Hôm nay lại đi tiễn chân, cuối cùng Trương Phương Bình đã tới Thục, Triệu tri phủ chờ đợi đủ rồi, không muốn ở lại thêm một ngày nào nữa, vội vã lên đường.

Từ lúc khai xuân tới giờ không có nổi một giọt mưa, nông gia cày ruộng xong nhưng không thể xuống giống, trừ số ít ruộng nước ra thì Thành Đô khắp nơi là cánh đồng trơ trọi.

Mực nước của Cẩm Giang đã xuống cực thấp, guồng nước không quay được nữa, vì đã lơ lửng giữa không, nông phu đành phải vận chuyển đất đá, đào thêm kênh dẫn nước tới, đào thêm giếng, nhưng cũng chỉ tưới được cho số ruộng hạn chế, hạn hán không thể tránh khỏi.

Vốn có câu mùa đông tuyết lớn, mùa xuân nước về, tiếc là mấy trận truyết lớn mùa đông bị mặt trời chói chang sau đó làm bay hơi hết, giờ đất khô tới nứt ra.

Thế là giá lương thực lại lên, tương ứng với nó là người tới xưởng Vân gia ăn cơm nhiều lên, ruộng dâu mùa xuân cần rất nhiều nước vì đây là lúc lá mới mọc ra, mà nay nước hiếm hoi như thế, ai cũng nhìn ra, một mùa đói kém nữa đang tới, vì thế Triệu tri phủ muốn mau mau rời khỏi nơi này cũng chẳng có gì là lạ.

Vân Tranh tất nhiên không phải đi tiễn Triệu tri phủ mà tiễn chân Triệu nha nội, y chưa quen Triệu Tử Tinh lâu, nhưng Chu Đồng và Triệu Tử Tinh tình cảm sâu nặng, không ngờ ôm nhau khóc một chập, tiễn chân mười dặm, tới khi nhìn đội xe Triệu gia biến mất ở cổ đạo quanh co.

Chu Đồng hai mắt đỏ hoe, cái tên thường ngày keo kiệt hôm nay lại nói: - Tử Tinh đi rồi, ai cũng buồn, hôm nay ta làm chủ, mời mọi người tới Linh Tê các say một phen.

- Đệ không đi được, nay trời hạn hán, ruộng dâu trong nhà đang lúc ra lá, không thể thiếu nước. Tính tiểu đệ không chịu thua, dù thua trời cũng không chịu, mặt đất không có nước, ta không tin đào sâu ba trượng cũng không có nước.

- Chẳng phải Vân gia không chịu nổi tổn thất, mà đáng thương cho những thợ dệt, thiên tai tới quá nhanh, năm nay nói không chừng sẽ có rất nhiều người chết đói, thứ cho tiểu đệ không lòng dạ nào yến tiệc chơi bời, cáo từ ở đây vậy.

Những lời hùng hồn khí phách phải nói ở chỗ đông người, quả nhiên Vân Tranh nhận được không ít những cái chắp tay bội phục lẫn hổ thẹn, nhiều đồng song nhà có ruộng, lớn tiếng nói phải về chống thiên tai, tức thì một đám thiếu niên nhiệt huyết hăm hở rời đi.

- Thiếu niên vừa rồi là con cháu nhà ai? Người trung niên đứng bên đường hỏi Tô Tuân, ông ta đi tiễn chân Triệu tri phủ, chỉ là thái độ có phần hờ hững lãnh đạm:

Tô Tuân nhìn theo theo Vân Tranh, nói với giọng có chút tự hào: - Thiếu niên ấy là đệ tử quan môn của Bành Lễ tiên sinh, tên Vân Tranh, có thể xem như là cẩm tú đất Thục.

- Ồ, lời này từ miệng Minh Duẫn nói ra là hiếm có lắm.

Tô Tuân vuốt râu nói: - Thiếu niên này xứng đáng với lời ấy, trong nhà rõ ràng không còn không có việc làm, vẫn kiên trì không cho phụ nhân thôi việc, còn cho họ mang trẻ nhỏ tới nhà ăn, riêng điều này thôi, Minh Duẫn cho rằng, y xứng với câu lòng dạ thiện lương rồi.

- Chỉ e Minh Duẫn bị vẻ bề ngoài của y đánh lừa đấy, ông không thấy vừa rồi y nói hơi lớn sao, rõ ràng có ý đồ cho người khác nghe, khó tránh khỏi cái hiềm nghi mua danh chuốc tiếng, nếu thế xét lại hành vi kia của y, mục đích cũng rất đáng nghi ngờ. Người này chính là tân tri phủ Trương Phương Bình, nghe Tô Tuân nói vậy thì không tán đồng, trước khi rời kinh tới đây, Tằng Công Lượng tới gặp ông ta nhắc tới một thiếu niên tên Vân Tranh, có thể tám phần là thiếu niên này rồi, theo lời Tằng Công Lượng miêu tả, chẳng có chút nào giống người lương thiện.

Vân Tranh không nghe thấy cuộc nói chuyện của hai người họ, bận rộn đi làm việc của mình, đào giếng là chuyện trọng đại, y phải đích thân trông coi mới yên tâm.

Do ruộng ở gần Hoán Hoa Khê, cho Vân gia dễ dàng đào được ba giếng nước, nhưng chút nước đó vẫn không đủ tưới 100 mẫu ruộng dâu, theo như Thương Nhĩ nói thì phải đào được ít nhất bảy giếng mới được.

Đào giếng không có máy móc là công việc vô cùng vất vả, tốn thể lực, tất cả nam đinh của Vân gia phải tham gia, Vân Tranh không phải ngoại lệ.

Mỗi ngày về nhà Vân Tranh tưởng chừng xương khớp toàn thân rời cả ra, Vân Nhị thì si si ngốc ngốc, ăn cũng không buồn ăn, thấy trượng phu vất vả như thế, Lục Khinh Doanh đau lòng lắm, chỉ muốn cho một mồi lửa đốt sạch cái ruộng dâu hại người.

Vân Tranh thấy mình làm gì cũng khổ, không biết vì sao nữa.

Làm địa chủ phải tự mình ra ruộng chở đất, lưng trùng gối mỏi, làm chủ xưởng, sản xuất đình trệ vẫn phải nuôi nữ công, nuôi luôn trẻ nhỏ trong nhà họ, vì họ được ăn no mà lo lắng còn hơn nam nhân nhà họ.

Muốn sống nhàn hạ, muốn sống sung sướng, rốt cuộc phải làm gì mới thích hợp?

Vân Đại, Vân Nhị đứng bám vào thanh gỗ đạp guồng nước, mỗi lần dẫm xuống là phải dồn hết sức mới ép được nước chảy đi, Tiểu Trùng chạy đi xem nước có đủ chảy tới mỗi gốc cây dâu không?

Cách này tuy lãng phí nước, nhưng muốn tưới nhỏ giọt thì công nghệ không cho phép, Vân Tranh khổ quen rồi cũng lớn hơn, nên không thành vấn đề lắm, vẫn cố được. Vân Nhị thì từ lúc tới Đại Tống, được Vân Đại và Tịch Nhục cưng chiều, gió thổi không tới, mưa rơi không chạm, toàn hưởng phúc, đột nhiên phải làm việc nặng nhọc không thích ứng được, nhưng tính nó cực kỳ quật cường, vẫn cắn răng dẫm bàn đạp,.

Vân Đại không cản, con người rồi sẽ trưởng thành, sẽ tới lúc một mình đối diện với khó khăn, rèn luyện sức khỏe quan trọng, rèn luyện tâm trí càng quan trọng hơn.

Tô gia ở Thành Đô không có ruộng, cho nên thiên tai này không ảnh hưởng mấy tới nhà họ, Tô Tuân sai hai đứa con lớn tới giúp đỡ, vì khi Vân gia có món ăn ngon, bọn chúng ở lỳ không về, giờ Vân gia gặp khó, không lý nào lại tránh xa ba bước.

Tốn mất mười ngày mới tưới hết được ruộng một lượt, giờ có thể tạm thở phào rồi, Vân Tranh nhìn cây nhà mình lá rậm rạp, nhà người khác thì vàng vọt lưa thưa, lòng tràn ngập cảm giác thành tựu.

Thương Hổ đào được một cái giếng đầy ăm ắp nước, hồ hởi kéo Vân Tranh tới, chỉ giếng nói: - Vân Đại, nhìn cái giếng này đi, đây là kho báu đấy, sau này trăm mẫu ruộng của ngươi yên tâm dùng làm tổ nghiệp mà truyền cho con cháu rồi.

Trước kia ở Đậu Sa trại bọn họ bị chia cho ruộng hạn, nên đào giếng tìm nước là chuyện thường làm rồi, Vân Tranh nhìn cái giếng, mừng lắm, một cái này thôi bằng bảy cái trước đó, học Thương Hổ hái một lá dâu cho vào mồm: - Hổ ca, hiện trong tay huynh cũng có ít tiền, nếu vậy cũng mua ít ruộng dâu an cư luôn đi, hiện là năm thiên tai, mua ruộng cũng dễ, nếu thiếu đi tìm Lão Liêu, ta bảo ông ấy.

- Vội gì, ngươi còn tới Biện Kinh làm quan mà, tới đó bố trí gia nghiệp cũng được.

Vân Tranh lắc đầu: - Muốn bố trí gia nghiệp thì Thành Đô là lựa chọn tốt nhất, Đông kinh Biện Lương chỉ hợp kiếm một mẻ rồi đi, cái thành đó không phải chỗ an cư?

Thương Hổ không hiểu: - Ai cũng muốn tới Biện Kinh lập nghiệp, vì sao ngươi lại làm trái.

Lá dâu non tằm ăn được, người cũng ăn được, Vân Tranh nuốt lá dâu xuống, nói: - Ta nói với huynh một đạo lý, bất kỳ một đô thành nào dù xa hoa cùng cực nhất thời, cuối cùng cũng bị hủy diệt, từ Hàm Dương rồi Lạc Dương, Trường An đều không có kết cục tốt lành. Chúng ta ở thì không sao, nên đem gia sản bố trí ở Biện Lương là hại con cháu.

- Thành Đô đất tốt ngàn dặm, bốn bề núi non hiểm trở bao bọc, là nơi dễ thủ khó công, mới nên truyền lại gia sản muôn đời, mà nếu một khi Thành Đô có biến, chúng ta có thể nhanh chóng lui về Đậu Sa trại an thân.

Thương Hổ không hiểu hết những lời Vân Tranh nói, nhưng y nói thế tất nhiên không sai được, nên gật đầu nghe theo.