*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Qua mồng bảy tháng bảy, chẳng mấy chốc đã đến Tết Trung Nguyên.

Ở thời này, Tết Trung Nguyên là một ngày lễ lớn, tất cả chùa miếu trong thành đều làm pháp hội, hằng năm trong cung đều sẽ tặng chậu Vu Lan đựng các loại kỳ trân dị bảo tới các chùa lớn như Từ Ân, Thanh Long, dân chúng cũng có nhiều người tới chùa cầu phúc. Trước các chùa miếu lớn còn thường có biểu diễn tạp kỹ và truyền giảng Phật giáo, vừa xướng vừa niệm, vô cùng náo nhiệt.

Dù không mấy nổi tiếng thì vào những ngày này, các chùa miếu nhỏ cũng rất bận rộn, ví dụ như am Quang Minh, từ mấy ngày trước đó đã bắt đầu quét dọn sửa soạn, một ngày trước Tết Trung Nguyên, Viên Giác sư thái mặc áo cà sa vô cùng trang trọng, niệm kinh xong thì chuẩn bị chậu Vu Lan chạm trổ hoa sen vàng.

Thẩm Thiều Quang dâng tặng bánh ngọt mật ong do mình tự làm, cũng góp tiền hương khói, lại cùng các tín đồ khác cùng nghe niệm kinh.

Làm lễ xong, Viên Giác sư thái cười nói với Thẩm Thiều Quang: “Thật đúng là một món tinh xảo! Lại không giống với bánh hoa Thất Tịch, mấy tầng chồng lên nhau đặt vào trong mâm, thật sự rất đẹp.”

Dù sao Viên Giác sư thái cũng là một người sành ăn, liếc mắt đã nhìn ra bánh ngọt mật ong Tết Trung Nguyên này không giống như bánh hoa Thất Tịch. Bánh hoa Thất Tịch tinh xảo mịn màng, chú trọng khẩu vị, không thể để lâu, cũng không thể xếp chồng lên nhau; bánh ngọt mật ong thì chủ yếu dùng bơ, mật ong, bột mì, hoặc hấp hoặc chiên, xếp thành ba tầng, năm tầng đặt trong mâm, bề ngoài đẹp mắt, mà để vậy sáu, bảy ngày cũng không có vấn đề.

Lại không biết rằng bánh ngọt mật ong này của Thẩm Thiều Quang có quan hệ với món bánh hoa Thất Tịch.

Thời này, đồ cúng ngày lễ là hoạt động truyền thống trong nhà, chuẩn bị đồ thờ cúng là việc bắt buộc của các phu nhân quản lý gia đình, cho nên Thẩm Thiều Quang vốn không có ý định bán cái gì đặc biệt vào ngày lễ này, lại không ngờ rằng có một vị khách từng ăn bánh hoa Thất Tịch tìm tới tiệm đặt làm bánh ngọt, muốn dùng cho lễ cúng bái phụ mẫu ngày rằm tháng bảy.

“Lúc phụ mẫu còn tại thế, trong nhà nghèo khó, chưa từng được ăn những món tinh xảo thế này. Bây giờ buôn bán may mắn kiếm được chút tiền, cho nên cũng muốn cho họ được nếm thử.” Người đặt làm bánh hoa chính là một người trung niên chừng bốn, năm mươi tuổi, mặc áo lụa Hàng Châu, da dẻ hơi ngăm, có lẽ là một thương nhân vùng khác đi buôn ngang qua đây, lúc nói lời này thì sắc mặt hơi buồn bã.

Thẩm Thiều Quang cũng nghiêm túc lên, mặc dù hiểu tấm lòng “con muốn báo hiếu cha mẹ lại không còn”, cũng muốn nhận vụ làm ăn này, nhưng khuyết điểm của bánh hoa thì phải nói rõ cho người ta biết, thứ này không thể để được suốt ba ngày Tết Trung Nguyên, chỉ cần gió thổi qua một cái thì sẽ bị nứt hoặc vụn ra, thậm chí còn có thể bị thiu hỏng.

Vị khách kia cũng biết lời của Thẩm Thiều Quang là thật tình, hơi nhíu mày.

Thẩm Thiều Quang nhớ lại kiếp trước từng làm chuyên đề “Mãn Hán bánh trái* cúng tế người đã khuất”, bèn nói: “Ta sửa đổi công thức một chút, dùng cách hấp, nướng, chiên để làm, chắc là sẽ được thôi.”

* Dẫn từ “Mãn Hán toàn tịch” là bữa tiệc mặn, Mãn Hán bánh trái là bữa tiệc đủ loại món ngọt.

Hôm sau làm vài cái, mời vị khách kia nếm thử, khách gật đầu đồng ý, Thẩm Thiều Quang liền làm “Mãn Hán bánh trái” với món bánh ngọt mật ong thời Đường này. Tất nhiên là không thể nào so được với bánh trái trong cung đình nhà Thanh, kể cả so với tiệc bánh trái của dân thường thời cuối nhà Thanh thì vẫn còn kém xa, nhưng ở vào thời Đường trước đó cả nghìn năm thì cũng đã dư sức làm hài lòng một vị thương nhân muốn hiếu kính phụ mẫu.

Một cái là làm mà hai cái cũng là làm, Thẩm Thiều Quang dứt khoát làm hẳn ba phần, một phần cho vị thương nhân kia, một phần dâng cúng trong am Quang Minh, để trong am thêm chút không khí, cũng là để cảm ơn mấy người trong am, một phần còn lại thì để tới ngày Trung Nguyên đưa tới miếu Thành Hoàng bên ngoài thành để cúng tế.

Kiếp này cha mẹ và đại ca của nguyên thân đều không được nhắm mắt xuôi tay, ngay cả một phần mộ cũng không có, người ta bảo chết thế này thì phải tới miếu Thành Hoàng bên ngoài thành để cúng tế, vì vậy vào ngày Tết Trung Nguyên, Thẩm Thiều Quang dứt khoát đóng cửa cả ngày, sáng sớm đã dẫn theo A Viên thuê xe la đi ra ngoài thành.

Trái ngược với cảnh tượng náo nhiệt của tất cả chùa miếu trong thành, miếu Thành Hoàng vắng vẻ hoang tàn hơn rất nhiều, trên tường phủ đầy rêu xanh, dưới sân lại mọc đầy cỏ dại, nhưng hoa quả bánh trái bày trước bàn thờ lại rất mới mẻ phong phú, chắc hẳn là của vị khách trước để lại, trong điện chỉ có một lão đạo sĩ cùng một đạo đồng lo việc hương khói.

Thẩm Thiều Quang dọn xong trái cây và bánh ngọt, thắp nến thắp hương, đốt tiền giấy, cúng tế tổ tiên và người nhà của nguyên thân, trước khi ra về lại bố thí cho lão đạo sĩ một chút bạc.

Lão đạo sĩ thu tiền, nhẩm một câu đạo hiệu, hành lễ đáp lại: “Thành Hoàng nơi này là linh thiêng nhất trong vùng, chắc chắn sẽ phù hộ cho người mà cô nương cúng tế.” Lão đạo sĩ nhận được không ít bạc của vị khách cúng tế trước đó, cho nên cũng không mấy cảm kích chút bạc của Thẩm Thiều Quang, nhưng lại thích bánh trái mà nàng mang tới cúng tế – lúc còn trẻ hắn từng đi tá túc không ít chùa, kể cả đồ cúng của nhà quyền quý cũng không được chỉnh tề như vậy, chờ hạ lễ rồi chắc chắn phải nếm thử mới được.

Thẩm Thiều Quang mỉm cười đáp lễ, coi như tẫn một phần tâm ý, hy vọng linh hồn bọn họ có thể yên ổn, không phải chịu khổ sở.

Đã ra ngoại thành rồi, Thẩm Thiều Quang dứt khoát bảo người đánh xe chờ một hồi, nàng dẫn A Viên đi dạo một vòng. Đây vẫn là lần đầu tiên nàng được chứng kiến quang cảnh nông thôn ở thời đại này.

Nhà tranh lều cỏ, gà gáy chó sủa, nghĩa địa khói xanh lượn lờ, trên đường có vài người nông dân đi tế tổ về. Y như trong tranh, rất nên thơ, nếu như sống ở đây…

Nước sông cũng thật sự trong vắt, hàng liễu rủ bên bờ sông, cạnh đó là một người mặc áo dài trắng, không xa phía sau có mấy tên nô bộc dắt ngựa đứng chờ. Người kia quay đầu, không ngờ lại là vị sĩ tử cười nhạo Bàng nhị nương trước cửa am Quang Minh lần trước.

Hai người đều ngẩn ra, Thẩm Thiều Quang cúi chào một cái, đang muốn tránh đi thì người kia lại đi tới.

“Cô nương cũng là tới miếu Thành Hoàng cúng tế sao?”

“Phải.” Thẩm Thiều Quang mỉm cười nói.

“Không biết… là cúng tế ai?”

Bây giờ ở Trường An đang thịnh hành kiểu thân thiết với người lạ sao? Thẩm Thiều Quang nhíu mày, người này sở hữu một cặp mắt đào hoa phong lưu, thế nhưng lúc này trong mắt lại thoáng chút phiền muộn bi thương.

“Người thân.” Cuối cùng Thẩm Thiều Quang vẫn trả lời.

“Thế còn công tử tới để cúng tế ai?” Thẩm Thiều Quang cũng hỏi.

“Sư hữu.” Nhưng thật ra là sư phụ và bằng hữu của bằng hữu.

Thẩm Thiều Quang gật đầu. Sẵn lòng ra khỏi thành để tới cúng tế thì chắc hẳn là bằng hữu thân thiết, lại phải chạy tới đây thì chắc hẳn đó là một câu chuyện bi thương. Thẩm Thiều Quang nhớ tới lời trong Kim Lũ Khúc của Cố Trinh Quán “Ta trôi dạt đã lâu. Mười năm qua, ơn sâu nghĩa tận, mất đi sư hữu.” Nhìn lại dáng vẻ hào sảng phóng khoáng của người này trong chiếc áo dài trắng, nàng không thể không đặt cảnh tượng trong đó lên người hắn, dịu giọng xuống: “Vẫn mong bớt bi ai.” Sau đó cúi chào một cái, đội mũ có màn che lên, dẫn A Viên đi.

Nhìn theo bóng lưng Thẩm Thiều Quang, sĩ tử áo trắng nhướng mày mỉm cười, ngày đó thì miệng lưỡi khéo léo, hôm nay lại hiểu lòng người, bây giờ các cô nương đều thú vị thế sao?

Lâm Yến đi tản bộ trong rừng quay trở lại, nhìn theo ánh mắt của bằng hữu.

“Nữ tử cạnh nhà ngươi này rất thú vị đấy.” Bùi Phỉ cười nói.

Lâm Yến nhếch miệng: “Chúng ta đừng nên đàm luận về cô nương nhà người ta thì hơn.”

“Ngươi ấy à, thật là cổ hủ! Sau này nếu tìm được một nương tử khéo ăn khéo nói như vậy thì chẳng phải là bị người ta chê chết luôn sao?”