Tình Sử Bi Thương Của Một Nàng Phượng Hoàng

Quyển 2 - Chương 61: NGOẠI TRUYỆN 8 Bà La Già (3)

Tôi dìu Bích Hoa nằm xuống giường, tiện tay rót cho chàng chén trà. Bích Hoa khoát tay, đẩy chén trà ra, nhắm mắt lại. Ngoài phòng Bà La Già gõ cửa sổ nói: “A Hoàn, nàng nhìn xem cách trang trí của căn nhà này đi, hàng liễu đằng sau nhà, vườn hoa phía trước nhà, đây không phải là dựa theo cách trang trí của căn phòng kia ở Ma giới mà làm hay sao, nàng quả thật là muốn chấm dứt tất cả mọi chuyện thật ư?”.

Bích Hoa lặng lẽ quan sát rồi thởi dài. Tôi nhìn chàng, giải thích: “Thật ra chỉ là trùng hợp thôi”. Căn phòng trở nên yên tĩnh. Một lúc lâu sau, cuối cùng thì Bích Hoa cũng nói: “Nhiều ngày nay nàng không ở đây, là đến ở chỗ anh ta?”.

Tôi gật đầu.

“Tôi từng hơn một lần suy đoán xem người mà nàng yêu sẽ có dáng vẻ như thế nào, hôm nay nhìn thấy, quả nhiên là không phải người thường”. Chàng bình thản nhìn ra ngoài cửa sổ, bóng dáng của Bà La Già in lên cửa sổ, “A Hoàn, nàng nói đi, tôi thua rồi phải không?”.

Tôi chớp chớp đôi mắt khô khốc: “Chàng nói vậy là sao? Thiếp đã nói sẽ ở lại đây với chàng, sẽ không bỏ đi”.

Khóe miệng Bích Hoa hơi nhếch lên một chút, không hề nhìn tôi: “Tôi hơi mệt, muốn nghỉ ngơi một chút”.

“Nguyên Đan của chàng mới được chữa trị, nên nghỉ ngơi nhiều một chút mới tốt. Nhưng từ giờ trở đi không cần phải ở trong này nữa, cũng là một việc đáng mừng”. Tôi đứng lên hạ rèm xuống cho chàng, “Chàng nghỉ ngơi đi, khi nào dậy thì gọi thiếp”.

Lúc trăng treo trên đầu cành cây, tôi nhẹ nhàng đẩy cửa phòng của Bích Hoa ra, trên giường không có bóng dáng ai hết, phòng ngủ vô cùng yên tĩnh, đèn đang cháy sáng, phía dưới đèn có kẹp một tờ giấy. Tôi bước lại, cầm lấy tờ giấy ở trên bàn. Trên giấy chỉ có mấy hàng chữ ngắn ngủi, chữ viết ngay ngắn.

“Lúc trước tôi cứ nghĩ chỉ cần tôi kiên trì, nhất định có một ngày tôi có thể chiếm được trái tim của nàng, nhưng tôi đã sai rồi.

Trải qua nhiều chuyện như vậy, cả nàng và tôi đều đã mệt mỏi rồi.

Câu nàng nói nàng ở lại bên cạnh tôi không phải là ý muốn của tôi.

Bà La Già rất tốt, nàng đừng phụ tình anh ta.

Tôi thật hâm mộ hai người, cũng muốn đi tìm một nữ tử toàn tâm toàn ý yêu tôi.

Có lẽ ngay ngày mai có thể tìm được, có lẽ cũng phải trăm ngàn năm nữa mới tìm được.

Cũng may tôi có sinh mệnh vô tận để mà tìm kiếm.

Đợi tôi tìm được rồi, tôi sẽ mang theo nàng ấy quay lại gặp hai người.

Đừng tìm”.

Tôi nắm chặt tờ giấy, rồi cẩn thận cất vào trong tay áo. Đẩy cửa ra, thấy Bà La Già đang ngồi dựa vào một thân cây, quần áo nhăm nhúm, tóc xõa ra sau lưng, trên tóc có vương mấy cành cỏ dại. Tôi đi đến bên cạnh chàng. Chàng ngẩng đầu nhìn tôi, môi run run.

Tôi thở dài, đưa tay phủi mấy cành cỏ dại trên tóc chàng đi: “Mặt đất bẩn, đứng lên đi”.

Bà La Già lắc đầu, cầm cổ tay tôi: “Trở về với tôi”.

Đôi mắt chàng hơi đỏ, tóc cũng rối tung, hoàn toàn không còn chút nào dáng vẻ tao nhã của năm xưa. Những ngón tay chàng đang nắm lấy cổ tay tôi vì dùng sức mà trở nên trắng bệch. Tôi hơi đau, nên hơi cau mày. Tay Bà La Già run lên, hơi giật về phía sau một chút, cuối cùng thì từ từ buông ra, rồi lại lập tức nắm chặt lấy váy của tôi.

“Tôi không chạm vào nàng, chúng ta trở về được không?”. Váy của tôi bị chàng giữ chặt trở nên hơi nhăn nhúm.

Tôi nhìn đôi môi trở nên trắng bệch của chàng, hít sâu một hơi, cúi người nắm chặt tay Bà La Già: “Đứng lên đi, vết thương trên trán của chàng cần được bôi thuốc”.

Tay Bà La Già hơi run lên, sau đó mở to hai mắt vui sướng nhìn tôi, nhưng trong nháy mắt lại trở nên buồn bã: “Không sao, không có việc gì”.

Tôi khẽ cười: “Thuốc bôi thiếp để ở trong Cung Tu La, không biết là có còn tìm được hay không?”.

Bà La Già ngẩng đầu rất nhanh, chăm chú nhìn tôi, khóe miệng cũng dần nhếch lên. Ánh trăng chiếu rọi, sao sáng lung linh. Thế nhưng ánh sáng trong mắt chàng còn sáng rực rỡ hơn cả trăng sao.

Chú thích:

(1) Hạc giữa bầy gà: chỉ người nổi trội hơn, tài hoa hơn so với những người còn lại, nguyên văn là “hồng tạc tử kê”.

(2) Thái Thượng Lão Quân: một vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo Trung Quốc, là một trong Tam Thanh, tôn hiệu là Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, thường được đồng nhất với Lão Tử. Thái Thượng Lão Quân ở tại cung Đâu Suất trên tầng trời thứ 33, thường luyện các loại tiên đơn thánh thủy để trường sinh bất tử.

(3) Nhị Lang Chân Quân: hay Quán Giang Khẩu Hiển Thánh Nhị Lang Chân Quân, Nhị Lang Hiển Thánh Chân Quân, Thanh Nguyên Diệu Chân Quân, Chiêu Huệ Hiển Thánh Nhân Hữu Vương; là một nhân vật trong thần thoại Trung Quốc, và là một vị thần trong tôn giáo truyền thống Trung Quốc là Đạo giáo và Phật giáo. Tên thật là Dương Tiễn, là con trai thứ hai của Dương Thiên Hựu và Dao Cơ Tiên tử (em gái của Ngọc Hoàng), anh trai cả là Dương Giao, em gái là Dương Thiền (hay còn gọi là Dương Liên tức Tam thánh mẫu), thê tử là Tam công chúa Tây Hải (sau này đã ly hôn), sư phụ là Ngọc Đỉnh Chân nhân. Sử dụng Tam Tiên Đao (do giao long ba đầu hóa thành). Đệ tử trung thành là Hạo Thiên Khuyển.

(4) Dương Tiễn: xem (3).

(5) Lưu Đức Hoa: sinh ngày 27/ 09/ 1961, là diễn viên/ ca sĩ quốc tịch Hồng Kông, còn gọi là Andy Lau, rất nổi tiếng ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục trong thập niên 1990s.

(6) Nhậm Đạt Hoa: sinh ngày 19/03/1955, là ảnh đế, tài tử điện ảnh Hồng Kông, còn gọi là Simon Yam.

(7) Lập Uy Liêm: sinh ngày 30/07/1976, là diễn viên/ ca sĩ quốc tịch Singapore, còn gọi là Leon Jay Williams.

(8) Tạ Đình Phong: sinh ngày 29/08/1980, là diễn viên/ ca sĩ/ nhạc sĩ/ đạo diễn… người Hồng Kông, quốc tịch Canada, còn gọi là Nicholas Tse.

(9) Hàn Hàn: sinh ngày 23/09/1982, là một vận động viên lái xe đua chuyên nghiệp người Trung Quốc, là tác giả/ ca sĩ có đĩa hát bán chạy nhất, có tham gia sản xuất âm nhạc, đồng thời là blogger nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.

(10) Nguyên Thủy Thiên Tôn: là một vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo Trung Quốc, đứng đầu trong Tam Thanh, tôn hiệu là Ngọc Thanh, là thần của các thần, ngụ tại cung Tử Hư thuộc Thánh Cảnh trên tầng trời Đại La.

(11) Sứ giả: nguyên văn là “thanh điểu” – chim xanh, là sứ giả của Tây Vương Mẫu.

(12) Đại ẩn ẩn vu triêu, trung ẩn ẩn vu thị, tiểu ẩn ẩn vu lâm: nơi ẩn thân tốt nhất là giữa triều đình, thứ nhì là giữa thành thị, cuối cùng là ẩn thân nơi rừng rậm.

(13) Thôi Oanh Oanh và Trương Sinh: nhân vật chính trong vở tạp kịch “Tây Sương Ký” của Vương Thực Phủ trong khoảng những năm Đại Đức thời Nguyên Thành Tông. Vở kịch miêu tả về cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của Tôn Oanh Oanh, một tiểu thư xinh đẹp, con gái của một vị tướng quốc cùng với thư sinh nghèo Trương Quân Thụy.

(14) Thần Nông: hay còn gọi là Viêm Đế/ Ngũ Cốc Tiên Đế, là một vị vua huyền thoại của các dân tộc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, là một trong Tam Hoàng. Theo truyền thuyết, Thần Nông là người đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm lễ Tịch Điền (còn gọi là lễ Thượng Điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng) hoặc Hạ Điền (lễ tổ chức trước khi gieo trồng), cũng như nghề làm thuốc trị bệnh.

(15) Hoàn Phượng: ở đây dùng tên đảo ngược của Phượng Hoàn (fèng huán - 凤寰) thành Hoàn Phượng (huán fēng -寰妦), chỉ đảo ngược trong cách nói chứ không phải trong cách viết.

(16) Trích bài “Ngu mỹ nhân kì nhất” của Nam Đường Hậu Chủ - Lý Dục, bản dịch của Nguyễn Thành n. Bản dịch Hán – Việt:

Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu

Vãn sự tri đa thiểu

Tiểu lâu tác dạ hựu đông phong

Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung

Điêu lan ngọc thế ưng do tại

Chỉ thị châu nhân cải

Vấn quân năng hữu đa sầu?

Kháp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.

Bản dịch thơ của Nguyễn Thành n:

Trăng thu rồi lại hoa xuân

Bao giờ sẽ hết hỏi chừng ai hay

Đêm qua lầu nhỏ gió lay

Việc qua có được bao người biết chăng?

Lòng nghe sao những bâng khuâng

Nước xưa ngoảnh lại dưới trăng bao lần

Còn nguyên bệ ngọc, thềm lan

Mà nay thay đổi dung nhan đã nhiều

Hỏi người sầu được bao nhiêu?

Sông xuân vẫn chảy một chiều về đông.

(17) Trích bài “Thiên tịnh sa - Thu tứ” của Mã Trí Viễn, bản dịch không rõ tác giả. Bản dịch Hán – Việt:

Khô đằng lão thụ hôn nha,

Tiểu kiều lưu thủy nhân gia,

Cổ đạo tây phong sấu mã.

Tịch dương tây hạ,

Đoạn trường nhân tại thiên nhai.

Bản dịch thơ:

Cây khô, cành cỗi, quạ chiều

Chiếc cầu nho nhỏ, nước reo bên nhà

Gió tây, đường cũ, ngựa già

Chiều buông, ruột đứt, người xa góc trời.

(18) Lối viết thảo: hay thảo thư là một lối viết chữ trong thư pháp của Trung Hoa, là thư thể được viết nhanh nhất, bút pháp phóng khoáng. Có chữ Hán khi viết bình thường theo lối chữ khải (khải thư hay chính thư) thì phải viết rất nhiều nét nhưng với thảo thư thì có thể viết bằng một nét, ví dụ như cuồng thảo (chữ thảo viết điên cuồng) của Hoài Tố (khoảng năm 730 – 780).

(19) Trích bài Du Sơn Tây thôn (đến chơi thôn Sơn Tây) của Lục Du.

Bản Hán – Việt:

Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn,

Phong niên lưu khách túc kê đồn.

Sơn trùng thuỷ phúc nghi vô lộ,

Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.

Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận,

Y quan giản phác cổ phong tồn.

Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt,

Trụ trượng vô thì dạ khấu môn.

Bản dịch thơ của Lâm Trung Phú:

Đừng chê rượu đục của nông gia,

Năm khá khách lưu đủ lợn gà.

Sông khuất núi trùng ngờ tắt lối,

Liễu xanh hoa thắm lại thôn xa!

Trống tiêu rộn rã hội làng đó,

Khăn áo đơn sơ lề cũ mà!

Nếu gặp trăng thanh nay rảnh rỗi,

Đêm nương gậy gõ cửa chơi nhà!!!

(20) Hoa tịch nhan: theo baike thì hoa tịch nhan còn gọi là hoa ánh trăng (nguyệt quang hoa), có màu trắng, nở rộ lúc chiều tà và tàn úa khi ngày lrên. Lặng lẽ nở hoa, rồi lại lặng lẽ héo úa, trong các tác phẩm văn học hoa này mang ý miêu tả hồng nhan bạc mệnh đột ngột hương tiêu ngọc vẫn. Ý nghĩa của loài hoa này là tình yêu vĩnh cửu hoặc sự thuần khiết. Tên tiếng Anh là moonflower/ moon vine, tên khoa học (chắc thế) là Calonyction aculeatum/ Ipomoea alba.

(21) Chung Quỳ: Trong truyền thuyết dân gian Trung Hoa, Chung Quỳ là vị thần diệt yêu trừ ma. Theo sử sách, dưới thời Đường Minh Hoàng, có một người tên Chung Quỳ, tướng mạo cực kì xấu xí nhưng lại rất thông minh, am hiểu mọi thứ. Khi Chung Quỳ lên kinh ứng thí, ông được chủ khảo xem là kỳ tài. Chính vì điều này mà ông trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Chung Quỳ ôm nỗi oan ức mà chết. Oan khiên ấy động đến đất trời nên Ngọc đế đã đứng ra chủ trì, phong cho Chung Quỳ làm vị thần trừ gian diệt yêu. Từ đó trần gian xuất hiện vị Phục ma đại tướng quân. Ông có thể xử chuyện âm phủ và cũng có khả năng can thiệp chuyện dương gian. Chung Quỳ có trách nhiệm diệt trừ yêu ma hại người đồng thời giải oan cho những oan hồn chưa thể siêu thoát và trừng trị kẻ gian ác.

(22) Đăng đồ tử: ý chỉ người háo sắc, câu chuyện này có gắn liền với một trong hai đại mỹ nam của Trung Quốc cổ đại là Tống Ngọc. Chuyện kể rằng Tống Ngọc và Đăng Đồ Tử đều là đại phu nước Sở, là thân cận của nhà vua nước Sở. Đăng Đồ Tử ghen ghét tài hoa của Tống Ngọc, luôn tìm cơ hội nói xấu Tống Ngọc trước nhà vua nước Sở. Một lần, Đăng Đồ Tử nói với nhà vua nước Sở rằng: “Thưa bệ hạ, Tống Ngọc có diện mạo chững chạc và oai nghi, có học thức, nhưng rất hiếu sắc, nên bệ hạ nhất thiết không được để Tống Ngọc cùng bệ hạ đến hậu cung. Hậu cung có nhiều phụ nữ xinh đẹp, nếu nhìn thấy Tống Ngọc, có lẽ sẽ gây chuyện phiền phức”.

Nhà vua nước Sở bèn cho triệu Tống Ngọc, hỏi lời nói của Đăng Đồ Tử có chính xác không. Tống Ngọc nói: “Thưa bệ hạ, thần có diện mạo chững chạc và oai nghi, đấy là bẩm sinh; thần có học thức, đấy là vì thần cần cù chịu khó và hiếu học; về hiếu sắc, thần không bao giờ hiếu sắc đâu”.

Nhà vua nước Sở hỏi: “Thế thì nhà ngươi có chứng cứ gì không?”

Tống Ngọc nói: “Thưa bệ hạ, trên thế giới, nước Sở có phụ nữ đẹp nhiều nhất, và Thần Lý quê thần là địa phương có phụ nữ đẹp nhiều nhất trong nước Sở. Mỹ nữ nổi tiếng nhất ở Thần Lý là láng giềng của thần. Nếu mỹ nữ này cao thêm một chút thì cao quá, nếu thấp hơn một tý thì quá thấp. Nếu trát phấn thì trắng quá, nếu bôi son thì đỏ quá. Răng, tóc, cử chỉ của nàng thật là đẹp, không có ai có thể sánh kịp được. Nàng chỉ cần mỉm cười đã khiến nhiều quý công tử ham mê. Nhưng nàng thường xuyên leo lên tường xem trộm thần suốt ba năm, nhưng thần chưa bao giờ động lòng, sao có thể nói thần hiếu sắc? Thực ra, Đăng Đồ Tử mới là một kẻ hiếu sắc”.

Nhà vua nước Sở đòi Tống Ngọc giải thích lý do. Tống Ngọc nói: “Vợ Đăng Đồ Tử không đẹp chút nào, nhưng Đăng Đồ Tử vừa gặp đã yêu, hai vợ chồng đẻ những 5 đứa con. Hoàng thượng thấy không, chỉ cần là phụ nữ thì Đăng Đồ Tử thích ngay, vì thế hắn ta háo sắc hơn thần”.

Miệng lưỡi của Tống Ngọc phi phàm như vậy đã làm cho Sở Vương đúng sai lẫn lộn, phán Đăng Đồ Tử là kẻ háo sắc. Từ đó, Đăng Đồ Tử phải mang tiếng xấu muôn đời, đời sau thường nhắc đến ba chữ “Đăng Đồ Tử” để chỉ những phường háo sắc.

(23) Đạp phá thiết hài vô mịch xử, đắc lai toàn bất phí công phu: dịch nghĩa là đi mòn cả giày sắt mà cũng không tìm thấy cái gì. Có thể hiểu là mất rất nhiều công sức mà chẳng tìm thấy, tự dưng lại đạt được. Xuất xứ từ một bài thơ tứ tuyệt Tống Hạ Nguyên Đỉnh:

Không động phóng đạo chí tương hồ

Vạn quyển thi thư khán chuyển ngu

Đạp phá thiết hài vô mịch xử

Đắc lai toàn bất phí công phu.

(Nguồn từ baike, mình không tìm thấy bản dịch tiếng việt/ bản dịch thơ của bài thơ này).

(24) Vẽ rồng thêm mắt: câu gốc là “họa long điểm tinh”, trong truyện chỉ dùng “điểm tinh”. Câu này có nghĩa là vẽ thân con rồng trước, sau đó mới vẽ hai mắt. Câu thành ngữ này thường dùng để ví với việc khi viết văn chương, phải đi sâu và làm sáng tỏ những điều then chốt nhất, khiến nội dung càng thêm sống động. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Lịch đại danh họa ký" của Trương Ngạn Viễn triều nhà Đường.

Thời Nam Bắc triều cách đây khoảng 1500 năm, có một người rất có năng khiếu vẽ rồng tên là Trương Tăng Dao. Trình độ vẽ rồng của ông đã đạt tới mức truyền thần. Tương truyền, một hôm Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng trắng ở trên tường chùa An Lạc ở Kim Lăng. Nhưng điều khiến người ta khó hiểu là cả bốn con rồng này đều không vẽ mắt. Mọi người cảm thấy khó hiểu thì Trương Tăng Dao trả lời rằng: “Vẽ mắt thì có khó gì, nhưng đã vẽ thêm mắt thì tôi chỉ lo những con rồng này sẽ phá tường bay lên mà thôi”. Đám người nghe vậy đều không tin, họ khẩn khoản mời Trương Tăng Dao vẽ thêm mắt để xem rồng có thật sự bay lên hay không. Trước yêu cầu của mọi người, Trương Tăng Dao đành phải cầm bút vẽ mắt cho rồng. Nhưng Trương Tăng Dao vừa mới vẽ mắt cho hai con rồng thì trời bỗng mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, sau đó bỗng nghe “Ầm” một tiếng rồi bức tường nứt ra. Mọi người nhìn kỹ thì thấy hai con rồng trắng này đã vút lên bay vờn trong đám mây rồi bay thẳng lên trời. Còn hai con rồng chưa vẽ mắt kia thì vẫn nằm nguyên trên tường. Đến lúc này mọi người mới tin là thực. Đương nhiên đây chỉ là truyền thuyết mà thôi.

(25) Hoành thánh: nguyên văn là hồn đồn, theo Lạc Việt thì đây là món hoành thánh hoặc vằn thắn. Theo baike thì đây là món mì truyền thống của vùng phương Bắc Trung Quốc, dùng vỏ ngoài bằng bột mì bọc nhân, nấu chín ăn cùng canh. Nguyên liệu chủ yếu gồm có thịt heo, thịt tôm, rau cải, hành, gừng, bột mì. Còn gọi là vân thôn (nuốt mây!!!), biển thực (há cảo), thanh thang.

Mình thì mình ăn vằn thắn rồi, nhưng mình thấy tả thế này thì giống sủi cảo hơn. Còn món hoành thánh thì mình chưa ăn, vì mình là người Bắc, ngoài Hà Nội cũng không có mấy quán có món này nên không dám nhận xét.

Đây là hồn đồn (hay wonton):

Còn đây là hoành thánh:

Xem ảnh thấy có vẻ hoành thánh nhiều nhân hơn là hồn đồn rồi

(28) Huyền Vũ: nguyên gốc là Quy Xà, nhưng mình để là Huyền Vũ cho quen thuộc với mọi người. Hình dạng khởi thủy của Huyền Vũ là con “vũ” màu đen, với Vũ là một linh vật kết hợp của rắn và rùa. Đây là linh vật rất cổ của Trung Hoa. Trong truyền thuyết về tổ của người Trung Quốc, Phục Hi là Tổ phụ, Nữ Oa là Tổ mẫu, thì Phục Hi có hình rắn, Nữ Oa có hình rùa. Sự kết hợp giữa rắn và rùa cho thấy một totem cổ đại từ xa xưa, tượng trưng cho sự Trường Tồn và Sức Mạnh. Hình tượng Huyền Vũ có liên quan mật thiết đến một vị thần có vị trí rất cao trong Đạo giáo là Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế, ông còn các danh xưng khác: Thượng đế tổ sư, Đãng ma thiên tôn, Hỗn nguyên giáo chủ, Bắc cực huyền linh đại đế. Ông có 2 con vật thiêng là Linh Quy và Thần Xà, tượng trưng cho sự trường tồn và trí tuệ. Vì vậy chữ “Vũ” trong “Huyền Vũ” ở đây với nghĩa là “sức mạnh” gồm cả rùa và rắn.

(29) Trích bài thơ “Bả tửu vấn nguyệt” (nâng ly rượu hỏi trăng) của Lý Bạch.

Bản dịch âm tiếng Hán:

Thanh thiên hữu nguyệt lai kỷ thì,

Ngã kim đình bôi nhất vấn chi!

Nhân phan minh nguyệt bất khả đắc,

Nguyệt hành khước dữ nhân tương tuỳ.

Kiểu như phi kính lâm đan khuyết,

Lục yên diệt tận thanh huy phát

Đãn kiến tiêu tòng hải thượng lai,

Ninh tri hiểu hướng vân gian một.

Bạch thố đảo dược thu phục xuân,

Thường nga cô thê dữ thuỳ lân.

Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt,

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.

Cổ nhân kim nhân nhược lưu thuỷ,

Cộng khan minh nguyệt giai như thử.

Duy nguyện đương ca đối tửu thì,

Nguyệt quang thường chiếu kim tôn lý.

Bản dịch thơ (của Hoa Sơn):

Trăng kia đến tự thuở nào?

Nay ta ngưng ly rượu đào hỏi trăng!

Người không vin được trăng vàng,

Trăng cùng người mãi dặm ngàn có đôi.

Gương trăng vút tận cõi trời,

Trăng tan khói biếc, rạng ngời muôn nơi.

Biển đêm người thấy trăng soi,

Đâu hay mai sớm trăng côi tạ từ.

Thỏ còn giã thuốc xuân, thu,

Hằng Nga đơn bóng thẩn thờ gió mây.

Vầng trăng cổ tích ai hay?

Trăng này từng chiếu mấy đời cổ nhân.

Người xưa nay, tựa nước nguồn

Đã từng chung ngắm trăng non một thời

Ta say ca hát rượu mời

Mong vầng trăng toả sáng soi chén vàng.

(30) Đây là “Liễu Nghị truyện” do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường. Truyện có thể tóm tắt như sau: Liễu Nghị là một nho sinh thi trượt, trên đường gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người phụ nữ ấy nói rằng mình là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long Cung. Em trai Long Vương là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long Vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Sau Liễu Nghị lấy vợ, lần nào lấy xong vợ cũng chết. Con gái Long Vương thấy vậy bèn nhớ lại duyên cũ, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà lấy Liễu Nghị làm chồng. Sau hai vợ chồng đều thành tiên.

(31) Trang Sinh mộng điệp: hay Trang Chu mộng hồ điệp, là tên một đoạn văn trong sách Trang Tử của Trung Quốc. Đoạn văn này rất nổi tiếng, nó đã trở thành một điển tích thường được dùng trong văn chương xưa ở Trung Quốc và Việt Nam.

Bản Hán Việt: “Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã. (Tự dụ thích chí dư!) bất tri Chu dã. Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã. Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư? (Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hĩ). Thử chi vị vật hóa”.

Bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê: “Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau. Cái đó gọi là “vật hóa””.

Giấc mơ hóa thành bướm của Trang Tử gợi ra nhiều câu hỏi trong các lĩnh vực triết học tâm thức, triết học ngôn ngữ, và nhận thức luận. Đây không chỉ là một thành ngữ thường gặp trong tiếng Trung, “mộng hồ điệp” còn lan sang cả các nước phương Tây. Nó được dùng làm một trong các minh họa trong bài luận nổi tiếng “A New Refutation of Time” (một phủ định mới về thời gian) của Jorge Luis Borges, và có thể đã gợi cảm hứng cho truyện ngắn “Polaris” được viết năm 1918 của H. P. Lovecraft.

(32) Trích bài thơ Ly Tư (Xa nhớ) của Nguyên Chẩn, được tác giả làm để tưởng nhớ người vợ đã mất là Vi Tùng.

Bản Hán Việt:

Tằng kinh thương hải nan vi thuỷ,

Trừ khước Vu Sơn bất thị vân.

Thủ thứ hoa tùng lãn hồi cố,

Bán duyên tu đạo, bán duyên quân.

Bản dịch thơ của Điệp luyến hoa:

Từng qua biển lớn, không gì nước,

Chưa đến Vu Sơn, chẳng biết mây.

Lần lữa khóm hoa lười để ý,

Nửa duyên tu đạo, nửa nàng đây!

(33) Hương bồ: là một họ thực vật có hoa thuộc bộ Hòa thảo. Các tên gọi của các loài này là hương bồ, cỏ nến, cỏ lác, bồn bồn. Tên khoa học là Typhaceae.

(34) Hoa phượng hoàng: Phượng hoàng đỏ hay còn gọi sò đo cam ,chuông đỏ, hồng kỳ, đỉnh phượng hoàng, tulip châu Phi, uất kim hương châu Phi. Tên tiếng Anh là African tulip tree, Fountain tree. Tên khoa học là Spathodea campanulata. Cây thuộc họ Bignoniaceae, có nguồn gốc từ Châu Phi. Cây thân gỗ cao 15-20m, thường xanh phân cành, tán lá rậm hình tròn. Lá mọc đối kép lông chim. Hoa lớn đẹp có màu vàng cam. Cây có khả năng thích nghi và tốc độ phát triển rất nhanh, bông nở thành từng cụm, hạt có cánh nên có thể phát tán theo gió.