Phái Sài-sơn do Phù-đổng thiên vương cùng các anh hùng đánh giặc Ân bằng kị binh. Cho nên tất cả các đệ tử đều cỡi ngựa. Hồng-Sơn đại phu cỡi ngựa dẫn đầu. Cạnh ông, một đạo sĩ, chính thị Dương Ẩn. Phía sau, Lâm Huệ-Phương trong bộ quần áo lụa mầu hồng rồi tới chín đại đệ tử.

Thiệu-Thái tự hỏi:

- Không biết Vũ Thiếu-Nhung đâu, mà không thấy bà xuất hiện?

Chợt chàng để ý thấy cạnh Thiếu-Mai, Lê Văn có một thiếu phụ cỡi ngựa, trông lưng rất quen, nhìn kỹ lại chính là Thiếu-Nhung đã hoá trang. Chàng tỉnh ngộ:

- Phải rồi, Thiếu-Nhung ẩn thân, để rồi xuất hiện, lột mặt nạ tên Lê-Ba, đội lốt Dương Ẩn. Tình người thực khó mà nói trước được. Có ai ngờ tên Dương-Ẩn, sư thúc của Hồng-Sơn đại phu,đạo cao, đức trọng bậc nhất Đại-Việt lại theo Hồng-thiết giáo, một bọn dơ bẩn ác độc nhất. Có ai ngờ y đi cạnh Hồng-Sơn truyện trò thân mật thế kia, mà lát nữa đây sẽ ra mặt hại ông. Có ai ngờ Hồng-Sơn bình thản thế kia, sau đó lột mặt nạ Dương-Ẩn?

- Phủ chưởng môn cùng phái Vạn-tượng đến.

Một bầy voi hơn ba chục con xếp hàng đôi đi đầu. Phía sau hơn ba trăm người rầm rập theo vào. Thiệu-Thái nhớ hôm ở Hồng-hương cốc, Triệu Thành đọc sắc phong cho Phủ-Vạn là Thái-tử, thái bảo. Phó đô nguyên soái. Nam phương trung thành, tĩnh lự công thần. Lão-qua quận vương. Thực ấp vạn hộ. Thực phong ngũ thiên hộ. Vợ tên Nang-Chay được phong An-tĩnh quận chúa. Hôm đó Triệu Thành bầy mưu cho Đàm Toái-Trạng đem quân tới biên giới, để hoàng thái hậu Lão-qua trao binh quyền cho Phủ-Vạn, rồi y lật cháu, lên làm vua. Thành còn truyền Nguyên-Hạnh viện cho y mấy cao thủ.

- Rát-ta-na chưởng môn cùng phái Tha-Nôm tới.

Bảo-Hòa hỏi Nhất-Bách:

- Tha-nôm ở đâu, sao nghe lạ tai quá vậy?

Nhất-Bách chưa kịp trả lời, tiếng xướng ngôn viên tiếp:

- Thưa quý vị! Vương quốc Xiêm-la nằm ở phía Tây sông Cửu-long. Nguyên về thời Lĩnh-nam. Lúc vua Trưng tuẫn quốc, đạo quân của công chúa Nguyệt-Đức Phùng Vĩnh-Hoa phía sau bị Mã Viện chặn đường về. Phía trước bị Vương Bá tiến đánh. Công chúa đành dẫn quân vượt núi tiến về phía Tây, qua nước Lão-qua. Vương Bá đem quân đuổi tới cùng. Công chúa dẫn quân lội sông Cửu-long sang bờ Tây ẩn thân. Đạo quân công chúa Nguyệt-Đức có hơn năm nghìn người. Một nửa nam, một nửa nữ. Họ đều thuộc sắc dân người Thái. Cho đến nay, người Thái chiếm đến tám phần mười nước Xiêm. Những hậu duệ của nhóm người Thái lập ra phái Tha-Nôm. Nghĩ mình thuộc giòng Bách-Việt, con cháu di thần Lĩnh-nam. Cho nên hôm nay anh em phái Tha-Nôm cũng về dự lễ Bắc-bình vương cùng vương phi.

Đỗ-xích Nhất-Bách thắc mắc:

- Tại sao phái Phật-thệ, Vạn-tượng thuộc Chiêm, Lào, phái Tha-Nôm thuộc Xiêm mà cũng có nguồn gốc từ Bách-Việt nhỉ?

Bảo-Hòa quên mất mình mang lốt Trần Quỳnh-Hoa, chứ không phải quận chúa. Nàng mang đại nghĩa dân tộc ra nói:

- Nhất huynh quên mất rồi sao? Từ thời vua Hùng dựng nước, đất nước ta gồm trăm giống Việt. Vùng Chiêm-thành, Lão-qua, Chân-lạp, Xiêm đều thuộc về Việt-thường cả. Hơn nữa, vua Chiêm, Lào, cùng nhận sắc phong của Thuận-thiên hoàng đế, họ vẫn không quên nguồn gốc. Cho nên phái Mê-linh đứng tổ chức đại hội, mới đạt giấy mời họ đến dự.

- Bang trưởng Hùng Cơ cùng bang Đông-Hải đến.

Bảo-Hòa ở trên cao nguyên, chưa tới vùng biển bao giờ, vì vậy nghe đến danh hiệu bang Đông-hải, nàng ngơ ngác, đưa mắt nhìn Nhất-Bách. Nhất-Bách đáp:

- Bang Đông-hải được thành lập vào thời Thập-nhị sứ quân. Bang trưởng thuộc giòng dõi vua Hùng. Bang này hành hiệp dọc bờ biển, cùng trên các đảo vùng Đông-hải. Họ không thuộc chính, cũng chẳng thuộc tà.

- Trần chưởng môn, cùng phái Đông-a tới.

Phái Đông-a, người nhiều, thế mạnh, lại có năm đại cao thủ thành Thiên-trường ngũ kiệt, danh vang thiên hạ. Chưởng môn Trần Tự-An là người bác học đa năng, kết giao rất rộng với võ lâm, vì vậy khắp Hoa-Việt, ai cũng biết danh.

Tự-An đi cùng bốn huynh đệ. Phía sau hơn ba trăm đệ tử đời thứ nhì, và hơn năm nghìn đệ tử đời thứ ba. Khí thế bốc lên chín tầng mây. Bảo-Hòa thấy cạnh Tự-An có một giai nhân tuyệt sắc, áo lụa xanh, đai hồng, phơi phới như tiên nga. Chính là Đào Hà-Thanh. Không thấy Cao Huyền-Nga, Thanh-Mai, Tự-Mai. Nàng hỏi anh:

- Sao không thấy chị Thanh-Mai với Tạ-Mai đâu nhỉ?

Thiệu-Thái dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai em:

- Kìa, em nhìn kìa. Bà Cao Huyền-Nga với Thanh-Mai, Tự-Mai lẫn vào đám đệ tử Thiên-trường. Cả Tôn Đản, Hà Thiện-Lãm, Lê Thuận-Tông, Trần Anh, Thanh-Nguyên, bé Ngô Thường-Kiệt nữa kìa. Coi bộ Thuận-thiên cửu hùng chỉ thiếu cậu hai, Tạ Sơn, Mỹ-Linh nữa mà thôi. Không biết Mỹ-Linh hiện ở đâu?

Khán đài phái Đông-a với phái Mê-linh cạnh nhau. Vừa ngồi xuống, Thanh-Mai chợt thấy một thiếu nữ trông dáng rất quen ngồi cạnh. Thiếu nữ nhìn nàng mỉm cười, gật đầu chào. Thanh-Mai cũng chào lại:

- Không biết sư tỷ đây xưng hô thế nào?

Thiếu nữ nói sẽ vào tai nàng:

- Thím hai quên người ta rồi à?

Thì ra Mỹ-Linh. Thanh-Mai suýt bật thành tiếng kêu. Mỹ-Linh đã hoá trang thành một thiếu nữ, đệ tử phái Mê-linh. Thanh-Mai ghé tai Tự-Mai, báo cho em biết. Tự-Mai báo cho Tôn Đản. Phút chốc cả bọn đều nhận nhau. Ngô Thường-Kiệt cực kỳ tôn kính Bảo-Hoà. Nó hỏi Mỹ-Linh:

- Cô ơi! Cô Bảo-Hoà của con đâu?

Mỹ-Linh kéo nó ngồi vào lòng, nói sẽ:

- Con muốn tìm cô Bảo-Hòa à? Dễ lắm. Con còn bé, không ai chấp, con cứ chạy hết các khán đài, đánh hơi. Hễ thấy mùi trầm hương đâu thì cô Bảo-Hoà ở đấy.

Thường-Kiệt dạ một tiếng, nó chạy đi.

Thiên-trường ngũ kiệt gặp Hồng-Sơn đại phu, tụ lại một chỗ nói truyện. Trần Kiệt hỏi Dương Ẩn (Lê Ba):

- Dương đạo sư, không nhờ uy linh của Bắc-bình vương, đời nào đạo sư lại xuất quan ra đây.

Dương Ẩn khiêm tốn:

- Suốt hai mươi năm nay, bần đạo bế quan, luyện công. Nhân hôm nay, một phải tế anh hùng năm xưa, hai do vận mệnh Đại-Việt, bần đạo phải xuất quan cũng là bất đắc dĩ.

Nói xong, y ngồi yên nhìn mây trắng trôi trên nền trời xanh. Trông bề ngoài, quả thực y có phong quang đạo nhân vũ ngoại trần ai, không thiết việc đời. Có ai ngờ, y lại là tên ma đầu bậc nhất Hồng-thiết giáo.

Phái Tây-vu với phái Tản-viên xưa nay có tình giao hảo. Đặng Đại-Khê cùng Thân Thừa-Quý gặp nhau, truyện trò như pháo rang. Đại-Khê hỏi:

- Này Thân phò mã. Con bé thơm như trầm đâu? Dễ thường ba năm không gặp lại nó. Bây giờ lớn lắm rồi thì phải. Không biết phò mã đã định đâu chưa?

Thừa-Quý lắc đầu:

- Khó quá. Hơn năm nay, nó theo cậu hai nhà này làm việc nước. Có gặp nó đâu mà định nơi nào! Mười tám rồi chứ có ít đâu. Hôm trước nó về thăm nhà, cứ luôn miệng nhắc đến đại ca hoài.

Thừa-Quý không muốn lộ việc Bảo-Hoà học được đủ ba mươi sáu chưởng Phục-ngưu ra trước đám đông. Ông nói xa xôi:

- Đặng huynh! Bảo-Hòa nhắn với đệ rằng nó đã làm tròn những gì huynh giao phó.

Đặng Đại-Khê ngơ ngác. Ông không nhớ rằng mình đã ủy cho Bảo-Hoà việc gì? Thân Thừa-Quý hỏi nhỏ:

- Đặng huynh có được tin tức gì về Đỗ Xích-Thập không?

Nghe nhắc đến tên vị sư thúc hữu tài vô hạnh, Đại-Khê thở dài:

- Hoàn toàn không! Tuy nhiên đệ lo lắng ông ta sẽ xuất hiện trong đại hội này, phá rối không chừng.

Đặng Đại-Khê định hỏi Thừa-Quý một vài câu, thì tiếng loa xướng lên:

- Quốc-sư Minh-Không cùng phái Tiêu-sơn đến.

Phái Tiêu-sơn từ hơn trăm năm nay,được tôn đanh hiệu Thái-sơn Bắc-đẩu võ lâm Đại-Việt. Nhiều cao tăng đắc đạo thành Bồ-tát như Vô-Ngại, La Quý-An, Bố Đại, Sùng-Phạm, Vạn-Hạnh, Minh-Không, Huệ-Sinh... thêm vào đó vua Lê Đại-Hành cho đến Thuận-Thiên hoàng đế đều phát xuất từ phái này. Uy danh phái cực kỳ lớn. Dù Hoa, dù Việt, nghe đến tên Tiêu-sơn đều kính phục về đạo đức, về võ công. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, chính chưởng môn bấy giờ là Vạn-hạnh thiền sư, hô hào anh hùng thiên hạ bỏ tỵ hiềm, khoan thứ cho Lê Hoàn việc cướp ngôi nhà Đinh, để cùng nhau giữ nước. Quân Tống bị đánh tan. Vạn-Hạnh thiền sư được tôn làm quốc sư.

Cho đến khi vua Lê Ngoạ-triều băng hà, triều đình tôn quan tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công-Uẩn lên ngôi vua. Một số các quan bất phục, truyền hịch tới thân vương họ Lê trấn ở ngoài cùng kéo quân về diệt Lý. Đứng trước nguy cơ nội chiến, quân Tống thừa dịp kéo vào. Một lần nữa Vạn-Hạnh thiền sư kêu gọi ngưng chiến, đợi khi nào tìm được con cháu nhà Lê xứng đáng, sẽ lập lên kế vị. Tạm thời cho Lý Công-Uẩn trị vì.

Võ lâm Đại-Việt nhờ đó không bị chia sẻ, chém giết nhau. Cho đến bây giờ, mới xuất hiện Hồng-Sơn đại phu nguyên là Nam-Quốc vương Lê Long-Mang, đòi lại ngôi vua.

Đi đầu là Minh-Không thiền sư, cạnh ngài còn có các sư đệ Huệ-Sinh, Nguyên-Hạnh, Sùng-Văn, Sùng-Anh, Sùng-Đức, Sùng-Tín, Sùng-Không, Sùng-Kiến, với hơn năm ngàn đệ tử.

Tất cả các chưởng môn nhân đều đến chào Minh-Không quốc sư. Ngài hỏi:

- Bần tăng nghe Nhật-Hồ lão nhân trở lại dương gian, sao chưa thấy Hồng-thiết giáo đến?

Sư thái Tịnh-Tuệ, nhân danh ban tổ chức, đáp:

- Bần ni có đạt thư mời tới người chấp chưởng Hồng-thiết giáo, nhưng không được hồi âm. Còn giáo chủ Nhật-Hồ lão nhân chỉ mới tái xuất hiện có mấy ngày mà thôi. Tới giờ hành lễ rồi, chúng ta không thể chờ được nữa.

Tiếng loa xướng:

- Đoàn chưởng môn, cùng huynh đệ phái Thiên-tượng đến.

Đoàn Huy cỡi ngựa đi đầu. Hai bên có hai lá cờ cực lớn trên thêu hình con voi. Sau Đoàn Huy có Phạm Văn, Hàn Ngọc-Quế, Tôn Dung, Chu Linh và hơn ba ngàn người đi vào.

Xướng ngôn viên tiếp:

- Thưa các vị anh hùng. Phái Thiên-tượng được thành lập cách đây hơn năm trăm năm. Gồm các anh hùng phái Thiên-sơn và Tượng-quận thời Lĩnh-nam. Nguyên thời Lĩnh-nam, bẩy vị anh hùng phái Thiên-sơn Trung-quốc, nhân thời thế nhiễu nhương, cùng nhau phất cờ, mưu cứu dân. Họ đã chiếm được vùng Kinh-châu, Ích-châu, Hán-trung, Đông-xuyên, Tây-xuyên. Khi vua Trưng khởi nghiã, có kết giao với anh hùng Thiên-sơn, chia ba thiên hạ. Sau khi Thục mất, anh hùng Thiên-sơn chạy sang Tượng-quận ẩn cư. Đến khi Lĩnh-nam mất, anh hùng Tượng-quận cùng Thiên-sơn nhiều lần khởi nghĩa đều thất bại. Sau hai phái hợp với nhau, thành phái Lâm-Ấp, khởi binh chiếm lại được vùng Tây Quảng-tây, Nam Ích-châu, lập ra nước Đại-lý. Tuy tên Đại-lý, nhưng thực sự vốn giòng giống Việt, hậu duệ vua Trưng. Cho nên hôm nay anh hùng Thiên-tượng cũng đến đây đự lễ tế Bắc-bình vương.

Mỹ-Linh nói sẽ vào tai Thanh-Mai:

- Thím hai này! Ông Đoàn Huy kia nợ thím hai món nợ quá lớn. Tuy vậy, sau này bàn truyện thống nhất Đại-lý, Đại-việt, khó lòng mà y tuân theo mệnh lệnh thím hai.

Thanh-Mai khẽ đấm vào lưng Mỹ-Linh:

- Nếu y chỉ vì mạng sống, bỏ khí tiết, bỏ đại chí, bỏ môn hộ, bỏ triều đình, dù y có theo mình, mình cũng không đáng vui. Mình chỉ mong y nhất tâm, nhất trí thống nhất hai nước cũng may rồi.

Tiếng loa xướng lên:

- Tiền chưởng môn cùng huynh đệ phái Động-đình đến.

Một thanh niên công tử, tuổi khoảng hai mươi cỡi con bạch mã đi trước, tiếp theo năm đội đệ tử tiến vào. Mỗi đội mặc một mầu quần áo xanh, đỏ, trắng, vàng, đen. Mỗi đội ước năm trăm người.

Tiếng xướng ngôn tiếp:

- Thưa quý vị. Phái Động-đình gốc do con cháu anh hùng phái Quế-lâm, Khúc-giang thời Lĩnh-nam hợp lại. Nguyên sau khi vua Trưng tuẫn quốc. Anh hùng phái Khúc-giang, Quế-lâm tiếp tục kháng chiến, khởi nghĩa. Mãi sáu trăm năm trước đây, anh hùng hai phái kết hợp thành phái Động-đình, rồi khởi binh, lập ra nước Mân-Việt. Nước Mân-Việt bao gồm vùng Nam-Hải, và phân nửa Quế-lâm. Niên hiệu Thái-bình thứ chín đời vua Đinh nhằm niên hiệu thứ ba Thái-bình Hưng-quốc bên Trung-quốc. Nước Mân-Việt bị Tống thôn tính (978). Vị chưởng môn hiện thời của phái Động-đình là thái tử Tiền-Minh.

Phái Động-đình vào khán đài rồi. Xướng ngôn viên tiếp:

- Kim chưởng môn cùng đệ tử phái Cửu-long tới.

Một trung niên nam tử, da bánh mật, cực kỳ hùng vĩ, cỡi trên lưng con trâu xanh lớn đi cạnh lá cờ. Trên lá cờ thêu hình chín con rồng trong tư thế đang bay. Phía sau, đoàn đệ tử hơn nghìn người hàng lối ngay thẳng đi vào.

Xướng ngôn viên tiếp:

- Kính thưa quý vị võ lâm. Nước Chân-lạp vốn thuộc giòng Việt thường thời vua Hùng. Trải qua đời vua An-dương tách ra lập thành một nước cho đến ngày nay. Nước Chân-lạp Bắc giáp Chiêm-thành, Lão-qua. Đông và Nam giáp biển. Tây giáp nước Xiêm-la. Chân-lạp là nước bờ xôi, giếng mật. Dân cư thưa thớt, thường bị Xiêm-la xâm lấn. Nhưng gốc vốn giòng Việt-thường, can đảm, giầu nghị lực, nên có tinh thần quật cường. Vì vậy cho đến nay, Chân-lạp vẫn hùng mạnh. Võ công Chân-lạp thiên về dương cương.

Thanh-Mai hỏi Mỹ-Linh:

- Này Mỹ-Linh. Phái Cửu-long đến dự đại hội do phái Mê-linh mời hay tự nhiên vậy?

Mỹ-Linh nói sẽ:

- Do bộ Lĩnh-Nam vũ kinh mời đấy. Trước đây mấy năm, ngày giỗ vua Bà, Đại-Việt gửi thư mời, họ cũng không tới. Bây giờ nghe bọn Tống tìm thấy di thư. Họ vội đến dự. Phen này bọn Triệu Thành khó mà về nước được an toàn.

- Như vậy các phái Thiên-tượng, Trường-sa đến đây cũng vì bộ võ kinh cả sao?

- Không hẳn thế. Vì các năm trước họ đều về dự. Có điều năm nay, họ về đông đủ hơn, với mục đích đoạt di thư. Không biết chú hai tính sao? Thím biết không?

- Biết chứ. Chú hai cấm tất cả chúng mình, cả Bảo-Hoà, Thiệu-Thái không được dùng võ với bọn Tống, Nhật-Hồ. Theo chú hai, bọn Nhật-Hồ kênh kiệu gì, mình cũng im lặng, nhường nhịn. Bọn Nhật-Hồ dù sao cũng mang cái danh yêu nước. Khi bọn Tống xuất hiện, thế nào cũng hống hách. Bọn Nhật-Hồ đâu có chịu nhịn. Hai bên đụng nhau. Nếu bọn Tống thắng, triều đình không trách nhiệm gì. Còn bọn Nhật-Hồ thắng, triều đình chỉ gửi một thư sang cho các quan biên giới biết rằng sứ đoàn gây sự với võ lâm Đại-Việt, mà sinh truyện. Mưu này do sư thúc Trần Kiệt đưa ra.

Tự-Mai cười khúc khích:

- Trai Nhật-Hồ cắn cò Tống. Chúng ta làm ngư ông hưởng lợi. Không biết các đại tôn sư đã rõ mưu kế ấy chưa?

Thanh-Mai gật đầu:

- Biết hết. Quốc-sư Minh-Không được đại sư Huệ-Sinh trình cho biết rồi. Sư thái Tịnh-Tuệ được sư phụ cho biết từ hôm qua. Vua Bà Bắc-biên đã thông tri cho phái Tây-vu. Đạo sư Nùng-Sơn tử cũng báo trình tự sự cho chưởng môn Đặng Đại-Khê. Phái Sài-sơn chị đã trình với Hồng-sơn đại phu.

- Còn bố, ai cho bố biết?

Thanh-Mai cốc vào đầu em:

- Thằng này ngu quá. Khi chú bầy mưu đương nhiên có ý kiến bố rồi. Thế mà cũng hỏi.

Nghe chị em Thanh-Mai đối đáp, Mỹ-Linh nhẹ hẳn người đi. Từ mấy tháng nay, triều đình, cũng như chú hai đều lo âu về việc Hồng-Sơn đại phu xuất hiện, võ lâm chia rẽ, sẽ đưa đến chỗ tàn sát nhau. Bây giờ trước nạn Nhật-Hồ xuất hiện cùng với bọn Tống, khiến các môn phái lại gần nhau hơn. Nàng nói nhỏ:

- Như thế trong buổi lễ hôm nay, các môn phái sẽ có thái độ hết sức mềm dẻo với bọn Nhật-Hồ. Để đẩy chúng vào vòng tranh chấp với bọn Tống.

Thanh-Mai mỉm cười:

- Đúng thế.

Đến đó, chị em phải ngừng lại, vì tiếng xướng ngôn:

- Kính thưa các vị cao nhân tiền bối. Chín trăm tám mươi tư năm trước, cũng ngày này, Bắc-bình vương cùng vương phi tử chiến ngoài thành Long-biên. Khi sức cùng, lực kiệt, vương bị thương nặng, về đến đây mới tuẫn quốc. Hôm nay, võ lâm anh hùng tụ hội để tưởng nhớ công ơn của ngài.Theo truyền thống, các đại tôn sư võ phái sẽ lên đài, cùng tuyên thệ, dâng hương trước bàn thờ anh hùng Lĩnh-Nam. Năm nay, phái Mê-linh được chỉ định tổ chức ngày giỗ này. Kính mời đại tôn sư phái Mê-linh lên đài, ngồi vào ghế chủ vị.

Sư thái Tịnh-Tuệ tuổi hơn năm mươi, nhưng dáng người cực kỳ tinh anh nhẹ nhàng. Bà đeo cây kiếm di vật xưa kia của vua Trưng, khoan thai lên đài.

Bà vừa lên được đến bậc thứ ba, thì vèo một cái. Bóng vàng thấp thoáng, đã có một người đáp xuống ghế chủ vị. Mọi người kinh ngạc nhìn lên, đó là một ni cô, da dăn deo, dường như tuổi đã già.

Sư thái Tịnh-Tuệ khựng lại, nhìn lên. Bất giác bà mỉm cười chắp tay:

- A-di Đà-phật. Thì ra sư thúc. Lâu nay sư thúc qui ẩn nơi nào? Không biết tâm có thường an lạc không?

Thiệu-Thái nhận ra mụ ni cô đó là Hoàng Liên, một trong các trưởng lão Hồng-thiết giáo. Trong buổi họp ở nhà Hoàng Văn, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh đã biết mặt mụ.

Nghe Tịnh-Tuệ nói, tất cả quảng trường cùng ngước mắt nhìn lên. Đa số không ai biết cái tên Hoàng Liên của mụ. Có người nhận ra mụ trước đây có pháp danh Duyên-Định. Một số người lớn tuổi chau mày tự hỏi:

- Phải chăng mụ này có tên Duyên-Định nổi danh tàn ác kinh khiếp ba mươi năm về trước không? Hơn ba mươi năm trước, Duyên-Định nổi danh một tay kiếm khách bậc nhất Đại-Việt. Sư phụ của mụ đã nghĩ đến truyền chức chưởng môn cho mụ. Sau khám phá ra vụ mụ gian dâm với chính học trò mình đến có thai. Mụ giết tên học trò đó, rồi phá thai, mong che dấu vết tích. Truyện vỡ lở. Mụ bị đuổi ra khỏi môn phái.

Xấu hổ, nhục nhã mụ tức giận mụ bỏ đi. Việc mụ nhập Hồng-thiết giáo, được Nhật-Hồ lão nhân cho làm trưởng lão, chưa ai biết. Mụ cải tên thành Hoàng Liên, mang danh hiệu trưởng lão Hồng-thiết, hằng đêm mụ đi bắt bọn con trai tuổi mười chín hai mươi về hành lạc. Tên nào sợ quá không hành lạc được, mụ giết chết, lấy máu uống. Mụ còn cắt quả cật, nấu với thuốc, ăn vào với hy vọng trẻ mãi. Tên nào hành lạc được với mụ. Mụ giữ lại, cho đến khi yếu quá, mụ lại giết, lấy cật nấu thuốc. Mụ qua lại giang hồ, gây ra không biết bao nhiêu vụ án kinh thiên động địa. Bấy giờ các đại tôn sư họp nhau, bàn cách trừ mụ. Từ đấy mụ biệt tích. Không ngờ bây giờ mụ lại xuất hiện.

Rất ít người biết Duyên-Định với Hoàng Liên là một.

Mụ cười the thé:

- Tịnh-Tuệ! Người hãy xuống đài ngay. Ở đây ta mới xứng đáng ngôi tôn sư bản phái. Ta mới xứng đáng ngồi vào chỗ này.

Sư thái Tịnh-Tuệ khoan thai đáp:

- Sư thúc. Trước đây sư thúc phạm môn qui, đã bị trục xuất khỏi môn phái rồi. Sư thúc không thể đại diện bản phái nữa. Xin sư thúc rời khỏi chỗ này cho.

Hoàng Liên cười nhạt, hỏi lớn:

- Lão ni nhận được thư mời của người gửi. Trong thư người đính kèm chương trình. Chương trình ghi rõ: Giờ Mão, các đại tôn sư môn phái, cùng bang hội lên hành lễ. Đại tôn sư là gì? Tức người có vai vế cao nhất trong phái. Đại tôn sư đâu phải chưởng môn nhân?

Dưới đài Mỹ-Linh nói với Tự-Mai:

- Mụ Hoàng Liên làm trưởng lão Hồng-thiết giáo. Mụ tưởng không ai biết. Nhưng thực ra sư thái Tịnh-Tuệ đã được thái cô báo cho biết. Chắc chắn người sẽ nhịn mụ, hầu cho Hồng-thiết giáo đắc chí, choảng mau với bọn Tống.

Đến đó, có tiếng trống rập rình, tiếng chiêng rung động trời đất, không còn ai nghe thấy gì nữa. Rồi hàng ngàn tiếng hô nhịp nhàng:

Giáo chủ Hồng-thiết,

Danh trấn giang hồ,

Uy trùm hoàn vũ,

Đức sánh kim ô.

Nào Phật, nào thánh,

Nào tiên, nào trời,

Nào vua, nào chúa,

Đều phải vâng lời.

Phía trước đội mười hai người lực lưỡng. Họ đi làm ba hàng. Hàng đầu một người cầm cây đại kỳ mầu đỏ, trên thêu hình con trâu xanh. Đó là kỳ hiệu của Hồng-thiết giáo. Hàng nhì, một tráng sĩ mang kỳ hiệu của Nhật-Hồ lão nhân. Phía sau hai hàng, mỗi hàng năm người, mang mười kỳ hiệu của mười trưởng lão trong hội đồng giáo vụ trung ương, cai quản giáo vụ mười khu.

Cách một khoảng ba trượng, tới đội chiêng trống gồm hai mươi hàng. Mỗi hàng năm trống, năm chiêng. Chiêng trống thúc nhịp nhàng.

Nhật-Hồ lão nhân ngồi trên cái kiệu do hai mươi bốn giáo chúng khiêng. Trên kiệu, để cái tháp hình tám cạnh cao hơn năm trượng. Đỉnh tháp, đặt cái ngai vàng. Hai bên ngai, có cặp rồng chầu. Lão ngồi trên cái ngai đó. Dưới kiệu, ba người cỡi ngựa đi theo, chính thị Nguyễn Chí, Phạm Trạch, Lê Đức.

Đoàn thứ ba gồm hai mươi lăm hàng. Mỗi hàng bốn cái xe. Mỗi xe do hai giáo chúng đẩy. Không biết trong xe chứa những gì. Người ngoài chỉ thấy phía trước xe chìa ra một ống đồng dài. Dưới ánh nắng ban mai chiếu vào các ống đồng sáng rực, làm mọi người chóa mắt.

Đoàn thứ tư, một trăm kị mã, giáp sắt. Đội kị mã võ trang rất hùng hậu. Giáp sắt che kín người. Đầu đội mũ đồng. Đỉnh mũ có hình con rắn ngóc đầu, thè lưỡi. Mỗi giáp sĩ đeo bên hông một cây đoản kiếm, dọc hông ngựa một cây trường thương. Bên trái, có túi đựng trăm mũi tên, một cây cung, dây bằng gân trâu. Bên phải, một túi đựng mười cái lao. Ngay vai ngựa, còn treo một túi đựng thực phẩm, một bình nước.

Võ lâm nhìn đội giáp sĩ, kinh hãi:

- Đội giáp sĩ này, thực không thua đội giáp sĩ của hoàng đế.

Tiếp theo, mười đoàn giáo chúng của mười giáo khu. Thiệu-Thái, Bảo-Hoà đi trong đội giáo khu Bắc-biên. Trên khán đài, Thanh-Mai đã nhận ra Bảo-Hoà với Thiệu-Thái:

- Kìa, Bảo-Hòa với Thiệu-Thái đi trong đám giáo chúng của Hồng-thiết giáo kìa.

Người ta tự hỏi:

- Nghe đồn Nhật-Hồ lão nhân có mười đệ tử. Không biết họ là ai, ở đâu? Mà chỉ có ba người theo sau? Không biết ba người đó tên gì?

Có tiếng loa xướng:

- Võ lâm Đại-việt, mau quỳ gối bái kiến giáo chủ.

Thấy Hồng-thiết giáo làm trò hề, quảng trường cùng cười ồ lên, với hàng vạn tiếng chửi rủa thô lỗ tục tằn. Dĩ nhiên không ai quỳ gối đón cả.

Hồng-thiết giáo, do Nhật-Hồ lão nhân lưu lạc sang Tây-vực mang về. Nguyên Nhật-Hồ lão nhân, xuất thân trong một gia đình quyền quý dưới triều Ngô. Ông sinh năm Đinh-Hợi nhằm niên hiệu Dương Diên-Nghệ tứ ba (927). Bên Trung-quốc thuộc niên hiệu Thiên-Thành thứ nhì đời vua Đường Minh-tông. Năm mười lăm tuổi, bỏ nhà sang Trung-nguyên, rồi lưu lạc đến vùng Tây-vực, được giáo chủ Hồng-thiết giáo đời thứ nhì Xích Trà-Luyện thu làm đệ tử. Năm hai mươi tuổi gặp Lưu Trí-Viễn cùng nhau lập ra bang Nhật-Hồ ở bộ lạc Sa-đà. Viễn xưng Đông-Nhật lão nhân. Vì giáo chúng toàn người Hoa, nên họ theo Đông-Nhật lão nhân hết. Nhật-Hồ truyền ngôi bang chủ cho Đông-Nhật, rồi trở về đất Việt, truyền giáo. Đông-Nhật lão nhân cùng đệ tử lập ra nhà Hán. (Hán thời Ngũ-quý xin đừng lầm với nhà Hán do Lưu Bang lập ra trước Tây-lịch hơn một thế kỷ).

Tại Đại-việt, năm Giáp-thân (944). Sau khi vua Ngô băng hà, giao cho em vợ là Dương Tam-Kha làm phụ chính, giúp thái tử Ngô Xương-Ngập. Dương Tam-Kha cướp ngôi vua của cháu, giáng Xương-Ngập xuống làm Bình-vương. Ngô Xương-Ngập chạy trốn. Năm sau, Dương Tam-Kha sai em Ngô Xương-Ngập là Ngô Xương-Văn đem quân đánh giặc. Xương-Văn quay trở về bắt Dương Tam-Kha, truất phế làm Trương-Dương công, rồi lên làm vua, xưng Nam-Tấn vương. Năm Tân-hợi (951), Nam-Tấn vương cho người đón anh về cùng trông coi việc nước. Ngô Xương-Ngập xưng Thiên-Sách vương.

Nhật-Hồ lão nhân về đến Đại-việt, đúng lúc này. Bấy giờ ông đã hai mươi bốn tuổi. Ông nhận thấy dân chúng quá đói khổ, trong khi vua, quan, nhà giầu lại xa xỉ. Ông đem Hồng-thiết giáo truyền bá. Hồng-thiết giáo chủ trương mọi người đều bình đẳng. Của cải trên thế gian là của chung. Bỏ trời, chối Phật, bỏ cả thờ thần, thánh, anh hùng dân tộc, chỉ thờ hai vị sáng tổ giáo Mã Mặc và Lệ Anh.

Giữa lúc thời thể nhiễu nhương, luân thường, kỷ cương tan vỡ, dân chúng hùa theo Hồng-thiết giáo. Tất cả những người nhập giáo, đều phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với giáo chủ. Nhật-Hồ tổ chức Hồng-thiết Đại-Việt giống hệt Hồng-thiết Tây-vực. Trên hết có giáo chủ, uy quyền tuyệt đối. Dưới giáo chủ hội đồng giáo vụ trung ương, có mười trưởng lão. Mười trưởng lão đều do Nhật-Hồ đào tạo. Trong nước chia làm mười vùng, mỗi trưởng lão phụ trách một vùng. Mỗi quận, huyện, đều có chức giáo vụ trưởng, với hội đồng gồm nhiều hội viên. Các hội viên này làm giáo vụ trưởng xã. Trong xã có mười xã-giáo. Còn giáo chúng, chia thành từng đơn vị hai mươi người một thành một giáo đội.

Khi anh hùng khắp nơi nổi lên, ly khai với chính quyền nhà vua. Có tất cả mười hai sứ quân. Mỗi người hùng cứ một phương. Đệ tử Hồng-thiết giáo chiếm bốn trong mười hai sứ quân. Đó là Kiều Công-Hãn, Kiều Thuận, Nguyễn Khoan, Ngô Nhật-Khánh. Lúc đầu bốn sứ quân này cực mạnh. Nếu hợp nhau lại, giang sơn đã thuộc Hồng-thiết giáo. Nhưng bốn sứ quân nghe lời Nhật-Hồ lão nhân, đốt chùa, đền, kể cả nơi thờ anh hùng dân tộc. Vì vậy dân chúng từ từ rời bỏ. Sau tất cả đều bị vua Đinh dẹp. Mười trưởng lão, cùng Nhật-Hồ ẩn thân, cải danh, tìm cách khống chế các gia, các phái cũng như vua quan, rồi thình lình nổi lên chiếm lấy giang sơn.

Vì vậy, Hồng-thiết giáo bị các đại môn phái cũng như triều đình truy lùng tận diệt. Cho đến năm 1009, vua Lý Thái-tổ lên ngôi, ban chiếu chỉ đại xá thiên hạ. Giáo chúng Hồng-thiết trong tù được phóng thích. Những giáo chúng ẩn thân dần dần xuất hiện.

Khi nhận trách nhiệm tổ chức giỗ Bắc-bình vương, sư thái Tịnh-Tuệ, coi Hồng-thiết như một võ phái, gửi thư mời. Không ngờ, trước ngày giỗ mấy hôm, Nhật-Hồ lão nhân được Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cứu ra khỏi tù. Lão tìm lại đệ tử, ân xá tội giam cầm lão, rồi lão kéo giáo chúng về hội, với ý đồ uy hiếp anh hùng, lên ngôi hoàng đế.

Nhật-Hồ lão nhân từ trên kiệu đáp xuống nhẹ nhàng trước khán đài phái Tản-viên. Lão cất tiếng hỏi:

- Đây thuộc phái nào?

Phạm Trạch khúm núm đáp:

- Tâu giáo chủ họ thuộc phái Tản-viên. Chưởng môn phái này hiện nay tên Đặng Đại-Khê.

Trái với khí thế của giáo chúng như muốn nuốt hết thiên hạ. Nhật-Hồ đưa mắt nhìn Đặng Đại-Khê, lão hỏi rất lịch sự:

- Đặng tiên sinh. Lão phu vắng mặt trên hai mươi năm. Hôm nay tái xuất giang hồ, nghe nói Đại-Việt có ngũ long. Tiên sinh là một. Hân hạnh cho lão phu.

Nói rồi chắp tay hành lễ.

Đặng Đại-Khê đứng dậy:

- Hai mươi năm trước, nghe tin giáo chúng nói giáo chủ qui tiên. Khắp giang hồ võ lâm đều tưởng như vậy. Thì ra giáo chủ quy ẩn. Người ta sinh ra, sống được bẩy mươi tuổi đã là quý lắm rồi. Thế mà giáo chủ sống đến trăm tuổi, chẳng do đại phúc ư?

Ông thấy Nguyễn Chí đứng sau lão càng kinh ngạc:

- Đại-sơn trưởng lão! Tại hạ nghe trưởng lão qui tiên đã ba mươi năm rồi. Nào ngờ trưởng lão vẫn còn tại thế.

So về tuổi tác, năm nay Đặng-đại-Khê mới trên năm mươi. Trong khi đó Nguyễn Chí tuổi đã trên bẩy mươi. Khi y nổi tiếng trên giang hồ, ông mới ra đời. Y sống đồng thời với sư phụ của Đại-Khê.

Nghe Đặng Đại-Khê nói, Nguyễn Chí thở dài:

- Lão trăm chết, mới thoát khỏi nguy nan...Cũng nhờ sư phụ truyền cho thần công.

Đến đó hai bên ngừng đối đáp, vì có nhiều tiếng la ó vang dậy. Trên khán đài, Hoàng Liên quát lên:

- Khắp anh hùng thiên hạ nghe đây. Kể từ khi Hoa-Minh thần ni kết hợp anh hùng, di thần thời vua Bà, lập ra phái Mê-linh, trải đã gần trăm năm. Thời Lĩnh-nam có các phái Cửu-chân, Long-biên, Nhật-nam, Quế-lâm, Hoa-lư, Tản-viên, Khúc-giang, Tượng-quận, Thiên-sơn. Khi vua Bà tuẫn quồc, anh hùng các nơi ly tán, âm thầm thu dụng đệ tử, lưu truyền võ học Lĩnh-nam. Dần dà, phái Tản-viên, Sài-sơn tái lập được. Sau hai phái Khúc-giang, Quế-lâm kết hợp lập ra phái Trường-sa, khởi nghĩa ở Nam-hải, lập ra nước Mân-Việt. Phái Thiên-sơn, Tượng-quận kết hợp lập ra phái Lâm-Ấp khởi binh, lập ra nước Đại-lý. Tại Đại-Việt, con cháu di thần phái Long-biên, Cửu-chân, Hoa-lư, Nhật-nam theo lời kêu gọi của Hoa-Minh thần ni lập ra phái Mê-linh, với lời ước hẹn rằng: Người nào có võ công cao nhất, sẽ được tôn làm quyền chưởng môn. Dưới chưởng môn có bốn vị chưởng quản Đông, Tây, Nam, Bắc. Đông qui tụ học thuật Long-biên. Tây qui tụ học thuật Hoa-lư. Nam qui tụ học thuật Nhật-nam. Bắc qui tụ học thuật Cửu-chân. Có đúng thế không?

Cử tọa đều hô lớn:

- Đúng thế.

Hoàng Liên tiếp:

- Tất cả anh hùng hiện diện đều quyết định lấy Long-biên kiếm pháp làm võ học trấn môn. Tất cả đều cùng thề rằng : « Khi suy cử quyền chưởng môn, lấy kiếm làm mô thức định võ công cao thấp. Ai có kiếm thuật cao nhất, đương nhiên là quyền chưởng môn. Sau này, ai tìm được kiếm phổ Long-biên kiếm pháp, người đó trở thành chưởng môn vĩnh viễn. Bấy giờ chưởng môn muốn truyền cho ai thì truyền ».

Mụ ngừng lại một lúc rồi tiếp:

- Lúc Hoa-Minh thần ni sắp viên tịch, truyền cho chín vị có võ công cao nhất cùng đấu. Sư phụ của lão ni kiếm thuật đệ nhất, được truyền chức chưởng môn. Khi còn sinh tiền, người thu dụng ba đệ tử. Đại sư tỷ Đàm-Nhẫn võ công cực cao, sau khi cùng Vạn-Hạnh thiền sư đánh đuổi quân Tống ở Chi-lăng, rồi vân du sơn thủy tuyệt tích giang hồ. Sư phu lão ni viên tịch thình lình, chưa kịp tổ chức luận kiếm, chỉ định người kế tục, thì sư tỷ Duyên-Tịnh tự kế vị, bỏ luật lệ môn hộ. Giang hồ đồn rằng Duyên-Tịnh ám hại sư phụ.

Minh-Không cùng các cao tăng phái Tiêu-sơn nghe đến đây đều chắp tay, bật lên tiếng kêu:

- A-di-đà Phật.

Thấy Hoàng Liên đặt điều bêu xấu sư phụ, nhưng sư thái Tịnh-Tuệ nổi tiếng thần ni đương thời, bà thản nhiên hỏi:

- Sư thúc ơi! Đương thời sư thúc phạm môn quy, lại phạm giới dâm, giới sát, bị thái sư phụ đuổi ra khỏi môn hộ. Sư thúc bỏ pháp danh bản phái lên Hoàng-liên-sơn lập bang Hoàng-liên. Bang Hoàng-liên chủ trương ra sao, anh hùng thiên hạ đều biết. Sư thúc gia nhập Hồng-thiết giáo cải danh thành Hoàng-Liên, được phong trưởng lão thứ mười. Hôm nay, sư thúc không thể, và không được nhân danh bất cứ cái gì liên quan đến phái Mê-linh nữa. Sư thúc vu cho sư phụ ám hại thái sư phụ, thì phải có chứng cớ chứ?

Từ mấy chục năm nay, võ lâm chỉ biết trưởng lão Hoàng Liên là một người cực kỳ ác độc, dâm đãng. Mụ đưa ra thuyết Dụng dương tư âm. Trường sinh bất lão, chuyên bắt thiếu niên hành lạc, cùng cắt hai quả cật, nấu thuốc ăn. Còn Duyên-Hoà sư thái, võ công cực cao thâm của phái Mê-linh. Bây giờ nghe Tịnh-Tuệ nói, người ta mới biết hai người là một. Quảng trường ồn lên bàn tán.

Hoàng Liên cười lớn:

- Người hỏi chứng cớ về việc Duyên-Tịnh ám hại sư phụ ư? Dĩ nhiên ta có chứng cớ.

Mụ chỉ vào sư thái Tịnh-Huyền:

- Chứng cớ đây chứ đâu. Y thị được phong công chúa Hồng-Châu, em ruột Lý Công-Uẩn, vợ Thân Thiệu-Anh.