Tạ Trản phát hiện, y tuy rằng biến thành hồn phách bám vào ngọc bội, cũng không phải hoàn toàn trở thành khối ngọc, cư nhiên vẫn giữ một số tập tính của thường nhân. Tỷ như có lúc y buồn ngủ, cũng có lúc đói bụng, thế nhưng nếu y không ăn không ngủ, y cũng sẽ không chết. Bởi vì y đã chết rồi.

Tạ Trản mơ mơ hồ hồ tỉnh dậy, liền phát hiện mình đang bị ai đó nắm trong tay. Đôi tay kia vừa trắng noãn như ngọc, lại vừa mềm mại như nhung, hiển nhiên không phải là tay của Hoàn Lẫm, mà là của một nữ nhân. Tạ Trản nhìn lên, liền thấy được một khuôn mặt kiều diễm nhỏ nhắn. Trên mặt nữ tử một mạt ửng hồng, rõ ràng là dáng vẻ sau khi ân ái.

Tạ Trản không nghĩ tới chính mình cư nhiên ngủ thiếp đi, trời bên ngoài đã sập tối, y đã ngủ lâu như vậy sao?

Tạ Trản bỗng chốc thấy hơi nóng, có chút không thở nổi — nữ tử đột nhiên siết chặt miếng ngọc bội trong tay, đôi mắt vốn dĩ xinh đẹp lúc này hiện lên một mạt ngoan độc!

Tạ Trản bị nàng dọa sợ. Y chỉ là một miếng ngọc bội, sao lại làm nàng oán hận tới mức này? Ngay cả những lúc hai người gặp nhau, nữ tử này cũng chưa từng thất thố đến vậy. Chẳng lẽ đối với những đồ vật vô tri vô giác, nàng không cần phải giả vờ ngụy trang?

Lúc này sau lưng nàng đột nhiên truyền đến động tĩnh, nữ tử kia tức thì thay đổi sắc mặt, chỉ còn lại nụ cười e lệ động lòng người, thay người nọ mặc quần áo. Hoàn Lẫm đứng đó, dang rộng hai tay, khí tức uy nghiêm của Hoàng đế tự nhiên mà toát ra từ người hắn.

Hoàn Lẫm áo bào chỉnh tề, liền tùy tay cầm lấy ngọc bội đeo lên hông. Mới rồi thoáng nhìn vào gương, Tạ Trản thấy rõ chất liệu của ngọc bội tuyệt đối không tính là tôn quý, thế nhưng Hoàn Lẫm đối với nó tựa như tình hữu độc chung (yêu thích sâu sắc).

Thân thể của Tạ Trản lại lắc lư.

Y đột nhiên có chút mờ mịt, y không biết vì sao mình lại biến thành như vậy, rồi chợt thấy sợ hãi, cuộc sống này rốt cục sẽ kéo dài bao lâu. Đối với y hiện tại mà nói, ở cùng Hoàn Lẫm chính là một loại dằn vặt.

Vậy thà rằng y cứ an an ổn ổn trải qua từng ngày ở tại biệt uyển ngoại thành phía đông kia.

Hoàn Lẫm dạo một vòng xung quanh Thái Cực điện, Tạ Trản dĩ nhiên cùng hắn đi theo.

Cựu triều bị phế bỏ, tân triều được thành lập, rất nhiều chuyện đều là bách phế đãi hưng (còn có rất nhiều việc cần phải làm). So với ký ức của Tạ Trản, hoàng cung hiện tại trở nên tiêu điều hơn rất nhiều.

Hoàn Lẫm bước vào thư phòng, bắt đầu xử lý chính vụ. Trên bàn tấu chương chất cao như núi, tân triều vừa mới thành lập, sự vụ chồng chất, làm Hoàng đế kỳ thực cũng không phải dễ dàng.

Sau khi biến thành ngọc bội, Tạ Trản phát hiện bản thân thay đổi rất nhiều. Trước kia, cho dù y cả ngày ngồi một chỗ, cũng sẽ không cảm thấy vô vị, kỳ thực phần lớn cuộc đời y đều là yên tĩnh trải qua. Thế nhưng, sau khi biến thành ngọc bội, Tạ Trản phát hiện tâm tư bỗng nhiên trở nên hoạt lạc (sống động, sôi nổi), không còn trường kỳ ngẩn người như trước. Hồn phách Tạ Trản bên trong ngọc bội, góc nhìn trước sau trái phải đều có thể tự do chuyển động. Ánh mắt y bắt đầu đảo quanh, cuối cùng rơi xuống một bức vẽ trên tường.

Bút tích trên bức tranh là của “Tạ An*”.

( *Tạ An (chữ Hán: 謝安, 320 – 385), tên tự là An Thạch (安石), nguyên quán ở huyện Lịch Dương, Trần quận, là nhà chính trị, quân sự lớn và đại thần dưới thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc. … Mãi đến năm 360, khi tuổi gần 40, Tạ An mới tái xuất, trở lại triều đình làm quan, giữ chức Tư mã dưới quyền thái úy Hoàn Ôn.)

Thời kỳ Tấn triều được cai trị bởi Đông Tấn, đối với các thế gia mà nói, kỳ thực thay đổi một hai Hoàng đế thậm chí là cả triều đại đều không mấy ảnh hưởng đến họ. Vương Tạ hai nhà thế gia cũng là như vậy. Hoàn Lẫm dùng tranh của Tạ An để bài trí trong thư phòng, xem ra Hoàn Lẫm đăng cơ, địa vị của Tạ gia cùng Vương gia cũng không có gì thay đổi.

Người của Tạ gia Tạ Hà là thừa tướng của triều đại trước, cũng chính là phụ thân của Tạ Trản.

Vương Tạ hai nhà thế gia, vinh hoa vô song, y mặc dù sinh ra ở Tạ gia, phụ thân là danh sĩ Tạ Hà, giữ chức Thừa tướng trong triều, thế nhưng vinh hoa phú quý cùng y tựa hồ không có quan hệ. Y chỉ là nhi tử của vợ lẽ trong Tạ phủ, mẫu thân của y xuất thân là một nha hoàn, phụ thân bởi vì sau khi say rượu mà phát sinh quan hệ. Chủ mẫu Tạ gia xuất thân từ Vương gia, cùng Tạ Hà là thanh mai trúc mã, sau khi thành thân tình cảm vô cùng thắm thiết. Tạ Hà chưa từng nạp thiếp, chỉ có Tạ Trản là biến cố duy nhất. Đối với Tạ Hà mà nói, Tạ Trản chính là sai lầm của ông. Còn trong mắt Vương thị, Tạ Hà là một trượng phu bất trung (không chung thủy), cho nên phu thê Tạ gia đối với y đều không yêu thương. Tạ Trản ở trong Tạ phủ như người vô hình.

Mẫu thân Tạ Trản mất sớm, thuở nhỏ được nhũ mẫu nuôi nấng. Vương thị mặc dù không muốn gặp hắn nhưng cũng lo lắng đề phòng, vị nhũ mẫu này cũng là do Vương thị an bài. Cho nên có thể hình dung được, Tạ Trản lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm, điều duy nhất mà y mang ơn Tạ phủ đó là ân tình nuôi dưỡng. Cũng chính vì vậy mà dưỡng thành tính cách quạnh quẽ của Tạ Trản.

Con cháu thế gia đều được đi học ở trường tư. Tạ thị gia tộc có nhiều hậu duệ, đều là thân sinh nhi tử của Tạ Hà, cũng là huynh đệ ruột thịt của Tạ Trản, cả thảy bốn người. Tạ Trản dù sao cũng là con cháu Tạ thị, nếu y trở thành một kẻ ngu dốt há chẳng để thiên hạ chê cười hay sao. Nhưng mà Vương thị không muốn y vào học ở trường tư cùng với thân sinh nhi tử của nàng, cho nên liền lấy lý do thân thể y không được khỏe mạnh, chuyển y tới biệt viện ngoại thành phía đông, thỉnh một vị tiên sinh tới dạy học cho y.

Phải nói rằng Vương thị mặc dù không yêu thương y, nhưng ở khoản sinh hoạt cũng không hề bạc đãi, tiên sinh thỉnh tới cũng là danh sĩ nổi tiếng.

Vị tiên sinh kia mặc dù dốc lòng dạy dỗ, nhưng dù sao cũng là do Vương thị phó thác nên đối với y cũng không có quá nhiều tâm tư. Hai người về danh nghĩa chỉ là sư đồ, những lúc gặp mặt vô cùng khách khí thủ lễ. Rốt cục bên cạnh y cũng không có ai thân cận.

Tạ Hà tuy là phụ thân, nhưng cũng chưa từng giáo dưỡng y lấy một ngày. Ngay cả khi y bị tống vào tử lao, Tạ gia cũng không vì y cầu tình nửa phần, ngược lại như đang trông mong y sớm chết đi.

Rất nhiều danh thần cũng như danh sĩ phong lưu xuất thân từ Tạ gia, nhưng xưa nay chưa từng có ai bị gán tội Nịnh Hạnh. Mà y chính là vết nhơ lớn nhất của Tạ gia.

Tạ Trản thu hồi ánh mắt khỏi hai chữ “Tạ An”.

Y đã chết, mà đối với thân nhân và ái nhân của y, đây quả thực là đại hỷ.