Đường phu nhân nói:
- Việc này đã truyền đi khắp giang hồ, gây thành một tác động rất lớn cho giới vũ lâm, chẳng lẽ đạo trưởng lại không biết tí gì hay sao?
Huyền Chân lắc đầu:
- Trong thời kỳ tọa quan, bần đạo không hỏi gì đến việc ngoài nên chẳng biết chuyện gì cả.
Đường phu nhân nói:
- Nếu thế thì việc Huyền Nguyệt đạo trưởng của quý phái bị mất tích, có lẽ đạo trưởng cũng không biết chăng?
Huyền Chân cau mày nói:
- Để bần đạo thử hỏi xem sao.
Nói dứt lời, ông với chiếc dùi gỗ để trêи án thư toan gõ chuông gọi, chợt nghe một tràng cười dài bức mành trúc cuốn lên, rồi một chàng thiếu niên thần thái phong lưu, nghi dung tuấn nhã thủng thỉnh bước vào.
Người này ăn mặc tuy giản dị, nhưng cử chỉ thần tình đều có một khí độ thanh khiết cao quý thoát tục. Chàng vào tới trong phòng, đưa mắt nhìn Đường phu nhân một lượt, rồi vòng tay thi lễ hỏi:
- Phu nhân có phải là Đường lão thái, chưởng môn nhân Đường gia đất Tứ Xuyên không ạ?
Đường phu nhân nghiêng mình đáp lễ, cười nói:
- Chính tôi đây. Sao tôn giá lại biết?
Chàng thanh niên cũng cười đáp:
- Phu nhân danh tiếng lừng lẫy giang hồ, ai còn không biết.
Huyền Chân đạo trưởng thấy chàng thanh niên vào, vội đứng lên đón, hớn hở nói:
- Hơn một năm nay mới được gặp mặt, có phải tướng công định đến tìm bần đạo đánh chơi mấy ván cờ chăng?
Thanh niên cười nói:
- Chính thế, hôm nay nhất định phải sát phạt với đạo trưởng một mẻ mới được.
Đường phu nhân cau mày có vẻ không bằng lòng, nghĩ thầm:
“Ta ở trong vũ lâm địa vị đâu đến nỗi hèn kém gì mà lão đạo trưởng thấy ta vào, vẫn nghiễm nhiên không thèm đứng dậy đón. Còn thằng bé con kia là ai, mà được lão trọng vọng như vậy?”
Trong bụng tuy không phục nhưng ngoài miệng vẫn chẳng nói ra. Chàng thanh niên thông minh tuyệt đỉnh, hình như cũng nhận thấy cử chỉ của Huyền Chân đạo trưởng vừa rồi, đã làm phật ý Đường phu nhân bèn ngoảnh lại cười nói:
- Lão tiền bối không quản xa xôi tới đây, có lẽ vì muốn tra cứu nguyên nhân nào đã làm cho lệnh lang mất tích phải không?
Đường phu nhân biến sắc mặt hỏi:
- Tại sao tôn giá lại biết?
Chàng thanh niên mỉm cười nói:
- Đường lão thái muốn biết lệnh lang hạ lạc nơi nào, chỉ e trêи đời này trừ tại hạ ra, thì không còn người thứ hai nào biết nữa.
Đường phu nhân hấp tấp hỏi:
- Khuyển tử hiện nay ở đâu?
Thanh niên mỉm cười nói:
- Nam Cung thế gia.
Đường phu nhân sửng sốt hỏi:
- Nam Cung thế gia? Có phải nhà Nam Cung đã được thiên hạ suy tôn là “Vũ lâm đệ nhất gia” không?
Thanh niên lại cười đáp:
- Thì chỉ có nhà Nam Cung ấy, chớ còn nhà nào nữa.
Đường phu nhân tái mặt hỏi:
- Có đúng thế thực không?
Nụ cười trêи môi Huyền Chân đạo trưởng lập tức thu lại, rõ ràng là ông cũng bị xúc động vì cái tin đột ngột đó. Chàng thư sinh áo xanh vẫn giữ nguyên nụ cười bí mật, thủng thỉnh nói:
- Tuy nhiên dù lão tiền bối có tới nhà Nam Cung bây giờ, thì cũng khó lòng mà trông thấy lệnh lang.
Đường phu nhân hốt hoảng, run run hỏi:
- Làm sao?Hay là… hay là khuyển tử đã bị hại rồi?
Thiếu niên lắc đầu:
- Nếu lệnh lang đã thâu được vũ công chân truyền của lão tiền bối thì tính mạng tạm thời có thể vô sự. Còn nếu vũ công tầm thường, không đáng trúng tuyển thì khó đoán định lắm.
Đường phu nhân chống mạnh cây gậy trúc xuống đất, sẵng giọng hỏi:
- Tại sao ngươi lại biết rõ ràng như thế?
Chàng thanh niên đôi mắt lạnh lùng nhìn Đường phu nhân thủng thỉnh nói:
- Nếu phu nhân không tin, tại hạ cũng không biết làm sao được nữa…
Đường phu nhân hình như cũng nhận thấy câu nói của mình có hơi lỗ mãng, bèn ngầm vận khí điều tức cho tâm trí bình tĩnh lại. Luồng nhỡn tuyến của chàng thiếu niên lại từ từ chuyển sang Huyền Chân đạo trưởng, nụ cười lại thoáng hiện trêи đôi môi:
- Lệnh sư đệ Huyền Nguyệt đạo trưởng…
Huyền Chân vẫn điềm tĩnh hỏi:
- Có thể cũng bị hãm trong nhà Nam Cung thế gia chăng?
Thiếu niên hỏi lại:
- Hình như đạo trưởng đã yên trí về chuyện đó?
Huyền Chân đạo trưởng nói:
- Năm năm trước bần đạo và chưởng môn nhân hai phái Nga Mi, Thanh Thành cùng là thượng khách của Bách Nhẫn thiền sư chùa Thiếu Lâm, nhân lên đỉnh núi Thiếu Thất sơn thưởng nguyệt và đàm luận hình thể giang hồ, bần đạo đã từng bàn đến nhà Nam Cung thế gia sau này tất sẽ là một mối họa lớn cho giang hồ. Bần đạo chủ trương liên lạc với chín đại môn phái, cùng tới nhà Nam Cung đòi ba món bảo vật về. Rồi sau đó lại do các môn phái liên hiệp, phái ba mươi sáu cao thủ canh gác xung quanh nhà Nam Cung trong vòng năm dặm, để giám sát hành động của những người trong gia đình ấy. Chỉ tiếc rằng ý kiến của bần đạo không được ai hưởng ứng.
Thiếu niên cười nói:
- Năm năm trước nhà Nam Cung thế gia đã đủ lông đủ cánh, giả tỷ những người dự hội bữa đó có theo ý của đạo trưởng mà thi hành, e rằng cũng vô ích.
Chàng ngừng một lát rồi lại tiếp:
- Nhưng dù sao cũng làm cho âm mưu của nhà Nam Cung thế gia sớm bị bại lộ, còn hơn là không.
Huyền Chân đạo trưởng nghiêm sắc mặt nói:
- Tiểu sư đệ Huyền Nguyệt tài trí, kiếm thuật đều vào hàng thượng thừa, nếu không chiến thắng nổi địch thì ít nhất cũng có thể bảo toàn được tính mệnh, mà trốn thoát lấy thân chứ?Tại sao lại đến nỗi bị hãm vào nhà Nam Cung thế gia được?
Nói xong ông lại nhìn chàng thiếu niên bằng cặp mắt ngờ vực. Đường phu nhân từ nãy đến giờ vẫn lẳng lặng ngồi yên, lúc này chợt lên tiếng hỏi chàng thanh niên:
- Việc thằng con tôi bị hãm ở nhà Nam Cung, tôn giá mắt có trông thấy tận nơi không? Hay cũng chỉ là nghe người ta nói thế?
Chàng thiếu niên mỉm cười nói:
- Không ngờ chỉ vì một câu nhẹ miệng của tôi mà gây ra bao nhiêu phiền phức! Hai vị cật vấn tôi y như quan tòa hỏi cung phạm nhân. Thôi xin thứ cho tại hạ khỏi phải trả lời.
Đường phu nhân cau mày đã toan phát tác, nhưng sau lại cố nén. Huyền Chân đạo trưởng công phu hàm dưỡng còn thâm sâu hơn, trong bụng tuy muốn biết ngay tin tức Huyền Nguyệt nhưng ngoài mặt vẫn bình tĩnh, chỉ cười nói:
- Một năm nay ngồi tọa quan, không được đánh ván cờ nào nên chân tay đã thấy ngứa ngáy rồi đây!
Thiếu niên cũng cười nói:
- Đó mới chính là cái đạo đãi khách chứ!
Huyền Chân cầm cái dùi gõ vào chiếc chuông đồng để trêи bàn hai tiếng. Tiếng chuông còn ngân nga chưa dứt, tên đạo đồng đã bưng bàn cờ đem vào.
Thanh niên nhìn Đường phu nhân cười nói:
- Lão thái thái vũ công, ám khí đã từng khét tiếng vũ lâm nhưng còn môn cờ thì thế nào?
Đường phu nhân vẫn cố nén sốt ruột, thủng thỉnh đáp:
- Cũng có biết gọi là.
Chàng thanh niên cười nói:
- Hay lắm, hay lắm! Lát nữa thế nào cũng xin lão thái thái chỉ giáo cho vài nước.
Huyền Chân bưng bàn cờ lại giường ngồi, chàng thiếu niên cũng kéo chiếc ghế gỗ sang theo, miệng vẫn cười hỏi:
- Đạo trưởng tọa quan một năm nay, chắc cờ đã tiến lắm phải không? Hôm nay chúng ta thử so tài, cũng nên dùng vật gì đặt cuộc cho vui.
Huyền Chân nói:
- Học như người bơi thuyền ngược chiều, không tiến thì phải thoái. Bần đạo đã lâu không chơi môn này, có lẽ quên hết rồi cũng nên.
Thanh niên cười nói:
- Tại hạ vẫn nhường đạo trưởng ba nước, được không?
Huyền Chân cũng không khách sáo, đi một hơi liền ba con, miệng thì nói:
- Đánh cuộc bằng cái gì bây giờ?
Chàng thanh niên đăm đăm nhìn ba con cờ trắng của Huyền Chân vừa đi, trầm ngâm một lát rồi nói:
- Đánh cuộc không nên lớn quá cũng không nên nhỏ quá. Theo ý tại hạ thì chúng ta nên đem bàn tay trái ra mà đặt cuộc.
Huyền Chân giật mình vội hỏi:
- Hả? Cái gì? Đặt cuộc bằng bàn tay trái ư?
Thanh niên cười nói:
- Ăn cơm cầm đũa tay phải, viết chữ cầm bút bằng tay phải, còn bàn tay trái vô dụng chẳng đem đặt cuộc thì để làm gì?
Nghe cái lối đánh cuộc kỳ khôi như vậy, ngay cả Đường phu nhân là một người lão luyện giang hồ cũng phải lấy làm sửng sốt. Huyền Chân đạo trưởng lắc đầu nói:
- Thân thể của cha mẹ đâu dám tự ý hủy hoại? Đánh cuộc như vậy thì bần đạo xin hàng.
Thanh niên vẫn điềm tĩnh nói:
- Đó chỉ là tại hạ đề nghị, còn nếu đạo trưởng không ưng thì dùng cái khác.
Huyền Chân nói:
- Công tử đề nghị đặt cuộc to quá như vậy, bần đạo còn biết thay bằng cái gì bây giờ?
Thanh niên cười nói:
- Đã vậy để tại hạ nghĩ giúp đạo trưởng có được không?
Huyền Chân nói:
- Xin cứ cho nghe.
Thanh niên nói:
- Nếu tại hạ thua, xin tình nguyện chặt bàn tay trái này để dâng đạo trưởng, còn nếu đạo trưởng thua chỉ xin đạo trưởng kể cho nghe một câu chuyện bí mật có liên quan đến nhân vật vũ lâm, mà phải là sự thật trăm phần trăm. Đạo trưởng có bằng lòng không?
Huyền Chân cười nói:
- Bần đạo sáu chục năm nay đã từng được xem bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời, đi đã khắp, đông, tây, nam, bắc; những chuyện kỳ văn mật sự…
Thiếu niên ngắt lời:
- Có một điểm tại hạ cần phải nói trước là câu chuyện bí mật ấy càng ít người biết càng hay. Nếu được chuyện nào trừ đạo trưởng ra không còn ai biết nữa, thì lại càng hay lắm.
Huyền Chân cười nói:
- Về điểm ấy thì bần đạo có thể hứa chắc chắn được, duy có điều hai bên đặt cuộc khinh trọng quá chênh lệch như vậy làm sao coi được?
Thanh niên mỉm cười:
- Không sao, không sao!
Nói xong cầm quân cờ đi một nước. Từ lúc ấy hai người đều cắm đầu vào bàn cờ, hình như không còn biết có người thứ ba đang ngồi ở trong phòng nữa.
Đường phu nhân đang nóng lòng sốt ruột về sự an nguy của cậu con trai duy nhất, thấy hai người chỉ mê mãi đánh cờ quên cả tiếp khách thì giận lắm, cao giọng quát to:
- Cứu nhân như cứu hỏa, khuyển tử bị hãm thân trong cảnh nguy hiểm không biết sống chết thế nào, hai vị còn bắt lão thân phải chờ đến bao giờ nữa?
Hai tay đấu cờ vẫn đăm đăm nhìn vào bàn cờ, hình như không nghe thấy gì cả. Đường phu nhân càng giận chợt cầm cây gậy quật xuống đất một cái thật mạnh, tức thì chiếc bàn cờ nảy cao lên khỏi mặt giường.
Chàng thanh niên nhanh tay ấn bàn cờ xuống, quay lại cười nói:
- Đường lão thái thấy tại hạ đi sai nước cờ chăng?
Đường phu nhân giận tái xanh cả mặt, gằn giọng nói:
- Lão thân đâu có ung dung ngồi xem đánh cờ được.
Thiếu niên vẫn tươi cười nói:
- Nếu vậy thì chắc lão thái thái chỉ băn khoăn về vấn đề an nguy của lệnh lang thôi, phải không?
Đường phu nhân chợt dịu sắc mặt, thở dài nói:
- Mẫu tử tình thâm, lòng nào còn bình tĩnh được? Xin hai vị thứ cho cái cử chỉ thất thố của tôi.
Thiếu niên chỉ tủm tỉm cười, lại quay lại đi một nước cờ nữa. Mỗi lần chàng đi một quân, sắc mặt Huyền Chân lại lộ vẻ bối rối. Hai người từ lúc ấy lại chú hết tinh thần vào bàn cờ. Đường lão thái đằng hắng một tiếng rồi hỏi:
- Hai vị có thể dừng lại một lát, cho lão thân hỏi thăm vài câu được không?
Huyền Chân vừa toan nói thì chàng thanh niên đã nhanh như cắt hạ luôn một con cờ, Huyền Chân lại bị hấp dẫn cúi xuống nghĩ nước. Chàng thanh niên vẻ mặt lúc thì nghiêm trọng, lúc thì bình tĩnh rõ ràng là chàng chỉ dùng một nửa tinh thần chú ý vào việc đánh cờ. Chàng nói với Đường thái thái:
- Lão thái có điều gì chỉ bảo xin cứ nói.
Đường phu nhân nhắc lại câu hỏi lúc nãy:
- Khuyển tử hiện nay bị hãm ở đâu?
Thiếu niên đi một nước cờ rồi thủng thỉnh đáp:
- Chân núi Độc sơn phủ Nam Dương, trong nhà Nam Cung thế gia rừng Trường Thanh.
Đường phu nhân hỏi:
- Các hạ có trông thấy tận nơi không?
Thanh niên đáp:
- Cố nhiên là có trông thấy.
Đường phu nhân đứng lên vòng tay vái Huyền Chân đạo trưởng một vái rồi nói:
- Quấy quả đạo trưởng thật là không phải. Lão thân xin cáo từ.
Nói xong quay ra cửa toan đi. Chàng thanh niên chợt cao giọng nói:
- Nam Cung thế gia phòng thủ cẩn mật lắm, huống hồ lại còn thêm bốn điều giới quy của Vũ lhuyệt vệ, khó lòng vi phạm được. Lão thái vũ công tuy cao, ám khí tuy độc nhưng muốn đàng hoàng xông thẳng vào tận nơi, e không phải chuyện dễ…
Chàng lại cúi xuống đi một nước cờ rồi tiếp:
- Giả sử lão thái có vào được tới nơi, cũng không thể trông thấy lệnh lang được đâu.
Đường phu nhân đã ra đến cửa, nghe chàng thiếu niên nói thế lại vội vàng quay vào, cung kính nói:
- Các hạ có kế gì xin chỉ giáo cho, lão thân cảm kϊƈɦ vô hạn.
Chàng thanh niên nói:
- Lão thái thái hãy tạm chờ một lát để tại hạ gỡ lại nước cờ bí này đã, rồi sẽ nói chuyện cũng không muộn.
Thì ra trong khi chàng nói chuyện với Đường phu nhân, vì không chú ý nên bị Huyền Chân đạo trưởng đi luôn hai nước cờ hiểm, chuyển thế thủ ra thế công chiếm mất ưu thế.
Đường phu nhân ruột tuy nóng như lửa đốt nhưng cũng không biết làm thế nào được, đành phải miễn cưỡng ngồi lại. Chàng thanh niên hình như về môn cờ đã đi đến chỗ tuyệt nghệ, nên chỉ chú ý một chút là lại gỡ được cái thế quân bình. Huyền Chân đạo trưởng đã thấy lúng túng, không biết xoay trở ra sao.
Đường phu nhân vừa đằng hắng một tiếng toan hỏi, chàng thanh niên đã nói trước:
- Nếu lão thái thái muốn gặp lệnh lang thì trước hết hãy bỏ những cái phô trương thanh thế bề ngoài đi đã, nhà Nam Cung tai mắt nhan nhản khắp thiên hạ chỗ nào cũng có, mà uy danh của Đường gia Tứ Xuyên cũng lừng lẫy giang hồ, nhất cử nhất động của lão thái thái đều không qua khỏi mắt họ. Vậy nên theo ý tại hạ, thì lão thái nên lên kiệu về ngay đi…
Chàng ngừng một lát lại tiếp:
- Khi tới một khu nào hoang vắng, lão thái nên bỏ kiệu thay hình đổi dạng, rồi hãy đi lên phía bắc…
Đường phu nhân cau mày ngắt lời:
- Lão thân danh phận thế nào mà lại làm cái trò lén lút, giấu giếm như một kẻ gian phi, sau này câu chuyện đồn đi khắp nơi thiên hạ còn ai coi ra gì nữa?
Thiếu niên cười nói:
- Lão thái như không tin lời tại hạ thì cũng đành vậy, chớ còn biết sao được nữa?
Đường phu nhân trầm ngâm một lát, rồi thở dài nói:
- Đáng thương thay là lòng người làm cha mẹ! Thôi thì vì con mà lão thân cũng đành phải theo lời các hạ thay hình đổi dạng vậy, chớ còn biết làm thế nào bây giờ?
Chàng thanh niên cười nhẹ nói:
- Nhà Nam Cung thế gia bề ngoài như không phòng bị gì cả, nhưng kỳ thực thì bên trong đều ngầm đặt cơ quan, bố trí rất chu đáo. Thái thái dẫu cải trang cũng chưa chắc che dấu được đủ mọi mặt, nên chỉ sơ ý một chút là trước khi đến Nam Dương, họ đã phái người theo dõi thái thái rồi…
Chàng chợt đổi giọng, thi triển công phu “Truyền âm nhập mật” nói tiếp:
- Có một xóm lẻ dân cư chừng vài chục nóc nhà, ở về phía Tây khu rừng Trường Thanh, cạnh nhà Nam Cung khoảng hơn mười dặm. Từ phía Tây đi tới rẽ sang Đông tới căn nhà thứ hai, trong nhà có một bà già tóc bạc phơ phơ ở có một mình, đó chính là người có thể tìm cách đưa lão thái thái vào nhà Nam Cung thế gia được. Tuy nhiên trước hết thái thái phải làm được hai điều này đã: Một là phải giữ thế nào cho kín đáo đừng để bị ai nghi ngờ theo dõi, hai là phải có một món lễ vật gì kha khá hối lộ cho mụ, mụ mới chịu hết lòng giúp mình.
Đường thái thái cau mày nói:
- Ngộ nhỡ mụ không chịu giúp thì sao?
Thanh niên ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Nếu thế thái thái cứ bảo mụ rằng “Thập tam lang kêu tôi đến tìm mụ”.
Đường phu nhân ngắt lời hỏi:
- Thập tam lang là ai cơ?
Thanh niên đáp:
- Thập tam lang là ai lão thái thái không cần phải biết, nhưng cứ nói tên ấy ra thì thế nào mụ cũng giúp.
Đường phu nhân tuy có cái tài kiêu hùng nhất thế nhưng đang lúc lo lắng vì con, ngoài mặt dẫu cố gượng trấn tĩnh mà kỳ thực thì trong lòng bối rối như tơ vò. Tuy thấy những lời của chàng thanh niên rất nhiều mâu thuẫn, cũng không còn bụng nào đắn đo suy xét kỹ, chỉ hấp tấp quay ra đi luôn.
Huyền Chân đạo trưởng vì thế cờ đang đi đến chỗ gay go nên phải chú hết tinh thần vào đó, đến nỗi Đường phu nhân đi lúc nào cũng không hay. Mãi đến lúc trêи bàn cờ chỉ còn một loại quân đen, không thể gỡ được nữa mới buồn bã thở dài một tiếng, nói:
- Bần đạo tự nghĩ một năm nay tĩnh tọa, nước cờ tất phải tinh tiến hơn nhiều. Không ngờ vẫn bị thua công tử một bực.
Ngoảnh lại không thấy Đường thái thái đâu, bất giác ngạc nhiên hỏi:
- Đường lão thái đi đâu rồi?
Thanh niên cười nói:
- Bà ấy về từ lâu rồi!
Huyền Chân đạo trưởng than rằng:
- Đường lão thái là hùng chúa một phương danh tiếng rất lớn, bần đạo tiếp đãi không được chu đáo, chỉ e bà ta để bụng hiềm thù thì phiền lắm.
Thanh niên cười nói:
- Không sao, bà ta đang nóng lòng sốt ruột vì đứa con mất tích, thì giờ đâu để tâm đến chuyện ấy!
Huyền Chân đạo trưởng đăm đăm nhìn chàng thanh niên, nói:
- Công tử đem bàn tay trái đánh cuộc lấy một câu chuyện bí mật vũ lâm, món đặt cuộc lớn quá, cũng may là bần đạo lại thua!
Chàng thanh niên mỉm cười:
- Nếu kẻ thua cuộc là tại hạ thì lúc này xung quanh tịnh xá của đạo trưởng đã bị máu me làm bẩn hết rồi.
Huyền Chân đạo trưởng nói:
- Công từ hà tất phải chế diễu, bần đạo đã thua cuộc phải giữ lời hứa.
Ông ngừng một lát, ngửa mặt lên trời suy nghĩ giây lâu, rồi thủng thỉnh nói tiếp:
- Đây là câu chuyện mấy chục năm về trước mà lúc nào bần đạo cũng canh cánh trong lòng, nhưng tuyệt nhiên không hề nói qua với ai. Ôi! Một việc bí ẩn của vũ lâm mà trừ bần đạo ra, chắc không còn ai biết nữa.
Chàng thanh niên đôi mắt sáng hẳn lên, cười nói:
- Hay lắm, hay lắm! Càng bí mật càng hay! Xin đạo trưởng cứ cho nghe.
Huyền Chân sắc mặt vụt trở nên trang trọng, gật đầu nói:
- Việc này rất lớn, quan hệ đến cả hai phái chính tà trong vũ lâm. Bần đạo đã suy nghĩ hàng mấy chục năm trời, mà vẫn chưa dám quả quyết có nên đem công bố cho tất cả các bạn vũ lâm cùng biết không? Vì nếu nói ra thì có thể làm chấn động nhân tâm…
Thanh niên hỏi:
- Chuyện gì mà quan trọng đến thế?
Huyền Chân đạo trưởng không trả lời, chỉ nhắm mắt ngồi yên. Hình như trong thâm tâm của ông đang bị kϊƈɦ động mãnh liệt. Một lát sau, ước chừng nguội hết chén trà, Huyền Chân đạo trưởng chợt mở bừng mắt nhìn chòng chọc vào mặt chàng thiếu niên rồi nói:
- Chúng ta quen biết nhau đã mấy năm nay, mà bần đạo vẫn chưa biết tên họ của các hạ…
Thanh niên mỉm cười đáp:
- Tại hạ tên gọi Nhâm Vô Tâm.
Huyền Chân đạo trưởng lẩm bẩm nhắc lại:
- Nhâm Vô Tâm, Nhâm Vô Tâm cái tên nghe lạ quá nhỉ?
Thanh niên nói:
- Đạo trưởng trước khi nhập cửa huyền môn chắc cũng phải có tên họ do cha mẹ đặt cho, nhưng hiện giờ thì mấy ai biết đến? Đủ hiểu rằng người ta đặt tên chỉ dùng để gọi, dù tục hay nhã có hại gì đến mình đâu? Đạo trưởng hà tất phải lấy làm kinh ngạc! Thôi bây giờ xin đạo trưởng kể chuyện đi, tại hạ xin lắng nghe.
Huyền Chân thở dài nói:
- Ba chục năm trước, hồi bần đạo chưa tiếp chức chưởng môn, một bữa theo gia sư lên Côn Lôn phó hội. Khách dự hội bữa đó đều là các nhân vật có tên tuổi trong vũ lâm, nhưng chỉ có hai vị chưởng môn là ân sư tôi và Thiên Long đại sư phái Thiếu Lâm, còn các môn phái khác thì hoặc là cho đệ tử cao cấp, hoặc phái các vị trưởng lão vào hàng tôn trưởng đi đại diện. Cuộc thịnh hội hôm ấy vui lắm, chủ khách đều hân hoan mà giải tán. Gia sư và Thiên Long đại sư cùng kết bạn ra về. Một hôm vào giữa buổi trưa, trời bỗng dưng nổi trận mưa rào, bọn chúng tôi cả thảy bốn người đều chạy vào sườn núi để tránh.
Nhâm Vô Tâm chăm chú nghe tới đây, chợt hỏi:
- Bốn người là những ai?
Huyền Chân đáp:
- Bần đạo quên chưa nói rõ, trong bọn trừ hai thầy trò tôi ngoài ra còn hai thầy trò Thiên Long đại sư. Người học trò đại sư là Bách Nhẫn tức là chưởng môn phái Thiếu Lâm bây giờ.
Huyền Chân ngừng một lát rồi lại tiếp:
- Dưới chân sườn núi, chỗ chúng tôi đứng trú mưa có một tòa động đá bị một cây thông lùn, cành lá rườm rà che khuất phải tiến vào bên trong mới trông thấy cửa động. Tệ phái và phái Thiếu Lâm môn quy rất nghiêm ngặt, Bách Nhẫn và bần đạo tuy trông thấy tòa động đá nhưng không ai dám chủ trương. Mãi một lúc sau gia sư mới nhận ra, bèn một mình thủng thỉnh tiến vào. Không ngờ gia sư vào động một lúc khá lâu mà vẫn không thấy ra, bần đạo tuy sốt ruột nhưng đứng trước mặt Thiên Long đại sư vẫn phải cố làm ra vẻ trấn tĩnh. Lại chờ một lúc lâu nữa, Thiên Long đại sư hình như cũng lấy làm lạ, bèn đứng lên đi vào tìm.
Ngờ đâu Thiên Long đại sư vào động cũng không thấy ra nữa. Bần đạo và Bách Nhẫn đứng ngoài chờ ước chừng thổi chín nồi cơm, vẫn không thấy tăm hơi gì cả. Không thể nhẫn nại được nữa, chúng tôi bèn bàn nhau vào động kiếm. Vào tới trong động chỉ thấy gia sư và Thiên Long đại sư đều nằm phục trêи nền đá, đôi mắt nhắm nghiền hình như đều chết cả rồi. Bần đạo hồn vía rụng rời, lập tức bế gia sư ra khỏi thạch động, thi triển thủ pháp “Thôi cung quá huyệt” nắn bóp huyệt đạo cho người.
Nhâm Vô Tâm hỏi:
- Còn Thiên Long đại sư và Bách Nhẫn đại sư thì sao?
Huyền Chân thở dài:
- Bọn họ ra sau bần đạo một lúc. Có lẽ Bách Nhẫn cứu chữa cho sư phụ ngay ở trong động, rồi sau mới bế ra ngoài.
Nhâm Vô Tâm lại hỏi:
- Rồi sau sao nữa?
Huyền Chân nói tiếp:
- Sau khi tỉnh dậy, gia sư chỉ nói có một câu “Mau đưa ta về núi” rồi lại nhắm nghiền đôi mắt lại. Trước tình cảnh ấy, bần đạo ruột đã rối như tơ vò và ân sư xưa nay tính rất nghiêm khắc, nói thế nào phải làm đúng như vậy, không được hỏi lại. Bần đạo chỉ đành vâng theo lệnh dụ, lập tức cõng gia sư gắng sức đi suốt ngày đêm đến núi Vũ Đương.
Nhâm Vô Tâm lại hỏi:
- Lệnh sư không dặn dò gì đạo trưởng nữa ư?
Huyền Chân nói:
- Về đến cửa quan, bần đạo lập tức cho mời mấy vị sư đệ cùng vào phòng ân sư để nghe lệnh sai khiến. Không ngờ chờ lâu tới chừng ăn xong bữa cơm, không thấy ân sư tỉnh dậy mà cũng chưa tắt thở, hơi thở chỉ thoi thóp như sợi tơ, không đứt mà cũng không tan.
Nhâm Vô Tâm chợt chớp mau đôi mắt, nói:
- Thật là kỳ quái!
Huyền Chân lại kể tiếp:
- Chờ mãi không thấy sư phụ tỉnh dậy, tôi và mấy sư đệ bèn một mặt thi triển thủ pháp “Thôi cung quá huyệt” xoa bóp các huyệt mạch trêи mình người, một mặt hòa một thứ linh đan độc môn của tệ phái cho người uống, chỉ mong người chóng chóng lai tỉnh…
Nói tới đấy hai mắt chợt nhắm nghiền, nét mặt vừa đau khổ vừa kinh hãi, không nói được nữa. Nhâm Vô Tâm biết trong bụng ông đang xúc động mạnh nên phải nhắm mắt điều tức, cho tâm trí bình tĩnh lại bèn cũng ngồi yên không hỏi gì nữa.
Một lúc sau, Huyền Chân lại mở mắt ra kể tiếp:
- Ước chừng qua một giờ nữa, lúc ấy đã vào khoảng giờ tý gia sư thốt nhiên hồi tỉnh, nhảy phắt dậy giơ tay phách không đánh một chưởng vào ngực bần đạo. Môn quy của phái Vũ Đương chúng tôi rất nghiêm ngặt, dù trông thấy sư phụ giơ chưởng đánh ra cũng không dám tránh né, nhưng cái bản năng cầu sống của con người đã thúc đẩy bần đạo xoay người tránh thoát chỗ yếu hại, thành thử chưởng phong chỉ trúng vào nách bên phải, làm bần đạo bị gãy mất hai cái xương sườn. Chỉ thấy ân sư đôi mắt long lên sòng sọc như mắt người điên, tôi sợ quá quát bảo các sư đệ hãy tránh xa ra, không ngờ vì họ chậm chân một chút đã bị gia sư túm được…Hai sư đệ tuy học đã thành tựu nhưng vì không dám chống lại, nên đều bị gia sư bẻ gãy chân tay, đánh mạnh vào yếu huyệt thổ huyết không ngừng. Bần đạo được Huyền Tinh sư đệ cứu đem ra ngoài mới được thoát chết! Đó là cả một đoạn cố sự kinh khủng và thương tâm. Đến bây giờ mỗi lần nghĩ lại, vẫn cảm thấy rùng mình.
Nhâm Vô Tâm hỏi:
- Rồi sau ra sao?
Huyền Chân nói:
- Bần đạo đã được cứu ra, Huyền Nguyệt, Huyền Quang sợ ân sư trong lúc điên cuồng đuổi theo, bèn đóng chặt cửa phòng lại.
Nhâm Vô Tâm nói:
- Lệnh sư vũ công cao như thế, hai cánh cửa phòng làm sao ngăn nổi được ngài?
Huyền Chân nói:
- Đó mới thật là một chuyện quái đản ly kỳ, những sự biến hóa đều không ai có thể ngờ tới được. Gia sư bị nhốt ở trong phòng đã không phá cửa mà ra, lại đem bao nhiêu hờn giận trút cả lên mình hai vị sư đệ đã bị thương, bọn họ bị gia sư dùng móng tay sắc cấu nát thi thể ra mà chết! Ôi, dẫu người thù oán nhau đến bậc nào, cũng không thể nào giết nhau một cách kinh khủng tàn nhẫn đến thế được, huống chi là tình thấy trò mấy chục năm trời. Tôi và hai sư đệ đứng ngoài trông thấy thế, trong bụng thực đau như dao cắt. Nhưng khốn nỗi hung phạm không những là ân sư có công ơn nuôi dưỡng chúng tôi, lại là vị chưởng môn sư trưởng, nếu ra tay cứu gỡ cho sư đệ thì thế nào cũng gây thành một thảm kịch thầy trò đánh nhau, còn ra thế nào nữa.