Trần Quý Khoáng kêu “a” một tiếng, rồi mới hỏi lại:

“ Tướng tài như thế, sao không ra giúp nước, lại có thù hận gì với vương thất mà hạ lời thề độc? ”

“ Năm xưa đế Ngỗi kéo quân ra Bắc, nhân cớ Trần Thúc Dao, Trần Nhật Chiêu không ra đón rước mà giết hại, tổng cộng cả bộ hạ hơn năm trăm người. Mà Nguyên Hãn thì lại là con trai của Thúc Dao. ”

“ Thù giết cha không đội trời chung, y đã quyết chí thì cũng đành chịu vậy. ”

Trần Quý Khoáng nghe Đặng Dung giải thích đầu đuôi, cũng chỉ biết thở dài một tiếng.

Y ngừng một chốc, rồi lại hỏi:

“ Khanh thì sao? Nay binh tướng của ta quy ẩn chờ thời, khanh đã có chỗ nào để đi chưa? ”

Đặng Dung nghiêm hẳn sắc mặt, đáp rằng:

“ Tuy ta thắng trận Sái Già, song hai thằng giặc già Trương – Mộc đều thoát chết. Thiết nghĩ những ngày tới đây, đợi chúng tập hợp được đại quân, ắt sẽ thừa thế tiến công lần nữa. Chỉ e lần này quân giặc tràn qua sẽ như núi sạt lũ quét, thần có dùng hết tài hèn sức mọn, cũng vị tất đã có thể chống đỡ. Chi bằng ta hãy học Hưng Đạo đại vương thuở chống giặc Nguyên, trước tạm né mũi nhọn, tính kế khôi phục lâu dài. ”

Y ngừng một chút, rồi lại nói:

“ Thánh thượng theo Suý về tây, cố gắng trốn sang Tiêm La hoặc Lão Qua, thay tên đổi họ, đặng ngày khôi phục. Thần và Cảnh Dị dùng thuyền đi về đông, đánh lạc hướng quân giặc cho thánh thượng có thêm thì giờ mà chạy trốn. ”

Trần Quý Khoáng thấy ý y đã quyết, khuyên can cũng vô dụng, chỉ biết sá dài một cái, nói:

“ Không có khanh và Cảnh Dị, làm sao có được Trùng Quang ngày nay? Nếu còn có duyên gặp lại, trẫm tất sẽ đáp đền ân sâu nghĩa nặng. ”

Đặng Dung thấy thế, ra hiệu cho Hoàng Thiên Hoá đỡ Trùng Quang đế lên, lại trao thanh Long Tuyền cho y, dặn:

“ Kiếm này theo thần chinh chiến cả đời, nay xin dâng lên thánh thượng, nhìn kiếm như thấy người. Sắc trời cũng không còn sớm, lên đường ngay cho kịp. ”

Nói đoạn, tiệc mừng công cũng tàn, binh tướng vua quan từng trải qua biết bao trận binh đao sống chết suốt mấy năm qua, nay chia nhau mỗi người một ngả. Thành thử, người nào người nấy đều thấy nao lòng.

Đặng Dung đến gặp Lê Sát, đưa cho một túi gấm dặn:

“ Cậu đến từ đâu, thì về nơi đó đi. Đến nơi thì mở túi này ra. ”

Lê Sát quỳ thụp xuống, nói:

“ Ân tri ngộ của thánh thượng và quan Bình Chương, Lê Sát này chết trăm lần cũng không đủ báo đền. Xin hãy cho tôi được theo bảo vệ thánh giá, liều một mạng vì xã tắc cho không uổng kiếp người. ”

Đặng Dung bèn nói:

“ Đây là quân lệnh! Nếu tướng quân muốn báo ơn tri ngộ của ta và thánh thượng, thì chớ có hỏi nhiều, cứ theo sắp xếp của ta là được rồi. ”

Thấy vẻ kiên quyết trong mắt y, Lê Sát không thể nói gì thêm, chỉ biết nghiến răng nhận lời.

Nguyễn Suý và Trùng Quang đế dùng ngựa tốt, phi về phương tây.

Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị lên thuyền của cướp biển, chạy ra biển Đông.

Còn Lê Lợi thì dẫn chư tướng, cộng thêm Lê Sát, trở về Lam Sơn. Bấy giờ, có Lưu Nhân Chú mở lời khuyên rằng:

“ Nay đang buổi nhiễu nhương, Trương Phụ lại là kẻ làm việc chu toàn. Lão vừa thua một trận lớn, đương nhiên càng cẩn thận hơn. Chỉ sợ nếu ta để lộ hành tung khiến giặc chĩa mũi giáo về Lam Sơn, đối với bà lớn sẽ cực kì bất lợi. Tôi thấy chúng ta nên đi đường nhỏ, ngày nghỉ đêm đi. Tuy là chậm hơn, nhưng tránh được tai mắt của giặc. Lại có hai vị tướng quân Lê Sát, Lê Văn An bảo vệ, hùm beo thổ phỉ bình thường không làm gì được ta đâu. ”

Mọi người nghe xong, đều khen y làm việc cẩn thận.

Chư tướng quyết lần rừng mà đi, nên tốc độ rất chậm. Thi thoảng lại thấy có bóng người ngựa của quân Minh chạy trên đường cái, thậm chí có mấy kẻ còn vào rừng sục sạo, khiến mọi người phải giật mình một phen. Nhưng may sao là không có nguy hiểm gì.

Đi đường độ bảy ngày, cả đoàn đã đến địa giới của Lam Sơn. Thấy sắc trời vẫn sáng, chưa tiện vào làng, Lê Lợi bèn để chư tướng nghỉ ngơi tại chỗ, lấy lương khô trái cây ra ăn tạm.

Lưu Nhân Chú chợt đến bên, rỉ tai chàng:

“ Chủ công, tôi thấy chuyện này hơi kì quái. ”

“ Chẳng nhẽ có nguy hiểm gì? ”

Lê Lợi nhíu mày, hỏi lại.

Cùng kháng Minh mấy năm nay, chàng hiểu rõ tính thuộc hạ. Nay tuy Lam Sơn đã ở ngay trước mặt, nhưng nếu Lưu Nhân Chú đã nói là có chuyện bất thường, thì tất có cái lí của y. Lê Lợi sẽ không tin tưởng kẻ dưới một cách mù quáng, nhưng nếu y giải thích được duyên cớ, thì chàng tất sẽ nghe theo.

Lưu Nhân Chú hít sâu một hơi, rồi nói:

“ Chủ công, chẳng nhẽ ngài không thấy chúng ta đi đường quá thuận lợi hay sao? Chúng ta xé rừng mà đi, cây cối um tùm biết đâu mà lần? Vậy mà không hề lạc lối đi nhầm, thẳng bước về đến tận đây. Chuyện này… có phần hơi khó tin. ”

Lê Lợi đảo mắt, rồi hỏi nhỏ:

“ Vậy anh đang nghi ngờ hai tên lính dẫn đường? ”

“ Không sai. Tuy hai người này ở dưới trướng chủ công đã lâu, nhiều phen cứu chủ, nhưng nếu bọn chúng có mục đích khác thì thực là mối họa lớn bằng trời. Có lẽ nên nhờ Lê Văn An tướng quân bắt bọn chúng lại, rồi hỏi cho ra nhẽ, xem mưu đồ thực sự của hai người này là gì. Còn nếu như họ trong sạch, tôi xin được tự mình quỳ xuống xin thỉnh tội. ”

Lưu Nhân Chú đáp.

Lê Lợi vẫy tay gọi Lê Văn An đến, giải thích kỹ càng.

Như thể nghe được những gì bọn họ bàn với nhau từ nãy đến giờ, hai người lính dẫn đường suốt bảy ngày qua từ từ đứng dậy, cung tay về phía Lê Lợi, trầm giọng nói:

“ Nay đã hộ tống cậu lớn về đến Lam Sơn bình an, nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành. Nay xin được về bản phục mệnh với Hổ Vương, mong được cậu lớn cho phép. ”

Chư tướng không khỏi giật mình.

Lê Văn An nói:

“ Chỉ dựa vào một tiếng “ Hổ Vương ” không bằng không chứng, chưa đủ đáng tin để thả hai người đi! ”

Hai tên lính bèn cười:

“ Vậy thì được rồi. Chúng tôi có nhân chứng đây. ”

Đoạn, một trong hai người lấy trong ngực áo ra một chiếc kèn lá, chu miệng thổi lên một tiếng cao vút. Độ mấy hơi thở sau, thì có tiếng cười lanh lảnh như chuông bạc đáp lại:

“ Hai bác vất vả quá, chuyện ở đây cứ giao cho cháu. ”

Hai người cùng vái một cái, rồi kính cẩn:

“ Vậy thì phiền công chúa. ”

Đoạn tung mình một cái, trong chớp mắt đã vọt ra ngoài hai trượng. Chư tướng thấy thân pháp hai người như điện xẹt, võ công cực kì cao thâm thì không khỏi giật mình. Hai người nọ chỉ nhún mình mấy cái, bóng người đã biến mất sau những bóng cây rậm rạp của đại ngàn.

Lê Sát bèn nói:

“ Để tôi đuổi theo bắt lại! ”

Lê Lợi khoát tay, bảo:

“ Bỏ đi anh Sát. Người ta làm thế là muốn nói, nếu như họ muốn đi, chúng ta không có bản lĩnh bắt bọn họ đấy thôi. ”

Chàng ngừng một chốc, rồi ngẩng đầu nhìn lên chạc cây cao cao phía trên, cười vang:

“ Hà huống, nhân chứng của họ đến rồi. ”

“ Không sai. Không sai. Đi đánh giặc ba năm, tiến bộ nhiều thật đấy. ”

Chư tướng nhìn theo ánh mắt Lê Lợi, thì phát hiện ở trên cây đã có một bóng người ngồi vắt vẻo từ lúc nào. Mái tóc như suối, nét cười như hoa, có nói nàng là mĩ nhân tạc từ ngọc ra cũng không quá. Bấy giờ thiếu nữ vận trang phục của người mèo, đầu đội mũ có tua rủ xuống trán, váy trắng áo xanh đều có trang trí thổ cẩm, cổ tay cổ chân đều có lắc bạc.

“ Cô hổ cái, giả vờ dịu dàng với ai thế? ”

Lê Lợi thấy rõ mặt nàng, lập tức cười rộ lên.

Người ngồi trên cây ngoại trừ Phạm Ngọc Trần ra thì còn ai vào đây nữa?

Thực chất, từ lúc hai người lính nhắc đến “ công chúa ” thì chàng đã biết người sắp xuất hiện chính là cô nàng rồi. Thế nhưng lúc này gặp lại, Lê Lợi cũng phải ngạc nhiên, bất giác nhớ về lần đầu tiên hai người gặp nhau ở bến Bô Cô.

Nay Phạm Ngọc Trần đã không còn là thiếu nữ mười sáu mười bảy như trước, vẻ ngoài hiền thục nữ tính hơn, song đôi mắt chẳng giấu được vẻ tinh minh sinh động của ngày trước. Có chăng, là hiện tại sự hoạt bát tinh nghịch của cô nàng không thể hiện ra ngoài mặt, mà nội liễm bên trong, ngấm vào xương tủy.

Phạm Ngọc Trần bị trêu, phồng má lên, nói:

“ Ai là hổ cái??? Anh… anh… ”

Vừa nói lại một câu, thì lại phát hiện mình bị hớ, nếu lúc này phát tác há chẳng phải khiến câu đùa của Lê Lợi thành sự thật hay sao?

Phạm Ngọc Trần hít một hơi, nhảy xuống khỏi chạc cây, lại chỉnh lại áo xống tóc tai cẩn thận rồi mới nói:

“ Còn nhớ ngày trước có người dùng tên ở nhà đi lại trên giang hồ, tự nhận là hổ cơ mà? Chị Lữ lấy phải anh, đúng là dê vào miệng cọp. ”

Lê Lợi thấy cái tên ở nhà hồi bé mình dùng để hành tẩu trong võ lâm cho tiện bị nhắc lại trước mặt bộ hạ, cực kì xấu hổ, bèn hắng giọng:

“ Ý là sao đây hả? ”

Lưu Nhân Chú chợt cười, nói xen vào:

“ Chủ công, ý của công chúa là hổ đực như ngài đến với hổ cái mới xứng đôi vừa lứa đó mà. ”

Phạm Ngọc Trần không ngờ câu phản pháo của mình bị bẻ chữ thành như vậy, tức thì á khẩu, má đỏ như gấc, vừa thẹn vừa ngượng, không biết lúc này phải nói gì mới phải. Nàng bèn dậm chân sẵng giọng:

“ Chủ tớ các người mồm năm miệng mười, hùa nhau bắt nạt người ta. ”

Chư tướng cùng cười vang.

Lê Lợi cười ngặt nghẽo một chốc, rồi ra hiệu cho bộ hạ ngừng lại, đoạn nói:

“ Được rồi. Không trêu cô nữa. Bàn chuyện nghiêm túc đi. ”

Đoạn, chàng lại hỏi Phạm Ngọc Trần thật kỹ những chuyện xảy ra ở Lam Sơn trong mấy năm chàng đi đánh giặc dưới trướng của Trùng Quang đế.

Cô nàng bèn đáp:

“ Chuyện này anh phải hỏi u, chứ em biết thế nào được? ”