Hôm họ đi ăn với nhau là đầu tháng mười một. Suốt nửa tháng sau đó, An Nguyện không gặp lại Kinh Phục Châu. Để tiện liên lạc, anh hỏi số điện thoại của cô, nhưng lại không chịu cho cô số của mình mà chỉ để lại số của A Dương.

Hồi tưởng lại hôm đó, An Nguyện nhớ nhất là hình ảnh Kinh Phục Châu đứng trước cửa trường dùng di động lưu lại số của mình. Cô phải công nhận anh là người đàn ông rất tuấn tú. Lúc cuối đầu đèn đường ngoài cửa trường chiếu lên mái tóc anh, có thứ gì đó, cô không nhìn rõ nhưng dường như không lâu sau đó là có thể chạm vào được.

Cô hoàn toàn không biết, điều Kinh Phục Châu nhớ nhất là cảnh cô đứng giữa quảng trường ca hát. Rất lâu sau đó, trong lòng anh vẫn cất chứa một tâm sự, anh muốn hỏi cô lúc hát ca khúc Nữ nhân hoa ấy, rốt cuộc có mấy phần là thật, mấy phần là giả. Làm sao cô đoán chắc được là anh sẽ đến đó mà mặc chiếc áo gió màu trắng mà anh thích, hát bài hát anh quen thuộc.

Cô nhớ về anh, là sự cô đơn quạnh quẽ khi đứng trong bóng tối, là mái tóc nhìn không rõ màu sắc ban đầu vì đèn đường chiếu vào. Anh nhớ về cô, là đôi mắt sáng long lanh trên quảng trường, là vết son môi nhạt đến mức gần như không nhìn thấy trên miệng ly.

Thời gian trôi qua rất nhanh, trong những ngày không có việc làm, An Nguyện bắt đầu dồn hết tâm trí vào việc học. Đầu tiên, cô luôn dậy sớm đến chiếm chỗ trong thư viện. Hứa Tuấn cùng ngành với cô, hai người thường tiếp xúc. Đọc sách với nhau nhiều lần, họ hình thành một thói quen, ai đến trước thì giành chỗ cho người kia.

Trong nửa tháng đó, An Nguyện bổ sung lại những kiến thức bị hổng lúc mới khai giảng. Hứa Tuấn là người kiên nhẫn, có điều thành tích học tập lại không ra gì, nếu không đã chẳng thi vào trường này. Lúc hai người sóng vai nhau ngồi học toán cao cấp, thấy cô thành thạo khai triển các công thức trên giấy, anh có vẻ ngạc nhiên. “An Nguyện, em làm được mấy đề này sao?”

“Chẳng phải hồi cấp 3 đã học rồi ư?” Cô quay đầu nhìn anh, ánh mắt rất trong trẻo, là vẻ trong trẻo chưa bao giờ có khi đối mặt với Kinh Phục Châu. Hứa Tuấn đưa tay chống cằm, mỉm cười với vẻ tò mò. “An Nguyện, sao em lại đến Lăng Xuyên?”

Sao em lại đến Lăng Xuyên? Đây là một thành phố nhỏ nằm ở biên giới phía nam Trung Quốc, không thể phát triển tương lai. Rất nhiều trẻ em ở đây khi lớn lên đều muốn rời khỏi nơi này, còn cô lại từ Quảng Châu phồn hoa sôi động chạy đến đây. Trước khi đi, cô của An Nguyện cũng nói thế, bảo cô không hiểu chuyện, lại hoàn toàn không biết nỗi khổ trong lòng cô.

Bắt chước Hứa Tuấn, An Nguyện cũng đưa tay chống cằm. “Em lại thích những nơi như thế này, nhịp sống chậm, áp lực nhỏ.”

“Anh quen lớp trưởng của em nên đã nhìn thấy điểm của em lúc thi đại học, thành tích của em nằm trong top 10 của Quảng Châu, anh không hiểu được với thành tích như vậy, sao em lại vào cái trường hạng ba này.”Hứa Tuấn ra vẻ sầu não, nằm xoài lên bàn, ánh mắt trong trẻo nhìn cô với vẻ rầu rĩ. “An Nguyện, em có bí mật không thể nói ra, đúng không?”

Ánh mắt của chàng trai rất trong trẻo, trên người là bộ đồ jean màu xám trắng, tóc vàng rực. An Nguyện nhìn chằm chằm vào anh, cong môi lên, khẽ gật đầu. “Đúng vậy, em có một bí mật, có điều nói cho anh biết cũng chẳng sao.”

Hứa Tuấn trợn tròn mắt, ngồi thẳng dậy, nhìn cô. Xung quanh là các bạn đang học bài, lúc nói chuyện hai người ép giọng rất nhỏ nhưng vẫn có người ném cho họ những ánh mắt khó chịu. An Nguyện không nói nữa, cầm lấy bút viết lên quyển sách của mình một dòng chữ, đẩy đến trước mặt cho anh xem.

Em thích người đàn ông đến nghe em hát nhạc Mai Diễm Phương.

Hôm nay trời âm u, đèn trong thư viện sáng trưng, nếu nhìn chăm chú một lúc sẽ cảm thấy hoa mắt. Hứa Tuấn nhìn dòng chữ trên sách, cụm từ rất đơn giản thế mà hình như anh không hiểu được. Anh chớp mắt, ngơ ngác nhìn cô. “Cái người từng đến hai lần ấy hả?”

An Nguyện gật đầu, nheo mắt lại, dường như đang cười.

Cô dùng bí mật ấy để kéo khoảng cách khó khăn lắm mới rút ngắn được giữa mình và Hứa Tuấn ra xa hơn. Thật ra Hứa Tuấn rất muốn hỏi, em thích anh ta ở điểm nào? Nhưng nghĩ lại thì thấy người ta đi xe Maserati, có khuôn mặt góc cạnh sắc sảo, lúc nói chuyện giọng rất trầm, rất dễ nghe. Người đó… có rất nhiều điểm đáng để An Nguyện yêu thích.

Mắt nhìn vào quyển sách bài tập của mình, giọng Hứa Tuấn rất trầm, không nghe rõ là đang chứa cảm xúc gì. “Anh ta là một người rất tốt nhỉ?”

An Nguyện ngẩn ra, trong đầu hiện lên rất nhiều hình ảnh. Đầu bút vạch một đường nguệch ngoạc trên giấy, An Nguyện nghe thấy tiếng cười gượng gạo của mình. “Vâng, có lẽ thế.”

Không ngờ có một ngày chính miệng cô lại đồng ý với người khác rằng Kinh Phục Châu là người tốt. Nếu những người biết nội tình nghe thấy, e là sẽ cười đến sái cả hàm mất.

Trong điện thoại cô có lưu số của A Dương, mỗi đêm trước khi đi ngủ cô đều lặng lẽ nhìn dãy số ấy một chặp, hi vọng nó sẽ gọi đến, lại hi vọng nó không gọi đến. Có lẽ cuộc nói chuyện với Hứa Tuấn hôm nay đã gợi lại một số hồi ức của An Nguyện, tối hôm ấy cô nằm mơ, trong mơ cô trở về với Quảng Châu mà mình đã sinh sống rất nhiều năm.

Năm mười tuổi An Nguyện mất đi sự chăm sóc của ba mẹ, được cô nhận về nuôi, bắt đầu sống kiếp ăn nhờ ở đậu. Từ đó, cô đã biết làm thế nào để nói những lời ngon ngọt làm người lớn vui lòng, làm thế nào tỏ ra ngoan ngoãn trước mặt các anh chị để họ thích mình. Ăn nhờ ở đậu là một chuyện vô cùng đau khổ, luôn nơm nớp lo sợ lỡ không tốt chỗ nào thì sẽ mất đi chỗ dựa để sinh tồn.

Cảnh trong mơ là tòa nhà chung cư, cô ngồi trên băng ghế dài bên dưới tòa nhà để đợi dượng đi làm về. Từ xa xa, có một anh lớn hơn vẫy tay với cô, gọi cô “Nguyện nguyện”. Năm ấy cô mười lắm tuổi, vẻ yêu kiều của thiếu nữ và sự thuần khiết của bé gái đều tập trung trên người cô. Đôi mắt trong veo còn chưa dài và hẹp như bây giờ, bởi vì khi ấy cô còn chưa biết cách che giấu một vài thứ.

Cuộc sống khi ấy tuy vất vả nhưng không phải gánh một bí mật đau đớn nặng nề, càng không có sự thù hận khiến người ta khổ sở mà không thể nói ra.

Anh ấy nhìn có vẻ rất trong sáng, hơi giống với Hứa Tuấn bây giờ, sẽ đứng ngoài cổng trường chờ cô tan học, sẽ nắm tay dắt cô đi mua kem. Cô bé An Nguyện lúc mười lăm tuổi luôn mong đợi anh ấy đến, mãi đến năm mười bảy tuổi cô mới hiểu thì ra tình cảm mông lung ấy chính là yêu thích.

Tết thanh minh năm mười bảy tuổi, cô cãi nhau với cô ruột, chạy đến nghĩa trang khóc. Anh ấy tìm đến đó, nói: An Nguyện, anh chính là người nhà của em, sau này chúng ta sẽ trở nên thân thiết hơn cả người một nhà.

Không nói “anh thích em”, không nói “chúng ta đến với nhau đi”, anh chỉ nói chúng ta sẽ trở nên thân thiết hơn cả người một nhà là đã có thể lấp đầy nỗi trống vắng trong lòng An Nguyện. Lúc ấy cô cảm thấy, có lẽ cả đời này mình cũng sẽ không nghe được lời bày tỏ nào cảm động hơn thế. Mỗi câu mỗi chữ đều rất chân thành.

Cõi mộng luôn cho người ta vô vàn hi vọng, cô nhìn thấy trên đường phố Quảng Châu, lần đầu tiên anh quang minh chính đại nắm tay cô dạo bước. Anh mặc chiếc áo khoác màu trắng ngà rất bình thường, giọng nói cũng giống như mọi lần, người này không biết nói những câu ngon ngọt, khuyết điểm và cũng là ưu điểm duy nhất của anh có lẽ chính là rất chân thành. Anh nói, Nguyện Nguyện, anh cưới em nhé?

Xung quanh là biển người, không biết lúc đó là mùa nào mà rất nóng. An Nguyện rất muốn gật đầu đồng ý nhưng lại sợ gật đầu thì nước mắt sẽ chảy xuống, như thế sẽ ảnh hưởng đến lòng tự tôn vốn ít ỏi của cô, điều này là không thể. Tay vân vê vạt áo, cô hé môi, câu “được thôi” còn chưa kịp thốt ra thì bên tai đã vang lên tiếng chuông quen thuộc.

Những ngón tay đang bấu lấy góc chăn bỗng siết chặt, An Nguyện mở mắt ra trong ánh nắng ban mai. Người bạn giường bên cạnh còn chưa tỉnh ngủ, mơ mơ màng màng nói với cô: “Tắt tiếng chuông đi An Nguyện… Ồn chết được…”

Giấc mộng vỡ tan, trên đầu là trần nhà ký túc xá màu trắng tuyết. An Nguyện đưa tay cầm điện thoại lên, nhìn số hiển thị trên màn hình, tâm hồn đang suy nghĩ vẩn vơ từ từ quay trở lại.