Chương thứ hai mươi

...

Bầu trời sáng sủa, hiếm có một ngày không mưa, dù vẫn còn sương mù mịt không thấy được mặt trời.

Thi thể bọn cướp vẫn ở đó, quản gia đề nghị cứ đào hố rồi chôn thẳng xuống, nhưng Trì Yến bảo họ đốt những thi thể này.

Tuy nhiệt độ đã giảm, không còn nóng như mùa hè nhưng Trì Yến vẫn sợ dịch bệnh.

Quản gia đương nhiên sẽ không làm trái lệnh của y.

Bọn cướp tổng cộng có hơn ba mươi tên, hôm qua trong lòng Trì Yến không yên, thêm việc buổi tối nhìn không rõ nên cứ tưởng là cả một đoàn người.

Hơn ba mươi tên này có không đến mười tên trông có vẻ to con, còn lại đều là mấy kẻ ốm yếu.

Chắc vừa gia nhập không lâu, hoặc địa vị rất thấp.

Trì Yến không đi xem thi thể, trong lòng y vẫn khó có thể chịu được việc này, trước đây ngay cả giết lợn y cũng chưa từng nhìn.

Thi thể đã nhìn là cụ già của thân thích đã mất, họ đến nơi hỏa táng tiễn một đoạn cuối, cụ được trang điểm đẹp đẽ, mặc áo liệm tơ lụa, mặt được hóa trang, trông rất hiền từ tựa như vẫn chưa mất.

Bọn cướp thì không được tốt như vậy, hầu như tên nào cũng thiếu tay thiếu chân, có mấy tên còn bị mổ bụng.

Lần này phía Trì Yến không ai chết, đầu tiên là nhờ công của Albert và Carl, hai người bọn họ đã giết mấy tên to con kia, dù sao vũ khí của chúng là do cướp được ở lãnh địa khác, đều làm từ gang nên gãy rất sạch sẽ rất lưu loát.

Nếu đổi người làm, kiếm của hai người bọn họ hẳn gãy cả rồi, chỉ có thể cùng nhau đi nhặt kiếm hoặc liều mạng mà đánh.

Hiện tại kiếm trong tay của Albert và Carl là đao thép, hơn nữa họ là kỵ sĩ đã được đào tạo biết chỗ nào là điểm yếu nên tuyệt đối sẽ không chém lung tung.

Còn có công của nô lệ và dân thường chấp hành mệnh lệnh của Carl với Albert, họ vây công hai bên, địch vừa phản ứng bên này thì bên kia cũng xong đời.

Nhiều khi nghe lời cũng là một ưu điểm rất lớn, đến nỗi có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến.

Bởi vì là người thì ai cũng sợ chết, lúc sắp chiến đấu chỉ cần có một chút hoảng sợ sẽ nhịn không được lui bước, nhìn thấy lưỡi dao sắc bén của quân địch sẽ theo bản năng quay đầu chạy trốn.

Đào binh không hiếm gặp, đã từng có kỵ sĩ đang trên chiến trường mà bỏ trốn.

Nói không sợ đều là giả.

Trì Yến nghĩ mình mà ra trận thì không dám đảm bảo bản thân có chạy hay không.

Tuy y đã chết một lần nhưng vẫn sợ chết như xưa.

"Đã sắp xếp ổn thỏa cho những người bị thương chưa?" Trì Yến hỏi Cady.

Quản gia tuổi đã cao, có lòng không có sức, nên Trì Yến giao nhiệm vụ chăm sóc thương binh cho Cady.

Việc này khiến Cady hưng phấn mà hai má đỏ bừng, ánh mắt sáng ngời, gã nuốt nước miếng rồi sau khi thanh giọng mới nói: "Đã sắp xếp ổn rồi ạ! Dọn cho họ một căn phòng riêng, còn mang nước muối để họ rửa vết thương."

Trì Yến không tìm được thảo dược, y cũng không biết loại nào có thể giảm đau cầm máu, đành dùng cách của người hiện đại là lấy nước muối hoặc rượu để rửa vết thương.

Rượu thì không được, rượu ngọt ở đây y chang nước trái cây, không có độ cồn nên chỉ dùng nước muối.

Nếu miệng vết thương bị nhiễm trùng, vậy thì phải chịu tội, dùng nước muối rửa xong thì dùng vải sạch băng lại.

Cho nên lúc vừa đổi vải, mấy người bị thương kêu la còn thảm thiết hơn lúc vừa bị thương.

Miệng vết thương dính muối nhất định rất khó chịu.

Y bắt đầu nhớ đến Kleist, y cảm thấy cái gì Klest cũng biết, không chừng hắn sẽ biết được mấy kiến thức về thảo dược.

Nếu được Trì Yến còn muốn tìm Vu y đến, chứ y không cần mấy tên "thầy thuốc" chỉ biết lấy máu, bỏ đói người khác.

Quốc vương cũng bị họ lấy máu đến chết thì khỏi cần bàn đến kẻ khác.

Chỉ là Vu y rất hiếm, một khi phát hiện sẽ bị xử tử, vì liên quan đến vu nên đều bị thiêu sống, cột lên cây rồi chất củi ở bên dưới đốt cho mọi người xem.

Lâu dần người yêu thích Vu y, hiểu biết thảo dược cũng đều che giấu, dù là người thân cận nhất cũng không dám nói.

Có thời gian tình huống nghiêm trọng hơn, những người đi hái rau dại đều bị gán tội hái thảo dược, sau đó thiêu sống hết.

Thê thảm đến nhường này, chỉ có hoạt động săn phù thủy ở phương Tây mới so sánh được.

Nếu khóc cầu xin thì chứng minh cô là nữ vu, chứng cứ xác thực, chỉ có nữ vu mới sợ hãi như vậy? Nếu cô bình tĩnh, thì vẫn là nữ vu, vì chỉ có nữ vu mới có thể bình tĩnh như vậy khi gặp họa.

Ném cô xuống giếng, nếu chết đuối thì không phải nữ vu, không chết thì là nữ vu.

Một khi bị "tố cáo", bất kể có phải nữ hay không đều phải chết.

Cái gọi là phương pháp phân biệt, miễn bàn chính diện hay phản diện thì chỉ có một kết luận duy nhất.

Vu y ở đây cũng vậy, Thánh viện cho rằng vu y cấu kết với ma quỷ, dùng thứ khác trao đổi với sinh mạng người bệnh.

Có nhiều cách để nhận diện Vu y, rất hỗn tạp, không sao nói rõ được.

Hiện nay, hàng năm đều có hơn một nghìn "Vu y" bị xử tử.

Trì Yến cười cười với Cady: "Cậu làm tốt lắm, mấy hôm nay cứ nấu cháo lúa mì cho họ đi."

Không thêm cám và đậu, là cháo lúa mạch nguyên chất.

Cady hoảng sợ, gã muốn khuyên, lại nhìn quản gia thần thông quảng đại bên cạnh, đành cúi đầu đáp "Vâng".

Chờ Cady ra ngoài, Trì Yến mới nói với quản gia: "May là lần này bọn cướp không đông lắm."

Nếu bọn cướp hơn một trăm tên thì chắc toang luôn.

Những người bị thương ở trong phòng, Cady đang bảo người hầu đổi vải cho họ.

Có mấy người vết thương quá sâu phải dùng nước muối rửa lại, đang bị mấy nam phó kìm hãm, tiếng kêu còn thảm thiết hơn lúc giết lợn.

"Giữ chặt hắn!" Cady kêu nam phó dọn sạch "sản phẩm" của thương binh.

Vì Lãnh chúa nói phải giữ vệ sinh sạch sẽ, nên mấy thứ này phải mang đi chôn.

Sau khi làm xong, người hầu bưng cháo lúa mì nữ đầu bếp nấu đi vào, thơm nức mũi.

Đám thương binh liên tục nuốt nước miếng, họ cố chịu đựng, vẻ mặt thèm nhỏ dãi.

Cady đang phân phát cháo, mỗi người một bát không có hơn.

Ngoài thương binh, ai hôm qua tham gia chiến đấu cũng được một bát.

Lúc này Đại Hà đang ăn cháo với mẹ nó, trong tay còn cầm bánh mì đen thừa lại hôm trước.

Bánh mì đen có thể để lâu, khó hỏng, tuy để lâu sẽ cứng nhưng một miếng bánh một ngụm cháo với họ đã vô cùng mỹ vị.

Vốn trên mặt Đại Hà có một vết sẹo, giờ lại thêm mấy vết thương, có điều không sâu, vết thương trên tay cũng được quấn vải.

Nó bị thương không nghiêm trọng nên không ở chung với mấy thương binh không thể động đậy.

Mẹ của Địa tinh ăn từng miếng nhỏ, muốn rót nửa bát cháo cho Đại Hà nhưng bị nó cản lại.

"Mẹ, mẹ ăn đi, con ăn đủ rồi." Đại Hà tăng giọng, mẹ nó mới rút tay về.

Cô cứ tưởng đây là một giấc mơ, giống như vừa tỉnh lại thì cô đã nằm dưới bùn đất, làm việc cho Lãnh chúa như súc vật.

Đừng nói cháo lúa mì, ngay cả cháo đậu nấu với cám cũng không ăn được bao nhiêu.

Có lúc cô không dám ngủ, nhiều chủng tộc khác cũng không dám ngủ, họ cảm thấy mọi thứ đều là giả, nếu ngủ sẽ quay về hiện thực, vậy chi bằng để họ chết cho rồi.

Bây giờ cô được ở căn phòng tốt như vậy, sống lâu như vậy, lần đầu được ăn cháo lúa mì, lúc không làm việc cũng được nghỉ ngơi đầy đủ, có bánh mì để ăn.

Ngài Lãnh chúa cho họ mồi lửa, chờ trời sáng thì chỉ cần tìm người hầu, người hầu sẽ cho họ mồi lửa để sưởi ấm.

Đại Hà ăn ngụm cháo cuối cùng, ăn luôn bánh mì trong tay, liếm sạch môi rồi nói: "Mẹ, tối qua con nghe ngài ấy nói chỉ cần đánh thắng, ngài sẽ xóa bỏ thân phận nô lệ cho chúng ta, để chúng ta thành người tự do."

Nhưng phản ứng của mẹ Đại Hà không như nó mong đợi.

Cô trừng to mắt nhìn Đại Hà, lắp bắp nói: "Không làm nô lệ ư?"

Đại Hà: "Phải!"

Địa tinh ở phòng khác nhìn sang đây, họ trầm mặc thật lâu.

Rốt cuộc có một nô lệ hỏi: "Không làm nô lệ thì chúng ta làm gì?"

Đại Hà tưởng họ không hiểu, giải thích: "Làm người tự do! Giống như dân thường ấy!"

Có Địa tinh nhỏ giọng: "Tôi không muốn làm dân thường, tôi sẽ mãi là nô lệ của ngài Lãnh chúa."

Ngay cả mẹ của Đại Hà cũng nói: "Làm dân thường thì phải tự trồng trọt, đóng thuế, phải mua này mua nọ.

Còn làm nô lệ không cần lo gì cả, Lãnh chúa tốt với chúng ta thế này, chúng ta chỉ cần cố gắng làm việc là đủ no bụng."

Họ chưa từng làm dân thường, họ rất lo sợ.

Đại Hà không hiểu tại sao mẹ lại nghĩ như vậy, những Địa tinh khác cũng rất tán thành lời của mẹ nó.

"Đúng vậy, tôi không muốn làm dân thường."

"Tôi thấy như này rất tốt, Lãnh chúa không đánh chúng ta, không mắng chúng ta, còn cho chúng ta ăn cháo với bánh mì."

Đại Hà nhìn bọn họ, không biết vì sao nó dâng lên cơn phẫn nộ khó có thể nhịn được, nô lệ tựa như súc vật, làm việc ăn cơm rồi ngủ.

Họ không có gia đình của riêng mình, đứa con sinh ra cũng là nô lệ, vĩnh viễn là nô lệ.

Bây giờ có cơ hội thay đổi số phận, tại sao họ lại không chịu?

Đại Hà muốn mắng họ, hỏi họ nghĩ gì thế?

Lời đến miệng lại mắng không được.

Bởi vì họ bao gồm cả mẹ của nó.

Lúc này quản gia cũng đang trò chuyện với Trì Yến về việc của nô lệ, tối qua ông rất sợ hãi vậy nên không ngăn Trì Yến, giờ tỉnh táo lại mới nói với y: "Ngài muốn xóa bỏ thân phận của nô lệ thì phải báo lên Thánh viện, một hai người thì không sao, nếu tất cả thì Thánh viện sẽ không đồng ý đâu."

Trì Yến chớp mắt: "...Vậy làm sao bây giờ?"

Quản gia đành đề ra chủ ý khá bình thường: "Ngài có thể để họ làm dân tự do trong lãnh địa."

Trì Yến hiểu ý quản gia, không cần báo lên Thánh viện, nhưng vô danh hữu thực, họ ở lãnh địa được hưởng thụ tất cả giống dân thường, có điều việc này sẽ gây tai họa ngầm.

Nếu nô lệ nghĩ y nói không giữ lời có thể nhất thời tức giận rồi nổi dậy hay không?

Giống như nói với một người đã đói rất lâu rằng: "Anh giúp tôi làm một việc, tôi cho anh một cái đùi gà."

Cuối cùng người ta làm xong, hơn nữa còn làm rất tốt nhưng mình lại không đưa đùi gà cho họ.

Con người khi nổi giận thì có thể làm bất cứ chuyện gì.

Quản gia nghe xong lời của Trì Yến, nói: "Ngài không lấy lại đùi gà, ngài đã cho họ đùi gà chỉ là không để họ ăn trước mặt kẻ khác.

Thịt đã vào bụng bọn họ, sao lại nói là ngài không cho?"

Trì Yến rất âu sầu, cảm thấy bản thân cứ như kiểu đang test IQ, y phải làm sao để hoàn thành lời hứa của mình đây? Y không biết rằng, rất nhiều nô lệ hy vọng ngài Lãnh chúa đừng giữ lời.

Ngoài nô lệ họ hoàn toàn không biết làm gì để sống.

Cũng sợ phải thay đổi!

Hết chương thứ hai mươi