*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Gia đình Diễm Linh và Thu Ngọc đã làm việc với nhau gần 20 năm, chủ yếu là các mặt hàng thời trang về áo dài Việt Nam.

"Little Saigon" là nơi có cộng đồng người Việt Nam đông nhất, nên họ vẫn chuộng thời trang về áo dài hơn cả.

Nắm bắt nhu cầu thực tế, Thu Ngọc là một trong những người đi đầu về lĩnh vực này và khá thành công.

Tuy Diễm Linh mới chỉ tiếp xúc với ngành này không lâu nhưng khả năng nắm bắt rất tốt, hơn nữa khiếu thẩm mỹ của cô được di truyền từ mẹ cũng giúp ích khá nhiều, nên với cô không có gì khó khăn.

Diễm Linh qua Mỹ chủ yếu là giúp bác mình một số việc, cũng là để chuẩn bị khai trương cửa tiệm mới.

Thật ra Diễm Linh không hề muốn xa gia đình.

Trước đây mấy lần ba mẹ cô muốn cô sang Mỹ vừa để thay đổi môi trường, tiện thể giúp Thu Ngọc nhưng cô vẫn chần chờ lưỡng lự không muốn đi.

Lần này cô không thể khước từ vì bên phía Thu Ngọc thật sự cần người, mà phần mềm chuyên dụng dùng để ghi nhận đơn hàng cô đã thay thế bằng một phần mềm khác hữu ích hơn nên ngoài cô ra không ai có thể chỉ dạy nhân viên làm quen với nó.

Công việc là quan trọng, cô không muốn đi cũng phải đi.

Cả ba mẹ cô lẫn Thu Ngọc đều cảm thấy vui vẻ vô cùng khi cô nhận lời qua Mỹ.

Chuyến đi lần này của Diễm Linh dự tính mất khoảng 3, 4 tháng.

Nếu công việc thuận lợi, cô có thể sẽ về sớm hơn dự định.

Sài Thành Collection - Show room thời trang áo dài Việt Nam xuất hiện đầu tiên tại California, do Thu Ngọc và chồng của bà đã tạ thế mở, nằm trong thương xá Asian Garden Mall, mà người Việt hay gọi là thương xá Phước - Lộc - Thọ (*), một trong những khu thương mại sầm uất nhất thành phố này.

Thương xá Phước - Lộc - Thọ là trung tâm mua sắm lớn nhất của người Việt tại Westminster, California.

Không những thế, thương xá còn được xem là một khu thương mại sầm uất và là một điểm thu hút khách du lịch Hoa Kỳ.

Nằm trên con đường Bolsa gần về phía Magnolia, thương xá được xây dựng theo phong cách Á Đông, phía trước là cổng tam quan vượt cao lên trên với mái ngói âm dương màu xanh, bên dưới là bức tượng 3 ông Phước - Lộc - Thọ tạc bằng đá hoa cương trắng tượng trưng cho cái tên thương xá.

Xung quanh các bức tượng là hồ nước có những vòi phun luôn luôn phun lên trắng xóa.

Sân trước là bãi đậu xe có trồng xen kẽ những cây gừa nhánh lá được cắt tròn từng chùm.

Thương xá là một tòa nhà 2 tầng, bao gồm tất cả các cửa hàng và nhà hàng với muôn vàn các sản phẩm và dịch vụ khác nhau.

Ở tầng dưới là các quầy hàng và thị trường cung cấp các món ăn Việt phong phú đa dạng, beauty salon, giày dép, cửa hàng quần áo, và các cửa hàng bán tất cả các loại mặt hàng linh tinh.

Ở tầng trên là trung tâm trang sức nổi tiếng, song song là các kiốt cho các dịch vụ hành chính khác nhau, cũng như nhiều cửa hàng đĩa nhạc và sản xuất phương tiện truyền thông.

Hàng ngày thương xá Phước - Lộc - Thọ chỉ mở cửa đến 7 giờ tối, nhưng các cửa hàng ở tầng trệt vẫn mở cửa buôn bán.

Đó chính là thời gian chợ đêm, nơi đang gìn giữ và phát triển những nét văn hóa rất riêng của Little Saigon.

Chợ đêm mở cửa trong ba ngày cuối tuần, từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần, và 7 giờ đến 11 giờ đêm Chủ Nhật.

Các cửa hàng của thương xá cũng hoạt động nhộn nhịp và đông khách không kém các tiệm ăn.

Khi đi đến khu vực chợ đêm, bạn sẽ có thể thấy đủ mọi lứa tuổi từ trẻ đến già.

Có những cặp tình nhân tay trong tay tình tứ lướt qua một vòng các gian hàng xem nên dừng lại nơi đâu, mua cho nhau thứ gì.

Có những cặp vợ chồng trẻ tay bồng, tay dắt hoặc tay đẩy xe nôi đưa con đến những hàng đồ chơi, chu miệng thổi những vòng bong bóng xà bông bay lên cho con cười rúc rích.

Cả những cặp vợ chồng lớn tuổi ngồi bên nhau thưởng thức hột vịt lộn, ăn tô cháo trắng với tép ram, hay tựa vai nhau nhìn lên sân khấu ngoài trời xem ca sĩ hát.

Và cũng có thể nhìn thấy những nhóm bạn trẻ dăm bảy người tíu tít với nhau toàn tiếng Anh, nhóm uống nước mía, nhóm xếp hàng chờ mua thịt nướng xâu, nhóm bàn tính xem nên mua loại nào..

Những người xa quê hương không lúc nào quên được hương vị của quê hương mình, dù có đi xa đến đâu cũng sẽ hoài niệm.

Sự sắp xếp các show room có phần ngăn nắp và trình tự hơn so với ở Việt Nam, rất sạch sẽ và thông thoáng, hơn nữa văn hóa phương tây rất lịch sự và văn minh, mọi người đi lại mua bán rất vui vẻ và niềm nở.

Đây là điều mà Diễm Linh thích nhất ở nơi đất khách này.

Show room của Thu Ngọc được bài trí vô cùng bắt mắt, có trật tự rõ ràng ngăn nắp.

Đặc biệt đối với người vốn tiềm tàng khiếu thẩm mỹ như Thu Ngọc, làm sao để thu hút khách hàng thuộc phạm trù của bà, từ cách sắp xếp, bài trí sao cho bắt mắt người xem, không gian sáng sủa, thứ tự mỗi gian hàng phải hài hòa để người xem cảm thấy thu hút mà bước vào khám phá.

Ngay đến chính bản thân Diễm Linh, cô cũng cảm thấy cuốn hút và tò mò không thể không bước vào.

Sài Thành Collection chuyên về thời trang áo dài, vì vậy nhân viên ở đây cũng mặc đồng phục áo dài để tôn lên vẻ chuyên nghiệp cho bổn tiệm.

Diễm Linh không phải nhân viên chính thức nên khi đến đây, cô diện một bộ vest đen, khi nhìn thoáng qua trông có vẻ già dặn nhưng lại không kém phần thanh lịch, bởi nó đặc biệt tôn lên dáng người của cô, cùng với mái tóc dài đen nhánh được buộc cao gọn gàng, càng khiến khuôn mặt nhỏ nhắn không chút son phấn bừng lên sức sống.

Tất cả quyện vào nhau tạo nên một hình ảnh vô cùng bắt mắt thu hút mọi ánh nhìn.

Tại một góc trên bàn trà, đôi tay nhỏ nhắn thoăn thoắt trên bàn phím làm việc một cách vô cùng tập trung, hầu như không hề để ý đến mọi việc đang diễn ra chung quanh, cô đang chú tâm điều chỉnh số liệu trên máy tính.

Việc chuyển dữ liệu không quá khó nhưng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, nếu không, chỉ cần sai một con số sẽ làm cho sản phẩm không được hoàn thiện một cách tốt nhất.

Việc sửa chữa sản phẩm không quá khó nhưng sẽ làm mất uy tín thương hiệu.

Đó là việc mà không một chủ đầu tư nào mong muốn.

Sau khi hoàn tất công việc này, Diễm Linh còn phải hướng dẫn nhân viên làm quen với giao diện mới, sau đó còn phải kiểm kê hàng tồn để chuẩn bị nhập hàng mới, sắp xếp công việc ở show room mới.

Bao nhiêu việc bày ra trước mắt, có lẽ sẽ khiến cô không có thời gian để tâm vào những vấn đề khác nữa.

Cô âm thầm cười gượng trong lòng.

Thấy đứa cháu gái cứ vùi đầu vào máy tính không ngơi nghỉ, Thu Ngọc lên tiếng hỏi: "Sao rồi cháu?"

Nghe bác mình hỏi, Diễm Linh tức thời ngẩng đầu lên cười: "Dạ.

Cũng thuận lợi ạ".

"Vậy thì tốt".

Thu Ngọc gật đầu: "Cháu cứ từ từ làm không cần gấp.

Chú ý nghỉ ngơi cho tốt.

À, chiều cháu cùng bác ghé sang show room mới xem một chút nhé!"

"Dạ cháu biết rồi ạ!" Cô mỉm cười gật đầu.

Show room mới nằm trong khu thương mại thuộc hệ thống nhà hàng khách sạn The Wind với tên gọi The Wind Plaza.

Mặt bằng này do những người trước đó cũng kinh doanh sản phẩm may mặc để lại.

Nhờ có người quen ưu ái, là khách hàng và cũng là người bạn thân thiết lâu năm, nên Thu Ngọc mới lấy được mặt bằng này.

The Wind Plaza chính thức hoạt động cách đây hơn 2 năm sau khi The Wind Hotel & Restaurant được xây mới.

Nơi đây du khách qua lại nhiều, phần lớn là người Mỹ gốc Việt nên việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới không phải là điều khó khăn.

Diễm Linh nhìn không gian xung quanh mà trầm trồ.

Bởi so với những khu thương mại ở Việt Nam thì nơi đây, tuy chỉ là trung tâm thương mại trực thuộc, nhưng lại khá lớn.

Show room mới chỉ tầm 300m2.

Đây là một mặt bằng điển hình có diện tích không quá lớn, nhưng trông có vẻ thông thoáng, bốn bề khách qua lại đều có thể nhìn rõ toàn bộ gian hàng.

Điều khó khăn duy nhất ở đây là việc bài trí phải thật sự hài hòa và bắt mắt, để có để thu hút được nhiều khách hàng.

Diễm Linh đi một vòng xung quanh khu thương mại, một ý tưởng nảy lên trong đầu khi cô nhìn thấy một show room áo cưới cách đó không xa.

Cô hớn hở đi về phía Thu Ngọc đề xuất ý tưởng của mình: "Bác ạ, cháu có ý này không biết được không?"

Thấy Diễm Linh vui vẻ ra mặt, Thu Ngọc mỉm cười: "Ừ, cháu nói bác nghe xem".

Cô bắt đầu huyên thuyên: "Mình có may áo dài cưới và áo phụ dâu, hay là mình làm thêm khoản cho thuê áo dài cưới, áo phụ dâu, phụ rể bưng quả.

Bao gồm mọi nhu cầu về lễ đính hôn, lễ cưới theo truyền thống Việt Nam.

Bác thấy sao ạ?"

Nghe xong những lời Diễm Linh nói, Thu Ngọc im lặng hồi lâu suy nghĩ rồi lên tiếng: "Về khoản may mặc thì không vấn đề gì.

Nhưng cho thuê thì bác nghĩ cần phải xem xét lại cháu à!"

Trước đây Thu Ngọc chỉ chuyên may và bán các mặt hàng về áo dài, chưa từng có ý định cho thuê vì có thể người dân ở đây sẽ không thích việc mặc chung đồ với người khác.

Nghe bác mình nói vậy, Diễm Linh vẫn không nén phần lạc quan về vấn đề mình vừa đề xuất: "Dạ, soire cưới cũng giống như áo dài cưới thôi bác, họ vẫn thuê để chụp hình thậm chí mặc trong ngày lễ vì nếu mua thì sẽ tốn kém và sẽ không sử dụng lại.

Mình cho thuê với mục đích chính là để họ có thêm lựa chọn trong việc chụp album cưới.

Bên cạnh đó còn cho thuê thêm áo dài cho dàn bưng quả.

Cháu nghĩ là người Việt mình, thậm chí ngay cả người Mỹ họ cũng sẽ thích trang phục cưới của mình.

Cháu sẽ thiết kế vài mẫu áo để chụp làm poster ảnh đồng thời cho ra album để khách hàng họ chọn lựa.

Nếu như khách họ muốn may theo mẫu thiết kế tất nhiên mình cũng sẽ làm.

Một công đôi việc, vừa để cho thuê, vừa để làm mẫu may cho khách.

Cháu sẽ làm một bản kế hoạch tỉ mỉ, bác xem xét nếu khả thi thì thực hiện ạ".

Thu Ngọc có vẻ thích thú với ý tưởng của Diễm Linh.

Bà lên tiếng tán thành: "Được.

Cháu giúp bác việc này đi".

"Dạ vâng ạ".

Thấy Thu Ngọc đồng ý, Diễm Linh cảm thấy có động lực hơn với ý tưởng táo bạo của mình.

Trong đầu cô âm thầm vẽ lên kế hoạch.

Hy vọng công việc sẽ thuận lợi như dự kiến.

Có lẽ cô sẽ phải ở đây lâu hơn rồi.

* * *

Thương xá Asian Garden Mall (Thương xá Phước - Lộc -Thọ)

.