Tokyo Hoàng Đạo Án

Chương 30: Cảnh 5 Thợ làm búp bê

Sáng hôm sau khi tôi thức giấc thì Kiyoshi và Emoto đều đã đi cả. Tôi lại lỡ cơ hội kể cho Kiyoshi những điều đã biết từ con gái ông Yasukawa, thông tin khiến tôi rất phấn khởi. Tôi hơi tiếc vì đã ngủ nướng, nhưng rồi chợt nghĩ ra: tôi có thể tự mình tiếp tục quá trình tìm kiếm. Và nếu tôi giải quyết được vụ án trước Kiyoshi thì đó sẽ là một kết thúc quá ư có hậu.

Tôi thay quần áo và đi thẳng tới xưởng xe Karasuma. Tôi đến nhà Shusai Yoshida lúc khoảng 10 sáng. Tôi đẩy cánh cửa trượt ở lối vào và gọi to để xem có ai ở nhà không. Một bà lão mặc kimono xuất hiện. Tôi thưa rằng tôi muốn nói chuyện với ông Yoshida.

“Tôi e rằng chồng tôi đang ở Nagoya,” bà lão đáp.

Tôi thấy lòng chùng hẳn xuống. “Chà, cho phép cháu hỏi khi nào bác trai sẽ về ạ?”

“Có lẽ tối nay.”

Chậc, thế còn hơn không. Tôi xin hỏi số điện thoại để gọi trước khi tới lần nữa.

Chán nản, tôi đi bộ về phía nam dọc sông Kamo cho tới khi dòng chảy nhập vào sông Takano. Thật tình cờ, tôi nhận ra mình đã ở gần Imadegawa: Đó chính là nơi gia đình vợ cũ của Heikichi, bà Tae, đã từng sống một cuộc sống không mấy hạnh phúc.

Giờ đã là ngày mùng 10. Chỉ hai ngày nữa, chúng tôi phải kết thúc giao kèo với Takegoshi Con. Tôi có cảm giác rằng chúng tôi không thể thu được gì vào thời gian đó, cho dù tối nay thu được manh mối quan trọng từ Shusai Yoshida hoặc có được một chỉ dẫn bất ngờ nào đó vào ngày mai.

Tôi gọi đến nhà Yoshida lúc 2 giờ chiều. Bà lão cho tôi biết lão vẫn chưa về và xin lỗi tôi. Tôi không muốn cứ làm phiền bà nên quyết định không gọi lại trước 5 giờ chiều. Tôi cảm thấy tâm trạng thất vọng ngày càng tăng.

Tôi ngồi trong công viên một lúc rồi đi tới một hiệu sách. Cuối cùng, tôi ghé vào một quán cà phê ở tầng hai để có thể nhìn người ta qua lại mà không để họ phát hiện ra mình. Lúc 4 giờ 50 chiều, không thể đợi lâu hơn được nữa. Tôi quay số máy nhà Yoshida và phấn chấn hẳn khi nghe tin ông lão vừa về đến nhà. Tôi gác máy và chạy lao đi, suýt nữa va phải cô phục vụ đang bưng một khay cà phê nóng.

Con gái ông Yasukawa nói rằng ông Shusai Yoshida khoảng 60 tuổi; nhưng mái tóc bạc trắng khiến ông lão trông già hơn nhiều. Ông Yoshida chào tôi rất nhã nhặn và dẫn tôi vào phòng khách. Ngồi xuống trường kỷ, tôi thuật lại thật nhanh lời thú nhận của ông Bunjiro Takegoshi và cuộc trò chuyện của tôi với con gái ông Yasukawa.

“Dường như ông Yasukawa nghĩ rằng ông Heikichi Umezawa vẫn còn sống. Bác có nghĩ ông Umezawa vẫn còn sống không ạ? Và nếu đúng vậy thì ông ấy có tạo ra Azoth không?” Tôi hỏi.

Ông Yoshida im lặng ngả người trên ghế, lắng nghe rất chăm chú. Vẻ mặt ông lão thoải mái, mái tóc bạc ôm lấy khuôn mặt hơi dài với ánh mắt dịu dàng nhưng sắc bén. Dáng điệu của chủ nhà toát lên vẻ chính trực và căng tràn sức sống. Thật ngạc nhiên là ông ấy rất hợp với hình ảnh con sói đơn độc mà tôi hình dung.

“Dĩ nhiên tôi có biết vụ án,” ông lão bắt đầu nói. “Tôi đã tìm hiểu vụ việc bằng kỹ thuật đoán số mệnh nhưng không có bất kỳ kết luận gì về cái chết của Heikichi Umezawa. Tôi nghĩ 60% khả năng là ông ấy đã chết. Về Azoth, theo tôi chắc Heikichi đã tạo ra nó. Tôi là thợ làm búp bê, nên tôi hiểu suy nghĩ của ông ấy. Nếu Heikichi gây ra các vụ án mạng thì không có lý do gì ông ấy lại không hoàn thành ý tưởng sáng tạo của mình.”

Đúng lúc đó, bà vợ ông Yoshida bưng một ít trà và bánh ngọt bước vào phòng. Tôi nhận ra do quá chú tâm với những suy nghĩ của mình nên quên mang theo một món quà theo phong tục truyền thống. Tôi bối rối xin lỗi.

“Ồ, đừng ngại,” ông Yoshida cười to, khiến tôi cảm thấy an tâm.

Các giá sách trong phòng khách đầy kín sách và đủ các loại búp bê; một số con được làm bằng gỗ, một số bằng nhựa tổng hợp. Hầu hết số búp bê ấy trông vô cùng sống động. Tôi hỏi ông Yoshida xem mối quan tâm đến nghề làm búp bê của ông lão hình thành như thế nào.

“Chà, thật sự thì tôi quan tâm đến con người. Không dễ giải thích mối liên hệ này trừ phi có cùng chung sở thích.”

“Cháu hiểu. Nhưng bác nói bác có thể hiểu niềm đam mê của ông Heikichi Umezawa đối với việc tạo ra Azoth.”

“Để tôi giải thích nhé. Có gì đó rất kỳ diệu - nói như thế đúng hơn - về công việc chế tạo búp bê. Búp bê là bản sao của con người. Khi tạo ra một con búp bê một cách suôn sẻ, chúng ta có được cảm giác nhất định về sự sáng tạo. Chúng ta cảm thấy như thể con búp bê đang dần dần có linh hồn. Tôi đã từng có cảm giác này nhiều lần. Chính vì thế, khi làm búp bê, luôn có một cảm giác kỳ lạ về sức mạnh. Cảm giác mà tôi có được sâu xa đến mức tôi không thể nào tìm được đúng từ để diễn đạt xem tại sao nó lại cuốn hút tôi đến vậy. Từ ‘cuốn hút’ chưa thật sự đúng với những gì tôi cảm nhận. Theo truyền thống, anh Ishioka ạ, người Nhật không thích làm búp bê lắm. Thời xưa, họ làm những hình haniwa trong các dịp lễ; đó là hình nhân thế mạng thay cho những người bị chôn sống làm vật hiến tế. Làm búp bê có ý nghĩa như là tạo ra một con người chứ không phải là một sở thích hay nghệ thuật. Thực tế, người Nhật xưa rất sợ rằng một con búp bê có thể đánh cắp linh hồn họ. Đó là lý do tại sao họ không muốn tạo ra chúng hoặc thậm chí không vẽ những bức chân dung: điều đó không phải do họ thiếu kỹ năng. Vẽ chân dung - cũng như làm búp bê - là một điều cấm kỵ. Chính vì thế rất ít chân dung hoặc tượng của các hoàng đế và tướng lĩnh ở Nhật Bản, trong khi ở Hy Lạp và La Mã đến đâu cũng gặp tượng và chân dung của các hoàng đế và anh hùng. Ở Nhật Bản cổ đại, chỉ có Đức Phật được tạc tượng. Chuyện này nghe có vẻ buồn cười trong xã hội hiện đại, nhưng đó là tín ngưỡng xa xưa. Thợ thủ công dành cả đời mình cống hiến cho công việc. Nghề làm búp bê chỉ trở thành một sợ thích phổ biến vào cuối thập niên 1920.”

“Vậy ý tưởng về Azoth là…”

“Chà, có thế đó là một mối quan tâm về mặt tri thức, nhưng dĩ nhiên nó cũng là một khái niệm hoàn toàn vô nhân đạo. Sử dụng người thật để làm búp bê là trái với các quy định, là chống lại tự nhiên. Xét về lịch sử, tôi có thể đoán được ông Umezawa lấy ý tưởng đó từ đâu. Có lẽ hầu hết những người chế tạo búp bê nghiêm túc ở thế hệ tôi đều biết điều này, nhưng không ai theo con đường mà ông ta chọn. Đó là vấn đề nguyên tắc. Ý tưởng của ông Umezawa rất xa lạ với những ý tưởng của một thợ làm búp bê.”

“Rất thú vị. Cháu bắt đầu hiểu ý bác là gì rồi, bác Yoshida. Nhưng bác nói có thể ông Umezawa đã chết. Tại sao bác lại nghĩ như vậy?”

“Đó là phán đoán của tôi. Vừa là thợ làm búp bê vừa là thầy bói, tôi rất tò mò với vụ án này. Bên cạnh đó, như anh biết đấy, tôi biết Yasukawa, bạn của Umezawa. Rất có thể Umezawa còn sống, nhưng để chứng minh, tôi cần phải có bằng chứng cụ thể, nhưng tôi lại không có. Cảm nhận của tôi dựa trên cảm giác chứ không phải logic. Tôi trình bày như thế này để anh nghe nhé, anh Ishioka. Giả sử Umezawa còn sống, ông ấy vẫn cần phải có liên hệ với xã hội. Cho dù ông ấy ẩn nấp trong một vùng núi thì ông ấy cũng sẽ vẫn cần ăn. Chuyện đó rất không đơn giản như người ta nghĩ. Nếu dân làng nhìn thấy ông Umezawa đi kiếm thức ăn, họ sẽ nghĩ ông ấy là kẻ lang thang và sẽ báo cảnh sát. Và nếu Umezawa chọn sống trong một đô thị thì láng giềng của ông ấy cũng sẽ muốn biết ông này là ai và từ đâu đến.

“Người Nhật rất thóc mách, tôi nghĩ họ quá chú ý đến người khác. Nhật Bản là một hòn đảo và do tinh thần đảo quốc nên bất kỳ cộng đồng nào cũng sẽ sớm có thái độ ngờ vực với một người như Umezawa dù rằng ông ta có định sống ở đâu đi chăng nữa. Giả sử Umezawa tự sát sau khi tạo ra Azoth; xác chết chắc chắn sẽ bị phát hiện. Sẽ có ai đó chôn cất hoặc hỏa táng cái xác. Rõ ràng, ông ấy không thể làm việc đó một mình được. Và chính vì thế nên không thể nghĩ rằng Umezawa còn sống được.”

“Bác đã bao giờ nói chuyện này với ông Yasukawa chưa?”

“Có, tôi từng nói rồi.”

“Thế ông ấy bảo sao?”

“Ông bạn tôi không nghe tôi nói. Ông già đó hơi cuồng tín với những quan niệm của riêng mình.”

“Đúng vậy, cháu nghe nói ông Yasukawa tin rằng ông Umezawa vẫn còn sống… Nhưng bác nghĩ chuyện gì đã xảy ra với Azoth?”

“Theo ông Yasukawa, nó đã được tạo ra và đặt ở đâu đó tại Nhật Bản.”

“Ông ấy có đề cập đến vị trí cụ thể nào không ạ?”

“Có chứ,” ông Yoshida đáp và đột nhiên cười phá lên.

“Ông ấy nói đó là chỗ nào ạ?”

“Ở Meiji-Mura… Làng Meiji. Anh có biết chỗ đó không?”

“Cháu chỉ vừa mới nghe đến cái tên đó thôi.”

“Đó là một công viên di sản do Công ty Đường sắt Meitetsu phát triển ở Inuyama thuộc tỉnh Aichi, phía bắc Nagoya. Mọi thứ đều mô phỏng theo cuộc sống thời Minh Trị (1868-1912) và đến giờ vẫn còn hàng chục tòa nhà cổ tồn tại từ thời đó. Rất tình cờ vì hôm qua tôi vừa mới ở đây về.”

“Thật không ạ? Nhưng Azoth nằm ở chỗ nào tại Meiji-Mura chứ? Được chôn ở đâu đó chăng?”

“Chà, trong công viên có một bưu điện cũ, từ Uji-Yamada, nơi trưng bày những vật lưu niệm của ngành bưu chính Nhật Bản qua nhiều năm. Nó có cả những hình mẫu các nhân viên đưa thư trong bộ đồng phục thuộc các thời kỳ khác nhau, những hòm thư cổ lỗ sĩ - đại loại như thế.”

“Vậy là giống như một bảo tàng ạ?”

“Đúng. Hiện tại triển lãm có duy nhất một ma-nơ-canh nữ trong góc phòng. Yasukawa khăng khăng cho rằng đó chính là Azoth!”

“Sao cơ ạ…? Thật không tin nổi! Nhưng chúng ta không thể truy nguyên xem nó xuất xứ từ đâu ư? Điều đó hoàn toàn có thể cơ mà, phải không bác?”

“Ồ, anh không cần phải truy nguyên xuất xứ đâu, anh Ishioka ạ. Đó là một dự án mà cá nhân tôi có tham dự, Anh biết đấy, tôi là nhân viên Công ty Sản xuất Ma-nơ-canh Owari ở Nagoya, nằm trong nhóm chuyên qua lại giữa Nagoya và Kyoto, sản xuất ma-nơ-canh cho toàn bộ công viên Meiji-Mura. Nhưng có chuyện bí ẩn xảy ra: đúng hôm khai trương, chúng tôi phát hiện thấy có một mẫu ma-nơ-canh mà chúng tôi không chế tạo đã được cho thêm vào để trưng bày. Đó là một ma-nơ-canh nữ, và không phải là sản phẩm của bất cứ ai trong số chúng tôi cho nên mọi người kết luận rằng ban quản lý Meiji-Mura đã thay đổi quan điểm và bổ sung vào phút cuối cùng. Yasukawa cũng không hẳn điên khùng khi nghĩ đó là Azoth, bởi vì ma-nơ-canh này thực sự có diện mạo rất đặc biệt.”

“Hôm nay bác đến Meiji-Mura để sửa chữa ma-nơ-canh à?”

“Không. Tôi đến thăm một người bạn, cũng là một nghệ nhân. Phải thú nhận rằng tôi mê nơi đó; nó gợi cho tôi nhớ đến thời tuổi trẻ của mình ở Tokyo. Người ta đã dẹp bỏ nhiều công trình cũ: một phần của Khách sạn Hoàng đế - do Frank Lloyd Wright thiết kế - rồi Cầu sông Sumida cũ, đại loại những thứ kiểu như thế. Ở đó rất thanh bình vì ngày thường không có nhiều khách ghé thăm. Tokyo thì quá đông đúc, tôi chịu chẳng thể sống ở đấy được nữa. Kyoto cũng tốt, nhưng tôi nghĩ Meiji-Mura rất tuyệt. Thỉnh thoảng tôi lại ghen tị với bạn mình vì được làm việc ở đó.”

“Nó là một nơi đẹp thế kia ạ?”

“Ồ, một nơi hoàn hảo. Không biết liệu cánh thanh niên có đồng ý với tôi không.”

“Nhưng, trở lại với ma-nơ-canh nữ… Bác vẫn cười nhạo ý tưởng của ông Yasukawa về chuyện coi nó là Azoth ư?”

“Chậc, Yasukawa lúc nào cũng đắm chìm trong những điều tưởng tượng. Tôi chẳng bao giờ xem ông ấy là nghiêm túc cả.”

“Nhưng ông ấy đã chuyển tới Kyoto để được gần bác, có phải không ạ?”

“Tôi không biết,” Yoshida mỉm cưới, thoáng chút cay đắng.

“Chắc hai bác là bạn bè thân thiết?”

“Bạn tôi thường xuyên tới thăm tôi. Tôi không định nói xấu người đã khuất, nhưng nói thật với cậu, những ngày cuối đời ông Yasukawa có vẻ rất lạ. Cố gắng giải quyết vụ án hoàng đạo trở thành nỗi ám ảnh của ông ấy. Tôi biết đó là sở thích của nhiều người, nhưng với ông Yasukawa thì nó biến thành một dạng nghiện. Bạn tôi thảo luận về vụ án với tất cả mọi người ông ấy gặp. Ông lão cũng bị ốm. Luôn có một chai nhỏ rượu mạnh trong túi. Tôi khuyên ông ấy nên cai rượu, nhưng lời khuyên của tôi bị bỏ ngoài tai. Ông ấy không quan tâm đến cái gì khác ngoài việc nhâm nhi chai rượu và say sưa phân tích những quan điểm về các vụ án, cho dù người nghe có quan tâm dù chỉ chút xíu hay là không. Cho nên cuối cùng người ta tìm cách lảng tránh ông lão. Những lần ghé chơi nhà tôi thưa hơn sau một lần tôi thể hiện thái độ bực bội. Nhưng hễ khi nào có một giấc mơ, ông lão lại chạy ngay đến kể cho tôi một cách tường tận. Phần lớn thời gian Yasukawa chẳng làm được gì có ý nghĩa. Ông ấy đánh mất mối liên hệ với thực tiễn. Đỉnh điểm là lần ông ấy chỉ một người bạn khác của tôi và tuyên bố, ‘Người này chính là Heikichi Umezawa!’ Rồi sụp xuống sàn, vái lấy vái để và kêu khóc ‘Đã lâu rồi mới được gặp lại ông, ông Umezawa!’ Bạn tôi có một cái sẹo phía trên lông mày, và đó có vẻ là điều khiến Yasukawa chú ý.”

“Ông Umezawa cũng có một cái sẹo ư?”

“Tôi không rõ. Chắc chỉ có ông Yasukawa mới biết.”

“Bác vẫn còn liên lạc với người bạn đó của bác chứ?”

“Có, ông ấy là một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi. Ông ấy là người tôi vẫn tới thăm tại Meiji-Mura.”

“Cháu hiểu. Cháu xin tên ông ấy được không?”

“Hachiro Umeda.”

“Hachiro Umeda ạ?!”

“Đừng vội rút ra bất kỳ kết luận gì, anh Ishioka. Yasukawa tin rằng Hachiro Umeda chính là Heikichi Umezawa. Tên của họ nghe có vẻ giống nhau, nhưng không hề có bất kỳ bằng chứng gì cho thấy họ là cùng một người. Umeda là một cái tên rất thông dụng ở khu vực Kansai, và trên thực tế, ga lớn nhất tại Osaka lại nằm ở một nơi gọi là Umezawa.”

Măc dù Yoshida cố gắng phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào nhưng sự nghi ngờ của tôi càng tăng thêm nữa. Tôi chú ý đến cái tên Hachiro hơn là cái họ Umeda. Hachi nghĩa là “tám” và chính xác đã có tám nạn nhân trong vụ án Hoàng đạo: Heikichi (hoặc kẻ đóng thế, nếu ý tưởng của tôi là đúng), Kazue, và sáu cô gái nhà Umezawa.

“Theo như tôi biết,” Yoshida tiếp tục, “Umeda chưa bao giờ sống ở Tokyso. Ông ấy trẻ hơn tôi, cho nên không thể là ông Umezawa được. Ông Yasukawa đã nhầm lẫn vì cho rằng Umeda trông giống Umezawa thời còn trẻ.”

“Thế ông Umeda làm gì ở Meiji-Mura ạ?”

“Ông ấy làm việc tại đồn cảnh sát Kyoto Shichijo, một tòa nhà nguyên bản từ thời Minh Trị. Ông ấy không phải cảnh sát thực sự nhưng làm một số công việc của cảnh sát, mặc đồng phục cảnh sát thế kỷ 19 và vác theo kiếm.”

Tôi đang suy nghĩ xem làm cách nào tôi có thể gặp người này thì ông Yoshida xen vào như thể đang đọc được suy nghĩ của tôi. “Có lẽ cậu muốn gặp ông lấy, nhưng tôi cam đoan với cậu rằng cậu không nên coi Hachiro là Heikichi Umezawa. Ông Hachiro trẻ hơn ông Umezawa rất nhiều nếu Umezawa có sống tính đến thời điểm này và tính cách hai ông già đó thì khác nhau như nước với lửa; ông Umeda làmột diễn viên hài kịch bẩm sinh, trong khi Heikichi Umezawa là người phản kháng xã hội và hướng nội. Thêm nữa, ông Umezawa thuận tay trái, còn ông Umeda thuận tay phải.”

Lúc tôi ra về và cảm ơn Yoshida đã dành thời gian tiếp, vợ ông ấy bước ra chào tạm biệt, cúi người rất thấp. Yoshida bước ra phố cùng tôi. “Công viên Meiji-Mura mở cửa từ 5 giờ đến 10 giờ vào mùa xuân,” ông nói. “Hãy đến sớm. Cậu sẽ mất vài tiếng để thăm thú xung quanh đấy.”

Tôi cảm ơn ông lần nữa và đi về phía trạm xe buýt. Tôi ngước nhìn vầng thái dương đang lặn, hy vọng nó không phải là khúc xạ của những gì sắp tới.

Khi quay trở về, tôi thấy Emoto đang bình thản nghe nhạc nhưng không thấy Kiyoshi đâu cả.

Kiyoshi đâu? Ông đã gặp cậu ấy chưa?” Tôi hỏi.

“Có, tôi gặp lúc cậu ấy vừa ra ngoài,” Emoto trả lời.

“Cậu ấy thế nào?”

“Chà… Ừm… trông cậu ấy rất giận dữ, chẳng thèm nói với tôi đi đâu, cậu ấy chỉ nói ‘Tôi sẽ không bỏ cuộc!’ và sau đó lao ra ngoài.”

Thật tò mò. Nhưng vì đã câu được con cá của mình nên tôi hỏi mượn Emoto xe hơi vào ngày hôm sau.

“Ổ, cứ lấy mà dùng,” Emoto đáp.

Mệt nhoài sau một ngày hoạt động, tôi quyết định không thức khuya nữa. Tôi đặt chuông báo thức với hy vọng sẽ dậy được sớm. Không biết giao thông ở Kyoto có tệ hại như ở Tokyo không nhưng tôi vẫn quyết định đi từ lúc 6 giờ sáng để tránh giờ cao điểm. Đi sớm như thế tôi sẽ không gặp được Kiyoshi, nhưng biết làm sao được: Rõ ràng cậu ấy đang đi theo con đường riêng của mình và tôi cũng vậy. Chúng tôi sẽ nói chuyện khi tôi quay về vào buổi tối.

Tôi trải nệm ra sàn và trải sẵn cả cho Kiyoshi để đáp lại sự giúp đỡ của cậu ấy lần trước, đoạn kéo chăn trùm kín đầu và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.