Năm Hồng Hi thứ hai mươi ba này, triều đình đã xảy ra những biến cố trọng đại. Mặc dù Tô Điềm Noãn chỉ quanh quẩn ở hậu cung, vẫn loáng thoáng nghe được tin Hình bộ Thị lang Tả Thiên Minh và Tuần phủ Giang Nam Lâm Tuyên bị tra ra tội tham ô, tước đi mũ ô sa. Cả hai người này đều thuộc vây cánh của Đại hoàng tử Triệu Thành Duệ. Vì việc này, Triệu Thành Duệ cũng bị quở trách một phen, cấm túc một tháng trong phủ. Mọi người đều ngầm đoán, bệ hạ đang muốn hướng về Tam hoàng tử, thế nên cố ý triệt hạ phe phái của Đại hoàng tử.

Lúc Tô Điềm Noãn mang canh bổ đến Càn Thanh cung cho Hồng Hi đế, tình cờ gặp Triệu Thành Duệ đi ra, thần sắc rất kém. Triệu Thành Duệ có lẽ không ngờ sẽ gặp nàng ở đây, một lúc sau mới phản ứng lại, chắp tay hành lễ, nói:

“Ninh phi nương nương kim an.”

Tô Điềm Noãn khẽ gật đầu một cái, đáp:

“Điện hạ hữu lễ.”

Cảm thấy đứng trước Càn Thanh cung nói chuyện với Đại hoàng tử thật là không hợp quy củ, nàng đang muốn bước đi, phía sau lại vang lên một giọng khe khẽ nói:

“Điềm Noãn, xin lỗi.”

Tô Điềm Noãn dừng bước. 

“Là ta vô năng.” Triệu Thành Duệ nhẹ giọng nói. 

Nàng lắc lắc đầu, mỉm cười, nói:

“Bản cung chưa hiểu ý của điện hạ. Có điều, sau này, điện hạ vẫn nên gọi bản cung là Ninh phi nương nương thì tốt hơn.”

Dứt lời, nàng bình thản bước đi, bình thản lướt qua hắn, bỏ lại tất thảy những chuyện của trước kia, không hề quay đầu nhìn lại.

Từ đây về sau, Tiêu lang chỉ là khách qua đường [1]. 

Lúc Tô Điềm Noãn bước vào Ngự Thư phòng, chỉ thấy thần sắc của bệ hạ có vẻ mệt mỏi. Nàng đặt bát canh xuống, tiến đến gần, đặt tay lên vai người, nhẹ nhàng xoa bóp. 

Hồng Hi đế thấy nàng đến, sắc mặt nghiêm nghị cũng giãn ra đôi chút, dịu giọng hỏi:

“Sao nàng lại đến đây?”

Tô Điềm Noãn mỉm cười, khom người xuống, tựa cằm lên vai người, đáp:

“Thần thiếp mang canh cho bệ hạ. Người mau uống cho nóng.”

Hồng Hi đế đưa tay nhéo nhéo chóp mũi nàng, nói:

“Vẫn là Noãn Nhi ngoan ngoãn, không như đám nghịch tử kia của trẫm, cả đám chỉ biết làm trẫm tức giận.”

Tô Điềm Noãn vẫn nhẹ nhàng bóp vai cho người, nhẹ giọng nói:

“Bệ hạ bớt giận, uống chút canh cho hạ hỏa đi.”

Nàng với tay bưng lên bát canh, đặt ở trước mặt Hồng Hi đế. Trong lúc đó, mắt nàng vô ý liếc qua chiếu chỉ đang viết dở trên bàn, chỉ thấy một cái tên Lương Hồng. Nếu nàng nhớ không nhầm, Lương Hồng này chính là phụ thân của Đoan phi Lương thị, chỉ là một viên quan Lục phẩm nhỏ bé. 

Bên này, Lý công công tiến đến thử độc bát canh, sau đó Hồng Hi đế mới bắt đầu uống. Người đã giải thích với Tô Điềm Noãn, thử độc ở đây không phải là không tin nàng, mà chỉ là sợ có kẻ lợi dụng hãm hại nàng, vì thế Tô Điềm Noãn cũng không cảm thấy buồn. Nàng cũng hiểu rõ, nếu bệ hạ đặc biệt dùng thức ăn do nàng làm mà không cần thử độc, như vậy ngày sau đây sẽ là con đường lý tưởng cho những kẻ muốn ám hại bệ hạ hay vu oan cho nàng. Tóm lại, cẩn tắc vô ưu. [2]

Hồng Hi đế uống xong bát canh, nhẹ ôm nàng vào lòng, kề bên tai nàng khẽ nói:

“Trẫm phải nỗ lực thêm một chút, để Noãn Nhi sớm sinh cho trẫm một hài tử ngoan ngoãn như nàng.”

Hồng Hi đế hiện tại có tất cả là bảy hoàng tử, tám công chúa, không phải là nhiều so với các đế vương khác, nhưng vẫn là khá nhiều so với nhà thường dân. Trong số bảy hoàng tử, trừ Lục hoàng tử bị tật ở chân, Thất hoàng tử chưa thành niên, năm hoàng tử còn lại đều âm thầm bước vào cuộc chiến tranh giành đế vị. Đại hoàng tử Triệu Thành Duệ do Hiền quý phi sinh ra, tuy thế lực nhà mẹ của Hiền quý phi không phải rất mạnh, nhưng hơn ở chỗ là trưởng tử, hắn cũng chính vì ỷ bản thân là trưởng tử mà kiêu ngạo, lúc nhỏ Hồng Hi đế vẫn tương đối yêu thích hắn, càng lớn lại càng không vừa ý, cảm thấy tư chất của hắn không xuất sắc, không có khả năng quản lý thuộc hạ, lại quá tự mãn đắc ý. Nhị hoàng tử Triệu Thành Chân và Tứ hoàng tử Triệu Thành Đệ đều do Thục quý sinh ra, có hậu thuẫn đặc biệt vững chắc từ nhà ngoại, bản thân Triệu Thành Chân cũng là một người tài giỏi, quyết đoán, khi cần mạnh tay thì đủ tàn nhẫn để khiến kẻ khác kính sợ, đáng tiếc Hồng Hi đế luôn cho rằng những phẩm chất ấy chỉ thích hợp để làm đế vương trong buổi loạn thế, khi hòa bình thì khó tránh quá mức tàn bạo, làm cho lòng dân oán thán. Triệu Thành Đệ so với Triệu Thành Chân thì nhân từ hơn, nhưng lại hữu dũng vô mưu, thích hợp làm tướng hơn làm vương. Tam hoàng tử Triệu Thành Tư do Đoan phi sinh ra, xuất thân thấp kém, nhưng lại được Hồng Hi đế đánh giá cao nhất ở chỗ đủ giả tạo, bên ngoài đủ nhân nghĩa để thu phục lòng người, bên trong đủ tâm kế để thu lợi về mình, chỉ tiếc có phần nhu nhược do dự, không có phong thái đế vương. Ngũ hoàng tử do Trang phi sinh ra thì giống như mẫu phi của mình, đều là bao cỏ ngây thơ để người ta lợi dụng, không cần bàn đến. 

Hồng Hi đế có nhiều con cái như vậy, đến cuối cùng nhìn đi nhìn lại cũng không có lấy một đứa nào hợp ý, lại tức giận vì bọn chúng bắt đầu chờ không được, lôi kéo triều thần để tranh thủ sự ủng hộ hòng đoạt ngôi Đông cung. Người nghĩ, bây giờ chỉ là trữ vị, nếu sau này bọn chúng lại không đủ kiên nhẫn chờ phụ hoàng băng hà, có phải rằng sẽ lại cấu kết triều thần bức cung đoạt đế vị hay không? 

Tô Điềm Noãn cảm nhận được phiền muộn của bệ hạ, mặt hơi đỏ lên một chút, tựa đầu vào vai người, thủ thỉ nói:

“Nếu… nếu sau này thần thiếp có hài tử, bất luận là nam hay nữ, đều sẽ dạy cho nó yêu kính phụ hoàng của mình, tuyệt đối không được làm bệ hạ buồn...”

Hồng Hi đế nhìn nàng, dường như nhớ đến hình ảnh không vui nào đó, thần sắc thoáng có chút bi thương, xoa xoa đầu nàng, khẽ bảo:

“Trẫm nhất định sẽ bảo vệ tốt cho mẹ con nàng.”

--- ---------

Tô Điềm Noãn ra khỏi Càn Thanh cung, ngồi lên kiệu quay về cung Trường Xuân. Nào ngờ, giữa đường gặp kiệu của hai vị nương nương khác, một người độ chừng ba mươi tuổi, phục sức sang quý, cung nữ đi theo cũng nhiều hơn người còn lại, người kia chỉ khoảng hai mươi mấy tuổi, dung nhan xinh đẹp như hoa, tiếc là thiếu mấy phần linh khí.

Xuân Hương nói nhỏ cho Tô Điềm Noãn biết, hai vị này chính là Thục quý phi và Trang phi. Tô Điềm Noãn không muốn sinh rắc rối, bèn bảo thái giám khiêng kiệu nép sang một bên nhường đường. 

Nào ngờ, vị Thục quý phi kia không liếc nhìn nàng một cái, nhưng mà lại nhếch môi cười, bảo với Trang phi rằng:

“Trang phi muội muội, phía trước chính là Ninh phi đang đắc sủng. Nghe nói bệ hạ từng đang đêm rời khỏi Dực Khôn cung của muội để đi đến chỗ nàng ấy?”

Trang phi chỉ cần nhớ tới việc này, trong lòng đã tức giận, liền liếc mắt nhìn Tô Điềm Noãn, lớn tiếng nói:

“Ninh phi to gan, gặp Thục quý phi sao không xuống kiệu hành lễ?”

Kỳ thực Hồng Hi đế đã miễn cho Tô Điềm Noãn hành lễ với các phi tần khác, chỉ là nàng nghe nói Thục quý phi có gia thế cao, lại sinh được hai hoàng tử, không muốn gây thêm chuyện phiền phức, bèn bảo Xuân Hương đỡ xuống kiệu, cúi người hành lễ:

“Tần thiếp tham kiến Thục quý phi.”

Thục quý phi không để ý đến nàng, cứ thế mà ngồi kiệu lướt qua. 

Xuân Hương lại đỡ nàng lên kiệu, dọc đường nhỏ giọng nói:

“Thục quý phi vẫn luôn có chút kiêu ngạo, nương nương đừng để trong lòng.”

Tô Điềm Noãn lắc đầu, cười bảo:

“Bản cung thấp hơn tỷ ấy một bậc, nhún nhường một chút cũng không sao, quan trọng là hậu cung được bình yên, không khiến bệ hạ nhọc lòng.”

Xuân Hương cười cười, nói:

“Nương nương lúc nào cũng chỉ biết nghĩ cho bệ hạ, chẳng trách bệ hạ thương yêu nương nương.”

Tô Điềm Noãn đỏ mặt, khẽ mắng:

“Đừng nói linh tinh.”

………..

Buổi tối hôm ấy, khi Hồng Hi đế đến Trường Xuân cung, sắc mặt có vẻ không vui. Sau khi dùng xong bữa tối, người mới bâng quơ hỏi:

“Nghe nói hôm nay nàng đứng trước Càn Thanh cung nói chuyện với Thành Duệ?”

--- -------

*Chú thích: 

[1] Mượn ý từ bài thơ “Tặng tỳ” của Thôi Giao đời Đường. 

“Công tử vương tôn trục hậu trần,

Lục Châu thuỳ lệ trích la cân.

Hầu môn nhất nhập thâm tự hải,

Tòng thử Tiêu lang thị lộ nhân.” 

Dịch thơ:

“Công tử Vương tôn theo dấu bụi,

Lục Châu rơi lệ ướt khăn hường.

Vào cửa vương hầu sâu tựa bể,

Tiêu lang đành hóa khách qua đường.”

Sách "Văn khê hữu nghị" của Phạm Thư (cuối Đường) có ghi câu chuyện thời Nguyên Hoà (Đường Hiến Tông) có chàng tú tài tên là Thôi Giao 崔郊, cô của Thôi Giao có người tỳ nữ rất đẹp. Thôi Giao và người tỳ nữ có tình ý; sau nàng bị bán cho một ông quan tên là Vu Địch. Thôi Giao nhớ nàng khôn nguôi. Một lần nhân tiết hàn thực, người tỳ nữ đi ra, tình cờ gặp Thôi Giao. Thôi Giao xúc cảm làm bài thơ "Tặng tỳ" này.

[2] Cẩn thận thì không lo về sau.