vì y. Nhưng suy cho cùng nàng cũng chỉ là thân nữ tử yếu đuối tay trói gà không chặt, chưa ra khỏi cửa kinh đô thì đã bị đoàn người đuổi theo phía sau bắt về Thẩm phủ, họ giam lỏng nàng cho đến ngày tuyển tú.

Chuyện này qua đi, trong kinh đô dần nổi lên nhiều lời bàn tán, mọi người ai cũng từng nghe nói sự tích về công tử Hầu gia đại nạn không chết, nhiều lần lập chiến công, tuy nhiên không ai biết vì sao kể từ đó y lưu luyến chốn sa trường, cũng chẳng hiểu lý do gì khiến y không quay về cưới thiếu nữ đoan trang phong nhã gia thế hiển hách kia nữa. Càng không ai biết vì sao y trốn tránh rời xa kinh đô mà quyết định dừng chân nơi biên cương cát vàng đầy trời máu chảy thành sông, tay cầm sáo ngọc thổi về kinh đô, dệt nên khúc nhạc bi ai đầy chua xót.

Dường như người trong cung đều biết Thận tu nghi Thẩm Ngu Hoan không tranh sủng không đoạt quyền, một lòng hết mình vì hoàng đế, nhưng lại chẳng ai hay nàng suốt đêm quỳ gối trong Phật đường thật ra là để cầu nguyện cho thiếu niên của nàng đi không còn vướng bận, bình an sống thật tốt trên thế gian, chẳng sợ cho kiếp này không hẹn ngày gặp lại.

Rất nhiều khi bọn họ có lẽ sẽ nghĩ, nếu y chú ý dưỡng thương sớm quay về kinh đô, nếu nàng biết chọn một thời cơ tốt chạy đến chiến trường tìm y, nếu nàng không mất hết can đảm, không phá hỏng búi tóc vốn ngay ngắn của mình lúc đi tuyển tú, không giống ta của bảy năm trước cũng tuyệt vọng không còn dũng khí…

Dù sao thì cuộc đời chẳng bao giờ tồn tại chữ “nếu”. Bấy giờ, thành Hồ Lan truyền tin về báo Hầu Uyên Di đã tử trận, nàng lại đợi hai mốt ngày, nàng biết đây là lúc bọn họ gặp lại nhau rồi. Cuối cùng họ cũng chờ được chữ “nếu”, nếu còn có thể tương phùng trên đường xuống hoàng tuyền, nếu trời xanh rủ lòng thương, thật sự vẫn còn kiếp sau…

Nghi quý phi nói xong câu đó, ngón tay gầy gò trắng xanh của nàng đè lên mũi, ta biết nàng ta muốn khóc, nhưng thể diện cao quý đã không cho phép nàng khóc trước mặt ta.

“Bổn cung và Thận tu nghi trước giờ không hay qua lại, bổn cung chỉ đáng tiếc…” Nàng mệt mỏi muốn tìm lời giải thích.

Con người có nhiều lúc, đều là bất lực như thế.

Về sau ta kể cho Uyển phi nghe chuyện này, Uyển phi bảo thế thì xem ra Thẩm Ngu Hoan mới là nữ nhân thông minh nhất, đồng thời cũng dại khờ nhất hậu cung. Hoàng đế luôn coi người khác như cái bóng, chỉ duy mỗi mình nàng lợi dụng hoàng đế để giải sầu tương tư. Đáng tiếc, rốt cuộc vẫn không trốn được ái tình, chẳng bằng năm đó nàng đi theo Hầu Uyên Di, thế thì giờ đây cũng đỡ phải chịu cảnh éo le ngang trái suốt ngần ấy năm, chưa một lần được sống cho bản thân mình.

Ta nói, khoảnh khắc ngọn lửa trong Bảo Hiền điện châm lên, nàng cuối cùng cũng sống vì mình rồi.

Nghĩ cũng thật là đáng thương, trên đời này hóa ra lại có người định nghĩa sống vì mình là tự chấm dứt số mệnh.

Ta ngẩng đầu nhìn con quạ đen đậu trên tường cung, nó vỗ cánh hai cái rồi cùng con khác bay đi mất hút.

Uyển phi hỏi ta lúc nói chuyện với Hầu Uyên Doanh có nói cho nàng ta biết ta là người cũ của thái tử không.

Tâm trạng ta trùng xuống, sờ sờ cái bụng trống rỗng không có tí động tĩnh nào của mình: “Sự thật mà nàng ta muốn có thể không phải sự thật, mà có thể chỉ là một cái cớ giúp nàng bớt khó xử. Nếu ta là người cũ của thái tử, nếu ta bị sắp xếp phải nhập cung, nếu ta là người bị đưa vào đế đối phó với Hầu lão thượng thư thì có khi nghe xong nàng sẽ cảm thấy thoải mái hơn đôi chút. Nàng ta sẽ thua là vì bị quá nhiều kẻ tính kế, là hoàng thượng bị người che mắt chứ không phải nàng vô dụng, không phải hoàng thượng đối với nàng và đối với Hầu gia từ trước đến nay đều vô tình.”

Uyển phi trợn trắng mắt khinh thường: “Sao lại để Hầu Uyên Doanh thoải mái? Ta không thể nhìn nàng ta thoải mái được, nàng ta thoải mái là ta khó chịu.” Dứt lời nàng chọc chọc cánh tay ta, “Muội nói với nàng ta thế nào hả, đừng có bảo với ta là muội muốn tâm hồn nàng ta được thanh thản đấy nhé?”

“Ta đã nói…” Ta lại vô thức sờ cái bụng xẹp lép, “Ai kêu bụng của ta không chịu thua kém làm chi, lần đầu hoàng thượng gặp ta ở chùa An Nguyên, là ta… là ta liền có thai rồi.”

Uyển phi bụm miệng như không thể tin nổi, ánh mắt thể hiện rõ vẻ ghét bỏ: “Các người, không phải chứ…”

“Đương nhiên không phải.” Ta quay sang nguýt nàng một cái, “Đó là đáp án tốt nhất ta có thể cho nàng ta rồi. Coi như cảm tạ lúc trước Oanh thường tại ca hát quấy nhiễu người khác, nàng ta đã đồng ý giúp ta đổi nơi ở mới.”

Uyển phi nhẹ nhõm thở ta, tay vỗ vỗ ngực, lại nhón quả nho bỏ vào trong miệng, tiện đà khôi phục dáng vẻ thân thiết cười khúc khích, cúi xuống hớn hở hỏi han ân cần với cái bụng trống không của ta.

Mười hai tháng mười hai, một ngày trôi qua nhạt nhẽo như nước, mà lại nóng bỏng cả tay.

Ta nghĩ tới nghĩ lui nhưng vẫn không thể quyết định xem có nên làm mẹ của đứa nhỏ không do mình sinh ra hay không, cũng không thể đánh giá hành vi lấy đi máu mủ của người khác có phải rất vô đạo đức, bởi vì ta chẳng lường được nếu màn kịch dối trá này bị vạch trần thì số phận của hai mẹ con người đó sẽ như thế nào.

Có lẽ giống như lời của hoàng đế, với người làm mẹ mà nói thì có thể giúp con mình kế thừa sự nghiệp, thống nhất đất nước, đứng trên thiên hạ đã là niềm hy vọng và may mắn lớn nhất. Nếu không có kế hoạch “ly miêu tráo thái tử” này thì có khi đứa nhỏ sẽ không sống nổi được mấy năm, người mẹ cũng tiếp bước trở thành vật hy sinh của hậu cung.

Hoàng đế thường đến thăm ta, phàm ta muốn cái gì, cho dù đó là con mèo hoang lông thuần đen, tứ chi màu tuyết trắng, được người gọi đùa là “Ô Vân Đạp Tuyết”*, thoắt ẩn thoắt hiện ở ngọn núi sau chùa An Nguyên thì hắn sẽ tìm đủ mọi cách để bắt về cho ta.

*Mây đen đạp tuyết

Ta cũng hay ra ngoài đi dạo, đôi lúc sẽ đi đến trước Bảo Hiền điện, nhìn lầu các vàng son mới được tu sửa, bỗng dưng nhớ về bóng lưng lung lay sắp đổ của Thẩm Ngu Hoa khi quỳ gối trong Phật đường, nhớ đôi mắt đa tình của nàng. Mặc dù có mấy lần đã thử quan sát kỹ nhưng trước sau vẫn chẳng thấy người kia, người thiếu niên mãi mãi ở lại tuổi mười tám trong lòng nàng.

Hôm nay ta ra chỗ bờ ao Thanh Diệp tản bộ, tình cờ bắt gặp bóng dáng lả lướt đằng xa xa, để ý kỹ thì bên cạnh có hai ba cung nhân, y phục nàng mặc cho thấy nàng là phi tần, chắc hẳn cũng là người có phân vị, chỉ là ta chưa gặp bao giờ.

Ta há miệng ngáp cái rõ to, uể oải bước từng bước chậm chạp vào Tích Tồn đình cạnh ao, đoạn gọi Dẫn Diên lại chỉ ngón tay về phía trước: “Hoàng thượng nạp người mới lúc nào thế?” Ký ức về Oanh thường tại ca hát ầm ĩ ngày này qua ngày khác lũ lượt ùa về làm ta không khỏi nhíu mày, “Lần này định nhảy múa hay hát tuồng?”

Dẫn Diên nhìn theo hướng ta chỉ rồi vội vàng ấn tay ta xuống: “Chủ tử chớ mạo phạm, vị đó chính là Mậu tần nương nương, so ra thì phân vị cao hơn chủ tử đấy ạ.”

“Hóa ra là Mậu tần à.” Nhất thời ta kính cẩn hơn vài phần, đứng thẳng dậy híp mắt đánh giá, từng không ít lần nghe danh vị chủ nhân này qua miệng người khác, cũng từng đến thăm hỏi, nhưng chưa lần nào nhìn thấy. Hôm nay cuối cùng ta cũng có cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan đối phương.

Đang chuẩn bị lén đi theo xem là thần thánh phương nào thì Mậu tần nương nương như có tâm linh tương thông bỗng quay đầu lại, ánh mắt nhìn thoáng qua Tích Tồn đình mang nỗi quyến luyến bịn rịn.

Nhưng chỉ trong khoảnh khắc nàng đã thu hồi tầm mắt, chân bước nhanh như đang lẩn trốn thứ gì đó.

Cũng trong khoảnh khắc đó chân ta chẳng hiểu sao nặng như chôn dưới bùn, không thể nhấc lên đuổi theo Mẫu tần - người mà ta đã từng gặp. Có điều địa điểm gặp không ở trong cung, mà là ở Đồng gia, phủ thái tử.

Ta chẳng ngờ mình không phải người duy nhất được sách sử ghi chép là đã chết nhưng thực chất vẫn sống tạm bợ ở hậu thế bằng một thân phận khác. Ta cũng chẳng ngờ trong trận tàn sát diệt môn năm đó thế mà còn sót lại người thân cận với ta, hơn nữa còn sống chung cảnh ngộ bị vây trong tường cao cung cấm.

Nếu ta nhìn không nhầm thì vị Mậu tần kia có khuôn mặt vô cùng giống thị nữ Ấu Bạch đã làm bạn với ta hơn mười năm, tuy rằng bảy năm trước, vào cái ngày máu tươi thẫm đỏ ấy Ấu Bạch cũng bị ban chết cùng cả phủ thái tử.

Ta muốn kéo Mậu tần lại để hỏi rõ ràng mọi chuyện mà chân cứ như thể đóng đinh trên mặt đất, hai đầu gối chợt mềm nhũn rồi ngã ngồi xuống chiếc ghế đá trong Tồn Tích đình.

Dẫn Diên nhanh tay lẹ mắt đỡ ta: “Chủ tử làm sao vậy ạ?”

“Không sao, không sao cả.” Ta vô lực đẩy cô ấy ra, đưa tay nâng cái trán nhưng nhức, đầu óc váng vất, lúc ngẩng lên thì Mậu tần đã biến mất tự lúc nào.

Mậu tần, một phi tần địa vị cao như thần long thấy đầu không thấy đuôi của đương kim thánh thượng, nghe nói là người có lý lịch già dặn nhất trong cung, hầu hạ ngũ hoàng tử từ khi còn ở tiềm để.

Còn Ấu Bạch đã bầu bạn gắn bó bên ta từ năm bốn tuổi, nàng nhỏ hơn ta một tháng tuổi, thông minh lanh lợi, làm việc cũng vững vàng biết nhẫn nhịn. Mười năm đồng hành giúp đỡ nhau, thay vì nói là thị nữ thì nàng càng giống muội muội hiểu chuyện hơn cả ta. Khi ta còn là cô bé tuổi hoa mười ba mười bốn thì Ấu Bạch chính là người đã chứng kiến ta và Lý Thừa Mục tình đầu ý hợp.

Nhưng tại sao nàng lại còn sống, hoặc là nói nàng sống bằng cách nào?

Ấu Bạch là hồi môn của ta, nửa là người Đồng gia, nửa là người của phủ thái tử, vậy thì nàng làm sao có thể tránh được tai họa cả tộc bị tịch thu tài sản giết kẻ phạm tội năm đó? Rồi lại làm cách nào vào được hậu cung của đương kim thánh thượng, làm một phi tần có chỗ đứng trong hậu cung của hắn? Mà Lý Thừa Mục luôn miệng nói yêu ta tận xương tủy cũng bằng lòng cho người con gái xuất thân nghèo hèn, tàn dư nghịch đảng ấy một danh phận?

Ta không dám nghĩ, nhưng cũng không thể không nghĩ đến kết quả xấu xí vô căn cứ - nàng và hoàng đế trước giờ có quan hệ với nhau. Từ trước khi thái tử mưu nghịch đến sau khi thái tử binh bại. Thậm chí nàng còn có tham dự, sắm một vai diễn không thể thiếu trong thắng lợi của Lý Thừa Mục.

Nếu đúng như thế, lúc hoàng đế biết Thừa Du khởi binh thì lập tức xả thân vì triều đình, khả năng hắn đã sớm vạch sẵn kế hoạch, khả năng có người lén báo cho hắn, khả năng từ lúc bắt đầu thái tử ở Đông cung cho đến khi chết, tất cả mọi thứ đều nằm trong mưu đồ của hắn.

Nhưng nàng là Ấu Bạch kia mà, là người sinh ở Đồng gia được Đồng gia nuôi dưỡng, là người đã quen biết gần gũi với ta từ thời còn bé tí chạy bắt con cào cào, sao bây giờ lại thành ra thế này rồi…

Ta ngừng lại những suy nghĩ hỗn độn rối ren như mớ bòng bong. Đã từng hy vọng bao nhiêu, hy vọng rằng sẽ còn có người sống sót sau vụ giết chóc bảy năm trước, như vậy ta cũng không phải chịu cảnh mất hết thân thích cô độc lẻ loi. Nhưng hôm nay ta mới phát hiện, nếu có người còn sống thật, thì điều đó thực sự rất đáng sợ.

Ta ngẩng đầu dõi theo hướng nàng đi khỏi, tự biết mình sẽ không đuổi kịp nàng, có lẽ nàng đang lẩn trốn. Xem ra không phải ta hoa mắt, nếu nàng không phải Ấu Bạch thì cần gì sợ, cần gì trốn? Là trốn ta, hay trốn phải đối mặt, trốn chuyện cũ hay trốn chân tướng sự thật?

Ta hít vào một hơi sâu, chống người đứng dậy nặng nề cất giọng: “Đi.”

Dẫn Diên nghệt mặt chẳng hiểu ra sao: “Đi đâu ạ?”

“Đi tới chỗ Mậu tần.”

Nơi Mậu tần ở là Thái An đường, chỗ của nàng với chỗ của các phi tần khác cứ như hai thái cực đối lập hoàn toàn. Ta nhớ mang máng có một lần đến, nhìn chỗ nàng ở không khác gì lãnh cung, thủ vệ không cho hỏi thăm cũng không cho vào. Coi bộ ngoài việc nàng lẩn trốn thì có người cũng muốn giấu nàng.

Hướng Mậu tần vừa đi không phải con đường gần Thái An đường nhất, ta thừa dịp này vội đi đường tắt ra cửa sau chờ, có lẽ có thể ôm cây đợi thỏ. Tuy nhiên điều nan giải ở đây là dù ta có đợi được con thỏ này đi chăng nữa thì lúc gặp nên nói chuyện với nhau thế nào? Gặp được rồi thì làm sao hòa bình sống chung với nàng đây?

Thủ vệ canh giữ Thái An đường trước sau như một đứng như bức tượng ít nói ít cười, mà lúc này tính khí ta cũng không tốt cho lắm, mở miệng đi thẳng vào vấn đề: “Mậu tần đâu?”

Vẻ mặt thủ vệ nghiêm túc: “Mậu tần không tiếp khách.”

“Chắc là Mậu tần không có trong đó chứ gì?”

Thủ vệ im lặng. Truyện Thám Hiểm

Con người ta không phải lúc nào cũng nhu hòa thích chọc thì chọc. Hiện giờ tâm trạng ta đang loạn tùng phèo cả lên, bị những suy đoán của chính mình dọa sợ. Thấy thủ vệ nín thinh, ta cao giọng hỏi lại lần nữa. Thủ vệ vẫn câm như hến, ta căm tức hừ mũi rồi hung hăng giẫm lên chân hắn.

Thế là cả Dẫn Diên và tên thủ vệ đều ngẩn tò te. Đoán chừng trong cung từng có nhiều vị nương nương ngang ngược lệnh hắn cút ngay lập tức, bắt hắn phải quỳ xuống, thậm chí là vả miệng, nhưng quả thật chưa từng có người không nói lời nào đã đạp lên giày của hắn.

Tên thủ vệ sửng sốt mất một lúc mới sực tỉnh, sử dụng kịch bản thường thấy nhất trong cung - khuỵu gối quỳ xuống, cúi đầu đáp máy móc: “Tiểu chủ bớt giận.”

Xưng hô nàthếy thì có lẽ hắn cũng không biết vị trước mặt mình là chủ nhân cung nào.

“Khỏi quỳ khỏi quỳ.” Ta xua ta, đỡ lấy cái eo nhức mỏi do vừa nãy mới chạy, “Đứng lên cho ta, ngươi quỳ như thế thì ta không giẫm giày ngươi được nữa đâu. Là thế này, ta biết ngươi cũng có chỗ khó xử, ngươi nói Mậu tần không tiễn khách, ta đồng ý, cũng sẽ không quấy rầy lâu đâu. Nhưng phiền người vào trong xin vị Mậu tần nương nương của các ngươi hãy ra nói cho ta biết, nàng không chưa từng gặp người nào cả, bao gồm Diệp Trường Ninh của Thái Bình điện, bao gồm…”

Ta muốn nói bao gồm cả thái tử phi của Lý Thừa Du, tiểu thử Đồng Dục Nhi của Đồng gia, nhưng cuối cùng ta vẫn không nói. Tuy hai tay đã nắm chặt thành quyền, lời đã ra đến cửa miệng, nhưng ta vẫn biết điểm dừng, ít ra thì ta không bị điên.

Thủ vệ ấp úng khó xử tiếp lời: “Dù nô tài có mời Mậu tần nương nương ra thì chưa chắc nương nương đã chính miệng nói với người.”

“Tại sao?” Ta đang chờ xem hắn còn lý do gì nữa không.

Tên thủ vệ giờ mới ngước lên nhìn ta, lông mày xoắn tít lại: “Tiểu chủ mới vào cung chưa lâu đúng không ạ? Các nương nương trong cung ai cũng biết, Mậu tần nương nương… là người câm.”

“Người câm?” Ta kinh ngạc, “Ngươi nói, nàng bị câm ư?”

Thủ vệ yên lặng gật gật đầu.

Ta lại nhìn Dẫn Diên: “Thật thế sao?”

“Trong cung đúng là có nói Mậu tần nương nương không nói chuyện được.” Cô ấy xác nhận lý do thoái thác của tên thủ vệ.

Cả người ta hơi run lên, nếu nàng thật sự là Ấu Bạch, nếu nàng thật sự ở trong thâm cung này, nếu Ấu Bạch vốn hoạt ngôn nhanh nhẹn lại bị câm… Tự dưng ta cảm thấy nơi đây quá đáng sợ, cũng quá đau thương.