Dương Hiển nghe ông nói vậy bèn nói với con gái lớn bốn tuổi: "Ny nhi, dẫn Cốc tử tiểu ma đi tìm bà trước nhé, bảo bà là Nhị Thanh tiểu thúc tới, đi mau đi."

Ny nhi trắng trẻo mập mạp, nhìn giống như búp bê trong tranh mừng năm mới, nghe lời nắm tay Lục Cốc dẫn vào trong viện, đệ đệ gần hai tuổi vừa nhìn thấy tỷ tỷ đi vào, giống như cái đuôi nhỏ bám theo tỷ tỷ.

"Bà ơi, cha nói Nhị Thanh tiểu thúc tới rồi." Ny nhi bốn tuổi, có thể nói lại rõ ràng lời người lớn dặn dò.

Trong bếp có một lão thái thái đi ra, nhìn có vẻ lớn tuổi hơn Vệ Lan Hương, nhưng thu thập nhanh xa, nhìn qua rất có tinh thần, thấy Lục Cốc, bà lau tay vào tạp dề, mỉm cười, chần chừ nói: "Đây là..."

Lúc nãy Ny nhi nghe được lời cha nói, đắc ý giành lời nói trước: "Bà ơi con biết đấy, đây là Cốc Tử tiểu ma của con đó."

Nghiêm thị hơi sửng sốt, lúc này Thẩm Huyền Thanh kéo xe đi vào, thấy bà ở trong viện thì hô: "A nương."

"Ai da!" Nghiêm thị thấy Thẩm Huyền Thanh cũng cao hứng, bà còn cười mắng: "Mấy hôm trước ta còn nhắc đến con, nhị tiểu tử vô lương tâm, cũng không thèm tới thăm a nương."

"Không phải con dẫn theo phu lang đến thăm người đây sao." Thẩm Huyền Thanh dừng lại cười nói.

"A nương." Nương theo những lời này, Lục Cốc dè dặt gọi người.

Phản ứng vừa rồi của lão thái thái, còn có Thẩm Huyền Thanh mấy lần nhắc tới tên y, dù có ngốc hơn nữa, y cũng biết là vì sao.

"Được được được, dẫn theo phu lang đến ta càng vui." Nghiêm thị lôi kéo tay Lục Cốc, từ ái vỗ hai cái.

Nhị tiểu tử nhà bọn họ nhìn phu lang mà cười đến là sáng ngời tuấn tú thế kia, nên bà cũng không thèm quan tâm A Văn hay Cốc tử gì.

"Hai đứa đi đường chắc là mệt mỏi rồi.

A nương đang hấp táo và bí ngô, hai đứa ngồi xuống đi, vừa ăn vừa nghỉ ngơi." Nghiêm thị nói xong thì ấn Lục Cốc ngồi xuống ghế đá trong viện, bà lại vội vào bếp lấy đồ ăn.

Dương Hiển cùng Thẩm Huyền Thanh dỡ đồ trên xe xuống, nhìn thấy một sọt đầy hạt phỉ và hạt dẻ trộn lẫn, cười nói: "Mang đến nhiều vậy, không để lại chút gì ở nhà sao?"

"Trong nhà vẫn còn, đệ mang theo một ít cho mọi người nếm thử." Thẩm Huyền Thanh cầm túi đựng lá trà rừng, mở ra cho Dương lão, nói: "Sư phụ, đây là lá trà người thích này."

Dương lão nhìn vào thấy là lá trà rừng mình thích nhất, nào có không cao hứng.

"Còn có cái này, người lấy làm áo khoác lông thú mà mặc, mấy bộ trước kia đều đã cũ rồi." Thẩm Huyền Thanh lại lấy da thỏ ra cho ông xem.

Thấy đồ đệ nghĩ cho mình như vậy, Dương lão vui đến mức hai mắt híp lại, luôn miệng nói được được.

Nghiêm thị mang bí ngô và táo ra cho Lục Cốc, còn làm cho y và Thẩm Huyền Thanh hai chén nước mật ong.

Nghe thấy đồ hắn mang cho Dương lão, bà bảo Lục Cốc mau nếm thử rồi cũng đi tới chỗ xe đẩy xem có gì cho bà không.

Thẩm Huyền Thanh vừa nhìn nét mặt bà là biết bà đang chờ, cười nói: "A nương, kỷ tử này để đun nước uống rất tốt với thân thể, còn có hạt tắm hoang, phu lang con hái, mang tới không ít.

Đây là rau mùa thu nhà trồng, mẹ con hái cho mọi người nếm thử."

Nói xong những lời này với bà, Thẩm Huyền Thanh mới lấy vải ra, nói: "Vải này để a nương may xiêm y mới.

Con mang cho sư phụ khá nhiều lông thú, sư phụ làm áo xong còn dư lông thì người lấy làm giày, để mùa đông đi cho ấm áp."

Lão thái thái cười nhận lấy vải từ trong tay hắn, ngoài miệng vẫn còn hờn trách nói: "Ta cứ tưởng con chỉ nhớ tới lão đầu mà không nhớ ta chứ."

Vải này rất tốt, dày dặn thoải mái, thấy lão Dương tới gần thì bà dịch sang một bên, trừng mắt không cho ông sờ vải của bà, chê tay ông bẩn rồi tự vào phòng cất vải vào trong rương, lúc đi ra còn lấy cho Lục Cốc điểm tâm và hoa quả sấy khô.

Ny nhi thấy có điểm tâm là ầm ĩ đòi ăn.

Lục Cốc cho bé và em trai mỗi người một khối bánh.

Bé vừa ăn bánh vừa đi tới xem xe đẩy, đồ trên xe còn chưa nhìn, đã thấy thấy trong sọt tre có rất nhiều hạt phỉ và hạt dẻ, nhiều đến nỗi khiến bé mắt chữ A mồm chữ O.

Hai hạt này bé đều đã từng được ăn rồi nên nhìn qua là biết ăn được.

Thẩm Huyền Thanh cùng Dương Hiển nhấc bao gạo xuống, còn có hai con gà tre sống bị trói chân, vừa cúi đầu đã thấy bé con mập mạp vươn tay múp vào sọt tre nắm lấy một vốc hạt.

Bé mới bốn tuổi, tay nào có lớn được nhiêu, một nắm kia nhìn khí thế hừng hực, thật ra chỉ lấy được hai hạt.

Ny nhi nắm hạt dẻ trong tay ngẩng đầu nhìn hắn, đôi tay múp míp giấu đồ sau lưng.

Bé biết đồ này của người khác nên bị phát hiện thì có hơi chột dạ.

"Ăn đi." Thẩm Huyền Thanh cười nói, lại hỏi bé: "Có biết lột vỏ hay không?"

Hắn cười, Ny nhi cũng nở nụ cười, cắn một miếng bánh ngọt lắc đầu, trong miệng hàm hồ không rõ nói: "Con không biết, nhưng mà a gia sẽ lột cho con."

Lúc bé đang nói chuyện thì Thẩm Huyền Thanh lấy một hạt dẻ trong sọt ra, lột sạch vỏ rồi đưa cho bé.

Tay phải của Ny nhi còn cầm điểm tâm, bé đành phải đặt hai hạt dẻ trong tay trái về trong sọt tre.

"Hạt dẻ sống, chỉ được ăn một hạt thôi, hạt phỉ để lát a gia đập cho con ăn." Thẩm Huyền Thanh nói xong, thấy hai má bé phồng lên, bận ăn vậy không biết có nghe vào chữ nào hay không nữa.

"Nhị tiểu tử, mau rửa tay rồi ngồi xuống nghỉ ngơi." Nghiêm thị bảo Dương Hiển cất đồ vào kho lương thực, bà múc nước để Thẩm Huyền Thanh tới rửa tay.

Lục Cốc ngồi ở trước bàn đá, em trai đã ăn xong bánh ngọt, bé nói chuyện chậm và không được lưu loát lắm, chỉ vào điểm tâm trên bàn nhìn Lục Cốc, ý bảo y lấy cho bé, trong miệng còn nói: "Ăn, ăn."

"Ai u, còn ăn nữa, hôm nay ăn bao nhiêu rồi." Nghiêm thị vừa nghe cháu trai nói còn muốn ăn nữa thì bẻ cho bé non nửa miếng bánh.

Cháu trai Vương gia trong con hẻm cách vách ăn nhiều khóc kêu đau bụng phải lên y quán khám.

Thật ra bà không sợ để bé ăn, sợ là bé ăn nhiều đau bụng, mấy đứa trẻ không thích uống thuốc đắng, uống là lại khóc lớn, đến lúc đó mới gọi là chịu giày vò.

Thẩm Huyền Thanh rửa tay, ngồi xuống bên cạnh Lục Cốc, Nghiêm thị đuổi tôn nhi đi rồi cũng ngồi xuống nói chuyện với nhị tiểu tử nhà bà.

Trong viện tiếng nói tiếng cười truyền ra không ngừng.

Dương lão đập cho Ny nhi hai quả phỉ, thỉnh thoảng lại nói xen vào, Dương Hiển còn phải bận việc quán rượu, chỉ ngồi trong chốc lát rồi rời đi.

Lục Cốc không nói nhiều lắm, chỉ lúc có người hỏi y mới nhỏ giọng trả lời, nhưng cũng dần dần buông lỏng nỗi lo trong lòng.

Y nghĩ thầm một nhà sư phụ đều là người tốt cả.

Nhưng lúc nãy vốn y còn tưởng gọi Nghiêm thị là sư nương, ai ngờ Thẩm Huyền Thanh lại gọi bà là a nương.

Lại nói đây đều là chuyện mấy năm trước.

Thẩm Huyền Thanh mười tuổi đã bái Dương lão làm sư phụ, lúc ấy Nghiêm thị và Dương lão còn ở thôn Thanh Khê.

Khi còn bé Thẩm Huyền Thanh chính là một hán tử nhỏ tuấn tú, từ nhỏ đã cao, chạy nhảy linh hoạt, Dương lão thấy hắn có tiềm năng, chẳng những dạy hắn kỹ năng săn bắn, còn dạy thêm cả chút quyền cước.

Sau khi bái sư, Thẩm Huyền Thanh thường xuyên đến nhà Dương lão, Nghiêm thị thấy hắn khôi ngô khiến người yêu thích, lại không có nghịch ngợm quậy phá như những đứa trẻ khác, đôi khi còn giúp bà làm việc này kia, tự nhiên càng thêm thích.

Bà lớn tuổi hơn Vệ Lan Hương, hai đứa con trai lúc ấy đều đi học trên trấn, không ở cạnh bà, có thêm Thẩm Huyền Thanh ngày ngày gọi bà là sư nương cũng vui vẻ.

Lâu ngày bà coi Thẩm Huyền Thanh là nửa con trai, cứ gọi là sư nương có hơi xa cách, nên bà bảo hắn gọi bà là a nương.

Lúc ấy vì việc này, Vệ Lan Hương còn không vui, con trai của bà sao lại đi gọi người khác là nương được.

Nhưng thấy Dương lão và Nghiêm thị đều đối xử tốt với Thẩm Huyền Thanh, đôi khi ăn uống còn không cần bà bận tâm, ngay cả xiêm y cũng làm cho hắn, nên bà đành chấp nhận.

Thẩm Huyền Thanh cũng thông minh, sau khi nhận ra, ở trước mặt Vệ Lan Hương đều gọi Nghiêm thị là sư nương.

Ba năm sau khi hắn theo Dương lão học nghề, tức phụ Dương Hiển sinh con, phải có người chăm sóc, Nghiêm thị không thể không đến trấn Cát Hưng, cách xa tiểu tử Nhị Thanh của bà, thỉnh thoảng cứ nhắc đến hắn.

Lại qua thêm hai năm, Dương lão đã lớn tuổi, những thứ nên dạy đều đã dạy cho Thẩm Huyền Thanh, một mình ông trong nhà không ai nấu cơm cho, thường xuyên đến Thẩm gia ăn cũng không phải cách.

Dương Hiển hiếu thuận, quán rượu làm ăn phát đạt, trong tay hắn có tiền, thấy cha lớn tuổi, nên chuyển lên trấn, vừa vặn cả hắn và nhị đệ đều có con cái, để cho lão già và lão thái thái không có việc gì vui đùa với cháu trai cháu gái, hưởng phúc tuổi già.

Lúc cha Thẩm Huyền Thanh mất, một ít tiền khám bệnh bốc thuốc là lão thợ săn cho, sau khi bốc thuốc, tiền chạy chữa về sau cũng là Vệ Lan Hương hỏi mượn ông.

Sau khi Thẩm Thuận Phúc mất, Dương lão phải lên trấn, Thẩm Huyền Thanh cũng xuất sư luôn lúc đó, gấp rút kiếm tiền trả nợ phụ giúp gia đình.

Hai ba năm Thẩm gia kiếm tiền trả nợ, trấn Cát Hưng ở xa, còn có trẻ nhỏ cần chăm sóc, con dâu còn trẻ Nghiêm thị không yên tâm cháu trai, bận rộn cũng chỉ trở về thôn Thanh Khê được hai lần, xách thịt và trứng gà, giục Dương lão đánh xe lừa về.

Lần đầu về, biết nhị phòng Thẩm gia sống không tốt, bà đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng đến khi thật sự nhìn thấy nhị tiểu tử của bà trở nên đen gầy, bà không kìm được nước mắt mà khóc, gầy như thể chưa từng được ăn thịt, khiến trong lòng bà khó chịu vô cùng.

Tuổi bà đã lớn, còn bệnh tật một thời gian, đi xe lừa cũng xóc nảy, sau khi về thăm Thẩm Huyền Thanh hai lần thì không về nữa, không phải giục giã Dương lão mang thịt và lương thực về thôn Thanh Khê thì chính là bảo Dương Hiển đi.

Mùa hè năm nay Thẩm Huyền Thanh thành thân, bà về ở Thẩm gia hai ngày.

Vào ngày cưới phu lang, ăn xong tiệc rượu, Dương Hiển phải vội về trấn lo việc quán rượu nên bắt xe dẫn cả nhà trở về.

Lại thêm quy củ thôn họ, tân phu lang phải đội khăn voan che mặt, chỉ tân lang vén khăn, sau khi gặp qua người nhà, sang ngày hôm sau mới được ra cửa gặp người ngoài.

Trấn Cát Hưng xa nên sau khi Thẩm Huyền Thanh thành thân, Thẩm gia xảy ra chuyện gì Dương gia cũng không biết.

Đang nói đùa, một phụ nhân hơi đẫy đà đi vào từ ngoài cửa, Nghiêm thị vội nói: "Nương Ny nhi, xem ai tới này, Nhị Thanh và phu lang Cốc tử của hắn đấy."

Trương thị vừa đi mua dầu dưỡng tóc về, nàng cũng là người thân thiện, biết mẹ chồng coi Thẩm Huyền Thanh là con trai, cười nói: "Nhị Thanh và Cốc tử tới đấy à, mau ngồi mau ngồi, đến đúng lúc lắm, tối nay nhà ta tới quán rượu ăn cơm nhé."

"Nhìn này, nhiều hạt phỉ hạt dẻ Ny nhi thích lắm, đều là nhị tiểu tử mang đến đấy, một bao tải gạo, còn có kỷ tử và nhiều thứ lắm, đều cất vào trong phòng kho rồi" Nghiêm thị nghe nàng nói đi quán rượu ăn càng thêm vui, nhị tiểu tử hiếu thuận như vậy, cũng phải để cho mọi người biết chứ.

Trương thị thấy một sọt đầy ắp kia, thầm nghĩ quả thật không ít.

Hai ba năm nay Thẩm gia sống không tốt nàng đều biết, phần lớn là lão thái thái giục mang đồ trợ cấp cho nhị tiểu tử bảo bối của bà, đồ đạc nói nhiều cũng không tính là nhiều, nhưng đó đều là cho không.

Nàng chưa từng nói qua trước mặt lão thái thái, chỉ tính toán trong lòng, thỉnh thoảng cảm thấy khó chịu thì nói với Dương Hiển, nhưng Dương Hiển hiếu thuận, không chịu làm trái ý của lão nương, chỉ có thể an ủi nàng để cho nàng nghĩ thoáng ra một chút.

Giờ nhìn vào phòng bếp, một đống rau mùa thu, ngoài bếp còn có hai con gà tre, nàng nghĩ hẳn đều là Thẩm Huyền Thanh mang tới.

Thấy hắn mang nhiều đồ tới vậy, xem ra Thẩm gia không phải sói mắt trắng* như lúc trước nàng nghĩ.

*Sói mắt trắng (aka bạch nhãn lang) (白眼 狼): chỉ người vong ơn bội nghĩa, tâm địa tàn bạo.

Sói vốn dĩ đã hung ác, sói mắt trắng còn hung ác hơn cả.

Bởi vì mắt trắng cũng như không có con mắt, không có tính người.

Trương thị mặc dù có hơi so đo tính toán, nhưng không phải là người xấu, người đối tốt với nàng thì nàng cũng sẽ đối tốt với người, lúc này nụ cười thân thiện trên mặt trở nên chân thành, đáp lời Nghiêm thị cười nói: "Nhị Thanh đi một đường mệt nhọc rồi, trên đường về ta thấy nhà Vương thẩm đầu hẻm đang hái me, để ta đi xin ít về cho hai đứa nếm thử."

Nói xong nàng đi cất dầu dưỡng tóc.

Ny nhi cũng muốn đi theo nàng xin me.

Sắc trời dần tối, Nghiêm thị chợt nhớ tới điều gì, vừa đứng dậy vừa nói: "Tối nay đừng về, ta đi dọn giường cho hai đứa, ở lại hai ngày nghe chưa?"

Một người không tiện dọn giường, Lục Cốc là người lễ phép, không cần phải nói đã theo bà vào phòng phụ giúp..