Bầu trời xám xịt phản chiếu lên cây cầu cao cũ kỹ.

Dòng sông dưới cầu chảy cuồn cuộn, cuốn theo đất bazan lẫn bùn lầy lao đi.

Sương mù làm ướt lông mi của cô trong nháy mắt, Hạ Nhạc tỉnh dậy như một bóng ma, cô thấy mình đang đứng một mình giữa cây cầu cao ấy.

Đây…Là?

Trong làn sương mù mờ ảo, thứ lấp đầy khoang mũi của cô là hương thơm tươi mát của cỏ cây.

Đó không phải là làn sương mù mà cô hít vào mỗi buổi sáng khi phải dậy sớm bán mình cho tư bản, mà là làn sương mù thanh khiết thực sự.

Bên cạnh lớp đất bazan gần bờ sông còn có lớp nền bê tông không đều nhau.

Ký ức đang say ngủ dần dần thức tỉnh, vừa lạ vừa quen, vừa thú vị vừa đáng sợ. Cuối cùng biến thành tiếng ù kéo dài trong tai cô.

Hạ Nhạc nhìn dưới gầm cầu, một cảm giác sợ hãi khó tả lan rộng. Phải cho đến khi cô chạy khỏi cây cầu cao và bước xuống lối đi bằng bê tông nhỏ hẹp cô mới cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Dọc theo con đường, hai hàng cây xanh tiêu điều, lá rơi xào xạc xuống đất rồi bị vùi sâu trong đất bụi.

Sương mù từ từ tan đi, khung cảnh hiện ra rõ ràng trước mắt cô.

Khung cảnh hòa lại thành một với cảnh vùng hoang dã trong sâu thẳm miền ký ức mà cô không dám chạm tới.

Ruộng rau, nhà cửa, đất canh tác, cuối cùng Hạ Nhạc đi qua một cây cổ thụ cao chót vót với một lỗ lớn trên thân cây.

Mọi thứ trước mặt cô là một giấc mơ nhưng cũng là hiện thực mà cô đã đóng băng trong quỹ đạo cuộc đời.

Cuối con đường bê tông, một ngôi nhà gỗ ngói xanh hai tầng đứng lặng lẽ.

Ngoài cửa chật kín người, có người đứng cúi đầu, có người quỳ lạy giống như một bộ phim không lời.

Trái tim của Hạ Nhạc đập dữ dội, như thể sắp bật ra khỏi lồng ngực cô, cô mở miệng muốn hét lên nhưng cô yếu đến mức gần như không thể thở được.

Tầm nhìn của cô mờ đi, đôi mắt đen láy của cô phản chiếu tia sáng ở hai bên, trên đó có treo hai tấm vải trắng bay phấp phới trong gió.

Những ngọn nến trắng lặng lẽ nhỏ sáp xuống nền đất, bên cạnh là những nén hương được thắp thành hàng, tiền giấy lẫn tro bụi bay khắp bầu trời xám xịt.

Những người đang quỳ được người khác đỡ dậy, cuối cùng Hạ Nhạc cũng có thể nhìn rõ bóng lưng của họ.

Đó là bóng lưng mà chỉ cần nhìn một cái là cô có thể nhận ra được.

Những người thân nhất của cô đều đang mặc áo tang.

Thính giác của cô đột nhiên trở lại, những tiếng kêu thảm thiết giữa âm thanh ồn ào vang vọng khắp cả vùng.

Đó là ngày 06 tháng 10 năm 2006, một ngày sau Tết Trung Thu, là ngày khó quên nhất trong hai mươi bốn năm cuộc đời của Hạ Nhạc, là cái ngày mà hơn mười mấy năm qua kể cả mơ cô cũng không dám mơ lại, là ngày mà cô đã niêm phong trong vùng ký ức sâu nhất.

Trên bức ảnh đen trắng khổng lồ được viết lên vài chữ đơn giản…

Hạ Thiệu Hoa, 1932-2006.

Cảm giác ngột ngạt đó lại đến.

Đã bao nhiêu năm trôi qua, căn bệnh cũ cuối cùng đã được chữa khỏi lại tái phát.

Dường như có một sức nặng đè lên ngực khiến cô không thể nào thở được, tuyến lệ như được mở van trào ra như nước lũ, trước mắt cô bỗng nhòe đi.

Hạ Nhạc thở hổn hển, ôm ngực nhìn cảnh tượng trước mắt, toàn thân đau nhức.

Lúc này, trong đám đông bỗng mở ra, một bóng người nhỏ bé đứng ở đó.

Là một cô bé mặc áo khoác màu hồng.

Rất nhiều người đang nói chuyện với cô bé ấy.

“Nhạc Nhạc đừng đến đó.”

“Trẻ con không thể đến quá gần.”

“Đi thay cho con bé bộ đồ trắng đi…”

“Nhạc Nhạc, ông nội mất rồi…”

Bóng dáng nhỏ bé vẫn bất động, một lúc sau mới quay lại nhìn người thân phía sau.

Sự bối rối và hoảng sợ hiện rõ trên khuôn mặt non nớt của cô bé, khuôn mặt đó chính là khuôn mặt mà Hạ Nhạc đã nhìn mà lớn lên.

Đó chính là cô.

“Ông nội của con?”

Lời nói của đứa trẻ khiến tiếng khóc xung quanh vốn đã nguôi ngoai một lúc lại trở nên to hơn.

Trong đó tiếng kêu gào lớn nhất là: “Ông nó ơi, sao ông ác thế. Ông đã bỏ vợ mình mà đi, ngay cả Nhạc Nhạc ông cũng nhẫn tâm bỏ lại, ông thật tàn nhẫn!”

Nghe thấy tiếng khóc, cô bé vội vã chạy ra khỏi đám đông và chạy sang phía bên kia của ngôi nhà.

Đứng ngoài cổng thì không thể nhìn vào được bên trong nhưng Hạ Nhạc biết cô bé đi đâu và xảy ra chuyện gì.

Đó là những gì cô đã từng trải qua, khi cô chạy đến cửa căn phòng nơi cô ở cùng ông bà nội thì thấy người lớn đang thay quần áo cho ông nội cô, còn ông thì nằm trên giường theo phong tục địa phương.

Ông nằm đó bất động.

Cách âm của nhà gỗ rất kém, bên trong truyền đến một tiếng rất rõ ràng: “Ra ngoài.”

Bé Hạ Nhạc gọi lớn một tiếng: “Ông Nội!”

Sau đó quỳ xuống đất rồi gọi khẽ “Ông nội.”

Những giọt nước mắt cuối cùng cũng rơi xuống thấm vào cát bụi trong chốc lát rồi bốc hơi.

Cô biết sự tức giận của những người lớn tuổi đối với cô đến từ đâu.

Trước nhà có một chiếc ghế dài bằng gỗ.

Hạ Nhạc ngồi phía trên, ngơ ngác nhìn căn nhà nhỏ bị bao vây bởi những người đến chia buồn.

Những người này không thể nhìn thấy cô ấy hoặc chạm vào cô.

Cô đã trở thành một linh hồn sao?

Cô nhìn thấy bé Hạ Nhạc mặc áo trắng, đội chiếc mũ tang nhỏ, quỳ dưới đất khóc cùng người lớn.

Hạ Nhạc nhận ra đây có lẽ chỉ là một giấc mơ.

Là ác mộng? Mà cũng có lẽ là không.

Hạ Nhạc lau nước mắt, bước vào sảnh chính.

Dân làng đưa thi hài ông nội ra và đặt lên một tấm ván gỗ.

Đây là tục lệ chia buồn phổ biến ở đây, người quá cố được giữ ở nhà trong ba ngày, sau đó mới được chôn cất sau khi tất cả người thân, bạn bè đến viếng.

Tấm vải trắng che đi khuôn mặt của ông nội, khiến Hạ Nhạc không nhìn thấy được gương mặt của ông nội.

Những người thân xung quanh đều quỳ lạy và khóc lớn.

Hạ Nhạc không nhịn được đưa tay vén tấm vải che lên, nhưng lại trống rỗng.

Đột nhiên cô nghĩ, nếu thực sự sau khi chết đi có linh hồn thì có lẽ linh hồn của ông nội đang ở đây theo dõi mọi người.

Chắc hẳn ông rất bất lực khi phải buông tay mọi người và cũng rất bất lực khi phải rời xa cô.

Hạ Nhạc lau nước mắt, quỳ xuống cùng người thân ở gần đó.

“Đang yên đang lành sao lại rơi xuống sông được?”

“Nghe nói lúc còn trẻ, ông đã giành được chức vô địch trong cuộc thi bơi lội nào đó ấy, tôi nghĩ có khi là ma da.”

“Ma da cái gì chứ? Cảnh sát nói ông ấy bị chết đuối.”

“Cuộc thi bơi lội năm 1949, cô biết nó có giá trị như thế nào rồi đấy.”

“Có ma da thật à?”

“Ma da chỉ dọa trẻ con thôi. Mùa thu năm nay nước sông chảy siết, ngay cả người với gia súc đều bị cuốn trôi hết.”

“Nghe nói hai đứa con nhà họ Tào bị ma da dọa đến mức phải nhập viện chưa được về kia kìa.”

“Chứ không phải chúng nó bị sốt nên nhập viện à? Đừng có nói dóc nữa.”

“Đêm hôm khuya khoắt, có khi do ra ngoài đi dạo nên không cẩn thận bị ngã ấy, một người tốt như ông ấy tiếc quá…”

Hạ Nhạc im lặng cúi đầu nghe lời nói của người bên cạnh.

Về cái chết của ông nội, mỗi người nói một kiểu, nhưng hầu hết đều cho rằng ông nội chết vì đuối nước.

Nhưng trong thâm tâm họ đều biết ông nội là một vận động viên bơi lội nổi tiếng ở quê sao có thể chết đuối được?

Thế nhưng, câu trả lời lúc đó cảnh sát đưa ra chỉ đơn giản là chết đuối.

Dù có nghi ngờ và phản đối nhưng gia đình vẫn phải đồng ý với cảnh sát và bắt đầu lo liệu tang lễ, sự tức giận và đau buồn của một đứa trẻ như Hạ Nhạc thật vô dụng và bất lực.

Hơn nữa, mọi người trong gia đình đều biết rằng đêm đó…

Là Hạ Nhạc nói với ông nội rằng muốn ăn bánh trung thu hoa đào nhân trứng chảy ở quán ăn vặt.

Ông bảo được rồi, để ông đi mua rồi mang về cho Nhạc Nhạc.

Bởi vậy nên ông mới đi qua cây cầu đó.

Chỉ vì đi mua bánh trung thu cho Hạ Nhạc nên ông mới đi qua cầu rồi bị chết đuối dưới sông không rõ nguyên nhân.

Cho dù chết đuối là nguyên nhân chính, cho dù chúng ta không biết tại sao ông nội lại chết đuối, cho dù người nhà biết rằng việc ông nội chết đuối không phải do Hạ Nhạc gây ra, cho dù cả nhà không ai nói nhưng Hạ Nhạc cũng biết rằng họ đang trách cô.

Bọn họ đều đang trách cô, cô biết chứ, thậm chí ngay cả Hạ Nhạc cũng tự tách mình.

Sự im lặng của gia đình, sự nghi ngờ của người ngoài và sự bất lực, cảm giác tội lỗi và tự trách thời thơ ấu trở thành lưỡi dao sắc bén khuấy động lòng cô trong suốt bao năm qua.

Tuy cô đã trưởng thành, có thể phân biệt đúng sai nhưng cô vẫn không thể tha thứ cho mình vì đêm đó nhất quyết đòi ăn bánh trung thu bán ở phía bên kia cầu.

Vô số lần tim cô thắt lại, vô số lần cô khóc lóc thảm thiết và vô số lần cô hối hận tại sao người chết không phải là mình.

Nhưng người lớn không hiểu, họ chỉ nghĩ rằng chỉ có người lớn mới cảm nhận được nỗi đau.

Còn trẻ con? Quan tâm đến suy nghĩ của trẻ con làm gì? Một đứa bé thì biết cái gì chứ?

Hạ Nhạc hít một hơi thật sâu, kìm nén nỗi đau trong lòng, cô bịt tai lại không muốn nghe những lời bàn tán của người khác.

Nhiều năm trôi qua, cô đã nghe đến phát ngán rồi.

Niềm vui nỗi buồn của mỗi người khác nhau.

Thời gian trôi qua, Hạ Nhạc lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế gỗ dài nhìn người người qua lại.

Xa lạ, quen thuộc, đó là ký ức chưa bao giờ cô dám nhớ lại, những ký ức ấy như dòng thác từ từ nhấn chìm cô trong phút chốc.

Cô nhìn thấy bà nội luôn dịu dàng của mình la hét, gào khóc như phát điên, cô nhìn thấy người cô đã đi xa từ khi cô còn nhỏ khóc ngất lên, cô nhìn thấy ông chú phóng khoáng của cô đã lâu không gặp quỳ hoài không dậy, cô nhìn thấy một số người xa lạ khí chất lỗi lạc cúi đầu im lặng…

Những người đó rõ ràng cũng đang đau buồn giống cô nhưng lại khiến cô cảm thấy lạnh lùng lạ thường.

Hình ảnh không ngừng thay đổi, không biết qua bao lâu, Hạ Nhạc tỉnh táo lại giữa trận cãi vã.

“Trẻ con đi làm gì? Chỗ đó có phải chỗ chơi đâu mà đi theo?”

“Con muốn đi!”

“Dì Lâm, dì giữ nó lại giúp cháu với ạ, trẻ con quậy gì mà quậy.”

“Con muốn đi! Con muốn đi! Bố ơi! bà bảo với họ cho con đi theo đi mà!”

“Nhạc Nhạc ngoan nào, để bố con và mọi người tiễn ông nội đoạn đường cuối cùng, trẻ con thì phải nghe lời, ông nội trên trời mà thấy thì… ”

“Bà ơi, bà, con xin bà, đó là ông nội của con, là ông nội của con mà…”

Trong cơn náo loạn, chiếc xe tang chở thi hài ông nội đến lò hỏa táng từ từ lăn bánh.

Trong ký ức của cô, cô đã từng chứng kiến nhiều người già ở quê mình qua đời và họ đều được đặt vào trong chiếc quan tài ấy.

Họ nằm đó bất động, không có nhiệt độ hay ý thức, được bao quanh bởi một vòng hoa tang, dù cách nhau chỉ một bức tường nhưng tưởng chừng như thể họ cách nhau cả hai kiếp.

Cô từng không quan tâm vì đó không phải những người mà cô quan tâm.

Lúc này Hạ Nhạc theo phản xạ bật dậy chạy theo chiếc xe.

Tấm vải che mặt đã được bỏ ra, gò má ông hóp lại, giống ông nhưng cũng không giống lắm.

Cô nhìn vào gương mặt ấy rồi đột nhiên bật khóc.

Tiếng khóc của bé Hạ Nhạc văng vẳng bên tai, cô bé khóc lóc thảm thiết khi bị người lớn kéo lại nhưng dù cô có buồn đến đâu thì người lớn cũng chỉ nghĩ cô cố tình gây sự và phớt lờ cô.

Đột nhiên, cô bé xé toạc chiếc áo tang ra, khi mọi người vẫn đang bàng hoàng thì cô bé vụt chạy theo chiếc xe tang màu trắng.

Hạ Nhạc cũng chạy theo cô bé.

Như trong ký ức của cô, con đường bê tông được đổ lên trên lớp đất bazan, hai bên đường là những ngọn nến trắng được thắp sáng, ánh lửa chập chờn theo gió.

Cô bé đuổi theo chiếc xe đang lao đi, vừa khóc vừa la hét nhưng chẳng ai để ý.

Nằm trên chiếc xe ấy hẳn là lạnh lắm.

Nó lao về phía xa không mang theo chút tâm tư nào, vứt bỏ sự ồn ào của thế gian lại, biến tất cả quá khứ thành tro bụi.

Tiếng khóc của bé Hạ Nhạc chói tai đến mức Hạ Nhạc cảm thấy màng nhĩ của mình đau nhức.

Cô dừng lại, chợt bé Hạ Nhạc ngã xuống tại chỗ, khoảnh khắc cô bé ngã xuống, trái tim của Hạ Nhạc cũng đau nhói.

Cô nhìn bé Hạ Nhạc, dáng vẻ ấy vẫn in hằn trong trí nhớ của cô…

Cô ngã xuống, vừa chật vật vừa đáng thương, không ngừng gọi ông nội.

Cô không nhịn được mà bật cười xót xa kèm theo là dòng nước mắt nóng hổi lăn dài.

Cảm giác choáng váng mãnh liệt ập đến, hai chân Hạ Nhạc mềm nhũn rồi gục ngã.