05.

Lúc chia tay, tôi nói với hắn, tôi không còn tình cảm với hắn nữa.

Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt đó của hắn, hắn muốn tỏ ra kiêu ngạo, nhưng đôi mắt đột nhiên lại đỏ hoe.

Hắn nói: “Khang Niệm Kiều em đừng hối hận, tôi mà còn quay lại thì tôi làm cháu của em.”

Người nói nếu quay lại thì sẽ làm cháu của tôi, bây giờ lại quay về đây chỉ vì một câu tôi nói.

Lần này hắn hỏi lại, rõ ràng là không tin lý do trước đó tôi đưa ra.

Nói thật thì tôi cũng có đôi lúc làm tổn thương người ta quá đi mà.

Tôi vỗ nhẹ vào lưng hắn, giọng dịu lại: “Tôi là người nông thôn, nếu gả cho anh thì khác nào phải băng qua ngọn núi này đến ngọn núi khác chứ, vất vả lắm.”

Tạ Chước tức đến nỗi véo mặt của tôi, mà thật ra anh cũng không dùng sức mấy.

“Khang Niệm Kiều, em cũng thực tế quá ấy chứ.”

“Tôi chịu thôi, tôi nghèo lắm.”

Chúng tôi đều ngầm tỏ thái độ, không nói chuyện với nhau lúc ăn tối, bầu không khí lạnh lẽo khủng khiếp.

Bà nội lại liên tục gắp thức ăn cho hắn: “Nào, ăn nhiều vào.”

Hắn đặt cái đùi gà ở đ ĩa trước mặt tôi mà không nói lời nào.

Chà, dù có giận thì hắn vẫn không quên món tôi thích ăn.

Sau bữa tối, bà bảo tôi đi dọn dẹp lại nhà kho đựng gạo ở phía sau.

Hóa ra đó đã từng là nơi bố tôi ở, sau khi bố tôi đi thì nơi đó biến thành nhà kho để đựng gạo và thóc.

Khăn trải giường sạch sẽ, bên trên là những chiếc gối từ kiều mạch do chính tay bà nội làm.

Ngay cả chăn bông cũng do bà tự bện thành, rất ấm áp.

Tạ Chước thấy tôi dọn giường xong thì lập tức trèo lên giường, chui vào trong chăn, tôi đá hắn ta một cái: “Anh đi tắm đi rồi đi ngủ.”

“Trời lạnh như vậy, mai tắm.”

Nhà tắm ở phía bên kia của chuồng heo, nó được xây dựng vào những năm đầu tiên bố tôi dọn đến đây.

Bây giờ tứ phía đều bị gió lùa, gió chỉ cần mạnh hơn một chút là có thể thổi bay luôn tấm ván gỗ.

Tôi đi lấy nước nóng rồi bước vào. Ngay khi cởi bỏ quần áo, người tôi đã run lên vì lạnh.

Nhưng dù sao thì tôi cũng quen rồi.

Ngoài cửa có tiếng bước chân, giây tiếp theo vách tường dột nát bên ngoài phòng tắm được che bằng một tấm vải.

“Gió to như vậy mà còn muốn đi tắm, còn muốn tôi nói lý do tại sao bệnh viêm mũi của em mãi mà vẫn chưa khỏi không.”

“Em cứ như vậy, bảo sao mấy ngày đến tháng lại đau đớn thế.”

Dưới ánh đèn, đường nét khuôn mặt của hắn nghiêng nghiêng chiếu lên ga giường, dưới sống mũi tuấn mỹ, cái miệng đang nhếch lên không ngừng chửi thề.

Tôi thích nhất là giọng Bắc Kinh của hắn ta, cộng với giọng nói trầm ấm ấy, ngay cả khi chửi thề cũng chả thể nào mà ghét nổi.

Trong lòng tôi bỗng cảm thấy ấm áp.

Tạ Chước có một sức mạnh kỳ diệu như vậy đó, bất cứ ai tiếp xúc với hắn cũng đều sẽ thấy thích hắn.

Ngay cả dì bán rau ngoài chợ khi nhìn thấy Tạ Chước cũng sẽ cho hắn nhiều rau hơn người bình thường.

Ở trường, các lớp học mà hắn tham gia thì số lượng nữ luôn nhiều hơn nam.

Hắn hiền lành, tốt bụng, hài hước, có lúc tôi còn cảm thấy Tạ Chước rất nóng bỏng.

Trên thế giới này, chỉ sợ là có mỗi mình tôi là mù thôi.

06.

Trước khi trời sáng bà nội đã dậy nhặt rau củ rồi, sau đó vội vàng ra thị trấn để đi chợ.

Ngày họp chợ lúc nào cũng đông đúc, có thể bán được nhiều tiền hơn ngày thường.

Tạ Chước đứng ở cửa nhà kho đánh răng, hai mắt buồn ngủ đến híp cả lại, trên đầu còn có mấy sợi tóc rối, trông cũng đáng yêu đấy.

“Anh vào ngủ thêm chút nữa đi, tôi và bà nội đi là được rồi.”

“Em đừng làm loạn nữa, gánh nặng như vậy, em gánh không nổi đâu.”

Ngày xưa, tôi và bà nội lần lượt đổi vai gánh cho nhau để đi bán.

Tạ Chước nhẹ nhàng nhấc gánh rau lên.

Có những đoạn đường núi rất khó đi, dài đến vài cây số, đến chân núi thì mới có xe ô tô đi vào được thị trấn.

Trời hơi hửng sáng, chúng tôi đã vào trong thị trấn rồi.

Những thương lái đến để mua rau, có thể là do Tết Nguyên Đán nên họ cũng ra giá cao hơn.

Bà nội rất vui, còn mua cho chúng tôi mỗi người một miếng bánh gạo nếp táo đỏ.

Tạ Chước dẫn bà nội đi mua đậu phụ, nhìn bóng lưng của họ tôi cảm thấy thế giới này thật yên bình.

Kể từ khi bố tôi đi, trông bà cứ luôn buồn bã.

Sự xuất hiện của Tạ Chước khiến bà nội cười nhiều hơn, cũng bớt thở dài hơn.

Tạ Chước quay lại nhìn tôi, vẻ mặt hưng phấn chưa từng có.

“Khang Niệm Kiều, có muốn ăn kẹo không?”

“Hả, ăn!”

Tôi đứng trước mặt người đàn ông bán kẹo hồ lô ngào đường, rón rén ngẩng đầu lựa chọn.

Hắn cười mê mẩn, cầm lấy một xiên kẹo: “Quả dâu tây này lớn nhất, chúng ta lấy thêm một xiên táo gai nữa.”

“Đừng mua nhiều như vậy, ăn không hết đâu.”

“Hiếm khi vào thị trấn, cứ lấy đi.”

Tôi sung sướng cầm lấy xiên kẹo, cảm giác như mình đang được chiều chuộng như một đứa bé con.

Khi còn nhỏ, đi cùng bố, tôi chỉ được nhìn những đứa trẻ khác ăn.

“Anh cũng lấy một cái đi.”

“Không, tôi thích ăn của em.”

Hắn cúi xuống gặm một miếng dâu tây mà tôi vừa cắn vào, khẽ cười mãn nguyện.

“Ui cha, ngọt quá, đúng là đồ cho trẻ con.”

Khi tôi định đánh hắn một cái, điện thoại của hắn không ngừng rung lên.

Hắn nôn nóng ấn tắt máy.

“Á, tại sao không nghe máy.”

“Điện thoại quấy rối thôi.”

Trên đường từ thị trấn trở về, Tạ Chước rõ ràng trầm mặc hơn rất nhiều so với lúc tới đây.

Hắn ta có vẻ không vui, tôi có thể thấy được điều đó.

Tôi phải nghĩ cách làm cho hắn vui lên mới được.

07.

Vừa về đến cổng làng đã thấy mọi người trong làng đang mổ heo.

Ban đầu định bụng sẽ mua một chút sườn heo về làm sườn chua ngọt mà hắn thích để làm cho hắn vui.

Nhưng mà đông quá rồi, sườn heo trong chốc lát đã không còn một mẩu thịt nào.

Tên tóc vàng đang mổ heo trong làng chính là người theo đuổi tôi hồi cấp ba.

Thấy tôi thất thểu đi về, hắn vội vàng chạy theo và đưa cho tôi một miếng sườn heo xinh xắn.

“Niệm Kiều, em có thích ăn sườn heo không, miếng này là anh tự để dành cho mình, cho em đấy.”

Ánh mắt Tạ Chước đột nhiên trở nên sắc bén.

Tôi vội vàng giải thích: “Anh ấy là Khang Minh, chúng tôi lớn lên cùng nhau.”

“Ồ, thanh mai trúc mã sao?”

Cái tên âm dương quái khí này, sao lời nói lại chua ngoa thế không biết.

Khang Minh ngẩng đầu nhìn Tạ Chước: “Đây là…”

“Bạn cùng lớp.”

“Bạn trai.”

Hai chúng tôi không hẹn mà cùng lên tiếng, đáp án mỗi người lại chả ai giống ai.

Cái tên Tạ Chước này giận đen cả mặt lại.

Khang Minh lúng túng đứng đó ôm sườn heo, tôi còn đang suy nghĩ có nên nhận lấy hay không.

Không để tôi kịp phản ứng, Tạ Chước liếc nhìn miếng sườn heo: “Cầm về đi, chúng tôi không cần.”

“Tôi cho Niệm Kiều thì liên quan gì đến anh?”

Khang Minh cũng không chịu thua kém.

“Ha ha, Niệm Kiều thấy tôi thích ăn sườn chua ngọt nên mới đi mua, anh thấy thế nào?”

“Vậy thì cho dù có vứt ra sau núi tôi cũng không cho anh.”

Thấy hai người có vẻ sắp đánh nhau tới nơi rồi, bà nội vội vàng kéo Tạ Chước lại.

“Bà nội định mổ heo ở nhà để đón năm mới, bà nội làm sườn chua ngọt cho con ăn.”

Tôi không lên tiếng.

Con heo đón năm mới ở nhà vốn ban đầu định để bán đi, có thể giảm phần nào kinh tế khó khăn trong nhà.

Nhưng mà bà nội thương Tạ Chước.

Khang Minh xắn tay áo nói: “Bà nội chừng nào mổ heo đón năm mới thì gọi điện cho con, con đến giúp bà.”

Tạ Chước cười lạnh: “Không cần, bà nội có tôi là đủ rồi.”

Khang Minh tỏ vẻ kinh thường: “Đến con heo anh cũng không cầm chân được, làm người ấy à, có những lúc đừng để bản thân làm mấy chuyện ngu xuẩn.”

“Ha, nếu tôi làm được thì anh gọi tôi là bố đi.”

Quả nhiên, đàn ông cãi nhau thì không khác nào mấy đứa trẻ ba tuổi đang giành kẹo.

08.

Tục ngữ đã nói rồi, không có con heo nào mà không bị màu tóc vàng áp chế được cả.

Màu tóc của Khang Minh cũng là một lợi thế tự nhiên, Tạ Chước lại không tin vào điều đó.

Tạ Chước trông có chút lạc lõng giữa đám đồ tể mổ heo.

“Tạ Chước, thôi bỏ đi.”

Tôi không muốn hắn bị mất mặt ở nơi công cộng, nếu không thì anh chàng siêu tự trọng này nhất định sẽ hờn dỗi mất vài ngày.

Tạ Chước xoa xoa mái tóc đen dày của mình, không bằng lòng nói: “Chỉ là mổ một con heo thôi, có gì đâu mà ghê gớm.”

Tôi cạn lời.

Kim Cang có lẽ đã ngửi thấy mùi máu, nó sợ hãi ngay khi vừa được lôi ra khỏi chuồng.

Trong cơn tức giận, Tạ Chước đuổi theo nó chạy tứ tung, bị một con heo khác đụng trúng, ngã lăn ra đất.

“Kim Cang, tao nuôi mày đúng là không công mà.”

Tôi mất dấu họ luôn, Tạ Chước đuổi theo con heo ra sau nhà, sau đó cả người và heo đều biến mất.

Khang Minh cười nói: “Đây là người mà em thích sao?”

“Anh ấy cũng tốt lắm đó.”

Tầm nửa tiếng sau, Tạ Chước xuất hiện, mặt đầy bùn đất và máu heo, có vẻ như đã hoàn thành xong nhiệm vụ rồi, Kim Cang cũng coi như xong nhiệm vụ báo đáp ân tình chăm sóc.

Hắn táp nước lên rửa mặt, nhìn về Khang Minh mà hô: “Mau gọi bố đi nhanh lên.”

Khang Minh rũ vài sợi tóc vàng trước trán, nghiêng đầu nhìn tôi: “Người từ đâu tới mà lại hiếu thắng như vậy hả.”

Tôi vẫy tay với Tạ Chước, trả lời: “Anh ấy đến từ Sao Hỏa.”

Trong lần so tài lần này, Tạ Chước đã thể hiện đầy đủ tài năng của mình ở nông thôn.

Buổi tối trong bữa cơm, hắn ta cứ luôn miệng tự khen thịt sườn con heo mà hắn mổ rất ngon.

Chỉ là lúc đi tắm, nước nóng vào vết thương nên hắn kêu gào lên đau đớn.

Tôi giơ lọ thuốc mỡ lên, hỏi hắn: “Anh bị thương ở đâu, tôi bôi thuốc cho anh.”

Tạ Chước cuộn tròn mình trong chăn, khuôn mặt ửng hồng, thấp giọng đáp: “Xương cụt.”

Tôi hít một hơi thật sâu, cố tỏ ra cho giọng mình nghe bình thường nhất có thể.

“Chổng mông lên.”

“Em nhìn nó rồi là phải chịu trách nhiệm đấy nhé.”

“Tôi đi gọi bà nội.”

Tôi quá quen với hắn ta rồi, vừa đứng dậy thì bị một bàn tay nóng bỏng nắm lấy.

Tạ Chước nhìn tôi với khuôn mặt đỏ bừng, biểu cảm ngại ngùng muốn chết.

“Anh thả lỏng chút đi…”