Rebecca không chịu nín, và chúng tôi đành mang nó ra ngoài. Nó cứ khóc mãi như một cái thuyền máy bị chìm đắm trong tiếng động cơ và bụi nước. Chúng tôi bế nó đi quanh khu đất, và để nó khóc ầm ĩ trong không khí buổi trưa. Jonathan ngắt lấy một bông cúc. Cậu huơ huơ bông hoa trước khuôn mặt nhăn nhó đỏ gay của con bé.

“Này, bé con,” cậu nói. “Này. Hãy xem thứ này lạ chưa này.” Trong tất cả các nét tính nết của nó, Jonathan yêu nhất là vẻ hay ngạc nhiên. Cậu gần như phát khóc khi nó tròn xoe mắt nhìn chằm chằm vào một cuộn len hay một cái thìa uống trà lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nhưng nó vẫn cứ khóc dù bông cúc ở ngay trước mặt.

“Không thể bị những bông hoa mua chuộc đâu,” Clare nói. Giọng nàng toát lên vẻ hãnh diện thật sự. Nếu Jonathan yêu con bé vì nó là thính giả tuyệt vời nhất trên đời này, thì Clare lại yêu cái tính cố chấp bướng bỉnh với những bí ẩn riêng của nó.

Chúng tôi bước đến rừng cây sau nhà. Ở đây, trong bóng râm bất tận, không hề thấy một cọng cỏ. Chỉ có những thứ rác rưởi của rừng – những quả thông, những cành cây rụng và phân của những con hươu. Chúng tôi đi giữa những rặng cây yên tĩnh, kéo theo tiếng khóc ầm ĩ của Rebecca như một chiếc khăn óng ánh.

Clare hỏi: “Hôm nay hai người đã gọi thợ sửa ống nước chưa?”

“Rồi,” Jonathan nói. “Phải đến thứ Ba tuần sau nữa anh ta mới dành thời gian cho chúng ta được. Sao chị không để em thử dỗ con bé lần nữa xem nào?”

“Chết tiệt. Ngôi nhà này chắc phải đến thế kỉ sau mới được hoàn thiện mất. Cậu cũng biết thế, đúng không?”

“Đâu cần quá vội vàng thế,” Jonathan nói. “Lại đây nào, Rebecca.”

Cậu giơ tay ra đón nó, nhưng Clare vẫn ôm nó khư khư.

“Đâu cần quá vội vàng thế,” nàng nhại lại. “Vậy chúng ta cứ phải giữ nước nóng trong lò suốt đời à?”

“Chúng ta là những người khai hoang mà,” Jonathan nói. “Không thể mong đợi một cuộc sống tiện nghi ở ngoại ô ngay tức khắc được.”

“Tôi nghĩ,” nàng nói, “rằng cả hai người đều đần độn kiểu gì ý. Tôi thực sự nghĩ thế đấy.”

Nàng ôm chặt con bé và rảo bước đi lên trước chúng tôi, tiến sâu vào trong rừng. Những tia sáng, bị những cành thông chặn lại, treo lơ lửng. Jonathan vội chạy theo sau nàng, như thể cậu cho rằng nàng đang định đem Rebecca đi và một mình nuôi nó ở nơi hoang dã.

Gần một tuần nữa, tiệm ăn của chúng tôi sẽ được khai trương. Jonathan và tôi làm việc suốt ngày để hoàn thiện nốt. Nó không lớn, chỉ là một tiệm ăn kê được chín cái bàn, trước đây vốn là một quán rượu. Chúng tôi đã cải tạo lại quán rượu ấy như một cặp cô dâu lấy chồng ngoại quốc mới đến biên giới. Chúng tôi đã sơn nó thành màu trắng, và treo lên cửa những tấm rèm sọc. Jonathan còn dán tấm ảnh cũ lên tường: những tấm ảnh tập thể ở trường của lũ trẻ đeo nơ con bướm và mặc áo choàng không tay, những người đàn ông và đàn bà mặc quần soóc Bermuda kẻ ô đang nằm phơi nắng bên một cái hồ, một bà lão đang xúc tuyết. Cậu treo lên đó cả một con cá hồi to kỉ lục bị bắt được vào năm 1957 và một cái giá đựng đầy những cái cúp. Đó là những bức tượng nam nữ màu vàng kim, khỏa thân nhưng không gợi tình, như những thiên thần, đang biểu diễn sự xuất sắc của con người trong môn bowling, golf, cầu lông và quyền công dân. Đây sẽ là một tiệm ăn đơn giản, chỉ phục vụ bữa sáng và bữa trưa. Chúng tôi mua những chiếc bàn và ghế không đồng bộ ở những cửa hàng đồ cũ, nơi chúng tôi tìm được những chiếc cúp, những bức ảnh và con cá hồi bóng loáng đó.

“Đến đây nào, mọi người,” Jonathan nói. “Tiệm ăn Gia đình sắp khai trương đây.” Cậu trát sơn trắng lên gờ tường. Cậu đang mặc quần yếm, và mái tóc được buộc túm ra sau kiểu đuôi ngựa.

Tôi đang ở trong bếp, chất những lọ mứt và nước xốt cà chua loại hai cân lên giá. “Họ không gửi mứt dâu tây đến,” tôi nói. “Mà họ gửi đến, ờ, một nửa là mứt phúc bồn tử và một nửa là mứt đào.”

“Mình sẽ gọi điện đến mắng cho họ một trận. Chắc là họ nghĩ họ có thể gửi cho chúng ta bất cứ thứ gì mà họ đang cố tống khứ, vì ngỡ rằng chúng ta không biết gì đấy.”

Khi những cái lọ đã được xếp thành chồng trên giá, tôi đến đứng ở quầy thu tiền, xem Jonathan quết sơn. “Clare nghĩ chúng ta nên coi những điều chúng ta đang làm là lạ lùng,” tôi nói.

“Đúng thế đấy,” cậu nói. “Ai nghĩ là nó không lạ lùng kia chứ?”

“Chà, mình cho rằng cô ấy nghĩ đáng lẽ chúng ta phải thấy thất vọng hơn.”

“Chị ấy lo lắng chỉ vì chị ấy đang phải thanh toán các hóa đơn. Chị ấy đã chờ cả đời để có được số tiền này, thế mà bây giờ, rầm, nó đang bị tiêu mất.”

“Nó đang được, cậu biết đấy, đầu tư chứ,” tôi nói.

“Ừ. Gần đây chị ấy hơi bực tức gì đó thì phải.”

“Ôi, mình không biết nữa.”

“Mình nghĩ thế. Dạo gần dây Clare cứ trái tính trái nết thế nào ấy. Thực sự thì, từ dạo chị ấy mang thai.”

“Ừm, cậu biết đấy,” tôi nói. Tôi nhét một băng cassette mới vào giàn âm thanh. Jimi Hendrix bắt đầu hát bài Are you experienced?

“Mình nghĩ chị ấy sẽ ổn thôi.” Jonathan nói. “Làm cha làm mẹ thật là khó. Bản thân mình cũng thấy khó nữa là.”

Tôi lấy một cái chổi sơn ra và giúp Jonathan quét lại sơn. Jimi phát ra một tiếng gầm nhẹ nhàng, một giọng hát vẫn đang tồn tại từ thế giới của những người đã khuất, khi Jonathan và tôi sơn phủ lên cái gờ tường cuối cùng. Chúng tôi đung đưa theo tiếng nhạc. Khi cùng nhau sơn một bức tường với giọng hát của Jimi vang lên bên tai, tôi cảm thấy một sự hoàn hảo. Thời gian như đan dệt vào nhau, quá khứ bị lẫn lộn với tương lai. Đột nhiên tôi ngỡ ngàng nhận ra: tôi đã có thứ tôi muốn. Một người anh em để cùng làm việc. Một tương lai bị thay đổi, lung linh như chiếc bóng đèn đang treo phía trên đầu chúng tôi.

Đây chính là điều khó nói về chúng tôi: Jonathan và tôi là những thành viên của một nhóm đã tồn tại quá lâu đến nỗi không ai khác có thể gia nhập ngay cả khi chúng tôi muốn có họ. Chúng tôi yêu mến Clare nhưng nàng không hẳn là người trong nhóm. Không hẳn. Thứ đã ràng buộc hai chúng tôi còn mạnh mẽ hơn cả tình dục. Nó mạnh mẽ hơn cả tình yêu. Chúng tôi được gắn kết với nhau. Mỗi người chúng tôi là bản thân người kia được sinh ra trong một cơ thể khác. Chúng tôi có thể yêu Clare, nhưng nàng không phải là chúng tôi. Chỉ có chúng tôi mới có thể cùng lúc vừa là bản thân mình vừa là người kia. Tôi quét sơn lên một vết tróc cũ. Những khuôn mặt bị ố màu của những cô cậu học sinh, giờ đều đã ở độ tuổi bốn mươi và năm mươi, từ trên tường nhìn ra ngoài với sự lạc quan thấy rõ.

Sau đó, chúng tôi khóa cửa tiệm ăn và đi đến chỗ chiếc xe đang đỗ bên đường chính. Tôi thích được đi bộ giữa vạn vật – tôi là người thích thị trấn này. Tôi vẫn đang trên đường đến Woodstock từ khi tôi mới chín tuổi và giờ đây, hơn hai mươi năm sau, tôi đã đến nơi. Anh trai tôi đã đúng – vẫn còn có người ở đây. Đại nhạc hội, theo như tôi biết, đã diễn ra cách đây sáu mươi dặm, trong một đồng cỏ rậm rạp rộng lớn. Một không gian trống trải bao quanh bởi những rặng cây xanh đen. Jonathan và tôi từng thử bơi trong cái ao màu sô-cô-la trong khi Clare ngồi với Rebecca giữa đám cỏ, nhưng bọn muỗi đã buộc tất cả chúng tôi phải trở vào xe. Cuối cùng, chúng tôi đã đi ăn trưa ở một quán mà Clare cho rằng đó là nơi nàng từng đến với vị hôn phu khi họ rời khỏi đại nhạc hội thực sự. Nàng nói những cái bánh hamburger sẽ được kèm theo ba miếng dưa góp và một lớp phủ nước xốt cà chua, quả đúng thế.

Woodstock được coi là một thị trấn kiểu mẫu trước khi tương lai cũ bị chệch hướng và một cái mới thế chỗ nó. Những gã lãng mạn để râu vẫn gảy guitar trong quảng trường thị trấn, mơ mộng rằng họ là những sinh vật trong rừng và những nhà ảo thuật tập sự. Những bà lão tóc bạc gật gà gật gù nhịp nhàng trên ghế băng. Clare coi hình ảnh đó là kì cục còn Jonathan không để ý lắm, nhưng tôi lại đánh giá cao vẻ đẹp của những con phố yên tĩnh và cái quyết tâm theo đuổi những lối sống bên lề của con người nơi đây.

Jonathan và tôi lái xe về nhà trong chiếc Toyota mua lại, lên xuống những ngọn đồi, với những cành cây in bóng lập lòe trên kính chắn gió. Cậu ngồi ngả người trên chiếc ghế cạnh ghế lái, đôi giày vải chống lên bảng đồng hồ. “Mình sẽ nói cho cậu biết điều gì thực sự là kì lạ trong toàn bộ những việc mà bọn mình đang làm này,” cậu nói. “Điều mà thực sự, thực sự lạ lùng chính là: cuối cùng chúng ta cũng đã thực hiện được nó. Người ta nói họ sẽ chuyển về quê và mở một tiệm ăn nhỏ, nhưng có mấy ai thực sự làm thế đâu?”

“Có chúng ta,” tôi nói. “Chúng ta đã làm thế.”

Khi chúng tôi đã lên đến đỉnh ngọn đồi cuối cùng, tôi đạp phanh. “Gì thế?” Jonathan hỏi.

“Không có gì,” tôi bảo cậu. “Mình chỉ muốn nhìn ngắm một lát.”

Từ nơi tôi dừng lại, chúng tôi có thể trông thấy ống khói của ngôi nhà màu nâu cũ kĩ của chúng tôi nhô lên giữa một đám cây bách xù. Ba cửa sổ trên mái đón lấy thứ ánh sáng sắp sửa biến mất đằng sau dãy núi, và dây thường xuân vốn đã tự do mọc lên qua hàng thập kỉ đang rung rinh, tỏa ra ánh bạc lấp lánh trên mặt lá. Ngôi nhà đã đứng đó hơn một thế kỉ mà không chịu nhượng bộ trước khung cảnh xung quanh. Không cành dây leo nào trườn được lên nó, không cái hố ngầm nào mở rộng được diện tích bằng cách thấm vào móng nhà. Tôi thường hát bài Woodstock để trêu chọc Clare, nhưng giờ đây tôi hát cho Jonathan nghe với thái độ nửa nghiêm túc. Với cái một nửa đó, bài hát nghe lại thú vị hơn. “Chúng ta là những kẻ lãng mạn, chúng ta chắc chắn sẽ thành công, và chúng ta phải quay lại khu vườn.” Cậu lắng nghe vài câu, rồi hát theo.

Lúc ăn tối, chúng tôi nói chuyện về tiệm ăn và đứa bé. Dạo gần đây, cuộc sống của chúng tôi được dành hết cho những điều thực tế - chúng tôi lo lắng trước cơn ho của Rebecca và công suất của cái tủ lạnh cỡ nhỏ tuy cũ nhưng đã được tân trạng lại của chúng tôi. Tôi đang bắt đầu hiểu ra sự khác biệt thực sự giữa đám thanh niên và những người lớn tuổi. Giới thanh niên có thời gian để lập ra các kế hoạch và nghĩ về những ý tưởng mới. Còn những người lớn tuổi thì cần tập trung toàn bộ năng lượng của họ để duy trì thứ đã được đưa vào hoạt động.

“Em không thích bác sĩ Glass,” Clare nói. Nàng đang ngồi cạnh cái ghế ăn cho trẻ con của Rebecca, đút pudding vani cho con bé. Trước mỗi miếng, Rebecca đều nghi ngờ nhìn vào cái thìa, kiểm tra lại những gì có trên đó. Nó đã được di truyền cái tính háu ăn của tôi, nhưng cũng kế thừa cả tính đa nghi của Clare nữa. Tuy đói nhưng nó vẫn thận trọng.

“Tại sao?” Tôi hỏi.

“Ừm, vì anh ta là một gã hippie. Và anh ta chắc hẳn chưa quá ba mươi lăm. Em thà đưa Rebecca đến khám ở một người già lụ khụ còn hơn. Anh biết đấy, một người đạo mạo đã giúp mẹ anh và tất cả anh chị em của bà ấy qua khỏi những thứ bệnh như đậu mùa và bại liệt khi họ còn nhỏ. Khi Glass bảo em không cần phải lo lắng về những cơn ho của con bé, em cứ nghĩ rằng: “Mình đang được một người đàn ông quá tân tiến khuyên bảo.”

“Em đồng ý,” Jonathan nói. “Glass tập dưỡng sinh đấy. Em thà tìm ai đó chơi golf còn hơn.”

“Anh thấy Glass được đấy chứ,” tôi nói. “Ý anh là, anh thích anh ta. Em có thể nói chuyện với anh ta mà.”

Jonathan nói: “Em cho rằng điều quan trọng là chị muốn bác sĩ của con chị là một người mẫu mực hơn. Đúng không? Người nào đó có vẻ không bị ảnh hưởng bởi các trào lưu.”

“Đúng vậy đấy,” Clare nói. “Ngày mai tôi sẽ tìm một bác sĩ nhi mới.”

“Anh thực sự thấy Glass rất được,” tôi nói.

Clare dừng thìa pudding ngay trước cái miệng đang há của Rebecca. “Em muốn thử chuyển sang người khác,” nàng nói. “Em không yên tâm với Glass, em nghĩ anh ta quá dễ dãi. Anh hiểu không?”

“Ôi, thôi được,” tôi nói.

“Ừm.” Nàng đưa chiếc thìa vào miệng Rebecca với sự chính xác thuần thục, nhẹ nhàng. Clare đang biến mình thành nhân vật Mẹ từ hồi chúng tôi còn sắm vai nhà Henderson. Chúng tôi đã không còn nhắc nhở gì đến nhà Henderson nữa, có lẽ vì sự khác biệt giữa cuộc đời thực của chúng tôi và cuộc đời giả định của họ đã co lại hết mức.

Sau đó, sau khi đã cho Rebecca đi ngủ, chúng tôi cùng nhau xem ti vi. Đó là điều thích hợp để làm vào buổi tối ở miền quê khi có một đứa con. Chúng tôi nằm trên chiếc giường cỡ lớn, xung quanh là bim bim, bia và Coke cho người ăn kiêng. Những căn phòng ngủ trên gác đều tối và ấm cúng. Trần nhà lượn theo đường cong của mái nhà. Những người chủ trước đây – những người đã dán giấy dán tường hình con chim đại bàng và kê chiếc tủ kiểu Tây Ban Nha ở dưới nhà – có lẽ đã hết tiền khi sửa đến lan can cầu thang. Trên này bị hư hỏng nhiều hơn. Giấy dán tường trong phòng này chi chít những bông hoa nhạt màu trông như loài ăn thịt, và những cánh cửa chớp lật đung đưa trên những cái cây bị cọ sờn có màu chè đặc. Clare xem qua một lượt các kênh. Ở đây chúng tôi có truyền hình cáp, một thỏi nam châm mạnh mẽ hút lấy bất cứ thôi thúc vô hình nào băng qua trong đầu. Ngoài các kênh thông thường, chúng tôi còn có những show diễn thoát y từ New York, những bộ phim truyền hình dài tập Mexico, những phụ nữ Nhật Bản hồ hởi giới thiệu các phát minh quá phức tạp đến nỗi chỉ những phát minh khác mới có thể đánh giá một cách đầy đủ về chúng được. Đôi khi, chúng tôi chuyển sang một kênh mơ hồ, mờ ảo, gần như đáng sợ - trông như thể những người đàn ông và đàn bà đang đi, và chỉ đi, qua một cánh đồng trống. Có thể đó là một kênh truyền hình mà chúng tôi đã chọn nhầm, được phát ra từ một thế giới mà chúng tôi không định trông thấy.

“Một trăm hai mươi kênh và vẫn chẳng có gì để xem,” Clare nói.

“Tối nay ti vi chẳng có gì cả, hãy làm chuyện đó đi,” Jonathan nói.

Clare nhíu mày nhìn cậu và mắt nàng tối sầm lại. “Hai người đi mà làm,” nàng nói.

Jonathan nhảy chồm lên người nàng và giả vờ như đang làm tình một cách kích động. “Ôi, bé cưng, ôi bé cưng, ôi bé cưng,” cậu rên rỉ.

“Xuống ngay,” nàng nói. “Buông tôi ra. Không đùa đâu. Đi mà nhảy lên Bobby ấy.”

“Ôi, bé cưng,” Jonathan nói.

“Bobby, bắt cậu ta dừng lại đi,” nàng nói.

Tôi nhún vai, bất lực. “Tôi sẽ hét lên đấy,” nàng nói. “Tôi sẽ gọi cảnh sát.”

“Và nói gì với họ?” Jonathan hỏi.

“Rằng tôi đang bị hai người đàn ông giam giữ trong ngôi nhà này. Rằng họ đã dụ dỗ tôi để gây giống và ép tôi sống như thế từ năm 1969.”

“Chị đã làm xong việc sinh con rồi,” Jonathan nói. “Nếu đó là mục đích duy nhất của chị ở đây, thì giờ bọn em đã xong việc với chị rồi.”

“Đứa bé vẫn cần sữa, đúng không?” Clare nói. “Và ngôi nhà này chẳng phải vẫn cần một người mẹ sao?”

Jonathan ngừng lại một lúc, ngẫm nghĩ. “Không,” cậu nói. “Chị đã được trả tự do.”

Cậu lăn khỏi người nàng và cầm lấy cái điều khiển từ xa. “Hãy xem có gì hay từ Sao Mộc tối nay không.”

“Nếu tôi đi,” Clare nói, “tôi sẽ mang con bé theo.”

“Ôi không, không được,” cậu đáp. Rồi cậu nhớ ra là phải điều chỉnh giọng nói. “Con bé thuộc về tất cả mọi người,” cậu dịu giọng.

Clare ngửa ra sau, ngả đầu về phía tôi: “Bobby?”

“Hả?”

“Em muốn biết bí mật về sự điềm tĩnh thản nhiên của anh. Chúng ta đang thực hiện một kế hoạch vô cùng kì cục và dị giáo, trong một ngôi nhà có thể sụp xuống quanh chúng ta bất cứ lúc nào, Jonathan và em đang cãi nhau về quyền sở hữu đứa con của em...”

“Con của chúng ta,” Jonathan nói. “Thực sự thì, Clare ạ, chị phải thôi cái từ của chị đó đi.”

“Về quyền sở hữu đứa con của chúng ta,” nàng nói, “còn anh chỉ ngồi đây như Dagwood Bumstead[65] vậy. Đôi khi em nghĩ anh chính là kẻ đến từ Sao Mộc.”

“Chắc vậy,” tôi nói. “Ý anh là, anh chẳng thấy toàn bộ chuyện này có gì là lạ cả.”

[65] Dagwood Bumstead: Nhân vật chính trong bộ truyện tranh hài hước Blondie.

Nàng ngước lên trần nhà, mắt mở trừng trừng. “Đáng lẽ em nên biết trước,” nàng nói. “Đáng lẽ em nên đoán ra điều đó ngay lần đầu tiên em gặp anh, với mái tóc rối bù và chiếc quần jean Calvin Klein. Và rồi anh gần như có thể biến thành một người tân tiến ở East Village chỉ qua một đêm. Thật nực cười. Hóa ra Jonathan và em mới là những người bảo thủ. Bọn em mới là những kẻ cần phải nhìn vào trong gương và xem xem bọn em sẽ thấy gì mỗi ngày. Anh có thể làm bất cứ điều gì, đúng không?”

“Không,” tôi bảo nàng. “Đâu phải điều gì anh cũng có thể làm được.”

“Hãy kể ra xem nào. Hãy kể ra điều mà anh sẽ không làm được ấy.”

“Ừm, ờ, anh sẽ không thể ở một mình. Anh đã, em biết đấy, quá cô độc từ hồi còn nhỏ rồi.”

“Thế đấy,” nàng nói. “Anh là một người đại diện, đúng không? Anh phản chiếu những khát vọng của mọi người. Ôi, sao em chưa bao giờ nghĩ về điều này nhỉ? Khi anh sống với bố mẹ Jonathan, anh là một cậu bé Ohio dễ thương, khi sống ở East Village, anh thật trầm tĩnh, và giờ đây khi sống ở ngoại thành, anh là mẫu nhân vật người cha hippie ngọt ngào. Anh cho người ta bất cứ thứ gì họ muốn. Đúng không?”

“Anh không biết,” tôi nói.

Có những điều tôi không thể nói với nàng, những điều mà tôi không biết phải nói ra sao. Tôi một phần là người sống và một phần là người chết. Tôi đang sống vì nhiều người chứ không chỉ cho riêng mình.

“Ôi, Clare,” Jonathan nói từ phía cuối giường. “Sao đột nhiên chị lại có vẻ cả nghĩ thế? Chị thực sự nghĩ rằng chị có thể kết luận về Bobby trong một câu như thế à?”

“Còn cậu thì cứ liệt kê ra từng câu trong cuộc đời này,” nàng nói.