Khuê Nguyên năm thứ ba, ta chết.

Độc phát chết bất đắc kỳ tử trước vương tọa, thi thể bị treo lơ lửng trên tường thành thị chúng.

(*Vương tọa: ngai vàng, chỗ vua ngồi)

Sở dĩ biết được những điều này là vì ta đã tận mắt chứng kiến.

Hay nói đúng hơn, hồn phách của ta đã nhìn thấy chính mình sau khi chết.

Ta chết đi, linh hồn liền rời khỏi thân xác, có lẽ do cái chết đến quá đột ngột, ba hồn bảy phách phút chốc không ý thức được sự sống đã không còn, nhất thời không tin cứ liên tiếp lao về phía thân thể, nhưng hết lần này đến lần khác đâm xuyên qua, lúc này mới biết mình đã thật sự chết.

Sau khi hiểu được điều đó, ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu ta là, thì ra hồn lìa khỏi xác sau khi chết là có thật, không đau cũng không lạnh, hoàn toàn không khủng khiếp như trong tưởng tượng.

Lúc nhỏ, có một quãng thời gian ta rất sợ chết.

Khi đó vẫn còn sống trên núi Bạch Linh, ta ôm con thỏ trắng yêu quý đã chết, khóc suốt ba ngày ba đêm.

Sư tổ cười ta, nói hoa nở có độ hoa rơi có thì, vạn vật vô thường chớp mắt là đi, sinh khởi rồi đoạn diệt, khoảnh khắc ngươi nhìn thấy vạn vật lần đầu tiên thì vạn vật đã được định kết cục. Nhân sinh như mộng, hết thảy đều về với cát bụi. Có cái gì mà khóc?

Thời điểm sư tổ nói những lời này, ta vừa lên sáu, nghe xong ta trố mắt một hồi lâu, sau đó ‘òa’ một tiếng bắt đầu gào khóc nức nở, khóc đến độ chim trên núi Bạch Linh hoảng hốt bay tán loạn, khóc đến nỗi sư phụ phải vọt vào phòng bế ta khỏi tay sư tổ.

Trong tiếng khóc váng trời đất của ta và ánh nhìn trầm lặng nhưng tràn ngập cảm giác áp lực của sư phụ, sư tổ phải bịt chặt tai lại, hai chân veo véo phóng ra ngoài chạy trốn như cơn gió, để lại ta đu trên người sư phụ, nước mắt nước mũi giàn giụa nấc nghẹn không đầu không đuôi hỏi người.

“Sẽ chết sao? Sư phụ, người và sư tổ đều sẽ chết sao?”

Phải mất một lúc thật lâu sư phụ mới hiểu được những lời ta nói, rồi phải mất một lúc thật lâu mới xoa dịu được tâm trạng của ta. Ta không còn nhớ người đã nói gì trong thời gian dài thật dài đó, mãi đến tận nửa đêm ta mới ngừng nức nở, cả khuôn mặt khóc thành một cái đầu heo.

Nhưng khái niệm về cái chết đã len thật sâu vào đầu ta, mấy tháng sau đó, ta đều rơi vào tâm trạng sợ hãi mất đi bọn họ, bỗng chốc thay đổi hết thói quen thuở trước, mỗi ngày đều vùi đầu trong phòng đọc sách và phòng thuốc, sư tổ hỏi ta muốn làm gì?

Ta ôm sách đáp người: “Con làm thuốc trường sinh bất lão cho sư phụ và người uống.”

Nghe vậy sư tổ cười ha hả, suýt chút nữa té thẳng xuống núi.

Vẫn là sư phụ kiên nhẫn, ngồi bên cạnh chỉ dạy ta từng lời: “Nguyệt Nguyệt, học y thuật dĩ nhiên là tốt, nhưng một người sống mãi bất diệt, cũng rất tịch mịch cô đơn, có sinh có tử, mới có thể quý trọng những lúc bên nhau, như vậy không phải tốt lắm sao? Người chết đi như ngủ một giấc dài, chết rồi thì không còn biết gì nữa, con thử nghĩ cẩn thận xem, cũng không có gì đáng sợ.”

Ta đặt sách xuống, ôm lấy đầu gối sư phụ: “Nhưng con sợ con còn sống mà người và sư tổ lại không còn, nếu không thì sư phụ hãy hứa với con, khi nào con còn sống, người sẽ luôn ở bên con.”

Thật lâu sau đó, sư phụ không nói gì, rồi cất lời, cũng chỉ một câu: “Được, ta sẽ cố hết sức.”

Từ trước đến giờ sư phụ chưa từng nói dối, có đôi khi ta không thích điểm này ở người tí nào.

Nhưng quyết tâm học y của ta cứ như vậy mà định, ngày ngày ta ôm sách đi tìm sư tổ hỏi đông hỏi tây, lúc mới đầu sư tổ làm mình làm mẩy bảo bây giờ mới nhớ tới ta, đi mà tìm sư phụ của ngươi ấy.

Ta vừa tâng bốc người vừa lý lẽ trình bày sự thật, sách vở sư phụ xem hàng ngày đều là sách binh pháp và võ học, cả phòng sách thuốc sách y thuật đều do một tay sư tổ người cất giữ, hơn nữa ta đọc tới chỗ nào không hiểu mới đến hỏi người, trên này còn mấy chữ ta vẫn chưa biết đọc.

Sư tổ hậm hực làu bàu: “Chữ vẫn chưa biết hết ngươi còn muốn đọc sách?”

Thực ra ta biết được không ít chữ. Lên năm tuổi, sư phụ đã bắt đầu dạy ta tập viết, đầu tiên là viết tên ta, sư phụ nắm tay ta, chấm vào mực viết một chữ ‘Nguyệt’. Ta hỏi người chữ này có nghĩa gì? Người giải thích: “Đây là tên của con, nghĩa là mảnh ngọc dưới ánh trăng.”

(*Chữ ‘Nguyệt’ tên nữ chính không phải ‘Nguyệt’ trong ánh trăng mà là ‘Nguyệt’ có nghĩa viên ngọc thần sáng như ánh trăng trong truyền thuyết Trung Quốc thời cổ đại – ngọc truyền quốc.)

“Có đẹp không ạ?” Ta lật đật hỏi.

“Đẹp.” Người khẳng định.

Ta liền cười rạng rỡ như một đóa hoa.

Người lại viết tên mình, nhưng là hai chữ ‘Từ Trì’.

Ta thấy lạ: “Sao lại có đến hai chữ ạ?”

“Từ là họ của ta, Trì là tên ta.” Sư phụ chỉ vào hai chữ kia giảng giải.

“Vậy họ của con đâu, sư phụ?”

Sư phụ nghĩ ngợi một thoáng, đáp: “Sau này sẽ có, bây giờ còn chưa cần.”

Ta cũng không mấy quan tâm đến những chuyện này, chỉ ‘à’ một tiếng, sau đó hăm hở đồ đi đồ lại ba chữ kia.

Sư tổ lại tiếp tục hờn dỗi phụng phịu trước mặt ta: “Con nhóc nhà ngươi phiền hà rắc rối nhất trên đời, sớm biết như thế ta đã không cho A Trì mang ngươi về nuôi.”

Ta là đứa trẻ sư phụ nhặt được trong núi, thời điểm người nhặt ta, ta chỉ mới hai ba tuổi, ngồi khóc co ro trong giỏ tre, cũng không biết cha mẹ ta ở phương nào, có lẽ đã bị sói ăn thịt.

Sư tổ ngại phiền toái muốn đem ta cho người khác, nhưng sư phụ nói không được, bảo người sẽ nuôi ta.

Kỳ thực khi đó người cũng chỉ mới mười một mười hai tuổi, một đứa trẻ chăm sóc một đứa trẻ, không biết đã phải chịu bao nhiêu vất vả khổ cực.

Mỗi lần nghĩ đến điều đó, ta luôn cảm thấy mình thật may mắn, đại khái sư tổ cũng thấy vậy, thường ngồi chồm hổm trước mặt ta nghiền ngẫm.

“Sao hắn lại nhặt ngươi về nuôi nhỉ? Ta cũng chưa từng thấy hắn nhặt con sói, con hổ hay con báo nhỏ nào đâu chứ.”

Ta ngoài miệng không đáp nhưng trong lòng ùng ục phản bác, ta là người đó! Có thể so sánh với con sói, con hổ con báo nhỏ sao?

Sư tổ là thần y, y thuật tinh thâm vang danh khắp thiên hạ, nghe nói người có thể tái tạo da thịt trên xương trắng, có thuật cải tử hoàn sinh. Bản thân ta chưa từng nhìn thấy người làm cho người chết sống lại bao giờ, nhưng bất luận là người bệnh nào dù chỉ còn thoi thóp một hơi thở được đưa đến cho người chữa trị đều bình phục, chẳng những bình phục mà còn có thể tung tăng đi xuống núi, khiến cho thôn dân khắp xa gần đều tôn người làm thần tiên, mồng một ngày rằm không quên thắp đầy hương dưới chân núi thể hiện lòng thành kính.

Sư tổ cái gì cũng tốt, chỉ là tính nết trẻ con trái khoáy oái oăm cứ tăng dần theo độ tuổi, còn thích chạy trốn người, mỗi lần cứu người là một lần chuyển nhà, núi Bạch Linh to như vậy, càng chuyển càng sâu, càng chuyển càng cao, đến cuối cùng chỉ còn thiếu điều chui vào trong mây ở.

Sư phụ nói, sư tổ chỉ cứu người hữu duyên, ta phồng má nói kỳ thực sư tổ ngại phiền phức rầy rà mà thôi, cần gì phải nói tao nhã cao siêu như vậy? Chờ sau này học thành y thuật ta sẽ xuống núi, hễ nhìn thấy ở đâu có bệnh là cứu, đừng nói là con người, cho dù là con hổ con báo con sói nhỏ đều cứu hết thảy.

Sư phụ nghe xong, vỗ vỗ đầu ta, mỉm cười.

“Nguyệt Nguyệt, con là đứa trẻ ngoan.”

Lúc sư phụ nói những lời này người mười sáu tuổi, trong bóng chiều thu thưa nắng thiếu niên anh tuấn ấm áp hơn cả ánh mặt trời, trong lòng ta chỉ có duy nhất một ý nghĩ, may mà sư phụ không nhặt con hổ con báo hay con sói nhỏ, mà nhặt ta, một con người.

Ta học y, nguyên nhân lớn nhất là vì để sư phụ không rời xa ta, nào ngờ chưa đầy hai năm sau, người đã phải đi.

Khi biết tin này, ta khóc đến đất trời đen kịt, còn một mình bỏ nhà đi bụi để bày tỏ thái độ phản đối quyết liệt của mình.

Năm ấy ta tám tuổi, cái gọi là bỏ nhà đi bụi, chính là đi lung tung loạn xạ trên núi Bạch Linh, cuối cùng thật sự bị lạc đường, lại gặp phải mưa to, thế là nấp vào trong hang động ngồi khóc thui thủi một mình.

Sư phụ tới tìm ta, trên núi không có người, cỏ dại rậm rạp um tùm, những bụi cây thấp phủ kín cửa hang, ta thấp bé nên tìm được khe hở chui vào, sư phụ phải bươn qua bụi rậm giẫm cả lên gai mà tìm lối, khi người xuất hiện trước mặt ta toàn thân ướt đẫm, không biết là nước mưa hay mồ hôi, tay chân và khuôn mặt đầy những vết trầy xước rướm máu.

Sư phụ tìm ta vất vả như vậy, nhưng khi nhìn thấy ta người không hề la mắng lời nào, chỉ ngồi xổm xuống xoa đầu ta, hỏi dịu dàng: “Trở về nhé?”

Ta níu lấy tay người, thút thít: “Sư phụ không đi nữa sao?”

Người lắc đầu.

Ta đau lòng ngay cả sức để đứng lên cũng không có, sư phụ cõng ta về, suốt dọc đường không ngừng trò chuyện với ta.

“Nguyệt Nguyệt, con có biết vì sao ta lên núi Bạch Linh không?”

Ta khóc đến mệt lả, hai mắt sưng húp không thể mở ra được, chỉ biết áp đầu vào lưng người khẽ ngọ nguậy trái phải.

“Ngày bé sức khỏe ta không tốt, đến tám tuổi phụ thân đưa ta lên núi Bạch Linh thỉnh nhờ sư phụ chăm sóc, sau khỏe mạnh, rồi ở lại nơi này nghiên cứu luyện tập võ học binh pháp, mãi cho đến hôm nay.”

Ta đang thương tâm, chỉ hức hức một tiếng, xem như đáp lời.

Người cười, một lúc sau nói tiếp: “Ta xuất thân dòng dõi nhà tướng, giờ đã đến lúc xuống núi đền đáp non sông.”

“Đền đáp non sông?” Ta không hiểu lắm, cả thế giới của ta, chỉ là ngọn núi Bạch Linh này.

“Sau này có thời gian ta sẽ về thăm con, chờ con trưởng thành cũng có thể xuống núi tìm ta.”

“Giờ con sẽ đi với người.” Ta tỏ rõ quyết tâm.

“Hiện tại không được.” Người lắc đầu, rồi dịu dàng cất lời: “Không phải con muốn làm nữ thần y sao? Khi nào thành thần y rồi là có thể xuống núi.”

“Con không muốn đâu, con muốn được ở bên cạnh người.” Ta bắt đầu học bộ dạng mè nheo ăn vạ của sư tổ, còn vòng hai tay ôm lấy cổ sư phụ, nhưng cánh tay không có chút sức lực nào, mềm nhũn vắt xụi lơ trên cổ người.

Sư phụ vừa khuyên nhủ dỗ dành vừa cõng ta về tới hàng giậu trúc bao quanh nhà, ta mệt rũ dần chìm vào mơ màng trong giọng nói ấm áp và bước chân vững vàng của người, khi được đặt xuống giường chẳng mấy chốc đã đi vào giấc ngủ, nhưng trước khi ngủ vẫn không chịu buông sư phụ ra, ngón tay cứ níu chặt vạt áo của người không rời.

Ngày hôm sau tỉnh dậy, ánh mặt trời chói lóa chiếu vào mặt ta, trong phòng im ắng tĩnh lặng, ta chân trần phóng vọt xuống giường chạy thật nhanh ra ngoài, nhìn thấy sư tổ đang đứng ở cửa bóc hạt dẻ ăn, vừa bóc vừa nói: “Không cần tìm, Từ Trì đã đi rồi, ngoan ngoãn đọc sách thuốc đi, ta sẽ bố trí bài học cho.”

Ta ngẩn người đứng ngơ ngác thật lâu, cuối cùng mấp máy môi, sư tổ đã sớm chuẩn bị tâm lý, ném tọt đống hạt dẻ trên tay xuống bịt tai lại.

Nhưng ta không khóc, chỉ phịu mặt, làm việc lớn quyết không chùn bước đi tới kéo áo người.

“Làm gì?” Sư tổ bị hành động khác thường của ta dọa cho hoảng vía.

“Đi đọc sách.” Ta còn vô cùng nghiêm nghị trả lời người: “Con muốn làm nữ thần y.”