Động cơ và thời gian gây án đã có, thiếu chút nữa thôi là tôi đã có thể tống Tiêu Kiếm Phong vào nhà lao. Nhưng, đúng lúc đó thì A Dương gọi điện cho tôi, nói rằng Tòa soạn Nhật Báo lại xảy ra hung án, hơn nữa đang nghi ngờ hung thủ là con ma cái xi măng.

Tôi và Trăn Trăn lập tức chạy tới tầng mười ba của Tòa soạn Nhật Báo, A Dương cho chúng tôi biết những nét chính của tình hình: “Người bị chết là Hoàng Kính, ba mươi tuổi, làm nhiệm vụ hiệu đính trong tòa soạn. Khi xảy ra vụ án, ông ta đang cùng làm thêm giờ với Tổng biên tập, Tổng biên tập Lâm Thượng Văn tận mắt chứng kiến quá trình ông ta bị hại.”

Xác của Hoàng Kính nằm bên cạnh bàn làm việc của mình, bên cạnh xác là ba chiếc ghế, hai chiếc trong số đó xếp thành hàng, một chiếc đổ xuống sàn nhà, trên ghế, trên người xác chết và sàn nhà xung quanh đó đều có nước xi măng rơi vãi, phía trên ghế có cả một cửa gió của chiếc điều hòa mà các thanh chia gió đã bị tháo ra rơi xuống. Mặt bàn làm việc hơi bừa bộn, trong đó có một chiếc ngăn kéo còn chưa đóng hết, chìa khóa vẫn đang cắm ở lỗ khóa. Chiếc máy tính trên bàn vẫn đang nhấp nháy nhưng đã ở trạng thái tạm nghỉ.

Cổ của xác chết bị một sợi dây điện màu đỏ to bằng chiếc đũa thít chặt, vết thít hằn sâu trên da, khiến da ở đó tím bầm lại. Hai mắt người chết lồi ra, lưỡi thè dài, mặt tím ngắt, đúng là khuôn mặt của người chết không nhắm mắt, trông rất đáng sợ. Không cần Lưu Niên khám nghiệm, chỉ dựa vào những dấu vết trên hiện trường cũng có thể biết người chết đã bị chết bởi sợi dây điện thít chặt, nhưng hiện trường lại không có dấu vết rõ ràng của sự vật lộn. Người bị thít cổ không giẫy giụa, trừ phi người ấy bị treo lên, nhưng trên bàn toàn không có một chiếc móc nào có thể treo người lên. Muốn treo người đến chết, có lẽ chỉ có thể lơi dụng cửa thông gió, thêm vào đó là những vệt nước xi măng trên sàn nhà, vì thế có thể suy ra rằng hung thủ chỉ có thể là con ma xi măng.

Tổng Biên tập Lâm là người duy nhất chứng kiến, vì thế chúng tôi đã tìm hiểu sự việc qua ông ấy. Bàn tay kẹp điếu thuốc lá của của ông ấy cứ run lên cầm cập, rồi kể lại sự việc với chúng tôi với vẻ bàng hoàng.

Vì truyện của An An nên hầu như cả ngày hôm nay tôi không quay lại làm việc, hơn nữa, Tiểu Ninh xảy ra chuyện, công việc phụ trách bìa của cậu ấy không có ai làm, tôi phải gấp rút sắp xếp công việc làm bìa của cậu ấy, vì vậy mà đã bảo cậu Hoàng cùng làm thêm giờ với tôi.

Vào khoảng tám giờ tối, sau khi biên tập xong một bản thảo dự bị thì tôi bước ra khỏi phòng làm việc, định bảo cậu Hoàng làm nốt công việc hiệu đính cuối cùng. Tôi đang định ra khỏi thì thấy cậu ấy xếp chồng ba chiếc ghế lên và chuẩn bị trèo lên, nên hỏi cậu ấy muốn làm gì. Cậu ấy nói, trong chiếc điều hòa có tiếng gì đó rất lạ, định trèo lên xem thử.

Gần đây liên tiếp xảy ra những việc rất kì lạ, An An còn dính vào việc liên quan đến luật pháp, tôi cũng muốn làm rõ xem rút cục là có chuyện gì nên đã không ngăn cậu ấy, mà chỉ bảo cậu ấy cẩn thận.

Sau khi cậu ấy trèo lên ghế, rất thận trọng tháo rãnh chia gió xuống đặt bên cạnh chân, rồi định thò đầu vào trong đường ống điều hòa. Nhưng, đúng lúc đó thì có một đôi bàn tay đầy nước xi măng cầm một sợi dây điện đã buộc thành vòng bất ngờ thò ra khỏi cửa thông gió chụp vào cổ cậu ấy.

Tôi sững người trước sự việc quá bất ngờ còn cậu Hoàng thì khỏi phải nói, cậu ấy vội tránh sang bên. Nhưng cổ cậu ấy đã bị sợi dây điện chụp vào, không những không tránh được mà còn luống cuống đạp đổ chiếc ghế, khiến cổ của cậu ấy càng bị thít chặt hơn.

Tôi sững người một lúc mới ý thức được rằng cậu ấy sẽ bị chết ngạt, vì thế bèn chạy đến ôm lấy chân nâng cậu ấy lên. Nhưng hai chân cậu ấy cứ đạp liên tiếp, tôi bị đạp mấy cái mới ôm được chân cậu ấy. Cố gắng lắm tôi mới đỡ cậu ấy lên một chút, nhưng hai bàn tay thò ra từ cửa gió ra lập tức kéo sợi dây điện lên, vì thế tôi không thể nào cứu cậu ấy được, tôi bèn chạy xuống dưới gác gọi bảo vệ lên cứu giúp. Nhưng khi tôi đưa người đến nơi thì cậu ấy đã nằm trên sàn nhà rồi...

Trên người Tổng Biên tập Lâm dính đầy nước xi măng, trên ngực cũng có mấy vết giày, những chi tiết này hoàn toàn khớp với những lời ông ta kể. Có điều, nhìn chiếc bàn làm việc có phần bừa bộn, tôi không khỏi cảm thấy nghi ngờ. Người chết đã từng nói với tôi rằng anh ta rất chú ý đến sự gọn gàng, sạch sẽ, sao lại có thể để bàn làm việc của mình như thế được?

Lúc đó Lưu Niên tới, sau khi tôi kể lại cho anh ấy nghe những điều biết được qua lời của Tổng Biên tập Lâm, anh ấy bèn tiến hành khám nghiệm ban đầu đối với xác chết. Một lát sau, anh ấy bước tới trước Tổng biên tập Lâm, hỏi: “Người chết bị hại vào lúc mấy giờ?”

“Chừng trên dưới tám giờ!” Tổng Biên tập Lâm đáp.

Tiếp đó, Lưu Niên hỏi hai người bảo vệ trong ca trực, Tổng Biên tập Lâm tới phòng bảo vệ lúc mấy giờ. Hoàng Vũ ngáp một rồi đáp: Khoảng tám giờ!” Lưu Niên có vẻ không hài lòng, lại hỏi: “Tôi muốn biết thời gian chính xác!”

“Có lẽ vào khoảng 20 giờ 16 phút đến 20 giờ 18 phút.” Hà Tịch vừa nhấn điện thoại vừa nói xen vào, rồi lập tức đưa ngay chiếc di động cho Lưu Niên và nói thêm: “Tôi báo cảnh sát vào lúc 20 giờ 22, từ phòng bảo vệ lên đến tòa nhà mất chừng 5 phút. Tôi lên đến nơi thấy xảy ra chuyện bèn tập tức báo cảnh sát, vì thế có lẽ ông Lâm đã tới phòng bảo vệ vào lúc ấy.”

“Vậy có nghĩa là Tổng Biên tập Lâm rời khỏi hiện trường vào khoảng 20 giờ 10...” Sau khi xòe ngón tay một lát, Lưu Niên cười và nói với tôi: “Vừa rồi tôi nghĩ mãi vẫn chưa ra, vì sao trên cổ của người chết có vết kéo xuống rất rõ, bây giờ thì tôi đã hiểu rồi.”

“Kéo xuống?” Tôi đưa mắt liếc nhìn Tổng Biên tập Lâm một, thấy sắc mặt ông ta bỗng nhiên trắng bệch. Tôi lập tức bước tới kiểm tra quần của người chết, thấy cạp quần ở chỗ xương hông của người chết rất chặt, thân của chiếc quần cũng có dấu vết bị kéo xuống. Tổng biên tập Lâm nói, khi người chết bị treo lơ lửng, ông ấy đã ôm hai chân của người chết nâng lên, nếu đúng như vậy thì chắc chắn đã không có dấu vết như thế này. Dấu vết này chỉ có thể là lúc đó ông ấy đã ôm hai chân của người chết và kéo xuống. Trong lúc cuống quýt người ta dùng sai cách cứu người là chuyện không hiếm, song điều lạ ở đây là ở chỗ ông ấy đã nói dối.

“Vừa rồi tôi đo nhiệt độ gan của người chết, dựa vào đó suy đoán thì ông ấy đã chết vào khoảng từ 19 giờ đến 19 giờ 30 phút, thế mà hơn nửa tiếng sau ông Lâm mới xuống đến phòng bảo vệ. Tuổi cao rồi, có lẽ cần phải chú ý rèn luyện sức khỏe hơn nữa mới được, thưa ông Lâm” Lưu Niên mỉm cười với Tổng Biên tập Lâm lúc đó mặt mày tái nhợt, rồi thu dọn dụng cụ chuẩn bị đưa xác chết đi.

Từ 19 giờ 30 đến 20 giời 16 phút là 46 phút, đi thang máy từ tầng mười ba xuống tầng một mất chưa đầy 5 phút, vậy trong thời gian hơn bốn mươi phút còn lại ông Lâm đã làm gì? Đáp án có lẽ là ở trên bàn làm việc. Tôi vội bước tới bàn làm việc, kiểm tra lỗ của từng chiếc khóa ngăn kéo. Quả nhiên, tất cả các lỗ khóa đều có dấu vết cào, hơn nữa đều là những vết mới cào. Với tính cách cẩn thận của người chết thì những vết cào đó chắc chắn không phải là của anh ta để lại, thậm chí anh ta cũng sẽ không cắm chìa khóa vào lỗ khóa như thế. Vậy thì, người gây ra những vết cào đó chỉ có hai loại: “Một là người say rượu, hai là người đang trong cơn hoảng loạn.”

Tình hình bây giờ đã rất rõ, Tổng Biên tập Lâm đã nói dối, ông ta đã không rời đi ngay sau khi Hoàng Kính chết, mà đã lục soát một hồi bàn làm việc của được chứ? Điều này thì tôi hoàn toàn không hiểu, và bây giờ, điều mà tôi muốn biết nhất là bên trong đường ống của điều hòa.

Tôi vội xếp chồng ghế lại, trèo lên rồi thò đầu vào trong cửa gió ra. Thật lạ, bên trong đó hoàn toàn không hề có dấu vết gì như trong tưởng tượng của tôi, mà chỉ có một ít nước xi măng. Trên trần nhà không có móc, muốn treo người lên thì chỉ có lợi dụng cửa gió ra, đặt ngang một thanh gậy sắt vào trong đó là sẽ treo được người lên. Nhưng, cho dù như vậy thì việc trọng lượng thân thể người dồn cả lên thanh sắt cũng sẽ khiến cho đường ống bên trong có vết đè xuống. Giả thử tìm được vết đè xuống đó thì tôi sẽ có thể bắt ngay Tổng biên tập Lâm tạm giữ để chờ ngày xét xử, nhưng đáng tiếc là không tìm thấy vết đè xuống nào, không lẽ đúng như lời ông ta nói, hung thủ là con ma xi măng?

Lúc trước, Trăn Trăn đã nghe nói rằng Tổng Biên tập Lâm cứ phải khúm núm trước người chết, bây giờ bàn làm việc của người chết có dấu vết bị lục lọi rõ ràng, từ đó có thể suy ra, rất có khả năng người chết đã nắm giữ một số bí mật mà ông Lâm không muốn để người khác biết. Như thế, Tổng Biên tập Lâm đã có thể bị nghi ngờ mà hung thủ giết người, những lời khai của ông ta trở nên không đáng tin, cứ hỏi ông ta thì hẳn sẽ lãng phí thời gian, nhưng giả thử biết được những bí mật của ông ta thì lại là khác. Tuy nhiên, thời gian bốn mươi phút đủ để ông ta lục hết một loạt, tất nhiên không thể nào còn để lại chứng cứ.

Nhìn chiếc máy tính đang trong trạng thái tạm nghỉ, trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ, tôi vội lập tức bật máy lên. Sau khi máy trở lại trạng thái sẵn sàng, tôi kiểm tra các cửa sổ, đáng tiếc là tất cả đều đã đóng. Người chết tính tình cẩn thận, thường xuyên đóng hết các cửa sổ cũng không có gì là lạ, điều đó hoàn toàn chẳng nói lên được điều gì... nhưng rồi, chợt nghĩ đến một chuyện, tôi vội hỏi các nhân viên bảo vệ rằng khi họ tới thì có phải máy tính đã ở trạng thái tắt màn hình rồi không?

Hoàng Vũ nói là không để ý, không hiểu loại người như anh ta đến đây để làm bảo vệ hay đi chơi nữa, hầu như hỏi gì anh ta cũng đều không biết. May mà Hà Tịch suy nghĩ một lát rồi nói, khi cậu ta tới thì máy vẫn chưa tắt màn hình, vì cậu ta là người nông thôn ra, trước đây rất ít dịp được tiếp xúc với máy tính nên rất để ý. Cậu ta còn nói, sau khi cậu ta báo cảnh sát xong thì màn hình mới tắt, hình ảnh trên mà hình đột nhiên thay đổi khiến cậu ta rất lấy làm lạ.

Nghe vậy, tôi lập tức kiểm tra bộ phận cài đặt, thấy thời gian tạm nghỉ màn hình là 20 phút, như vậy có nghĩa là sau khi Hoàng kính chết đã có người sử dụng máy tính, và người ấy có thể khẳng định ngay chính là Tổng Biên tập Lâm.

Xem ra, đã đến lúc để cho Vĩ Ca tham gia công việc rồi. Nếu tổng Biên tập Lâm đã động đến máy tính của Hoàng Kính, có nghĩa là trong máy của ông ta có bí mật của ông Lâm, có thể đó là một hình ảnh hoặc một văn bản. Tuy không dám chắc Vĩ Ca có moi được nhật ký làm việc của máy tính hay không, nhưng việc khôi phục lại dữ liệu vừa bị xóa thì có lẽ chẳng khó khăn gì với anh ta.

Sau khi nhận được điện thoại của tôi, Vĩ Ca lần mần nửa tiếng sau mới tới nơi, hơn nữa còn luôn mồm lẩm bẩm chuyện nhỏ như vậy mà cũng bắt một hắc cơ vĩ đại như anh ta đến. Tôi phải bảo Trăn Trăn “mát xa” mấy cái thật mạnh cho anh ta, anh ta mới ngoan ngoãn làm việc. Anh ta cho một chiếc đĩa vào trong máy, chỉ loáng một đã khôi phục lại một đống dữ liệu bị mất trong đó có mấy file bị xóa sau khi Hoàng Kính đã chết. Tôi bảo Vĩ Ca mở những file đó ra, thì thấy nội dung bên trong toàn là sổ sách của tòa soạn, xem kĩ thì thấy có rất nhiều khoản chi không rõ. Tôi nghĩ, tôi đã biết bí mật của ông Lâm rồi, đó là biển thủ công quỹ!

Tôi chỉ vào màn hình đang hiển thị, nghiêm giọng hỏi Tổng Biên tập Lâm: “Ông đã biển thủ công quỹ và bị người chết dùng điều đó để uy hiếp, vì thế ông đã giết chết anh ta, sau đó gán tội cho kẻ gọi là con ma xi măng. Tôi nói có đúng không, Tổng biên tập Lâm?”

“Không phải, không phải, tôi không giết cậu ấy, cậu ấy bị con ma xi măng giết chết thật mà?” Ông ta cuống quýt phản bác.

“Vậy, ông có giải thích được vì sao quần của người chết bị kéo xuống chứ không phải được nâng lên như lời ông nói không?” Tôi hỏi bằng giọng nghiêm nghị.

“Tôi, tôi, tôi...” Ông ta lắp bắp, không nghĩ ra lí do gì để chối cãi.

Mặc dù với những chứng cứ hiện có chưa đủ để chứng minh ông ta là hung thủ, nhưng ít nhất cũng cho thấy ông ta có liên quan đến cái chết của Hoàng Kính. Ngoài ra, ông ta còn có thêm một tội danh là biển thủ công quỹ, vì vậy tôi bảo A Dương bắt giam ông ta tạm thời.

Gia đình họ Lâm đúng là gặp họa, chỉ trong một ngày mà có ba người trong gia đình bị bắt giam, không hiểu có phải là do mồ mả tổ tiên có vấn đề hay không? Tội biển thủ công quỹ của Tổng Biên tập Lâm hầu như đã được xác định chắc chắn, còn việc ông ta phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với cái chết của Hoàng Kính thì cần phải tiếp tục điều tra. Tuy nhiên, xét theo tình hình hiện tại, dù ông ta không phải là chủ mưu thì cũng là tòng phạm. Nếu nói chủ mưu là con ma cái xi măng bí hiểm thì giả thuyết này lại không thể chấp nhận được vì thế mà khả năng ông ta bị buộc tội là chủ mưu rất lớn.

Còn An An và Tiêu Kiếm Phong bị nghi ngờ là mưu sát Ninh Vũ Dị, suy đoán theo những chứng cứ hiện có thì khả năng hung thủ là Tiêu Kiếm Phong lớn hơn. Nhưng, cho đến lúc này tôi vẫn chưa nghĩ ra được, anh ta đã trốn khỏi phòng tối bằng cách nào, nếu không thì đã có thể thả An An ra rồi.

Xét theo tổng thể thì vụ án này có không ít những điểm nghi vấn, song về cơ bản cũng đã có những manh mối khá rõ, chỉ cần tiếp tục truy vấn các nghi phạm thì sự thật cũng sẽ được sáng tỏ. Tuy nhiên, sự thật không đơn giản như trong suy nghĩ của tôi, những sự việc xảy ra sau đó hoàn toàn vượt ra khỏi dự đoán của tôi.

Sáng sớm ngày hôm sau, tôi tới phòng tổ trưởng để báo cáo về kết quả điều tra: “Cho đến bây giờ vẫn chưa có cách nào xác định được cái gọi là con ma cái xi măng có tồn tại hay không, tuy nhiên có rất nhiều điểm nghi vấn, nhưng có những chứng cứ cho thấy hai vụ án mạng đều là do con người gây ra.” Tiếp đó tôi bèn kể lại tường tận từng chứng cứ cho tổ trưởng nghe và phân tích từng chi tiết một.

“Đúng là Tổng Biên tập Lâm và Tiêu Kiếm Phong rất đáng nghi, nhưng họ chui lên đường ống điều hòa bằng cách nào thì vẫn là một dấu hỏi. Nếu chỉ là một người thì còn có thể miễn cưỡng chấp nhận được, nhưng cả hai người đều chui vào trong đường ống điều hòa thì thật sự khó tin.” Tổ trưởng lật bản báo cáo nói.

“Tôi cũng không nghĩ ra vấn đề này, nếu không thì sớm đã kết thúc rồi.” Tôi nói với vẻ bất lực.

“Liệu còn có người thứ ba không?” Bỗng nhiên Tổ trưởng chau mày, “Tổng Biên tập Lâm có thể không nói dối, vì nếu chỉ có một mình ông ta thì rất khó có thể treo một người lên, hơn nữa, nếu ông ta chui vào trong đường ống điều hòa kéo sợ dây điện chòng vào cổ của người chết thì sao ông ta lại còn kéo quần người chết được nữa?”

Câu hỏi này của Tổ trưởng thực sự rất đáng suy nghĩ. Chính câu hỏi này đã khiến cho vụ án rơi vào tình trạng bế tắc không thể giải thích, giả thiết có sự tồn tại của con ma xi măng, thì mọi vấn đề đều được giải quyết một cách thuận lợi, nhưng cho đến lúc này vẫn không có căn cứ chứng minh cho sự tồn tại thực sự của nó. Giả thiết không có sự tồn tại của con ma ấy thì rất nhiều vấn đề then chốt không thể giải thích được.

Diễn biến vụ án xoay quanh vấn đề có hay không sự tồn tại của con ma xi măng đã rơi vào bế tắc, những chứng cứ tại hiện trường hoàn toàn không đưa ra cho nhưng bằng chứng trực tiếp, lời khai của nghi phạm thì lại rất khó phân biệt thật giả, đó là những điều khiến tôi rất đau đầu.

Đúng lúc ấy, Tòa soạn Nhật Báo lại xảy ra chuyện. A Dương gọi điện cho tôi nói: “Lần này thật không thể hiểu nổi, Tòa soạn Nhật Báo lại ăn thịt người rồi!”

Cú điện của A Dương khiến tôi không hiểu đầu cua tai nheo như thế nào, cái gì mà “tòa nhà ăn thịt người”? Anh ấy không nói rõ nên tôi phải lập tức chạy đến nơi để điều tra, có điều anh ấy cho tôi biết, người bị hại lần này là người của gia đình nhà họ Lâm, bà Kỷ Tuyết Dung!

Nhà họ Lâm đúng là gặp quá nhiều tai họa, đầu tiên là Y Y liên tiếp gặp phải những chuyện kì quái, tiếp đó, trong một ngày mà ba người trong nhà bị bắt giữ, đến bây giờ, người còn lại là bà Lâm cũng lại bị “ăn thịt”, hơn nữa lại bị một tòa nhà có ma ăn thịt. Không lẽ gia đình này có mối oán thù sâu sắc với tòa nhà này?