Thợ Sửa Giày

Chương 44: 44 Gì Cũng Được

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Đối với Lâm Tri mà nói, xấp tiền nhuận bút ấy, dường như còn hấp dẫn hơn cả quyển tạp chí in tác phẩm của mình.

Sau khi Hà Khiêm đi rồi, cậu cũng chẳng vẽ vời nữa, mà cứ ôm phong bì đếm đi đếm lại.

Tựa như một chú robot thấy tiền là sáng mắt lên.

“Được rồi được rồi.”

Sau khi cậu đếm được năm sáu bảy tám lần, Nhiếp Chấn Hoành ở cạnh đấy rốt cuộc không nhìn nổi nữa, đi qua giúp Lâm Tri nhét tiền về phong bì, “Cẩn thận lát đếm lại rơi.

Rớt vào góc khuất nào trong tiệm, anh cũng thèm vào mà nhặt cho đấy.”

Lâm Tri nghe vậy, tin là thật, vội vàng ngoan ngoãn dừng tay, “Ầu.”

Thấy Nhiếp Chấn Hoành cất tiền cẩn thận lại cho mình rồi, Lâm Tri cầm cái túi giấy phồng phồng, bỗng nhiên ngẩng đầu nói với người đàn ông, “Buổi tối, ăn tiệc to!”

Nét cười thoáng qua trong mắt Nhiếp Chấn, “Em khao hả?”

Lâm Tri gật đầu thật mạnh, “Dạ dạ!”

Mẹ nói, làm người, là phải biết tri ân báo đáp.

Lâm Tri nghĩ bụng, anh Hoành giúp cậu có công ăn việc làm, còn để dành chỗ cho cậu vẽ tranh, còn nấu cơm cho cậu ăn nữa, nhất định là ân nhân lớn của cậu rồi.

Giờ cậu có tiền, phải báo đáp anh Hoành thôi.

“Vậy Tri Tri tính khao anh ăn gì?”

Thấy tranh của Lâm Tri được nhiều người khen ngợi, công sức được đáp đền xứng đáng, tâm trạng Nhiếp Chấn Hoành cũng rất vui, còn vui hơn khi mình kiếm được tiền.

Anh tựa vào bàn để dụng cụ, cầm lòng không đậu mà trêu chọc cậu họa sĩ trước mặt, “Không được khao cái kiểu “tiệc to” mà ngày nào mình cũng ăn đâu đấy, anh không chịu đâu.”

“Ui…”

Câu này vừa cất lên, là Lâm Tri hoang mang liền.

Quả thật Lâm Tri cũng không biết mình nên khao Nhiếp Chấn Hoành ăn gì.

Cậu đã nhớ hết tên những tiệm cơm quanh đây rồi, đấy đều là do anh dẫn cậu đi.

Trừ những tiệm đó ra, cậu cũng chưa từng ăn tiệc lớn ở đâu nữa cả.

“Anh Hoành muốn ăn gì ạ?”

Lâm Tri chớp chớp mắt, dứt khoát ấn phong bì tiền mình đang cầm vào lòng người đàn ông: “Gì cũng được ạ!”

Cậu trả tiền, còn anh Hoành quyết, chỉ có chuẩn.

“Em cầm nó còn chưa ấm tay mà…”

Nhiếp Chấn Hoành hơi ngạc nhiên, tóm lấy phong bì tiền đang rơi, “Đưa anh hết à?”

Lâm Tri không hiểu tại sao lại phải cầm tiền ấm tay lắm, ấm rồi thì được nhiều tiền hơn à?

Cậu chỉ nhớ lời mẹ thường nói ngày xưa, nghiêm túc thuật lại cho Nhiếp Chấn Hoành, “Dùng đi, rồi kiếm lại sau.”

Mẹ bảo, tiền không phải là để tích cóp mãi, cái gì nên tiêu thì phải tiêu.

Không đủ thì nghĩ cách mà kiếm, đừng bao giờ bạc đãi bản thân mình.

Nhiếp Chấn Hoành chỉ cảm thấy phong bì mình đang cầm nặng trĩu, anh siết nó thật chặt, “Em thật là…”

Lòng tin và sự coi trọng mà Lâm Tri dành cho anh, thể hiện qua vẻ thẳng thắn vô ý này, khiến dòng suy nghĩ miên man mà Nhiếp Chấn Hoành vất vả lắm mới quẳng ra sau đầu được lại tràn ngập tâm trí anh lần nữa.

Hơn nữa lần này, những suy nghĩ hoang đường quá đáng kia lại càng rõ ràng hơn, càng khiến người ta thấp thỏm dao động.

Cậu nhóc này rốt cuộc có biết mình đang làm gì không?

Nhưng họ chỉ là kiểu bèo nước gặp nhau, là hàng xóm láng giềng mới quen chưa được mấy tháng.

Sau bé ngốc này lại yên tâm nhường ấy, anh nói gì là nghe anh hết vậy? Còn tùy tiện đưa hết số tiền mà cu cậu vất vả lắm mới kiếm được cho anh nữa?

Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy thứ mình cầm trong tay không phải tiền, mà như là trái tim mềm mại, trong sáng của cậu nhóc.

“Em ấy à…”

Nhiếp Chấn Hoành lại thở than, nhấc cái tay để không đặt lên mái tóc mềm mại của Lâm Tri, hóa tâm trạng phức tạp thành một cái ấn nhẹ, “Đi thôi.”

Rõ ràng hôm nay là ngày lành mà cậu nhóc kiếm được tiền, nhưng hình như anh mới là kẻ được hời hơn.

Ở nơi mà Lâm Tri không nhìn thấy được, Nhiếp Chấn Hoành giấu phong bì ra sau lưng, nhét vào ngăn kéo của chiếc bàn để dụng cụ.

Sau đó anh mới chậm rãi ngồi dậy, đưa cậu thanh niên ra ngoài cửa, “Nghe nói phố đằng trước có tiệm lẩu mini mới mở, anh Hoành dẫn em đi ăn thử nhé!”

*

Về sau, Nhiếp Chấn Hoành lại qua sạp báo ở ngã tư của khu tập thể mua mấy quyển tạp chí nhi đồng có in tác phẩm của Lâm Tri.

Một quyển anh bọc lại bằng giấy trong, trưng bày ở kệ hàng bắt mắt nhất trong tiệm.

Những quyển còn lại được Nhiếp Chấn Hoành ôm về nhà mình, đặt trên giá sách ba tầng ở nhà anh.

Hồi xưa đi học, Nhiếp Chấn Hoành không hề ham hố đọc sách đọc vở gì.

Về sau làm buôn bán, cần phải học một ít kiến thức chuyên ngành, anh đành cố đấm ăn xôi mua khá nhiều sách kinh doanh và dạy thành công về gặm, nhưng cũng chẳng thấy vô đầu bao nhiêu.

Mãi đến lúc mở tiệm sửa giày, một thân một mình lại không mấy bận rộn, có nhiều thời gian rảnh rỗi, Nhiếp Chấn Hoành mới bắt đầu đọc sách nghiêm túc.

Báo, tạp chí, hoặc mấy cuốn sách tạp tiểu thuyết, có gì anh đọc nấy, thế mà dần dà cũng khám phá ra chỗ thú vị của chúng.

Khu tập thể cũ hay có người thu mua đồng nát.

Sách báo cũ đều có thể bán theo cân, lấy giá bằng giấy lộn, rẻ vô cùng.

Thi thoảng gặp người bán đồng nát lái ba gác đi qua, Nhiếp Chấn Hoành sẽ tới gần lựa thử coi có quyển sách báo nào trông thú vị không.

Dù sao chúng còn chẳng đắt bằng một bao thuốc của anh, mua về cũng giết được khôi khối thời gian.

Mấy năm ròng, anh đã tích lũy được kha khá sách, giá sách trong nhà cũng gần đầy.

Võ hiệp, giả tưởng, đống sách cũ thượng vàng hạ cám nằm chung một chỗ, trông cũng có dáng dấp dân đọc sách ra trò.

Giờ tầng giữa có thêm một chồng tạp chí nhi đồng, vừa bắt mắt lại vừa hài hòa, điểm xuyết thêm chút màu sắc trẻ thơ cho giá sách.

Nhiếp Chấn Hoành không biết tại sao mình lại làm vậy, nhưng anh thấy rất vui, nên cứ làm thôi.

Có thể là do bị lây cái tính thẳng căng của cậu nhóc.

Hôm đấy đi ăn lẩu mini, hai người ngồi đối mặt với nhau, giữa hương cay hôi hổi, Nhiếp Chấn Hoành cứ nhìn Lâm Tri qua làn sương mờ mãi.

Anh cũng không biết mình đang nhìn gì, đồ ăn ngon lành thì chẳng chén, nhưng anh không kìm được lòng mình, luôn hướng mắt về người đối diện.

Còn cậu nhóc ngồi trước mặt anh, dù nãy giờ toàn cúi đầu ăn xì xụp, nhưng giác quan nhạy bén vẫn giúp cậu phát hiện ra ánh nhìn chăm chú của Nhiếp Chấn Hoành.

Cậu ngẩng đầu nhìn thẳng vào anh rất nhiều lần.

Mỗi lần mắt hai người chạm nhau, Nhiếp Chấn Hoành đều lảng đi trước.

Bởi vì anh không chịu nổi đôi má lúm cứ lúng liếng trước mắt mình, và cả việc Lâm Tri nhúng chín thịt nhưng nhịn không ăn, còn chủ động gắp cho anh nữa.

Rõ ràng biết có lẽ người trước mặt chẳng hiểu gì cả, nhưng Nhiếp Chấn Hoành vẫn không khỏi suy nghĩ, tại sao cậu nhóc lại đối xử tốt với mình như vậy.

Vì thế nương màn sương mờ ảo, anh vờ như bâng quơ hỏi câu đó.

“Bởi vì… anh Hoành rất tốt ạ.”

Lâm Tri ăn một gắp mỡ bò bọc ớt cay, những giọt mồ hôi li ti rịn ra trên chóp mũi hênh hếch.

Nhiếp Chấn Hoành vẫy tay với nhân viên phục vụ, gọi một lon Coca ướp lạnh cho cậu nhóc.

Lúc Coca được mang lên bàn, anh bật nắp lon cho Lâm Tri, rồi mới đưa tới trước mặt cậu thanh niên cho cậu uống.

Nhìn Lâm Tri ngoan ngoãn uống nước ừng ực, Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy trái tim mình cũng như loại thức uống này, sủi bọt ùng ục trên mặt nước.

“Anh Hoành rất tốt với em,” Nương vị ngọt của Coca, Lâm Tri li3m đôi môi cay xè, nói như một lẽ dĩ nhiên, “Nên em cũng muốn đối tốt với anh Hoành ạ.”

Đến khi Lâm Tri tiêu diệt xong lon nước, cuộn chỉ rối trong lòng Nhiếp Chấn Hoành cũng bị hòa tan gần hết theo bọt khí.

Anh vớt một miếng dạ con ra khỏi nồi, cười bỏ vào bát của Lâm Tri, nói, “Tri Tri cũng rất tốt.”

Cho nên.

Anh còn muốn đối tốt với em hơn..