*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Vào Hè, thời tiết mỗi lúc một nóng nực hơn.
Rõ ràng còn chưa tới thời điểm nóng nhất trong năm, mà đứng ngoài một lúc là về nhà có thể vắt áo quần ra nước ngay.
Với những người làm ăn buôn bán bên ngoài, có nóng thế chứ nóng nữa họ vẫn gần như chẳng được lúc nào lười biếng ăn lương.
Nghỉ thêm một hơi có thể sẽ đồng nghĩa với bớt đi một món tiền nuôi gia đình.
Chỉ lúc nào không có khách đến, họ mới được dừng lại lau mồ hôi, lén hưởng thời khắc nhàn hạ hiếm hoi.
May thay những người này không bao gồm bà con trong khu tập thể cũ của xưởng máy móc.
Phần lớn mọi người đều là dân địa phương đã an cư lập nghiệp ở đây mười mấy năm.
Tuy không sống quá giàu sang phú quý, nhưng chí ít cũng có của ăn của để, chẳng lo cái ăn cái mặc.
Dù họ mở quán buôn bán, nhưng thực ra giống kiếm việc giết thời gian hơn.
Bao giờ có khách thì họ niềm nở đón khách, còn những lúc kia, họ hoặc cầm quạt hương bồ tâm sự hóng hớt, hay lập xới mạt chược ù bài.
Nói chung cuộc sống giản đơn của họ trôi qua vô cùng nhàn nhã.
Ở thành phố này lâu, người ta cũng vô thức hòa mình vào tiết tấu chậm rãi độc đáo của nơi đây, lười dần nhác thêm.
Những cửa hàng mở trong khu tập thể, phần đông đều chỉ có khách quen lui tới.
Tuy lưu lượng khách không nhiều bằng các khu kinh doanh bên ngoài, nhưng thắng ở chỗ ổn định.
Nhóm khách cũ mua theo thói quen, dù đằng ấy có đóng tiệm mấy hôm, họ cũng chẳng qua chỗ khác mua.
Bao giờ đằng ấy về, họ càu nhàu vài câu rồi hôm sau vẫn qua mua hàng như thường.
Tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành lại càng không cần phải nói.
Trong phạm vi một hai cây số quanh đây, chỉ có mình quán anh làm nghề này.
Chỉ cần không phải hạng ăn xài phung phí hỏng giày là vứt, thì người ta đều tới nhờ anh sửa lại cho.
Huống chi anh còn kiêm thêm mấy việc vặt như sửa ô mở khóa đổi phéc mơ tuya, bình thường có đồ dùng gì trong nhà không sửa được, mọi người toàn qua hỏi anh.
Cũng chính bởi vậy, nên Nhiếp Chấn Hoành mới sống kiểu “há miệng chờ sung” như thế —— dù gì cũng có cái ăn tìm tới tận miệng.
Nhưng giờ, quán có thêm một miệng ăn, Nhiếp Chấn Hoành ít nhiều cũng có thêm động lực để kiếm tiền.
Dù gì một gã quê mùa như anh, chăm sóc bản thân búa xua thì không sao, nhưng Lâm Tri là một đứa trẻ nít mới hơn 20 tuổi, nụ hoa còn chưa nở hết, không thể để cu cậu chịu đói được.
Nhắc mới nhớ, dạo này Nhiếp Chấn Hoành mở cửa hàng sớm hơn rất nhiều.
Vốn dĩ anh ngủ đến 9-10 giờ là chuyện thường tình, nhưng hình như đồng hồ sinh học của cậu nhóc luôn bắt đầu từ rất sớm.
Mấy ngày đầu, Lâm Tri toàn xuống lầu đứng ngoài tiệm sửa giày đợi anh từ sáng sớm tinh mơ.
Nhiếp Chấn Hoành không biết, nên ngủ no ở nhà rồi mới nhàn nhã đi xuống, kết quả anh phát hiện cậu nhóc mặc áo quần mỏng manh ôm bảng vẽ một mình, ngồi chăm chú vẽ tranh trên bậc thềm.
Ngồi lẻ loi như thế chẳng biết đã bao lâu.
Thằng nhóc này, thấy anh chưa mở cửa thì không biết vào phòng đợi trước hay sao?
Nhiếp Chấn Hoành đi tới định làu bàu mấy câu, ai dè người ngồi trên thềm lại ngẩng đầu lên nhoẻn miệng cười với anh, tiện thể hắt xì một cái cực kỳ đáng thương.
Thế là Nhiếp Chấn Hoành chẳng thể nào răn dạy gì nổi.
Anh muộn màng nhận ra có lẽ mình đã rước một cục phiền vào người.
Nhưng nhìn dáng vẻ ngây thơ ngơ ngác của Lâm Tri, anh lại cảm thấy cục phiền này cũng chẳng hề gì.
Thôi vậy.
Hồi xưa lúc anh quản cả chục cả trăm người, chẳng phải cũng thế hay sao?
Giờ chỉ cần chăm sóc thêm một cậu ngố lơ ngơ, cũng chẳng tốn mấy sức lực của anh.
Kết quả là, anh thợ sửa giày luôn tuân thủ quy tắc “ngủ no mới sống được lâu” phá lệ đặt đồng hồ báo thức trong di động, ngày ngày xuống lầu từ sáng sớm kéo cửa cuốn lên, trở thành một phần trong cảnh tượng ồn ào náo động của thành phố vào mỗi sáng.
Nhiếp Chấn Hoành không cảm thấy đây là chuyện to tát, còn Lâm Tri luôn đắm chìm trong thế giới của riêng mình thì càng là chẳng hề hay biết gì.
Ngược lại, Vương Kim Bảo cách vách lại kêu la oai oái cảm thán, mặt trời mọc đằng Tây rồi.
“Ngày xưa khách tới quán kêu chú lấy tiền, chú còn lười chẳng thèm xuống!” Vương Kim Bảo chặc lưỡi lấy làm kỳ, “Ngọn gió nào thổi, mà làm chú phơi phới thế?”
Nhiếp Chấn Hoành cuốn cửa lên, móc một điếu thuốc đưa cho Vương Kim Bảo, chặn miệng chú ta lại.
“Ngủ sớm dậy sớm tốt cho sức khỏe.”
Anh ho nhẹ, nói xong lại không nhịn nổi ngoái đầu liếc về phía người đang bật đèn trong nhà.
Kết quả anh lại phát hiện, cậu chạy vặt đi xuống cùng anh hoàn toàn không theo dõi cuộc trò chuyện giữa hai người.
Cậu đang nghiêm túc đùa nghịch dụng cụ và giá vẽ trong phòng, chuẩn bị bắt đầu công việc một ngày mới.
Cuộc sống của Lâm Tri luôn rất theo quy củ.
Giờ thức dậy, giờ đi ăn, giờ vẽ tranh, đều có thời gian cố định.
Tựa như một chú robot lên dây cót, cậu chỉ làm những gì mình đã quen thuộc dựa theo kế hoạch định sẵn, như thể chỉ khi làm thế, cậu mới có thể an tâm.
Nhiếp Chấn Hoành đã loáng thoáng nhận ra tình trạng của Lâm Tri.
Anh thầm cảm thấy không ổn lắm, nhưng lại không dám mạo muội thay đổi cậu.
Nếu anh đoán không nhầm, có thể cậu nhóc mắc phải tật nhỏ gì đó.
Từ nhiều hành vi trước đó của Lâm Tri, và những cử chỉ đơn thuần do bị mẹ bảo bọc quá đà, anh đều có thể nhận ra vài vấn đề.
Nhưng bản thân Nhiếp Chấn Hoành cũng có vết thương lòng, anh biết bị người khác chạm nọc sẽ khó chịu thế nào.
Cho nên, anh sẽ không tự tiện đụng vào vùng cấm địa của cậu em hàng xóm.
Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy, nếu Lâm Tri muốn nói, thì sớm muộn gì cậu cũng chủ động bày tỏ.
Nhưng anh lại quên mất rằng, chú nhóc mà anh quen lơ ngơ đến mức nào.
Ngơ tới mức nếu anh không mở miệng hỏi, người ta cũng chẳng ngẫm được đến chỗ đấy.
Phải đến một sự kiện nhỏ nhặt, thì Nhiếp Chấn Hoành mới tình cờ chạm tới khiếm khuyết mà Lâm Tri chưa từng che giấu bao giờ.
Chính bởi đã liếc trộm được chuyện ấy, nên anh mới rốt cuộc không thể làm lơ tiếng lòng mình được nữa.
*
Bữa tiệc món Diêm Bang mà Nhiếp Chấn Hoành bao thầu tối hôm nọ đã giúp hai anh chàng ăn no căng.
Cậu chạy việc Lâm Tri chẳng rõ tập được thói quen tốt từ bao giờ, còn tiết kiệm hơn cả chủ xị là anh.
Trước khi ra về, cậu bảo nhân viên gói mấy món họ chưa ăn hết lại, vì thế mấy bữa nay họ đều tập trung tiêu diệt đồ ăn thừa trong tủ lạnh.
Một số dùng để nấu cơm trộn, một ít để làm món kèm khi ăn mỳ.
Chẳng qua món nào cũng mặn mà dầu mỡ cay nồng.
Chưa nói đến Lâm Tri, chính bản thân Nhiếp Chấn Hoành ăn còn thấy bứ cả cổ, tối ngủ tê hết miệng.
Chí ít hôm qua họ đã tiêu diệt sạch sẽ tất cả đồ ăn trong tủ, hôm nay Nhiếp Chấn Hoành bèn tính mua một con cá trích, hầm canh cá trích để hai người ăn cho bớt mỡ màng.
Đi khoảng 1-200 mét khỏi khu tập thể cũ là đến một khu chợ lớn.
Khoảng 4-5 giờ chiều, mặt trời phơi mặt suốt ngày rốt cuộc cũng xuống núi.
Nhiếp Chấn Hoành hóng mát nghỉ ngơi đủ đầy, bèn đứng dậy khỏi chiếc ghế ngả, duỗi người tính đi mua đồ ăn.
Anh đi vào trong phòng, mở ngăn kéo tủ để dụng cụ ra, lấy một mớ tiền lẻ, đếm số tiền.
Trước khi ra ngoài, bước chân Nhiếp Chấn Hoành khựng lại bên cạnh một người khác trong phòng.
Anh cũng chẳng biết mình đang nghĩ gì, mà ma xui quỷ khiến thế nào lại khom lưng cúi xuống cạnh người đang nghiêm túc vẽ vời, quan sát tác phẩm mới của cậu nhóc, tiện thể hỏi thêm một câu.
“Tối nay ăn canh cá nhé.
Còn muốn ăn gì không?”
Giọng nói đột ngột vang lên bên tai, cái tay cầm cọ của Lâm Tri run lên.
Bởi vậy, cục màu đọng lại trên tấm bạt, như thể bị mất đi một mảng pixel vậy.
Nhiếp Chấn Hoành đợi mãi mà không có tiếng tăm gì, bấy giờ mới để ý vệt vô duyên trên bức họa, bỗng thấy hơi ảo não.
Anh cảm thấy có khi hồi đấy mình không chỉ què chân, mà đầu óc cũng què quặt theo rồi.
Nếu chẳng thế, làm sao một kẻ đã hơn ba chục như mình lại lỗ m ãng như thế, phá hỏng cả bức tranh đẹp của cậu nhóc nhà người ta.
Nhưng Lâm Tri lại không tức giận.
Cậu vẫn cầm cọ, chỉ duỗi tay dấp ít nước sạch trong ống đựng bút, nhẹ nhàng quẹt nhòe chỗ mình vừa chọc phải.
Bức tranh như bị mất một góc lại lưu loát tự nhiên như ban đầu.
Cậu vừa đưa ngòi bút, vừa nghiêm túc dượt lại câu nói của người đàn ông trong đầu, rồi mới chậm chạp đáp, “Sao cũng được ạ.”
Món canh trăng trắng ấm áp còn tỏa hơi nóng hiện lên trong đầu Lâm Tri.
Đó là ký ức về bữa cơm mà cậu từng thưởng thức.
Uống hết một ngụm canh, trong bát vẫn còn mấy miếng thịt bụng cá không xương, mềm mại, bỏ vào miệng là tan ra ngay, tất cả đều là hương vị của mẹ.
Lâm Tri không khỏi li3m đôi môi khô khốc.
Canh cá trích, ngon lắm.
Nhiếp Chấn Hoành cũng để ý thấy đôi môi đỏ tươi lạ thường của cậu nhóc.
Nhưng điều anh nghĩ tới lại là… e là mấy nay ăn đậm dầu mặn muối quá nên bị nóng trong người đây.
Ánh mắt Nhiếp Chấn Hoành dừng lại vài giây trên đôi môi kia, rồi mới liếc qua chỗ khác.
Anh ho nhẹ, “Vậy thì anh mua thêm ít ngó sen nhé.
Ngó sen xắt lát xào chua ngọt, ăn cho giải nhiệt.”
Nói xong, anh cũng không đợi Lâm Tri gật đầu, mà quay đi lê cái chân què ra khỏi cửa hàng luôn.
Lâm Tri ngồi trong phòng, nhìn theo bóng người đàn ông từ đằng xa, hơi nghi hoặc ngoẹo đầu —— Sao hôm nay anh Hoành đi nhanh thế?
Ồ.
Xem ra miếng thuốc dán bọc kỹ như cái bánh ú trên chân anh Hoành hữu dụng quá nhỉ.
Đến lúc Nhiếp Chấn Hoành mua đồ ăn xong quay lại, anh chợt phát hiện trong tiệm có thêm một khách hàng.
“Tiểu Lâm à, cậu thấy sao?”
Người đàn ông đeo kính ngồi xổm trong phòng, như thể đang thương lượng chuyện gì đó với cậu thanh niên ngồi trước bảng vẽ.
Nỗi nghi hoặc nảy lên trong lòng Nhiếp Chấn Hoành, anh đi vào treo đồ ăn lên tường, chào hỏi khách, “Anh Hà ạ?”
Hà Khiêm thấy ông chủ tiệm về thì vội vàng đứng lên, đẩy mắt kính nói với Nhiếp Chấn Hoành, “Chào ông chủ Nhiếp nhé.
Hôm nay tôi có việc thì mới đến chơi nhà, tới vái tứ phương nhờ hai chú giúp tôi đây.”
“Bọn em á?”
Nhiếp Chấn Hoành đưa mắt về phía Lâm Tri đang ngồi cạnh mình.
Quan sát mấy lần, thấy mặt cậu nhóc vẫn lạnh te như mọi ngày, anh mới thôi không nhìn nữa, cười hỏi Hà Khiêm, “Chuyện gì vậy anh?”
“Hầy, tại công việc khốn nạn của tôi chứ sao nữa!”
Hôm nay Hà Khiêm đeo đôi giày da bóng loáng, còn kẹp một cái cặp táp đắt đỏ dưới nách, trông như vừa tan làm.
“Chú cũng biết mà, trước giờ tôi luôn làm nghề biên tập tạp chí.”
Thay vì nói Hà Khiêm chuyện trò với Nhiếp Chấn Hoành, chi bằng bảo anh ta đang kể lể cho cậu thanh niên bên cạnh nghe thì đúng hơn, “Trước kia tôi toàn theo mảng tài liệu, phải đi lại phỏng vấn khá thường xuyên.
Nói toẹt ra là lương thì thấp việc linh tinh thì nhiều!” Anh ta càu nhàu mấy câu, nhưng biểu cảm vẫn khá tươi tỉnh, “Dạo này nhà xuất bản bên tôi đang điều chỉnh cơ cấu, bản thân tôi cũng muốn đổi hướng, nên chuyển qua làm tổng biên tập cho bộ phận sách báo nhi đồng.
“Không phải lao tâm lao lực như trước, coi như được thăng một chức nhỏ.
Nhưng dù sao cũng là chuyển qua hướng mới, tôi cũng có lắm chỗ đau đầu.” Hà Khiêm xoa thái dương, cúi đầu lấy một quyển sách mỏng khoảng cỡ A5 ra khỏi cặp táp, đưa cho Nhiếp Chấn Hoành.
“Khổ nỗi, chủ đề cho số tháng sau đã chọn xong rồi, nội dung cũng chuẩn bị được hòm hòm, nhưng đột nhiên một họa sĩ lại bị bóc phốt đạo tranh, không thể dùng bản phác đấy được nữa.
Bọn tôi tìm gấp họa sĩ khác hay hợp tác cùng, nhưng chẳng ai chịu nhận cả, tôi đang sầu bạc hết tóc đây!”
Hà Khiêm cười khổ nói, “Thật ra chỉ là một bức tranh minh họa thôi, không phức tạp gì.
Nhưng gấp lắm, tôi lại mới lên chức, có tí trở ngại bên dưới.
Giờ không tìm được ai thích hợp hơn, nên đành tới chỗ các chú thử vận may thôi chớ sao nữa?”
Nhiếp Chấn Hoành lật xem quyển tạp chí trong tay, quả thực đấy là sách báo nhi đồng.
Chữ to đoành, nội dung ít, nhưng lại có rất nhiều tranh minh họa sặc sỡ bắt mắt.
“Cho nên, anh tới là để…”
Nhiếp Chấn Hoành chủ động hỏi thay Lâm Tri, “Muốn đặt bản thảo của cậu em họa sĩ nhà em à?”.