Trịnh Ngọc Lữ bèn đáp:
“ Ý của mình có phải là: người ta thích làm vua là bởi chỉ biết chăm chăm vào quyền uy, lợi lộc khi làm vua. Kẻ không hiểu trách nhiệm trọng đại của ngôi cửu ngũ, ngồi lên ngai vàng, chỉ tổ hại dân hại nước, chẳng sớm thì muộn cũng bị người dân lật đổ. ”
Nàng ngừng một chốc, rồi tiếp:
“ Mà kẻ không thích làm vua, lại có hai loại. Một loại là không ưa công danh lợi lộc, muốn được tiêu dao tự tại như cánh chim. Loại người này nếu ép y lên ngôi, cũng chỉ có thể thành hôn quân ngu muội, bỏ bê triều chính.
Duy độc có hạng người ghét làm vua vì biết cái ngai vàng kia nặng như thế nào, nhưng vì dân vì nước mà không thể không làm, mới có thể thành một vua tốt. ”
Lê Lợi cười, nói:
“ Không sai. Trước đây Nguyễn Trãi từng nói với tôi một câu là: vua khổ thì dân sướng. Nay ngẫm lại, câu từ đơn giản mà ẩn ý hàm súc, thực chẳng sai chút nào. Người ta làm vua, phần nhiều là chỉ nhìn thấy được cái lợi, mà không thấy nghĩa vụ đi kèm. Trong lòng chỉ muốn ăn trên ngồi trốc, hiệu lệnh thiên hạ. Nếu gò bó như thế, thì làm vua để làm gì? ”
Trịnh Ngọc Lữ bèn tiếp:
“ Thế nên, muốn yêu được người có chí làm vua, cũng đâu có đơn giản? Làm vợ của vua, phải hiểu rằng cho dù thánh thượng chỉ có một mình mình là phi đi nữa, thì cũng chẳng thể độc chiếm được người. Trái tim người… dành cho giang sơn, dành cho trăm họ. Nếu kẻ làm vợ, làm phi mà chỉ biết thân mình, không hiểu được cái hùng tâm tráng chí, cái bất đắc dĩ, cái hi sinh này của người, càng không thể san sẻ cho vua thì đâu phải là yêu? ”
Lê Lợi cười, hỏi:
“ Thế Lữ có định làm nguyên phi Ỷ Lan, lo liệu hậu phương, đốt lên đấu tâm của tôi hay không? ”
Trịnh Ngọc Lữ cười, đáp nửa đùa nửa thật rằng:
“ Bậc nữ lưu anh kiệt, tài cao bắc đẩu như nguyên phi Ỷ Lan trăm năm khó gặp, mình nói thế em thấy áp lực lắm. ”
Nửa tháng sau, Lê Lợi chính thức rước Phạm Ngọc Trần về dinh, tổ chức đám cưới. Chàng không lập vợ chính, cả nàng và Ngọc Lữ ngang hàng nhau.
Lúc hai người làm lễ kết tóc se duyên, Hổ Vương giữ bí mật không đến, nhưng lại cho người bí mật đưa trăm con ngựa chiến đến doanh trại làm quà mừng. Quân Lam Sơn có ngựa nòi, chẳng những tải đồ đánh cướp dễ dàng, còn có thể xây dựng kị binh, cuộc sống đỡ kham khổ hẳn.
Tháng mười, năm Trùng Quang thứ năm, Hoàng Thiên Hóa cùng mấy tử sĩ đến ám sát Trương Phụ, nhưng lại cứa nhầm cổ Hoàng Trung. Đảo chủ lại đến ám sát nữa, song lần này quân Minh đã đề phòng
Cả bọn bị Phạm Hách bày kế lùa vào chỗ nước xoáy rồi tung lưới, trên lưới buộc lưỡi dao, lại cho ném chất bẩn xuống đầu tử sĩ. Hai người bị bắt, còn đảo chủ đảo Bạch Long thì may mắn thoát đi được, song cũng bị ngộp nước, toàn thân bị dao chém trọng thương, chất bẩn nhiễm vào thành ra nhiễm trùng. Tuy là không chết, nhưng ốm liệt giường mấy ngày liền, trong ba tháng không thể vận công.
Nhiều người trên giang hồ không biết, tuy rằng Hoàng Thiên Hóa xưng là đảo chủ, nhưng cướp được đảo Bạch Long, trở thành chúa đảo cũng do bị người ta đưa đến. Kì thực thủy tính của y rất tệ.
Tháng chạp…
Hoàng Phúc dẫn người ra biển, càn quét liên tiếp mấy đảo, đánh phá đốt sạch hết sào huyệt của cướp biển. Rốt cuộc cả Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung đều bị bắt.
Cảnh Dị mắng chửi Phụ rằng: “ Chính ta muốn giết mày, bây giờ lại bị mày bắt! ”.
Trương Phụ khuyên hàng không được, bèn cho chém đầu, giải qua mấy châu huyện liền để thị uy. Dân chúng căm phẫn mà lại sợ uy lão, ấm ức để bụng mà lòng như lửa. Đầu của hai tướng bị đưa đến Lam Sơn, Lê Lợi bấy giờ đang tiếp bọn hàng quan được cử đến, lúc hay tin thì bàng hoàng không nén được đau thương, giật mình buông đũa. Bên bàn rượu có kẻ hỏi:
“ Quan phụ đạo ta biết tin giặc Ngụy Trần chết đáng lí phải vui mừng, sao lại đánh rơi cả đũa thế? ”
Tức thì có kẻ phụ họa:
“ Bây giờ trong dân gian có tin đồn cậu lớn đây làm đến tận chức Kim Ngô tướng quân của Ngụy Trần. Tuy bọn tôi biết đấy là tin phét chẳng có cơ sở, nhưng cậu cũng phải cẩn thận kẻ có ý đấy… ”
Lê Lợi biết bọn này sớm đã được tin quân Minh giải đầu hai vị tướng qua, nên mới hẹn đến phủ, cốt để bẫy chàng. Nay hai tên này đã giăng bẫy, nếu không xử lí cho khéo chắc chắn bọn chúng sẽ báo lại cho Trương Phụ, buộc phải nặn ra một nụ cười, đáp:
“ Ngày xưa vua Trần Nghệ Tông thấy đầu Chế Bồng Nga cũng giật mình như vậy. Là do tin vui đến bất ngờ quá, lại hơi quá chén, mất hứng của mọi người. Xin tự phạt ba li để tạ tội. ”
Nói đoạn nâng chén, nuốt rượu, nuốt cả nước mắt vào lòng.
Bọn quan lại đều nói:
“ Quan phụ đạo đúng là sảng khoái, anh hùng xuất thiếu niên. ”
Bọn chúng thấy không bắt thóp được chàng, hết hứng ăn uống, được một chốc thì lục tục kéo nhau đi về.
Bấy giờ, Lê Lợi mới đứng lên, ngửa cổ muốn hét một tiếng thật to để giải nỗi bi phẫn trong lòng mà không gào ra tiếng được. Chàng đi khỏi căn phòng khách, sau lưng lưu lại hai hàng dấu chân màu máu.
Té ra ban nãy chàng phải lấy móng tay bấu vào đùi, dùng đau đớn để tự nhắc bản thân không được để lộ cảm xúc, bằng không bọn quan lại sẽ nhìn ra ngay. Dùng lực tới độ móng tay bấm thủng cả da chân…
Lại qua mấy ngày, Đế Quý Khoáng chạy sang Lão Qua, Nguyễn Súy chạy sang Minh Linh cũng đều bị quân nhà Minh bắt. Hậu Trần chính thức bị diệt.
Sau đấy, Trần Quý Khoáng nhân đêm quân gác tù không để ý, cắn lưỡi tuẫn tiết. Sáng ra Trương Phụ hay tin, tức mình chửi bới một hồi. Tên Lương Nhữ Hốt, Vương Sài Hồ và mấy tướng như Mã Kỳ, Phương Chính lại rỉ tai lão nói một thôi một hồi, Trương Phụ bèn đến một làng gần đó, gọi hết dân chúng ra, rồi dùng hình phạt ngũ mã phanh thây với xác của Trùng Quang đế.
Nguyễn Súy bấy giờ đeo gông, cười mà rằng:
“ Ngươi có xé xác ngài cũng vậy, khí tiết ngài trọn vẹn, đã hồn hòa vào sông núi rồi. Càng làm thì người ta chỉ càng thấy Trương Phụ nhà ngươi lòng dạ hẹp hòi, tiểu nhân ti tiện mà thôi. ”
Lão thấy thế, cười rằng:
“ Thằng Nguyễn Khuyến cũng chửi, Nguyễn Cảnh Dị cũng chửi, giờ thêm cả mày. Người Nam chỉ giỏi to mồm, nhưng đánh trận lại thua thì khác gì con chó sủa trăng? Mày đã bảo hắn tròn khí tiết, thế còn mày? ”
Rồi hạ lệnh cho người chích hết máu trong người Nguyễn Súy, hành hạ đến chết. Dân chúng trong lòng căm phẫn tột độ, nhưng hễ ai rơi lệ thì bị chém đầu ngay.
Lê Lợi cho các tướng ở sơn trại để tang vua tôi nhà Trần, treo cờ trắng mặc áo tang, cướp phá quan tham thông địch các nơi. Chư tướng nhiều người nể phục Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý nên ủng hộ nhiệt liệt, mà dân chúng thấy hào kiệt dưới trướng Vũ Uy mặc áo tang, biết là quân nhân nghĩa, cũng âm thầm trợ giúp.
Đám quan tham cứ dăm tháng, nửa năm lại bị gõ đầu cho nôn của tham lam ra, căm tức vạn phần. Bọn hắn từng đề đạt với Lê Lợi huy động sức dân lên núi đánh bẫy chim, chặt gỗ quý đem cống cho bọn Mã Kỳ, Phương Chính thì chàng gạt đi, lấy cớ rằng đám cướp núi chưa dẹp được, không dám cho dân lên núi kẻo chết phí mạng. Bọn chúng cũng muốn phản đối, nhưng thấy Lê Phủ cũng mất nào tiền nào gạo, nên chẳng truy cứu được.
Nào có biết những tiền bạc lương thực ấy đều là quân lương bà Thương và Lê Lợi thưởng cho tướng sĩ?
Lê Lợi lại nói:
“ Thôi bây giờ tôi và các vị đại nhân gom góp kẻ ăn người ở trong nhà sao cho được mấy trăm hương dũng, rồi đích thân tôi sẽ dẫn quân lên đánh trại giặc, được không? ”
Đám quan lại thấy bùi tai, bèn đồng ý.
Ngày ra trận, Lê Lợi cho gọi mấy trăm hào kiệt muốn theo đến giả làm gia nhân trong nhà, bắp đùi buộc vải tang rồi lấy ống quần phủ lên làm dấu. Nói đoạn chàng và Đinh Lễ dẫn quân lên núi, cố tình dắt cả đoàn lòng vòng, hết đạp phải mẻ kho lại rơi hố bẫy, sau chót còn trúng “ mai phục ” của Vũ Uy.
Rốt cuộc, Đinh Lễ “ liều mạng phá vây ”, cứu Lê Lợi trọng thương trở về. Lần này dùng khổ nhục kế, chàng bảo Đinh Lễ tống cho mình hai đấm, diễn cho tròn vai. Cậu chàng trời sinh thần lực, lại học được Phiên Thiên chân ngôn khác nào hổ mọc thêm cánh? Chỉ hai đấm mà Lê Lợi gãy xương hộc máu, bị thương nặng đến độ tưởng mất nửa cái mạng. Mà ấy còn là Đinh Lễ nương tay chỉ dùng ba phần sức, chứ nếu đánh thật thì chủ công của cậu ta về chầu ông vải rồi.
Đám tai mắt của Trương Phụ thấy chủ tớ hai người đánh cướp thua trận, phải gắng gượng dìu nhau về, mình mẩy be bét máu thì không còn nói ra nói vào gì nữa. Bọn chúng thấy thế còn cho rằng chàng không có thực tài, thế là tâu lên rằng Lê Lợi ở Lam Sơn tài văn xoàng xĩnh, tài võ thô thiển, chẳng qua là hưởnh phước từ tiên tổ. Kể cả có dã tâm thì cũng là lực bất tòng tâm, không trâu bắt chó đi cày mà thôi.
Vũ Uy giải mấy trăm hương dũng về núi, ai buộc vải ở đùi thì tha bổng, nhận làm bộ hạ. Còn không có thì doạ nạt một phen, sau đó dựa theo xuất thân mà tính. Ai là trăm họ bị ép buộc thì thả về, còn như kẻ ăn người ở của đám quan tham thì giết đi.
Các tướng Lam Sơn đeo mặt nạ, chia quân đi đánh dẹp đám cướp trong vùng, nuốt trọn mấy băng đảng lớn, nháy mắt thanh thế “ đảng cướp ” đã lớn nhất vùng. Từ ấy những con đường huyết mạch của Lam Sơn không đâu là không có bóng cướp.