Nó đứng trước đầu con hẻm xóm, bước chân cứ nhúc nhích qua lại không nhấc lên, bàn tay nắm chặt rồi lại buông thõng, đôi mắt nhìn cảnh vật từng quen thuộc nay đã trở nên xa lạ.

Sáu năm.

Sáu năm phía sau song sắt, mọi thứ đã khác đi nhiều, kể cả nó. Râu tuần trước còn chưa kịp cạo, da sạm và đen bởi những ngày lao động trong tù, bàn tay cũng gân guốc hơn. Tổng thể người toát lên một vẻ khắc khổ khi nhìn vào.

Chắc không còn ai nhận ra nó đâu nhỉ?

Do dự một lúc lâu, cuối cùng nó cũng tiến vào hẻm. Con đường mà nó đã thấy trong giấc mơ không biết bao nhiêu lần, quán bún của dì Hai ngay góc trái, quán nước của chị Hoa góc phải, tiếng ồn ào mỗi sáng của thằng Tí bán vé số… và còn nhiều điều khác nơi con xóm nghèo này. Nó nhớ như in tất cả.

Ông Tư bán tạp hóa là người nó gặp đầu tiên. Trông thấy ông, nó ngoan ngoãn gật đầu chào nhưng không nói câu nào. Nó sợ. Sợ người ta không nhìn, không mở miệng dù chỉ là tiếng hắng giọng. Nhưng không, ông Tư không những nhìn mà còn mỉm cười bắt chuyện với nó.

“Lâu quá mới gặp ha mạy! Mới ở trong tù ra hả?” Ông cố ý nhấn mạnh sáu chữ cuối, ánh mắt hiện rõ nét khinh bỉ.

“Dạ…” Nó lí nhí cúi mặt, cảm nhận hai má đang nóng lên.

“Có tính sẽ làm gì chưa?”

“Dạ, con định mai sẽ đi xin việc ở hàng quán nào đó thử.”

Ông Tư gật đầu, sau đó bảo nó đứng đợi một lát rồi vào nhà lấy vài gói mì đưa nó, không quên ra vẻ cao thượng:

“Chắc chưa có gì ăn đâu he? Cầm về mà dùng đỡ.”

“Dạ… con cảm ơn ông Tư!” Nó nhìn mấy gói Hảo Hảo trên tay, xúc động đến mắt đỏ hoe, vội vàng cúi đầu cảm ơn người trước mặt rối rít sau đó rời đi, được một đoạn thì gặp quán bún của dì Hai. Đó là nơi mà ngày trước nó đều ghé đến mỗi sáng để gọi một tô thập cẩm trước khi đi làm.

Dì Hai thấy nó từ xa liền giả bộ nhìn đi nơi khác. Nó theo phép lịch sự đến gật đầu chào dì, đổi lại là sự hờ hững đến nửa con mắt cũng không thèm liếc lấy nó, cả những người đi ngang ai cũng nhìn nó một cách kì thị. Xấu hổ, nó chỉ còn biết đi về phía cuối xóm.

Cánh cửa màu xanh lam phủ dày đặc bụi. Từng lớp mạng nhện giăng đầy nơi góc tường đã ố vàng. Nó đẩy nhẹ cửa vào, nhìn một vòng quanh căn nhà trống hoác. Bàn chân nó chầm chậm bước trên từng lát gạch bông, đâu đó vài ô còn vương lại vết máu đen khô. Mệt mỏi, nó ngồi bệt xuống nền nhà, mắt nhìn vào bức tường trước mặt.

Tại chỗ này sáu năm trước, nó đã bất đắc dĩ trở thành kẻ bị khép tội giết người. Nạn nhân không ai khác chính là chồng sau của mẹ nó, là dượng của nó. Nhát dao định mệnh ngày hôm đó đã thay đổi toàn bộ cuộc đời của một thằng con trai mười tám tuổi. Nhưng nếu thời gian có quay lại thêm mười lần, hai mươi lần, một trăm lần đi chăng nữa… nó vẫn sẽ làm vậy. Bởi vì tên cầm thú đó đáng chết.

Nó không sao quên được hình ảnh đôi mắt mẹ trợn trắng, bàn tay ra sức vùng vẫy khỏi kẻ nát rượu đang bóp cổ mình cùng nhịp thở đứt quãng, sau đó trở nên bất động. Mẹ không thở nữa. Lý trí nó sớm đã bị hận thù che mất đi khi vớ lấy con dao gọt trái cây trên bàn, từ phía sau dứt khoát một nhát đâm tới. Sau đó…

Không có sau đó nữa.

Những tháng ngày phía sau song sắt, nó vô cùng nhớ khoảng thời gian yên bình khi có mẹ, khi chưa xuất hiện gã đàn ông kia. Dù nhiều lời bàn tán xung quanh về người cha vô danh của nó, dù mẹ chưa bao giờ nói nó đã ra đời như thế nào, nhưng sự yêu thương của mẹ dành cho đã đủ khiến nó mãn nguyện. Lắm khi đêm về, nó thấy mẹ hiện ra trong giấc mơ, bàn tay xoa đầu nó rồi bảo ‘Không sao’, đến khi mở mắt chỉ thấy xung quanh là những người mặc bộ áo sọc đen trắng cùng đôi mắt đỏ hoe.

Càng nhớ, nó càng căm hận người đàn ông đó biết bao. Nếu không có gã nát rượu đó, mọi thứ có lẽ đã khác đi.

Tiếng réo ọc ọc khiến suy nghĩ của nó bị đứt đoạn. Nó sờ cái bụng lép kẹp, chợt nhớ từ tối qua đến giờ chưa ăn gì. Nhìn cái túi chứa đồ của ông Tư đã đưa khi nãy, nó cảm thấy bồi hồi xúc động. Ít ra vẫn có người tốt bụng như ông không kì thị nó, trái lại còn cho nó miếng ăn dù chỉ là mấy gói mì.

Nó nở nụ cười tự động viên mình, tay mở gói mì dự định sẽ ăn sống không cần nước sôi. Nhưng vừa xé được vỏ, ánh mắt nó bỗng tối sầm. Nó mở thêm một gói khác, rồi lại một gói khác cứ thế cho đến hết. Nước mắt trào ra men theo gò má, xuống cằm rồi rơi vào gói mì đã nổi mốc xanh.

Tất cả đều đã quá hạn sử dụng.