Đi vệ sinh trước một người đối với tôi không khác gì đi vệ sinh trước cả một đám người.

Về mặt tình cảm, tôi muốn cậu ta buông tôi ra ngay. Nhưng lý trí lại nói với tôi rằng, phải nhẫn nhịn và chịu đựng, một mình tôi không thể hoàn thành được chuyện này.

Cảm xúc và lý trí quấn lấy, giằng xé nhau, làm đầu tôi rối tinh rối mù.

Những ngày tôi nằm trên giường bệnh không thể cử động là ký ức mà tôi muốn nhớ lại nhất trong đời. Nhưng bây giờ, tôi giống như quay về lúc ấy một lần nữa, quay lại thời điểm không phải là "con người", mà chỉ là một "xác sống".

Lòng tự trọng và sự xấu hổ là những thứ "xác sống" không cần đến, chỉ có "tồn tại" mới là toàn bộ những gì nó cần.

Tôi cứng người một lúc, thật nhỏ giọng nói với Thương Mục Kiêu: "Đừng nhìn..."

Đừng nhìn lúc tôi khốn đốn quẫn bách như vậy.

Thương Mục Kiêu có lẽ đang nghĩ tôi làm ra vẻ, cậu ta cười nhạo một tiếng rồi quay đầu sang một bên.

"Vâng, không xem thì không xem."

Đây thực sự là một điều đau đớn, nhưng thà đau ngắn còn hơn đau dài, trước khi cậu ta trở nên mất kiên nhẫn hơn, tôi cần giải quyết nhu cầu sinh lý của mình càng sớm càng tốt.

Bàn tay bị thương không linh hoạt lắm, phải cố gắng vài lần mới gian nan mở được dây kéo quần.

Khi tiếng nước chảy vang lên trong toàn bộ phòng tắm và cơ thể tôi cảm thấy thả lỏng, tôi bắt đầu run rẩy không kiểm soát được.

Tôi cố gắng kiềm lại, nhưng vô ích. Giống như một con mèo bị đe dọa, tôi hoàn toàn không thể kiểm soát được cơ thể của mình.

Bàn tay trên eo siết chặt, Thương Mục Kiêu cũng không nhìn lại mà khó hiểu hỏi tôi: "Sao thầy lại run vậy?"

Cậu ta vừa hỏi, tôi càng run dữ dội hơn, vô tình bị dính vài giọt chất lỏng màu vàng trên vành bồn cầu.

Đúng là sợ cái gì ra cái đó.

Tôi ngây người nhìn chằm chằm vài giọt chất lỏng kia, cảm thấy cơ thể mình đang rã rời từng tấc từng tấc, linh hồn tái nhợt của tôi bay lên không trung, đờ đẫn nhìn thấy hết thảy, nhìn người đàn ông giãy giụa để cố giữ lại một chút tôn nghiêm cuối cùng cho bản thân, nhưng lại không như mong muốn.

Tôi cắn chặt môi dưới, cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của mình bằng cơn đau, để cứu những dây thần kinh mỏng manh đang bị đe dọa.

Vì run rẩy nên sau khi hoàn thành nhiệm vụ bài tiết, nhét dương v*t vào, tôi lại không kéo được dây kéo. Cả cái quá trình này không có đoạn nào suôn sẻ, giống như tất cả đều thành tâm mà chống đối tôi.

Tôi dần dần mất kiên nhẫn, bắt đầu kéo mạnh chiếc dây kéo lì lợm, ước gì có thể giật phăng nó ra, đạp xuống đất.

Cơn đau âm ỉ lan rong lòng bàn tay, có vẻ như vết thương lại bị rách miệng rồi.

"Không sao chứ?" Thương Mục Kiêu không nhận được câu trả lời của tôi, không thể không quay đầu lại, vừa lúc nhìn thấy thấy tôi đang vật lộn với dây kéo.

"Tôi..." Tôi dừng lại, cụp mắt xuống, tầm mắt dừng ở mấy giọt nước tiểu trên vành bồn cầu, ngoài miệng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh, "Tôi không thể đóng khóa kéo."

Thương Mục Kiêu im lặng một lúc, rồi rất nhẹ thở dài, mi mắt tôi run lên.

Tiếng thở dài này thật quen thuộc với tôi, nó thường xuất hiện khi mọi người đã hết kiên nhẫn.

Trong miệng lan tràn một vị đắng, tôi còn đang tính thử kéo lại lần nữa, Thương Mục Kiêu đã đột nhiên bế tôi lên, đi ra khỏi phòng tắm, đặt tôi lên giường ở phòng ngoài.

Đặt tôi xuống xong, cậu ta quay trở lại phòng tắm.

Tôi co người trên giường, dùng cả hai tay, cuối cùng cũng kéo lại được cái khóa vừa nãy kéo cỡ nào cũng không lên.

Ánh sáng trên đầu hơi chói mắt. Tôi không biết Thương Mục Kiêu quay lại để làm gì, có nhìn thấy "chứng cứ phạm tội" tôi để lại hay không, tôi chỉ muốn giấu mình đi.

Tôi hối hận, lẽ ra tôi không nên để Thương Mục Kiêu tới gần, cũng không nên cảm thấy đây chỉ là một cuộc đánh cược vô thưởng vô phạt nhàm chán của một đứa con nít.

Tôi nên tránh xa cậu ta, tránh xa tất cả mọi người.

Tôi cuộn mình trong chiếc chăn bông thành một cái kén khổng lồ. Môi trường tối tăm kín mít khiến tôi hơi ngạt thở, nhưng nó có thể giúp tôi bình tĩnh lại một chút.

Không thể tránh né, không thể thoát ra. Tôi chỉ có thể làm tê liệt bản thân bằng cách này, tự lừa dối bản thân rằng cái chăn bông là một pháo đài an toàn, không ai có thể vào được.

Tiếng bước chân đến gần, Thương Mục Kiêu từ phòng tắm đi ra.

"Thầy không thấy chán à?" Cậu ta cười, đi tới kéo chăn bông của tôi. Tôi túm chặt chăn lại không cho cậu ta giật ra.

"Bỏ đánh cược đi, tôi nhận thua." Tôi nói với cậu ta qua lớp chăn bông.

Bên ngoài yên tĩnh, một lúc sau, giọng nói hơi buồn cười của Thương Mục Kiêu vang lên: "Chỉ vì thầy đi vệ sinh trước mặt em, còn tiểu dính ra bên ngoài?"

Tôi nhắm mắt lại, quấn mình chặt hơn.

"Này, thầy định ở trong này mãi à?"

Tôi không trả lời, trốn trong pháo đài cảm giác rất an toàn.

"Cũng có ai khác biết đâu mà, thầy để bụng làm gì? Em còn nghĩ thầy không bận tâm người khác nghĩ gì về mình cơ đấy." Cậu ta cậy mạnh kéo chiếc chăn bông trên đầu tôi ra, lộ ra khuôn mặt.

Tôi trừng mắt nhìn cậu ta, giọng gần như mất tiếng: "Tránh ra."

Tôi không quan tâm đến ý kiến ​​của người khác, nhưng tôi có cảm xúc của riêng mình, và bây giờ tôi đang cảm thấy rất tệ hại.

Cậu ta ngẩn người, như thể không ngờ tôi lại như thế này.

"Thầy khóc à?"

Tôi chắc chắn rằng tôi không khóc, nhưng tôi rất dễ bị đỏ mắt khi xúc động, trông rất giống như sắp khóc nên thành ra nhiều lại người hiểu lầm.

"Không có." Tôi quay mặt đi, không thèm nhìn cậu ta.

Thương Mục Kiêu ngồi xuống bên giường, không nói gì, ngồi im như thế hai phút, hết hai phút, cậu ta đột nhiên thỏa hiệp.

"Được rồi được rồi, không đánh cược, không đánh cược nữa. Chúng ta hòa, không phân thắng bại." Giọng cậu ta kéo dài, có vẻ rất không đành lòng.

Tôi quay lại nhìn cậu ta, hỏi: "Chìa khóa xe đâu?"

Cậu ta móc túi, ném chìa khóa xe xuống bàn nhỏ cạnh giường.

"Tự lau tay đi." Cậu ta ném chiếc khăn lông ướt đang cầm trong tay cho tôi, sau đó đi vào phòng tắm lần thứ ba. Nghe tiếng động, chắc là cậu ta đang rửa mặt.

Sau bữa sáng, tôi và Thương Mục Kiêu lên đường về Thanh Loan. Trên đường đi tôi không muốn nói chuyện, cậu ta cũng thức thời không chọc vào tôi.

Vết thương trên tay đã được quấn lại, vết thương và gạc dính vào nhau, lúc xé ra lại tốn thêm kha khá máu.

Khi đắp miếng gạc thứ hai lên người tôi, Thương Mục Kiêu đột nhiên nói xin lỗi.

Nếu không nhìn cái miệng cử động của cậu ta, tôi sẽ nghĩ mình đang bị ảo giác.

"Tha thứ cho em nha." Cậu ta ngước mắt lên nhìn tôi, miệng thổi thổi vào thương của tôi: "Thổi như vầy sẽ hết đau."

Vết thương quấn băng gạc, rõ ràng không thể cảm nhận được hơi thở của cậu ta, nhưng khi cậu ta thổi, các cơ của tôi dường như cảm thấy đau, chúng co giật trong vô thức.

Tôi rút tay về, hơi sợ bị tổn thương dây thần kinh, nhưng sau đó thì cảm giác này lại hết.

Thương Mục Kiêu bên cạnh tôi vẫn lặp lại câu nói, "Tha thứ cho em được không? Giáo sư Bắc."

Thế giới của trẻ con luôn thích hỏi han, tò mò tìm tòi đến tận cùng, nhưng thế giới của người lớn có quá nhiều cố kị, không thể cứ tùy tiện làm bậy.

Mặc dù cậu ta thực sự rất đáng ghét, nhưng cuối cùng với sự bao dung của một người lớn, tôi cũng vẫn phải chấp nhận lời xin lỗi của cậu ta. Ngay cả khi chỉ "ừm" một tiếng, tôi cũng rất miễn cưỡng.

Trở lại dưới lầu khu nhà của tôi, đã gần trưa. Chiếc moto nặng nề màu xanh trắng của Thương Mục Kiêu vẫn đậu tại chỗ cũ, giống như một thanh niên đẹp mã trầm lặng, làm người qua đường không thể không đưa mắt nhìn.

"Em về trước nha, lần sau mình lại đi chơi cùng nhau." Đội mũ bảo hiểm, vặn tay ga, Thương Mục Kiêu nói với tôi câu đầu tiên từ lúc bắt đầu chuyến trở về.

Lại còn lần sau nữa à?

"Đi đường cẩn thận." Chào một câu giả dối với cậu ta, tôi vào thang máy, không quay đầu lại lấy một cái.

Trở về ngôi nhà thân thuộc, mới chỉ đi được một đêm mà tôi đã cảm thấy như xa đến mấy kiếp.

Sau khi yên lặng ngồi nghỉ trong phòng khách một lúc, tôi đi tắm. Tôi không chăm sóc đặc biệt cho vết thương ở chân lắm, vì tôi cũng không có cảm giác gì, chỉ rửa sơ nó bằng nước sạch.

Tắm xong, tôi thoải mái nằm xuống giường chuẩn bị nghỉ ngơi, chợt nhớ ra buổi tối phải tham gia nhóm hỗ trợ tâm lý.

Tôi lấy điện thoại di động ra, gọi cho chị Liêu, báo với chị ấy rằng tôi hơi không khỏe, không thể tham gia hoạt động tuần này được.

Chị Liêu bày bày tỏ quan tâm đến tôi rất nhiều, hỏi han liên tục. Sau khi khó khăn cúp máy, tôi còn cảm thấy mệt mỏi hơn.

Tôi ngủ một giấc đến chiều, thức dậy đã là năm giờ.

Đã quá muộn để nấu ăn. Tôi mở apps định gọi đồ ăn giao đến.

Đúng lúc này Bắc Nham gọi tới.

Nó vừa khóc vừa kêu tôi đến đón, nói nó cãi nhau với bố mẹ, không bao giờ muốn về nhà nữa.

Từ nhỏ nó đã được đặt nhiều kỳ vọng, luôn bị quản lý nghiêm khắc, ngày ba bữa cơm, giờ học ở trường rồi giờ học thêm học bớt, hay thời gian rảnh rỗi đều sắp xếp rõ ràng, ngay cả việc nó kết bạn với ai cũng bị quản lý.

Nhìn nó, tựa như tự nhìn lại tôi khi tôi còn bé.

Khi một đứa con trai không thành công, họ sử dụng cùng một phương pháp để nuôi dạy một đứa khác. Cảm giác như chúng tôi không phải là người thật, chỉ là những con búp bê hình người sản xuất hàng loạt trong nhà máy vậy.

Tôi bảo nó đứng tại chỗ, đừng đi đâu lung tung, tôi sẽ đến ngay, sau khi chắc chắn rằng nó làm theo lời tôi, tôi mở chăn, ra khỏi giường, sau đó lại bị sốc bởi cái chân bị thương tôi vừa kéo ra ngoài.

Mới có mấy tiếng mà nó đã bắt đầu nhiễm trùng, mưng mủ.

Thời gian gấp gáp không kịp chăm sóc, tôi vội vàng dùng khăn giấy lau sạch máu mủ, băng lại gạc rồi lái xe đến chỗ của Bắc Nham.

Đến rồi mới biết đó là bệnh viện thú cưng.

Vừa bước vào cửa, mọi người đều nhìn tôi, chỉ có Bắc Nham đứng dậy khỏi ghế, chạy về phía tôi.

"Anh, cuối cùng anh cũng đến rồi." Bắc Nham mấy năm nay cũng cao lên nhiều, nhưng nó ăn nhiều quá, chiều cao theo không kịp nên có xu hướng phát triển theo chiều ngang.

Tròn tròn mập mập, hai má phúng phính.

"Em ở đây làm gì?" Tôi hỏi.

Nó vặn vẹo ngượng ngùng một hồi, không dám nhìn tôi.

"Bắc Nham." Tôi sa sầm mặt.

Nó sợ hãi, co rúm người lại, cuối cùng mới chịu khai thật.

Thì ra thấy chó hoang bị xe tông trên đường, thấy thương quá nên nó đưa chó đi bệnh viện, nhưng không có tiền cũng không dám nói với bố mẹ thế là gọi cho tôi cầu cứu. Chuyện cãi nhau với bố mẹ là nói dối tôi.

Nó vừa nói xong, một bác sĩ thú y trẻ tuổi mặc áo phẫu thuật màu xanh lá cây, đeo khẩu trang bước ra hỏi chủ chú chó nhỏ bị tai nạn là ai.

"L... là... chó của con." Bắc Nham kích động reo lên.

Tôi cũng tiến lên, thấy bảng tên trên ngực anh ta ghi "Hạ Vi Chu", tôi liền gọi anh ta là "Bác sĩ Hạ".

"Con chó thế nào rồi?"

Hạ Vi Chu cởi khẩu trang, để lộ một gương mặt ưa nhìn.

"Hai chân sau bị gãy, hai đùi đã bó bột nhưng vẫn cần truyền dịch." Vừa nói, anh vừa đưa chúng tôi đến gặp chú chó con còn đang ngủ vì chưa tan thuốc gây mê.

Chó con là một con chó cỏ (*), khoảng hơn ba tháng tuổi, nằm trông rất đáng thương, lưỡi nó rũ xuống, như thể nó đã chết.

Nhưng không thể đem con chó này về nhà, dù là nhà tôi hay nhà ba mẹ tôi cũng vậy, nó không có chốn dung thân.

Không còn cách nào, tôi phải tạm thời để nó lại bệnh viện thú cưng, đợi nó hồi phục rồi tìm một chủ nhân khác cho nó.

Dư Hỉ Hỉ hình như đang muốn nuôi một con chó giữ nhà, đến lúc đó hỏi cô ấy xem sao.

Để thuận tiện cho việc liên lạc, trước khi đi, Hạ Vi Chu xin số điện thoại di động của tôi, nói sẽ định kỳ gửi ảnh chú chó con cho tôi.

Xử lý xong một cục nợ, vẫn còn một cục nợ khác.

Tôi đưa Bắc Nham lên xe, chở nó về nhà.

"Sau này có chuyện gì thì nói thẳng, đừng có nói dối anh. Đi lên nhà đi, nói với bố mẹ trường tan trễ, trên đường còn bị kẹt xe."

Bắc Nham bước xuống xe hỏi: "Anh hai, anh không đi lên ạ?"

Tôi liếc nhìn cánh cửa sắt xanh quen thuộc mà cũng rất đỗi xa lạ, rồi lắc đầu: "Không, lát nữa anh có việc bận."

"Vâng." Nó tiu nghỉu nói: "Vậy em lên nhà nha".

Nó rút chìa khóa mở cánh cửa sắt, phóng vài cái lên lầu, biến mất khỏi tầm mắt của tôi.

Giờ này nhà nào cũng đang nấu cơm, cả tiểu khu sực nức mùi thức ăn, bố mẹ hẳn cũng đang đợi nó về ăn cơm.

Xoa xoa cái bụng đói, tôi mở apps đặt thức ăn, gọi một phần cơm giao về. Khi về đến nhà, phần cơm đã được đặt ở cửa, nguội ngắt, rất khó ăn.

Ăn thì vô vị mà bỏ đi thì tiếc lắm.

Nhưng cắn được vài miếng thì thật sự ăn không vô, cuối cùng tôi cũng phải cho vào thùng rác.