Mưa vẫn rơi...

Nhưng người đã nằm lại.

Hoàng Phúc cất cung, cẩn trọng đến gần thi thể Hoàng Thiên Hóa.

“ Tim đã ngừng. Mạch bất động. Cũng không thấy thở nữa. ”

Y quệt lấy máu ở kẽ tay đảo chủ đảo Bạch Long, đưa lên ngửi. Mùi tanh của máu xông vào choán đầy hai khoang mũi, khiến tóc gáy lão hơi hơi dựng lên.

“ Y đã chết rồi! Thu quân! ”

Đoàn người lục tục kéo nhau đi khuất vào trong màn mưa dày đặc. Thỉnh thoảng, vẫn có tiếng xì xào to nhỏ về một lão hòa thượng mới bị bắt hồi nãy, lúc Hoàng Phúc tướng quân giao thủ với kẻ thần bí người An Nam.

Chuyện có cao thủ võ lâm đến tìm cách cứu viện, ý đồ phóng thích tù nhân vốn chỉ là chuyện hiển nhiên trong lúc hai quân giao chiến. Lần trước đại chiến với quân nhà Hồ, Mộc Thạnh cũng đã nếm thử, thành ra cũng không lấy gì làm lạ. Lão chỉ coi việc hôm ấy là như một giọt nước nhỏ xuống đại dương, so với những cuộc du kích hàng ngày của quân Đại Việt còn vô nghĩa hơn nhiều.

Thế là, lão gọi hết tướng tá lại, bàn bạc xem phải vượt qua bến Bô Cô bằng cách nào để thương vong ít nhất. Hoàng Phúc cũng chẳng ngoại lệ

Chủ tướng chẳng buồn hỏi, sĩ tốt cũng không có ý đi mua việc vào người. Thế là cái xác của Hoàng Thiên Hóa bị vứt chỏng chơ ở bên sông, không ai thu dọn.

Lạ một chỗ, là sau khi bị bắt, Khiếu Hóa Tăng cứ ngồi im ru trong xe tù. Hoàng Phúc biết lão là kẻ máu mặt trong giới võ lâm, vẫn muốn giết quách đi. Song... y ngoại trừ là tướng, còn là một tên võ si. Lúc hạ quyết định, lại tiếc trận đánh dang dở hồi đó. Thành thử, y lấy khóa bằng huyền thiết cùm tay Khiếu Hóa, lại dùng châm huyền thiết khóa cứng xương tì bà của ông. 

Khiếu Hóa Tăng tạm thời bị phong bế nội công, nhưng xem chừng vẫn còn nhởn nhơ lắm. Đến bữa thì mở mắt đòi ăn, xong lại khép mi tĩnh tọa chẳng khác nào tượng gỗ. Nếu không phải thỉnh thoảng lão phát ra tiếng ngáy, người ta còn tưởng lão đã chết rồi.

Trước hôm khai chiến một ngày, một người quen có đến gặp Khiếu Hoá Tăng.

“ Trần Triệu Cơ? Ngươi đến đây làm gì? ”

Lữ Nghị nhíu mày, giọng tỏ rõ vẻ hồ nghi.

Kẻ phản chủ cầu vinh, bán đứng bạn bè, đi đâu cũng chẳng thể ngóc nổi cái đầu lên làm người. Đừng nói là Lữ Nghị vốn căm ghét người Nam, đến tên lính lác tầm thường trong quân ngũ Đại Minh cũng chẳng ngửi nổi nhân cách những tên hàng tướng như vậy. Thường là họ tránh giao du, không thì cũng hết sức đề phòng.

Trần Triệu Cơ nói:

“ Chẳng dám giấu tướng quân. Ta được lệnh của hầu gia, đến đây khuyên hàng tra khảo lão ta. ”

“ Cứ làm… ”

Lữ Nghị cười khinh khỉnh, đáp.

Lão sư già như kẻ ngố, cứng mềm đều không ăn, dụ dỗ đe doạ lão đều không để vào mắt. Lữ Nghị không tin tưởng dù chỉ một chút rằng Trần Triệu Cơ có thể lung lay lão.

Quả nhiên, mặc cho Triệu Cơ nói ngả nói nghiêng ra sao, lão Khiếu Hoá Tăng vẫn cứ nhắm tịt mắt trơ trơ ra đấy.

Rốt cuộc, Lữ Nghị nghe thấy tiếng Triệu Cơ quát lớn:

“ Cái đồ không biết phải trái! ”

Đoạn có thanh âm kim loại va chạm cao vút lên, tổng cộng bốn lần liền.

Kế, chỉ thấy Trần Triệu Cơ bước ra, cằn nhằn:

“ Tên này quả thực cứng cựa, nói mãi không chịu nghe. Thành ra ta mới tức mình chém cho bốn kiếm vào cũi sắt. Chi bằng sau trận chiến, chém quách nó đi cho rảnh nợ. ”

Lữ Nghị cười khẩy, từ chối cho ý kiến.

Ngày khai chiến...

Mặt sông từ lúc nào đã đậu đầy chiến thuyền của quân Minh, xuôi từ thượng nguồn sông Đáy xuống. Dưới bóng tinh kì phấp phới phản chiếu nơi mặt sông là cơ man không biết bao nhiêu chiếc thuyền con mà đếm xuể. Chúng vây lấy các chiến thuyền lớn, như cách sao trời vây lấy ông trăng vậy. Ấy vốn là thứ thuyền dùng đánh giáp lá cà trên mặt nước. Mộc Thạnh biết người Nam giỏi thủy chiến, ba lần thất bại ê chề thời Nam Hán, Tống, Nguyên hãy còn ở trước mắt.

Về phía quân Hậu Trần, thuyền chiến cũng đã kịp tải khí cụ thủ thành dọc theo sông Vân đến nơi. Đặng Tất cho quân sắp xếp lượng lớn hỏa lực vào mặt bắc núi Dục Thúy, dọc theo triền núi, dựa vào sự che chắn của lũy tre để ẩn mình. Một lát nữa, khi hai quân giao chiến, sẽ dựa vào yếu tố độ cao chiếm lĩnh ưu thế.

Trống trận gióng thùng thùng, rơi xuống dòng sông rồi dội ngược lên tận đỉnh núi Dục Thuý cao chót vót.

Mộc Thạnh đứng bên bến đò, nheo mắt nhìn phía xa.

Phía tây, cửa sông nơi sông Vân giáp ranh với sông Đáy, thấp thoáng dưới những lớp sóng thét gào là bóng từng lớp từng lớp cọc nhọn cắm chi chít ở đáy sông. Gió thổi áo bào tung bay theo tay áo. Tay lão nắm chắc cây siêu đao, trong lòng không khỏi cảm thấy hừng hực, ngay cả khi đôi môi khô nẻ chưa thấm men cay.

Trên núi Dục Thúy, Đặng Tất tự mình đi đến đốc thúc pháo binh.

Ông biết, Mộc Thạnh chẳng phải kẻ tầm thường. 

[ Lão chắc chắn sẽ đợi lúc thủy triều lên rồi mới tấn công, lúc ấy bãi cọc sẽ vô dụng. ]

Theo lẽ thường, chẳng ai làm tướng mà lại ngu ngốc đi tấn công vào lúc này, nhất là khi thủy triều đang đà rút, đầu cọc đã thấp thoáng ẩn hiện giữa từng con sóng.

Song...

Trống trận bắt đầu vang động.

Đặng Tất giật mình, nheo mắt nhìn về phía sông Đáy.

Chỉ thấy những thuyền chiến lớn của quân Minh đã bắt đầu lắc mình, rẽ nước tiến về phía bờ bắc núi Dục Thúy.

Mộc Thạnh xua quân ra trận ngay trong lúc nước triều đang rút xuống.

“ Chuyện này... ”

Đặng Tất tỏ vẻ hồ nghi. Hiển nhiên, Mộc Thạnh chẳng ngốc đến nỗi nghĩ rằng cái trò giả vờ thô kệch lỗ mãng của lão sẽ hiệu quả thêm lần nữa. Thế thì tại sao lão lại làm cái chuyện chẳng khác nào tế sống đại quân như thế?

Thắc mắc thì thắc mắc thật, nhưng chẳng còn thời gian để mà nghĩ nhiều. Bởi... thuyền chiến của quân Minh đã lọt vào tầm pháo.

“ Khai Hỏa!!! ”

Đặng Tất vung tay, quát to ra hiệu. Tức thì trên sườn núi, tiếng giáo mác gõ lên thân tre lóc cóc vang lên liên hồi, âm vang ngâm nga chẳng khác nào trống trận. Lá tre lác đác rơi nghiêng, đậu lên nòng pháo lạnh buốt.

Đoàngggg!!!

Tiếng gầm đầu tiên, kéo theo một loạt những tiếng rít gào khác của dàn hỏa pháo. Đạn sắt to và nặng hàng chục cân, từng viên từng viên một xé tung lũy tre xanh rì, giáng mạnh xuống mặt nước bên dưới. Chỉ nghe ùm ào một trận dài, nước sông bắn tung lên thành từng hàng cột nước, có những cái cao cả trượng. 

Sông Đáy sủi bọt, chỗ trắng chỗ đỏ.

Quân của Thạnh cũng nâng họng pháo, bắn trả vào lũy tre dày mọc chi chít trên núi.

Cái thứ cỏ kì lạ ấy, oằn mình dưới sức nặng của viên đạn pháo, nhưng không chịu tan tác. Cây nọ gối lên cây kia, đỡ cho nhau. Trong khi đó, tốp pháo thứ hai của quân Hậu Trần cũng khạc ra những viên đạn đầu tiên.

Nhưng rồi tốp thứ hai cũng bắn xong.

Pháo muốn gầm tiếp, giờ lại phải nhờ những bàn tay gân guốc nhễ nhại mồ hôi làm việc không ngơi.

Mộc Thạnh thì chỉ đợi lúc này phát lệnh, để quân lính trèo khỏe gấp hai, gấp ba bình thường. Thuyền chiến của quân Minh sống sót qua dàn hỏa pháo đầu tiên, băng băng tiến về phía bờ bắc của núi Thúy. Đặng Tất thấy vậy, một mặt thì cho quân chỉnh lại họng pháo, mặt khác lại ra hiệu cho cung thủ.

Thuyền địch đã vào tầm bắn.

Nỏ cứng đã kéo căng, lúc này nhất tề phát xạ. 

Pâng! Pâng!

Trong một khoảnh khắc ngắn, bầu trời trên sông Đáy bị bao phủ bởi một đám mây đen đặc. Tên tre, tên sắt thi nhau dội lên đoàn thuyền chiến. Trong đó không thiếu những cây mâu sắt dài cả mấy xích được bắn bằng nỏ công thành.

Mộc Thạnh cũng đã liệu trước. Một mặt thì lão ta cho quân giơ khiên lên đỡ tên, mặt khác thì gọi cung thủ kéo lên bắn trả. Những mũi tên tẩm dầu, cháy rừng rực thi nhau thắp sáng khoảng không trước mắt quân lính Hậu Trần.

“ Cứu hỏa! ”

Quân Trần, vừa thấy lửa từ mũi tên lẹm vào đám cỏ, là lấy nào đất nào cát lấp kín dập tắt ngay, không để lửa lan rộng hơn. Có thể thấy, chỉ thị của Đặng Tất được truyền lưu và chấp hành trong tam quân một cách nhanh chóng và trơn tru đến như thế nào. Đừng nói là chỉ dùng cờ hiệu bình thường, cho dù có lấy bộ đàm hiện đại ra, cũng chưa chắc hoàn thành nổi.

Bấy giờ, Lê Hổ được phân cho một đám lính vừa già vừa yếu, một mình thủ một góc hẻo lánh phía đông.

Thì ra ở phía Đông núi Dục Thúy cũng có một nhánh cửa sông, cách chiến trường chính một quãng cỡ mười dặm đường.

Trần Ngỗi thì một mực cho rằng, Mộc Thạnh sẽ không kéo quân đánh úp từ mặt đông qua. Đặng Tất cũng thấy chuyện đó hơi vô lí, nhưng xuất phát từ việc cẩn trọng, thế nên phái Đinh Lễ - Lê Hổ dẫn theo một cánh quân đến đó canh chừng. Cả hai đều không ngờ, tướng lãnh dưới trướng vì ganh ghét chức Kim Ngô tướng quân của Hổ, nên xếp cho cậu toàn lính già yếu, đa phần là người của ngôi làng hẻo lánh nọ.

Chúng nghĩ, quân Minh chắc chắn sẽ không đánh mặt đông đâu.

Đinh Lễ gặp chuyện này thì bực mình ghê gớm lắm. Cậu chàng nằm khểnh trên lưng con Đại Thắng, chân vắt chữ ngũ, mồm ngậm nhánh cỏ, trong họng hãy còn ngâm nga một giai điệu không tên.

Về phần Lê Hổ, cậu chàng tranh thủ cơ hội này ngồi quan sát hết thảy chiến cuộc, xem thử có đúng với những gì binh pháp vẫn chép hay không.

[ Ồ, lạ thật. ]

Lê Hổ phát hiện, quân Hậu Trần mặc dù ô hợp hơn, nhưng vận hành sách lược, thực thi mệnh lệnh được giao lại trơn tru hơn hẳn. Chẳng phải vô lí ư?

Thực ra... hoàn toàn khả thi.

Đặng Tất chia quân thành từng nhóm nhỏ, cứ một binh lính tinh nhuệ cũ của ông ở Hóa Châu sẽ cầm đầu chín người thuộc các cánh nghĩa quân. Mỗi khi ông phất cờ lệnh ra hiệu, thì những người này có nhiệm vụ nhìn và thực hiện mệnh lệnh được giao. Chín người còn lại chỉ việc nhìn theo và bắt chước.

Thành thử mới có cái chuyện ngược đời kia.