Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 19: Huyết Hận Nhìn Quanh Đầy Huyết Hận -oan Gia Ngoảnh Lại Vẫn Oan Gia

Trong lòng Trần-Gia-Cách hết sức hoang mang. Chàng thầm nghĩ nhất định phải tìm Lục-Phỉ-Thanh để hỏi cho kỳ được về người đệ tử của ông ta thế nào. Rồi chàng lại tự thắc mắc rằng tại sao phải hỏi, và hỏi để làm gì! Trong người chàng dâng lên một luồng cảm giác lâng lâng, không biết là dễ chịu hay khó chịu mà Trần-Gia-Cách từ trước đến nay chưa bao giờ trải qua.

Đang suy nghĩ vẩn vơ một mình thì một bóng bạch-mã từ đâu phi như bay đến. Gần tới nơi, Trần-Gia-Cách mới nhận ra là Tâm-Nghiện, theo lời chàng mượn ngựa Lạc-Băng đi công tác mới về. Thấy Trần-Gia-Cách, Tâm-Nghiện xuống ngựa nói lớn:

-Thưa Tổng-Đà-Chủ, con vâng lệnh người đi gọi Thập đương-gia về. Thập đương-gia đang ở phía sau, chút nữa sẽ tới kịp, lại còn thêm một người ở xa đến nữa.

Trần-Gia-Cách hỏi:

-Là ai vậy?

Tâm-Nghiện thưa:

-Con cũng không được rõ. Chỉ biết khi con đến Nhạc-Vương-Miếu thì trông thấy hắn cùng với Thập đương-gia đang cãi nhau dữ dội. Thấy con đến, hắn tự nhiên mắng con là ⬘thằng trộm ngựa⬙ rồi xông tới gây chuyện ẩu đả. Thập đương-gia thấy vậy liền bênh vực con, sau đó cùng hợp lực đánh hắn một trận. Võ công hắn thật hết sức cao cường. Hai người đánh với hắn ngoài trăm hiệp mà vẫn không hạ nổi. Con bèn nghĩ ra một kế, giả vờ ngã xuống đất bốc một nắm cát rồi thừa lúc hắn không để ý bèn ném vào mắt. Sau đó con với Thập đương-gia lên ngựa bỏ chạy, chẳng ngờ hắn không chịu bỏ mà quyết rượt đến cùng. Vì con bạch mã con cỡi phi lẹ mà con tới trước được. Nhưng Thập đương-gia cũng đang trên đường sắp tới. Còn hắn thì rồi thế nào cũng đến, có lẽ sau Thập đương-gia không bao lâu đâu.

Trần-Gia-Cách cả cười nói:

-Em thật là một tiểu quỷ! Được rồi! Cứ để hắn tới rồi sẽ hay.

Ngay lúc đó, Chương-Tấn cũng đã phi ngựa tới nơi. Thập đương-gia liền xuống ngựa đến ra mắt Tổng-Đà-Chủ rồi tới ngựa, thảy xuống đất một người tay chân bị trói. Gương mặt của hắn trông rất ngạo mạn, tỏ ra không chút khiếp sợ. Chỉ vào người ấy, Chương-Tấn nói:

-Người này vô cớ gây sự với đệ. Hắn nhất định đòi bắt đệ trói lại đem tới cho Tổng-Đà-Chủ phát lạc.

Trần-Gia-Lạc nói:

-Các hạ đây có phải là họ Hàn ở Lạc-Dương không?

Người ấy lắc đầu không đáp. Trần-Gia-Cách lại nói:

-Tâm-Nghiện, em mau cở trói cho vị huynh đài này đi!

Tâm-Nghiện nghe lời đến cởi trói, nhưng tay vẫn lăm le cây đao, sợ người ấy trở mặt làm bậy. Trần-Gia-Cách bèn hướng về người ấy nói:

-Hai người anh em của tôi quả thật đã đắc tội với các hạ. Xin các hạ niệm tình mà tha thứ cho. Sẵn đây, mời các hạ vào bên trong trà đàm. (#1)

Bốn người vào cả trong lều. Trần-Gia-Cách trải chiếu ra mời người ấy cùng ngồi. Lúc ấy, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội cũng kéo đến đông đủ. Tất cả mọi người đều xếp hàng ngồi sau lưng Trần-Gia-Cách.

Người ấy trông thấy Lạc-Băng trong đám hào kiệt bỗng nổi trận lôi đình, đứng dậy chỉ vào mặt nàng mắng:

-Thì ra mi là con quỷ cái đã cướp đoạt ngựa của ta! Bây giờ ta mới rõ! Chúng bây đây là toàn một phường trộm cướp!

Lạc-Băng đáp:

-Phải chăng ông là Hàn-Văn-Xung đại gia? Tôi đoạt con ngựa của ông, nhưng cũng để lại cho ông một con ngựa, đồng thời lại trả thêm cho ông một nén vàng ròng. Vàng ông đã cầm tức là ngựa đã bán đi. Sao còn giở giọng hậm hực hiếp đáp người?

Trần-Gia-Cách nghe hai đàng cãi cọ với nhau bèn hỏi lại đầu đuôi câu chuyện. Lạc-Băng cười, đem chuyện kể lại từ đầu đến đuôi. Mọi người nghe xong không nhịn được, phá lên cười. Trần-Gia-Cách nói:

-Việc đạ dĩ lỡ. Thôi, thì Văn tứ tẩu hãy đem ngựa mà trả lại cho Hàn gia.

Lạc-Băng không chịu, cãi lại:

-Vậy thì vàng của tôi đâu? Con ⬘Hồng Hỏa Tuyết-Liên-Hoa⬙ của tôi thì sao?

Trần-Gia-Cách nói:

-Ngặt là vậy đó! Nếu Hàn gia muốn lấy lại ngựa thì cũng nên trả vàng và ngựa trao đổi lại thì hai bên mới sòng phẳng. Hàn gia đã lấy ngựa, và cũng lấy vàng thì coi như là một cuộc buôn bán trao đổi rồi, còn phân xử làm sao!

Tâm-Nghiện, em hãy đem thuốc kim thương ra mà rịt cho Hàn gia kẻo vết thương ở chân làm độc thì nguy lắm.

Hàn-Văn-Xung nghe Trần-Gia-Lạc phân xử như vậy thì tức tối vô cùng, toan chửi đổng lên. Chẳng ngờ Lạc-Băng lại nhanh hơn hắn, lên tiếng trước:

-Chẳng nên đâu, Tổng-Đà-Chủ! Hắn là người của Trấn-Viễn tiêu cục đó.

Trần-Gia-Cách ngạc nhiên hỏi lại:

-Thật vậy sao?

Lạc-Băng chẳng nói chẳng rằng, móc trong người ra một phong thư trao cho Trần-Gia-Cách nói.

-Xin Tổng-Đà-Chủ cứ đọc lá thư này sẽ rõ!

Trần-Gia-Cách liền mở thư ra đọc. Thì ra đó là phong thư của Vương-Duy-Dương gửi cho Hàn-Văn-Xung. Trần-Gia-Cách mới liếc qua một cái đã vội xếp thư lại đưa trả cho Hàn-Văn-Xung nói:

-Đây là thư riêng của Hàn đại gia, tôi không dám đọc.

Hàn-Văn-Xung trong bụng nghĩ thầm:

-"Cho dù hắn không đọc nhưng đồng đảng của hắn đã đọc hết rồi. Nội dung bức thư còn làm sao giấu được nữa!"

Hàn-Văn-Xung nói:

-Phải! Chính tôi là người của Trấn-Viễn tiêu cục đây! Chẳng hay người của Trấn-Viễn tiêu cục đã xúc phạm gì đến các vị, xin cho biết! Tôi, Hàn-Văn-Xung, quang minh chính đại, không làm chuyện mờ ám. Tuy là bức thư riêng, nhưng các hạ cứ việc đọc, chẳng sao cả.

Đoạn Hàn-Văn-Xung trao lá thư ra trước mặt Trần-Gia-Cách. Sự thật thì khi liếc qua lá thư trước khi trao trả cho Hàn-Văn-Xung, Trần-Gia-Cách đã biết hết đại ý rồi. Chàng là người thông minh tuyệt thế, văn võ song toàn, đã từng thi đỗ Trạng-Nguyên nên chỉ một cái nhìn sơ mà thuộc ngay nhiều chữ là chuyện thường chứ chẳng có gì là mới lạ cả.

Trần-Gia-Cách dõng dạc lên tiếng:

-Cái uy danh lừng lẫy của Uy-Chấn Hà-Sóc Vương-Duy-Dương từ lâu tôi đã nghe như sấm nổ bên tai. Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao ⬘không có nước mà khuấy nên hồ⬙ (#2) để gây nên nhiều việc đáng tiếc! Các hạ là người họ Hàn ở Lạc-Dương thì xin mạo muội hỏi, đối với Hàn ngũ nương xưng hô ra sao? Vai vế như thế nào?

Hàn-Văn-Xung nghe hỏi bỗng kinh ngạc liền đáp:

-Đó là thím dâu của tôi. Xin hỏi các hạ vì đâu mà lại biết thím dâu của tôi? Chẳng hay các hạ danh tánh là gì?

Trần-Gia-Cách mỉm cười nói:

-Chỉ vì tôi hâm mộ thanh danh của Hàn ngũ nương đó thôi chứ thật ra không quen biết. Tôi họ Trần, tên gọi Gia-Cách.

Hàn-Văn-Xung vừa nghe xong liền đứng dậy, đổi ngay thái độ, miệng ấp úng, ⬘lắp ba lắp bắp⬙:

-Thưa... ngài đây... ngài đây... là Thiếu-Đà-Chủ của Hồng Hoa Hội?...

Thường-Thích-Chí thấy dáng điệu của y thật tức cười liền cướp lời nói:

-Là TỔNG-ĐÀ-CHỦ! Nghe rõ chưa? Ông nói chuyện cả buổi mà còn chưa nhận ra hay sao!

Hàn-Văn-Xung lại ngồi xuống. Nhưng hành động của y trở nên cực kỳ khép nép chứ không dám ngạo mạn như trước nữa.

Trần-Gia-Cách nói:

-Trong giang hồ có đồn rằng cái chết của người đồng môn Tiêu-Văn-Kỳ của ông có liên quan đến Hồng Hoa Hội chúng tôi, nhưng việc ấy chúng tôi hoàn toàn không biết chút nào cả. Tôi đã cho người đến Lạc-Dương để minh bạch chuyện này. Tiếc rằng người này chưa đến nơi được thì gặp chuyện gấp rút đành phải tạm gác lại đó thôi. Hôm nay tình cờ gặp ở đây, xin ông nói lại cho chúng tôi biết vì đâu có lời phao truyền thất thiệt như vậy!

Vẫn giọng ấp úng, Hàn-Văn-Xung hỏi:

-Thưa... có phải ngài đây là... quý công tử của Trần-Cát lão ở Hải-Ninh dó không?

Trần-Gia-Cách cười đáp:

-Thế là các hạ đã hiểu biết tường tận thân thế của tôi rồi. Thiết tưởng tôi cũng không còn phải giấu diếm làn gì.

Hàn-Văn-Xung nói:

-Bắt đầu từ lúc công tử lìa nhà, tướng phủ có treo một giải thưởng rất lớn cho ai tìm được công tử đem về. Có người bảo đã dọ được tin công tử trong Hồng Hoa Hội, lại có người bảo công tử đã sang xứ Hồi. Sư huynh Tiêu-Văn-Kỳ chúng tôi vâng mệng tướng phủ đến Hồi bộ để đưa tin nhà cho biết. Nhưng thình lình sư huynh tôi thất tung (#2), chẳng biết rõ sống chết ra sao nơi đâu. Đã 5 năm trôi qua, gần đây có người vào sơn cốc tìm thấy vật dụng của sư huynh là tấm thiết thuẫn cùng với một khúc Thiết-câm sát thì không còn gì để nghi ngờ nữa, chứng tỏ Tiêu-Văn-Kỳ sư huynh đã bị ám hại. Tuy nhiên, không một ai được trông thấy tận mắt, lại không có bằng chứng gì để đối chất nên không thể khẳng định được ai là thủ phạm nên mới nghi là ngoài Hồng Hoa Hội ra...

Hàn-Văn-Xung chưa nói dứt câu thì Chương-Tấn đã lên cơn thịnh nộ nạt lớn, ngắt lời:

-Thế ra cứ mỗi khi không có chứng cớ hay chưa khẳng định được ai là thủ phạm thì chỉ có HỒNG HOA HỘI mà thôi có phải không? Nói thật cho ngươi biết, nếu chúng ta đã giết ai thì khỏi cần phải thắc mắc, chúng ta đã thừa nhận trước rồi. Không những thế, chúng ta luôn luôn để lại một bản án bên cạnh người chúng ta giết kèm theo tất cả mọi bằng chứng cụ thể. Một lần cuối, ta nói rõ cho ngươi biết là chúng ta không có giết Tiêu-Văn-Kỳ, và cũng không biết ai giết hắn! Chắc là Tiêu-Văn-Kỳ sư huynh của ngươi đi gây sự, kết thù kết oán với người ta nên mới bị giết đó thôi. Mà sư huynh của ngươi cũng thuộc hạng người ⬘vì tiền bán mạng⬙ thì có chết cũng là vừa rồi chứ còn kêu ca gì nữa! Oan ức ở chỗ nào? Đừng có nhiều chuyện!

Hàn-Văn-Xung nghe giọng Chương-Tấn gay gắt như vậy thì đâm ra bán tín bán nghi (#3). Vô-Trần Đạo-Nhân cũng giận dữ rút kiếm ra thét lên:

-Người Hồng Hoa Hội chúng ta nói ⬘một là một⬙, không bao giờ hai lời. Chúng ta đã bảo không giết tức là không giết. Nãy giờ ta nhìn thái độ khinh thị của mi, cho là chúng ta nói láo cũng đủ lắm rồi. Cái tội khinh thường đó không thể nào dung tha được. Hôm nay ta quyết cho mi một kiếm bay đầu rồi để cho bọn mi cứ việc muốn báo thù gì thì báo!

Trong lúc ồn ào, Lục-Phỉ-Thanh bỗng đâu lên tiếng:

-Không cần phải nói chi cho dài dòng cả. Việc này hoàn toàn không dính líu gì đến Hồng Hoa Hội cả. Chính tôi là thủ phạm đã hạ sát Tiêu-Văn-Kỳ.

Từ phía sau, Lục-Phỉ-Thanh dõng dạc bước lên. Ông liền đem chuyện cũ kể lại từ đầu về ân oán giữa ông và Tiêu-Văn-Kỳ ra sao, cho đến lúc hắn và đồng bọn tìm ông thanh toán ép ông phải ra tay giết chúng thế nào, không giấu diếm một chi tiết nào. Mọi người nghe xong đều không ngớt lời chửi rủa Tiêu-Văn-Kỳ, cho rằng cái chết của hắn là đáng lắm. Chỉ riêng có Hàn-Văn-Xung là ngồi xụ mặt nhưng chẳng dám nói nửa lời.

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Nay Hàn gia đã rõ mọi chuyện. Nếu muốn trả thù xin cứ tự nhiên mà tính với tôi, chứ đừng có trách bậy Hồng Hoa Hội làm gì. Hàn gia muốn trả thù bằng cách nào cũng được. Hoặc đao kiếm, hoặc quyền cước, thậm chí hẹn ngày giờ mà đem thêm người cũng được. Về phần tôi thì trước sau cũng chỉ có một mình đứng ra để giải quyết ân oán này mà thôi.

Dứt lời, Lục-Phỉ-Thanh nhìn Lạc-Băng nói:

-Văn tứ phu nhân! Vũ khí của ông ta đâu, cứ đưa ra để ông ta rửa hận cho Tiêu-Văn-Kỳ sư huynh của ông ta đi. Lạc-Băng liền đi lấy cây Thiết-cầm sát đưa cho Lục-Phỉ-Thanh. Cầm sợi Thiết-cầm sát, Lục-Phỉ-Thanh đưa ra trước mặt Hàn-Văn-Xung nói:

-Năm trước sáng chế ra món Thiết-cầm sát này cho người môn phái sử dụng, thanh danh của Hàn ngũ nương đã vang dậy trong chốn giang hồ. Thật đúng là nữ trung hào kiệt. Tiếc thay!...

Than thở xong, Lục-Phỉ-Thanh tập trung nội lực vào đôi tay vuốt một cái. lạ lùng thay, cây Thiết-cầm sát tự nhiên trở thành một cây Thiết-bảng. Ông ta lại nói tiếp:

-Là người Hán, đã chẳng liều mình báo ân tổ quốc mà lại cam mình uốn gối làm tôi mọi sống chết cho giặc thì còn gì nhục hơn? Võ nghệ tinh thông không dùng để hành hiệp trượng nghĩa thì có ích lợi gì cho võ lâm, cho quần chúng và xã hội!

Tay cầm sợi Thiết-cầm sát đã thành ra cây Thiết-bảng, Lục-Phỉ-Thanh vừa nói lại vừa dùng mội công nắn thành một cây Thiết-đồng, rồi lại biến ra cây Thiết-côn. Tóm lại, Lục-Phỉ-Thanh cầm sợi Thiết-cầm sát của Hàn-Văn-Xung tự ý uốn nắn như một món đồ chơi. Tay thì làm, miệng lại tiếp tục nói:

-Ở vào một tình thế bất đắc dĩ, chẳng thà là mai danh ẩn tích sống tại cùng cốc thâm sơn còn hơn tham vinh hoa phú quý, quên nợ nước thù nhà mà nối dáo cho giặc. Lục-Phỉ-Thanh này bình sinh hận nhất là bọn ⬘chim mồi chó săn⬙ và bọn tiêu dư ỷ mình có chút võ công hà hiếp lương dân, nịnh bợ quan quyền! Lục-Phỉ-Thanh này thà chết chứ nhất định không đi chung một con đường với chúng. Nếu gặp chúng thì chỉ có hai đường lựa chọn. Một là chúng chết, hai là ta chết!

Giọng nói cương quyết của Lục-Phỉ-Thanh vừa chấm dứt thì Thiết-côn trong tay Lục-Phỉ-Thanh lại biến thành một cây Thiết-hoàn. Hàn-Văn-Xung nghe những lời hùng biện đầy chính khí của Lục-Phỉ-Thanh bất giác đâm ra khiếp sợ, hãi hùng. Bình nhật, hắn vẫn tự phụ võ công của mình trác tuyệt, xem thiên hạ không có ai dưới mắt (#4). Thế mà vừa mới đến hắn đã bại dưới tay Chương-Tấn, một kẻ chưa từng có tên tuổi trên chốn giang hồ. Đã thế còn bị bắt trói lại thật nhục nhã, phải nhờ đến Trần-Gia-Cách tha mạng.

Thấy Lục-Phỉ-Thanh xem vũ khí của hắn như trò chơi, Hàn-Văn-Xung tự lượng sức mình ngay. Không cách gì hắn có thể đấu nổi với một người đã biết rõ tường tận, và thành thạo tất cả những bí mật và biến ảo về món binh khí của hắn và xem ra còn biết nhiều hơn hắn là đàng khác.

Tưởng-Tứ-Căn thấy Lục-Phỉ-Thanh biểu diễn như một ảo thuật gia thì thích chí vô cùng. Chàng đứng dậy bước tới hỏi ông ta cho mượn món binh khí đó rồi cũng theo phương pháp của Lục-Phỉ-Thanh mà biến món binh khí kia sang đủ mọi hình thù. Sau khi biến món binh khí thành một cây thiết côn, Tưởng-Tứ-Căn hóm hỉnh đưa một đầu cho Dương-Thanh-Hiệp, miệng tủm tỉm cười.

Dương-Thanh-Hiệp hội ý, nói:

-Có phải Thập-tam đệ muốn thử sức với ta đó không?

Tưởng-Tứ-Căn cười, gật đầu liên tục. Thế là mỗi người một đầu thi nhau kéo. Không ai kéo nổi ai. Hai người vẫn đứng im bất động. Nhưng mọi người để ý kỹ, thấy cây Thiết-côn mỗ lúc một dài ra, và hai người thì lùi dần lại với một khoảng cách rất đồng đều.

Nhìn hai người làm trò, Trần-Gia-Cách không khỏi cười thầm. Sợ mất hòa khí, chàng lên tiếng nói với hai người rằng:

-Hai người sức mạnh ngang nhau, chẳng ai kém ai. Thôi, chịu khó nghe lời tôi mà coi trận thử sức này là hòa đi. Đưa sợi Thiết-Cầm này cho tôi để tôi trả nó về tình trạng nguyên thủy của nó cho người ta.

Châu-Ỷ và Lạc-Băng nghe Trần-Gia-Cách nói như vậy thì cười rộ lên, cùng nhau đứng dậy hiếu kỳ xem thử. Trong khi đó, Dương-Thanh-Hiệp và Tưởng-Tứ-Căn cũng đã dừng tay, cầm Thiết-cầm sát trao cho Trần-Gia-Cách.

Trần-Gia-Cách cười nói:

-Thưa các vị! Tôi đề nghị thế này. Vô-Trần Đạo-Nhân, Châu lão anh hùng và Thường ngũ ca đứng một phía, còn Triệu tam ca, Thường lục ca và tôi đứng phía kia. Sáu người chúng ta cùng nhau luyện lại một chút công phu xem chơi.

Mấy người nghe Trần-Gia-Cách nói vậy thì không khỏi tức cười, cùng nhau hưởng ứng chạy ra xem Trần-Gia-Cách định làm thế nào. Trần-Gia-Cách chia ra mỗi bên ba người, người đứng đầu cầm cán Thiết-côn, người thứ hai ôm người đứng đầu, và người thứ ba ôm người thứ hai. Sau đó, Trần-Gia-Cách cười nói:

-Hồi nãy hai người kia kéo Thiết-côn cho dài ra, bây giờ thì chúng ta đôn ngắn lại. Mọi người sẵn sàng chưa? Nghe tôi đếm... Một... Hai... Ba!

Hai bên đều ra sức đẩy tới. Quả nhiên không đầy mấy khắc, cây thiết côn đã trở nên ngắn lại và được trả về hình dạng nguyên thủy của nó.

Mọi người ai nấy đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Hàn-Văn-Xung thấy đám hào kiệt thay phiên nhau xem món binh khí của hắn như đồ chơi thì vừa khin sợ, vừa buồn bã. Hắn tự nhủ thầm:

-"Thế mới biết ⬘thiên ngoại hữu thiên, nhân thượng hữu nhân⬙. Từ trước tới nay ta vẫn tự phụ cho võ công của mình là thiên hạ vô song, nhưng đối với bọn chúng thật quả là chưa đi đến đâu. May mắn mà chúng không ra tay, chứ nếu bọn chúng muốn giết ta thì thật là như trở bàn tay. Thôi! Ta cũng nguyện từ nay không thèm tranh đoạt danh lợi làm gì nữa mà quay về sống với nghề cày sâu cuổc bẩm cùng dân làng coi bộ còn sướng hơn.

Lúc đó Trần-Gia-Cách nói với mấy người rằng:

-Vui quá nhỉ? Có lẽ đủ rồi. Nếu chúng ta còn cố đôn thêm nữa thì e rằng nó phải ngắn hơn tình trạng nguyên thủy mà thôi.

Quay qua Hàn-Văn-Xung, Trần-Gia-Cách nói:

-Bọn ta vui thì vui thật, nhưng đùa giỡn với binh khí của Hàn huynh như vậy có lẽ làm Hàn huynh buồn lòng không ít. Chỉ tại quá cao hứng mà ra. Thôi, xin hãy bỏ qua mà tha thứ cho bọn ta nhé!

Lúc bấy giờ, mồ hôi Hàn-Văn-Xung ra như tắm, không dám hé môi nói một lời nào. Trần-Gia-Cách bỗng nghiêm mặt nhìn Hàn-Văn-Xung nói:

-Tiện đây muốn có một đôi lời khuyên giải. Không biết Hàn huynh có chịu nghe không?

Hàn-Văn-Xung nói bằng một giọng hết sức yếu ớt:

-Xin công tử cứ nói.

Trần-Gia-Cách nói:

-Từ xưa cổ nhân vẫn nói ⬘oán nên giải chứ không nên kết⬙. Cái chết của lệnh sư huynh do anh ta tự chuốc lấy cho mình thôi, không thể nào trách Lục lão tiền bối được. Mong rằng Hàn huynh hãy nể mặt chúng tôi mà cùng với Lục lão tiền bối giảng hòa là hơn. Hàn huynh nghĩ sao?

Hàn-Văn-Xung vẫn ngồi im mà vẫn không biết phải trả lời làm sao. Trần-Gia-Cách lại nói tiếp:

-Tôi sẽ nhắn lời với gia huynh (#5) một số bạc lớn, vừa là để thưởng công vất vả cho Hàn huynh, vừa là để thường mạnh cho Tiêu tam gia để gia đình Tiêu tam gia tùy ý chi dụng. Như vậy tưởng cũng là ổn thỏa lắm rồi. Hàn huynh nghĩ sao xin co biết?

Hàn-Văn-Xung vẫn ngồi trầm ngâm không đáp. Trần-Gia-Cách trợn mắt, như lộ vẻ bực dọc, nói lớn tiếng:

-Nếu Hàn huynh vẫn cố chấp thì đây, tôi trả lại Thiết-càm sát để muốn tự tiện giải quyết thế nào thì giải quyết, bất tất phải nói lôi thôi làm chi cho thêm tốn thì giờ!

Vừa dứt câu, Trần-Gia-Cách thuận tay phóng mạnh cây Thiết-côn xuống đất. Cây Thiết-côn bị Trần-Gia-Cách phóng quá mạnh đến lút sâu xuống dưới lòng đất không còn trông thấy vết tích đâu nữa, chỉ còn một lỗ sâu hoắm mà thôi.

Hàn-Văn-Xung kinh hãi quá độ, gật đầu lia lịa, đáp:

-Thôi... Thôi! Thì tôi xin nghe theo lời dạy bảo của Trần công tử vậy.

Trần-Gia-Cách cả cười nói:

-Biết thức thời vụ mới là kẻ anh hùng. Chứ còn cứ giữ mãi thành kiến của mình thì nhiều lúc sẽ bỏ qua nhiều cơ hội tốt đó! Tôi rất vui lòng với quyết định sáng suốt của Hàn huynh.

Sau đó Trần-Gia-Cách gọi Tâm-Nghiện đem nghiên mực vào cho mình rồi tự tay viết một bức thư trao cho Hàn-Văn-Xung.

Hàn-Văn-Xung nhận thư xong nói:

-Vương tổng tiêu-đầu sở dĩ kêu gọi anh em đến Trấn-Viễn tiêu cục là để tải chi phiếu về Bắc-Kinh. Đến Bắc-Kinh sẽ phải bảo tiêu một số đồ của Hoàng-Thượng của vua ban, toàn là trân-châu bảo-ngọc, về Giang-Nam cho quý phủ của công tử. Mong rằng công tử ra một mệnh lệnh truyền đi ắt không kẻ nào dám đụng đến.

Trần-Gia-Cách nghe xong liền nói:

-Hàn huynh lãnh trách nhiệm hộ tống phẩm vật về tệ phủ, vậy thì chẳng hay Hàn huynh có biết đó là những món gì hay không?

Hàn-Văn-Xung đáp:

-Vương tổng tiêu đầu không nói rõ cho tôi biết. Nhưng điều tôi được biết chắc chắn là Hoàng-Thượng rất ân sủng đối với quý phủ. Cứ 10 ngày hay nửa tháng lại cho đài tải đầy dẫy trân-châu bảo ngọc một lần. Lần này số châu báu quá nhiều phải đưa về Giang-Nam để quý phủ sung vào kho mới tiện. Vì hàng hóa chuyến này quá nhiều, có thể nói là ⬘vô gía⬙ (#6) nên Thừa-Tướng phủ Bắc-Kinh mới giao trách nhiệm này cho Trấn-Viễn tiêu cục để không sợ rủi ro bị cướp dọc đường.

Trần-Gia-Cách sau đó gọi:

-Tâm-Nghiện! Em mau mời mấy vị tiêu sư của Trấn-Viễn tiêu cục kia ra cho ta!

Tâm-Nghiện vâng lời, dẫn Tiền-Chính-Luân cùng mấy người tiêu sư thuộc Trấn-Viễn tiêu cục ra. Hàn-Văn-Xung trông thấy y thì cả hai cùng há hốc nhìn nhau, không nói được một lời nào.

Trần-Gia-Cách nói:

-Hôm nay vì nể mặt Hàn gia nên sẵn lòng trả mấy người này lại cho Trấn-Viễn tiêu cục. Hàn gia cứ lãnh họ về luôn tiện. Lần này thì tha cho, nhưng lần sau còn tái phạm thì đừng trách chúng tôi sao vô tình đấy nhé!

Hàn-Văn-Xung thấy Trần-Gia-Cách biết dùng cả cương lẫn nhu không những chỉ trong võ thuật mà còn trong cách xử thế giao thiệp nữa thì không khỏi bội phục. Thế nhưng y vẫn không biết dùng lời lẽ nào để mà đối đáp cho được. Y cũng chẳng dám nhìn thẳng vào mặt Lục-Phỉ-Thanh mà nói đến chuyện oán thù nữa. Trần-Gia-Cách nói:

-Bây giờ anh em chúng tôi có việc phải đi trước. Quý vị cứ ở đây nghỉ chân, sáng ra khởi hành cũng tiện. Thôi! Xin cáo từ!

Sau đó, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội lên ngựa rầm rộ kéo đi. Qua một đoạn đường, Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Thưa Tổng-Đà-Chủ! Tôi nhận thấy để bọn tiêu sư ở đó có điều bất tiện! Thế nào chốc nữa đây, tiểu đồ (#6) cũng đi ngang qua gặp bọn ấy. Chúng đang hàm hận báo cừu nên thế nào cũng cùng tiểu đồ gây chuyện chứ chẳn không. Theo tôi thì ai nấy đi trước đi, để tôi ở lại sau chờ đón tiểu đồ để xem cớ sự thế nào.

Trần-Gia-Cách nói:

-Hay lắm! Lục tiền bối cứ tùy tiện mà hành động. Nếu tiện, xin Lục tiền bối cho lệnh cao đồ giúp một tay luôn thì quý hóa biết mấy.

Lục-Phỉ-Thanh cười:

-Tiểu đồ vẫn còn bồng bột lắm! Chắc không thể giúp gì được cho chúng ta đâu!

Dứt lời, Lục-Phỉ-Thanh quay ngựa trở lại lối cũ phóng đi như bay. Vì có quá nhiều người cho nên Trần-Gia-Cách không tiện hỏi đến chuyện có liên quan đến người đồ đệ của Lục-Phỉ-Thanh theo lời dặn lúc lâm biệt với Tiêu-Thanh-Đồng.

Vì lẽ ấy mà trong lòng Trần-Gia-Cách cảm thấy buồn rười rượi...

Chú thích:

(1-) Trà đàm: uống trà đàm đạo (vừa uống trà vừa nói chuyện).

(2-) Thất tung: mất dấu vết.

(3-) Bán tín bán nghi: nửa tin nửa ngờ.

(4-) Mục hạ vô nhân.

(5-) Gia huynh: anh nhà (của mình).

(6-) Tiểu đồ: đứa học trò nhỏ (khiêm xưng).