Thiên Táng

Chương 7: Mười ba ngọn núi thiêng

Suốt những năm Văn ở cùng với gia đình Gela, bà vẫn bám lấy niềm tin rằng một ngày nào đó bà sẽ được tái hợp với Khả Quân. Mặc dù theo nhiều cách bà đã tiếp thu lối sống của đạo Phật và, cũng như nhiều người Tây Tạng khác xung quanh, đã chấp nhận số phận mình, nhưng một phần trong bà không bao giờ chịu từ bỏ cuộc tìm kiếm. Hầu hết mọi suy tư của bà về Khả Quân đều chỉ gói gọn trong cuốn nhật ký, nhưng từ khi bà nói tiếng Tây Tạng khá hơn và cảm thấy có thể diễn đạt cảm nghĩ một cách tinh tế hơn, bà bắt đầu thử giải thích cảm xúc của mình với cả gia đình. Hồng là người đầu tiên được bà nói cho nghe về Khả Quân. Thiên hướng tâm linh mạnh mẽ mà bà nhận ra ở cậu ngay từ khi bà mới đến nhà này đã ngày một lớn lên theo năm tháng, nên bà cảm thấy có thể tin cậy ở cậu. Bà nhớ rằng hồi còn bé, cậu đã rất sợ thấy ảnh Khả Quân. Nay bà lấy ảnh ra chìa cho cậu xem. “Người này là người yêu của cô,” bà nói. “Mặt trời và mặt trăng của cô.”

Dần dần Khả Quân trở thành một phần của cuộc chuyện trò. Cả gia đình thường lắng nghe như bị bỏ bùa khi Văn kể cho họ nghe về cuộc đời trước kia của mình ở Trung Quốc. Đặc biệt là Bát, nay đã thành người lớn, dường như nuốt từng lời những thông tin về cái thế giới rất khác biệt này ở phương Đông. Cuối cùng cũng đến cái ngày Văn chưa bao giờ dám hy vọng tới. Gela đến gặp bà nói rằng cả nhà đã quyết định giúp bà tìm kiếm. Hồng nay đã đủ tuổi để có thể giúp ích cho Gela nên Ge’er có thể rảnh tay. Bát cũng muốn đi cùng họ và Gela đồng ý bởi vì năng khiếu tiên tri huyền bí của cô bé có thể có ích cho Văn. Ông sẽ cho họ ba con ngựa và đầy đủ lương khô để họ có thể đi một thời gian. Khi thức ăn dự trữ cạn, họ có thể cậy vào sự hào phóng của những người Tây Tạng khác và các tu viện.

Khi Văn nghe nói cả nhà đang lên kế hoạch tách nhau ra để giúp đỡ mình, bà òa khóc. Bà không biết nói gì. Không có lời nào đủ để diễn tả hết bà hàm ơn họ bao nhiêu. Họ không chỉ cứu bà thoát chết mà còn nhận bà vào mái ấm gia đình đầy tình yêu thương của mình suốt bao năm qua. Thấy những giọt lệ của Văn, Saierbao lặng lẽ nắm tay bà khẽ vuốt ve. Văn cảm thấy cái thô ráp của làn da Saierbao. Bà đã già đi nhiều. Những quần áo sặc sỡ của bà đã phai màu, nữ trang của bà xỉn đi, nhưng gương mặt bà vẫn ngời sáng.

Buổi chia tay của họ thật trang trọng. Gela và Saierbao lặng lẽ quan sát trong khi Ge’er chất đồ lên ngựa. Saierbao đã chuẩn bị những túi đựng đồ ăn thức uống; có một cái lều, đệm ngủ, dây thừng và thuốc men.

Trong khi Hồng giữ dây cương cho Văn để bà lên ngựa, cậu thầm thì nói riêng với Văn rằng ngay khi Ge’er trở về, cậu dự định sẽ vào một tu viện như các ông anh Ma và Mê. Cậu đã nghiền ngẫm những lời của Văn về Khả Quân: cậu cho rằng cậu hiểu tình yêu của bà là thế nào bởi vì, với cậu, những linh hồn cũng giống như mặt trời và mặt trăng vậy.

Giữa những lời tiễn biệt, Văn tháo chiếc vòng cổ bằng cacnelian mà trước kia Zhuoma tặng bà rồi ấn vào tay Saierbao, cùng với bộ quân phục cũ mà bà chưa bao giờ mặc lại. Hình ảnh gương mặt Ni tràn ngập tâm trí Văn. Bà biết rằng dù có đi đâu, bà sẽ không bao giờ quên cô gái nhỏ chẳng khác nào một chiếc chuông gió xinh đẹp ngày xưa, và cả tình yêu thương thầm lặng của gia đình cô.

Trong khi lên kế hoạch cho chuyến đi, Bát đề nghị với Ge’er họ nên tìm những thợ đẽo đá từng tạc những hòn đá mani trên các ngọn núi thiêng. Những người đó thường tiếp đón đủ mọi hạng người muốn dâng cúng cho thánh thần. Chắc hẳn họ sẽ có tin tức về bất cứ người Trung Quốc nào từng đi qua đường đó trong mấy năm trở lại đây. Ge’er đồng ý rằng họ nên khởi đầu như thế.

Trong nhiều tháng, mọi tìm kiếm của họ đều không đem lại kết quả. Họ rong ruổi từ núi này qua núi nọ, nhưng không một thợ đẽo đá nào mà Ge’er trò chuyện nhận ra được ảnh Khả Quân hoặc từng gặp người Trung Quốc nào. Văn cũng chẳng thu lượm được mấy thông tin về chuyện điều gì đã xảy ra với Quân Giải phóng Nhân dân ở vùng này của Tây Tạng. “Xung đột chấm dứt chưa?” gặp ai bà cũng hỏi. Họ chỉ nhìn bà với vẻ lạ lùng mà không trả lời.

Thế rồi, một ngày nọ, họ bắt gặp một thợ đẽo đá có nhớ rằng từng gặp vài người Trung Quốc. Văn và Bát đợi trong khi Ge’er trèo lên núi để nói chuyện với ông ta. Khi quay lại, Ge’er hào hứng kể rằng nhiều năm trước đây, người thợ đá này có gặp một nhóm người đi qua, trong số đó có vài người Trung Quốc. Toàn bộ nhóm đó đều mặc áo dài Tây tạng, nhưng không khó nhận ra những khuôn mặt không phải Tây Tạng trong số đó bởi họ không có nước da rám nắng màu đồng do bị mặt trời khắc nghiệt vùng cao nguyên thiêu đốt. Mỗi người trong số đó mang một khẩu súng trường gắn lưỡi lê. Có một cái bọc cứ quằn quại suốt trên lưng một trong mấy con ngựa. Ông ta cho rằng trong bọc đó ắt hẳn là có một con vật còn sống. Đám người nọ bảo họ đang đi về phía Đông Bắc.

Văn và Bát nhìn Ge’er sửng sốt. Liệu đó có phải là những người đã bắt cóc Zhuoma không? Văn cho rằng họ nên đi về hướng Đông Bắc để xem có thể thu thập thêm thông tin không, nhưng Ge’er lo rằng nếu làm vậy thì e họ sẽ từ bỏ việc tìm kiếm Khả Quân. Anh đề xuất rằng tốt hơn nên đi về phía Đông Nam, nơi mà theo một số người họ đã gặp thì họ sẽ tìm thấy nhiều người Trung Quốc.

Văn nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm, bàn tay siết lên bức ảnh Khả Quân trong túi trên ngực áo. “Zhuoma đã cứu mạng tôi. Người Trung Quốc chúng tôi hễ có nợ thì muốn trả. Tôi cho rằng nếu Khả Quân biết, anh ấy cũng sẽ muốn tôi tìm Zhuoma trước.”

Con đường về hướng Đông Bắc đưa họ qua những đèo núi cao lộng gió. Ge’er cảnh báo Văn rằng chỉ có thể băng qua những ngọn núi phủ tuyết vào mùa hè, nên họ sẽ phải chờ dưới chân núi cho đến hết mùa đông. Suốt mấy tháng mùa đông họ trú trong lều, tích lũy thêm dần sức mạnh và nghị lực. Ge’er đi săn hươu cùng các con thú hoang khác và hái các loại cây cỏ ăn được. Ông chỉ cho Văn và Bát cách làm sao phân biệt được các loại cây củ thuốc vẫn đang cố sinh tồn giữa tuyết giá.

Đến mùa xuân họ lại lên đường, rong ruổi hàng ngày trời gần như tuyệt đối im lìm, tập trung vào việc dẫn dắt ngựa tiến bước an toàn qua địa hình hiểm trở. Chẳng bao lâu sau khi xuống khỏi một rặng núi, họ gặp một nhóm người hành hương. Những người này buộc quanh trán và quấn quanh bàn tay bàn chân những mảnh vải nỉ dài. Chẳng mấy chốc Văn hiểu ra lý do họ làm vậy. Cứ sau mỗi bước tiến lên, các khách hành hương lại duỗi dài toàn thân trên mặt đất để ngay cả trán họ cũng chạm đất. Rồi họ đứng dậy và lại lặp lại hành vi cung kính bằng toàn bộ thân thể đó. Nhìn thấy Văn và các bạn đồng hành của bà, các khách hành hương đứng lại nghỉ. Họ nói rằng họ đã đi được bốn tháng trong chuyến hành hương đến núi Anyemaqen. Văn biết rằng để tới được núi Anyemaqen thì phải đi ngựa nhọc nhằn mất vài tuần. Với tốc độ đi thế này thì họ phải mất hàng năm. Bà tự hỏi liệu đức tin của bản thân mình có đủ cho bà trụ nổi nếu đi cùng cách đó hay không.

Sau họ chẳng gặp ai nữa. Văn thêm một dòng vào nhật ký, đè lên những chữ mà chính mình đã viết nhiều năm trước. “Giúp em với, Khả Quân ơi! Em biết anh đang dõi theo em, anh đang chờ em!”

Ngay khi đồ ăn thức uống của họ sắp cạn, họ nhìn thấy một túp lều. Ba khách lữ hành kiệt sức được gia đình du mục sống trong lều tiếp đón nồng hậu và lưu lại đó hai ngày hai đêm. Văn thấy điều kiện sống của gia đình này rất khác với gia đình Gela. Họ có nhiều đồ dùng gia đình và dụng cụ làm ruộng bán cơ khí, một chiếc xe đạp và cả một cái máy kéo nữa. Bà chưa hề nghĩ rằng cuộc sống của người Tây Tạng nơi này lại có thể khác nơi kia đến thế.

Chủ gia đình giải thích rằng hết thảy các thứ này đều được mua từ “cửa hàng xe tải” vẫn thường qua lại vùng đất Tây Tạng này trong mấy năm gần đây.

“Mấy cửa hàng đó là của người Trung Quốc ạ?” Văn hỏi.

“Không, họ là nhà buôn Tây Tạng,” người đàn ông đáp.

Ge’er kinh ngạc khi thấy đống máy móc, rón rén sờ sờ vào chúng. Ông cứ hỏi mãi không thôi.

“Mấy cái thứ nho nhỏ bằng sắt này ăn gì?”

“Ban đêm chúng làm gì?”

“Chúng có khi nào nổi giận không?”

“Anh có thể cưỡi xe đạp lên núi không?”

“Một cái máy kéo có thể kéo được bao nhiêu bánh phân một lần?”

Văn chưa bao giờ nghe Ge’er nói nhiều đến thế.

Trước khi họ lại lên đường, chủ nhà hỏi họ xem liệu con trai của ông là Zawang[10], vốn cũng đang định đi lên phía Bắc, có thể đi cùng họ không. Sắp xếp như thế thì Ge’er quá vui lòng. Có thêm một người đàn ông trong nhóm, lại là một chàng trai khỏe mạnh, thì tất cả những việc vặt vãnh trong chuyến đi - nào lấy nước hái củi, nào nhóm lửa nấu bếp, nào dựng lều, nào sửa chữa yên cương - đều sẽ nhẹ nhàng đi nhiều.

Sự có mặt của Zawang làm tâm trạng họ thay đổi và khiến cho chuyến đi bớt phần vô vị. Bát dường như đặc biệt vui thích nhờ có cậu. Văn chưa bao giờ thấy cậu bé cười nói nhiều đến thế. Ngắm hai người trẻ tuổi ở bên nhau, bà và Ge’er nhìn nhau mỉm cười.

Zawang đang trên đường tới tu viện nổi tiếng Wendugongba[11], để thăm ông anh trai tu ở đó. Đã mười năm nay không được gặp người anh vì tu viện không cho phép gia đình tới thăm trong thời gian đó. Anh trai cậu cần phải toàn tâm toàn ý tập trung vào việc học cách dệt những tấm thảm tinh xảo mà nhờ chúng tu viện này trở nên nổi tiếng. Zawang giải thích rằng để làm những tấm thảm đó, người ta dệt nhiều tấm vải lên một cái nền có độn để tạo ra những bức tranh phức tạp và tuyệt đẹp về các thần linh. Công trình của anh trai cậu nay treo trên các bức tường tu viện. Lòng Văn tràn đầy hoài nhớ về những bộ quần áo thêu bà từng mặc hồi còn ở châu thổ sông Dương Tử - những cái áo khoác lụa có độn bông thêu rồng phượng bằng chỉ màu. Bà nghĩ đến cha mẹ và chị gái, cả nhà chắc giờ đây tin rằng bà đã chết. Bà thò tay vào trong áo, sờ cuốn sách vẫn còn lưu giữ con hạc giấy của chị bà.

Khi đến được Wendugongba, Văn và Bát đợi bên ngoài vì phụ nữ không được phép vào trong khuôn viên tu viện. Vị lạt ma đón tiếp cánh nam giới bảo Zawang rằng anh trai cậu hiện không có mặt ở tu viện, anh ta đang tháp tùng tu viện trưởng đi viếng thăm hành chính xung quanh vùng. Tuy nhiên, mọi khách qua đường đều là khách quý của tu viện nên cậu và những người đi cùng có thể đợi tại nhà khách của tu viện ở gần đó cho tới khi ông anh Zawang trở về.

Nhà khách chia khu nam riêng, nữ riêng. Văn và Bát được đưa tới một phòng đơn xây bằng gạch bùn, phòng bên cạnh dành cho ngựa. Cửa ra vào và cửa sổ đều làm bằng những tấm mền nỉ phết dầu đóng đinh vào khung gỗ. Phòng rộng khoảng mười lăm mét vuông, bức tường chính treo một cuộn giấy dài thường sử dụng trong sinh hoạt tôn giáo. Bên dưới cuộn giấy là vài ngăn kệ gỗ đơn sơ. Vật dụng duy nhất là hai chiếc giường đơn, nếu không kể hai chiếc gối đan bằng cói đặt trên sàn để ngồi thiền và tụng kinh.

Văn những muốn bật khóc khi nhìn thấy căn phòng: quá lâu rồi bà mới lại được ngủ trong một nơi có tường vây quanh nên bà xúc động vô cùng. Bà ngồi lên giường, tận hưởng cảm giác riêng tư mà chiếc giường mang lại. Chỉ phải ngủ chung với một phụ nữ khác thôi là cả một sự xa hoa ít có.

Khi chuyển sang xem xét dăm món đồ vật trên mấy ngăn kệ gỗ, bà sửng sốt thấy vài cái trong số đó là đồ Trung Quốc. Có một cái túi nhựa của cửa hàng Mỹ nghệ Vinh Bảo Tề nổi tiếng ở Bắc Kinh, rồi thì giấy láng sản xuất ở Thành Đô, lại có cả một cái đèn pin làm ở Thượng Hải nữa. Nhìn thấy những vật đó, bà rưng rưng nước mắt: ngoài mấy món đồ xoàng xĩnh của chính mình, đã bao năm nay bà không được thấy dù chỉ một vật nào có dây mơ rễ má với Trung Quốc. Người Trung Quốc chắc hẳn đã mang theo vật sở hữu của mình đến căn phòng trống rỗng này. Bà cảm thấy bà đang đến gần hơn câu trả lời mình đang tìm kiếm.

Trong bữa ăn, một lạt ma bảo họ rằng vài hôm nữa sẽ có một lễ hội lớn Hoạt Phật[12] được tổ chức ở tu viện này. Các lạt ma sẽ hành lễ ở sân ngoài trời trước lối vào tu viện và không được quấy rầy các vị trong khi các vị diễn tập. Ba người Tây Tạng cảm thấy mình thật may mắn khi một buổi lễ tôn giáo quan trọng đến thế diễn ra đúng giữa lúc họ đang lưu lại tu viện. Bát giải thích cho Văn rằng bất cứ ai được vị Hoạt Phật sờ vào đầu đều sẽ được bình an và đạt được ước nguyện trong tâm khảm.

Chiều hôm đó, trước khi đàn ông đàn bà tách nhau ra bên nào về khu bên nấy, Văn hỏi Ge’er xem liệu ngày hôm sau có thể dò hỏi về Khả Quân ở chỗ tu viện không. Ge’er hứa sáng ra ông sẽ nói chuyện với các lạt ma.

Trước khi ngủ, Văn khắc thêm một dòng vào cuốn sổ: “Quân ơi, hôm nay em lại nhìn thấy chữ Hán. Chắc hẳn đây là dấu hiệu của anh gửi cho em rồi. Chồng yêu dấu của em ơi, đêm nay xin hãy cho em biết trong mơ rằng anh đang ở đâu.” Nhưng Văn thức trắng đêm, chẳng mơ thấy gì.

Ngày hôm sau, một vị lạt ma đến chỉ để nói với Văn rằng họ sẽ báo cho toàn thể tu viện biết chuyện bà đi tìm chồng vào giờ tranh luận kinh văn, và họ cũng sẽ hỏi các khách viếng thăm cũng như khách tham quan đến dự lễ Hoạt Phật sắp tới.

Lúc rạng đông vào ngày lễ, mấy tiếng cồng to rền vang đánh thức Văn dậy. Nhìn ra ngoài cửa sổ, bà thấy một bóng người đứng in hình lên mái tu viện: một vị lạt ma mặc áo choàng đỏ tía đang gõ thật lực vào một cái cồng to bằng đồng. Suốt hai tiếng đồng hồ sau đó người ta nghe tiếng các lạt ma tụng kinh, tiếng tụng rì rầm lúc lên lúc xuống vang vọng khắp các tòa nhà. Văn nghĩ đến Saierbao, Zhuoma và Ni, ba người phụ nữ thành tín đã dành suốt đời mình tụng niệm, đọc kinh.

Ngay trước khi lễ bắt đầu, một chú tiểu chạy ra nhà khách để tháp tùng các vị khách đến sân tu viện, chỗ trước cánh cổng có trang trí dẫn vào tu viện. Chú bố trí cho khách ngồi ở hàng trước, là vị trí tốt nhất để được Hoạt Phật ban phúc lành.

Đây là lần đầu tiên Văn được quan sát một buổi lễ tôn giáo ở Tây Tạng ở khoảng cách gần đến thế. Bà ngắm nhìn biển cờ xí, mê mải cứ như bị bỏ bùa. Trước các cửa tu viện, người ta dựng tám cái tù và dài, hai bên đó là các lạt ma đội mũ cao dựng đứng. Các lạt ma mặc lễ phục đứng thành một hình vuông lớn. Đột nhiên, một nhóm lạt ma đứng thành hàng mặc áo choàng màu đỏ và vàng thổi những chiếc kèn lấp lánh. Một nhóm diễn viên trông hao hao giống nghệ sĩ Kinh kịch từ trong tòa nhà tu viện sải bước đi ra. “Đó là các lạt ma sẽ biểu diễn điệu múa,” Bát thì thầm với Văn. “Khi lễ Hoạt Phật đã xong, đừng quên cùng với cháu tiến lên phía trước để cho ngài sờ đầu cô.”

Thật là một quang cảnh tuyệt vời. Hàng chục vũ công mặc quần áo sặc sỡ, đội những cái đầu giả tượng trưng cho ngựa và bò đứng chật cả sân. Các lạt ma tụng kinh, thổi tủ và bằng đồng và vỏ xà cừ. Tiếng kèn từ những chiếc tù và dài hơn giữ nhịp cho điệu múa, trong khi vị Hoạt Phật đi vòng quanh khán giả để ban phúc. Văn chẳng biết điệu múa có ý nghĩa gì, nhưng bà rất hồ hởi trước những gì mình thấy.

Bà quay lại quan sát đám đông để xem liệu các khán giả cũng ngây ngất khi chiêm ngưỡng sự giao hòa kỳ diệu này giữa thế giới con người với thế giới tâm linh giống như bà không. Kinh ngạc, bà nhận ra một số gương mặt người Trung Quốc. Tim bà như ngừng một nhịp khi bà thấy màu xanh dương, đen và xám quen thuộc của so quần họ giữa những y phục sặc sỡ nhiều màu của người Tây Tạng. Mặc dù bản năng mách bảo bà hãy chen lấn qua đám đông để tiến về phía họ, nhưng bà thấy ngợp trước khoảng cách xa xôi ngăn cách bà với cái thế giới mà bà từng lìa bỏ. Đã nhiều năm nay bà không thốt ra lời một từ Trung Quốc nào. Liệu bà có thể nào còn lên tiếng trò chuyện với họ không?

Bà cẩn thận len mình giữa biển người, cố tìm một nhóm người Trung Quốc nào xem ra có thể đến gần. Khi nhìn thấy một phụ nữ trạc tuổi mình đang hăng hái bàn bạc với các bạn về buổi lễ, bà lại gần bà ta, cúi đầu.

“Xin lỗi,” bà nói. “Tôi hỏi chị một câu được không?”

Những lời đó từ miệng bà phát ra nghe thật lạ.

“Chị nói được tiếng Trung à?” người phụ nữ hỏi, rõ là ngạc nhiên khi thấy một người trông như người Tây Tạng nhưng lại nói được ngôn ngữ của bà ta.

“Tôi là người Trung Quốc,” Văn buồn bã nói. “Nhưng tôi sống ở Tây Tạng từ năm 1958 tới giờ.”

Làm sao giải thích được những điều đã xảy đến với bà.

Người phụ nữ và đám bạn bà ta sửng sốt. Họ tới tấp hỏi Văn một thôi một hồi.

“Làm sao bà tới đây được? Bà bị bắt giam à?”

“Chị học nói tiếng Tây Tạng hồi nào vậy?”

“Bà có sống với người Tây Tạng không? Họ cư xử với bà thế nào?”

“Gia đình chị có ở đây không?”

Một người đàn ông trong nhóm đề nghị mọi người nên tìm một chỗ yên tĩnh để nói chuyện, tách khỏi đám đông.

“Chúng tôi có nhiều điều muốn hỏi chị,” ông ta nói, “nhưng tôi cảm thấy chị cũng có những điều muốn hỏi chúng tôi. Ta lên sườn đồi kia ngồi đi.”

Nhóm người nhỏ ngồi quây thành vòng tròn trên sườn đồi. Bên cạnh người đàn ông ban nãy, Văn được biết là quê ở Hồ Bắc và làm trong ngành nông nghiệp, còn có một chàng trai và một cô gái quê Hà Nam làm kỹ thuật viên ở một bệnh viện Tây Tạng, và một phụ nữ lớn tuổi hơn, người Tứ Xuyên, làm giáo viên. Bọn họ mỗi người có một lý do riêng để lên Tây Tạng sống. Những người trẻ cho bà biết họ dựa vào chính sách khuyến khích về tài chính do chính phủ Trung Quốc đưa ra để chuyển lên Tây Tạng; ở đây có thể tìm được nhiều việc làm. Người đàn ông có tuổi cho biết ông đến Tây Tạng vào hồi thập niêm 70 khi người ta có nhu cầu tuyển công nhân nông nghiệp từ Hồ Bắc, bởi ở Tây Tạng hồi đó tốt hơn là ở Trung Quốc, nơi tình hình chính trị đang rối ren. Người phụ nữ nói, do Tứ Xuyên gần biên giới Tây Tạng nên bà đến Tây Tạng vào thập niên 60 để “hỗ trợ vùng biên giới.”

Phải mất một hồi lâu Văn mới giải thích được với họ vì sao bà chuyển sang mặc y phục Tây Tạng, vì sao khuôn mặt bà dạn dày sương gió, đôi bàn tay bà thô ráp. Khi bà kể xong, cả nhóm ngồi lặng thinh. Họ nhìn bà vẻ nghi ngờ.

Chính người phụ nữ phá tan sự im lặng.

“Chị có biết là giao tranh giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng đã chấm dứt từ lâu rồi không?” bà ta hỏi.

Văn không đáp, mặc dù tâm trí bà quay cuồng trước cái tin này. Dường như không có cách nào nói cho những người kia hiểu bà đã sống một cuộc sống tách biệt như thế nào. Họ hầu như chẳng biết gì về những đồng bằng trơ trụi vùng Thanh Hải hay về lối sống du mục. Mặc dù sống ở Tây Tạng, họ vẫn khép kín trong cộng đồng Trung Quốc của mình. Làm sao bà có thể nói cho họ biết bà đã sống ở một nơi không hề có chính trị, không có chiến tranh, chỉ có một lối sống cộng đồng tự túc và tự tại, mọi thứ đều được chia sẻ - và không gian vô tận, nơi thời gian trải dài không dứt.

“Làm ơn cho tôi biết hiện giờ tình hình giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng ra sao?” bà hỏi.

Người phụ nữ và các bạn bà nhìn nhau.

“Trong thời gian chị ở Tây Tạng, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều,” người phụ nữ nói. “Nhiều lắm, chắc chị không đoán được đâu. Chúng tôi khó mà biết được chính xác điều gì đang xảy ra ở Tây Tạng và tại sao Đạt Lai Lạt Ma không còn ở đây nữa.”

Kể từ những cuộc trò chuyện với Zhuoma từ nhiều năm trước, Văn không nghĩ đến Đạt Lai Lạt Ma nhiều lắm, nhưng dù vậy bà vẫn sửng sốt khi biết rằng ngài không còn sống ở Điện Potala như bà tưởng.

“Nhưng vì sao ngài lại bỏ đi?” bà hỏi.

“Tôi không biết,” người phụ nữ nói. “Tôi nghe người ta nói quan hệ giữa chính phủ Trung Quốc với Đạt Lai Lạt Ma hồi đầu khá tốt, vào đầu những năm 50 chính phủ Cộng sản còn được nhân dân Tây Tạng và giới tinh hoa Tây Tạng ủng hộ. Nếu không thì cớ sao Đạt Lai Lạt Ma, hồi đó đã đi trốn ở làng Đông Á Sơn Khẩu bé xíu heo hút vùng biên giới, lại quay về thủ đô Lhasa? Và cớ sao ngài lại cử đại diện tới Bắc Kinh vào năm 1951 để ký “Thỏa ước Giải phóng Tây Tạng trong Hòa bình” với chính phủ Trung Quốc nhằm biến Tây Tạng thành một khu tự trị của Trung Quốc? Rõ ràng là cuộc gặp giữa Đạt Lai Lạt Ma với Mao Chủ tịch hồi năm 1954 rất thân thiện và Đạt Lai Lạt Ma rất ấn tượng trước trí tuệ và năng lực của Mao Chủ tịch. Người ta nói rằng bài thơ ngài viết để ca ngợi Mao Chủ tịch và câu “Vạn Phúc Kim Luân” ngài trao tặng cho Bắc Kinh là bằng chứng cho điều này. Trong năm đó, cả ngài lẫn Ban Thiền Lạt Ma đều chấp nhận quyền ủy trị của chính phủ Trung Quốc tại Đại hội Quốc dân, cho thấy rằng Tây Tạng tán thành chế độ Bắc Kinh.”

“Vài người nói thế,” người đàn ông đứng tuổi chen vào, “song những người khác tin rằng lúc đó Đạt Lai Lạt Ma còn trẻ người non dạ, dễ bị người ta tác động. Chính phủ Bắc Kinh đã tẩy não ngài. Nhưng mặc dù họ có thể tìm được cách gây ảnh hưởng lên cảm tính của ngài đối với những vấn đề nhỏ, họ không bao giờ có thể khiến được ngài từ bỏ niềm tin vào nền độc lập của Tây Tạng. Người ta có thể nói rằng hồi đầu những năm 50 Mao không hề có ý định dùng vũ lực ở Tây Tạng, ông biết rằng không nên can thiệp mà hãy để người Tây Tạng tự quản lấy, nhưng liệu ông có chấp nhận cho Tây Tạng độc lập không? Cũng dễ hiểu vì sao ông cho quân đến Tây Tạng vào năm 1958. Lúc đó có nổi loạn ở vùng Tây Nam Trung Quốc và Tưởng Giới Thạch đã công bố ông ta đang xây dựng lực lượng ở Đài Loan để tấn công phe Cộng sản. Điều cần thiết là Mao phải kiểm soát được Tây Tạng. Lý do duy nhất khiến ông dễ dãi đến như vậy với Tây Tạng sau năm 1949 là bởi cuộc chiến Triều Tiên khiến Quân đội Giải phóng phải điều binh lực và khí tài đi nơi khác. Nhưng đến cuối thập niên 50, Quân đội Giải phóng đã có vài năm để phục hồi sức mạnh và sẵn sàng tính sổ với Tây Tạng. Đạt Lai Lạt Ma lúc đó đang nhận vũ khí của phương Tây và ngầm ủng hộ Phong trào Độc lập cho Tây Tạng. Mao không có cách nào khác ngoài cử quân tới.”

Người phụ nữ lại nói.

“Ai mà biết được sự thật? Đạt Lai Lạt Ma bị giằng xé giữa đôi đằng. Một mặt, lời hứa của chính phủ Trung Quốc rằng Tây Tạng được quyền lựa chọn không tham gia phong trào cải cách đã bị vi phạm. Những chiến dịch chính trị như ‘Giết kẻ giàu, giúp người nghèo,’ ‘Mọi người đều bình đẳng’ và ‘Không dung thứ cho tôn giáo’ đang xói mòn quyền lực của giới lãnh chúa phong kiến Tây Tạng, làm lung lay niềm tin của Đạt Lai Lạt Ma vào Bắc Kinh. Mặt khác, ngài không muốn làm Bắc Kinh nổi giận. Thế nên ngài chơi trò hai mặt: một mặt ngài đóng vai trò tích cực trong các kế hoạch chính trị do chính phủ Trung Quốc khởi xướng, mặt kia ngài làm như không biết tới những nỗ lực của Phong trào Độc lập cho Tây Tạng nhằm gây binh biến trong hàng ngũ Đội quân Người Bảo vệ Đức tin. Nhưng ngài như một người đứng trên hai con thuyền cùng một lúc: rốt cuộc ngài chẳng được gì. Bắc Kinh cử lính tới hủy diệt sự thống nhất giữa giáo hội với chính quyền vốn có ở Tây Tạng từ lâu đời, trong khi Quân đội Người bảo vệ Đức tin mặc dù được phương Tây ủng hộ vẫn không thể bảo vệ ngai vàng của Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi vội vàng bỏ chạy, Đạt Lai Lạt Ma thậm chí không dám mặc y phục của chính mình. Ngài được những nguồn đáng tin cậy cho hay Quân Giải phóng Tây Tạng đang dự định bắt ngài giam vào ngục để trừng phạt việc ngài tìm cách cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Chính vì vậy mới có nhiều người Tây Tạng đến thế canh gác quanh Điện Potala, để bảo vệ vị lãnh tụ tinh thần của họ - đó là sự cố mà Bắc Kinh cáo buộc là ‘châm ngòi’ cho bạo loạn.”

Chàng trai và cô gái trẻ trong nhóm từ nãy đến giờ vẫn rất lặng lẽ. Giờ thì chàng trai hỏi: “Nhưng nếu Đạt Lai Lạt Ma bỏ chạy đột ngột như vậy thì tại sao lại có lắm lời đồn về chuyện kho báu ở trong Điện Potala đã được đưa ra khỏi đất nước từ một, hai năm trước khi mọi chuyện này nổ ra, và làm sao Đạt Lai Lạt Ma mang theo được tất cả kho báu theo mình khi sống lưu vong? Cố thủ tướng Chu Ân Lai nói Đạt Lai Lạt Ma có phương diện nào đó giống như thần thánh khi ngài sống ở Điện Potala, nhưng khi một vị thánh rời khỏi ngôi đền của mình thì vẻ thiêng liêng của ngài bị lu mờ. Tôi cho rằng giờ đây Đạt Lai Lạt Ma không còn ở Tây Tạng nữa thì ngài cũng đã từ bỏ cuộc đấu tranh giành độc lập.”

“Tôi không chắc cậu có đúng không,” người phụ nữ lớn tuổi hơn nói. “Tôi nghĩ ngài cũng mong trở về lắm. Chính phủ bảo chúng ta rằng họ đã nhiều lần cố gắng đối thoại với Đạt Lai Lạt Ma, nhưng ngài luôn cự tuyệt mọi tiếp xúc. Nhiều người Tây Tạng tôi có nói chuyện thì bảo tôi rằng thật ra là ngược lại. Chúng ta nên tin gì đây?”

Bà quay sang Văn với một nụ cười buồn.

Đầu Văn quay cuồng. Trước đây bà chưa bao giờ nghe một cuộc trò chuyện về chính trị như thế này cả. Hồi còn trẻ, bà từng có cảm hứng với những lý tưởng chính trị, nhưng khi đó bà và các bạn đều tin cùng một thứ. Bà không chắc liệu có khi nào mình sẽ gỡ được mớ thông tin rối tinh rối mù người ta vừa tiết lộ cho bà không. Bà nghĩ, sự thực luôn luôn khó nắm bắt bởi vì con người không bao giờ có thể khôi phục quá khứ y như nó đã xảy ra. Khi cả nhóm đi bộ xuống sườn đồi thì trời đã tối. Đối với Văn, điều quan trọng hơn nhiều so với biết chuyện chính trị là làm sao tìm được chồng. Trước khi tách khỏi những người đó, bà quyết tâm tìm hiểu xem liệu họ có giúp bà được không. Nhưng không ai khuyên được điều gì thiết thực cho lắm. Họ nói rằng bản thân họ nhận thư từ Trung Quốc còn khó nữa là.

“Có lẽ nếu chị đi Lhasa thì các sĩ quan quân đội ở đó sẽ có nhiều thông tin hơn, hoặc là sẽ giúp chị quay về Trung Quốc,” người phụ nữ nói.

Văn cảm ơn. Mặc dù trọn tâm hồn bà mong mỏi được trở về Tô Châu để ôm cha mẹ và chị gái trong vòng tay, bà biết rằng chừng nào chưa có được tin tức gì về Khả Quân và Zhuoma, bà không thể rời Tây Tạng. Thế là bà dõi theo những người Trung Quốc đầu tiên bà gặp trong nhiều năm qua dần rời xa mình. Trong một thoáng, bà thấy thôi thúc muốn chạy theo họ, nhưng bà kìm mình lại. Giờ đây bà không thuộc về họ nữa. Ge’er và Bát là gia đình của bà.

Khi trở về phòng mình ở nhà khách, bà gặp một vị lạt ma ngồi ngoài cửa, trên nền đất, vừa lần tràng hạt vừa tụng niệm. Khi thấy bà, ông ngẩng lên nhìn.

“Tôi nghe người ta nói bà đang tìm một phụ nữ tên là Zhuoma.”

“Vâng,” Văn phấn khởi nói. “Ngài có biết gì không ạ?”

“Tôi cũng đang đi tìm bà ấy,” vị lạt ma nói. “Nhiều năm trước đây, tôi là đầy tớ của bà ấy. Chúng tôi bị lạc nhau khi đang đi trong một cơn bão. Tôi lang thang nhiều ngày tìm bà ấy và lẽ ra đã chết nếu như một vị lạt ma ở tu viện này lúc đó đang hái cỏ làm thuốc ở trên núi không tìm ra tôi và mang về đây. Từ đó đến nay tôi hiến đời mình cho tu viện này, nhưng tôi chưa bao giờ thôi hỏi tất cả khách đến thăm chùa, để may ra biết được tin gì về bà chủ quý mến của tôi.”

Văn khó nhọc mới nói nên lời. “Ngài là Thiên An Môn,” bà nói.

Vị lạt ma sửng sốt. “Phải,” ông nói. “Bà ấy gọi tôi là Thiên An Môn.”

Những ngày tiếp sau lễ Hoạt Phật, Thiên An Môn thường đến thăm Văn, Ge’er và Bát trong thời gian rảnh giữa các buổi đọc kinh ở sảnh đường lớn của tu viện. Khi nghe kể câu chuyện về Zhuoma, ông siết chặt hai bàn tay to tướng cho đến khi các khớp kêu răng rắc. Sau đó ông có vẻ đăm chiêu. Ông bảo họ rằng ông đã gửi thư thỉnh cầu tu viện trưởng xin được nghỉ phép rời khỏi tu viện một thời gian. Ông muốn cùng họ đi tìm Zhuoma. Ít lâu sau, ông đến gặp họ mang theo tin vui rằng đơn xin của ông được chấp thuận. Chưa hết, tu viện trưởng còn sẵn sàng ban phúc cho cuộc tìm kiếm của họ, cuộc tìm kiếm mà ở đó số phận của người Trung Quốc gắn liền với số phận của người Tây Tạng. Thiên An Môn dẫn họ đến diện kiến vị lạt ma trụ trì, ngài kiên nhẫn lắng nghe lời thỉnh cầu của họ.

“Trên vùng cao nguyên,” ngài nói, “bầu trời có thể thay đổi, con người ta có thể thay đổi, bò cừu, hoa cỏ đều có thể thay đổi, song những ngọn núi thiêng thì không. Nếu các vị để thông điệp lại trên mười ba ngọn núi thiêng, những ai biết về Zhuoma sẽ tìm thấy chúng. Sự sống khởi nguồn ở tự nhiên và quay trở về với tự nhiên.”

Ngài cho Văn nửa cây bút chì, ngài bảo bà rằng đây là một báu vật hiện đại thuộc về tu viện. Văn rất thích thú. Cả đối với bà, cây bút chì này là vô giá: viết nhật ký đã trở thành niềm an ủi chính của bà, nhưng hòn đá nhuộm màu của bà chỉ khắc được những vệt mờ nhạt trên các trang sách mà thôi. Chiều hôm đó, bà viết nhật ký bằng những dòng chữ màu đen rõ ràng.

Chỉ có Bát dường như buồn vì họ sắp rời tu viện. Giờ đây khi anh của Zawang đã trở về tu viện cùng lạt ma trụ trì, Zawang ít dành thời gian ở bên cô hơn. Bất cứ khi nào các lạt ma được giải phóng khỏi các nghĩa vụ hàng ngày, Zawang liền chạy ù đi nói chuyện với người anh mà cậu mười năm không gặp. Văn tự hỏi làm sao Bát sống được một khi đã quen có bầu có bạn như thế? Nhưng, nỗi lo của bà là vô ích. Một ngày trước khi họ ra đi theo dự định, Ge’er đến bảo bà rằng Zawang muốn theo họ trong chuyến đi này. Dường như cả cậu cũng không thể chịu nổi nếu chia tay với Bát. Người ta cử điệp sứ cưỡi ngựa tới chỗ Gela và đến gặp gia đình của Zawang để báo với họ rằng đã tìm ra Thiên An Môn và Zawang đã quyết định tham gia cuộc tìm kiếm. Trước đây họ đã cử các điệp sứ như vậy rồi, nhưng chưa bao giờ nhận lại được tin tức gì về gia đình Gela cả. Văn hy vọng rằng các thông điệp đó sẽ tới được đích.

Tu viện lo liệu việc cung cấp ngựa cưỡi và các thứ dự phòng cho họ. Khi lên ngựa, Văn để ý thấy Thiên An Môn có chất theo mấy súc lụa. Bà cho rằng, là một lạt ma, ông ta cần mang kinh sách theo mình. Tuy nhiên, trên đường đi, Thiên An Môn giải thích rằng thật ra đó là các thông điệp hỏi han thông tin về bà Zhuoma mất tích. Tu viện đã dạy ông nhiều điều, trong đó có dạy viết chữ. Ông kể cho bà về những cuộc tranh luận kinh văn, ở đó các lạt ma bàn luận những cách diễn giải kinh sách theo một nghi thức tranh luận trang trọng với một loạt quy tắc rất cụ thể. Văn cảm thấy mình trở nên gần gũi hơn với cái ông Thiên An Môn lầm lì ít nói nhờ có dịp hiếm hoi này để nhìn vào trong thế giới của ông ta.

Bao nhiêu thời gian đã qua trong chuyến hành trình đó xung quanh các ngọn núi thiêng ở Thanh Hải? Văn không còn biết đếm ngày đếm tuần nữa. Nhóm người nho nhỏ của bà cứ nhọc nhằn tiến lên phía trước, quyết tâm tìm bằng được Zhuoma, dù đường xa, dù vất vả gian truân, họ vẫn không hề nhụt chí. Giữa mỗi ngọn núi thiêng khổng lồ lại là một rặng núi khác mà họ phải vượt qua. Nhưng họ không đầu hàng: họ sẽ không dừng bước chừng nào chưa để lại hết các súc lụa của Thiên An Môn trên tất cả mười ba ngọn núi.

Ở đâu đó giữa ngọn núi thứ nhất và ngọn núi thứ ba, Ge’er đồng ý cho Bát và Zawang lấy nhau. Những ngọn núi im lìm là nhân chứng cho họ. “Chúng ta sống dưới đôi mắt các linh hồn,” Ge’er bảo bà. “Mối kết giao này là một phần của thiên cơ.” Văn tự hỏi phải chăng Bát, với năng khiếu tiên tri của mình, xưa nay vẫn luôn luôn biết điều gì đó về mối hôn nhân này. Có lẽ chính vì vậy cô đã đợi lâu đến thế trước khi gắn bó mình với một ai, rõ là bất chấp phong tục tảo hôn của Tây Tạng. Liệu các linh hồn có dẫn dắt cô cả trên con đường của bà không? Càng lúc bà càng cảm thấy sự hiện diện của họ trong cuộc đời bà.

Ở ngọn núi thứ năm, Bát sinh hạ một bé gái, đặt tên là Zhuoma.

Văn rất lo lắng chuyện lại có một đứa bé thêm vào nhóm. Việc thường xuyên phải đi lại khiến Bát căng thẳng quá sức, nên có lẽ là không phải nếu cứ để Bát liều tính mạng của cô lẫn của đứa con để tiếp tục cuộc tìm kiếm. Văn bàn với Thiên An Môn và Ge’er về nỗi lo của mình, và mọi người nhất trí rằng Ge’er sẽ đi cùng Bát với Zawang tới một chỗ nào đó nơi hai vợ chồng có thể xây dựng cuộc sống gia đình đâu ra đấy. Sau đó ông sẽ quay về nhà với Gela và Saierbao: ông rời xa anh trai và vợ quá lâu nên đã đến lúc đoàn tụ. Thiên An Môn có thể bảo vệ Văn. Thiên An Môn khuyên Ge’er nên đưa cặp vợ chồng trẻ về phía Đông Nam. Ở tu viện ông có nghe người ta nói rằng tại đó, người Trung Quốc và người Tây Tạng cùng chung sống. Bát và Zawang sẽ tìm được việc làm, còn con gái họ có thể đi học.

Trong khi Văn ngắm ngựa của Ge’er đi xa dần, theo sau là Bát và Zawang, bà tự hỏi liệu có bao giờ mình sẽ gặp lại họ không. Cả phần đời còn lại cũng không đủ cho bà có thời gian đền đáp tất cả những gì Ge’er và gia đình ông đã làm cho bà. “Án ma ni bát mê hồng,” bà thì thầm trong hơi thở giữa lúc những bóng người biến mất vào rặng núi.

Chính là ở ngọn núi thứ chín nơi họ tìm ra thông điệp của Zhuoma. Ngọn núi đầy những tảng đá mani chồng chất, trên đó có khắc những bài kệ mani và nhiều đoạn kinh phật.

“Đó là kinh Kim Cang,” Thiên An Môn nói. “Cứ mỗi ụ đá là một chương kinh.”

“Tôi sờ vào được không?” Văn hỏi.

“Được,” Thiên An Môn đáp. “Khi đặt ngón tay vào các chữ, chị sẽ cảm nhận được sự có mặt của các linh hồn.”

Trong một lát, hai người tách nhau ra, tha thẩn đi quanh các ụ đá, đọc những lời kinh được lưu giữ trong đá. Khi Văn ngắm nhìn chúng, bà cố hình dung không biết bao nhiêu thế hệ bàn tay đã khắc nên những chữ thiêng kia, chồng chất chúng trên ngọn núi này để được lưu giữ suốt hàng ngàn năm. Bỗng Thiên An Môn gọi to. Văn quay lại. Ông đứng đó, vừa vẫy vẫy một cái khăn khata màu trắng mà ông rút xuống từ dãy phướn cầu nguyện phất phơ trong gió vừa kêu lên cái gì đó không thể nghe ra. Khi Văn lại gần ông, đi xuống con dốc, hầu như ông quá xúc động không nói được. Bà cầm lấy cái khăn từ tay ông. Trên đó có ghi một câu giản dị: “Zhuoma đang tìm Thiên An Môn. Bà ấy đợi ông ở ngọn núi kế cận, gần chỗ lều thợ đẽo đá.”

Tim họ như muốn bật ra khỏi miệng trong khi họ giục ngựa phi về phía ngọn núi kế cận. Thông điệp đó nằm đây bao lâu rồi? Zhuoma có đợi được không? Họ đi mất nhiều ngày. Khi đến được chân núi, họ thấy ở đằng xa túp lều của thợ đẽo đá, bên trong có dáng người một phụ nữ trông như tượng. Khi ngựa của họ phóng ầm ầm về phía người đó, bà ta quay lai. Ấy là Zhuoma.

Mãi một hồi lâu cả ba người đứng lặng. Trong cơn cảm xúc trào dâng, họ không nói được lời nào. Văn xuống ngựa, ôm lấy người bạn đã hai mươi năm không gặp. Sau lưng bà, Thiên An Môn chào người chủ cũ bằng những giọt lệ âm thầm. Ông đã tìm thấy bà, nhưng không thể ôm bà trong tay. Ở Tây Tạng, phụ nữ độc thân chỉ được phép chạm vào bàn tay một người đàn ông nếu người đó đã thề nguyện dâng đời mình cho Phật.

Từ sự im lặng của Zhuoma khi họ nhắc tới chủ đề này, có thể thấy rõ rằng bà không muốn nhắc tới những gì đã xảy ra với mình từ khi bà bị bắt cóc. Văn và Thiên An Môn không bao giờ dám xúc phạm đến lòng tự trọng của bà bằng cách cứ gặng hỏi. Họ chỉ biết được rằng bà đã bị đưa tới thành phố Tây Ninh của Trung Quốc ở góc Đông Bắc tỉnh Thanh Hải, sống ở đó nhiều năm trước khi tìm được cách trốn thoát. Phải mất hai năm bà mới tìm được gia đình của Gela. Khi rốt cuộc bà cũng tìm được họ thì Văn đã ra đi từ lâu rồi.

Làm sao bà đã nghĩ tới chuyện để lại thông điệp trên các ngọn núi thiêng? Văn hỏi, sửng sốt khi thấy số phận hẳn đã run rủi cho Zhuoma hành động giống hệt như bà.

“Một người thợ đẽo đá mani có nói với tôi một điều mà tôi không thể quên,” Zhuoma đáp. Anh ấy nói: ‘Người Tây Tạng luôn luôn tìm lại được ở các ngọn núi thiêng những gì mình đã đánh mất.’ Tôi bèn quyết định rằng hàng năm trời tôi sẽ đến thăm tất cả các ngọn núi thiêng, và nếu trước mùa đông mà tôi không nhận được tin gì, tôi sẽ quay lại ngọn núi đầu tiên vào mùa xuân và lại khởi sự từ đầu. Tôi đã làm như thế,” bà nói, buồn bã nhìn Thiên An Môn. “Tôi đã thăm từng ngọn núi nhiều lần, giờ thì các ngọn núi đã trao cho tôi những gì tôi đã mất.”

Bà quay sang Văn.

“Chị tìm được Khả Quân chưa?”

Văn chỉ biết lắc đầu.

“Thế thì,” Zhuoma nói, “tôi muốn giúp chị tìm lại những gì chị đã mất. Hãy cho tôi biết tôi phải làm gì.”

Văn cảm thấy lời của Zhuoma giống như một món quà tự trên trời ban xuống. Kể từ khi gặp những người Trung Quốc ở Wendugongba, bà luôn ngẫm nghĩ tới những gì đã biết được về sự có mặt của người Trung Quốc ở Tây Tạng.

“Tôi muốn đến Lhasa,” bà nói. “Tôi nghĩ ở đó tôi có thể tìm thấy những người ở trong quân đội Trung Quốc. Có thể họ có hồ sơ ghi lại chuyện gì đã xảy ra với trung đoàn của chồng tôi.”

Zhuoma liếc sang Thiên An Môn vẻ dò hỏi.

“Tôi sẽ đưa cả hai vị đến Lhasa,” ông nói, “nhưng sau đó tôi có nghĩa vụ phải quay về tu viện.”

Phải khó khăn lắm Văn mới có thể nhìn Zhuoma. Bà đau đớn nhận ra rằng người bạn của mình rồi sẽ phải một lần nữa đối mặt với nỗi đau mất người bà yêu.

○○○

Tôi nghĩ đến cảnh Văn và Zhuoma đối diện nhau, tóc bạc, sợ không dám nói quá nhiều, thận trọng không dám hỏi nhau nhiều. Cả hai đều biết có những điều không nên bàn tới. Rằng họ không đủ sức. Rằng sau quá nhiều năm mất mát đổi thay, trái tim họ hẳn không còn đủ sức chịu đựng nữa.

Nhiều lần tôi tự hỏi những gì có thể đã xảy ra với Zhuoma trong những năm xa cách Văn. Có lẽ bà ấy đã bị bắt cóc để làm vợ một ai đó. Chuyện này thường xảy ra ở những vùng dọc theo Con Đường Tơ Lụa. Suốt nhiều thế hệ, người Mông Cổ, người Tây Tạng và người Trung Quốc sống gần Con Đường Tơ Lụa vẫn thường tấn công các thương đoàn để tìm vợ cho mình. Đôi khi, nếu người phụ nữ giàu có, những kẻ bắt cóc sẽ thỏa thuận với bà ta rằng bà ta chỉ cần sống với vợ chồng trong một thời hạn nhất định. Có lẽ đây là trường hợp của Zhuoma. Khi gặp Thư Văn và Thiên An Môn, bà vẫn đang đeo các món nữ trang của tổ tiên. Điều này cho thấy chồng bà có lẽ là một người giàu có, quyền thế, nên tôn trọng tài sản của vợ mình. Dù thế nào đi nữa, và nếu điều tôi đoán là đúng, thì cũng khó hình dung được một phụ nữ có học vấn như Zhuoma phải chịu thống khổ như thế nào trong suốt những năm bị ép làm vợ ấy, hay làm thế nào bà thích nghi được với cuộc sống sau đó.