Trẫm vừa ra đề vừa thầm tính nhẩm trong đầu.

Gọi số sư là x, số tiểu là y.

x+y=100

3x+1/3y=100

Như vậy x=…

Không được, không có giấy nháp với máy tính trẫm không tính nổi.

Trẫm và Hoàng tử nhìn nhau lom lom.

Trẫm nghĩ bụng, hay là đề này khó hiểu với người thời xưa quá, trìu tượng quá hay gì?

Phải làm cả 4 phép cộng trừ nhân chia.

Dù gì đây vẫn là một xã hội coi trọng khoa học nhân văn, khinh thường khoa học tự nhiên nặng nề.

Hay là trẫm chuyển qua hỏi câu gà thỏ chung lồng kinh điển cho dễ hiểu trực quan hơn nhỉ?

(Đây là bài toán cổ nổi tiếng được ghi trong sách “Sách toán Tôn tử”. Nội dung bài toán như sau: “Một số gà và thỏ được nhốt chung trong một lồng, đếm số đầu thì được 35 đầu, nếu đếm chân thì có 94 cái chân. Hỏi trong lồng nhốt bao nhiêu gà, bao nhiêu thỏ”. Người đời sau gọi loại bài toán này là “Bài toán gà thỏ chung lồng”. Nguồn bài viết )

Hoàng tử rướn cổ ngước mắt nhìn trẫm một lát.

Sắc mặt Hoàng tử hơi thả lỏng, hình như đã nghĩ ra đối sách rồi.

Hoàng tử hỏi: “Chẳng hay phụ hoàng đang nói tới chùa miếu nào ạ?”

Chùa nào miếu nào thì liên quan quái gì?

Hoàng tử lại nói: “Từ thuở lên 6 nhi thần đã ăn nhiều như người lớn. Để nhi thần không phải nhịn đói, bữa nào Quý phi và mẹ cũng phải thắt lưng buộc bụng, nhi thần luôn ghi lòng tạc dạ đến nay. Những chú tiểu trong chùa này tuy là trẻ con, nhưng mỗi bữa ba người chia nhau một chiếc màn thầu thì không thể no được. Trái lại, kẻ trưởng thành trong chùa lại được mỗi người ba bánh, đây có phải sự lạ hay chăng? Tuy kính già là đức tính tốt, nhưng thương trẻ cũng là lẽ thường tình. Ban nãy nhi thần vừa nghe thầy nhắc, hôm qua tổ chức tra xét ngoài cổng thành, tra được rất nhiều án lừa bán ngược đãi trẻ em, còn liên quan đến cả đạo giáo. Nhi thần cho rằng nên điều tra ngôi chùa này rõ ràng, kẻo lại xảy ra thảm kịch tương tự.”

Nghe cu cậu nói thế, trẫm mắt chữ A mồm chữ O.

Một bài toán đơn giản mà phải nâng tầm quan điểm thành vấn đề xã hội luật pháp.

Tiếc thay chiêu nói sang chuyện khác để đánh trống lảng này không trốn được đôi mắt tinh như cú vọ của trẫm đâu!

Hồi học tiểu học, mỗi lúc vò đầu bứt tai không làm được đề ứng dụng, trẫm cũng từng xài phỏm này rồi!

Trẫm thậm chí còn từng công kích cá nhân giáo viên ra đề, gì mà vừa xả nước khỏi ao vừa bơm nước vào ao hỏi bao giờ đầy ao, hai chiếc ô tô từ hai nơi chạy tới chạy lui gặp nhau mấy lần, chỉ tổ lãng phí tài nguyên! Người ra kiểu đề này có bị dẩm mèo không?

Kết quả là trẫm bị giáo viên dạy Toán xách ra ngoài bắt phạt đứng ở cửa lớp.

Cho nên trẫm biết tỏng trò mèo của thằng cu này rồi.

Trẫm nói: “Con ta nói có lý, đúng là khả nghi, nên tra xét. Nhưng trước khi điều tra, con vẫn nên tính xem rốt cuộc có bao nhiêu người, kẻo lúc nha phủ ra tay, có kẻ nghe động chạy trốn, giấu trẻ con đi thì biết làm sao?”

Ha hả, riêng thi xàm quần, mi xàm được hơn thằng bố mi chắc?

Hoàng tử bị trẫm làm cho nghẹn họng.

Hoàng tử xấu hổ ra mặt xoay mấy vòng, có vẻ không cam tâm lắm vì cái danh thần đồng của nó lại bị câu hỏi dị hợm của trẫm đả đảo.

Hoàng tử đá bóng qua cho Tể tướng: “Học trò ngu dốt, xin thầy chỉ giáo.”

Thằng nhỏ này lanh phết.

Tể tướng buông quyển sách trong tay.

Tể tướng dạy Lịch sử Văn học Chính trị, đương nhiên cũng là một học sinh ban xã hội thuần túy.

Tể tướng suy tư một thoáng, nói: “Một người lớn ăn ba cái bánh, ba trẻ em ăn một cái bánh. Nếu ta chia 1 người lớn và 3 trẻ em vào một nhóm, thì vừa đủ 4 người 4 bánh, 100 người chia tròn 25 nhóm. Cho nên tổng cộng hẳn có 25 sư, 75 tiểu.”

Thấy chưa! Kẻ thông minh chân chính, dù từ nhỏ chỉ xem kinh, sử, tử, tập, chỉ viết chi, hồ, giả, dã, không biết phương trình tuyến tính hệ nhị phân là gì, chưa từng học gì ngoài bốn phép toán thông dụng, nhưng vẫn có thể đưa ra được giải pháp phù hợp với lối tư duy của họ.

Trẫm càng yên tâm về Tể tướng hơn.

Trẫm hiền từ vỗ về cái đầu đang gục xuống của Hoàng tử, dặn dò thằng bé phải nghe lời giáo viên, ngày ngày chí thú học tập hướng về tương lai.

(Kinh sử tử tập: Là cách phân loại sách vở cổ điển của Trung Quốc. Link.

Chi hồ giả dã: những từ đế vào văn thời xưa cho văn hoa, có thể hiểu là rằng thì là mà.)

Trước kia trẫm cũng từng lén hoài nghi.

Hoàng tử trông chẳng giống trẫm là mấy, còn thông minh như vậy, rốt cuộc có phải con đẻ của trẫm không.

Hôm nay trẫm phát hiện, Hoàng tử thật ra cũng không thông minh lắm.

Hoàng tử chỉ tương đối chăm chỉ hiếu học khắc khổ nỗ lực thôi.

Hơn nữa hướng tư duy của Hoàng tử cũng rất đồng điệu với trẫm.

Trẫm cảm thấy khả năng Hoàng tử là con đẻ của mình lớn hơn một chút.

Tuy rằng dù thằng nhỏ có là con ông hàng xóm, trẫm cũng hoàn toàn không để tâm.

Có con trai là được, còn đòi hỏi xa xôi làm gì.

Trẫm hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày kiểm tra việc học của con trai mình, vui hơn hớn dẹp đường về phủ.

Trẫm cảm thấy trong ngắn hạn chắc Hoàng tử sẽ không muốn trẫm tới kiểm tra việc học của cu cậu nữa đâu.

Đến nay trẫm vẫn còn nhớ nỗi sợ khi đứng trước mấy quyển “Sách luyện Toán – học đi đôi với hành”, “Cẩm nang ôn thi trường Hoàng Cương/trường Khải Đông”, “Tổng hợp đề thi thật 5 năm đề thi thử 3 năm”.

Suy từ bản thân ra.

Trẫm cũng không muốn truyền nỗi sợ này cho đời sau.

Hôm nay trẫm tập trung giải quyết được bao nhiêu phiền toái.

Trẫm thấy mình tuyệt vời ông mặt trời.

Trẫm quyết định về tẩm cung đi nằm cho sướng cuộc đời.

Tiện thể suy nghĩ về vấn đề trọng đại: tiếp theo phải tòm tem với Hoàng thúc thế nào.

Trẫm về cách tẩm cung không xa thì thấy Quận chúa.

Lần này Quận chúa không tới tay không.

Quận chúa cầm một cái hộp mây tre nho nhỏ.

Quận chúa đến trước trẫm một bước, đã chạy tới cổng viện, hỏi cậu thái giám trước cửa: “Chỗ các ngươi có một cung nữ tên là Thanh Li đúng không? Gọi cô ta ra đây, ta tìm cô ta có việc.”

Cậu thái giám đáp: “Vâng, nô tài xin đi gọi ngay ạ, Quận chúa chờ một lát.”

Trẫm lập tức sợ xám hồn.

Trẫm không màng hình tượng, hét lớn một tiếng: “Chậm đã!”

Quận chúa và cậu thái giám đều sững lại trước tiếng thét của trẫm, xoay người hành lễ với trẫm.

Trẫm đi qua, kéo Quận chúa sang một bên, thì thầm: “Hôm nay Thanh Li không trực, hiền muội tìm con bé làm gì?”

Quận chúa hơi thất vọng.

Quận chúa chỉ chiếc hộp mây tre mình đang cầm: “Không có chuyện gì đâu ạ, muội chỉ muốn tặng cô ấy chút đồ thôi.”

Đầu tiên trẫm nghiêm mặt mà rằng: “Thanh Li là cung tì cạnh trẫm, Quận chúa tặng quà cho con bé, làm sao nó nhận nổi? Lỡ ai thấy được lại nói ra nói vào.”

Mặt Quận chúa cũng nghiêm lại: “Hoàng huynh dạy phải lắm ạ.”

Sau đấy trẫm lại dịu giọng nói: “Chi bằng muội đưa cho trẫm, lúc nào không có ai trẫm sẽ đưa con bé.”

Quận chúa do dự một lát, nói: “Vậy xin phiền hoàng huynh.” Đoạn đưa chiếc hộp mây tre cho trẫm.

Trẫm nhận hộp, ước lượng sức nặng. Hộp đầy ụ, nhưng rất nhẹ.

Trẫm định mở ra liếc một cái: “Thứ gì đây?”

Quận chúa dập nắp hộp xuống đánh “bộp” bằng tốc độ nhanh như chớp giật.

Chẳng mấy khi Quận chúa xấu hổ ra mặt thế này: “Đồ của con gái, hoàng huynh đừng nhìn vẫn hơn…”

Đồ cho con gái, chẳng lẽ là quần áo?

Đúng lúc lắm, trẫm đang cần đây!

Không xem thì thôi, dù sao vào nhà trẫm cũng khui.

Trẫm ôm cái hộp mây tre đan của Quận chúa về tẩm cung.

Thanh Li đi vào dâng trà đúng lúc này.

Trẫm nhớ tới chuyện mình đến muộn một bước là lộ tẩy, vẫn còn hơi khiếp vía.

Trẫm phải tính cách giải quyết về lâu về dài, không thể cứ lo lắng hãi hùng mãi được.

Trẫm ngẫm ngợi, gọi Thanh Li tới: “Thanh Li, ngươi còn nhớ tại sao hồi trước trẫm lại ban cái tên này cho ngươi không?”

Thanh Li mặt lạnh te, chỉ cái bình phong bằng ngọc lưu ly màu xanh cạnh giường vua: “Bởi vì đúng lúc ấy bệ hạ thấy cái này ạ.”

Đặt tên bừa bãi thật, rất giống phong cách của trẫm.

Trẫm còn có nhiều điểm chung với bản thân hồi xưa gớm nhỉ.

Trẫm nhìn ngó xung quanh, thấy một miếng san hô đỏ đặt trên giá đồ cổ bên phải tấm bình phong lưu ly.

Trùng hợp thay, hôm nay Thanh Li cũng mặc đồ đỏ.

Vì thế trẫm nói: “Màu xanh không hợp với ngươi, ngươi mặc màu đỏ vẫn đẹp hơn. Trẫm lại thưởng cho ngươi một cuộn lụa đỏ, may thêm mấy cái váy đỏ đi.”

Trẫm hở tí là ban thưởng hối lộ, Thanh Li vui mừng quá đỗi, quỳ xuống tạ ơn luôn mồm.

Trẫm lại nói: “Để hợp với xiêm y màu đỏ, từ hôm nay trở đi, ngươi đổi tên thành Hồng San nhé.”

(Hồng San 红珊: Hồng là màu đỏ, San trong san hô)

Thanh Li: “?”

“Còn nữa, ngươi hầu hạ trẫm cẩn thận như thế, nên được thăng chức rồi. Trẫm thấy phong cách ăn mặc của ngươi rất đẹp, trẫm điều ngươi tới cục Thượng phục làm nữ quan quản xiêm y áo quần nhé?”

Thanh Li: “???”

Trẫm vừa hăm dọa vừa dụ dỗ, đổi lại tên của Thanh Li, điều con bé tới một bộ phận mà cả Hoàng thúc và Quận chúa đều không dễ dàng tiếp xúc trong hậu cung.

Từ đây, cái tên Thanh Li chỉ thuộc về trẫm.

Trẫm yên tâm hơn một chút.

Trẫm đã dốc hết sức lực đổ hết tâm huyết để không làm lộ việc mình có hai thân phận.

Mức trần IQ của trẫm lại tăng lên rồi.

Trẫm tống cổ Thanh Li xuống lĩnh thưởng.

Trẫm còn đang ấp ủ chuyện khác.

Trẫm thanh thản bình tĩnh lấy chiếc hộp mây tre đan Quận chúa cho trẫm tới, tận hưởng thú vui khui hàng.

Trẫm mở nắp ra, thò đầu nhìn vào hộp thì thấy.

Một đống trăng trắng, mềm mềm, dài dài, hai bên còn có hai cái cánh nhỏ, xếp ngay ngắn đầy hộp.

—— Quận chúa còn tặng trẫm nguyên hộp băng vệ sinh cơ đấy.

Thảo nào Quận chúa lại bảo là đồ của con gái, ngại không cho trẫm xem.

Điều kiện vệ sinh ở thời này kém, bông còn là hàng nhập ngoại mãi tận Tây Vực, vô cùng quý hiếm.

Hộp băng vệ sinh này có giá trị rất xa xỉ, cung nữ không trang trải nổi là cái chắc.

Quận chúa không hổ là một bà chị chu đáo, tiền bối vượt thời không trước trẫm 8 năm có khác.

Nhưng trẫm có cần đâu!

Trẫm cực kì sa mạc lời, nhìn hộp băng vệ sinh hàng nhái này.

Là một cô gái tằng tịu khắng khít với băng vệ sinh mười mấy năm, trẫm cảm thấy có gì là lạ.

Vì thế trẫm lấy một miếng ra khỏi hộp, quan sát cẩn thận.

Mặt ngoài của băng là một lớp vải sa mỏng và mềm, bên trong nhồi bông gòn, khâu kín các mép lại bằng đường kim tỉ mẩn.

Mặt trái của miếng băng được bôi một lớp dầu trẩu mỏng, để chống thấm tràn.

Trẫm nhìn đi nhìn lại mấy lần, rốt cuộc đã tìm ra chỗ kì quái.

Đầu tiên, hai cái cánh nhỏ hai bên cũng được nhét bông, không dễ uốn cong.

Tiếp theo, mặt trái của băng vệ sinh không có keo thì dán kiểu gì?

Người thiết kế món đồ nhái này đã thực sự dùng băng vệ sinh bao giờ chưa vậy?

Làm kiểu xem quảng cáo rồi tưởng tượng theo à?

Liên tưởng đến trải nghiệm của chính trẫm và những biểu hiện kỳ quái của Quận chúa.

Một suy nghĩ táo bạo và biến thái nảy ra trong đầu trẫm.

Mấy cưng thông minh hơn trẫm chắc hẳn đã nghĩ ra lâu rồi.

Đừng nóng vội.

Chờ trời tối trẫm lại đổi thân phận đi thăm dò sau.

Tác giả có lời muốn nói:

Nếu chương trước ai cũng đoán Hoàng tử là dân xuyên không, thì trẫm còn viết vậy sao được nữa.

Ha ha.

Trẫm không để các cưng đoán ra kịch bản dễ thế đâu!

[HẾT CHƯƠNG 30]